Một mình ở châu Âu
Chương 01
Cuốn sách này tập hợp những ghi chép rời rạc vào mùa hè 2008, khi tôi đi châu Âu một mình trong một tháng. Nó là điểm bắt đầu của một câu chuyện mà tôi sẽ kể trong hai câu chuyện tiếp theo – về những chuyện buồn mà cuối cùng đã trở thành tài sản. Như mọi câu chuyện có tính hồi kí khác, đây chỉ là ký ức của tôi, sự thật của tôi, nó không chắc là sự thật duy nhất. Mọi nhân vật được đề cập trong cuốn sách này đều được thay đổi danh tính để bảo vệ sự riêng tư cho họ.
“Sợ thì cũng phải làm”
Rostock, Đức, ngày …. tháng Tám, năm 2008.
Bây giờ là 4 giờ sáng.
Tôi không ngủ được nên đã ngồi dậy để viết. Cái máy tính này của Hiền, em chồng tôi, dùng Windows Đức và bàn phím Đức nên hơi khác so với bàn phím Mỹ: chữ Y bị chuyển từ hàng thứ nhất xuống hàng thứ ba và chữ Z thế vào chỗ chữ Y. Các phím Shift, Control, và các phím số đều lạ: tôi thậm chí không thể gõ một số ký tự và dấu theo ý mình và đang mất gấp đôi thời gian bình thường để gõ những dòng này. Nhưng đi du lịch là như vậy: mọi thứ không bao giờ như ở nhà.
Hôm qua, chuyến bay từ Boston đi New York chỉ có một tiếng và tôi phải chờ những ba tiếng ở New York JFK trước khi lên máy bay đi Berlin. Chính ở JFK chiều qua, tôi đã chạm trán châu Âu lần đầu. Khu vực đi châu Âu tràn ngập người Âu và có thể nhận ra họ ngay: người Âu, kể cả khi bay đường dài vẫn ăn mặc chải chuốt trong khi người Mỹ ăn mặc cốt sao thoải mái. Những cô gái Đức, Pháp, Ý vẫn váy ngắn, giày cao gót, tất dài, kính mắt, khuôn mặt trang điểm cẩn thận như đang đến một cuộc hẹn; những người đàn ông mặc áo suit đen khít người hoặc designer jeans với sơ mi phẳng phiu. Và nước hoa! Người Mỹ hầu như không còn dùng nước hoa khi đi làm hằng ngày, và nếu có thì thường dùng quá tay như để đề phòng. Còn những người Âu trong khu chờ bay, ai cũng mang nước hoa, nhẹ, mà lưu mùi rất lâu.
Máy bay xuống sân bay Tegel lúc gần trưa. Từ trên nhìn xuống, sân bay Tegel rất nhỏ. Nó lập tức gợi cho tôi nhớ đến hoặc Sheremetyevo ở Matxcơva hoặc Nội Bài những năm 1990. Khi làm xong thủ tục, bước ra ngoài, tôi không tin được là phần cửa ra chỉ có duy nhất một cái máy trả hành lý và cách đó vài bước chân thấy taxi xếp hàng đón khách.
Châu Âu.
Phải nói gì về ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đất châu Âu, mà chính xác là Berlin! Nếu phải chọn một cụm từ chủ đạo cho ngày đầu tiên này, tôi sẽ chọn một cụm từ đã bị lạm dụng trong thời gian gần đây nhưng lại chính xác trong trường hợp này: “thế giới phẳng”. Sau bảy tiếng đồng hồ từ khi rời New York, cái đập vào tôi đầu tiên trong sân bay ở Berlin là sạp bán sách và tạp chí. Chúng không khác gì với quầy Hudson News ở sân bay JFK ngoài chuyện bằng tiếng Đức.
Vẫn các tạp chí Cosmopolitan, Vogue, People, National, Geographic – bằng tiếng Đức.
Vẫn hình ảnh Jenifer Aniston, Britney Spears và Angelina Jolie tràn các bìa bào và tạp chí – bằng tiếng Đức.
Vẫn là Khaled Hosseini, Stephenie Meyer, Stephen King và dĩ nhiên J.K Rowling ở khu sách bestseller – bằng tiếng Đức.
Cứ như thể tôi không hề rời Mỹ mà nước Mỹ chỉ đột nhiên được “dịch” sang tiếng Đức và tôi mất oan bảy tiếng đồng hồ cho một sự di chuyển chỉ có tính hình thức.
Nhưng cái ấn tượng “phẳng“ lớn nhất là trên khuôn mặt người. Trong hành lang sân bay Tegel, hầu hết người chờ bay đều mang khuôn mặt “phẳng” giống hệt nhau: khuôn mặt nhìn thẳng về phía trước, không thái độ, như thể không biết dòng người đi lại hối hả xung quanh. Không biết người Đức không có thói quen biều lộ tình cảm nơi công cộng hay cái vẻ mặt phẳng đó là biểu hiện của sự đồng dạng về tình cảm, suy nghĩ, hành vi mà cội nguồn của nó có thể chính là sự đồng dạng trong tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Với tốc độ toàn cầu hóa (mà phần nhiều là Âu – Mỹ hóa) như bây giờ thì đến một lúc nào đó, du lịch có lẽ mất cái ý nghĩa khám phá một văn hóa khác, với giá trị tương đương và tự thân, so với các giá trị Âu- Mỹ.
Từ Berlin, xe đi ba tiếng đồng hồ tới Rostock, Vừa ra khỏi những khối nhà bê tông cuối cùng của Berlin là những đống lúa mỳ và cỏ đã mở ra trên các triền đồi thấp, chạy thành sóng đến chân trời. Trên những cánh đồng, bò sữa đứng nhẩn nha cạnh những cối xay gió khổng lồ chầm chậm quay. Vắt ngang các cánh đồng là những vệt đường nhỏ, trên đó thi thoảng một chiếc xe tải chạy đơn độc rồi biến mất. Cảnh tượng này gợi nhớ đến California, nhất là vùng quanh thung lũng Napa. Tuy nhiên, ở California nói riêng và các thành phố lớn ở Mỹ nói chúng không có cảnh lái xe quy củ như tôi thấy trên đường từ Berlin đi Rostock. Tất cả xe chạy ở làn bên ngoài đều chạy nhanh để vượt, và khi vượt xong thì lập tức vào làn bên trong; cho nên làn bên ngoài hầu như luôn trống.
Chiều nay, Hiền dẫn tôi đi chợ. Chợ ở đây rất sạch, ngăn nắp; xúc xích, thịt xông khói, pho mát và sữa ngồn ngộn trên các quầy. Rau quả mơn mởn. Có một cảnh trong siêu thị mà tôi không thấy ở Mỹ: người Đức mua nước giải khát, uống xong thì mang chai đi trả lại ở các máy tự động, mỗi chai lấy lại hai mươi xu. Nhà ai cũng có các thùng rác phân loại theo quy trình tái chế, giấy riêng, đồ thủy tinh riêng, nhựa riêng vá rác riêng.
Rostock nghèo và buồn. Những khu nhà chung cư ở đây giống những hộp các tông hồng, chanh cốm và xanh được xếp chồng lên nhau – một sự đơn điệu đã rơi đến ngưỡng khắc khổ. Cái không khí “bao cấp” và “Đông Đức cũ” còn rất rõ, thêm vào đó là nỗi buồn len lén của một thành phố đang lụi dần khi các ngành công nghiệp từng nuôi sống thành phố bị thu hẹp [1]. Tôi muốn viết nhiều thêm về chuyện này và nhiều chuyện khác nhưng cơn buồn ngủ hình như đang trở lại. Bây giờ tôi sẽ datei öffnen cái file này, sẽ beenden và computer ausschalten. Trên cái Windows bằng tiếng Đức này, tôi hi vọng nó có nghĩa là tôi save file, close file, và shut down máy tính.
[1] Rostock từng là thành phố sản xuất máy bay và là thành phố cảng chính của Đức, nhưng từ sau khi nước Đức thống nhất, vị trí này bị mất đi; do đó các nhà máy và dân số Rostock ngày càng giảm xuống.
Giờ mới là im lặng thực sự. Không có tiếng bàn phím r ờ i r ạ c n à y…
… t h ì tất cả những gì còn lại chỉ là bóng đêm tuy đang nhạt dần nhưng không hề có dấu hiệu của một thành phố sắp trở dậy. Tôi còn ở đây một vài ngày với gia đình Hiền rồi sẽ lang thang một mình ở châu Âu. Tôi mong làm sao đến ngày đó.
Nhưng giấc ngủ không đến dễ dàng. Tôi cứ nghĩ mãi những gì chúng tôi đã nói đến chiều nay.
Chiều nay, trong lúc chúng tôi chuẩn bị bữa tối, Hiền nói:
“Việt ở được với anh Sơn thì giỏi thật.” (Hiền hơn tuổi tôi nên chúng tôi thỏa thuận gọi nhau bằng tên thay vì chị em).
“Cả cái nhà này không có ai ở được với chú Sơn đâu đó cô ơi,” cháu tôi cười.” Ai cũng sợ chú Sơn như sợ cọp đó, cô không biết à?”
Không, điều này tôi không hề biết.
“Chuyện đám cưới với Việt cũng thế đấy,” Ba chồng tôi cười. “Chuyện vợ con của Sơn, cả nhà không ai hỏi gì bao giờ, đùng cái Sơn viết thư về cho Ba bảo Ba ơi con sắp cưới vợ… thì Ba cũng chuẩn bị mọi thứ chứ hồi đấy đã gặp Việt đâu… Đến lúc ăn hỏi gặp bố mẹ Việt ở Hà Nội, Ba bảo thôi gặp được anh chị, thấy anh chị hiền lành thì tôi cũng đỡ lo, chắc con Việt cũng hiền lành như anh chị. Bố mẹ Việt cũng run run, bảo gặp Ba thì cũng yên tâm chứ hai ông bà cũng chưa gặp Sơn bao giờ, thấy Việt bảo đám cưới thì đám cưới… mắc cười hai ông bà thông gia an ủi nhau, chả biết con dâu, con rể mình mặt mũi ra sao. Hai đứa vậy là giống tính nhau… thế nên ở được với nhau… cũng là duyên số cả.”
“Chắc là vậy Ba nhỉ?” – Hiền nói: “Ai cũng bảo từ hồi lấy vợ, anh Sơn hiền đi bao nhiêu.”
Mọi người đều cười. Tôi cũng cười. Tôi kể cho mọi người nghe vô vàn những chuyện ly kỳ khi sống với Sơn. Như chuyện ngày trước ngày cưới, Sơn và mấy người bạn rủ nhau lái xe vòng quanh nước Mỹ, từ Boston xuống Miami, qua Texas rồi vượt qua biên giới sang Mexico, rồi một người bị giữ lại ở Mexico và Sơn phải đưa cậu bạn đó tới thủ đô để bay về Việt Nam, rồi cả đoàn lại đi tiếp sang đến bờ Tây, rồi ghé thăm tôi ở Chicago mấy ngày, rồi đi tiếp lên Michigan, vượt qua biên giới sang Canada, rồi về lại Boston; sau đó Sơn mới bay về Chicago để chúng tôi cùng về Việt Nam làm đám cưới.
“Trời ơi, con ở nhà cứ thấp thỏm. Anh ấy với bạn thì bị giữ ở biên giới Mexico, mà hồi đó Mexico đang có đảo chính, cảnh sát với quân đội súng ống khắp nơi. Xong rồi, có hôm, bạn anh ấy còn đăng lên mạng một mẩu tin là anh Sơn và mấy người bị bắn chết. Lúc con đọc, con tưởng thật, con cầm cái điện thoại mà không bấm nổi số, tay con cứ run bần bật thế này này, điện thoại cứ rơi xuống. Mãi sau mới bấm được số gọi sang Mexico, gặp anh ấy, anh ấy cười hềnh hệch bảo là chúng nó đùa. Hôm ấy, con không vỡ tim chết là may.”
Rồi tôi kể chuyện những khi đi đường với Sơn; Sơn luôn lái xe rất nhanh, vượt hết xe này đến xe khác. Nếu xe nào chậm chậm mà cứ chạy ở làn ngoài là Sơn bấm còi liên tục; thậm chí chạy sang làn bên cạnh, vượt lên trước, và chặn không cho xe kia lên để “dạy cho con lợn này một bài học”. Mỗi lần như thế, tôi ngồi ghế bên này, chỉ còn biết bám chặt vào thành ghế và tay nắm ở cửa xe. Suốt mấy năm qua, bất kể chúng tôi sống ở bờ Đông hay bờ Tây, các loại phiếu phạt lái xe quá tốc độ, đỗ xe ở chỗ cấm đỗ… từ khắp các thành phố mà Sơn từng đi qua cứ bám theo chúng tôi như một cái đuôi dài.
Tôi kể; Ba chồng tôi, Hiền và cháu tôi cười chảy cả nước mắt. Tôi cũng cười chảy cả nước mắt. Sao khi kể lại, những chuyện ấy lại buồn cười đến thế. Hình như tất cả những câu chuyện kể lại đều lãng mạn hơn, bớt đau lòng hơn lúc chúng đang diễn ra. Chuyện về Sơn giống như chuyện về một nhân vật anh hùng bạt mạng trong các bộ phim Hollywood; chúng hấp dẫn nhất là khi ta là khán giả. Tôi và Sơn đã gặp nhau ở Boston, rồi đăng ký kết hôn mười tháng sau đó mà không có gia đình chứng kiến; rồi về Việt Nam làm đám cưới; và Sơn đã nghỉ việc để về Chicago với tôi; rồi chúng tôi đã chuyển đi bờ Tây sống; rồi Sơn lại nghỉ việc ở đó và về làm lại ở bờ Đông; rồi Sơn lại nghỉ việc ở bờ Đông và chúng tôi quay lại Chicago; còn bây giờ Sơn lại trở lại bờ Đông và tôi lại đi theo. Lúc nào cũng di chuyển, lúc nào cũng sống trong căng thẳng, bấp bênh như thể cả hai đang trong một bộ phim hành động đầy những cảnh rượt đuổi.
Nhưng mà… khi tôi chờ Sơn và các bạn anh đi xuyên Mỹ, hay những lần chúng tôi chất đồ đạc lên xe, chạy từ bang này sang bang khác, chỉ dừng lại ngủ đêm ở những thị trấn dọc xa lộ… thì mọi việc không hề giống phim và không hề buồn cười. Những ngày tháng ở Oregon, ở New Jersey, hay như bây giờ, ở New Hampshire… những ngày tháng ấy không hề buồn cười.
Chiều nay, tôi không nói cho Ba và mọi người biết rằng tôi không chắc chắn tôi có thể chịu đựng được bao lâu nữa. Tôi đã mệt rồi. Tôi thực sự đã mệt rồi. Tôi yêu Sơn nhưng sống với anh khó quá. Nó không khác gì xây nhà dưới chân môt ngọn núi lửa đang âm ỉ cháy; tôi không bao giờ biết trước lúc nào thì núi lửa phun trào; chỉ biết mỗi lần phun trào thì tất cả mọi thứ quanh chân núi đều bị hủy diệt. Tôi đã cuống cuồng vơ vét chạy di tản quá nhiều lần, và đến giờ thì bắt đầu hỏi tại sao mình vẫn cứ hy vọng có thể xây dựng một ngôi nhà yên ổn dưới chân ngọn núi này?
Nhưng tôi sẽ không nghĩ đến những việc này vội. Bây giờ, tôi sẽ cố ngủ để giữ sức cho những ngày ở châu Âu. Phải rồi, tôi đang ở châu Âu. Tôi đã mong chờ chuyến đi này biết bao.
Rome, ngày…
Sáng nay, tôi rời Berlin trong mưa. Trời lạnh, nhiều gió. Sau hai tiếng, Rome đón tôi bằng bản nhạc Clair de Lune của Debussy đột ngột được mở trong khoang máy bay của hãng hàng không giá rẻ Easyjet. Ra khỏi cửa máy bay là nắng ấm và trời xanh Địa Trung Hải. Tôi đã tới Rome rồi.
Từ sân bay Ciampino phải bắt xe buýt vào nhà ga trung tâm của Rome: Roma Termini. Bên ngoài sân bay, cảnh tượng nhốn nháo khác hẳn với Đức và cũng bẩn hơn Đức rất nhiều. Ba lần liền, những chiếc xe con sà vào gần chỗ tôi đứng và những đại gia đình bảy, tám người huyên náo chui vào những chiếc Fiat năm chỗ, chưa kể hành lý được chất đầy trong cốp xe hoặc chằng trên nóc xe. Trên xe buýt chạy vào thành phố, radio được mở to cho cả xe nghe. Không biết tiếng Ý thì tôi cũng hiểu là đang có một trận bóng đá. Chà, bình luận viên trên radio… nói thế nào nhỉ… à, “nói văng nước miếng” trong khi người tài xế và một số hành khách ngồi gần đó vừa nghe vừa mắng nhiếc, la ó các cầu thủ một cách đầy kích động khiến cho tôi vừa thót tim sợ rằng bác tài xế sẽ tông xe vào lề đường vừa không nhịn được cười khi nghe tiếng gào thét huyên náo và những âm rung r… r… đặc trưng của tiếng Ý. Ngoài đường, hầu như xe ô tô nào cũng để ngỏ kính cửa, từ đó vọng ra tiếng radio tường thuật bóng đá – và lái xe taxi có một vẻ mặt hầm hầm như thể khách đi xe là kẻ thù khiến họ bỏ lỡ cơ hội xem trận bóng.
Sự thật là tôi không hề có ý định đi Ý khi chuẩn bị chuyến đi châu Âu này. Tôi chỉ định tới Rostock thăm gia đình Hiền rồi sẽ đi Paris và ở đó toàn bộ thời gian. Cho đến khi quyết định đi thêm Ý, tôi không có thời gian đọc bất cứ thông tin gì để chuẩn bị cho hành trình. Trong đầu tôi, tất cả ý niệm về Rome và nước Ý được chắp vá từ phim Bố Già, các sách sử về đế quốc La Mã, các đĩa opera, và ký ức về cái thời mà người Việt Nam háo hức chờ World Cup để xem Robero Baggio trên ti vi đen trắng.
Xuống xe buýt ở nhà ga Termini, tôi kéo hành lý tới chỗ có một dãy xe taxi chờ. Vừa thấy tôi tiến tới, một người đàn ông to béo, trông như Clemenza bước ra từ Bố Già, lập tức nổ ra một tràng tiếng Ý rổn ráng và chỉ vào chiếc taxi đầu tiên. Tôi chưa kịp định thần thì Don Clemenza bật tay cái tách, và từ đâu bỗng nhiên hiện ra một anh chàng chừng hai mươi tuổi, trông giống hệt Roberto Baggio. Chàng Baggio mặc áo phông Lacoste xanh lam, quần bò xé, đeo kính Armani, mái tóc đen hơi xoăn được vuốt keo bóng mượt – y như một tài tử điện ảnh. Chàng hùng dũng tiến tới nhấc hành lý của tôi cho vào cốp xe taxi đã mở sẵn và chỉ tay ra hiệu cho tôi vào xe theo một lối không chừa cho tôi bất cứ lựa chọn nào khác.
Chàng Baggio có vẻ chỉ biết nói tiếng Ý, tôi thì “non parto italiano [2]” nên sau khi vào xe, tôi đưa cho chàng tờ giấy đặt khách sạn, có địa chỉ trên đó. Chàng nhìn địa chỉ, gât đầu rồi đánh xe hòa vào dòng xe đông đúc trên phố. Suốt mười lăm phút sau đó, chàng chạy lòng vòng qua Via nọ, Via kia [3]. Trong lúc này, tôi đọc lại tờ giấy đặt khách sạn: hướng dẫn trên đó nói rằng khách sạn chỉ cách nhà ga Roma Termini khoảng 2 phút đi bộ và bản đồ thì cho thấy nó ở ngay ngách bên cạnh nhà ga. À, đã quá muộn! Nhưng thôi, có thể đi taxi phải tránh đường một chiều nên lâu hơn. Có một điều là nhìn mãi chẳng thấy có đường một chiều nào cả, còn chàng Baggio cứ liên tục lòng vòng gần nhà ga, vừa lái vừa liên tục xổ ra những tràng tiếng Ý du dương và chỉ tay ra hai bên phố ra ý rằng không hiểu cái khách sạn quỷ quái này ở chỗ nào mà tìm mãi không thấy. Đoán chừng chạy quanh có lẽ không giải quyết được vấn đề nên khi xe quay lại gần nhà ga một lần nữa, tôi nói:
“Xin anh dừng ở đây, tôi sẽ xuống từ tìm lấy vậy.”
[2] Không biết nói tiếng Ý.
[3] Via: tiếng Ý là “đường, phố”.
Chàng Baggio tiếp tục chỉ ra hai bên đường, ra vẻ không hiểu ý, và tiếp tục chạy xe. Tôi phải kêu lên “Stop, stop, stop”; và sau khi lần nữa thêm một đoạn thì chàng cũng ngậm ngùi dừng xe. Tôi xuống xe, lấy hành lý để lên vỉa hè, rồi quay lại đề trả tiền. Đồng hồ lúc trước chỉ có 8 euro, nhưng khi tôi quay lại thì đã thấy 14 euro và chàng Baggio thản nhiên nói tiếng Anh:
“Fourteen [4]”
[4] Mười bốn.
Rồi lè nhè một tràng dài tiếng Ý, trong đó có từ “bagaglio” mà tôi lập tức hiểu là “hành lý”.
“Xin lỗi, chắc là anh đùa?” – Tôi nói: “Tôi chưa bao giờ thấy đi taxi phải trả thêm tiền hành lý.”
Nhưng chàng Baggio rõ ràng không đùa vì chàng rút từ phía sau lưng ghế ra một tờ giấy trắng nhàu nhĩ, có ghi một số dòng bằng tiếng Ý. Chàng chỉ cho tôi một dòng loáng thoáng về “bagaglio”, rồi lại lè nhè một tràng tiếng Ý với vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng – trong số đó cũng chỉ có một từ mà tôi hiểu rõ: “polizia”. Ý chàng nói, nếu tôi không trả tiền thì sẽ gọi cảnh sát.
“Xin lỗi, anh lại đùa?” Tôi nói. “Ai viết ra cái tờ giấy này? Tôi không thấy có dấu má hay biểu tượng của tồ chức nào hết?”
Baggio không trả lời câu hỏi của tôi mà rút điện thoại di động và chỉ về phía trạm cảnh sát gần đó, đồng thời liên tục nhắc đi nhắc lại “polizia, polizia” và làm ra vẻ chuẩn bị bấm máy. Biết không thể “nói chuyện phải quẫy” với kẻ vừa ăn cắp vừa la làng này, tôi nói:
“Anh cứ gọi cảnh sát đi, đồ lừa đảo!”
Tôi ném tờ 10 euro vào người chàng và ra khỏi xe, sập cửa lại. Thật may là hành lý của tôi đã ở trên vỉa hè. Chàng Baggio cúi nhìn qua cửa, vẫn tiếp tục ra bộ bấm điện thoại; rồi chừng mấy giây sau thì chàng giông thẳng.
Sau khi loanh quanh một hồi dưới nắng và mồ hôi nhễ nhại vì vẫn mặc áo khoác từ Berlin, tôi tìm thấy con đường có khách sạn. Đó là một đường phố vắng vẻ cách nhà ga khoảng 300 mét. Tuy nhiên, khi tôi tìm đến đúng số nhà thì ở đó không hề có khách sạn nào mà chỉ có một cái cửa lớn, đóng kín, với một tấm biển đồng ở bên ngoài, trên tấm biển đó có một số tên nhà với nút chuông bấm cho từng căn.
Vừa nóng vừa mệt vừa đói, tôi bắt đầu tin nước Ý toàn mafia thì một ông già đầu hói bụng phệ trông giống hệt Frankie ở Bố Già tập hai đủng đỉnh đi qua. Trong tình trạng chết đuối vớ được cọc, tôi lễ phép hỏi Don Frankie bằng tiếng Anh liệu ông có biết cái “hotel” này ở đâu không. Don Frankie nhìn địa chỉ rồi nói với tôi bằng tiếng Ý là tôi đến đúng “hotel” rồi. Tôi đáp lại bằng tiếng Anh rằng tôi chẳng thấy có biểu hiện “hotel” gì cả (chỉ có mỗi từ này là hai bên đều hiểu). Don Frankie đeo kính lên nhìn các chữ trên tấm biển đồng rồi thản nhiên bấm lần lượt tất cả các chuông cửa từ trên xuống dưới, mỗi lần bấm lại nhún vai nói ra một tràng tiếng Ý ra ý “Ôi dào, biết làm thế nào được? Việc phải làm thì làm thôi, cứ bấm cho chúng nó chết.” Vừa mệt vừa chán nản mà tôi không nhịn được cười. Nhưng bấm tất cả chuông cửa mà không có ai trả lời, Don Frankie lắc đầu ra ý rất tiếc ông không thể giúp gì thêm.
Để rút ngắn câu chuyện này tôi sẽ kể vắn tắt rằng cuối cùng tôi cũng tìm được khách sạn sau khi tiếp tục chạy lòng vòng, gặp một người đàn ông Sri Lanka gọi giúp điện thoại đến khách sạn và lần này gặp một người của khách sạn. Hóa ra, cái địa chỉ mà họ cho tôi chỉ là văn phòng môi giới; người môi giới sau đó mới đưa tôi tới khách sạn. Và khách sạn này thực ra cũng không phải của người Ý mà của một gia đình Nga – tóm lại, mọi thứ đều rất lòng vòng và mafia. Như tôi nhanh chóng nhận ra sau nửa ngày ở Rome, hầu hết khách sạn nhỏ và các cửa hàng quanh khu nhà ga chính của Rome cũng như ở một số điểm du lịch đều do người Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Nga, v.v… thuê lại của người Ý để kinh doanh. Tôi cũng hỏi người chủ khách sạn về chuyện anh chàng lái taxi đòi tôi tiền hành lý, ông ta nói đó là chiêu lừa phổ biến ở đây.
Chiều hôm đó, sau khi sắp xếp phòng, tắm, thay quần áo, tôi đi tới nhà thờ Santa Maria Maggiore, khu đấu trường La Mã Colosseo, khu di tích Domus Aurea Palatino.
Chà, tôi buộc phải nói rằng sau ngày thứ nhất, Rome làm tôi thất vọng. Khu đấu trường Golosseo quả có to lớn, quả có cổ xưa, nhưng trong tổng thể Rome, đấu trường này chỉ khiến tôi liên tưởng đến một miếng gấm được vá vào một chiếc áo sơ mi Dolce & Gabbana made in China. Thực tế là toàn bộ Rome – cho đến lúc này – gợi cho tôi cảm giác về sự nham nhở và lệch lạc vì cái cổ xưa và hiện đại, cái hoành tráng và tiểu tiết lẫn lộn với nhau một cách lộn xộn, bừa ẩu, nhốn nháo. Tôi lại phải nhắc lại là Rome bẩn: bẩn hơn Berlin, bẩn hơn các thành phố lớn của Mỹ. Hơn thế, Rome gợi một cảm giác về một chàng công tử đỏm dáng nhưng lấc cấc, hư hỏng, thuộc một dòng họ quý tộc có lịch sử ngàn năm. Tổ tiên của anh ta có thể danh giá và tạo ra nhiều kỳ tích nhưng đến anh ta thì hầu như tất cả sự văn hóa và lịch lãm đó biến mất, còn lại chỉ là tên họ và một số đồ gia bảo mà anh ta trưng hết ở phòng ngoài cho khách xem (và không quên thu tiền). Nói như người Việt Nam là “hổ phụ sinh cẩu tử”. Có thể ngày mai tôi sẽ đổi ý, nhưng lúc này thì là như vậy.
Tôi ăn bữa tối đầu tiên ở ngay gần khách sạn: spaghetti thịt bò xốt cà chua với một ít rau. Thức ăn dở – điều này tôi đã biết trước vì đây là một cửa hàng phục vụ khách du lịch chứ không phải là một nhà hàng tử tế, nhưng tôi chỉ muốn ăn nhanh để quay lại nhà thờ Santa Maria Maggiore [5] xem lễ tối và sau đó sẽ đi bộ trở lại khu đấu trường Colosseo xem nó có đẹp hơn vào buổi tối không. Nhưng nhà thờ Santa Maria Maggiore đã đóng cửa khi tôi tới. Bên ngoài đài phun nước đối diện với nhà thờ, mấy du khách đang ngồi nghỉ chân; khuôn mặt họ thất thểu và mệt mỏi, như thể muốn nói “Người ta bảo mọi con đường đều dẫn về thành Rome, nhưng đến Rome rồi thì đi đâu?” Cũng phải nói thêm: tháng Tám là tháng đi du lịch của Rome nên hầu hết người bản xứ đi vắng; thành phố sau 8 giờ tối hầu như không còn hoạt động gì nhiều. Tôi bỏ luôn ý định đi bộ tiếp ra khu Colosseo để về ngủ sớm.
[5] Một trong những nhà thờ cổ nhất và thiêng liêng nhất ở Rome cũng như trên thế giới, được coi là một thành tích của Thiên Chúa Giáo La Mã.
Sau 10 giờ đêm, những con đường hẹp và cổ kính quanh nhà ga trung tâm đã vắng người. Ít đèn đường. Mèo hoang không biết từ đâu ra rất nhiều, kêu thảm thiết. Trên vỉa hè, mấy người đàn ông Ấn Độ đang mệt nhọc thu dọn những món đồ lưu niệm và túi da Ý rởm mà họ bày bán. Tôi muốn vào Internet để có cảm giác kết nối với thế giới quen thuộc của mình nhưng khi người chủ cửa hàng Internet yêu cầu tôi phải xuất trình hộ chiếu mới được dùng mạng thì trong không khí nghi ngờ cả thành Rome, tôi từ chối và đi thẳng về khách sạn. Đất thánh ư? Rome lúc này không có gì giống đất thánh. Điều vui nhất trong ngày hôm nay với tôi là gặp được chị Mai, nói chính xác là sơ Anna Thanh Mai. Chị là người quen của gia đình chồng tôi. Tôi quý chị ngay lập tức.
Cái mà tôi chú ý nhất trong ngày hôm nay là những phòng xưng tội bằng gỗ đặt dọc hai bên sảnh chính của nhà thờ Santa Maria Maggiore. Có gần hai mươi phòng và người xưng tội có thể xưng tội bằng nhiều thứ tiếng – Ý, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Có một phòng mà cha nghe xưng tôi là người Việt Nam: cha Joseph Trần. Lúc tôi ở trong nhà thờ, có một phòng xưng tội sáng đèn; rồi một người đàn ông chừng năm mươi tuổi đến quỳ ở bục, chắp tay, cúi đầu, lầm rầm xưng tội chừng mười phút. Trông ông ta rất thành kính và đau khổ.
Ý nghĩ cuối cùng của tôi trước khi chìm vào giấc ngủ là: không biết tội lỗi được xưng nhiều nhất ở Rome là tội gì? Và tội lỗi mà con người thường xuyên mắc phải nhất là tội gì?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.