Lựa Chọn Của Trái Tim
CHƯƠNG 3
Hôm đó trở thành một trong những ngày Gabby tự hỏi tại sao cô lại quyết định làm việc tại một phòng khám nhi. Xét cho cùng, cô đã có cơ hội làm việc tại khoa tim mạch trong bệnh viện, đó đã là kế hoạch của cô trong suốt thời gian theo học trường đào tạo Phụ tá Bác sĩ. Cô tha thiết được tham gia hỗ trợ trong những ca phẫu thuật đầy thử thách, công việc đó xem ra hoàn toàn thích hợp, cho đến kỳ thực tập cuối cùng, khi cô tình cờ làm việc với một bác sĩ nhi, người đã nhồi vào đầu cô những tư tưởng về tính cao thượng và niềm hạnh phúc của công việc chăm sóc trẻ. Bác sĩ Bender, một bác sĩ từng trải với mái tóc hoa râm và nụ cười không bao giờ tắt, người đúng là biết rõ hầu hết những đứa trẻ ở Sumter, Nam Carolina, đã thuyết phục cô rằng dù khoa tim có thể trả lương cao hơn và xem ra hấp dẫn hơn, nhưng không gì thỏa mãn bằng việc bế những đứa trẻ sơ sinh và quan sát chúng phát triển trong những năm hệ trọng đầu đời. Thường thì cô chỉ gật đầu cho phải phép, nhưng vào những ngày cuối cùng, ông đã buộc cô đưa ra quyết định bằng cách đặ tôi vào tay cô một đứa bé. Khi đứa bé ọ ẹ thì giọng bác sĩ Bender bồng bềnh bên tai cô: “Ở khoa tim mạch, mọi thứ đều khẩn cấp, bệnh nhân của cô dường như lúc nào cũng ốm dần ốm mòn, dù cô có làm gì chăng nữa. Sau một thời gian, công việc ở đó hẳn sẽ vắt kiệt sức của cô. Cô cũng sẽ sớm kiệt quệ nếu không cẩn thận. Nhưng săn sóc một thằng cu thế này…” Ông ngừng lại, ra hiệu về phía đứa bé. “Đây là công việc cao quý nhất trên đời”.
Dù có một lời mời làm việc ở khoa tim mạch trong bệnh viện thành phố quê nhà, cô đã nhận làm việc cùng với bác sĩ Furman và bác sĩ Melton tại Beaufort, NamCarolina này. Bác sĩ Furman chỗ cô là một ông già đãng trí, còn bác sĩ Melton là một tay ve vãn, nhưng đây là cơ hội để sống gần Kevin hơn. Và ở mức độ nào đó, cô tin có lẽ bác sĩ Bender đúng. Ông đã đúng về những đứa bé sơ sinh. Phần lớn, cô rất thích được làm việc với chúng, ngay cả khi cô phải tiêm cho chúng và những tiếng hét khiến cô nhăn mặt. Những đứa bé đang tập đi cũng thú vị. Hầu hết đều có những tính cách đáng yêu, và cô rất thích quan sát mỗi khi chúng ôm chăn hay con gấu bông, chăm chú nhìn cô với vẻ mặt thánh thiện. Các bậc phụ huynh mới là những người khiến cô phát điên. Bác sĩ Bender đã quên đề cập đến một điểm then chốt: Trong khoa tim mạch, bạn làm việc với một bệnh nhân tới phòng khám bởi vì anh ta hoặc cô ta muốn hoặc cần như vậy; ở khoa nhi, bạn làm việc với một bệnh nhân dưới quyền chăm sóc của các bậc phụ huynh kích động, biết tuốt. Eva Bronson là một ví dụ cho điểm này.
Eva, đang ngồi ôm George trên đùi trong phòng khám, có vẻ coi thường Gabby. Việc cô không phải một bác sĩ chuyên môn và còn khá trẻ đã khiến các vị phụ huynh tin rằng cô chả hơn gì một y tá được trả lương quá hậu.
“Cô có chắc bác sĩ Furman không thể cố thu xếp gặp chúng tôi không?” cô ta nhấn mạnh từ bác sĩ.
“Ông ấy đang ở bệnh viện,” Gabby trả lời. “Một lúc sau ông ấy mới về được. Bên cạnh đó, tôi chắc chắn ông sẽ đồng ý với tôi. Con trai của chị đã khỏe lên rồi”.
“Nhưng nó vẫn còn ho.”
“Như tôi đã nói, các bé đang tập đi có thể sẽ ho đến sáu tuần sau lần cảm lạnh. Phổi của chúng lâu khỏi hơn, nhưng điều đó hoàn toàn bình thường ở tuổi này.”
“Như vậy cô sẽ không cho nó một liều kháng sinh?”
“Không ạ. Cháu không cần đến kháng sinh. Tai của cháu đã rõ, xoang cũng đã sạch, tôi không nghe thấy bất kỳ dấu hiện viêm phế quản nào trong phổi. Nhiệt độ của cháu bình thường, và trông cháu rất khỏe.”
Geroge vừa mới lên hai, đang giãy giụa trong lòng Eva hòng thoát ra ngoài, tràn đầy năng lượng hân hoan. Eva siết chặt vòng tay hơn.
“Vì bác sĩ Furman không có đây, có lẽ bác sĩ Melton nên khám cho thằng bé. Tôi dám chắc nó cần một liều kháng sinh. Lúc này, đến nửa bọn trẻ ở trường nó đang dùng kháng sinh. Có dịch bệnh gì đó đang lan tràn.”
Gabby giả bộ viết gì đó vào biểu đồ. Eva Bronson lúc nào cũng muốn một liều kháng sinh cho George. Eva Bronson sẽ là một con nghiện kháng sinh, nếu như có căn bệnh đó.
“Nếu cháu bị sốt, chị có thể đưa cháu lại đây và tôi sẽ khám lại cho cháu.”
“Tôi không muốn lại phải đưa nó đến đây. Đó là lý do tôi đưa nó đến đây hôm nay. Tôi nghĩ nó cần gặp một bác sĩ.”
Gabby cố gắng hết sức để giữ giọng bình tĩnh. “Thôi được rồi, tôi sẽ đi xem bác sĩ Melton có thể sắp xếp gặp chị trong vài phút được không.”
Khi rời khỏi căn phòng, Gabby dừng lại ở hành lang. Cô hiểu mình phải chuẩn bị tinh thần. Cô không muốn lại phải nói chuyện với bác sĩ Melton; cả buổi sáng, cô đã gắng hết sức để tránh ông ta. Ngay khi bác sĩ Furman tới tham gia ca mổ để cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Carteret, thành phố Morehead, bác sĩ Melton đã lẻn tới cạnh cô, đủ gần để cô nhận ra ông ta vừa mới súc miệng bằng nước súc miệng.
“Tôi nghĩ sẽ chỉ có mình hai ta sáng nay thôi,” ông ta nói.
“Có lẽ công việc sẽ không quá bận rộn,” cô nói với thái độ trung lập. Cô vẫn chưa sẵn sàng chống lại ông ta, khi không có bác sĩ Furman bên cạnh càng không.
“Thứ Hai bao giờ cũng bận. Hy vọng chúng ta không phải làm việc qua trưa.”
“Hy vọng là vậy,” cô lặp lại.
Bác sĩ Melton bước sang phòng khám phía bên kia hành lang, với tay lấy tập hồ sơ trên cửa xuống. Ông ta xem lướt qua, và khi Gabby chuẩn bị đi, cô lại nghe giọng ông ta. “Nhân nói về bữa trưa, cô đã ăn bánh taco cá bao giờ chưa?”
Gabby chớp mắt. “Hả?”
“Tôi biết có một chỗ tuyệt vời ở Morehead gần bãi biển. Chúng ta có thể tới đó. Chúng ta cũng có thể mang gì đó về cho mọi người.”
Mặc dù ông ta vẫn vờ vịt với vẻ chuyên nghiệp – nghe như cách ông ta nói chuyện với bác sĩ Furman – Gabby thấy mình chùn lại.
“Tôi không thể,” cô nói. “Tôi định đưa Molly tới bác sĩ thú y. Tôi đã đặt cuộc hẹn sáng hôm nay.”
“Và họ có thể để cô tới và ra khỏi đó đúng giờ chứ?”
“Họ nói họ sẽ làm vậy.”
Ông ta ngập ngừng. “Vậy thôi được,” ông ta nói. “Có lẽ lần khác vậy.”
Khi Gabby với lấy một tập tài liệu khác, cô nhăn mặt. “Cô ổn chứ?” bác sĩ Melton hỏi.
“Tôi chỉ bị đau nhẹ vì tập thể dục thôi,” cô nói trước khi biến mất vào phòng.
Thực ra cô rất đau. Đau một cách nực cười. Mọi bộ phận từ cổ cho tới mắt cá chân cô đều đau buốt, và xem ra càng lúc càng tệ hơn. Giá hôm Chủ nhật cô chỉ chạy bộ thôi thì cô nghĩ có khi đã chẳng sao. Nhưng đâu chỉ có thế. Với một Gabby mới mẻ, tiến bộ thì không. Sau khi chạy bộ – và tự hào với thực tế rằng mặc dù tốc độ vẫn còn chậm, nhưng cô đã không dừng lại đi bộ lần nào – cô tiến thẳng tới phòng tậm Gold tại thành phố Morehead để đăng ký thành viên. Cô ký các giấy tờ trong khi huấn luyện viên giải thích về các lớp khác nhau với những cái tên thật phức tạp, hầu như giờ nào cũng có lớp. Khi cô đứng dậy chuẩn bị đi, anh ta nhắc tới một lớp mới có tên Vắt Kiệt chỉ vài phút nữa là sẽ bắt đầu.
“Một lớp cực kỳ đấy,” anh ta nói. “Nó khiến cả cơ thể cô vận động. Cô được cả sức khỏe, cả nhịp tim trong một bài tập đơn. Cô nên thử xem.”
Vì vậy cô đã thử. Và cầu Chúa thứ lỗi cho anh ta vì những gì cái bài tập đó đã gây ra cho cô.
Không phải ngay lúc đó, dĩ nhiên. Không, suốt giờ tập, cô vẫn khỏe. Mặc dù thâm tâm cô biết mình nên đi từng bước, cô vẫn cố bon chen với các bà áo quần chật ních, cơ thể đầy can thiệp của dao kéo, mascara dày cộp bên cạnh. Cô đẩy tạ, chạy tại chỗ theo nhịp, rồi lại đẩy tạ và chạy tại chỗ, lặp đi lặp lại. Khi cô ra khỏi đó với các bắp thịt run bắn, cô cảm thấy như thể mình đã thực hiện được bước tiếp theo của cuộc cách mạng. Trên đường ra cửa, cô gọi cho mình một chai sữa lắc bổ sung protein để hoàn thành công cuộc đổi mới.
Trên đường về nhà, cô ghé vào hiệu sách để mua một cuốn sách về thiên văn học, và sau đó, khi sắp ngủ gật đến nơi, cô nhận ra mình thấy tương lai tốt đẹp hơn những gì cô đã thấy suốt một thời gian dài, ngoại trừ việc các bắp thịt của cô dường như đã cứng đờ vào lúc ấy.
Không may, Gabby mới mẻ, tiến bộ cảm thấy đau đớn một cách khác thường khi ra khỏi giường vào buổi sáng hôm sau. Chỗ nào cũng đau. Không, không phải. Còn hơn cả đau nữa kìa. Hơn rất nhiều. Là đau đớn cùng cực. Từng bắp thịt trên người cô tưởng như vừa cho qua máy xay sinh tố. Lưng, ngực, bụng, chân, hông, tay, cổ… ngay cả ngón tay của cô cũng nhức nhối. Mất ba lần cô mới cố ngồi dậy được trên giường, và sau khi loạng choạng và phòng tắm, cô nhận ra việc đánh răng mà không gào toáng lên đòi hỏi ở cô khả năng kiểm soát bản thân phi thường. Trong tủ thuốc, cô thấy mình lôi ra gần như mọi thứ – thuốc giảm đau Tylenol, asprin của Bayer, thuốc giảm đau Aleve – rồi cuối cùng, cô quyết định nốc tất cả. Cô chiêu những viên thuốc bằng một cốc nước và nhăn mặt khi nuốt chúng.
Được rồi, cô thừa nhận, có thể cô đã tập quá sức.
Nhưng giờ thì quá muộn rồi, và tệ hơn nữa, thuốc giảm đau chả có tác dụng gì. Hoặc có lẽ là có. Sau cùng, cô vẫn có thể làm việc tại phòng khám, miễn là cô cử động thật chậm. Nhưng cơn đau vẫn đó, bác sĩ Furman đã đi khỏi, và cô không hề muốn phải đối phó với bác sĩ Melton.
Nhưng không còn lựa chọn nào khác, cô đành hỏi một y tá ông ta đang ở phòng nào và sau khi gõ cửa, cô ló đầu vào phòng. Bác sĩ Melton nhìn lên khỏi bệnh nhân của mình, vẻ mặt ông ta trở nên phấn khởi ngay khi nhìn thấy cô.
“Xin lỗi đã quấy rầy,” cô nói. “Tôi có thể nói chuyện với ông một chút được không ạ?”
“Nhất định rồi,” ông ta nói. Ông ta đứng lên khỏi cái ghế, cất tập hồ sơ khi đi ra và đóng cửa lại sau lưng. “Cô đã thay đổi ý định về bữa trưa à?”
Cô lắc đầu và kể cho ông ta về Eva Bronson và George, ông ta hứa sẽ nói chuyện với họ ngay khi có thể. Lúc rời khỏi đó, cô cảm thấy ánh mắt ông ta dán vào mình khi cô tập tễnh đi dọc hành lang.
Khi Gabby xong việc với bệnh nhân cuối cùng của buổi sáng khi đã mười hai rưỡi trưa. Chộp lấy cái ví, cô bước khập khiễng ra xe, hiểu rằng mình chẳng có nhiều thời gian. Bốn mươi lăm phút nữa cô lại phải tiếp bệnh nhân, nhưng nếu cô không phải đợi ở phòng khám thú y, cô sẽ kịp. Đó là một trong những điểm thú vị khi sống tại một thành phố nhỏ dân số chưa đầy bốn ngàn người. Mọi chỗ chỉ cách nhau có vài phút. Trong khi thành phố Morehead – lớn hơn Beaufort đến năm lần – nằm ngay đầu bên kia cây cầu bắc qua Intracoastal Waterway[1] và là nơi hầu hết mọi người đi mua sắm trong những ngày cuối tuần, khoảng cách ngắn ngủi đủ để khiến cái thị trấn nhỏ này cảm thấy khác biệt và cô lập, như hầu hết những thị trấn miệt Đông[2], từ những người dân địa phương dùng để gọi vùng này của đất nước.
Đây là một nơi xinh xắn, đặc biệt là khu phố cổ. Vào một ngày như ngày hôm nay, với nhiệt độ thích hợp để đi dạo, Beaufort giống với những gì cô đã tưởng tượng về Savannah trong thế kỷ tồn tại đầu tiên của nó.
Những khu phố rộng rãi, những tán cây rợp bóng, và khoảng hơn một trăm ngôi nhà được tu bổ tọa trên một vài khu phố, sau cùng dẫn tới phố Front và một lối đi lót ván dọc bãi biển, nhìn xuống bến du thuyền. Đậu ở đây là những du thuyền hay tàu thủy với đủ hình dáng và kích cỡ; chiếc du thuyền đáng giá hàng triệu đô có thể đậu cạnh một chiếc tàu thủy nhỏ, và bên kia là một thuyền buồm đã được bảo dưỡng cẩn thận, tỉ mỉ. Vài ba nhà hàng nhìn ra quang cảnh tuyệt đẹp: những địa điểm cổ kính, đậm chất quê hương xứ sở với những đặc trưng của vùng miền, hoàn thiện bằng hiên có mái che và bàn kiểu picnic khiến thực khách có cảm giác như đang đi nghỉ ở một nơi thời gian ngưng đọng. Thỉnh thoảng vào những buổi tối cuối tuần sẽ có biểu diễn nhạc sống trong nhà hàng, và mùa hè năm ngoái, đúng ngày Quốc khánh Mỹ, khi cô đến thăm Kevin, có nhiều người đến đây để nghe nhạc và ngắm pháo hoa đến nỗi khiến cả bến du thuyền đầy ắp, theo nghĩa đen, những thuyền là thuyền. Không đủ chỗ đâu, các con thuyền được buộc lại với nhau, và chủ nhân của chúng cứ di chuyển từ thuyền này sang thuyền khác, cho tới khi lên được bến, trong lúc đi, họ nhậu và mời bia những người không quen biết.
Ở phía đối diện con phố, có các văn phòng bất động sản xen lẫn cửa hàng tranh và đồ lưu niệm. Tối đến, Gabby thích đi dạo tới các cửa hàng tranh này để xem tác phẩm. Hồi còn nhỏ, cô từng mơ ước kiếm sống bằng nghề vẽ tranh; phải mất vài năm cô mới nhận ra khát vọng đó vượt quá năng lực bản thân. Điều đó không có nghĩa cô không thể đánh giá những tác phẩm giá trị; đôi khi cô sẽ gặp một bức tranh hoặc ảnh khiến cô phải dừng chân. Đã hai lần cô mua tranh, hiện cả hai bức họa giờ đang treo ở nhà cô. Cô tính mua thêm một vài bức để bổ sung, nhưng ngân sách hàng tháng của cô không cho phép, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Một vài phút sau, Gabby đỗ xe tại đường lái xe vào nhà, rên oai oái khi bước ra khỏi xe, trước khi liều lĩnh tiến lại chỗ cửa trước. Cô đón Molly trên hiên, nó còn nhẩn nha thích thú hít hà luống hoa cho đến khi cô buộc nó mới thôi, sau đó nó nhảy vào ghế phụ. Gabby lại rên oai oái lần nữa khi cô vào lại xe, rồi mở cửa sổ để Molly thò được đầu ra ngoài, một điều nó rất khoái.
Phòng khám Thú y Down East chỉ cách đó vài phút. Cô đỗ xe ở bãi, lắng nghe tiếng sỏi lạo xạo dưới bánh xe. Mộc mạc và dãi dầu mưa nắng, xây theo kiến trúc Victoria, trông phòng khám giống như một ngôi nhà riêng hơn là phòng làm việc. Cô đeo xích cho Molly, rồi trộm liếc đồng hồ. Cầu trời bác sĩ sẽ khẩn trương.
Khi cánh cửa mở ra với tiếng cọt kẹt lớn, cô thấy Molly giằng dây xích khi mùi đặc trưng của phòng khám thú y xộc tới. Gabby tiến tới bàn tiếp tân, nhưng cô chưa kịp nói gì thì cô tiếp tân đã đứng dậy.
“Đây là Molly phải không?” cô tiếp tân hỏi.
Gabby không buồn giấu vẻ ngạc nhiên. Cần có thời gian mới quen được nếp sống trong một thị trấn nhỏ thế này. “Vâng. Tôi là Gabby Holland.”
“Rất vui được gặp cô. Nhân tiên, tôi là Terri. Con chó đẹp quá.”
“Cám ơn cô.”
“Chúng tôi đang thắc mắc khi nào cô tới. Cô phải quay lại làm việc đúng không?” Cô chộp lấy tấm bìa kẹp hồ sơ. “Để tôi đi trước và chuẩn bị phòng cho cô. Cô có thể điền thông tin tại đó. Lối kia, bác sĩ sẽ gặp cô ngay. Sẽ không lâu đâu. Ông ấy sắp xong rồi.”
“Tuyệt quá,” Gabby nói. “Tôi thực sự rất cảm kích.”
Cô tiếp tân dẫn họ tới căn phòng kế bên; bên trong chỉ có một cái bàn cân, và cô ấy giúp Molly lên đó. “Không vấn đề gì đâu. À mà tôi đưa lũ trẻ nhà tôi tới phòng khám nhi của cô suốt. Cô có thích chỗ ấy không?”
“Tôi rất thích,” cô nói. “Công việc bận rộn hơn tôi tưởng.”
Terri ghi lại cân nặng, rồi đi dọc xuôi hành lang. “Tôi rất quý bác sĩ Melton. Ông rất tuyệt vời với con trai của tôi.”
“Tôi sẽ nói lại với ông ấy,” Gabby nói.
Terri đi vào một căn phòng nhỏ có trang bị một cái bàn kim loại và ghế nhựa, đưa ra tấm bìa kẹp hồ sơ cho Gabby. “Cô điền vào nhé, tôi sẽ báo cho bác sĩ biết cô đã đến.”
Terri để họ lại một mình, Gabby rón rén ngồi xuống, cau mặt khi những bắp thịt ở chân rền rĩ trong đau đớn. Cô hít sâu một vài hơi, chờ đến khi cơn đau qua đi, rồi điền giấy tờ trong khi Molly lang thang khắp căn phòng.
Gần một phút sau cánh cửa mở ra, điều đầu tiên Gabby để ý là chiếc áo blu trắng; ngay sau đó, là cái tên được thêu bằng chỉ màu xanh. Gabby đang định nói, nhưng điều cô đột ngột nhận ra khiến cô không thể thốt nên lời.
“Xin chào, Gabby,” Travis nói. “Cô khỏe không?”
Gabby tiếp tục nhìn chằm chằm, tự hỏi anh ta đang làm cái quái gì ở đây vậy. Cô định nói gì đó thì nhận ra mắt anh ta màu xanh, chứ không phải màu nâu như cô nghĩ. Lạ thật. Nhưng mà…
“Tôi đoán đây là Molly,” anh ta nói, cắt ngang dòng suy nghĩ của cô. “Chào, cô gái…” Anh ta ngồi xổm xuống và gãi cổ Molly. “Mày thích chứ? Ồ, mày thật đáng yêu phải không nào? Mày thấy trong mình thế nào, cô gái?”
Giọng nói của anh ta mang cô trở lại thực tế, theo sau là những ký ức về cuộc cãi vã tối đó giữa hai người. “Anh… anh là bác sĩ thú y?” Gabby lắp bắp.
Travis vừa gật đầu vừa tiếp tục gãi cổ Molly. “Cùng với bố tôi. Ông mở phòng khám, tôi làm cùng với ông sau khi học xong.”
Không thể thế được. Trong ngần ấy người của thị trấn này, sao cứ phải là anh ta? Thế quái nào mà cô không thể có nổi một ngày bình thường, không phức tạp?
“Sao tối đó anh không nói gì hết?”
“Có chứ. Tôi đã bảo cô mang nó tới bác sĩ thú y, nhớ không?”
Mắt cô nheo lại. Người đàn ông này có vẻ thích chọc tức cô. “Anh hiểu tôi muốn nói gì mà”.
Anh nhìn lên. “Cô muốn nói đến việc tôi là bác sĩ thú y? Tôi đã cố nói với cô, nhưng cô không để tôi nói.”
“Dù sao đi nữa anh cũng nên nói gì chứ?”
“Tôi nghĩ lúc đó cô không có tâm trạng nghe điều đó. Nhưng đó là chuyện đã qua. Đừng nghĩ ngợi nhiều.” Anh mỉm cười. “Để tôi kiểm tra cho cô nàng này đã, được chứ? Tôi biết cô phải trở lại chỗ làm, vì vậy tôi sẽ khám nhanh thôi.”
Cô cảm thấy cơn giận dữ trong mình đang bùng lên trước vẻ thản nhiên “Đừng nghĩ ngợi nhiều” của anh ta. Một phần trong cô muốn rời khỏi đây ngay tức khắc. Không may, anh ta bắt đầu ấn ấn vào bụng Molly. Mà cô cũng nhận ra mình không thể đứng lên ngay được, ngay cả khi cố gắng, bởi lúc này đây đôi chân cô dường như đang đình công. Chán nản, cô khoanh tay lại và cảm thấy gì đó giống như lưỡi dao đâm phập vào lưng và vai mình trong khi Travis chuẩn bị ống nghe. Cô cắn môi, tự hào về việc đã không rên oai oái thêm lần nữa.
Travis liếc nhìn cô. “Cô ổn không vậy?”
“Tôi khỏe,” cô nói.
“Cô chắc chứ? Có vẻ cô đang bị đau.”
“Tôi khỏe,” cô lặp lại.
Phớt lờ giọng điệu của cô, anh quay lại tâp trung vào con chó. Anh di chuyển cái ống nghe, nghe lại lần nữa, rồi kiểm tra một cái ti của nó. Cuối cùng, anh đeo một chiếc găng tay cao su có khóa và kiểm tra nhanh bên trong con chó.
“Ừm, nó chắc chắn đang có thai rồi,” anh nói, tháo cái găng tay và quẳng nó vào sọt rác. “Và với các biểu hiện này thì cái thai đã được bảy tuần.”
“Tôi đã bảo anh mà.” Cô nhìn anh giận dữ. Và Moby phải có trách nhiệm, cô kiềm chế không thêm vào.
Travis đứng lên và đặt lại ống nghe vào túi. Anh với lấy tấm bìa đựng hồ sơ và búng nhẹ lên tờ giấy.
“Để cô biết, tôi hoàn toàn chắc chắn Moby không có trách nhiệm gì.”
“Ồ, không à?”
“Không. Hầu như chắc chắn đó là con Labrador tôi thấy quanh khu này. Tôi nghĩ nó là con chó của ông già Carson, nhưng tôi không dám chắc. Có thể nó là chó của con trai ông ta. Tôi biết anh ta vừa về.”
“Điều gì khiến anh chắc chắn không phải Moby?”
Anh ta bắt đầu ghi chép, và trong một lát, cô không chắc anh ta có nghe thấy cô nói không.
Anh ta nhún vai. “Ồ, bởi một điều: nó đã bị hoạn rồi.”
Có những lúc đầu óc quá tải khiến người ta không thể thốt nên lời. Bất thình lình, Gaby nhìn thấy hình ảnh đáng xấu hổ của chính mình: lảm nhảm, khóc lóc, và cuối cùng xồng xộc ra về. Cô có nhớ mập mờ anh ta đã cố nói với cô điều gì đó, và toàn bộ chuyện này khiến cô cảm thấy nôn nao.
“Hoạn rồi?” cô thì thầm.
“Ừ.” Anh ngẩng lên khỏi tấm bìa kẹp hồ sơ. “Hai năm trước. Bố tôi đã hoạn nó tại đây trong phòng khám này.”
“Ôi…”
“Tôi cũng đã cố nói với cô điều đó. Nhưng cô đã bỏ đi trước khi tôi có cơ hội. Tôi cảm thấy khá tệ về chuyện này, vì vậy hôm Chủ nhật tôi có ghé qua định nói với cô, nhưng cô đã ra ngoài”.
Cô nói lên điều duy nhất xuất hiện trong đầu. “Lúc đó tôi ở phòng tập.”
“Vậy à? Tốt cho cô.”
Cũng phải cố gắng đôi chút, nhưng cô đã buông tay không khoanh lại nữa. “Tôi nghĩ tôi nợ anh một lời xin lỗi.”
“Đừng nghĩ ngợi nhiều,” anh lại nói, nhưng lần này nó khiến cô còn cảm thấy tệ hơn. “Nhưng nghe này, tôi biết cô đang vội, vậy nên để tôi nói qua với cô về Molly được chứ?”
Cô gật đầu, cảm tưởng mình đang bị thầy giáo bắt đứng góc lớp, vẫn mải nghĩ về tràng đả kích tối hôm thứ Bảy của mình. Anh ta quá độ lượng khiến chuyện này không hiểu sao càng thêm tồi tệ.
“Thời kỳ thai nghén kéo dài chín tuần lễ, vì vậy cô còn hai tuần nữa. Hông của nó đủ rộng, vậy nên cô không cần lo lắng về chuyện đó. Đó chính là lý do vì sao tôi muốn cô mang nó tới đây. Giống collie đôi khi bị hông hẹp. Bây giờ, thông thường thì cô không phải làm gì cả, nhưng hãy nhớ hầu như chắc chắn nó sẽ muốn một nơi mát mẻ và kín đáo để sinh con, vì vậy cô có thể để vài cái chăn cũ xuống gara. Cô có cửa ra vào ở bếp đúng không?”
Cô lại gật đầu, cảm giác như mình đang co lại.
“Cứ để mở cửa, có lẽ nó sẽ quanh quẩn ở dưới đó. Chúng tôi gọi đó là làm tổ, và điều đó hoàn toàn bình thường. Có khả năng nó sẽ sinh con vào lúc nào đó thật yên tĩnh. Vào ban đêm, hoặc khi cô đi làm, nhưng hãy nhớ điều này hoàn toàn bình thường, vì vậy không có gì phải lo lắng. Lũ cún con sẽ biết bú ngay tức thì, vậy nên cô cũng không cần suy nghĩ về chuyện đó. Và chắc chắn cô sẽ phải quẳng mấy cái chăn đó đi, bởi vậy đừng dùng cái nào xịn quá, được chứ?”
Cô gật đầu lần thứ ba, cảm thấy mình càng co lại bé hơn.
“Ngoài ra thì cô không cần phải biết thêm gì nhiều nữa. Nếu như có vấn đề gì, cô có thể mang nó tới phòng khám. Còn nếu sau giờ làm việc, cô biết tôi sống ở đâu rồi đấy.”
Cô nuốt nước bọt. “Vâng.”
Khi cô không nói gì nữa, anh mỉm cười và bắt đầu bước về phía cánh cửa. “Thế nhé. Cô có thể mang nó về nhà được rồi. Tôi mừng vì cô đã mang nó tới. Tôi không nghĩ nó bị nhiễm trùng, nhưng tôi vui khi đã biết chắc.”
“Cảm ơn anh,” Gabby khẽ nói. “Và một lần nữa, tôi thực sự xin lỗi…”
Anh khoát tay ngăn cô lại. “Không vấn đề gì đâu. Thật đó. Cô đang buồn bực, và Moby thì đúng là có lang thang quanh đây. Đây là một nhầm lẫn chính đáng. Gặp lại cô sau nhé, được chứ?” Khi anh vỗ về Molly lần cuối, Gabby cảm thấy mình chỉ còn cao có 15 phân.
Khi Travis – bác sĩ Parker – rời khỏi phòng khám, cô chờ một lúc thật lâu để chắc chắn anh đã đi hẳn. Rồi chậm chạp, đau đớn, cô đứng dậy khỏi chiếc ghế. Cô nhìn trộm ra ngoài cửa và, sau khi biết chắc phía trước không có ai, cô đi tới bàn tiếp tân, lặng lẽ thanh toán hóa đơn.
Khi quay lại làm việc, điều duy nhất Gabby biết chắc, đó là dù anh có khoan dung thế nào, cô cũng không bao giờ quên nổi những gì mình đã làm, và vì chả có cái hang nào cho cô chui xuống, nên điều quan tâm lớn nhất của cô lúc này là tìm cách tránh mặt anh một thời gian. Không phải mãi mãi, tất nhiên rồi. Phải có lý do một chút. Khoảng năm mươi năm nữa chẳng hạn.
Chú thích
[1] Intracoastal Waterway là tuyến đường thủy dài 4.800 km chạy dọc bờ biển Đại Tây Dương và vịnh Mexico của Mỹ; một số đoạn tận dụng đường thủy tự nhiên, một số đoạn là các kênh đào. Tuyến đường này cho phép tàu thuyền đi dọc hết chiều dài 4.800 km ấy mà không phải chịu những nguy hiểm như khi trên biển khơi.
[2] Nguyên văn “down east”: down east có thể dùng để chỉ nhiều vùng ở Mỹ, nhưng ở Bắc Carolina nó thường dùng để chỉ vùng phía Đông Beaufort, hạt Carteret. Dân địa phương ở đây đã dùng “down east” để tự chỉ mình trong nhiều thập kỷ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.