Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù

CHƯƠNG 10



Một lần nữa, Neubauer cầm tờ giấy ở mặt bàn lên. Hắn nghĩ đối với mấy người anh em đó thì là chuyện đơn giản. Chỉ là những quy tắc co dãn, đọc thời dễ nhưng làm thì khác hẳn. Phải lập một danh sách các tù nhân chánh trị quan trọng nhất… với điều kiện là ở trại vẫn còn sót lại một số người này. Đó là chỗ lắc léo. Vấn đề được ám chỉ đã quá rõ ràng. Muốn nắm chắc vấn đề, phiên họp sáng nay với Dietz vẫn chưa đầy đủ. Nói như Dietz thì dễ quá. Hắn tuyên bố “Hãy thanh toán các phần tử nguy hiểm… trong giai đoạn khó khăn này, không thể nương tay với những kẻ thù nguy hại cho Tổ quốc và cứ nuôi chúng mãi”. Nói thì bao giờ cũng dễ, đến lúc làm thì người khác làm. Lại còn một vấn đề nữa. Muốn thi hành đúng mức phải có chỉ thị bằng giầy tờ với đầy đủ chi tiết. Nhưng với Dietz thì chẳng hề có giấy trắng mực đen… và bây giờ kẻ thi hành phải gánh trọn trách nhiệm.
Neubauer ném tờ giấy qua một bên và lấy xì-gà ra. Xì-gà cũng đã bắt đầu khan hiếm. Hắn vẫn còn giữ bốn hộp, sau đó chỉ còn lại thứ nội hóa đã dở lại cũng chẳng còn bao nhiêu. Hầu hết đều bị cháy. Đáng lý ra phải biết phòng xa lúc có quá nhiều, nhưng có ai nghĩ tới những bất ngờ lớn lao?
Weber bước vào. Sau một chút ngập ngừng Neubauer đẩy hộp xì-gà tới làm ra thân thiết:
– Làm một điếu chơi! Loại hiếm có đấy! Partagas thứ thiệt.
– Cám ơn. Tôi chỉ hút thuốc điếu.
– À hả! Mình quên mất. Anh chỉ hút đinh đóng hòm thôi.
Weber cố dằn để khỏi nhíu mày. Hắn lấy từ trong túi ra một cái hộp dẹp bằng vàng, dọng đầu thuốc lên nắp hộp. Năm 1933, hộp vàng này là của một nghị viên tên Weizenblut. Hắn chiếm đoạt của người kia và cho là điều may mắn vì tên tắt của người chủ cũ là A.W (Aoron Weizenblut) cũng có thể đọc thành tên của hắn Anton Weber. Đây là chiến lợi phẩm duy nhất của hắn từ nhiều năm nay, hắn không cảm thấy cần thiết gì nhiều và ít để ý tới của cải. Neubauer bảo:
– Có một chỉ thị vừa mới gởi tới. Anh đọc qua cho biết.
Weber cầm tờ giấy lên, đọc rất lâu. Neubauer sốt ruột:
– Phần sau chẳng có gì quan trọng. Tôi chỉ lưu tâm tới chuyện chánh trị thôi. Tính phỏng, mình còn chừng bao nhiêu?
Weber đặt tờ giấy xuống mặt bàn:
– Tôi không nhớ rõ lắm. Có thể nói là phân nửa số tù hiện hữu. Những đứa có dấu hiệu tam giác đỏ, không kể ngoại quốc. Một nửa kia là thường tội, một số đồng tính luyến ái, một sổ theo đạo Jehovah v.v…
Neubauer nhìn lên. Hắn không hiểu là Weber định giở trò gì. Nét mặt Weber vẫn không có gì lạ.
– Tôi không nói thế vì không phải tất cả những người có dấu hiệu tam giác đỏ đều là chánh trị phạm… theo ý nghĩa của chỉ thị này.
– Vâng, không phải vậy. Đó là dấu hiệu mơ hồ để dễ xếp loại. Trong số đó có bọn Do Thái, Công giáo, Dân chủ, Dân chủ Xã hội, Cộng sản và nhiều thứ khác.
Neubauer quá biết chuyện đó. Mười năm trong nghề, hắn không đợi Weber nói rõ như thế mới hiểu. Hắn lại có ý nghĩ là viên sĩ quan trưởng trại của hắn muốn chơi xỏ hắn. Hắn cố giữ giọng bình tĩnh:
– Tù chánh trị thật sự còn bao nhiêu?
– Đa số là Cộng sản.
– Không thể có con số rõ ràng sao?
– Trong hồ sơ có ghi.
– Ngoài những người đó còn có nhân vật chánh trị quan trọng nào khác không?
– Tôi sẽ cho điều tra. Có lẽ còn một số ký giả cùng bọn Dân chủ Xã hội và Dân chủ.
Neubauer nhả khỏi Partagas. Thật là kỳ la! Khói xì-gà giúp cho người ta lạc quan và bình tĩnh. Hắn lại dùng giọng dịu dàng:
– Được rồi. Trước hết là lọc ra rồi duyệt lại các bảng danh sách. Sau đó là phần quyết định cho bản phúc trình. Có phải thế không?
– Vâng.
– Không có gì phải vội. Còn cả hai tuần nữa. Quá đủ để hoàn tất mọi việc, hả?
– Vâng.
– Ngoài ra mình còn có thể đề ngày trước. Rất có thể có đứa bị cho vào danh sách rồi ngã lăn ra chết trước khi phúc trình. Thế là hỏng.
– Vâng.
– Tôi nghĩ là chúng ta không cần có nhiều… nghĩa là chúng ta không cần phải có con số minh bạch.
Weber đáp giọng bình lĩnh:
– Chúng ta không cần phải thế.
Hắn hiểu Neubauer muốn nói gì và Neubauer cũng biết là hắn đã hiểu ý mình.
– Phải mờ ảo. Phải làm thế nào cho không được rõ ràng lắm. Tôi có thể tin cậy anh ở phương diện đó…
Neubauer đứng lên. Với một cái kẹp giấy hắn xoi phần cuối của điếu xì-gà cho thông. Hắn đã nhai nó nhừ ra cho nên bây giờ không hít vào được nữa.
– Công việc ra sao? Có nhiều lắm không?
– Xưởng đồng đã bị tê liệt hẳn. Mình đang cho người tới đó dọn dẹp. Hầu hết các toán khác làm việc như thường lệ.
Điếu xì-gà đã thông hơi.
– Dọn dẹp? Ý kiến hay. Sáng nay Dietz có nói với tôi về việc đó. Quét dọn đường sá, triệt hạ các nhà bị trúng bom, có lẽ cần đến hằng trăm người. Tình trạng khẩn trương càng ít tốn chừng nào càng tốt. Dietz đồng ý như thế. Tôi cũng vậy. Có ý kiến gì không?
– Thưa không.
Neubauer bước tới cửa sổ nhìn ra:
– Có thư khiếu nại về việc tiếp tế thực phẩm. Chúng ta cần phải tiện tặn. Anh có ý kiến gì hay không?
– Thì cứ phát ít hơn.
– Đó là chuyên dễ. Nhưng nếu chúng nó kiệt sức cả thì lấy ai làm việc?
– Có thể lấy bớt của Tiểu trại. Ở đó có quá nhiều miệng ăn không. Sắp chết còn ăn làm gì.
Neubauer gật đầu:
– Cũng vậy thôi. Anh đã biết phương châm của tôi: Luôn luôn nhân đạo, càng lâu càng tốt. Dĩ nhiên là tới lúc không thể còn…
Cả hai đều đứng bên cửa sổ hút thuốc. Họ nói thật bình thản và khách quan như hai vị thương gia khả kính đang bàn chuyện gia súc trong lò sát sanh. Bên ngoài, tù nhân đang cặm cụi bên những luống hoa chung quanh tư thất người Chỉ huy trưởng.
Neubauer làm ra vẻ tâm sự:
– Tôi vừa cho trồng diên vỹ và thủy tiên trên một luống. Vàng và xanh… một sự hòa hợp khéo léo của màu sắc.
Weber đáp giọng hững hờ:
– Vâng.
Neubauer cười to:
– Dường như anh không thích mấy, hả?
– Không thích lắm. Tôi thích ném trái lăn.
Neubauer vẫn không rời mắt đám tù đang làm việc:
– Trò chơi đó cũng thích thú. À, còn ban nhạc của trại? Coi bộ họ lười dữ lắm.
– Mỗi ngày họ trình tấu hai lần, lúc đi và về của toán lao tác và mỗi tuần hai buổi chiều.
– Buổi chiều thì các toán lao tác làm sau nghe. Anh có thể dàn xếp cho họ làm việc thêm một giờ mỗi đêm, sau giờ điểm danh. Điều này có lợi lắm. Chúng sẽ quên mệt mỏi. Đặc biệt là lúc ta bắt đầu giảm khẩu phần.
– Vâng. Để tôi lo.
Neubauer trở lại bàn giấy. Hắn kéo hộc bàn và lấy một cái hộp nho nhỏ ra:
– Weber, đây là một bất ngờ cho anh. Mới tới hồi sáng. Chắc là anh sẽ hài lòng.
Weber mở nắp hộp ra; bên trong là một Chiến trận Bội tinh. Neubauer ngạc nhiên khi nhận thấy mặt Weber ửng đỏ. Hắn giải thích:
– Đây là một lời xác nhận. Đáng lý anh phải có từ lâu. Trên một phương diện nào đó, chúng ta cũng là người của chiến tuyển. Anh đừng nói gì thêm cả.
Và hắn chìa tay ra. Neubauer bắt lấy:
– Cũng gian truân lắm. Phải cố gắng hơn.
Weber đi ra. Neubauer lắc đầu. Thủ đoạn nho nhỏ về cái huy chương không ngờ có hiệu quả hơn hắn tưởng. Dầu sao, con người nào cũng có nhược điểm riêng. Hắn đứng nghĩ ngợi một lúc lâu trước tấm bản đồ Âu châu rộng lớn treo trên tường đối diện với chân dung của Hitler. Những lá cờ li ti cắm trên đó đã lỗi thời vì còn nằm sâu trên phần đất Nga. Neubauer không nhổ ra vì hắn có óc mê tín và cho rằng biết đâu sẽ có một ngày nào nó lại sẽ biến thành sự thật. Hắn thở dài, quay trở lại bàn giấy, nhấc bình hoa tím lên ngửi. Một ý nghĩ mơ hồ chợt thoáng qua. Chúng ta là thế đó, những người ưu tú của chúng ta, gần như lúc nào cũng hoạt động. Tâm hồn chúng ta chất chứa mọi thứ. Kỷ luật thép vào những lúc tối cần của lịch sử và đồng thời là tình cảm sâu đậm. Lãnh tụ với tình thương trẻ con. Goering người bạn của thú vật. Hắn lại ngửi hương hoa lần nữa. Một trăm ba mươi ngàn Marks mất đi nhưng vẫn chưa nao núng. Không thể rơi xuống đất đen! Vẫn còn có mắt thấm mỹ. Ý kiến về băng nhạc là ý kiến hay đó chớ. Selma và Freya sẽ lên đây chiều nay. Mẹ con nó sẽ có một ấn tượng toàn hảo.
Hắn ngồi vào chỗ bàn máy và đánh lệnh cho ban nhạc với hai ngón tay no tròn. Đây là ý kiến riêng của hắn. Thêm vào đó còn có chỉ thị miễn làm việc cho những tù nhân yếu đuối. Thật ra thì sự việc khác hẳn nhưng hắn muốn diễn dẫn như thế. Weber có làm gì là chuyện của hắn.
Thỏa mãn, Neubauer nhấc máy điện thoại lên. Luật sư của hắn đã tỏ ra quá được việc: mua lại những lô đất bị trúng bom. Thật rẻ. Ông ta cũng mua luôn cho hắn những lô đất chưa bị oanh tạc. Thế là vớt lại được phần lớn. Đất cát luôn luôn có giá trị dầu có bị ném bom hàng trăm lần. Phải biết lợi dụng tâm trạng sợ hãi thông thường của kẻ khác.
Toán tù thu dọn tại xưởng đồng đang trên đường về trại. Họ đã làm việc quần quật suốt mười hai tiếng đồng hồ. Hầu hết các bộ phận của xưởng đều sập đổ hoặc hư hại nặng. Chỉ có một ít cuốc xuổng nên đa số tù nhân phải bới móc bằng tay không. Bàn tay họ rách sướt và đẫm máu. Tất cả đều mệt ngất và đói lả. Vào giữa trưa, họ chỉ được phát cho một ít súp với vài lá rau không rõ loại nổi lều bều. Có điều là súp hãy còn ấm. Ngược lại, bọn kỹ sư và trưởng xưởng đã bắt họ làm việc như nô lệ. Bọn này toàn là dân sự nhưng có kẻ còn ác độc hơn cả lính SS.
Lewinsky đi ở giữa đoàn. Bên cạnh hắn là Warner. Lúc mới chia toán, họ cố chen vào để được đi chung nhóm. Lần này bọn SS không gọi từng số một mà ra lệnh tổng quát là cần bốn trăm người.
Thu dọn một nơi đổ vỡ vì bom đạn là cả một việc nặng nhọc, do đó ít người chịu tình nguyện và nhờ đó mà Lewinsky và Werner nhập đoàn rất dễ dàng. Họ biết là họ sẽ làm gì khi được đi. Họ đã làm thế nhiều lần rồi.
Đoàn tù 400 người chậm chạp đi. Mười sáu người đã ngất xỉu trong khi làm việc. Trong số này còn 12 người có thể bước nổi nếu có người cặp một bên, bốn người kia được khiêng theo… hai người nằm chung một chiếc cáng… hai người nữa bằng chân và tay.
Đường về trại rất xa thế mà họ còn bị dẫn đi vòng. Bọn SS không muốn họ đi vào lòng thành phố sợ dân chúng sẽ nhìn thấy họ và sợ họ sẽ nhìn thấy tận mắt cảnh tàn phá nặng nề.
Khu rừng phong hiện ra trước mắt. Nắng chiều làm cho vỏ cây óng như tơ. Lính SS và trật tự viên chia nhau từng khoảng để kiếm soát đoàn tù. Bọn SS hờm súng trên tay. Đoàn tù loạng choạng đi về phía trước. Chim chóc hót trên cành. Không khí thoang thoảng hương nhựa của lá xanh. Các cây tuyết hoa và ngọc trâm rải đầy bông trên rãnh nước. Không một ai lưu ý. Mọi người đã mệt lả từ lâu. Rồi những cánh đồng xuất hiện với những luống cày đất mới và bọn lính canh lại tụ tập nhau.
Lewinsky ra chiều khích động. Hắn hỏi nhỏ, môi không mấp mảy.
– Để ở đâu?
Werner ép sát một cánh tay vào cạnh sườn.
– Ai tìm thấy?
– Muenzer. Vẫn ở chỗ cũ.
– Vẫn ở chỗ cũ?
Werner gật đầu.
– Mình đã có đủ các bộ phận chưa?
– Đủ. Muenzer sẽ ráp lại.
– Tôi lượm được một nắm đạn. Chẳng biết có vừa không vì phải giấu ngay. Hy vọng là sẽ vừa.
– Vẫn có thể xài được.
– Còn ai có món gì nữa không?
– Muenzer tìm thấy một vài bộ phận rời của súng lục.
– Có phải cùng một chỗ hôm qua không?
– Phải.
– Chắc có người để ở đó.
– Dĩ nhiên. Người ngoài trại.
– Một công nhân?
– Phải. Đây là lần thứ ba. Chẳng có gì xảy ra.
– Biết chừng đâu do một người của chúng mình dọn dẹp ở xưởng vũ khí?
– Không phải đâu. Họ chưa ra tới chỗ đó. Chắc phải là người bên ngoài.
Từ lâu rồi, phong trào bí mật của trại tập trung cố gắng tìm kiếm vũ khí. Họ dự liệu một trận đánh cuối cùng với bọn SS mà ít ra là không đến nỗi với tay không. Vấn đề khó khăn lớn của họ là không làm sao móc nối được. Tuy nhiên, kể từ khi có trận oanh tạc đầu tiên đoàn tù đi dọn dẹp bỗng bất ngờ bắt gặp một số vũ khí và một số bộ phận rời của súng ống. Tất cả đều được giấu dưới những đống gạch vụn. Nhờ khám phá ra nguồn hy vọng đó mà đoàn tù bị gọi đi thu dọn càng có thêm nhiều người tình nguyện hơn.
Đoàn tù đi qua một cánh đồng cỏ rào kẽm gai. Hai con bò với màu lông nâu và trắng ra sát bờ rào ngửi dò. Một con kêu lên giọng trầm trầm. Mắt chúng như ngời lên. Nhưng gần như chẳng một người tù nào dám nhìn tới chúng vì họ sợ cơn đói sẽ chỗi dậy khủng khiếp hơn.
– Liệu có bị lục soát trước khi tan hàng không?
– Sao? Hôm qua không có mà. Toán của mình đâu có tới gần xưởng vũ khí. Các toán dọn dẹp bên ngoài ít khi nào bị kiểm soát.
– Khó mà biết chắc. Nếu bắt buộc phải ném chúng đi thì…
Werner nhìn lên nền trời đang tỏa chiếu những tia hồng, xanh, lẫn lộn chút vàng.
– Trời sẽ sập tối khi mình về tới nơi. Cứ đợi tới đó rồi sẽ liệu. Có gói đạn kỹ không?
– Có. Trong một lớp giẻ.
– Được rồi. Nếu có động tĩnh, chuyền cái gỏi đó ra sau cho Goldstein. Hắn sẽ chuyền sang Muenzer rồi tới Remme. Một trong những người này sẽ ném nó ra xa. Nếu may mắn hơn và nếu bọn SS vây chung quanh thì cứ vứt nó vào giữa khi cần thiết. Đừng ném sang một bên. Như thế chúng không thể đề quyết là của ai. Hy vọng là toán đốn cây sẽ cùng về tới một lượt với mình. Muller và Ludwing trong toán đó đều đã biết cả rồi. Lúc đi vào cổng, toán của họ sẽ làm như nghe sai lệnh trong khi chúng ta bị lục soát, họ sẽ đi sát vào toán chúng ta và lượm đồ lên.
Qua một khúc quanh, con đường lại đưa tới bìa thành phố theo một ngả thẳng. Những khu vườn nho nhỏ và các ngôi nhà nghỉ mát xây bằng gỗ nằm dọc hai bên đường. Một số người mặc áo ngắn tay đang chăm sóc mảnh vườn của họ. Chỉ có vài người ngẩng đầu lên. Hình ảnh đoàn tù không còn lạ gì với họ. Mùi đất mới xới phảng phất xông ra từ các liếp vườn. Có tiếng gà gáy gần đâu đó. Bên lề một bảng hiệu lưu thông với hàng chữ: CẨN THẬN. KHÚC QUANH. 27 cây số tới Holzfelde.
Thình lình Werner hỏi:
– Cái gì đằng kia? Có phải toán đốn cây không?
Trèo một khoảng đường phía trước, họ thấy một đoàn người. Vì hãy còn quá xa, họ không biết rõ hơn. Lewinsky đáp:
– Có thể là toán đốn cây. Họ đi trước chúng mình. Cố gắng một chút là bắt kịp họ.
Hắn nhìn quanh. Phía sau hắn, Goldstein đang khập khểnh với hai tay đặt lên vai của hai người bên cạnh. Lewinsky bảo hai người này:
– Các bạn để chúng tôi thay cho.
Hắn đỡ Goldstein một bên tay trong khi Werner cặp kè bên kia. Goldstein hổn hển:
– Bốn mươi tuổi rồi, trái tim kể như bỏ đi.
Lewinsky hỏi:
– Tại sao bạn đòi đi? Đáng lý ra đã được đổi sang toán đóng giày rồi.
Goldstein nhăn nhó một cách đau đớn:
– Muốn xem một lần chót bên ngoài trại ra sao. Cần không khí tươi mát. Dại quá!
Werner an ủi:
– Không sao đâu. Cứ treo người lên vai tụi này. Còn đủ sức, đừng lo.
Trời đã mất lần ánh chói chang và bắt đầu tái nhợt. Goldstein bảo nhỏ:
– Cho mấy gói đồ của các bạn lẫn lộn vào đồ của tôi. Nếu có lục soát, chúng chỉ lục soát các bạn hoặc mấy người khiêng cáng chớ không để ý đến bọn què quặt này đâu. Nếu cần tôi chỉ ngã lăn ra bất tỉnh là xong.
Werner cãi:
– Nếu có lục soát chúng không chừa ai đâu.
– Không. Chẳng bao giờ chúng khám tụi sắp chết này. Cứ cho mấy gói đó vào áo của tôi.
Werner và Lewinsky cùng nhìn nhau một lượt:
– Đừng lo, Goldstein. Rồi cũng đâu vào đó.
– Không. Đưa đây cho tôi.
Cả hai không trả lời.
– Tôi bị bắt chẳng ăn thua gì. Các bạn khác hơn.
– Đừng nói nhảm!
Goldstein cười như mếu:
– Không phải tôi muốn làm ra vẻ hy sinh đâu. Trao cho tôi là tiện hơn cả. Dầu sao tôi chẳng còn sống được bao lâu.
Werner đáp:
– Để tụi này tính. Mình còn đi cả tiếng đõng hồ nữa. Lúc gần tới trại, bạn ra phía sau. Nếu có gì, tụi này sẽ chuyền cho bạn, bạn chuyền cho Muenzer ngay. Muenzer nhớ chưa?
– Nhớ.
Một phụ nữ cỡi xe đạp đi qua. Bà ta mập mạp và đeo kính. Trên tay cầm xe có một hộp giấy bìa. Bà ta nhìn một bên, không muốn trông thấy đoàn tù.
Lewinsky bỗng nhìn sững phía trước:
– Kia, không phải toán đốn cây.
Đám đông phía trước đang tới gần. Không phải đoàn tù sau bắt kịp đoàn tù trước mà là cả hai đoàn người đang đi ngược chiều nhau. Bây giờ đoàn tù lao tác đã trông rõ đó là một rừng người đi không theo hàng lối.
Một người phía sau Lewinsky hỏi:
– Tù mới hả? Hay một chuyến phát lưu?
– Không phải. Không thấy có lính SS. Và họ không hướng về trại. Toàn là thường dân.
– Thường dân sao?
– Bộ bạn không thấy họ đội nón à? Có cả phụ nữ và trẻ con nữa. Ồ, đông trẻ con lắm.
Bây giờ họ đã thấy rõ hơn. Hai đoàn người càng lúc càng tới gần nhau. Bọn SS bỗng hô to:
– Đi qua bên phải! Sát bên phải! Hàng chót bên phải đi cặp theo mé rãnh. Rời khỏi hàng sẽ bị bắn bỏ!
Werner nói qua hơi thở:
– Dân tị nạn. Họ là người thành phố đi tránh bom.
– Dân ti nạn?
– Đúng. Dân tị nạn.
Lewinsky tròn mắt:
– Bạn nói đúng. Họ là dân tị nạn nhưng là người Đức.
Tin tức loan nhanh khắp đoàn tù. Dân tị nạn! Dân Đức đi lánh nạn! Thật là chuyện khó tin nhưng lại là chuyện có thật: sau mấy năm chiến thắng ở Âu Châu và đánh đuổi các dân tộc khác, bây giờ đến lượt dân Đức chạy trốn ngay trên quê hương họ.
Đoàn người tị nạn gồm toàn đàn bà trẻ con và các cụ già. Họ mang theo khăn gói, bao hộp. Vài người đem theo xe đẩy với đồ đạc của cải chất lên trên. Họ đi nặng nhọc, buồn thảm, người nọ sau người kia.
Lúc này hai đoàn người đã tới sát nhau. Không khí bỗng im lặng lạ lùng. Tất cả những gì nghe được chỉ là tiếng chân lạo xạo trên mặt đường. Và cũng thật tự nhiên, thái độ và cung cách của đoàn tù biến đổi, mặc dầu chẳng ai nói với ai hoặc trao đổi nhau một cái nhìn ra hiệu. Sự thay đổi đột ngột đó dường như do một mệnh lệnh vô hình ban ra. Những con người đói lả, mệt ngất chợt cảm thấy từ bên trong có một tia lửa bắn ra và cháy bùng trong huyết quản. Họ bắt đầu cất bước đúng như con người, chân dở cao, đầu ngẩng lên, mặt đầy sinh khí.
Goldstein phá tan sự im lặng nặng nề:
– Cứ để tôi đi.
– Không được.
– Để tôi đi tự nhiên cho tới khi họ qua xong.
Lewinsky và Werner dang ra. Goldstein nghiến răng, cố vận dụng tàn lực để bước đi như các bạn, đầu ngửa lên, hơi thở mệt nhọc. Nhưng hắn vẫn cố đi như một con người.
Tiếng chân của đoàn tù lần lần như đã nhịp nhàng.
Hai đoàn người bắt đầu giáp mối nhau. Dân chiến nạn phải đi về các làng mạc xa. Nhà ga đã sụp đổ sau trận mưa bom nên họ còn phải đi bộ thêm một đoạn đường dài. Một vài thường dân mang băng tay có chữ SA làm nhiệm vụ hướng dẫn. Phụ nữ dường như chỉ còn lê bước trong khi trẻ con kêu khóc vang rần. Riêng đàn ông thì lẳng lặng nhìn sững về phía trước.
Một tù nhân người Ba Lan phía sau Lewinsky nói nhỏ:
– Cũng giống như lúc tụi này chạy trốn khỏi Warsaw.
Một người tù Bỉ nói tiếp theo:
– Thì cũng như chúng tôi chay khỏi Liége.
– Có khác gì cảnh dân chúng di tản khỏi Ba Lê.
– Không. Thảm hại hơn chớ. Thảm hại hơn nhiều. Họ rượt đuổi chúng ta một cách tàn tệ.
Tuy thế, dường như chẳng có chút thù hận nào trong giọng nói của những người tù. Cũng không oán ghét. Phụ nữ và trẻ con ở đâu cũng giống nhau, và gần như là quy lệ: người vô tội thường gặp thảm cảnh hơn những kẻ gây nên tội. Trong số dân tị nạn mệt mỏi khốn khổ này chắc chắn có lắm người chưa hề cố ý làm điều ác và cũng chẳng bao giờ làm bất cứ gì để vượt ra ngoài mệnh số. Đó không phải là cảm tưởng của tù nhân. Họ đang nghĩ tới một cái gì khác hơn đôi chút. Cảm tưởng của họ không liên quan gì tới cá nhân. Cũng không dính líu gì tới thành phố hay liên hệ gì tới đất nước. Điều họ đang nghĩ gần giống như cảm tưởng của một nền công lý vĩ đại vô tư chợt giáng hiện ngay lúc hai đoàn người vượt ngược qua nhau. Một tội ác thế giới đã xảy ra và hầu như sắp sửa thành công, luật pháp của nhân loại bị lật đổ và dẫm nát, quy tắc của sự sống bị chà đap, bị nghiền bóp và bị xé tan từng mảnh vụn. Trộm cướp được coi là hợp pháp, sát hại được gắn huy chương, khủng bố trở thành luật lệ… và bây giờ, giữa giây phút nghẹt thở này, bốn trăm nạn nhân của quyền lực độc tài chợt cảm thấy… có một âm thanh nào đó vang lên và mũi kim thời gian đang từ từ đi ngược lại. Họ cảm thấy không phải chỉ có những quốc gia, những đất nước cần được cứu vãn mà còn phải cứu vãn cả quy tắc của sự sống còn. Họ nghĩ tới những cái tên có thể thực hiện sự cứu vãn này, trong đó có một danh tánh đơn giản và xưa cũ là THƯỢNG ĐẾ. Và danh tánh ấy cũng có nghĩa là CON NGƯỜI.
Đoàn người tị nạn bây giờ đã vượt qua đoàn tù. Trong vài phút ngắn ngủi, họ có vẻ như một đoàn tù và đoàn tù là những kẻ tự do. Hai cỗ xe do ngựa kéo chở đầy hành lý đi sau cùng đoàn dân chiến nạn. Bọn SS lăng xăng chạy tới chạy lui để ngăn ngừa các tù nhân ra dấu hiệu hay nói một lời nào đó. Chẳng có gì xảy ra. Bốn trăm người tù vẫn lẳng lặng đi, nhưng tiếng bước đã trở lại rời rạc, và Goldstein lại phải quàng tay qua vai của Lewinsky và Werner… và khi các rào chận trước cổng rào hiện ra với tấm bảng đỏ nổi bật hàng chữ đen Người nào số phận ấy, mọi người chợt nhìn ra với đôi mắt khác lạ mặc dầu ý nghĩa châm biếm khủng khiếp của nó đã luôn luôn ám ảnh họ từ nhiều năm.
Dàn nhạc đón họ ở cổng vào. Họ tấu bản Hành khúc Fridericus Rex. Ngay sau cổng là bọn lính SS và viên Phó trưởng trại. Đoàn tù bắt đầu nhịp bước theo tiết tấu của bản nhạc.
– Chân dở cao! Mắt nhìn thẳng!
Đoàn tù đốn cây vẫn chưa về tới.
– Đứng lại! Đếm số!
Đoàn tù bắt đầu điểm số. Lewinsky và Werner nhìn dò xét viên Phó trưởng trại. Hắn vừa nhún chân vừa hét to:
– Khám người! Toán thứ nhất, bước ra!
Gói vải bọc các bộ phận rời của khẩu súng được cẩn thận chuyền vào tay Goldstein. Tự nhiên Lewinsky xuất hạn.
Thình lình, tên Đội trưởng Steinbrenner như ngửi thấy một điều gì. Với hai nắm tay hùng hổ, hắn vẹt đường xông tới Goldstein. Werner mím mội. Nếu cái bọc đó không tới tay Muenzer hoặc Remme kịp lúc thì hỏng cả.
Trước khi tên Đội trưởng Đức tới nơi, Goldstein đã ngã vật ra. Steinbrenner đá vào sườn Goldstein:
– Đứng dậy! Đồ chó!
Goldstein cựa quậy. Hắn quỳ lên, rên rỉ, sùi bọt mép rồi lại ngã lăn ra.
Tên Đội trưởng nhận ra sắc mặt tái xám và đôi mắt trợn tròn của người tù. Hắn đá thêm một cái vào người Goldstein và suy nghĩ xem có nên châm một diêm quẹt cháy vào mũi người tù để biết chắc là thật hay giả. Nhưng hắn vụt nhớ ra lúc nãy đã đánh phải một tù nhản đã chết làm trò cười cho đồng đội, hắn lại thôi. Hắn bỏ đi, miệng chửi rủa lầm thầm.
Viên Phó trưởng trại hỏi người chỉ huy đoàn tù:
– Bọn này làm ở xưởng vũ khí, hả?
– Không. Chúng nó lo dọn dẹp.
– À, phải rồi. Còn đám kia đâu?
– Đang trên đường lên đồi.
– Được rồi. Cho bọn này đi để trống chỗ. Khỏi phải xét người.
Người chỉ huy đoàn tù ra lệnh:
– Toán thứ nhất, bước về chỗ! Bên trái quay! Bước đều, bước!
Goldstein đứng lên. Hắn lảo đảo nhưng vẫn đứng được. Werner hỏi gần như không ra tiếng vì đầu của hắn và Goldstein kề sát nhau:
– Có ném cái gói ra ngoài không?
– Không.
Werner hơi ngạc nhiên lẫn vui mừng:
– Chắc hả?
– Chắc chớ.
Đoàn tù đi qua cổng. Bọn SS không còn chú ý tới họ nữa. Phía sau họ, đoàn tù lao tác tại xưởng vũ khí đang bị lục soát cẩn thận. Werner lại hỏi:
– Ai cất? Remme hả?
– Không. Tôi giữ.
Họ đã vào tới sân điểm danh và ngừng lại. Lewinsky hỏi:
– Nếu bạn không đủ sức đứng lên nữa thì tụi này làm sao tống nó ra? Bọn chúng thấy hết…
– Phải đứng lên được chớ.
– Sao?
Goldstein cười:
– Trước kia, tôi đã từng một thời làm diễn viên.
– Vậy là bạn đóng kịch à?
– Chỉ giả vờ phần cuối thôi.
– Làm sao lại sùi bọt mép?
– Chỉ là trò lúc còn đi học.
– Nhưng tại sao không chuyền cho người khác?
– Lúc nãy tôi đã nói rồi mà.
Werner máy môi báo động:
– Coi chừng, bọn SS tới.
Đoàn tù đứng nghiêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.