LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Chương 354 : Đơn Phụ Tễ



Người dân ở huyện Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) là Mỗ, hơn năm mươi tuổi lại lấy người thiếp còn trẻ. Hai đứa con trai sợ ông ta lại sinh con, bèn nhân lúc cha say rượu, ngầm thiến đi rồi băng bó lại. Ông ta biết, thác bệnh không nói gì, lâu sau vết thương đã gần lành. Chợt một hôm gần vợ, vết dao cũ toác ra, máu chảy không cầm được, kế chết. Người thiếp biết, kiện lên quan. Quan bắt hai người con, quả nhiên đều nhận tội. Quan hoảng sợ nói “Nay ta lại làm quan huyện không con* rồi!”. Bèn đem giết hai người.

*Quan huyện không con: nguyên văn là “Đơn phụ tễ” (Quan huyện là người cha cô đơn). Ngày xưa quan lại thường được gọi là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân), quan huyện này gặp phải việc hai người con thiến cha nên nói như vậy. Chữ Đơn (Đan) còn có một âm là Thiện, “Thiện Phụ”, lại là một huyện cũng trong tỉnh Sơn Đông, nên ba chữ trên còn có nghĩa là “Quan huyện Thiện Phụ”, ở đây có chỗ chơi chữ không dịch được.

Huyện ta có Vương sinh, cưới vợ được hơn tháng thì bỏ vợ, người cha vợ kiện lên quan. Lúc ấy ông Tân làm Tri huyện huyện Truy, hỏi Vương vì sao bỏ vợ, Vương đáp là không thể nói được. Hỏi mãi mới đáp rằng “Cô ta không thể sinh nở”. Ông Tân nói “Nói bậy! Mới cưới hơn một tháng, làm sao đã biết là không thể sinh nở”. Vương ngượng nghịu hồi lâu mới đáp “Vì chỗ kín của cô ta méo”. Ông Tân phì cười nói “Té ra là vì méo mó nên trong gia đình không êm thắm”*. Đây cũng là một chuyện nên chép lại cùng chuyện Quan huyện không con để cười vậy?

Té ra… êm thắm: nguyên văn là “Thị tắc thiên chi vi hại, nhi gia chi sở dĩ bất tề dã”. Tề gia (sắp xếp việc nhà cho êm đẹp) là một trong những nhiệm vụ của người quân tử theo quan niệm Nho giáo, đây quan huyện chơi chữ, đem chữ tề đối với chữ thiên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.