Cả hai ngã quỵ ra bên ngoài chuồng sắt khi tên Đội trưởng Breuer cho lệnh mở cửa hai ngày sau. Trong suốt ba chục tiếng đồng hồ cuối cùng, cả hai đều ở giữa tình trạng nửa mê, nửa tỉnh và sau cùng là ngất liệm. Ngày đầu tiên, họ còn có thể truyền tin cho nhau bằng cách vỗ vào vách nhưng sau đó thì chẳng có gì nữa.
Họ được khiêng ra đặt nằm trên sân điểm danh sát với bức tường bao quanh lò thiêu xác. Không ai dời họ đi nơi khác. Chẳng người nào dám làm ra vẻ như đã trông thấy họ. Không một lệnh nào cho biết phải đối xử với họ ra sao… kể như họ không còn sống. Bất cứ tù nhân nào chạm vào họ có thể sẽ bị nhốt vào chuồng sắt thay chỗ họ.
Hai giờ sau đó, xác người tù cuối cùng được mang tới lò thiêu. Tên lính SS có phận sự gác tại lò thiêu nhìn về phía 509 và Bucher rồi lơ đểnh hỏi:
– Cái gì vậy? Có phải đưa vào đốt không?
– Chúng vừa từ chuồng sắt ra.
– Nhừ xương rồi hả?
– Chắc vậy.
Hắn chợt thấy đau lưng. Đêm qua, hắn và một cô gái điếm của quán con Dơi đã quần thảo suốt đêm. Hắn đã thắng cuộc Hoffman và Wilma một chai Hennessy nhưng thân thể hắn rã rời. Hắn bảo một tù nhân khiêng xác:
– Hỏi xem bọn chúng ở đâu?
Người tù đi một lúc rồi trở lại. Cùng đi với hắn có viên thư ký tóc đỏ trong dáng điệu hấp tấp. Người thư ký nói:
– Họ là người của Tiểu trại vừa được thả từ chuồng sắt ra. Mãn hạn vào buổi trưa. Lệnh của Bộ Chỉ huy.
Tên SS bảo:
– Vậy thì mang chúng ra khỏi đây.
Hắn hững hờ nhìn bảng danh sách, nói lầm thầm:
– Phần mình có 38 xác.
Hắn lẩm nhẩm đếm từng xác một xếp thành hàng trước cổng và tuyên bố lớn:
– Ba mươi tám. Đủ số rồi. Đem hai cái thây kia đi, kẻo lộn.
Người tù trật tự viên ở lò thiêu hô lớn:
– Bốn người đi ra mang hai cái xác về Tiểu trại!
Bốn người bước ra khiêng 509 và Bucher. Viên thư ký tóc đỏ nói nhỏ:
– Đi ngả này. Mau một chút!
Họ khiêng 509 và Bucher ra xa. Người thư ký khom xuống nghe ngóng. Hắn bảo:
– Họ chưa chết. Đi tìm hai cái cáng. Mau lên!
Người thư ký nhìn quanh. Hắn sợ Weber bất thần đi tới và nhớ ra rồi bắt 509 cùng Bucher treo cổ. Hắn vẫn đứng tại chỗ cho tới khi hai chiếc cáng được mang tới.
– Chất họ lên. Mau!
Khu vực quanh cổng trại và lò thiêu lúc nào cũng nguy hiểm. Bọn SS qua lại thường xuyên và Đội trưởng Brauer ở gần đó. Hắn không ưa nhìn những người tù ra khỏi chuồng sắt mà còn sống.
Một trong bốn người khiêng xác tỏ vẻ khó chịu:
– Kỳ cục chưa! Bữa nay khiêng tụi nó về bên đó, rồi mai sáng lại khiêng tụi nó vô đây. Làm gì sống nổi mấy tiếng đồng hồ nữa.
Viên thư ký tóc đỏ bỗng đổ quạu:
– Việc gì tới anh? Đồ ngu! Bộ trong các anh không còn ai biết phải quấy nữa sao?
Một người tù lớn tuổi hỏi:
– Bọn này là ai? Đặc biệt hả?
Viên thư ký nhìn quanh rồi bước lại gần hơn:
– Hôm kia, mấy người này không chịu ký tên.
– Ký cái gì?
– Ký giấy tình nguyên làm vật thí nghiệm cho thằng cha bác sĩ chuột bạch.
– Ủa, tại sao ho không bị treo cổ?
– Họ được lệnh trả về trại. Mau lên, kẻo rồi có chuyện…
– À… tôi biết rồi.
Tự nhiên, người khiêng xác này như có thêm khí lực. Hắn đi mau hơn khiến đòn cáng thọc vào chân người khiêng phía trước.
– Cái gì vậy? Bộ điên hả?
– Không. Đem mau hai ông bạn ra khỏi chỗ này rồi tôi nói cho nghe.
Viên thư ký dừng lại. Toán khiêng xác lặng lẽ tăng thêm tốc độ. Mặt trời đang ngả về hướng Tây. 509 và Bucher đã bị nhốt lâu hơn nửa ngày. Chính Brauer muốn thế.
Lúc đã đi tới vùng an toàn hơn, người khiêng xác phía trước nhìn quanh rồi hỏi người sau:
– Nhân vật quan trọng hả?
– Không. Họ là hai trong số sáu người bị Weber bắt đi hôm thứ Sáu.
– Hình như bị đánh dữ lắm.
– Chắc vậy. Họ không chịu ký tên tình nguyện làm vật thí nghiệm… người thư ký tóc đỏ mới cho biết.
Người đi trước huýt gió nho nhỏ:
– Trời ơi, vậy mà còn sống?
– Coi thì biết.
Họ đi tới lao xá đầu tiên. Hôm ấy là chúa nhật. Các toán tù lao tác làm việc bên ngoài đã trở về. Tin tức được loan đi nhanh như điện.
Cả trại đều biết tại sao sáu người bị bắt đi. Họ cũng biết 509 và Bucher bị nhốt trong chuồng sắt nhờ tin tức từ văn phòng Bộ Chỉ huy. Không một ai nghĩ tới việc họ có thể sống sót trở về. Nhưng bây giờ, họ đang trở lại…
Một người tù trong đám đông nói với người khiêng cáng phía sau:
– Để tôi giúp bạn môt tay cho dễ hơn.
Hắn nhảy ra giành lấy một đòn cáng. Chỉ trong khoảnh khắc mỗi chiếc cáng đã có bốn người khiêng. Sự tiếp tay này không cần thiết mấy vì Bucher và 509 quá nhẹ. Tuy nhiên, các tù nhân muốn làm một cái gì cho họ mà ngay lúc đó chẳng có gì khác hơn để họ thực hiện. Họ cẩn thận từng ly từng tí tưởng chừng như chiếc cáng dễ vỡ như thủy tinh. Trong khi đó, tin tức được loan truyền nhanh chóng: hai người tù bất tuân lệnh vẫn còn sống và được đưa về trại. Đó là người của Tiểu trại. Người của Trại chết mòn. Chưa ai từng nghe chuyện đó cả. Cũng chẳng ai biết được sở dĩ có chuyện lạ ấy là do tính khí bất thường của Neubauer… nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là họ đã phản kháng mà vẫn còn sống để trở về.
Trước lao xá 13, Lewinsky đã đứng đợi thật lâu. Lúc chiếc cáng chưa kịp tới, hắn đã hỏi vọng:
– Có thật thế không?
– Đứng rồi… nhưng có phải là họ không?
Lewinsky bước tới nhìn sát hơn. Hắn lẩm bẩm:
– Đúng… đúng. Chính là người đã nói chuyện với tôi. Còn bốn người kia, chết rồi sao?
– Hai người này được thả từ chuồng sắt ra. Bốn người kia đi luôn. Mấy người này không đi. Họ phản kháng.
Lewinsky quay sang Goldstein bên cạnh:
– Phản kháng. Bạn có tin như vậy không?
– Chưa bao giờ có, đặc biệt là người bên Tiểu trại.
– Tôi không nói thế. Tôi muốn nói là có tin được rằng họ đã phản kháng mà vẫn còn được sống sót không?
Goldstein và Lewinsky nhìn nhau. Muenzer bước tới nhập bọn:
– Chẳng lẽ hung thần đổi tánh?
Lewinsky quay phắt lại:
– Cái gì? Tại sao bạn nghĩ thế?
Muenzer đáp:
– Chính Neubauer tha họ trong khi Weber đòi treo cổ.
– Sao bạn biết?
– Người thư ký tóc đỏ nói.
Lewinsky đăm chiêu một lúc rồi bảo một người nhỏ thỏ đứng bên:
– Tìm Werner cho anh ấy hay. Nói rõ là người bảo chúng ta “đừng bao giờ quên” đã trở về.
Người tù nhỏ thó gật đầu rồi đi mau vào lao xá. Trong khi đó, những người khiêng cáng tiếp tục đi. Càng lúc càng có nhiều tù nhân ra cửa đón xem. Một vài người nhút nhát cũng cố bước tới nhìn Bucher và 509. Một cánh tay của 509 lọt ra bìa cáng, kéo lê trên mặt đất. Hai người tù đang đứng xem, chạy tới đỡ lèn, cẩn thận đặt vào chỗ cũ.
Mắt vẫn nhìn theo đoàn người khiêng cáng, Goldstein bảo nhỏ với Lewinsky:
– Phải can đảm lắm mới dám phản khảng. Với những người chờ chết bên Tiểu trại, thật khó tin.
– Khó tin thật. Nhưng họ cần phải sống. Đừng để họ chết. Bạn có biết tại sao không?
– Có phải bạn muốn nói cái sống của họ sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta?
– Đúng. Nếu họ chết thì ngày mai, mọi việc sẽ bị quên khuấy đi. Nhưng nếu họ sống…
“Nếu họ sống thì đó là bằng chứng cụ thể cho thấy đã có một cái gì thay đổi”. Lewinsky nghĩ thế nhưng hắn không nói ra. Thay vào đó, hắn bảo:
– Mình có thể lợi dụng cơ hội. Ngay bây giờ. Phải làm cho anh em tin tưởng hơn.
Goldstein gật đầu.
Toán khiêng cáng đang tới gần Tiểu trại. Vòm trời chiều ửng đỏ chiếu rực cánh phải của trại lao tác trong khi cánh trái chìm trong ánh sáng xanh mờ. Những khuôn mặt bên cánh trái trông tái mét, nhưng các khuôn mặt ngập nắng chiều của tù nhân bên cánh phải chiếu sáng như những tia lửa của một sự sinh tồn vay mượn bất thần. Toán khiêng cáng tiếp tục đi trong ánh sáng. Thân hình đầy máu me và bụi bẩn của hai người nằm trên cáng bỗng nhiên không còn là hình ảnh của hai tù nhân bị đánh đập dã man rồi bị khiêng trả về một cách thảm hại… mà đã biến thành hai thể xác của một chuyến khải hoàn. Họ đã phản kháng. Họ vẫn còn hơi thở. Họ không hề thua cuộc.
Berger chăm sóc họ. Lebenthal đã kiếm được một ít súp cải củ. Họ uống được vài muỗng trong lúc nửa mê nửa tỉnh và lại ngủ mê ngay. Một lúc lâu – chẳng rõ bao lâu – 509 chợt cảm thấy có cái gì âm ấm ở bàn tay. Một hơi ấm. Hắn từ từ mở mắt ra.
Con chó chăn cừu đang liếm vào tay hắn. 509 thều thào:
– Nước…
Berger đang xức iodine vào các vết thương trên mặt hắn, vội vàng mủc một ít súp kê vào miệng 509:
– Đây, uống đi.
Nuốt được vài ngụm, 509 ngưng lại, thở mệt nhọc:
– Bucher ra sao?
– Nằm bên cạnh đó.
509 muốn hỏi nữa nhưng không còn hơi sức. Berger nói trước:
– Vẫn sống. Nằm nghỉ cho khỏe.
Giờ điểm danh, họ được khiêng ra sân để nằm ngay trước lao xá bên cạnh những người bệnh nặng đi không nổi.
Đội trưởng Bolte nhìn 509 và Bucher với con mắt của kẻ quan sát hai con sâu bị dẫm bẹp. Hắn hỏi tên tù đại diện Handke:
– Hai đứa này chết rồi sao để đây?
– Thưa Đội trưởng, tụi nó chưa chết.
– Nhiều lắm là tới sáng mai, chúng sẽ vào lò thiêu. Đánh cá bằng cái đầu cũng chắc ăn.
Hắn bỏ đi ngay. Còn một ít tiền, hắn muốn thử thời vận lần nữa với trò đỏ đen. Đại diện các lao xá hô to:
– Tan hàng! Cho người đi lấy đồ ăn!
Nhóm Lão Làng xúm lại cẩn thận khiêng 509 và Bucher vào trong. Handke khó chịu trừng mắt:
– Bộ tụi nó là đồ sành hả?
Không một ai trả lời. Hắn lẩn quẩn trên sân một lúc rồi cũng bỏ đi. Westhof nhổ nước bọt càu nhàu:
– Đồ chó! Quân chó má!
Berger nhìn hắn. Mấy lúc sau này, Westhof thường tỏ ra mất bình tĩnh. Hắn không chịu ngồi yên, nói lảm nhảm một mình và hay tìm chuyện gây sự. Berger xẵng giọng:
– Đừng làm ồn, Westhof! Mọi người đều biết hắn rõ quá mà…
Westhof trợn mắt:
– Nó cũng là tù như chúng mình sao chó má vậy…
– Biết rồi. Còn hằng chục đứa khác tồi tệ, độc hại hơn. Hễ có quyền là con người trở thành hung tợn ngay. Thôi, giúp tôi một tay.
Họ dọn trống một chiếc giường dành riêng cho 509 và Bucher trong khi sáu người trong nhóm phải nằm đất. Một trong những người nhường chỗ là thằng bé Karel. Nó bảo với Berger:
– Đội trưởng Bolta đoán sai.
– Thật sao?
– Họ không chết đâu. Nhất định là tới mai cũng còn sống. Tôi dám đánh cá với hắn.
Berger nhìn khuôn mặt trắng nhợt của thằng bé:
– Karel, cháu chỉ có thể đánh cá với bọn SS khi nào biết chắc là mình thua. Như vậy cũng chưa đủ.
– Họ không chết đâu. Ba người nằm đàng kia thì chắc chắn không sống nổi.
Berger lại nhìn Karel:
– Cháu nói đúng.
Karel gật đầu, hãnh diện. Dầu sao nó cũng đã có nhiều kinh nghiệm.
Chiều hôm sau, họ đã có thể nói chuyện. Mặt họ vẫn còn tái đen nhưng ánh mắt đã linh động, chỉ có môi là còn sưng húp. Berger căn dặn:
– Lúc nói, chớ có máy môi.
Kể ra đó là chuyện không mấy khó. Kẻ nào từng bị giam giữ lâu đều biết cách nói mà chẳng cử động môi.
Sau giờ ăn, thình lình có tiếng gõ cửa. Tim mọi người như ngừng đập, họ tự hỏi phải chăng có người tới để mang 509 và Bucher đi.
Tiếng gõ cửa lại nổi lèn, dè dặt và nho nhỏ. Ahasver nói thật khẽ:
– 509, Bucher! Cứ làm như chết!
509 lắc đầu:
– Không phải bọn SS đâu… Mở cửa đi, Leo.
Tiếng gõ cửa bỗng ngưng bặt. Vài giây sau, một bóng người xuất hiện ở khung cửa sổ, bàn tay đưa cao vẫy vẫy. 509 lại bảo:
– Mở cửa đi, Leo. Người của trại lao tác mà.
Lebenthal ra mở cửa, một bóng người lách vào.
Cái bóng lên tiếng:
– Lewinsky Stanislaus. Còn ai thức không?
– Có đủ mọi người đây.
Lewinsky mò tởi chỗ Berger, người vừa mới trả lời.
– Ở đâu? Tôi sợ giẫm phải mấy người nằm.
– Cứ đứng yên, tôi sẽ tới.
Berger mò mẫm tới sát Lewinsky:
– Được rồi. Mình ngồi xuống đây.
– Họ còn sống không?
– Còn. Họ nằm bên trái bạn.
Lewinsky dúi một vật gì vào tay Berger.
– Cái gì vậy?
– Iodine, aspirine và bông gòn. Có một cuộn băng với peroxide.
Berger ngạc nhiên:
– Cả một tủ thuốc à? Lấy ở đâu ra?
– Đánh cắp ở bệnh viện. Một người của chúng tôi làm việc tại đó.
– Tốt quá.
– Có cả đường nữa. Đường miếng. Quậy nước cho họ uống. Đường tốt lắm.
Lebenthal buột miệng:
– Đường hả? Lấy ở đâu vậy?
Lewinsky hỏi lại:
– Có chỗ lấy được. Bạn có phải Lebenthal không?
– Phải, sao?
– Tại bạn hỏi thế nên tôi đoán ra.
Lebenthal hơi xấu hổ:
– Tôi đâu có hỏi với ý định đó.
– Tôi không biết họ lấy ở đâu. Một người bạn ở lao xá 9 đưa tôi, bảo đem lại cho hai người hồi chiều. À, có phó mát nữa. Còn mấy điếu thuốc này là của anh em lao xá 11.
– Thuốc điếu! Lại tới sáu điếu! Cả một kho tàng!
Trong khoảnh khắc, mọi người đều im lặng.
Một lúc sau, ông lão Ahasver lên tiếng:
– Leo, người bạn này còn hay hơn anh.
Leo nói mau như không kịp thở:
– Đồ bỏ! Tôi cũng làm được vậy.
509 hỏi nhỏ:
– Lewinsky, có phải bạn đó không?
– Phải…
– Bạn ra ngoài được à?
– Được chớ. Không được sao tới đây. Tôi là thợ máy mà. Một khúc dây đủ rồi. Rất dễ. Tôi rất rành về các loại khóa. Phần các bạn ở đây thì sao?
Berger trả lời:
– Ở đây, họ không khóa cửa. Nhà cầu ở bên ngoài.
– Tôi quên mẩt. Mấy người kia có ký tên không?
Hắn vừa hỏi vừa quay sang 509. 509 đáp yếu ớt:
– Có…
– Còn bạn không ký?
– Tôi và Bucher.
Lewinsky nghiêng người thấp xuống:
– Chúng tôi không tin là các bạn thoát được như vậy.
– Tôi cũng nghĩ như bạn.
– Tôi muốn nói chẳng những các bạn còn sống nổi mà còn không có chuyện gì xảy ra, tiếp theo.
– Đó cũng là điều tôi đã nghĩ tới.
Berger can thiệp:
– Thôi để họ yên. Họ còn yếu lắm. Tại sao bạn muốn biết thật chính xác như thế?
Trong bóng tối, Lewinsky xoay mình:
– Việc này quan trọng lắm.
Hắn đứng lên nói tiếp:
– Tôi phải về trại bây giờ. Sẽ mang thêm khá hơn. Muốn nói một vài chuyện với ông.
– Bạn cứ tự nhiên.
– Ở đây, chúng có kiểm soát ban đêm không?
– Không. Để làm gì? Để đếm xác chết à?
509 gọi nhỏ:
– Lewinsky…
– Tôi đây…
– Bạn trở lại đây nữa chớ?
– Chắc chắn.
509 cố tìm chữ:
– Bạn nghe đây… Chúng tôi… chúng tôi chưa xong đâu… chúng tôi vẫn còn…
– Chính vì vậy mà tôi sẽ trở lại. Không phải vì lòng từ thiện đâu, bạn cứ tin tôi.
– Được rồi, mong bạn trở lại…
– Chắc chắn mà.
– Bạn đã nói một lần rồi. Tôi không quên đâu. Không quên nên tôi mới tới đây. Thôi, tôi về.
Lebenthal theo ra tới cửa. Lewinsky thì thầm:
– Thôi, bạn vô đi. À, tôi còn quên một cái gì…
Lebenthal hỏi:
– Bạn không biết họ lấy đường ở đâu sao?
– Không. Để tôi hỏi lại coi.
Rồi hắn nói như hụt hơi:
– Đây rồi, cầm lấy… đọc đi… mới có hôm nay…
Hắn dúi vào tay Lebenthal một mảnh giấy rồi đi mau vào bóng tối. Lebenthal đóng cửa xong, quay vào. Ông lão Abasver nói:
– Đường đâu? Cho tôi rờ xem sao… chỉ rờ thôi.
Berger hỏi:
– Mình còn nước không?
Lebenthal trao ca nước cho ông ta. Berger bỏ hai miếng đường vào, bò tới chỗ 509 và Bucher:
– Uống đi, chầm chậm thôi. Mỗi người một ngụm. Thay phiên nhau.
Có tiếng người ở giường nửa lừng:
– Ai ăn cái gì vậy?
– Có ai ăn gì đâu. Có gì mà ăn?
– Nghe có tiếng nuốt ừng ực.
Berger thản nhiên:
– Ammers, chắc bạn nằm mơ.
– Nằm mơ sao được. Phải chia phần cho tôi. Mấy người đang ăn ngấu nghiến dưới đó mà. Chia phần đây!
– Đợi tới sáng đi.
– Tới sáng thì các người nuốt hết rồi… Cứ mỗi lần…
Hắn không nói tiếp được nữa vì đang khóc nghẹn. Không ai chú ý tới hắn. Cơn bệnh của hắn đã trở nặng từ nhiều ngày qua, hắn tưởng mọi người đều lừa gạt hắn.
Lebenthal mò lần tới chỗ 509, phàn trần vụng về:
– Hồi nãy tôi hỏi chuyện đường không phải để bán mua đổi chác gì đâu… chỉ muốn tìm thêm cho bạn.
– Tôi biết…
– Tôi còn giữ cái răng vàng. Mình sẽ đổi lấy đồ ăn.
– Được lắm, Leo. Lewinsky còn đưa cái gì lúc ở ngoài cửa đó?
– Một miếng giấy. Không phải tiền. Giống như giấy báo.
– Báo hả?
– Giống như vậy.
Berger hỏi mau:
– Cái gì đó. Bạn có một mảnh báo hả?
509 bảo:
– Coi lại có phải không…
Lebenthal bò ra gần cửa mở mảnh giấy ra xem rồi bảo:
– Đúng rồi. Một miếng báo bị rách.
– Đọc được không?
– Bây giờ hả?
– Chớ đợi chừng nào?
Lebenthal đưa mảnh giấy lên cao:
– Không thấy rõ.
– Mở cửa rộng thêm. Bò ra ngoài. Có ánh sáng trăng.
Lebenthal làm theo lời. Hắn nhìn vào mảnh giấy một lúc rồi nói:
– Chắc là một bản tin chiến sự.
509 giục:
– Đọc đi! Đọc mau lên!
Berger hỏi nhỏ:
– Ai có diêm quẹt?
Lebenthal đọc:
– Remagen… Trên sông Rhin.
– Sao?
– Quân đội Mỹ chiếm Remagen… vượt sông Rhin!
– Sao? Leo, có đúng vậy không? Vượt sông Rhin hả? Còn gì nữa? Một con sông ở Pháp?
– Không… sông Rhin… ở Remagen… Quân Mỹ…
– Đừng có nói! Tôi bảo đọc mà, đọc nguyên văn, Leo!
– Được rồi, bây giờ thấy rõ hơn hồi nãy…
– Qua sông Rhin? Nhưng làm sao được? Như thế là họ đang ở trên lãnh thổ Đức. Đọc đi! Đọc rõ, Leo!
509 quên là môi mình rách nát. Hắn lẩm bẩm:
– Qua sông Rhin? Nhưng bằng cách nào? Với phi cơ hay tàu? Nhảy dù chăng? Đọc đi, Leo!
Mỗi người một câu, chẳng mạch lạc gì cả, họ vừa nói cho mình vừa hối Lebenthal đọc. Hắn đọc từng tiếng một:
– Cây cầu… Họ vượt một cây cầu… Cây cầu nằm trong tầm hỏa lực mạnh mẽ của quân Đức.
Không tin được, Berger hỏi mau:
– Một cây cầu hả?
– Phải, một cây cầu ở Remagen.
509 lặp lại:
– Một cây cầu, bắc ngang sông Rhin. Như vậy là bộ binh… Đọc tiếp coi, Leo.
– Còn một đoạn chữ nhỏ quá, không đọc nổi.
Berger thất vọng:
– Có ai còn diêm quẹt không?
Trong bóng tối, có người đáp:
– Còn hai cây đây.
– Vào trong, Leo.
Họ quây quần sát bên cửa. Ammers rên rỉ:
– Đường đâu? Tôi biết mấy người có đường mà. Chia phần cho tôi…
509 tức tối:
– Berger, cho con chó đói đó một miếng đi.
– Không.
Berger bảo luôn:
– Lấy mền che mấy cửa sổ lại. Leo, đọc đi!
Berger đánh diêm. Lebenthal đọc thật mau. Một số sự thật từ lâu bị che giấu bỗng lòi ra. Quân Mỹ đã vượt qua cầu. Các đơn vị có phận sự phá cầu đã không cho nổ kịp, họ sắp ra trả lời trước tòa án Quân sự Mặt trận…
Que diêm đã cháy hết. 509 lẩm bẩm:
– Cây cầu không bị phá. Thế là họ vượt qua an toàn. Các bạn có biết điều này là gì không?
– Bị tấn công bất ngờ.
– Điều này có nghĩa là Bức Tường phòng thủ phía Tây đã bị chọc thủng.
Berger nói như nằm mơ:
– Bức tường phía Tây bị phá vỡ. Họ vượt ngang qua.
– Chắc là Bộ Binh chớ không phải quân Dù.
– Chúa ơi! Vậy mà chúng tôi không biết gì hết. Mình cứ tưởng người Đức vẫn còn ở trên đất Pháp.
509 lại nóng nảy:
– Đọc lần nữa đi, Leo. Mình cần biết rõ. Hồi nào, có để ngày tháng không?
Berger đánh cây diêm thứ hai. Có người la lên:
– Tắt lửa đi!
Lebenthal đang đọc, 509 cắt ngang:
– Chuyện xảy ra hồi nào?
Lebenthal dò một lúc:
– Ngày 11 tháng Ba năm 1945.
– Mười một tháng Ba 45. Hôm nay là mấy?
Với những người tù chỉ còn sống trong thời kỳ đợi chết như ở Tiểu trại thì việc tính ngày tháng đã trờ thành vô nghĩa. Tuy thế, họ vẫn còn biết mang máng là ngày 11/3 đã qua cũng khá lâu và bây giờ có thể là cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư. 509 bứt rứt:
– Đưa tôi xem, mau!
Thân thể còn đau như dần, hắn vẫn dùng hết tàn lực bò lết tới nơi. Lebenthal tránh sang bên. 509 cố đọc thật mau nhưng ngọn lửa tàn của que diêm chỉ chiếu phớt qua hàng tựa rồi lờn vờn tắt.
– Đốt thuốc mau lên, Berger.
Berger châm một điếu trao cho 509.
– Đưa mảnh báo cho tôi, Leo.
Vừa nhận mảnh giấy xong, 509 xếp lại cho vào phía trong áo. Hắn cảm thấy nó đang áp vào da thịt. Hít một hơi khói dài, 509 trao điếu thuốc cho Berger:
– Cho mỗi người một hơi.
Người cho diêm quẹt hỏi:
– Ai hút thuốc đó?
– Tới lượt bây giờ. Mỗi người hút một hơi.
– Không hút thuốc đâu. Phần đường của tôi, có chưa?
Ammers lại rên rỉ. 509 bò về giường. Berger và Lebenthal theo giúp. Một lúc sau, hắn hỏi nhỏ:
– Berger, bây giờ bạn tin chưa?
– Tin.
– Như vậy là hy vọng về cuộc oanh tạc mới đây có thể thành sự thật…
– Đúng vậy.
– Leo, nghĩ sao?
– Tin chớ sao.
– Chúng ta cần phải…
Berger ngắt lời:
– Để mai rồi mình bàn sau. Ngủ đi!
509 buông rơi người xuống. Hắn cảm thấy choáng váng, có lẽ vì khói thuốc. Đốm lửa nhỏ nhắn được các bàn tay khô đét bao bọc lần lần đi khắp phòng giam. Berger bảo 509:
– Còn chút nước đường đây. Uống đi!
Uống xong, 509 dặn nhỏ:
– Giữ nguyên mấy miếng kia, đừng quậy nước nữa, để dành đổi đồ ăn.
Trong bóng tối có người đề nghị:
– Còn mấy điếu nữa. Cho mỗi người vài hơi đi!
Berger nhăn mặt:
– Chẳng còn điếu nào cả.
– Còn mà, cho anh em thưởng thức chớ.
– Đó là đồ của người ta cho hai người bạn vừa ở trong chuồng sắt ra.
– Giỡn hoài! Đó là của chung, đưa ra đi!
509 nói mau:
– Berger, hãy coi chừng. Lấy cây gậy ra. Mình phải giành thuốc để đổi thực phẩm. Leo, bảo vệ cho Berger.
– Được rồi.
Có tiếng xê dịch của nhóm Lão Làng sát vào nhau rồi có tiếng chụp bắt, chửi rủa, ngã té và kêu thét.
Berger chờ một lúc mới hô to:
– Lính SS tới!
Lại có tiếng nhiều người bò lê về chỗ cũ, tiếng xô đẩy, rên rỉ… rồi hoàn toàn im lặng.
Lebenthal thì thầm:
– Đáng lẽ lúc nãy mình không nên hút.
– Đúng. Đã giấu mấy điếu còn lại chưa?
– Từ lâu.
– Đúng ra mình phải để dành nguyên. Nhưng mấy lúc có chuyện quan trọng xảy ra thế này…
Bỗng nhiên 509 như mệt sắp ngất. Hắn tận dựng tất cả hơi sức mới hỏi được:
– Bucher, từ nãy giờ có nghe gì không?
– Có. Nghe rõ cả rồi.
Nghe xong câu trả lời, đầu óc hắn quay cuồng. Vượt ngang sông Rhin – hắn còn nhớ thế – và nghe có mùi khói trong cổ họng. Hắn nhớ đã ngửi mùi khói tương tự cách đây chẳng bao lâu… nhưng vào lúc nào? Khói thuốc xuyên thẳng vào khí quản thèm thuồng của hắn, gây đau đớn nhưng không tài nào cưỡng lại. Phải rồi, khói xì-gà của Neubauer trong khi hắn nằm trên mặt đất ướt ẩm. Chuyện dường như đã xảy ra thật lâu rồi, nhưng chỉ trong chốc lát, một sự sợ hãi bỗng lóe lên. Màu khói hóa ra mờ ảo và biến thành một thứ khói khác, khói của thành phố bốc cháy bên kia hàng rào kẽm gai mà hắn đã từng ngửi thấy, khói từ con sông Rhin… và bỗng nhiên hắn có cảm tưởng đang nằm trên một triền đồi đầy sương đang nghiêng chúi xuống, chúi xuống mãi và mọi vật bỗng trở nên hiền dịu, và lần đầu tiên bóng tối bao quanh hắn không có gì đe dọa.