Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù

CHƯƠNG 12



Tù từ các lao xá Tiểu trại đứng thành hàng dài trên sân điểm danh. Đội trưởng Niemann nhún gót qua lại như người nhàn nhã. Hắn trạc độ ba mươi tuổi, mặt choắt, tai vểnh, cằm lẹm, tóc hoe màu cát. Hắn đeo một cặp kính không vành. Nếu không mặc quân phục, hắn có dáng vẻ của một gã thư ký quèn. Và đó cũng là sự thật trước khi hắn đầu quân vào SS.
Giọng hắn réo lanh lảnh:
– Đứng nghiêm! Tù mới, bước ra! Đứng hàng hai!
509 bảo nhỏ Sulzbacher:
– Hãy coi chừng!
Một dãy tù hàng đôi đứng trước Niemann. Hắn ra lệnh:
– Đau ốm và tàn tật bước qua bên phải!
Hai hàng tù lay động nhưng chẳng một ai bước ra. Họ đã có quá nhiều kinh nghiệm về chuyện này rồi.
– Mau lên! Ai cần khai bệnh hay băng bó, qua bên phải!
Sau vài giây ngập ngừng, một số người bước sang bên phải. Niemann đi tới, hỏi người đứng đầu:
– Bệnh gì?
– Thưa Đội trưởng, chân sưng và tét một ngón.
– Còn người kia?
– Thưa Đội trưởng, bệnh sán khí.
Hắn tiếp tục hỏi rồi cho hai tù nhân lui về chỗ cũ. Đó là thủ đoạn để làm cho tù yên tâm. Và hắn đã thành công. Thêm một số tù khác bước sang bên phải. Niemann gật gù:
– Ai đau tim bước ra luôn! Không làm nổi được việc nặng nhưng còn vá được giày vớ cũng bước ra.
Thêm một số người nữa bước ra. Nhẩm đến đã có khoảng ba mươi người, Niemann thấy không cần thêm nữa. Tuy vậy, hắn vẫn bực tức những tù nhân không chịu mắc mưu. Hắn lại thét lanh lảnh:
– Bọn mày còn khỏe mạnh hả? Được rồi, để thử coi! Bên phải, quay! Chạy vòng sân!
Đám tù bắt đầu chạy. Thở hổn hển, họ chạy ngang qua những người bạn khai bệnh còn đứng nghiêm và mỗi người đều tự nhủ chưa chắc ai là kẻ sẽ thoát hiểm. Chắc chắn là có người đang chạy sẽ ngã quỵ xuống, và Niemann sẽ tức tốc cho vứt kẻ ấy vào đám tù khai bệnh.
Đám tù đã chạy tới vòng thứ sáu. Tất cả đều gần ngã quỵ, nhưng họ biết đây không phải là vấn đề thử sức khỏe mà chính là cuộc chạy trốn lưỡi hái của tử thần. Mặt ướt đẫm mồ hôi, mắt lờ đờ thảm hại – một thứ ánh mắt kinh hoàng chẳng một loài thú nào có được, chỉ trừ loài người…
Tới bây giờ, đám tù khai bệnh lúc nãy mới nhận chân thực tế. Họ đâm ra hốt hoảng. Hai người trong bọn xông vào cùng chạy. Niemann kêu lên:
– Trở về chỗ!
Họ không nghe. Điếc vì sợ hãi, họ cứ cắm đầu chạy. Guốc gỗ sút ra, họ chạy với những bàn chân rướm máu. Niemann không rời mắt hai người tù ấy, nhưng vẫn để họ chạy. Rồi tới khi cả hai ngỡ là thoát nạn, hắn chờ họ chạy ngang tới, đưa chân ra khoèo khiến cả hai đều quỵ té. Họ cố chỗi dậy nhưng hai cú đá nặng nề tiếp theo khiến họ ngã sấp luôn. Với giọng lanh lảnh, Niemann ré lên:
– Đứng dậy mau! Trở về chỗ!
Hai người tù đành lủi thủi làm theo.
Suốt thời gian này, Niemann quay lưng về phía lao xá 22. Đoàn tù vẫn tiếp lục chạy vòng quanh. Thêm bốn người nữa ngã lăn, hai người bất tỉnh: một người mặc áo kỵ binh, người kia mặc áo lót đàn bà. Tên tù trật tự viên phát y phục đã bày ra trò đố. Trong số tù đang chạy, trên một chục người ăn mặc đủ kiểu trông như một đại hội trá hình.
509 để ý thấy Rosen vấp chân suýt ngã rồi từ từ bị vượt qua. Hắn biết chỉ vài giây nữa là Rosen sẽ kiệt sức và quỵ xuống. Có liên quan gì tới mình đâu, hắn nghĩ thế và nhủ thầm là chớ dại dột. Mỗi người phải tự xoay xở lấy. Một lần nữa, đoàn tù mới chạy ngang qua đám tù cũ. Rosen bây giờ đang lệt bệt ở sau cùng. Tự nhiên 509 nhìn sang Niemann. Lưng tên Đội trưởng vẫn còn quay lại phía các tù cũ. 509 nhìn quanh. Chẳng một trưởng phòng nào chú ý tới hắn. Mọi người đang nhìn vào hai ngưòi tù bị Niemann đá lúc nãy. Thật gọn gàng, 509 vói chụp vào tay Rosen trong lúc người tù này loạng choạng sắp té, kéo hắn vào và lẹ làng đẩy ra phía sau:
– Mau! Vượt qua hàng! Chui vào lao xá! Trốn mau!
Hắn nghe hơi thở hổn hển của Rosen ở phía sau. Từ khóe mắt hắn nhìn thấy có gì cử động và tiếng thở hào hển không còn nghe thấy nữa. Niemann vẫn còn mải mê nhìn đoàn tù chạy. 509 hy vọng là Rosen hiểu ý hắn. Và nếu rủi ro bị bắt lại Rosen chắc sẽ chẳng khai gì bất lợi cho hắn. Niemann không hề đếm số tù, như thế là đỡ lo. 509 cảm thấy gối run rẩy và cổ họng khô đắng. Máu như dồn mạnh vào hai vành tai hắn.
Hắn cẩn thận quay nhìn Berger, vẫn bất động, Berger chăm chú theo dõi đoàn người chạy vòng quanh càng lúc càng có thêm người quỵ ngã. Tuy nhiên, sắc diện hơi biến đổi của ông ta cho thấy là mình đã biết hết rồi. Thình lình phía sau hắn, có tiếng thì thầm của Lebenthal:
– Hắn vào tới bên trong rồi.
Hai gối của 509 càng run mạnh hơn. Hắn phải tựa vào Bucher cho khỏi té.
Niemann tháo kính ra lau vì tròng kính đã mờ bởi chính nhiệt độ của hắn trong khi hừng chí theo dõi cuộc chạy đua với tử thần của đoàn tù. Luồng nhiệt lực đó hắn đã phát hiện lần đầu tiên vào năm 1934 khi hắn giết một người Do Thái. Thoạt đầu, hắn không có ý định giết nhưng chính luồng nhiệt lực ấy đã chi phối hắn. Đúng ra hắn chỉ là một kẻ nhút nhát, nhưng khi nhìn thấy người Do Thái kia bò lê trước hắn xin tha, hắn bỗng cảm thấy mình cũng là một cái gì, một nhân vật có quyền lực trong tay, một kẻ nắm quyền sinh sát… và hắn bổ vào sọ đầu trên đó có những sợi tóc nhuộm lưa thưa…
“Tất cả, đứng lại”!
Đoàn tù bị hành xác dường như không tin hẳn. Họ ngỡ là sẽ bị bắt buộc chạy cho tới chết. Mặt đất và những người chung quanh họ đang đảo lộn quay cuồng. Họ tựa vào nhau để cố đứng. Niemann đeo kính vào và đột nhiên có vẻ gấp rút:
– Đem mấy cái xác qua đây!
Đoàn tù nhìn hắn, chẳng hiểu ra sao vì trên sân chưa có người nào chết. Hắn vội vàng chữa lại:
– Mấy đứa sụm chân đó! Đem qua đây!
Vài phút sau, những kẻ mệt ngất bị đem chất đống lên nhau. Trong sự hỗn loạn đó, 509 chợt thấy Sulzbacher được vài người án ngữ phía trước đang đá vào xương ống chân của một người tù ngất lịm rồi khom người xuống vặn tai và giựt tóc của người này. Hắn xốc người nay lên nhưng anh ta lại sụm xuống. Tức bực, hắn đấm đá túi bụi vào gã tù bất tỉnh cho tới khi một trật tự viên tới xô hắn ra. Sulzbacher lại xông vào nhưng bị tên tù có chức phận nay đá bật ra vì tưởng rằng Sulzbacher có thù hằn gì với người tù bất tỉnh đó. Tên trật tự viên đuổi hắn:
– Đi chỗ khác! Đồ tạp chủng! Đằng nào rồi nó cũng chết.
Xe chở xác vừa lên tới. Máy xe nổ như tiếng đại liên. Những người bất tỉnh được chất lên. Một vài kẻ chỉ mới kiệt sức nhưng chưa ngất lịm cố vùng dậy chạy trốn nhưng không thoát. Niemann vội vàng ra lệnh:
– Những đứa không thuộc nhóm này, tan hàng! Tù khai bệnh đi theo xe!
Lập tức, những người tù may mắn chạy vào lao xá. Xe lăn bánh thật chậm để những tù nhân khai bệnh có thể kịp theo sau. Nieimann đi bên cạnh họ và bắt đầu đổi giọng dịu dàng:
– Vậy là mấy người sẽ không còn phiền muộn gì cả.
Trong khi đó, toán tù vừa nhập lao xá 22 băn khoăn. Có người hỏi 509:
– Họ đi đâu vậy?
– Chắc tới lao xá 40.
– Để làm gì?
– Không biết.
Hắn không muốn nói ra điều mà tất cả tù nhân đều đã biết. Tại đó Niemann còn cả một thùng hơi ngạt và một ít thuốc chích chết người. Họ chỉ ở đó tới tối là chiếc xe chở xác lại tới nơi đưa thi thể họ về lò thiêu.
509 hỏi Sulzbacher:
– Sao lúc nãy bạn đánh người kia hoài vậy?
Sulzbacher nhìn vào mặt 509 nhưng không trả lời. Hắn nấc nghẹn như vừa nuốt phải một cụm bông gòn rồi tránh ra nơi khác. Rosen nói thay cho bạn:
– Người kia là em của anh ta.
Suizbacher nôn ra, chẳng có gì ngoài mật xanh.
– À, mày vẫn còn đây hả? Bộ tưởng quên rồi sao?
Handke đứng trước mặt 509, chậm chap nhìn từ đầu đến chân người tù. Lúc đó là giờ điểm danh tối. 509 không nói gì cả. Chỉ có điên mới dám chọc giận một đại diện lao xá. Im lặng bao giờ cũng tốt hơn. Hắn hy vọng là Handke tuy nói thế nhưng đã quên chuyện cũ hoặc chỉ nói để dằn mặt rồi thôi. Handke nhăn mặt:
– Sao?
Berger đáp giọng tự nhiên:
– Số đính bài đã bị ghi hôm đó rồi.
Handke quay phắt sang:
– Thật không?
– Thưa, chính Đội trưởng Schulte tự tay ghi. Tôi thấy.
– Ghi trong bóng tối? Được, nếu vậy càng tốt.
Hắn vẫn lắc lư và nói tiếp:
– Để tao hỏi lại coi. Có buồn phiền gì không hả?
Không một ai trả lời. Hắn bảo:
– Thôi được. Lo ăn đi trước đã. Súp thôi. Tao sẽ đích thân tới đó, đồ tạp chủng! Nghiêm!
Bolte tới nơi. Cũng như thường lệ, hắn có vẻ hối hả. Suốt hai tiếng đồng hồ thua bài, hắn phải cố tìm cách gỡ nên chỉ nhìn qua số người chết rồi bỏ đi ngay. Handke vẫn còn ở lại. Hắn ra lệnh cho toán tù đi lấy thực phẩm xuống nhà bếp rồi bước chậm rãi ra phía hàng rào kẽm gai chia đôi Tiểu trại và các lao xá đàn bà. Hắn đứng đó nhìn qua bên kia một lúc lâu.
Berger bảo:
– Chúng mình vào trong. Chừa một người ở lại coi chừng hắn.
Sulzbacher tình nguyện:
– Để tôi.
– Hãy thông báo ngay khi hắn bỏ đi.
Nhóm Lão Làng vào cả bên trong. Tốt hơn hết là đừng để cho Handke thấy mặt. Berger bồn chồn:
– Mình nên làm gì bây giờ? Quân trâu chó đó chắc muốn kiếm chuyện.
– Có thể là hắn sẽ lại quên. Dường như hắn khó chịu chuyện gì đó. Phải chi mình có rượu để làm hắn say khướt luôn.
Lebenthal nhổ nước miếng:
– Rượu! Làm sao có! Không thể có được!
509 nói:
– Có thể là hắn chỉ nói đùa.
Tuy nói vậy nhưng 509 không dám tin lời mình. Dầu sao thì đó cũng là chuyện thường xảy ra. Bọn SS toàn là những chuyên viên gây sự sợ hãi thường xuyên. Đã có lắm người vì quá sợ mà mất trí. Một vài kẻ đã điên loạn chạy bổ vào hàng rào điện, một số khác chết vì đứng tim.
Rosen tới gần, nói nhỏ với 509:
– Tôi còn một ít tiền đây. Bốn chục Marks. Bạn lấy cho hắn. Ở chỗ khác chúng tôi vẫn thường làm như vây.
Hắn dúi những tờ giấy bạc vào tay 509. Tự nhiên 509 cầm lấy không hề ý thức là đang nhận tiền một kẻ khác.
– Chắc chẳng tới đâu. Hắn cứ lấy tiền và vẫn kiếm chuyện.
– Hứa là sẽ hối lộ thêm.
– Nhưng lấy tiền ở đâu ra?
Berger góp ý:
– Lebenthal còn ít nhiều. Phải không, Leo?
– Có, tôi còn một ít. Chỉ sợ là sau khi thỏa mãn lần đầu, hắn cứ trở lại mỗi ngày đòi thêm cho tới lúc mình sạch túi. Chừng đó mình trở lại tình trạng cũ, chỉ khác hơn là chẳng còn tiền.
Tất cả đều im lặng. Không ai cho là lời nói của Lebenthal tàn nhẫn. Đó là sự thật. Vấn đề là có nên hy sinh công việc mua bán đổi chác của Lebenthal chỉ để lấy một đôi ngày trì hoãn cho 509 hay không. Chấp nhận như thế là nhóm Lão Làng sẽ còn ít thực phẩm hơn, rất ít đến nỗi có thể khiến cho một vài người quá yếu chết luôn. Thật ra, mọi người đều sẵn sàng hy sinh mọi thứ nếu sự hy sinh đó có thể thật sự cứu mạng cho 509, nhưng làm sao có thể biết được với tính tình hay thay đổi của tên tù đại diện lao xá. Kéo dài vài ngày sống sót riêng cho một người trong khi hàng chục sinh mạng khác lâm nguy là điều khó chấp nhân. Đó là quy luật bất thành văn của ngục tù trong mục đích duy trì sự sống còn. Tất cả đều hiểu rõ, nhưng trong trường hợp này, họ không muốn liều. Họ đang tìm một lối thoát chung.
Cuối cùng Bucher ngỏ ý một cách tuyệt vọng:
– Hay là mình giết chết tên chó má đó.
Ông lão Ahasver vẫn cứ sáng suốt:
– Bằng cách nào? Hắn khỏe gấp mười mình.
– Nếu tất cả chúng ta đều dùng chén…
Bucher không nói nữa. Hắn tự thấy dại dột.
Dầu cho giết Handke thì rồi sẽ có cả lô tù nhân bị treo cổ. Berger hỏi:
– Hắn còn đó không?
– Còn. Vẫn đứng một chỗ.
– Có thể là hắn sẽ quên.
– Hắn bảo là chờ bọn mình ăn xong.
Một không khí im lặng chết chóc bao trùm. Một lúc sau, Rosen nói với 509:
– Bạn cứ biếu hắn 40 Marks. Đó là tiền của bạn. Tôi đã tặng bạn rồi. Của riêng tôi tặng riêng bạn, chẳng dính líu gì tới người khác.
Lebenthal tuyên bố:
– Đúng. Đúng lắm.
509 nhìn ra cửa. Hắn thấy hình dáng đen mờ của Handke in trên nền trời xám. Cách đó ít lâu, một cái gì tương tự như thế đã diễn ra… một cái đầu in trên nền trời, một đại họa. Hắn không nhớ rõ lúc nào. Hắn lại nhìn ra cửa không hiểu tại sao mình chẳng có quyết định nào cả. Một sức kình chống mờ ảo đang hình thành trong hắn. Đó là sức kình chống với quyết định lo lút cho Handke. Trước đây hắn có bao giờ nghĩ tới việc này đâu, chỉ toàn là sự sợ hãi.
Rosen thúc gịục:
– Cứ ra gặp hắn. Đưa hết tiền cho hắn và hứa hẹn thêm.
509 do dự. Hắn không hiểu hắn nữa rồi. Hắn chỉ còn hiểu là hối lộ sẽ cũng chẳng có hiệu lực gì một khi Handke cố tình hủy diệt hắn. Chuyện đó đã xảy ra quá nhiều trong nhà tù. Chúng nó lấy tiên nhưng rồi lại hạ sát người lo lót để diệt khẩu. Nhưng một ngày sống sót cũng là một ngày sống sót… và biết đâu chỉ trong một ngày ấy thôi, nhiều biến đổi lớn sẽ xảy ra.
Thằng bé Karel nói lớn:
– Toán khiêng đồ ăn đã về tới.
Berger khuyến khích 509:
– Cứ thử một lần đi. Nếu hắn trở lại đòi thêm mình dọa tố cáo hắn. Chúng ta có cả chục nhân chứng. Tất cả đều khai một lời. Mình chỉ còn có cách đó thôi.
Từ bên ngoài, Sulzbacher nói vọng vào:
– Hắn đang đi tới.
Tên đại diện hung ác đi vòng tới trước khu D, quát hỏi:
– Thằng khốn kiếp đâu rồi?
509 bước ra:
– Tôi đây.
– Tốt lắm. Tao sắp sửa ra tay đây. Từ giã bọn chúng đi. Chúng nó sẽ tìm ra mày sau. Có cả kèn trống linh đình.
Hắn nhăn nhó với thái độ khôi hài, tự cho mình đùa rất có duyên. Berger thúc nhẹ khuỷu vào người bạn. 509 bước tới.
– Tôi có thể nói với ông vài câu không?
– Nói với tao? Sao lạ vậy?
Handke đi về phía cửa ra. 509 bước theo. Từ phía sau, hắn nói vọng tới:
– Tôi có một ít tiền.
– Tiền? À hả? Bao nhiêu?
Hắn vừa hỏi vừa tiếp tục đi.
– 20 Marks.
509 muốn nói bốn mươi nhưng sức kình chống trong người hắn đã ngăn cản lại. Hắn chỉ muốn mua sự sống bằng một nửa số tiền thôi.
– 20 Marks và hai xu nhỏ! Bỏ đi, con!
Hắn bước mau hơn. 509 cố bắt cho kịp:
– 20 Marks vẫn hơn là chẳng có gì.
– Cứt!
Thế là hết luôn cơ hội lo lót 40 Marks. 509 nhận ra là đã lầm. Một sự lầm lẫn hết cứu vãn. Hắn nghe đau nhói ở dạ dầy. Sức kinh chống ban nãy tan biến. Hắn nói mau:
– Tôi vẫn còn nhiều tiền hơn.
Handke dừng lại:
– A ha! Một nhà đại tư bản hả! Một nhà tư bản chết! Bao nhiêu?
509 hít một hơi thở thật sâu:
– 5.000 đồng quan Thụy Sĩ.
– Sao?
– 5.000 đồng quan Thụy Sĩ. Gởi tại một ngân hàng ở Zurich.
Handke bật cười:
– Bô mày tưởng nói vậy là tao tin ngay sao, thằng khố rách?
– Trước kia, tôi không phải là thằng khố rách.
Trong một lúc khá lâu, Handke nhìn đăm đăm vào mặt người tù mà hắn không thể nào ưa nổi. 509 nói thật mau:
– Tòi sẽ chuyển một nửa khoản tiền ấy sang ông. Thủ tục rất đơn giản, chỉ một giấy chuyển ngân là món tiền sẽ về tay ông. Hai ngàn năm trăm đồng quan Thụy Sĩ không phải nhỏ.
Hắn nhìn vào khuôn mặt khó hiểu trước mắt rồi nói tiếp:
– Chiến tranh sắp kết thúc một ngày gần đây. Tiền bạc ở Thụy Sĩ có thể lấy ngay… Khi chúng ta bại trận.
Handke ngẩng đầu lên, giọng hắn thấp hơn:
– Thì ra thế. Bọn mày đang tính toán như thế, hả? Đừng tưởng bở! Sinh mạng tụi mày ở trong tay bọn tao. Cứ tưởng nói thế là xong sao? Tiền ký thác ở ngoại quốc bất hợp lệ… rồi sẽ bị điều tra, càng rắc rối cho mày thêm.
– Nhưng có 2.500 đồng quan Thụy Sĩ trong tay và chẳng có gì cả là chuyện không giống nhau…
– Đối với mày cũng thế. Đừng nói nữa!
Đột nhiên Handke tru tréo lên rồi xô mạnh vào người 509 làm hắn quỵ xuống.
509 từ từ đứng lên. Berger từ xa tới. Handke đi luôn, bóng hình gã chìm khuất trong màn đêm. Berger hỏi ngay:
– Sao? Chuyện gì?
– Hắn không chịu lấy tiền.
Berger đứng im. 509 chợt nhận ra trong tay Berger có một cây gậy. Hắn kể lại:
– Tôi hứa sẽ dâng hắn nhiều hơn. Hắn không chịu. Có lẽ tôi đã sai lầm về một điều gì đó.
– Hắn không ưa bạn vì chuyện gì?
– Hắn không chịu nổi tôi. Bây giờ thì mọi việc đều như nhau. Tôi hứa sẽ chuyển nhượng cho hắn một số tiền ở Thụy Sĩ. Hai ngàn rưỡi đồng quan Thụy Sĩ mà hắn vẫn cứ thế.
Họ đã về tới lao xá. Họ chẳng cần tường thuật, mọi người cũng đã hiểu. Tất cả đều còn đứng nguyên chỗ cũ. Không một ai rời vị trí… nhưng dường như chung quanh 509 có một khoảng trống vô hình, một vòng rào cô lập… sự cô đơn của cái chết.
Rosen buột miệng:
– Khốn kiếp!
509 nhìn Rosen với ánh mắt hòa dịu rồi bảo Lebenthal:
– Cho tôi mượn cái đồng hồ.
Berger đưa ý kiến:
– Mình vào trong nghĩ xem có ý gì hay không?
– Chẳng còn gì đâu. Bây giờ chỉ còn đợi chờ thôi. Đưa đồng hồ cho tôi và cứ để tôi một mình.
Hắn ngồi đơn độc. Kim đồng hồ lòe xanh trong bóng tối. Hắn nghĩ thầm, ba mươi phút. Mười phút tới văn phòng, mười phút để báo cáo và ra lệnh, mười phút đi trở lại. Kim dài sẽ đi đúng nửa vòng… nửa vòng kim, một mạng sống.
Bỗng nhiên hắn nghĩ tiếp, biết đâu có thể lâu hơn. Nếu Handke báo cáo về chuyện tiền Thụy Sĩ thì Khối Chính Trị bắt buộc phải can thiệp. Như vậy chúng sẽ làm mọi cách để lấy cho được tiền, trong thời gian này hắn không thể bị giết chết. Lúc nói chuyện đó với Handke, hắn không hề nghĩ tới điều này… chỉ có ý định khơi lòng tham của tên đại diện hung ác ấy thôi. Đúng là một dịp may, nhưng biết Handke có đề cập tới vấn đề ấy hay không.
Bucher lặng lẽ tới chỗ 509, hắn ngập ngừng:
– Còn một điếu thuốc đây. Berger gọi bạn vào trong hút.
Thuốc lá. Tốt lắm. Đó là điếu thuốc cuối cùng của Lewinsky tặng sau khi hắn vừa bị nhốt trong chuồng cọp ra. Chuồng cọp… bây giờ hắn nhớ ra rồi. Cái đầu in trên nền trời mà Handke gợi nhớ chính là cái đầu của tên Trại trưởng Weber. Weber, chính hắn là người gây ra mọi thứ.
Bucher giục:
– Thôi đi vào.
509 lắc đầu. Thuốc lá. Đó là món điểm tâm cuối cùng của tử tội. Hút xong một điếu thuốc mất bao lâu? Năm phút? Mười phút, nếu hút chậm? Một phần ba thời gian của nửa vòng kim dài trên mặt đồng hồ. Không được. Hắn còn những việc khác cần làm. Nhưng làm cái gì? Có gì để làm đâu? Miệng hắn bỗng nghe thèm thuốc một cách lạ lùng. Nhưng, nếu hút tức là tự nhìn nhận đã thua cuộc.
Hắn bỗng nổi giận:
– Đi đi! Mang điếu thuốc bẩn thỉu ấy đi đi!
Hắn lại nhớ tới cơn thèm thuốc tương tự. Đó là lần Neubauer hút xì-gà sau khi hắn và Bucher bị Weber đánh chết lên chết xuống. Lại cũng thằng Weber. Như thường lệ. Như nhiều năm qua…
Hắn không muốn nghĩ tới Weber. Không muốn nghĩ tới lúc này. Hắn nhìn xuống đồng hồ. Năm phút đã đi qua. Hắn nhìn lên vòm trời. Đêm ẩm nhưng hiền dịu. Đây là dịp để cây cối đâm chồi nảy lộc. Đêm mùa Xuân. Mùa Xuân đầu tiên của hy vọng. Nhưng đây chỉ là một thứ hy vọng rách nát, tồi tàn, chỉ còn là cái bóng. Đúng ra, hắn không nên nói về chuyện bại trận, một cái gì khiến hắn nghĩ thế.
Trễ lắm rồi. Hắn đã nói với Handke. Nền trời như đen sậm hơn, bụi bẩn hơn, thấp xuống hơn với đầy đe dọa. 509 thở mệt nhọc. Hắn muốn bò ra xa, chúi đầu xuống đất để lẩn trốn, móc trái tim ra và cất giấu đi để cho nó vẫn còn đập nếu…
Mười bốn phút, có tiếng thì thầm buồn ngậy ở phía sau. Hắn đoán là ông lão Ahasver đang cầu kinh. Điệu kinh cầu này hắn đã từng nghe nhiều lần… những lời cầu nguyện cho kẻ chết, kinh Kaddish. Hắn nói vọng ra sau:
– Tôi chưa chết, cụ ơi! Đừng đọc nữa!
Tiếng thì thầm đâu rồi? Sao không còn nghe thấy nữa? Từ từ, 509 đưa bàn tay lên và từ từ mở ra thận trọng như người đang nắm giữ một viên kim cương sợ nó bỗng biến thành than đá. Hắn cố thở thêm vài hơi nữa trước khi nhìn vào đường chỉ tay mờ mờ của mệnh số.
Ba mươi lăm phút trôi qua. Ba mươi lăm phút rồi sao? Thế là hơn năm phút, năm phút tuyệt vời, năm phút tối quan trọng. Nhưng có lẽ đó là năm phút để báo cáo tới khối chính trị… hoặc Handke tự cho mình thêm chút thì giờ.
Thêm bảy phút nữa trôi đi. 509 ngồi yên. Hắn thở và nhận ra còn đang thở. Không có một tiếng động nào cả. Không có tiếng bước chân, không có tiếng xiềng xích, không có lời quát tháo. Nền trời vẫn còn đó, dường như cao hơn. Trên đó chẳng có bóng dáng một đám mây nào đi đưa tang cả.
Hai mươi phút rồi ba mươi phút. Phía sau hắn có tiếng người thở ra nhẹ nhõm. Bầu trời sáng hơn lên. Có tiếng dội từ xa của nhịp tim, tiếng phần phật của mạch máu, và hơn thế nữa, tiếng dội rền vang trong tiếng dội rồi tia lửa – chưa chịu tắt – ngún cháy và bừng sáng mãnh liệt hơn trước kia. Bàn tay trái yếu ớt buông chiếc đồng hồ rơi xuống.
– Có thể…
Phía sau hắn, Lebenthal vừa lẩm bẩm bao nhiêu đó rồi ngưng lại với sự sợ hãi pha lẫn lòng mê tín.
Thời gian đột nhiên như không còn kéo dài ra mà tan chảy. Tan chảy đi mọi hướng. Thời gian… như giòng nước đổ xuống triền đồi. 509 chẳng hề giựt mình khi bàn tay Berger thò lấy chiếc đồng hồ
– Một giờ mười phút. Hôm nay nhất định không có gì xảy ra. Rất có thể là chẳng bao giờ nữa đâu, 509. Chắc hắn đã suy nghĩ kỹ.
Rosen đầy tin tưởng:
– Đúng vậy.
509 bỗng hỏi một câu ngoài đề:
– Leo, tối nay bọn gái điếm có đi qua không?
Lebenthal không giấu được ngạc nhiên:
– Bạn lại nhớ tới chuyện dạ dầy à?
– Phải.
Vậy chớ nghĩ tới gì bây giờ? 509 tự hỏi. Hắn tiết lộ:
– Chúng ta còn khá nhiều tiền. Tôi chỉ đề nghị biếu Handke 20 Marks thôi.
Lebenthal sửng sốt:
– Sao chỉ có 20 Marks?
– Hai mươi hay bốn mươi cũng vậy thôi. Nếu muốn thì hắn lấy, chỉ có thế.
– Nhưng nếu đêm mai hắn lại tới?
– Nếu có tới hắn sẽ lấy 20 Marks. Nếu hắn báo cáo thì bọn SS tới. Trong trường hợp đó tôi đâu còn cần tiền nữa.
Rosen quả quyết:
– Hắn không báo cáo đâu. Chắc chắn mà. Hắn sẽ nhận tiền.
Lebenthal cảm thấy dễ chịu:
– Bạn cứ giữ số tiền đó. Tôi còn khá đủ cho đêm nay.
Và thấy 509 đang làm một cử chỉ không tán thành, hắn gằn giọng nói tiếp:
– Tôi không lấy mà. Còn tiền đây. Thôi vào đi. Để tôi lo.
509 từ từ đứng lên. Từ lúc ngồi xuống cho tới bây giờ hắn có cảm tưởng là không bao giờ còn đứng lên nổi nữa, làm như gân xương hắn đã tan chảy thành keo. Hắn cử động tay chân. Berger theo sau hắn. Họ im lặng một lúc lâu rồi 509 lên tiếng trước:
– Ephraim, con người có cách nào thoát khỏi vĩnh viễn sự sợ hãi không?
– Bi quan đến thế sao?
– Bi quan chớ. Hơn bao giờ hết.
– Có lẽ tại vì bạn sinh động hơn.
– Bạn tin như vậy à?
– Phải. Bởi vì tất cả chúng ta đều đã thay đổi.
– Rất có thể. Nhưng trong cuộc sống làm thế nào để thoát khỏi những điều sợ hãi?
– Khó lắm. Nhưng với chuyện vừa xảy ra thì được. Đây là một sự sợ hãi cảm nhận với lý do. Còn sự sợ hãi kia – một sự sợ hãi dai dẵng, cái sợ trong ngục tù – thì tôi không biết. Hiện thời mình chỉ nên nghĩ tới ngày mai. Ngày mai và thằng Handke.
509 nhìn thẳng tới trước:
– Nhưng đó là điều tôi không muốn nghĩ tới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.