Dãy 22 chia làm hai cánh, mỗi cánh đặt dưới sự điều hành của hai trưởng phòng. Khu thứ hai của cánh thứ nhì là nơi chen chúc của nhóm Lão Làng. Đây là khu vực chật hẹp nhất và ẩm thấp nhất nhưng điều này chẳng làm họ quan tâm. Vấn đề quan trọng đối với họ là được ở bên nhau. Có thế họ mới tăng cường được sức đề kháng. Chết chóc là một thứ bệnh truyền nhiễm, càng sống riêng rẽ càng dễ gục ngã trong sự xôn xao chung, dầu muốn hay không. Do đó, liên kết với nhau là hình thức chống chỏi hữu hiệu hơn. Khi một người cảm thấy sắp bỏ cuộc, bạn đồng lao của hắn sẽ giúp hắn vượt qua. Nhóm Lão Làng không phải sống dai vì được ăn uống đầy đủ, họ sống được là nhờ biết tiết kiệm đôi chút sức tàn của ý thức đề kháng.
Tại khu vực nhỏ hẹp của nhóm Lão Làng lúc bấy giờ, nằm ngồi bên nhau gồm có một trăm ba mươi bốn hộ xương người trong khi chỗ ở chỉ vừa đủ cho bốn mươi người. Giường ngủ của họ là những mảnh ván chồng lên nhau thành bốn từng. Những mảnh ván này hoặc trần trụi, hoặc được phủ lên một lớp rơm mục. Toàn khu vực chỉ có vài ba chiếc mền mà tù nhân đã phải xâu xé tranh nhau mỗi khi có người vừa chết. Mỗi mảnh ván là chỗ sống của ba hoặc bốn người, quá chật hẹp, dầu họ chỉ còn là những bộ xương, bởi vì xương vai và xương hông không thể co rút lại. Mỗi người chỉ có được một khoảnh nhỏ đủ nằm nghiêng, sấp lớp như cá mòi, và thỉnh thoảng giữa đêm người ta lại nghe những tiếng lịch bịch của những người bị rơi khỏi giường trong giấc ngủ. Nhiều người phải ngủ co rúm lại và có phước là kẻ nào mà người chung giường chết đi vào lúc tối. Những người chết được mang ra ngoài, thế là họ có quyền co duỗi thoải mái trong một đêm cho tới khi có kẻ khác tới.
Nhóm Lão Làng dành riêng cho họ phía góc trái cửa ra vào. Họ gồm có mười hai người. Hai tháng trước, nhóm của họ lên đến con số bốn mươi bốn. Mùa Đông đã lấy bớt của họ số người kia. Toán còn lại thừa hiểu là họ đang ở vào giai đoạn cuối cùng, khẩu phần càng ngày càng bị sụt giảm, đôi khi chẳng có gì để ăn trong một hoặc hai ngày, thế là xác chết lại nằm chồng lên nhau ngay trước lao xá. Trong nhóm còn lại có một người đã điên loạn và cứ tường mình là chó chăn cừu. Hai vành tai của hắn đều mất cả vì có lần hắn đã bị bọn SS đem ra làm đối tượng để luyện tập cho đám quân khuyển. Tù nhân trẻ nhất trong nhóm là một đứa bé trai tên Karel, người Tiệp Khắc. Cha mẹ nó đã chết và biến thành phân bón cho một rẫy khoai trong làng Westage, bởi vì tro than của lò thiêu người luôn luôn được cho vào bao và đem bán đi như phân hóa học. Loại phân này rất giàu chất lân tinh và calcium. Thằng bé Karel mang dấu hiệu đỏ của tù chánh trị dầu chỉ mới có 11 tuổi.
Người cao niên nhất trong đám Lão Làng đã bảy mươi hai tuổi. Ông ta là hạng người Do Thái luôn luôn chiến đấu để giữ vẹn bộ râu vì đó là một phần trong tôn giáo của ông. Bọn SS quên lưu tâm điều này và người tù già nua cứ để cho râu dài thêm ra. Lúc còn ở trại lao công, ông thường bị đánh đập vì bộ râu. Tại Tiểu trại, ông không cần che giấu. Ở đây bọn SS không lưu tâm may về nội quy và rất ít khi kiểm soát, bọn chúng rất sợ chí rận và các chứng bệnh khác như kiết lỵ, thương hàn và lao phổi. Người tù Ba Lan tên Julius Silber gọi ông lão là Ahasver vì ông đã sống sót được sau khi đã trải qua gần một chục trại tập trung ở Hòa Lan, Ba Lan, Áo và Đức quốc. Silber đã chết vì bệnh thương hàn và cái chết của hắn đã giúp cho cây ngọc trâm trong khu vườn của viên Chỉ huy trưởng Neubauer trổ đầy hoa. Viên sĩ quan SS này được quyền lấy không số tro của lò thiêu người. Tuy vậy, cái tên Ahasver mà hắn đã đặt cho ông lão vẫn còn lưu lại. Khuôn mặt của người tù già đã hóp sát nhưng râu thì cứ dài ra biến thành khu vực mầu mỡ cho các thế hệ chí rận.
Trưởng phòng của khu vực này là bác sĩ Ephraim Berger. Ông là nhân vật quan trọng trong công cuộc chiến đấu chống tử thần mà bóng dáng luôn luôn xuất hiện quanh lao xá. Vào mùa Đông khi các bộ xương ngã té vì mặt tuyết trơn trợt và bị gãy xương, chính ông đã giúp họ bó xương với những mảnh gỗ và đã cứu được một số người. Bệnh viện của trại giam không bao giờ tiếp nhận các tù nhân của Tiểu trại. Sự có mặt của bệnh viện chỉ dành cho những người còn đủ khả năng lao tác và cho một số người đáng lưu tâm. Tại Đại trại, tuyết mùa Đông không nguy hiểm bao nhiêu vì vào những ngày quá trơn trợt, mặt đường được rải lên một lớp tro của lò thiêu người, không phải vì thương tiếc tù nhân mà là nhằm bảo vệ phần nhân lực còn hữu dụng. Kể từ khi các trại tập trung đoàn ngũ hóa tù nhân thành các lực lượng lao tác, giới hữu trách bắt đầu đặt thành vấn đề quan tâm. Để đền bù lại, dĩ nhiên là tù nhân phải làm việc chí chết. Những sự mất mát không đáng kể, mỗi ngày đều có một số người mới bị bắt giữ.
Berger là một trong số ít các tù nhân được phép rời khỏi trại. Từ nhiều tuần qua ông làm việc tại nhà xác của lò thiêu. Nói chung thì các trưởng phòng không phải làm việc, nhưng vì số tù nhân bác sĩ chẳng có bao nhiêu nên ông được gọi tới. Đó là một điều lợi cho lao xá 22. Nhờ người cai lao công ở nhà xác đã từng quen biết trước kia, bác sĩ Berger lượm lặt được một ít thuốc sát trùng, bông gòn, aspirine và một vài thứ khác mang về giúp các bạn đồng lao. Ông cũng cất giấu được một chai iodine dưới lớp rơm trên giường ngủ.
Tuy thế, nhân vật quan trọng nhất của nhóm Lão Làng chính là Leo Lebenthal. Hắn ngầm dính líu với đám chợ đen ở trại lao công, và có người đồn rằng hắn còn giao thiệp được với cả bên ngoài. Làm thế nào Lebenthal có được sự liên lạc đó, chẳng ai hiểu chính xác cả. Người ta chỉ biết lờ mờ là có hai cô gái điếm của thanh lâu The Bat tại ngoại ô thành phố có liên can đến vụ này. Dường như có cả một tên lính SS cũng có chân trong tổ chức chợ đen, nhưng chẳng ai dám cả quyết. Trong khi đó, Lebenthal không hề hé răng.
Hắn buôn mọi thứ. Người ta có thể mua ở hắn những mẩu thuốc tàn, một củ cải, đôi khi một vài củ khoai tây, những món ăn thừa của nhà bếp, một khúc xương và thỉnh thoảng một miếng bánh mì. Hắn không lường đảo ai, hắn chỉ lưu hành các món hàng.
509 bò qua cửa. Mặt trời ngã về Tây phía sau, chiếu xuyên qua tai hắn. Trong một lúc, vành tai hắn trông như sáp và vàng ngời lên hai bên đầu hắn. Vừa thở hổn hển, hắn vừa nói:
– Họ đã ném bom thành phố.
Không một ai trả lời, 509 vẫn chưa thấy rõ bên trong, ánh sáng bên ngoài lúc nãy vẫn còn làm hắn chóa mắt. Hắn nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra. Hắn nhắc lại:
– Họ vừa ném hom thành phố. Có ai nghe thấy không?
Lại cũng chẳng ai nói gì. Bây giờ 509 nhìn thấy Ahasver gần bên cửa. Ông ta đang ngồi trên mặt đất, vuốt ve con chó chăn cừu. Con chó tru lên, kinh sợ. Mái tóc mờ đục phủ lòa xòa trên khuôn mặt đầy thẹo của hắn. Xuyên qua mảng tóc, một đôi mắt lấp lánh tia sợ hãi. Ahasver thì thầm:
– Một trận bão có sấm sét, chỉ có vậy thôi. Đừng sợ, con sói của ta!
509 bò vào trong chút nữa. Hắn không hiểu được thái độ hờ hững của những kẻ kia. Hắn hỏi:
– Berger đâu?
– Còn ở lò thiêu.
Hắn đặt chiếc áo ngoài và áo cánh trên nền đất:
– Có bạn nào muốn ra ngoài không?
Hắn nhìn về phía Westhof và Bucher. Họ không trả lời. Cuối cùng Ahasver lên tiếng:
– Báo động quá lâu.
– Hết báo động rồi.
– Chưa.
– Rồi. Máy hay đã đi hết. Họ ném bom thành phố.
– Bạn nói thế nhiều lần rồi.
Đó là tiếng nói của một người trong bóng tối.
Ahasver nhìn lên:
– Có thể họ sẽ bắn vài chục người chúng ta để trả thù.
Westhof ho khan:
– Bắn? Ở đây bắn hồi nào?
Con chó chăn cừu sủa lên. Ahasver giữ chặt lấy hắn:
– Ở Hòa Lan, mỗi lần bị oanh kích, họ bắn từ mười đến hai mươi tù nhân chánh trị. Họ bảo như thế là để khỏi lầm.
– Chúng ta đâu có ở Hòa Lan.
– Biết rồi. Tôi chỉ nói là họ bắn ở Hòa Lan.
Westhof xì một tiếng ngạo mạn:
– Bắn! Ông có phải là binh sĩ đâu mà đòi hỏi thế. Ở đây người ta treo và đánh cho tới chết.
– Họ có thể đổi lại bằng cách bắn.
Người trong bóng tối hét lên:
– Câm miệng lại!
509 ngồi chồm hổm gần Bucher và nhắm mắt lại. Hắn vẫn còn thấy khói lửa ngập tràn thành phố bốc cháy và cảm nhận được những tiếng nổ như sấm động. Ahasver hỏi:
– Chẳng biết đêm nay họ có phát phần ăn không?
Lại tiếng nói từ trong bóng tối:
– Đồ ngu! Ông còn muốn gì nữa? Hồi nãy muốn bị bắn và bây giờ lại đòi ăn.
– Người Do Thái luôn luôn hy vọng.
Westhof cười mỉa:
– Hy vọng!
– Chớ sao bây giờ? – Ahasver bình tĩnh đối đáp.
Thình lình Westhof bước lên rồi bắt đầu khóc nức nở. Từ nhiều ngày qua, hắn đã mất hết bình tĩnh.
509 mở mắt ra:
– Có thể đêm nay họ bỏ đói mình để trả đũa vụ oanh tạc.
Người trong bóng tối thét lên:
– Cất vụ ném bom khả ố của bạn đi! Câm miệng cho người ta nhờ.
Ahasver hỏi:
– Có ai còn gì ăn không?
Người bên trong kêu lên ngột ngạt vì câu nói dại dột ấy:
– Trời!
Ahasver chẳng buồn lưu tâm:
– Ở Thereienstadt, có người còn một miếng sô-cô-la mà không biết. Hắn giấu vào một chỗ rồi quên lửng. Đó là loại sô-cô-la sữa, ngoài bao có in hình Hindenburg.
– Còn gì nữa? Một tấm giấy thông hành?
Tiếng nói trong bóng tối lại vang lên:
– Không phải thế. Chúng tôi đã nhờ miếng, sô-cô-la ấy sống được hai ngày.
509 hỏi Bucher:
– Ai la ó vậy?
– Một trong sổ người mới tới hôm qua. Hắn chưa quen, nhưng rồi cũng sẽ quen.
Thình lình Ahasver lắng nghe:
– Xong rồi.
– Ngoài kia kìa, còi chấm dứt báo động.
Bỗng nhiên tất cả đều yên lặng như tờ. Rồi có tiếng bước chân. Bucher thì thào:
– Đem giấu con chó chăn cừu mau.
Ahasver vội vàng đẩy người tù điên vào giữa các dãy giường.
– Nằm xuống! Hãy nằm yên!
Ông ta đã luyện tập cho hắn biết vâng lời. Nếu bọn SS bắt gặp hắn chắc chắn chúng sẽ tức khắc chích cho hắn một mũi thuốc độc đúng như trường hợp đối xử với người điên.
Bucher từ cửa quay vào:
– Berger về tới.
Bác sĩ Berger là một người nhỏ thó, vai xuôi, đầu giống hình quả trứng, hoàn toàn sói. Mắt ông ta lúc nào cũng đỏ và ướt. Vừa bước vào, ông vừa nói:
– Thành phố đang bốc cháy.
509 ngồi bật dậy:
– Họ nói gì đằng ấy?
– Không biết.
– Sao lại không? Bạn phải nghe thấy một ít chớ.
Berger mệt nhọc đáp:
– Không. Khi còi báo động vừa rú, họ ra lính ngưng đốt lò.
– Sao vậy?
– Làm sao biết được? Lệnh từ trên. Chỉ có vậy thôi.
Berger đi lần ra phía sau, giữa các dãy giường. 509 theo dõi ông ta bằng mắt. Hắn đã đợi Berger về để nói chuyện không ngờ ông ta cũng lạnh nhạt như các người kia. Hắn không hiểu nổi. Hắn hỏi Bucher:
– Có cần ra ngoài không?
– Không.
Bucher đã 25 tuổi và đã sống tại trại mất bảy năm. Ông thân hắn từng là biên tập viên của một tờ báo Dân chủ Xã hội, chỉ bao nhiêu đó cũng đủ để cho đứa con bị bắt giam. Nếu hắn ra khỏi đây, – 509 nghĩ thế – hắn còn có thể sống thêm bốn mươi năm nữa. Bốn mươi hay năm mươi. Trong khi đó mình đã năm mươi rồi. Mình chỉ còn nhiều lắm là mười hoặc hai mươi năm nữa. Hắn lôi một mảnh gỗ trong túi áo ra và bắt đầu gặm nhấm. Tại sao mình bỗng nghĩ tới chuyện đó? Hắn tự hỏi.
Berger đi trở lại:
– Lohmann cần gặp bạn, 509.
Lohmann nằm ở sau cùng của lao xá trên chiếc giường dưới tháp không có trải rơm. Hắn muốn như thế. Hắn bị kiết lỵ nặng và không thể ngồi dậy nổi nữa. Hắn nghĩ đó là cách sạch sẽ nhất. Nhưng sạch sẽ làm sao được. Dầu vậy, mọi người đều quen với những thứ ấy rồi. Hầu hết mọi người đều hơn một lần mắc bệnh tiêu chảy. Với Lohmann đó là một cực hình. Sinh mạng của hắn như đang treo trên sợi chỉ mành nhưng hắn vẫn xin lỗi mỗi lần ruột hắn trở chứng. Mặt hắn xám ngắt như da mặt của một người da đen mất máu. Hắn cử động một bàn tay và 509 khom xuống. Mí mắt Lohmann vàng nhợt nhạt. Hắn thều thào trước khi há miệng ra:
– Có thấy gì không?
509 nhìn vào dãy nước xanh tái:
– Cái gì?
– Phía trong, bên phải, một miếng vàng.
Lohmann xoay đầu về phía chiếc cửa sỗ nhỏ hẹp. Mặt trời lúc bấy giờ chỉ còn lại chút ánh sáng hồng yếu ớt.
– Thấy rồi – 509 đáp nhưng chẳng thấy gì cả.
– Lấy nó ra.
– Cái gì?
– Lấy nó ra – Lohmann thều thào vớí vẻ sốt ruột.
509 nhìn Berger. Berger lắc đầu. 509 nói:
– Nhưng nó gắn chặt lắm.
– Thì cạy luôn cái răng ra. Không chặt lắm đâu. Berger có thể lấy được. Ông ta đã quen làm như thế tại lò thiêu, cả hai người hợp tác thì dễ quá.
– Tại sao bạn muốn lấy nó ra?
Lohmann chớp chớp mắt giống như mí mắt một con rùa, chẳng còn một lông mi.
– Các bạn dư biết mà. Vàng đấy. Đổi lấy thực phẩm. Lebenthal lo được.
509 không trả lời. Đổi chác vàng là một chuyện nguy hiểm. Theo quy lệ, mọi vật khảm vàng đều phải khai báo khi nhập trại và sau đó sẽ bị cạy ra và thâu giữ tại lò thiêu. Mỗi khi bọn SS phát giác một vật khảm vàng đã khai báo mà bị mất đi thì toàn thể dãy lao xá liên hệ đều chịu chung trách nhiệm. Tù nhân sẽ bị bỏ đói cho tới khi hoàn trả được vật kia. Kẻ nào bị khám phá đang cất giữ sẽ bị xử treo.
Lohmann hổn hển:
– Nạy nó ra. Dễ lắm. Cứ dùng kìm! Hay một sợi dây cũng được.
– Mình đâu có kìm?
– Thì lấy dây. Cho dây vào kẽ hở.
– Cũng không có dây.
Lohmann nhắm mắt lại, mệt lả. Môi hắn mấp máy nhưng không có thanh âm nào phát ra. Thân xác hắn hoàn toàn bất động và dẹp lép chỉ có vành môi khô đen của hắn còn tạo được một tâm điểm nhỏ của sự sống. Xuyên qua đó, sự yên lặng xâm nhập như một suối chì lỏng.
509 đứng lên và nhìn Berger. Lohmann không thể nhìn thấy mặt họ vì các mảnh ván giường từng trên đã che khuất.
– Hắn làm sao vậy?
– Muộn hết rồi.
509 gật đầu. Chuyện đó xảy ra quá nhiều khiến hắn không còn cảm nhận được đúng mức. Ánh nắng chênh chếch của mặt trời rọi vào năm tù nhân đang ngồi co rúm trên từng giường cao nhất khiến họ trông giống những con khỉ. Một trong những người này vừa gãi nách vừa ngáp và vừa hỏi:
– Chắc hắn sẽ bị ném ra ngoài sớm?
– Chi vây?
– Tụi này sẽ chiếm chỗ hắn, Kaiser và tôi.
– Các bạn sẽ toại nguyện.
509 nhìn một lúc vào mảng ánh sáng chập chờn tưởng như nó không dính líu gì đến gian phòng hôi thúi này cả… Trong ánh sáng đó, màu da của người tù vừa đối thoại trông như da một con báo, da hắn lốm đốm những chấm đen. Người tù này bắt đầu nhai một cọng rơm mục. Cách đó vài dãy giường hai tù nhân khác đang cãi nhau chí chóe. Âm thanh của một vài cái tát yếu ớt nghe thấy rõ.
Có người khẽ kéo dưới chân, Lohmann đang nắm lấy gấu quần của 509. Hắn lại khom xuống. Lohmann thều thào:
– Lấy nó ra.
509 ngồi xuống cạnh giường:
– Chúng ta không thể đổi chác được gì đâu. Nguy hiểm lắm. Không ai chịu mạo hiểm cả.
Môi Lohmann run run:
– Chúng nó không có quyền lấy cục vàng đó. Đừng để chúng nó lấy. Tôi đã phải trả 45 đồng Mark hồi năm 1929. Lấy ra đi.
Hắn bỗng kiệt sức và rên rỉ; da mặt của hắn chỉ còn nhăn lại quanh đôi mắt và môi – ngoài ra chẳng còn bắp thịt nào có thể chứng tỏ được sự đau đớn.
Một lúc sau, hắn duỗi người ra. Một âm thanh áo não xì xụp từ ngực hắn. Berger lên tiếng:
– Không sao đâu, mình còn một ít nước. Có thể vượt qua.
Sau một lúc bất động khá lâu, Lohmann lại mệt nhọc thì thầm:
– Hãy hứa là các bạn sẽ lấy nó ra trước khi bọn chúng tới chỗ này đem xác tôi đi. Sau khi tôi chết, lấy ra rất dễ.
509 đành phải hứa:
– Được rồi, lúc mới tới trại bạn có khai báo không?
– Không. Hứa chắc đi!
– Chắc chắn!
Mắt Lohmann như mờ đi rồi trở lại bình thường:
– Chuyện gì xảy ra bên ngoài hồi nãy?
Berger đáp:
– Oanh tạc. Thị trấn bị ném bom. Lần đầu tiên phi cơ Mỹ…
– Ồ…
Berger thấp giọng và nghiêm nghị:
– Chuyện đã xảy ra gần hơn! Lohmann, bạn sẽ được báo thù.
509 nhìn lên thật mau. Berger vẫn còn đứng, hắn không nhìn thấy mặt, chỉ thấy có hai bàn tay. Chúng mở ra và nắm lại như đang siết một cuống họng vô hình, buông ra rồi siết lại.
Lohmann nằm im lìm. Hắn lại nhắm mắt và thở nặng nhọc. 509 vẫn chưa tin ở tai mình về câu nói của Berger.
Hắn đứng lên. Người tù ở giường từng trên cùng hỏi:
– Hắn chết chưa?
Bốn người kia ngồi chồm hổm như hình nộm. Mắt họ trống vắng.
– Chưa.
509 quay sang Berger:
– Tại sao bạn nói thế với hắn?
Berger nhăn mặt:
– Tại sao? Bởi vì… Bạn không hiểu à?
Ánh sáng chiều mờ đục bao lấy chiếc đầu hình quả trứng của người tù bác sĩ như một đám mây hồng. Trong không khí nặc mùi bệnh dịch, cái đầu ông ta trông như đang bốc hơi. Mắt ông ta ngời chiếu, ướt sũng như hầu hết lúc nào cũng thế, đôi mắt vẫn đỏ kinh niên. 509 có thể hiểu tại sao Berger nói vậy, nhưng làm thế nào để an ủi được một kẻ biết mình sắp chết? Đã thế, điều đó còn có thể làm cho chính ông ta gặp khó khăn. 509 nhìn một con ruồi đậu trên mi mắt xám đen của một con người nộm. Người tù này không nháy mắt. 509 nghĩ có thể đó là một an ủi. Có thể đó là lời an ủi duy nhất đối với người sắp từ giã cõi đời.
Berger quay người lại và len lỏi đi về phía hành lang nhỏ hẹp. Ông ta phải bước ngang qua những người nằm dài dưới đất. Cảnh tượng trông giống như một con cò đang khốn khổ vượt qua một đầm lầy. 509 bước theo.
Lúc rời khỏi hành lang, 509 gọi nhỏ:
– Berger!
Berger dừng lại. 509 chợt thấy khó thở:
– Bạn có thật sự tin như thế không?
– Tin gì?
509 không thể đủ can đảm nhắc lại. Dường như lời nói ấy đột ngột bay đi mất:
– Về điều bạn nói với Lohmann.
Berger nhìn 509:
– Không.
– Không?
– Không. Tôi không tin.
509 tựa người vào nơi gần nhất:
– Nhưng… Tại sao bạn lại nói vậy?
– Vì sự lợi ích đối với Lohmann. Nhưng tôi không tin. Không một ai sẽ được báo thù, không một ai… không một ai.
– Nhưng còn thành phố? Dầu sao, dầu sao nó cũng đang bốc cháy.
– Thành phố bốc cháy. Nhiều thành phố đã cháy rồi nhưng không có nghĩa gì cả…
– Có chớ! Nó phải..
Berger thì thầm say sưa với nỗi thất vọng của một kẻ nuôi hy vọng huyền dịu rồi thình lình vùi lấp cả đi. Cái đầu xanh nhợt của ông ta lắc lư và nước chảy ra từ khóe mắt:
– Một thị trấn nhỏ bé đang bốc cháy. Có gì liên quan đến chúng ta. Sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Chẳng có gì cả.
Từ sàn đất, Ahasver lên tiếng:
– Họ sẽ bắn một vài người.
Người trong bóng tối thét to:
– Câm miệng! Câm cái miệng trời đánh lại!
509 co rút vào chỗ của hắn sát bức tường. Phía trên đầu hắn là một trong các cửa sổ của lao xá. Khung cửa hẹp nhưng nhờ ở trên cao nên giờ này hãy còn hứng chút nắng chiều. Ánh sáng chiếu dãy giường từng thứ ba; ngoài nơi đó ra, gian phòng chìm trong bóng tối.
Dãy lao xá này chỉ mới cất lên một năm trước. 509 có góp phần trong vụ xây cất này; vào lúc đó, hắn còn ở trại lao tác. Trước kia nó là một lao xá cũ kỹ bằng gỗ của một trại tập trung ở Ba Lan. Một hôm, bốn dãy lao xá bị tháo rời được chở tới nhà ga thị trấn này và được các xe vận tải đưa vào trại để dựng lên. Chúng vẫn còn phảng phất mùi khó ngửi của rệp, sự dơ bẩn và chết chóc. Từ đó, Tiểu trại thành hình. Chuyến phát lưu kế tiếp gồm toàn những tù nhân tàn phế, sắp chết, từ Đông bộ tới. Tất cả được đổ vào đó và bị bỏ mặc. Rồi thêm một số tù nhân khác tàn phế, bệnh hoạn bị ném vào đầy nghẹt khiến nó trở thành một cơ quan thường trực.
Ánh nắng dán lên tường bên phải cửa sổ một hình vuông biến dạng. Ở đó những chữ khắc và danh tánh phai mờ chợt hiện rõ ra. Đó là những chữ khắc tên họ của những cựu tù nhân thuộc lao xá cũ ở Ba Lan và Đông Đức. Họ đã khắc vào gỗ bằng viết chì, bằng dây kẽm hoặc bằng móng tay.
509 đã làm quen một số lớn những chữ khắc ấy. Hắn biết là hiện thời ở một góc của hình vuông làm bằng ánh nắng chiều có một danh tánh được đóng khung bởi nhiều lằn gạch khá sâu, – Chaim Wolf, 1941. Rất có thể là Chaim Wolf đã khắc vào đó khi biết mình sắp chết và cố đóng khung tên họ mình lại để không còn một thân nhân nào có thể bị thêm vào.
Ông ta mong mỏi đó là lần cuối cùng để chỉ một mình ông ta nhận lấy số phận và chỉ một mình ông ta lưu niệm ở đó thôi. Đó là lời cầu khẩn với số mạng của một người cha hy vọng các con mình sẽ được cứu rỗi. Nhưng ngay dưới những lằn gạch đóng khung, có hai danh tánh khác được khắc sát vào dường như muốn bấu víu lấy tên họ bên trên: Ruben Wolf và Moische Wolf. Tên Ruben Wolf chữ viết đứng, vụng về như nét chữ một cậu học trò, tên Moische Wolf viết nghiêng, mềm dịu và cam phận… Bên cạnh ba danh tánh đó có một bàn tay khác ghi vào: TẤT CẢ ĐỀU CHẾT VÌ HƠI NGẠT.
Xéo về phía dưới, ngay trên lỗ hỗng của tường gỗ có hàng chữ khắc bằng móng tay: Jos. Meyer, Trung úy trừ bị, huy chương Sắt, Đệ nhất và Đệ nhị đẳng. Người mang tên Meyer có vẻ không muốn quên cấp bực và công trạng. Ngay cả những ngày cuối cùng của cuộc đời, người này vẫn bị ám ảnh. Ông ta đã ở tiền tuyến hồi Đệ Nhất Thế Chiến, được làm sĩ quan, được ban khen. Và bởi vì là người Do Thái nên Meyer phải tự chứng tỏ bằng cách tận tụy gấp đôi người khác. Về sau lại cũng bởi vì là Do Thái nên ông ta bị bắt giữ và bị diệt trừ như một con giun. Có lẽ ông ta cả quyết rằng thái độ bất cống đối với riêng ông đã to lớn hơn đối với bao kẻ khác dựa vào công trạng trong thời chiến. Meyer đã lầm. Ông đã phải chết thảm khốc hơn. Sự bất công không nhìn thấy được trong dòng chữ thêm vào tên họ. Dòng chữ đó chỉ là một thứ mỉa mai tồi tệ.
Hình vuông làm bằng ánh sáng từ từ xê dịch lên cao. Chaim, Ruben, Moische Wolf lúc nãy còn nằm trong một góc sáng bây giờ đã biển mất vào bóng tối. Thay vào đó hai hàng chữ khắc khác hiện ra. Hàng trên chỉ có hai chữ: F.M. khắc vào gỗ bằng móng tay với hai chữ gọn lỏn như thế chứng tỏ người này đã không nghĩ nhiều về mình như viên Trung úy Meyer. Mặc dầu ghi khắc như thế là tự lạnh nhạt nhưng dầu sao ông ta cũng cho thấy được thái độ không chấp nhận sự gục ngã vô danh. Bên dưới tên F M. có người ghi đầy đủ tên họ của mình bằng viết chì: Tevje Liebesch và gia đình. Kế đó là một vài chữ viết vội vã những lời mở đầu của bài kinh cầu nguyện Do Thái: Kaddish Yis gadal…
509 biết là trong vài phút nữa ánh sáng sẽ vượt tới một hàng chữ lu mờ khác: Hãy báo tin cho Leah Sand – Nữu Ước… Tên đường không còn thấy rõ nữa, kế đến là: Fath… và sau một vài chỗ gỗ mục: Chết. Hãy tìm Leo. Dường như người mang lên Leo đã đào thoát. Tuy nhiên, dòng nhắn tin này chẳng giúp ích được gì. Tất cả những bạn tù trong lao xá ấy đầu không thể báo tin được cho Leah Sanders ở Nữu Ước vì chẳng một ai sống sốt.
509 hững hờ nhìn bức tường. Người tù Ba Lan tên Silber trong khi còn sống ở lao xá với bệnh chảy máu ruột đã gọi đó là Bức Tường Rên Siết. Hắn cũng thuộc lòng gần như hầu hết các tên họ khắc ghi trên đó, lúc đầu hắn thường tự đố để xem ánh mặt trời sẽ rọi vào tên nào trước. Ít lâu sau Silber chết, nhưng vào những ngày tốt trời, các danh tánh trên tường vẫn tiếp tục gợi lên một cuộc sống ma quái rồi biến mất trong bóng tối. Mùa Hè, mặt trời thường ở trên cao, những hàng chữ khắc ở dưới thấp hơn hiện ra, và mùa Đông, hình vuông ánh sáng bò lên cao hơn. Tuy thế hãy còn nhiều tên họ khác – Nga, Ba Lan… – muôn đời không thấy được vì ánh sáng không hề rọi tới. Dãy lao xá này được dựng lên hết sức vội vàng nên bọn SS chẳng màng tới việc làm bằng phẳng mặt tường. Tù nhân hiển nhiên là chẳng bận tâm, nhất là đối với tất cả những chữ khắc nằm trong vũng tối của bức tường. Chẳng một ai tìm hiểu chúng. Chẳng một ai dại dột dấn thân vào một cuộc đấu chỉ làm tăng thêm buồn nản.
509 quay mặt đi, hắn không muốn nhìn những thứ ấy nữa. Đột nhiên hắn cảm thấy cô đơn… dường như do một tình trạng đặc biệt nào đó mà những người đồng lao kia trở nên xa lạ với hắn để rồi hai bên chẳng ai hiểu được ai. Hắn chờ thêm một lúc, rồi hắn không chịu đựng được nữa. Hắn len lỏi về phía cửa và bò ra ngoài.
Bây giờ trên mình chỉ còn mặc một bộ đồ rách mướp của hắn thôi nên hắn cảm thấy lạnh ngay. Tới bên ngoài hắn đứng lên, dựa vào tường và nhìn xuống thị trấn. Hắn không hiểu rõ tại sao, có điều là hắn không muốn bò nữa, hắn muốn giữ tư thế đứng. Lính canh tại các trạm gác vẫn chưa trở về chỗ. Phần kiểm soát bên Tiểu trại không bao giờ quá nghiêm mật, những kẻ bước không vững không thể vượt trại nổi.
509 đứng bên phải của lao xá. Toàn trại nằm theo hình cánh cung theo vị trí của dãy đồi. Tại đây chẳng những hắn nhìn thấy được thành phố mà còn thấy được cả bản doanh của đội quân SS nằm bên ngoài hàng rào kẽm gai phía sau một hàng cây gần như vẫn còn trơ trụi. Một số binh sĩ SS chạy tới chạy lui trước bản doanh. Một số khác chia thành lừng nhóm có vẻ đang nóng nảy nhìn xuống thị trấn. Một chiếc xe hơi to lớn màu xám đang chạy băng lên núi. Xe ngừng lại trước phòng của viên Chỉ huy trưởng chỉ cách bản doanh SS một quãng ngắn. Neubauer đã đứng sẵn đó, hắn bước lên và xe phóng vút đi. Những ngày còn ở tại trại lao tác, 509 được biết viên Chỉ huy trưởng này có một ngôi nhà riêng trong thị trấn và hắn để gia đình sống ở đó. Hắn mãi theo dõi chiếc xe nên không thấy có người đang lặng lẽ đi tới trên con đường giữa hai dãy lao xá. Người này là Handke, đại diện lao xá 22, một gã thấp lùn. Hắn mang dấu hiệu tam giác xanh lá cây của hạng tù hình phạm đã bị kết án về tội giết người. Thông thường thì hắn tỏ ra vô hại nhưng tới lúc nổi cơn, đôi khi hắn đánh người cho tới khi tàn tật.
Hắn rảo bước tới. 509 còn đủ thì giờ để lẩn trốn – tỏ dấu sợ sệt làm cho Handke hài lòng vì cảm thấy mình là thượng cấp – nhưng hắn không làm thế. Hắn vẫn đứng yên.
– Làm gì ở đây?
– Không làm gì cả.
Handke nhổ nước bọt xuống trước bàn chân 509:
– Hừm! Đồ chí rận! Mơ mộng hả?
Hắn nhướng cặp chân mày to lên và quát to:
– Bộ muốn sưng đầu lên sao! Bọn mày không bao giờ được thả ra đâu. Họ sẽ đưa tất cả bọn chính trị chó chúng mày vào lò thiêu trước tiên.
Hắn lại nhổ nước bọt lần nữa rồi bỏ đi. 509 nín thở. Một bức màn đen che phủ trong giây lát bên trong đầu hắn. Hắn biết Handke không ưa hắn nên hắn thường tránh mặt. Lần này hắn vẫn đứng một chỗ. Hắn nhìn theo tên tù đại diện cho đến khi gã khuất dạng sau dãy nhà cầu. Dọa nạt không đủ làm cho 509 sợ, những lời đe dọa là món ăn hằng ngày của trại giam. Hắn chỉ nghĩ tới những ẩn ý của lời đe dọa đó. Có lẽ Handke đã biết được chút ít nào đó. Bằng không, hắn chẳng nói thế. Có lẽ hắn đã nghe được điều đó qua bọn SS. 509 quay người lại. Hắn không phải là kẻ điên.
Một lần nữa hắn nhìn xuống thành phố. Biển khói đang phủ sát các mái nhà. Tiếng còi xe cửu hỏa vang tới mong manh. Từ hướng nhà ga xe lửa vẫn còn những tiếng nổ lác đác dường như kho đạn đã trúng bom. Chiếc xe của viên Chỉ huy trưởng quanh một vòng thật nhanh xuống núi và trợt chúi. 509 chứng kiến cảnh đó và đột nhiên mặt hắn nhăn lại. Cái nhăn làm thành một nụ cười. Hắn cười, cười không ra tiếng, cười vặn cả người, hắn không nhớ là lần cười trước cách nay bao lâu, hắn không thể nào nín cười được mặc dầu chẳng có gì vui trong cái cười này, hắn vừa cười vừa cẩn thận nhìn quanh và đưa nắm tay yếu đuối lên cao, hắn tiếp tục cười cho đến lúc một cơn ho dữ dội làm hắn ngã té.