Một mình ở châu Âu
Chương 04
Berlin, ngày…
Oma trong tiếng Đức có nghĩa là “bà”. Oma Marta là người quen của gia đình chồng tôi; hồi Sơn còn làm việc ở Đức, anh đã sống với oma Marta một thời gian.
Bây giờ là 8 giờ 57 phút sáng. Phòng khách của oma Marta lúc này không một tiếng động và được thắp sáng bởi một ngọn đèn bàn nhỏ. Tuy thế, ngoài vườn có nắng; có thể nhìn xuyên qua rèm cửa sổ để thấy những cây phong đầy lá và hàng rào dài bằng những bụi gai. Không nghe thấy gì nhưng tôi mường tượng được tiếng xào xạc của lá phong trong gió. Hôm nay là đầu tháng Chín, tức là bắt đầu mùa thu rồi. Tôi nhớ đến Omaha và những sáng mùa thu khi tôi mới đến Mỹ; đã tám năm. Trời cũng nắng nhạt như thế này, nhiều gió như thế này; ngày nào tôi cũng dậy sớm, đi xuyên qua công viên đầy những cây phong xào xạc trong gió khô, luôn luôn trong tình trạng lâng lâng vì cái quang cảnh như trong truyện cổ tích: những thảm cỏ xanh tỉa gọn ghẽ, những luống hoa cúc đủ màu trồng theo mùa, những con quạ đen chí chóe và lũ sóc với thỏ chạy đầy trong công viên.
Oma Marta đã dậy từ sớm và lúc này đang làm gì đó trong vườn. Gần 7 giờ sáng, khi tôi dậy đi toilet đã thấy oma dậy rồi. Nghe tiếng tôi, bà từ ngoài vườn đi vào hỏi tôi có uống cà phê không. Bà nói tiếng Đức, tôi không hiểu một từ tiếng Đức nào nhưng bà chỉ vào lọ cà phê cho tôi. Tôi cảm ơn bà và nói rằng tôi muốn ngủ thêm – bằng cách đặt hai bàn tay xuống dưới đầu và nghiêng đầu nhắm mắt. Oma Marta hiểu ra. Bà đi vào trong phòng khách kéo rèm cửa xuống cho tôi vì từ lúc 7 giờ sáng, rèm cửa tự động được kéo lên. Sau đó, bà ra ngoài, đóng cửa phòng lại và bây giờ chắc đang làm gì đó trong vườn hoặc ngồi sưởi nắng trên xích đu trước hiên nhà với con chó Andrew. Vài phút nữa tôi sẽ ra xem oma đang làm gì và chúng tôi sẽ uống trà. Nhưng bây giờ thì chưa. Bây giờ, tôi nằm trên sofa viết những dòng này bởi vì it feels so damn good. Tôi muốn cố gắng sống trong giây phút này càng lâu càng tốt.
Một ý nghĩ vừa khiến tôi ngồi hẳn dậy để viết. Cái ý nghĩ đó là thế này: giao tiếp không lời. Oma Marta không biết tiếng Anh và tôi không biết tiếng Đức; tất cả những gì chúng tôi có chỉ là rất nhiều cử chỉ và những nụ cười. Đôi khi, tôi phá ra cười vì tình trạng kì cục của hai chúng tôi: Oma đã ngoài tám mươi nên thường xuyên quên rằng tôi không nói tiếng Đức, vậy là oma cứ nói một tràng dài gì đó, khuôn mặt rất hào hứng chờ tôi trả lời, còn tôi thì hoàn toàn không hiểu; vậy là tôi phải nói lại gì đó bằng tiếng Anh để có thể đoán… và khi những nỗ lực phỏng đoán của chúng tôi đều thất bại thì tôi phá ra cười.
Ý nghĩ thứ hai khiến tôi ngồi dậy viết những dòng này cũng liên quan đến giao tiếp và ngôn ngữ. Cho đến nay, sau gần mười ngày ở châu Âu, có lẽ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong chuyến đi này lại là những khoảng lặng yên. Tôi chắc sẽ cần phải xem lại ảnh và tra cứu sách mới nhớ ra các dữ kiện về các công trình kiến trúc ở Rome, ở Berlin, ở Copenhagen, nhưng tôi chẳng cần bất cứ phương tiện trung gian nào để nhớ lại lúc tôi nằm trên bờ bồn nước lớn ở khu trung tâm Đông Berlin cũ, nhìn trời và thỉnh thoảng liếc trộm một đôi tình nhân đang hôn nhau say sưa. Lúc ấy, tôi thấy hạnh phúc cho họ và hạnh phúc cho cả thế giới nữa. Cứ như thể cả vũ trụ đang mỉm cười (giống tôi) khi thấy đôi tình nhân trẻ hôn nhau. Hay như lúc tôi ngắm mặt trời lặn trên biển Baltic từ trong khoang tàu Scandlines từ Copenhagen trở lại Đức. Và như lúc này… trong phòng khách của oma Marta, nhìn ra khu vườn đầy lá của bà, nghe nhạc một chút trước khi trở dậy ra sân bay đi Paris.
Tối hôm đó, khi tôi từ Rostock lên, đã muộn rồi nhưng oma vẫn làm salad cho tôi ăn tối. Bà làm rất nhanh; chỉ có hành tây và đỗ đũa xanh đóng hộp trộn với dầu ăn, một chút muối, một chút hạt tiêu và gia vị gì đó – nhưng rất ngon. Sau khi ăn xong, bà chỉ lên đồng hồ và xòe ngón tay đếm bằng tiếng Đức, rồi nói “taxi” và “Schonefeld”. Ý bà nhắc tôi là 11 giờ sáng mai, taxi sẽ đến đưa tôi ra sân bay Schonefeld đi Paris. Paris! Phải rồi, 8 giờ tối nay tôi sẽ có mặt ở Paris rồi. Bây giờ tôi sẽ ra ngoài xem oma đang làm gì.
10:45 sáng: Vừa ăn sáng với oma. Tôi không muốn ăn sáng và tôi nhắc đi nhắc lại “No, no”, đồng thời lắc đầu để oma hiểu… nhưng bà lấy hết thứ này đến thứ khác khỏi tủ lạnh và liên tục nói tiếng Đức với tôi với một vẻ mặt vô cùng hớn hở vì sẽ được cho tôi ăn. Bà bày ra ba loại salami khác nhau, thịt lợn xông khói, mứt quả, rồi bơ, bánh mỳ, nước quả… Khi tôi nhận ra rằng đồng ý ăn sáng còn dễ hơn là giải thích với oma rằng tôi không muốn ăn, và việc tôi ăn sáng sẽ làm oma vui lòng hơn nhiều lần sự lười biếng của tôi. Tôi cười, nói “yes, yes, yes” với tất cả những thứ oma đưa cho tôi xem. Rốt cuộc, trên khay ăn sáng của tôi có đủ ba loại Salami, thịt nguội, mứt, bơ, hai lát bánh mỳ nướng và sữa. Tôi mang khay ra ngoài phòng sưởi nắng ngồi ăn. Còn oma, sau khi thuyết phục được tôi ăn sáng thì vô cùng mãn nguyện đi ra ngoài vườn; bà không quên khép cửa lại. Mấy phút sau, tôi nghe có tiếng động khe khẽ. Hóa ra oma đang cắt cỏ.
Bà di chuyển chậm chạp; cổ tay buộc một dải băng, hình như cổ tay bà bị sưng. Tôi đi lại gần, nói với oma để tôi cắt giùm bà – bằng cách chỉ vào tôi, rồi chỉ vào máy cắt cỏ và ra hiệu đẩy đẩy. Nhưng oma cười, lắc đầu, chỉ xuống cỏ, rồi xuống chân và ống quần, rồi đẩy tôi vào trong nhà. Ý oma nói cỏ ướt, tôi sẽ bị bẩn quần và chân, bà có thể hiểu được và tôi nên lo ăn sáng đi. Tôi biết là không thể thuyết phục được một người Đức, nhất là một người đã sống qua Thế chiến và Chiến tranh Lạnh, đã làm chủ một cửa hàng và sống một mình nhiều năm như oma, nên tôi quay vào bàn ăn.
Trên bàn có một tờ báo dày có chữ Berlin, tôi đoán chắc là thời báo Berlin… trang đầu tiên có một tấm ảnh vệ tinh chụp cơn bão Gustav. Tôi cố gắng thử đọc xem có hiểu gì không nhưng chỉ nhận ra vài từ như “Kubas” và “New Orleans” còn lại thì chịu. Vừa lúc đó, oma mở cửa đi vào, tay cầm mấy bông hoa cúc trắng nhỏ xíu. Bà lấy một bình hoa bằng xứ trắng cũng nhỏ xíu, bỏ mấy bông hoa vào rồi đặt lên bàn ăn cho tôi. Vừa bất ngờ vừa cảm động, và vẫn còn đủ minh mẫn để nhớ rằng mình không biết tiếng Đức, tôi làm hành động rất kỳ quặc: tôi đứng lên vỗ tay và cười toe toét như một đứa bé. Giờ viết lại và tưởng tượng bản thân lúc đó, tôi cũng buồn cười.
Oma Marta mỉm cười, nói một câu gì đó có mấy từ nghe giống như “good good [13]” trong tiếng Anh, đồng thời chỉ ra vườn. Tôi đoán bà nói rằng hoa này bà ngắt trong vườn; tôi bất giác nói “beautiful, pretty [14]”… rồi khi nhận ra oma không hiểu, tôi đặt tay lên tim. Hành động này thì oma hiểu; bà cười rạng rỡ.
[13] Tốt, tốt.
[14] Đẹp quá.
Oma Marta đã ngồi xuống ghế, với tay bật radio rồi bắt đầu nói chuyện với tôi – bà lại quên là tôi không nói được tiếng Đức rồi. Nhưng hình như ngay cả sau khi nhớ ra tôi không nói tiếng Đức thì oma cũng không phiền lòng – bà chỉ cần một người để nghe chứ không cần một người để hiểu. Bà chỉ ra cửa sổ rồi đưa tay lên xuống nhiều lần. Tôi tưởng oma nhắc đến cái rèm cửa sổ hôm trước bị gãy rơi xuống, nhưng rồi bà với tờ báo trên bàn và chỉ cho tôi một bức ảnh nhỏ bên dưới. Đấy là ảnh một đám mây có mưa và chữ Berlin với con số 23 độ C bên cạnh. Tôi nói “vâng, mưa”. Rồi bà giở sang trang sau, nói “Paris” và chỉ vào một bức ảnh khác. Ngày hôm nay Paris sẽ nắng, nhiệt độ khoảng 21 độ. Tôi nói “vâng, vâng….Paris good… Paris có nắng.” Oma mỉm cười, nói “Paris good good.”
Trên radio lúc đó, một giọng ca nam đang hát một bài tiếng Đức. Oma bắt đầu lẩm nhẩm theo và nói tên của ca sĩ. Tôi không bắt được tên đầu tiên, nhưng họ thì nghe giống như “Bjork”. Oma giải thích rằng đây là “oma musik”, nhạc của thế hệ bà, rằng bà không nghe được cái “tekno musik” bây giờ, nó làm bà váng đầu (chỉ vào đầu), đau cả tai (chỉ vào tai) và toàn “chat xình chát chát bùm”. Tôi cười, nói với oma rằng đến tôi cũng còn đau đầu khi nghe “tekno music”.
Thế rồi đột nhiên giọng Elvis Presley vang lên trên radio. Tôi không nhận ra bài hát nhưng lập tức nhận ra giọng Elvis. Tôi nói “Elvis Presley”. Trời ơi, mặt oma sáng lên và bà đặt một tay lên tim, nói “Elvis Presley”. Trong lúc tôi đang nghĩ ra cách để nói rằng Elvis rất nổi tiếng ở Mỹ thì oma đã đứng dậy và bắt đầu nói rất nhanh, hai má hồng lên, mắt lấp loáng, miệng mỉm cười. Bà nói và làm bộ cho tôi hiểu rằng Elvis Presley rất nổi tiếng ở Đức vì từng đến đây đóng quân thời chiến tranh và thế hệ của oma đã lớn lên trong “Elvis music” và thần tượng Elvis.
Và rồi, trong lúc liên tục nói tiếng Đức, oma bất thần hất đầu vừa lắc hông, xoay đầu gối và khua tay giống hệt như các động tác lắc hông nổi tiếng một thời của Elvis. Trời ơi, tôi không thể nhịn được cười. Tôi cười đến nỗi trượt khỏi ghế, loạng choạng ngã xuống sàn nhà. Thật không thể tưởng tượng được: oma Marta bắt chước Elvis Presley! Và bà nhảy đẹp! My oma, she got the moves! Lúc còn trẻ, oma hẳn là một cô gái rất năng động và đẹp lắm. Ngay lúc này, bất chấp làn da mồi và cổ tay bị sưng, trông bà giống như một cô gái trẻ đang swing theo nhạc Elvis, vừa cười vừa nói tiếng Đức với tôi.
Ăn sáng xong, tôi mang khay vào trong bếp, bỏ các đồ ăn còn lại vào tủ lạnh. Khi tôi đi ra, oma đang đứng trong phòng với hai cuốn sách rất dày. Bà đưa cho tôi và ra hiệu rằng bà muốn tặng tôi. Đó là hai cuốn Illiad và Odyssey – bìa cứng, bằng tiếng Đức và Hy Lạp cổ. Bà biết tôi viết truyện và tối hôm qua đã khoe với tôi tủ sách nhỏ của bà trên gác xép – trên đó có Cuốn Theo Chiều Gió và một ít thơ. Bà bảo hồi Sơn sống với bà ở Berlin, anh ở trên cái gác xép này và thường đọc sách đến khuya.
“Cậu ấy rất hiền”, oma nói với tôi. “Lúc nào cũng đọc sách và rất ít nói. Giờ cậu ấy còn hay đọc sách không?”
Tôi nói có, Sơn vẫn hay đọc sách khuya. Buổi tối chúng tôi hay nằm đọc sách cạnh nhau, và nói những chuyện vớ vẩn như:
“Anh ơi, Lao Tsu là Lão tử, Sun Tzu làTôn tử, còn Lieh Tzu là gì nhỉ?”
(Nghĩ một lúc) “Không biết, chắc là Lợn tử.”
Bao giờ tôi cũng bật cười vì những câu như thế; Sơn luôn nghĩ ra những điều kỳ dị và bang bổ nhất để nói về bất cứ ai, không chừa bất cứ một ai. Có lần tôi cười, bảo Sơn, “Sống với anh cứ như là sống dưới một loa phóng thanh mà 24/24 toàn nghe thấy tin xấu”. Sơn thì bảo tôi ngây thơ, nhìn cuộc đời toàn màu hồng. Hai chúng tôi thực sự là hai thái cực. Nhưng tôi có thể tưởng tượng Sơn nằm trên cái gác xép này đọc sách hồi anh mới hai mấy tuổi – và “rất hiền”.
Cái gì có thể xảy ra khiến cho những con người hai mươi trở thành những con người ngoài ba mươi nhìn cuộc đời và con người như thể không còn bất cứ cái gì thiêng liêng, không còn bất cứ cái gì đáng tin, mọi thứ đều có thể báng bổ và “nhổ toẹt vào”? Bernard Shaw nói “Nếu anh không theo chủ nghĩa cộng sản ở tuổi hai mươi, anh không có tim. Nếu anh không theo chủ nghĩa tư bản ở tuổi ba mươi, anh không có óc”. Hay những xung đột giữa tôi với Sơn đơn giản chỉ là như thế? Chúng tôi lấy nhau khi tôi đang giữa tuổi hai mươi còn anh đã sang đến ngưỡng ba mươi? Và bây giờ, khi tôi bắt đầu sang tuổi ba mươi, Sơn đã ở chỗ nào đó tôi không bắt kịp còn anh thì không thể nhớ lại và thông cảm?
Tôi rất muốn nhận sách của oma nhưng tôi còn phải đi nhiều trong ba tuần tới, mà hai cuốn sách to và nặng. Vậy là tôi buộc phải nói với oma “danke schoen” nhưng tôi không thể mang chúng theo lần này, có thể khi nào quay lại Berlin tôi sẽ lấy. Tôi nói bằng cách ra hiệu tôi đang kéo va li và thở nặng nhọc, rồi xoa hai vai tôi và cúi xuống như thể bị hai cuốn sách kéo. Oma hiểu ý; trông bà thật buồn… Oma bảo tôi cất hai cuốn sách lên trên gác xép cho bà.
Khi tôi từ trên gác xép xuống, taxi đã đợi bên ngoài. Ở cổng, tôi hôn vào hai má của oma rồi lên xe. Xe đã chạy đến cuối đường mà oma vẫn còn đứng ở cổng nhìn theo. Tạm biệt oma Marta. Tôi không biết có còn gặp lại bà hay không. Năm nay bà đã hơn tám mươi và tôi thì không bao giờ muốn trở lại Đức. Danke schone, oma [15]! Chúc oma mọi điều tốt lành, dù bà ở đâu, trong cuộc sống này hay cuộc sống khác, dưới mặt đất hay trên thiên đường.
[15] Cảm ơn (tiếng Đức).
Paris, ngày thứ nhất…
Bây giờ là nửa đêm và tôi đang viết từ trong phòng ăn của khách sạn. Tôi đang ở Paris. Phải rồi, tôi đang ở Paris. Tôi vẫn không thể tin được. Cuối cùng tôi cũng đã đến Paris.
Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!
Chiều nay, máy bay xuống sân bay Orly lúc 6 giờ rưỡi. Từ trên cao nhìn xuống, lúc đầu, chỉ thấy những tòa nhà cao của khu hành chính ở ngoại ô Paris, tôi đã nghĩ đến New York, Boston hay Chicago và hơi thất vọng. Nhưng rồi máy bay đột nhiên đảo cánh và khi máy bay lấy lại thăng bằng thì, voilà, sông Seine đột nhiên hiện ra bên dưới cánh máy bay. Màu xanh thủy tinh non của mặt nước và cái cách mà dòng nước uốn khúc lững lờ quanh các khu nhà mái xám và những bóng cây dẻ… nghe thì sáo mòn nhưng quả đúng là một giấc mơ.
Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!
Xuống sân bay, tôi lấy hành lí, rồi ra quầy “Information” để lấy bản đồ và hỏi cách đi tàu điện ngầm về khách sạn ở quận Bốn. Hướng dẫn tôi là một thanh niên Pháp còn trẻ, tóc hạt dẻ hơi xoăn, khuôn mặt thanh tú, nói tiếng anh với cách phát âm Pháp.
“Ồ, grất dễ, grất dễ thôi mà”, anh ta mỉm cười kết luận.
Còn tôi thì thầm kết luận rằng anh ta “grất xinh, grất xinh”. Ước gì anh ta cứ nói nhiều nữa vào để tôi được nghe cái cách phát âm Pháp đó nhưng anh ta đã lại mỉm cười, kết thúc cuộc nói chuyện bằng một câu quen thuộc:
“Bienvenue à Paris!” [16]
[16] Chào mừng tới Paris.
That’s right, bébé! Tôi đã ở Paris.
Theo chỉ dẫn, tôi bắt tàu Orlyval chạy từ sân bay tới ga Antony thì chuyển sang tàu RER B đi tới trạm Châtelex, lại chuyển sang tàu đỏ chạy tới ga Gare de Lyon, rồi chuyển sang tàu vàng chạy tới trạm Thánh Paul thì xuống [17].
[17] Sau này tôi mới nhận ra là tôi đã đi lòng vòng rất không cần thiết.
Kéo va li lên khỏi bến Thánh Paul, tôi thấy mình đứng trên vỉa hè phố Rue de Rivoli lúc này tràn ngập ánh hoàng hôn cuối hè. Con phố không lớn nhưng vỉa hè rất rộng, lát đá xám cổ. Hai bên phố là những căn nhà quét vôi vàng nhạt, cửa chính và cửa sổ cao với những cửa sổ gác mái van vát. Ánh nắng cuối ngày thắp sáng những cửa hàng bánh mỳ, tiệm cà phê, nhà hàng san sát dọc phố, sáng choang, thơm nức và dòng người đi bộ như một dòng sông không ngừng, trong tình trạng chuếnh choáng, tôi mất hết phương hướng, không biết mình nên rẽ phải hay rẽ trái để đi về khách sạn. Nhìn quanh, tôi thấy một ông già đang đứng dựa vào một chiếc ghế dài đặt dọc vỉa hè. Nhìn ông già, tôi lập tức nhớ tới một cụm từ mà Victor Hugo dùng trong cuốn Những Người Khốn Khổ “một vị tư sản già sống bằng lợi tức thường niên” – tức là một quần kaki, sơ mi trắng bên trong, áo vest thô bên ngoài, đội một chiếc mũ bê-rê của những người già Paris, và chống một cây ba toong màu vàng. Vì trông ông có vẻ không phải làm gì ngoài thưởng thức buổi chiều tối mùa hè Paris, tôi tiến tới lễ phép nói:
“Bonsoir monsieur [18]…”
[18] Chào ông.
Tôi mới nói đến đây thì “vị tư sản già sống bằng lợi tức thường niên” đã lập tức nhăn mặt và quả quyết xua tay:
“Non! Non!”
Phải. Tất cả các sách du lịch đều đã cảnh báo tôi rằng người Paris, nhất là người già, không ưa gì khách du lịch, nhất là khách Mỹ [19]; nhưng mà tôi rõ ràng không phải da trắng, cũng không mặc quần soóc, áo phông, đi giày thể thao, bụng không có mỡ chảy xệ, và tôi cũng không có “chỉ trỏ cười nói thô bỉ” như nhiều du khách Mỹ. Tôi sốc đến nỗi thành thật là tôi đã rơm rớm nước mắt, đồng thời muốn thụi cho vị tư sản già một quả vào bụng. Sao mà tôi lại ngu xuẩn và ngây thơ đến mức tin rằng tôi có thể đến Paris một mình và đinh ninh rằng thành phố này có một chỗ dành cho tôi. Có lẽ Paris mà tôi mơ tưởng, Paris của Hugo đã chết từ lâu rồi. Nghĩ thế, tôi lùi ra một quãng và cố thở đều để lấy lại tinh thần rồi giở bản đồ với quyết tâm sẽ tự tìm lấy đường về khách sạn thay vì trông chờ vào lòng tốt của dân Paris hoa hòe hoa sói.
[19] Cũng không thể trách họ vì mỗi năm, Paris đón tới hơn 40 triệu khách du lịch, khiến cho thành phố trở nên quá chật chội bởi khách du lịch.
Chắc trông tôi loay hoay với cái bản đồ rất tội nghiệp và hẳn đã thấy tôi rơm rớm nước mắt nên Bụt lập tức hiện ra – dĩ nhiên là dưới vỏ bọc một quý bà Paris ngoài sáu mươi tuổi, vô cùng thanh lịch. Đây hẳn là người phụ nữ đẹp lão nhất mà tôi từng gặp: nước da bà trắng mịn, khuôn mặt thanh tú, tóc bạch kim, vấn cao, bà mặc bộ Chanel cổ điển màu sữa, tay đeo một cái túi da màu đen, quấn khăn hoa nhỏ quanh cổ và mang nước hoa rất nhẹ. Bà đã đi ngang qua tôi, rồi được vài bước bà quay lại, nói bằng tiếng Anh:
“Mademoiselle, cô tìm gì?”
Rút kinh nghiệm từ vị tư sản già, tôi lập tức “merci beaucoup” trước và trình bày rằng thưa madam, cháu cần phải về khách sạn trên phố Rue des Barres. Nói thật là lúc đó tôi nghĩ đến khách sạn thì ít mà ngỡ ngàng vì lần đầu đối diện với “vẻ đẹp phụ nữ Paris” thì nhiều. Trong lúc tôi ngỡ ngàng vì bà (tôi xin gọi là Grand Dame cho dễ) thì bà cũng ngỡ ngàng không biết Rue des Barres nằm ở đâu. Tôi lại “merci beaucoup” và chờ Grand Dame trả lại tờ giấy đặt khách sạn cho tôi nhưng, Chúa phù hộ bà, bà đã bước lại phía vị tư sản già lúc nãy để trao đổi gì đó bằng tiếng Pháp. Nhìn bộ dạng thì rõ ràng vị tư sản già cũng không biết phố Rue dei Barres ở đâu và cũng không niềm nở gì với Grand Dame của tôi. Không nản lòng, Grand Dame lại đi hẳn vào trong tiệm bánh ngọt gần đó để hỏi (Trời phật phù hộ cho bà và các con cháu chín đời của bà!) Hai phút sau, bà quay lại với khuôn mặt thất vọng.
“Sorry mademoiselle,” bà nói, “không ai biết phố Rue des Barres ở đâu cả.”
Thật may là lúc ở sân bay, tôi đã tìm ra phố này trên bản đồ, tôi chỉ không biết nó nằm bên trái hay bên phải chỗ tôi đứng. Vậy là tôi chỉ nó cho Grand Dame trên bản đồ.
“Voilà!” bà mỉm cười rạng rỡ. “Thế thì tôi biết rồi.”
Bà bảo tôi đi về phía bên trái, cứ dọc theo Rue de Rivoli cho tới khi gặp Rue Louis Phillipe thì rẽ trái.
Cuối cùng thì tôi cũng tìm tới Rue des Barres. Trời ơi, thật không thể tin; con phố chỉ dài chừng 100 mét, nằm giữa Rue Miron và một đại lộ dài chạy phía bên kia. Phải, người ta đã nói Paris là thành phố đi bộ; và tôi đã thuộc cả những trang mô tả các ngõ nhỏ Paris lúc Giăng Van Giăng đưa Cô-dét chạy trốn Gia-ve, nhưng mà những đường phố của Paris thực sự có thể nhỏ và đẹp đến mức này thì không ngờ.
Ở sân bay Schonefeld, chuẩn bị đi Pari, tôi đã tra và tìm ra phố Rue des Barres trên bản đồ.
Sau khi check in, tôi đi một cái thang máy bé tí xíu lên phòng của tôi ở tầng ba. Tầng nhà ở đây đánh số từ 0 nên thực chất là tôi ở độ cao của tầng bốn. Căn phòng tôi ở là phòng cho bốn người; chỉ chừng hai mươi mét vuông với hai giường tầng, một bồn rửa và nhà tắm nhỏ… và lúc đó chưa có ai. Tôi bỏ va li vào trong hốc tường, lựa một cái giường tầng trên rồi mở cửa sổ ra và phải cố gắng lắm mới không hét lên…
Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!
Ngay ngoài cửa sổ, cách khoảng ba mét, là tháp chuông một nhà thơ Gothic cổ kính; tưởng như chỉ cần với tay ra là chạm được vào những cái đầu thú. Thắng từ cửa sổ phòng xuống mặt đất là một khoảng sân rộng lát gạch cổ theo vòng tròn, ở đó các bàn cà phê lúc này chật người ngồi ăn tối. Tôi có thể nghe rõ tiếng trò chuyện giọng Pháp, tiếng thìa dĩa chạm vào nhau và tiếng lanh canh của các ly rượu. Nhìn ra xa, các nóc nhà Paris thấp đều nhau, kiến trúc Pháp đặc trưng, mái xám, những cửa sổ cao, tường sơn vàng nhạt, tầng gác mái hơi vát… và xa hơn nữa là một cái tháp nhọn quen thuộc, cộng với một mái vòm tròn khả nghi. Có lẽ nào tôi đang nhìn thấy tháp nhọn phía sau của nhà thờ Đức Bà và mái vòm của đền Pantheon? Không thể như thế được… nhưng mà rõ ràng…
Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!
Tôi cuống cuồng tắm gội, thay quần áo để ra ngoài ăn tối vì sợ rằng các nhà hàng sẽ đóng cửa sau 10 giờ như ở Mỹ. Ra khỏi khách sạn 9 giờ 45 phút tối, tôi rẽ trái đi về phía có tháp nhọn khả nghi, cũng là phía có mấy nhà hàng mà tôi nhìn thấy từ trên cửa số. Đi mấy bước chân đã tới con đường dài chạy dọc một bờ tường và phía bên kia là một cái cầu bê tông hơi vòng lên. Nhưng mà cầu bắc qua cái gì? Sông Seine? Không đời nào?
Không cưỡng được tò mò, và quên cả nhiệm vụ đi tìm bữa tối, tôi băng qua đường để tiến tới gần. Vừa qua khỏi đường, tôi vội đưa mắt nhìn xuống phía dưới.
Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!
Đúng là sông Seine!
La Seine!
Thật không thể tin mình đang ở Paris, đang đứng đây mà nhìn xuống sông Seine. Paris đang vào đêm sâu. Mặt nước trong bóng tối lấp lánh ánh đèn vàng của những căn nhà hai bên sông và những đèn ánh sáng chạy dọc con đường đi bộ sát mép nước. Trong cái tĩnh lặng của buổi đêm, có cảm giác sông Seine đang chảy cho một mình tôi, để chào mừng tôi. Những hàng dương liễu dưới sông thì thầm rằng chúng đã luôn chờ tôi tới.
Tôi đừng đó không biết bao lâu mà tim vẫn đập thình thịch và không ngừng lẩm bẩm “Xin chào, xin chào, tôi đây, tôi đây!”
Thật không thể tin được.
Nhưng sau cùng, những thói quen sống cũng tóm được tôi và chúng bảo tôi phải nhanh chân tìm chỗ ăn tối trước khi các nhà hàng đóng cửa và tôi phải đi ngủ đói. Vậy là tôi băng ngược trở lại bên kia, đi theo con đường dọc sông. Chỉ cách vài bước chân, tòa nhà Hôtel de Ville [20] sừng sững hiện ra. Trước quảng trường nhỏ của Hôtel de Ville, tôi nhìn sang bên trái và lại thấy một cái tháp khả nghi mà tôi đã thấy ở cửa sổ. Tôi rất muốn tới xem có phải Nhà thờ Đức Bà không; nhưng rồi tự nhủ rằng tối hôm nay tôi đã thấy quá nhiều. Vậy là tôi rẽ vào một quán Nhật, gọi bữa tối đầu tiên ở Paris gồm có sáu miếng sushi cá hồi và nấm xào thịt nướng với pho mát. Sau đó, tôi đi bộ trở lại khách sạn.
[20] Tòa Thị chính Paris.
Đã gần nửa đêm nhưng các nhà hàng dọc đường về và cả hai cái nhà hàng ở khoảng sân cạnh khách sạn vẫn đông người ngồi ăn như thể buổi tối chỉ mới bắt đầu và Paris sẽ không bao giờ đi ngủ. Trong phòng khách sạn, người bạn cùng phòng đầu tiên của tôi đã tới: một cô gái trọc đầu đang nằm ngủ sấp mặt trên giường tầng phía đối diện tôi: chăn đắp ngang lưng, chỉ để hở hai cánh tay và phần gáy có rất nhiều hình xăm. Tôi rửa mặt, đánh răng, thay quần áo, rồi xuống nhà. Lobby dưới tầng một tối đèn, chỉ có một người lễ tân da đen đang ngủ ngồi trên ghế bành sau quầy (và ngáy rất to). Mặc dù tôi đi rất khẽ, anh ta vẫn tỉnh dậy “bon soir”. Tôi không nhịn được mà hỏi cái tháp chuông… cái tháp chuông phía bên kia sông Senie…, anh ta nói “Oui, the Notre Dame [21]”, rồi cười toe toét khi thấy tôi nhảy cẫng lên.
[21] Đúng rồi, Nhà thờ Đức Bà.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.