Berger đang trên đường đi tới lò thiêu. Bên cạnh ông ta còn có một nhóm sáu người tù. Ông từng biết một trong số ấy. Đó là luật sư Mosse. Năm 1932, ông đã từng biện hộ cho hai nhân vật Quốc Xã liên can tới một vụ sát nhân. Hai nhân vật này được Tòa tha bổng, nhưng sau khi đảng Quốc Xã cầm quyền, luật sư Mosse bị ném vào trại tập trung. Từ ngày ông ta tới Tiểu trại, Berger chưa gặp mặt. Berger nhận ra Mosse vì ông ta đeo kính một tròng. Mosse không cần tới tròng kính thứ hai bởi chỉ còn một mắt. Năm 1933, con mắt kia bị châm lửa như một cách trả công cho những lời biện hộ.
Berger hỏi nhưng chẳng máy môi:
– Đi đâu?
– Tới lò thiêu. Làm việc.
Nhỏm người vượt qua. Bây giờ Berger lại nhận ra một người nữa: Brede, một nhân vật của đảng Dân chủ Xã hội. Ông ta chợt nghĩ tới, cả sáu người đều là chính trị phạm. Cùng đi với họ là một trật tự viên mang dấu hiệu xanh của loại tù thường phạm. Tên này đang huýt sáo một điệu nhạc sân khấu. Vừa nhận ra điệu nhạc, Berger nhớ ngay tới lời ca: Vĩnh biệt người em bé nhỏ…
Người tù bác sĩ đi chầm chậm, thở không khí trong lành của ban mai. Mỗi lần đi như thế này ngang qua trại lao tác ông ta đều có cảm tưởng của một kẻ nhàn du trong công viên. Năm phút nữa là tới bờ tường bao quanh lò thiêu xác. Năm phút sống trong gió và nắng sớm.
Nhóm tù sáu người đã khuất bên trong cổng. Dường như có gì lạ trong việc đem tù mới tới làm việc tại lò thiêu. Từ trước tới nay, toán tù làm việc lại đây được hưởng một quy chế đặc biệt hơn. Họ được cho ăn uống đầy đủ và tương đối có đôi chút tự do. Nhưng chỉ sau vài tháng là họ bị thay thế và đưa đi nơi khác thủ tiêu… Toán mới đến làm việc vừa được hai tháng nên chuyện có người ngoài tới phụ lực là một điều lạ. Berger là trường hợp duy nhất. Thoạt tiên, ông ta được gởi tới để tiếp tay trong vài ngày nhưng người tù y sĩ tiền nhiệm chết đi nên ông ta phải thay thế luôn. Do đó, Berger không ở chung một chỗ riêng biệt của toán, cũng không được hưởng khẩu phần đầy đủ hơn những tù nhân khác. Và cũng vì thế mà ông ta hy vọng sẽ không bị đưa đi thủ tiêu sau vài tháng làm việc. Nhưng đó chỉ là hy vọng suông.
Berger vừa vào cổng đã thấy sáu người kia đang đứng hàng một trên sân, không xa mấy với giảo hình đài. Tất cả đều cố gắng tránh nhìn vào đó. Sắc diện của Mosse đã thay đổi. Con mắt còn lại của ông ta nhìn Berger với tất cả lo lắng trong khi Brede cúi gầm mặt xuống.
Tên tù trật tự viên nhìn thấy Berger:
– Làm gì ở đây?
– Kiểm soát răng.
– Thợ nhổ răng hả? Vậy thì đứng riêng ra! Mấy người kia, đứng yên!
Sáu người cố đứng yên. Berger đi qua trước mặt họ, nghe Mosse thì thầm nhưng không rõ nói gì. Ông ta không dám dừng lại.
Hầm thiêu xác có một đường dốc chúi nghiêng, thây người được ném vào đó cho chùi tuột vào hầm. Bên cạnh là nơi kiểm xác. Người chết bị lột hết quần áo, vô sổ tên họ và số đính bài trước khi bi lục soát răng.
Phần việc của Berger là lập giấy khai tử và nhổ răng vàng của kẻ chết. Người tiền nhiệm của ông ta là một nha sĩ đã chết vì máu bị nhiễm độc.
Trật tự viên của hầm xác là Dreyer. Hắn vào sau Berger mấy phút.
– Bắt đầu đi!
Hắn nói trổng và ngồi vào một chiếc bàn nhỏ.
Ngoài Berger còn có bốn tù nhân khác của toán hỏa táng. Họ đang đứng gần mé dốc chùi. Xác chết đầu tiên chùi xuống như một cái bao tải lớn. Toán hỏa táng lôi cái xác vào giữa phòng, lột hết y phục ra. Drever ghi số đính bài và hỏi:
– Có nhẫn không?
– Không có.
– Răng?
Hắn chiếu đèn bấm vào miệng hé mở của xác chết. Khóe miệng của người tù này còn đọng vết máu khô. Berger báo cáo:
– Có một cái răng vàng bên phải.
– Tốt. Nhổ ra đi!
Berger quỳ xuống bên cạnh đầu xác chết đang được một người tù giữ chặt trong khi các tù nhân kia lo lột quần áo của cái xác thứ hai. Nhiều xác chết khác được đẩy xuống chồng chất lên nhau. Một xác chết chùi xuống với hai chân đi trước nên dừng đứng lại, dựa ngửa vào đường dốc, mắt mở trừng trừng, mồm hả hốc. Cái xác giữ thế đứng như thế được một lúc thì bị mấy cái xác khác đâm bổ vào, trong số này có thi thể một phụ nữ tóc dài. Tóc người đàn bà phủ lên mặt thây người đứng. Cuối cùng, dường như quá mệt vì phải gánh quá nhiều sự chết chóc trên vai, cái xác đứng trật nghiêng qua và trợt nhào. Dreyer nhăn mặt, thè lưõi liếm môi.
Trong thời gian đó, Berger đã dùng kềm lấy được cái răng vàng ra và đặt vào một trong hai cái hộp ở gần đó. Chiếc hộp thứ hai dùng để đựng nhẫn. Dreyer vào sổ chiếc răng.
– Nghiêm!
Một người tù bỗng hô lớn và tất cả năm người đều đứng nghiêm. Đội trưởng Schulte bước vào:
– Tiếp tục đi!
Hắn ngồi xuống trên một chiếc ghế cạnh bàn giấy, nhìn đống xác tù rồi chỉ vào một người trong toán thiêu xác:
– Ở ngoài có tới tám đứa ném xác. Nhiều quá. Gọi bốn đứa xuống đây để tiếp tay! Tên này ra gọi.
Berger đã tháo ra được một chiếc nhẫn trong ngón tay một xác chết khác và bỏ vào hộp thứ hai trong khi Dreyer vào sổ. Xác này đã mất hết cả răng. Schulte ngáp dài.
Theo nội quy thì các thây tù đưa tới lò thiêu phải được mổ ra, ghi lý do cái chết… nhưng chẳng ai bận tâm áp dụng các điều lệ đó. Bác sĩ của trại lâu lâu mới tới một lần và chẳng bao giờ nhìn tới thây người. Do đó, các tù nhân chết đều được ghi với lý do: đau tim. Westhof cũng thế. Hắn chết vì bịnh tim.
Các thi thể trần truồng được đặt sát bên cạnh một mặt bàn kéo. Hai tù nhân tại lò thiêu ở từng trên sẽ kéo mặt bàn lên mỗi khi trong lò trống chỗ.
Người tù đi ra ngoài bây giờ trở vào với bốn người tù khác, trong số này có Mosse và Brede. Schulte quát bảo:
– Lột hết quần áo mấy cái xác ra. Quần áo của trại để một bên. Quần áo cá nhân để một bên, giày để riêng ra, làm đi!
Schulte là thanh niên hai mươi ba tuổi, da đen xạm, mắt xám. Hắn là đoàn viên kỳ cựu của tổ chức Thanh Niên Hitler từ trước ngày cướp chánh quyền và chính tổ chức này đã đào luyện hắn thành con người khác. Hắn đã từng được giáo huấn là trên thế giới này có hạng Siêu nhân và hạng Tiện nhân. Thuyết kỳ thị chủng tộc và giáo điều của Đảng là Thánh kinh của hắn.
Hắn là đứa con tốt nhưng hắn không ngần ngại tố cáo nếu cha hắn có hành vi chống Đảng. Đối với hắn, Đảng là tối thượng… ngoài ra chẳng còn gì khác. Tù nhân là kẻ thù của Đảng và của quốc gia nên không bao giờ đảng được đối xử nhân đạo.
Chúng còn hạ cấp hơn thú vật. Giết chúng nó cũng như giết một con trùng. Schulte không hề có một chút mặc cảm nào. Hắn vẫn ngủ ngon và nếu có hối tiếc chính là điều không được gởi ra mặt trận. Hắn là một người bạn đáng tin cậy, yêu thơ, mê nhạc nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng chỉ có tra tấn mới lấy được lời khai của tù nhân, bởi vì những kẻ thù của Đảng bao giờ cũng nói dối.
Hắn đã từng giết chết sáu người – trong số này có hai người phải chết từ từ vì hắn muốn biết thêm đồng lõa – và chỉ coi đó là chuyện quá bình thường. Hắn đang say mê con gái của một Nghị viên Hội đồng Tỉnh. Những lúc rỗi rảnh, hắn thường ca hát, giọng kim của hắn cũng dễ nghe.
Mấy cái xác cuối cùng đã được chồng lên mặt bàn kéo. Mosse có vẻ vui vui. Hắn mỉm cười với Berger. Nỗi lo sợ lúc nãy bây giờ đã biến mất. Ông ta sợ bị xử treo nhưng bây giờ thấy được sai bảo nên vững dạ và cố làm một cách hăng hái để tỏ thiện chí.
Cửa mở ra, Weber bước vào:
– Nghiêm!
Tất cả đều đứng nghiêm. Hắn bước tới bàn giấy. Giày hắn bóng lưởng. Hắn rất chú trọng đến việc chọn giày, gần như là một say mê. Hắn rũ tro điếu thuốc lên đống thây tù và hỏi Schulte:
– Xong cả chưa?
– Thưa Trại trưởng, đã vào sổ tất cả rồi.
Weber nhìn vào hai hộp đựng vàng. Hắn lấy cái mề đai từ trong hộp ra:
– Cái gì đây?
– Thưa Trại trưởng, mề đay của Thánh Christophorus, mề đay ban phước lành.
Weber nhíu mày, trả miếng vàng vào hộp:
– Mấy đứa ở trên mới xuống đâu?
Bốn người trong bọn Mosse bước tới. Cánh cửa lại mở ra và Đội trưởng Steinbrenner vào với hai người tù cũng trong toán Mosse. Weber bảo hai người tù mới vào:
– Đứng chung với mấy thằng kia! Mấy đứa khác lên từng trên!
Toán tù chuyên việc hỏa táng biến ngay. Berger đi theo họ. Weber lườm sáu người tù còn lại:
– Không phải đứng đó, lại chỗ mấy cái mốc!
Từ trên trần căn phòng, bốn cái móc to lớn buông lủng lẳng gần chỗ dốc chùi xác. Tất cả đều cao cách đầu người đứng khoảng sáu phân. Trong góc phòng bên phải là một cái ghế đẩu ba chân, bên cạnh đó là một chùm thòng lọng có móc sắt ở đầu dây.
Với chân trái, Weber đẩy chiếc ghế đẩu tới trước một người tù:
– Đứng lên trên!
Người tù run rẩy bước lên đứng trên mặt ghế. Weber nhìn đống dây thòng lọng rồi quay sang Steinbrenner:
– Nào, cho trình diễn đi! Để xem tài nghệ chứ ra sao.
Berger làm như đang tiếp tay chất hai cái xác lên trên cáng sắt, trong số có thi thể một phụ nữ tóc ngắn và một người đàn ông trông như làm bằng một loại sáp bẩn thỉu. Berger nhấc vai cái xác người đàn bà lên và nhét tóc xuống dưới để khi bị đẩy vào lò, tóc sẽ không bị gió lửa làm bốc cháy và hất ngược ra có thể làm phỏng tay mình và những người kia. Kể ra cũng hơi lạ là mấy lúc sau này, bọn SS không còn cắt tóc của những xác tù để giữ lại. Có thể chúng cho là chẳng đáng phí công vì trong trại chẳng còn bao nhiêu nữ tù nhàn. Ông ta bảo mấy người tù bên cạnh:
– Sẵn sàng rồi.
Họ mở cửa lò. Hơi lửa nóng rực phà ra. Họ đẩy hai chiếc cáng sắt lăn vào. Một người hô lớn:
– Đóng cửa lại! Mau lên!
Hai cánh cửa lò nặng nề đóng sầm lại nhưng một cánh bỗng bật ra. Berger thoáng thấy người đàn bà rướn mình lên như vừa tỉnh giấc. Tóc người tù đàn bà cháy bùng lên như một vầng hào quang, rồi cánh cửa lúc nãy bị kẹt bởi một miếng xương ập mạnh vào lần cuối.
– Cái gì vậy? Bộ còn sống hả?
Người tù vừa lên tiếng vẫn còn đầy sợ hãi. Từ trước tới nay, anh ta chỉ có phận sự lột y phục của xác chết thôi.
– Không phải đâu. Tại sức nóng làm họ chuyển động.
Berger trả lời với giọng khàn nghẹt. Hơi lửa đã làm cổ ông ta khô lại. Một tù nhân khỏe mạnh của toán hỏa táng vừa tới nói thêm:
– Đôi khi họ còn khiêu vũ nữa. Ủa, mấy con ma dưới hầm lên đây chi vậy?
– Tụi này bị đuổi lên.
Người tù khỏe mạnh bật cười:
– Để làm gì? Để đút vào lò hả?
Berger đáp:
– Ở dưới có người.
Tên tù vạm vỡ ngưng cười:
– Sao? Có người mới à? Họ làm gì?
– Không rõ. Sáu người mới tất cả.
Người tù khỏe mạnh nhìn sững Berger:
– Vô lý! Tụi này mới làm việc có hai tháng mà, chẳng lẽ lại bị thay. Không có quyền làm vậy. Có chắc không?
– Biết đâu. Họ bảo như thế.
– Bạn không biết à? Đâu thử tìm hiểu coi.
– Được rồi, nhưng bạn còn bánh mì không? Hay món gì khác cũng được. Tôi sẽ điều tra giúp cho.
Người tù nhân mất tự tin lấy một khúc bánh mì trong túi áo ra bẻ làm hai và đưa miếng bánh nhỏ hơn cho Berger:
– Đây. Bạn cố tìm cho biết chắc.
Berger bước trở ra. Có người chạm vào vai ông ta. Đó là tên tù trật tự viên đã áp giải Mosse và Brede cùng bốn người kia tới đây.
– Thợ nhổ răng hả?
– Phải.
– Xuống dưới đi. Có một cái răng phải lấy ra.
Mặt tên tù trật tự tái xanh, mồ hôi nhễ nhại. Hắn dựa người vào tường. Berger nháy mắt với người tù vừa cho bánh. Hắn theo ông ta tới lối ra ra.
– Biết chắc rồi. Họ không thay các bạn đâu. Tất cả đều chết.
– Chắc hả?
– Chắc chớ. Nếu không tôi xuống dưới làm gì?
Người tù toán cũ thở ra nhẹ nhõm. Hắn bảo Berger:
– Trả miếng bánh lại đây. Cám ơn Chúa.
Breger giữ chặt túi áo:
– Đâu được.
– Đồ ngu! Đưa miếng bánh kia lại đây! Tôi đổi cho miếng lớn hơn.
Lấy bánh xong, Berger đi xuống hầm. Steinbrenner và Weber không còn ở đó, chỉ có Shulte và Dreyer. Trên bốn cái móc sắt ở trần hầm, bốn người đang bị treo lủng lẳng, trong số này có Mosse vẫn còn đeo kính. Brede và một người nữa đang nằm chết trên sàn xi măng. Schulte bảo Berger:
– Đem tên này xuống! Hắn có răng vàng.
Berger cố làm theo nhưng không được, phải nhờ Dreyer tiếp tay. Cái xác bị treo rơi xuống như bao cát. Người chết có một cái răng cửa bằng vàng. Berger nhổ chiếc răng ra, bỏ vào hộp. Dreyer ghi vào sổ. Schulte bảo:
– Coi mấy tên kia có gì không?
Berger khám hai thây người dưới đất trong khi tên trật tự viên chiếu đèn:
– Chẳng có vàng. Chỉ có một cái răng bằng bạc và xi măng.
– Không dùng được. Còn mấy tên bị treo, soát lại xem.
Berger cố tháo Mossse xuống nhưng không nổi. Schulte quát:
– Khoan! Cứ để như thế dễ thấy hơn.
Berger đẩy cái lưỡi sưng phồng của Mosse qua một bên. Con mắt lồi ra của Mosse đang ở ngay sát mặt ông ta. Từ khóe mắt tiết ra một chất nhờn làm ướt một bên má. Tên trật tự viên đứng cạnh Berger và Schulte cũng vừa bước tới. Hơi thở của tên Đội trưởng Đức phà vào gáy ông ta, nặng mùi rượu bạc hà.
– Chẳng có gì. Cái xác kế bên!
Cái xác kế tiếp đã bị rụng gần hết răng trong một vụ tra trấn, chỉ còn hai cái làm bằng bạc hợp chất. Hơi thở của Schulte vẫn còn ở sau gáy Berger – hơi thở của một gã Quốc Xã vô tư đang thi hành phận sự tìm vàng trong miệng của những kẻ vừa bị sát hại. Bỗng nhiên, Berger cảm thấy không thể chịu đựng nổi hơi thở đó. Ông ta nghĩ, làm như đang tìm trứng trong một tổ chim.
– Thôi, chẳng có gì.
Hắn tuyên bố với vẻ thất vọng, cầm lấy danh sách và hai hộp đựng vàng lên, hắn chỉ vào chỗ sáu thây tù:
– Đem bọn chúng lên trên và rửa sạch chỗ này.
Người thẳng cứng và linh hoạt, hắn đi ra. Berger bắt đầu lột y phục của Brede. Chẳng một chút khó khăn. Họ mới chết nên thân thể vẫn còn dịu. Dreyer đốt một điếu thuốc. Hắn biết là Schulte không quay lại. Berger bảo:
– Còn quên cặp kính.
– Cái gì?
Berger chỉ tay vào Mosse. Dreyer bước tới trong khi người bác sĩ tháo gọng kính ra khỏi mặt xác người tù luật sư. Có lẽ Steinbrenner đã cố ý đùa khi cho treo Mosse vẫn còn đeo kính.
Tên trật tự viên nói:
– Mặt kính còn tốt nhưng chỉ có một tròng thì xài gì được?
– Gọng kính rất tốt.
Dreyer khom mình sát xuống:
– Gọng kền. Chẳng có giá trị gì.
Berger cãi:
– Không phải kền đâu. Bạch kim đó.
– Cái gì?
– Bạch kim.
Tên trật tự viên cầm lấy gọng kính:
– Vàng trắng à? Chắc không?
– Chắc chắn. Nếu chùi rửa sạch ông sẽ biết ngay.
Dreyer chùi gọng kính vào lòng bàn tay:
– Cũng có giá đây.
– Đúng thế.
– Vậy mình vào sổ.
– Đội trưởng Schulte đã đem sổ sách đi rồi.
– Tôi có thể theo gọi lại.
Berger vẫn nhìn Dreyer:
– Đội trưởng Schulte không để ý tới hoặc coi như vô giá trị. Có thể là chẳng đáng bao nhiêu. Biết chừng đâu chỉ là kền.
Dreyer ngẩng đầu lên. Berger tiếp:
– Đồ kền thì chẳng có giá trị gì. Ném bỏ là xong.
Drever đặt gọng kính lên bàn:
– Thôi lo dọn dẹp chỗ này đi!
– Một mình tôi làm không xuể đâu. Họ nặng lắm.
– Lên trên gọi thêm hai tên nữa.
Berger đi một lúc rồi trở lại với hai tù nhân khác. Bây giờ xác Mosse đã trần truồng. Móng tay của ông ta đều bị dập gãy còn dính vôi tường. Trong khi bị siết nghẹt, ông ta đã giẫy giụa và bấu víu vào tường. Hàng trăm người bị treo cổ trước ông ta đã cào cấu vào tường làm thủng nhiều lỗ nhỏ.
Berger để riêng áo quần và giày của Mosse ra rồi liếc nhìn lên bàn Dreyer. Cái gọng kính đã biến mất, cũng không có trên đống đồ vô dụng sắp vứt đi của tù nhân. Hắn làm như đang bận rộn và không ngước mặt lên.
– Tiếng gì vậy?
Ruth hỏi và Bucher lắng nghe:
– Tiếng chim hót. Chắc là họa mi.
– Họa mi sao?
– Không có loại chim nào hót sớm trong năm như họa mi. Anh đã biết thế hồi còn nhỏ.
Họ đang ngồi thu hình mỗi người một bên bờ rào kẽm gai ngăn đôi Tiểu trại và trại phụ nữ. Lúc đó, Tiểu trại đã tràn ngập, mọi người nằm ngồi tràn lan. Bọn lính canh cũng đã rời chòi gác đợi người đến thay.
Mặt trời đang từ từ lặn xuống, chiếu ánh đỏ trên các cửa sổ của những ngôi nhà thành phố. Cả một con đường chưa bị bom tàn phá phản chiếu nắng chiều trông như đang bốc cháy. Mặt sông soi rọi nền trời.
– Nó hót ở đâu?
– Đằng kia. Chỗ mấy cây tòng.
Ruth Holland cố nhìn xuyên qua rào kẽm gai. Đằng kia là đồng cỏ, ruộng vườn, cây cối, một nông trại lợp rơm, xa hơn nữa là một ngôi nhà trắng toát có khu vườn nhỏ trên ngọn đồi.
Bucher nhìn người yêu. Ánh mặt trời làm cho khuôn mặt xương xẩu của Ruth duyên dáng hơn đôi chút. Hắn lấy một mẩu bánh mì trong túi ra:
– Đây nè, Ruth! Của Berger đưa bảo đem cho em. Ông ấy mới đánh đổi được ở lò thiêu.
Hắn khéo léo ném mẩu bánh xuyên qua hai hàng kẽm gai. Mặt Ruth như co lại. Mẩu bánh rơi bên cạnh cô ta. Một lúc lâu như cố gắng lắm, Ruth mới lên tiếng nổi:
– Đó là phần của anh.
– Không. Anh đã có phần rồi.
Người tù phụ nữ nói như nghẹn:
– Anh cứ nói thế.
– Thật mà. Anh thề không nói dối.
Và nhìn những ngón tay của người yêu đang vói lần tới chỗ bánh rơi, hắn nói tiếp:
– Ăn từ từ thôi để còn được lâu.
Ruth gật đầu và bắt đầu nhai.
– Em đã quen với thói ăn chậm rồi. Vừa mới mất thêm một cái răng. Tự nhiên nó sút ra, không đau đớn gì cả. Thế là sáu cái.
– Nếu không đau đớn thì không thành vấn đề. Bên anh có người đau răng, sưng phù cả miệng lên. Anh ta rên rỉ cho tới lúc chết.
– Cứ cái đà này thì em chẳng còn một cái răng nào cả.
– Mình sẽ làm răng giả. Lebenthal cũng gắn răng giả.
– Em không muốn mang răng giả.
– Có sao đâu? Hàng vạn người đeo răng giả, có gì đâu!
– Chúng nó đâu thèm làm răng cho.
– Ở đây thì không được. Anh nói là chuyện về sau. Còn nhiều loại răng giả đẹp hơn của Lebenthal. Của hắn đã cũ gần hai mươi năm rồi. Bây giờ người ta làm đẹp hơn nhiều, nhìn kỹ cũng không biết, đẹp và chắc hơn răng thật.
Ruth ăn xong, quay nhìn Bucher:
– Josef, anh có tin thật là chúng mình ra khỏi nơi này không?
– Tin chớ. Tuyệt đối tin. 509 cũng tin như thế. Tất cả tụi này đã bắt đầu tin.
– Nhưng tới chừng nào?
– Tới chừng…
Hắn quên nghĩ tới việc đó nhưng vẫn cố nói thêm:
– Tới chừng mình được tự do.
– Rồi mình lại phải trốn chui trốn nhủi. Chúng nó lại săn đuổi như lúc trước.
– Bọn chúng sẽ không còn cơ hội đuổi bắt mình đâu.
Ruth nhìn người yêu thật lâu:
– Anh tin như vậy?
– Còn gì nữa?
Người tù đàn bà lắc đầu:
– Có lẽ chúng sẽ để yên mình một thời gian rồi mới đuổi bắt. Bọn nó còn biết làm gì giỏi hơn nữa đâu.
Tiếng chim họa mi lại réo rắt, trong thanh, dịu dàng nhưng khó chịu. Bucher sáng mắt lên:
– Chúng không làm gì được đâu. Chúng ta sẽ đoàn kết thành một khối, đứng lên và bước ra khỏi trại. Hàng rào kẽm gai sẽ bị phá tan. Mình sẽ đi qua con đường đằng kia. Không một ai nổ súng. Không một ai ngăn cản. Mình sẽ đi qua đồng ruộng, đi vào một ngôi nhà, giống như ngôi nhà trắng toát đằng kia và ngồi đàng hoàng trên ghế.
– Ngồi trên ghế…
– Phải. Những cái ghế đàng hoàng, có cả một cái bàn với ly tách và lò sưởi.
– Nhưng còn những kẻ sẽ đuổi chúng mình ra?
– Không còn ai đuổi mình cả. Mình sẽ có một cái giường với mền mùng và vải trải giường sạch sẽ. Rồi bánh mì và thịt.
Nhìn thấy nét nhăn nhỏ trên mặt người yêu, Bucher an ủi:
– Phải tin là sẽ có, Ruth!
Người nữ tù khóc nghẹn. Nước mắt không chảy ra. Cái khóc chỉ nhìn thấy trong ánh mắt mờ đi như có một bức màn vừa kéo ngang qua.
– Làm sao em tin được, Josef?
Bucher lặp lại:
– Phải tin chớ, Ruth. Lewinsky đã cho biết nhiều chuyện mới. Quân đội Mỹ và Anh đã vượt sông Rhin. Họ đang tiến tới. Họ sẽ giải thoát mình. Sớm lắm.
Nắng chiều đột nhiên thay đổi. Mặt trời đã khuất sau đầu núi. Thành phố chìm trong sắc xám. Những cánh cửa sổ chỉ còn là những hình bóng lờ mờ. Giòng sông lặng lờ trôi. Tầt cả đều yên tĩnh. Con chim họa mi đậu đó đã ngừng hót. Nền trời đầy mây quyển. Ánh nắng cuối cùng đọng đầy trên ngôi nhà trắng đỉnh đồi, và trong khi vạn vật đều chìm trong bóng hoàng hôn, ngôi nhà chói rực lên vừa như quá gần mà cũng quá xa.
Họ chợt nhìn thấy con chim khi nó bay tới gần. Con chim trông như một quả cầu màu đen có cánh. Bóng chim in lên nền trời. Nó đang bay trên cao bỗng chúi xuống, cả hai đều nhìn thấy và dường như muốn làm một cái gì. Hình bóng con chim nổi bật trong họ với chiếc đầu nhỏ nhắn có mỏ vàng, với đôi cánh xòe rộng trong không gian, với cái ức no tròn… rồi một tiếng động vang lên và những tia lửa từ hàng rào điện bắn ra, lợt lạt trong ánh nắng chiều để chẳng còn gì khác hơn là một cái xác cháy thành than rơi xuống đất.
– Đúng là con chim họa mi, Josef!
Bucher đính chánh mau:
– Không phải đâu em. Không phải chim họa mi mà cũng không phải con chim vừa hát. Anh biết chắc mà… không phải… con chim của chúng ta.
– Bộ tưởng tao quên mất rồi, hả?
Handke hỏi giọng khiêu khích:
– Tôi không nghĩ thế.
Hôm qua có phần hơi trễ nhưng vẫn còn thì giờ. Còn đủ thì giờ để phúc trình. Ngày mai, chẳng hạn…
Đứng sững trước 509, hắn bĩu môi:
– Tỷ phú hả? Tỷ phú Thụy Sĩ. Họ sẽ lòi tiền của mày ra hết đồng này tới đồng khác và thận mày sẽ dập nát.
509 làm ra vẻ bình thản:
– Không ai cần phải đánh đập tôi cả. Người ta có thể lấy số tiền đó một cách giản dị hơn. Chỉ cần một chữ ký của tôi là số tiền đó không thuộc về tôi nữa.
Hắn nhìn thẳng vào mặt Handke và nhấn mạnh:
– Hai ngàn năm trăm quan. Một số tiền không phải nhỏ.
Handke nói cộc lốc:
– Năm ngàn. Bộ Gestapo chịu chia đôi à?
– Không có chuyện Gestapo sẽ lấy năm ngàn.
– Nhưng mày có chịu nổi đòn vọt, giảo hình đài và chuồng cọp không?
– Chưa chắc phải như vậy.
Handke cười khẩy:
– Vậy chớ gì? Một chứng minh thư xác nhận quyền làm ngân chủ hợp pháp?
– Cũng không phải vậy.
509 vẫn nhìn chằm chặp vào Handke. Hắn tự thấy ngạc nhiên vì không còn một chút sợ hãi nào nữa cả mặc dầu sinh mạng vẫn còn nằm trong tay Handke. Trái lại, hắn cảm thấy thù hận lạ lùng.
Không phải lòng thù hận lờ mờ đối với ngục tù, không phải sự thù hận nhỏ nhen vì bị bỏ đói… không, đây là mối thù hận khôn ngoan sáng suốt. Hắn thù hận mãnh liệt đến nỗi phải nhìn xuống vì ngại Hankde có thể nhận ra.
– Vậy chớ mày muốn gì, đồ lừa ngựa?
509 ngửi thấy hơi thở của Handke. Đây cũng là điều mới lạ. Trong quá khứ, mùi hôi thúi thường xuyên của Tiểu trại không làm cho người ta ngửi thấy gì khác hơn. Hắn hiểu là không phải vì mùi hôi của Handke nặng hơn mùi xú uế của nhà tù… sở dĩ hắn ngửi thấy vì hắn thù hận Handke tột độ.
Handke đá vào ống chân 509.
– Sợ quá rồi câm hả?
509 nhịn đau, không nhúc nhích. Hắn vẫn nhìn Handke và bình tĩnh trả lời:
– Tôi không tin là sẽ bi tra tấn. Điều đó chẳng ích lợi gì. Nếu bị tra tấn tôi sẽ chết trong tay lính SS. Quá suy nhược, tôi không còn chịu nổi nữa. Nhưng đây là vấn đề có lợi. Cơ quan Gestapo sẽ để cho tôi sống đến chừng nào họ lấy được tiền. Chỉ có tôi là người duy nhất được quyền chuyển nhượng. Gestapo không có quyền hành gì tại Thụy Sĩ. Trong thời gian đợi lấy được tiền ra, tôi vẫn an toàn. Trong thời gian đó, thiếu gì chuyện khác xảy ra.
Handke lộ vẻ suy nghĩ. Trong chỗ tranh tối, tranh sáng hắn theo dõi ý nghĩ của Handke trên bộ mặt trẹt lét của Handke. Hắn trông thấy rõ ràng. Hắn có cảm tưởng như bên trong ánh mắt Handke có một ngọn lửa nào đó đang bừng cháy.
Sau cùng tên tù đại diện lao xá 22 lên tiếng:
– Thì ra mày đã nghĩ tới tất cả chuyện đó?
– Tôi không nghĩ gì cả. Chuyện vẫn cứ như thế.
– Còn Weber nữa, ông ta không thể chờ đợi được.
509 thản nhiên:
– Ông ấy vẫn phải chờ vì Gestapo sẽ lo liệu. Đối với Gestapo thì tiền Thụy Sĩ là cả một vấn đề quan trọng.
Đôi mắt lồi xanh xạm của Handke như xoay chuyển, miệng hắn cử động như đang nhai một vật gì:
– Mày cũng xảo quyệt lắm. Trước đây còn thua cả đồ rác rến. Rồi sẽ biết, tất cả bọn mày sẽ tan ra khói.
Hắn đập vào ngực 509:
– 20 Marks đâu, đưa đây mau!
509 rút tờ giấy bạc ra. Trong một giây hắn thoáng nghĩ là không đưa nhưng hắn đã kịp thời nhận rằng làm như thế là tự sát. Handke giựt lấy tờ giấy bạc và tuyên bố:
– Cho mày sống thêm một ngày nữa, đồ sâu bọ! Chỉ một ngày thôi, tới mai sẽ biết.
509 lẩm bẩm:
– Một ngày.
Sau một lúc suy nghĩ, Lewinsky nói như để an ủi:
– Chắn hắn sẽ không làm gì đâu. Như vậy hắn có lợi gì?
509 nhún vai:
– Không thể hiểu nổi. Tánh tình hắn thay đổi luôn mỗi khi có rượu vào hay bức rức chuyện gì đó.
Lewinsky lại suy nghĩ trước khi nói:
– Phải loại hắn mới được. Ngay lúc này thì chưa thể làm được gì cả. Bọn SS đang lập danh sách số người cần thủ tiêu. Chúng tôi đã giấu một số người vào bệnh xá. Trong nay mai có lẽ phải đưa người tới ẩn náu ở đây. Còn có thể được không?
– Vẫn được nếu bạn cung cấp thức ăn cho họ.
– Đó là chuyện tự nhiên. Nhưng còn có vấn đề khác. Mình phải chuẩn bị ứng phó các cuộc lùng soát bất thần. Bạn có chỗ nào giấu kín một vài món đồ không?
– Bao lớn?
– Cỡ chừng…
Lewinsky nhìn quanh. Họ đang thu mình trong bóng tối sau lao xá. Trước mắt họ chỉ có một hàng dài những tù nhân Hồi giáo trên đường ra nhà cầu.
– Lớn cỡ một khẩu súng lực, chẳng hạn…
509 gần như mất thở:
– Một khẩu súng lục?
– Phải.
509 ngồi im một lúc lâu rồi nói qua hơi thở:
– Dưới giường tôi có một chỗ kín đáo. Có thể giấu được hơn một khẩu súng. Chúng không bao giờ tới đó. Hoàn toàn lắm.
Hắn không nhận ra là đang nói như thuyết phục Lewinsky trong khi trên thực tế chính hắn mới là kẻ cần được thuyết phục để lãnh phần nguy hiểm.
– Có sẵn đó không?
– Có.
– Đưa cho tôi.
Lewinsky lại nhìn quanh:
– Bạn hiểu tầm quan trọng của nó chớ?
509 sốt ruột:
– Hiểu rõ lắm.
– Chúng tôi phải vượt qua nhiều nguy nan mới đem về được.
– Biết lắm rồi, Lewinsky. Tôi sẽ bảo toàn nó. Cứ đưa đây.
Lewinsky rút khẩu súng từ trong túi ra đặt vào tay 509. Khẩu súng có vẻ nặng hơn hắn tưởng.
– Bọc bằng cái gì vậy?
– Giẻ tẩm dầu. Đất chỗ đó có khô không?
– Khô chớ.
509 nói dối một cách tỉnh táo. Hắn không muốn trả khẩu súng lại:
– Có đạn trong súng không?
– Có, nhưng chỉ vài viên thôi.
509 nhét khẩu súng vào trong áo lót rồi cài nút áo ngoài lại. Khẩu súng ép sát vào bên trái tim làm hắn rợn người trong giây lát. Lewinsky ngồi thẳng lên:
– Tôi đi về. Nhớ giấu thật kỹ. Giấu ngay bây giờ. Lần tới tôi sẽ sang đây cùng một người nữa. Bạn có chỗ trống chưa?
– Có sẵn rồi. Người của các bạn luôn luôn có sẵn chỗ.
– Tốt lắm. Nếu Handke trở lại, cứ cho hắn thêm chút ít. Bạn còn tiền không?
– Còn đủ cho một ngày nữa.
– Để tôi liệu xem có quyên được chút ít gì không? Nếu có, tôi sẽ giao cho Lebenthal, có tiện không?
– Được.
Lewinsky biến mất trong bóng tối của dãy lao xá kế đó. Từ đó, hắn đi lom khom, khập khểnh như một người Hồi ra nhà cầu. 509 còn ngồi chỗ cũ một lúc lâu, dựa lưng vào tường, bàn tay phải áp khẩu súng vào người. Hắn phải cố gắng lắm mới cưõng nổi ý muốn lấy khẩu súng ra, tháo giẻ bao để sờ vào khối thép. Hắn cảm nhận các đường nét của nòng súng, bá súng và chợt thấy có một sức mạnh vô hình từ đó thoát ra. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm dài, hắn đang làm chủ được một vật khả dĩ giúp hắn khi cần tự vệ. Hắn không còn đơn độc nữa. Hắn không còn bị phó mặc cho may rủi. Hắn cũng biết đó chỉ là ảo giác thôi vì hắn không thể dùng tới võ khí. Dầu sao thì sự hiện diện của nó cũng quá đủ rồi. Quá đủ để có một sự đổi thay ở nội tâm của hắn. Món vật có khả năng sát hại này giống như động cơ của một nguồn sống. Nhờ nó tinh thần đề kháng của hắn được gia tăng. Hắn nghĩ tới Handke, nghĩ tới lòng thù hận đối với Handke. Tên đại diện độc hại ấy đã lấy tiền của hắn nhưng vẫn yếu hơn hắn. Hắn nghĩ tới Rosen. Rồi hắn nghĩ tới Weber, tới thời gian đã qua quá lâu lúc hắn mới tới trại này. Từ nhiều năm qua, hắn không hề nghĩ như thế. Hắn đã xóa bỏ tất cả những kỷ niệm, ngay cả những kỷ niệm lúc hưng thời. Cả cái tên của hắn, hắn cũng không muốn nghe tới. Hắn đã thôi làm người và không muốn làm người. Hắn đã trở thành một con số. Hắn ngồi bất động để suy nghĩ, thở và bấu chặt khẩu súng. Kỷ niệm lục tục kéo về làm hắn có cảm giác như vừa ăn vừa uống cùng một lúc một thứ gì đó vô hình và giống như một liều thuốc mạnh.
Có tiếng đổi gác ở các chòi canh, cẩn thận hắn đứng lên. Hắn loạng choạng mất mấy giây như người say rượu. Rồi hắn đi vòng lao xá.
Một bóng người co ro bên cửa:
– 509!
Đó là tiếng gọi thì thầm của Rosen. 509 giựt mình như vừa bừng tỉnh sau một giấc mơ dài vô tận. Hắn nhìn xuống, nói không suy nghĩ:
– Tên tôi là Koller. Friedrich Koller.
– Phải.
Rosen đáp nhưng chẳng hiểu gì cả.