Một mình ở châu Âu

Chương 13



Venice, ngày…

Trước khi tới châu Âu, tôi mất một thời gian đắn đo xem mình có nên đi đâu nữa hay chỉ ở Paris mà thôi. Tôi nói chuyện với Quang Anh, người đã sống ở châu Âu một thời gian. Cuộc nói chuyện qua Yahoo Messenger của chúng tôi như thế này:

Tôi: “Quang Anh, chị có nên đi Venice không?”

QA: “Tất nhiên. Chị phải đi Venice. Venice giống như là một giấc mơ. Hôm đầu tiên đến đấy, em thề là suốt cả ngày em há hốc mồm vì quá ấn tượng.”

Tôi: “Được rồi. Chị sẽ đi Venice.”

QA: “Thật đấy, cả một thành phố nổi trên nước, it’s craaaaazy[58].”

[58] Thật là điên rồ.

Tôi: “Rồi rồi, chị sẽ đi Venice.”

QA: “Nhưng mà Venice không so sánh được với Florence. Florence đẹp phát khóc. Em thề!”

Tôi:

Nhưng đấy là cách mà tôi đã quyết định đi Venice, và vì thế, tôi đến Venice mà không có một chút ý niệm về việc mình sẽ đi đâu, xem gì ở thành phố này. Sáng nay, buổi sáng đầu tiên ở Venice, tôi tỉnh dậy lúc 7 giờ sau một giấc ngủ mệt nhọc và ý nghĩ đầu tiên của tôi là “ Ước gì mình đang ở Paris”.

Và đấy cũng là ý nghĩ của tôi vào lúc này, 10 rưỡi sáng, khi tôi ngồi ở quán cà phê Florian trên quảng trường Thánh Marco, trung tâm Venice. Trước mặt tôi là Basilica San Marco [59] với tuổi đời hơn 1000 năm, ngạo nghễ vươn những mái vòm tròn khổng lồ kiểu Ả-rập của nó lên trời, hàng trăm khách du lịch hớn hở đi lại trên quảng trường, hàng ngàn con bồ câu dạn dĩ kiếm ăn trên tay khách, và cả mặt biển lớn xanh biếc bên ngoài với những chiếc gondola mũi cong bập bềnh trên mặt nước…

… tất cả đẹp như trong mơ…

[59] Basilica San Marco: Nhà thờ/Vương cung thánh đường Thánh Marco là nhà thờ chính của Cộng hòa Venice và sau này là Venice. Nhà thờ được xấy dựng từ năm 829 để lưu giữ hài cốt Thánh Marco (còn gọi là Thánh Mark), vị thánh bảo trợ của Venice. Kiến trúc chính của nhà thờ là kiến trúc Byzantine, và được thiết kế theo hình chữ thập trong tiếng Hy Lạp.

Những chiếc gondola xếp dọc mép nước ở quảng trường San Marco của Venice vào một ngày nắng đẹp.

… tất cả sáng láng, rạng rỡ, tràn trề, vương giả, thánh thần…

… vậy mà tôi chỉ nghĩ đến một việc: lẽ ra lúc này tôi có thể đang băng qua cầu Bourbon và được nhìn Paris vào một ngày mới với sông Seine mang một màu nước mới. Và tim tôi lại thở dài: “Ước gì mình đang ở Paris.”

Đây không phải là lỗi của Venice, dĩ nhiên càng không phải lỗi của Quang Anh. Không ai có lỗi. Từ chỗ này nhìn ra, tất cả du khách trừ tôi đều đang hớn hở tận hưởng Venice – họ đùa với những con bồ câu, chụp ảnh với nhau, tấp nập mua đồ lưu niệm, và xếp hàng dài vào thăm Basilica. Tôi có lẽ là người duy nhất ở Venice mà lại rầu rĩ mong mình đang ở một nơi khác. Lỗi là ở trái tim của tôi. Nó đã phải lòng Paris, và không một thành phố nào khác còn có chỗ nữa. Venice có thể là một kỳ quan có một không hai trên thế giới, có thể là một trong một trăm địa điểm mà ai cũng nên đến một lần trước đi chết (theo lời các sách du lịch), Venice có thể là giấc mơ của tất cả mọi người… thì trái tim tôi cũng vẫn thờ ơ. Biết làm sao được.

Tất nhiên cũng có một phần lý do là tôi rất mệt từ đêm qua. Tôi đã xuống sân bay của Venice lúc chiều tối và khi về tới khách sạn thì đã quá 7 giờ, đói, mệt, và tiếp tục váng vất sốt. Trong tình trạng đầm đìa mồ hôi lạnh, phải vất vả lắm tôi mới lôi được cái vali nhỏ qua những đường phố lát đá ngoắt ngoéo và những cây cầu để về đến khách sạn. Sau khi ăn một bữa thịt bò bít tết trong một nhà hàng đắt tiền nhưng thức ăn rất tệ thì tôi phải đi ăn thêm một bữa mỳ Ý ở một quán ngoài đường nữa để đảm bảo tôi không lăn ra ốm vì thiếu dinh dưỡng. Ăn xong, có vẻ như cơn váng vất sốt của tôi thuyên giảm nhưng mũi tôi vẫn tiếp tục sụt sịt và cái không khí ẩm lạnh của Venice làm cho sự thể không đỡ đi chút nào.

Các loại salad và thức ăn nhẹ trong một cửa hàng ở Venice – trông rất đẹp nhưng ăn thì không ngon tí nào.

Tóm lại, sáng nay tôi mệt và nhớ Paris. Còn bây giờ Venice bắt đầu vần vũ mây để chuẩn bị mưa. Những đám mây xà thấp xuống mặt nước. Gió nổi to, chạy từng cơn dài từ phía ngoài biển vào đất liền, dồn vào những con sóng táp ầm ầm vào kè đá của quảng trường trong lúc sấm ì ùng và chớp rạch những lằn sáng đầy hăm dọa. Tuy thế đám đông trên quảng trường vẫn tiếp tục huyên náo cho bồ câu ăn và mua bán mặt nạ Venice cùng đồ trang sức thủy tinh. Tôi cần nhanh chóng tìm lấy một chỗ trú chân vì tôi không muốn bị ướt và ốm thêm. Từ sáng tới giờ, cuộc tìm kiếm một chỗ cho Venice trong lòng tôi đã trở thành cuộc truy tìm một bịch khăn giấy vì mũi tôi bắt đầu chảy nước ròng như dòng Kênh Lớn của Venice. Tôi đi khắp các cửa hàng để tìm mua nhưng họ chỉ chào mời tôi mặt nạ và đồ lưu niệm. Tôi thực sự đã trang bị rất tệ cho Venice, thậm chí đến một cái bản đồ tử tế cũng không có. Tôi tới được chỗ này cũng là nhờ đi theo Kate, người bạn cùng phòng khách sạn của tôi – một nhà báo tự do ba mươi tám tuổi, sinh ra ở Anh, hiện đang làm việc ở Pháp và đã đến Venice từ hai đêm trước để viết bài về một triển lãm kiến trúc.

Đêm qua, chúng tôi làm quen nhau ở khách sạn và sau khi tôi nói rằng tôi vừa rời Paris còn Kate đang sống ở Paris, thì hai chúng tôi lập tức trở nên thân nhau ngay. Kate nói:

“Cưng ơi, dĩ nhiên là được chứ, em hoàn toàn có thể chuyển đến Paris sống và làm việc nếu em thật sự muốn. Chị chuyển đến đấy cách đây ba năm. Lúc đó, chị không hiểu một từ tiếng Pháp nào mà cũng chẳng có việc làm. Nhưng rồi cũng xoay xở được. Rồi em sẽ có bạn và mọi việc sẽ đâu vào đó, em sẽ lại có một cuộc sống mới ở Paris cho mà xem.”

Sáng nay, Kate đi phỏng vấn một số lãnh đạo thành phố và kiến trúc sư; chị bảo tôi có thể đi cùng nếu muốn, chị sẽ giới thiệu Venice cho tôi vì đã đến đây nhiều lần (nói chung, nếu viết báo về mảng kiến trúc và nhà cửa thì sẽ phải đến Venice nhiều). Nhưng tôi cảm ơn chị và nói tôi muốn khám phá một mình. Càng không có ý niệm gì về một thành phố mới thì tôi lại càng cần phải tự khám phá lấy đường đi – cái tạng của tôi là vậy.

Bây giờ thì trời đang mưa sầm sập. Tất cả khách du lịch đã chạy vào trú ở những hành lang lớn quanh quảng trường. Những đôi tình nhân co ro trong những chiếc áo mưa, cười thích thú – có rất nhiều cặp vợ chồng già. Dường như những người đến Venice đa phần là người già và có đôi. Tôi có lẽ là người duy nhất đi du lịch ở đây.

Than ôi, giá mà tôi đang ở Paris.

Trời tiếp tục mưa như trút suốt hai tiếng sau đó. Cứ như thể ai đó đã bê nguyên thác Niagara đến đây. Chưa đầy nửa tiếng, cả quảng trường đã biến thành một hồ bơi còn đảo Murano phía bên kia Lagoon [60] hoàn toàn biến mất sau màn mưa mờ mịt. Các hàng hiên chật ních khách du lịch, ai cũng chỉ có đủ chỗ cho hai bàn chân chứ hầu như không di chuyển được. Mùi nước hoa đủ loại, mùi mưa, mùi thuốc lá, mùi thức ăn và mùi người quánh lại trong không khí ẩm ướt, nhão nhoẹt, cộng với cảm giác ngột ngạt vì bị tắc lại trong đám đông, vừa ướt vừa lạnh, lại mũi dãi ròng ròng khiến cho tôi bắt đầu lao đao như sắp ngất đến nơi. Trời thì trông như sẽ không bao giờ ngừng mưa và chẳng mấy chốc tất cả Venice sẽ chìm xuống biển mang theo tôi.

[60] Lagoon là vịnh nước nằm trong đất liền, ngăn với biển bằng những đảo nhỏ hoặc bằng các bãi san hô (thuật ngữ gọi là “phá”, phá Venice). Phá Venice trải dài từ sông Sile ở phía Bắc đến Brenta ở phía Nam, với một diện tích bề mặt khoảng 550 km2. Nó gồm có khoảng 8% đất đai, trên đó là Venice và nhiều hòn đảo nhỏ. Khoảng 11% bao phủ bởi mặt nước mở thường xuyên, hoặc kênh đào, trong khi 80% bao gồm các bãi bùn, các vùng nước nông và các đầm lầy nước mặn. Phá này là vùng đất ngập nước lớn nhất trong Địa Trung Hải.

“Vậy đấy,” tôi nghĩ, “vậy là hết một ngày ở Venice. Mình không thích Venice và Venice không thích mình.” Thế rồi, thêm vào đó, cái lạnh làm cho tôi bắt đâu, xin lỗi… buồn tè; vậy là tôi phải bắt đầu một cuộc lặn lội đi tìm nhà vệ sinh trong quảng trường nghẹt người nhưng dường như không hề có nhà vệ sinh này.

Mưa trên quảng trường San Marco của Venice

Sau khoảng mười lăm phút lặn lội, xô đẩy và hỏi han, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà vệ sinh ở góc quảng trường. Vào một buồng, tôi đóng cửa lại, hạ nắp đậy bồn cầu xuống và ngồi lì ở trên đó, không phải để đi tiểu mà đơn giản vì nó sáng sủa, khô ráo và ấm áp hơn bên ngoài. Tôi mở cả sách hướng dẫn và bản đồ Venice miễn phí tôi mới lấy được để bắt đầu định hướng. May mà bên ngoài cũng không có nhiều người chờ; và nếu như nhà vệ sinh vắng nữa thì tôi có lẽ sẽ ngồi ở đó cả tiếng chờ hết mưa.

Khi tôi ra khỏi nhà vệ sinh, trời vẫn mưa như trút. Cũng chẳng có việc gì làm ngoài việc chờ mưa ngớt nên tôi lần ra ngoài cái cột xa vắng nhất, đứng tựa vào một cái cột và nhìn lơ đãng ra ngoài biển.

Thế rồi trong lúc tôi đang lơ đãng như thế thì Venice bất thần tóm được tôi, y như một cái mạng nhện trong suốt đột nhiên hiện ra tóm dính con muỗi vô tư lự bay ngang. Tôi đã rơi vào trạng thái bị thôi miên bởi một biển chuyển động của Venice, tựa một bệnh nhân bị thôi miên bởi cái đồng hồ quả lắc của nhà ảo thuật vô hình.

Đấy là chuyển động nhịp nhàng của dây thuyền gondola đậu song song ở mép nước; của những cơn sóng ào ạt chạy từ biển, táp bọt trắng xóa vào bờ, của những hàng nước mưa theo gió tạt dọc tạt ngang trong không trung như một nghệ sĩ trượt băng đang lướt tự do theo một điệu valse. Những chiếc gondola này đều được sơn xanh da trời thẫm; mỗi lần một cơn sóng táp vào bờ, những chiếc thuyền lại nhào lên đè sóng, rồi rút ra theo nước; cả loạt mũi thuyền cong vút nhấp nhô đều tăm tắp, cứ như thể đấy là một hàng diễn viên vũ ba lê mặc váy xanh da trời đang múa. Điều tuyệt vời nhất là, vì mưa cho nên tất cả các xe bán dạo đồ lưu niệm đã biến mất khỏi quảng trường; cả khách du lịch và người chèo thuyền cũng đã biến vào các hàng hiên. Từ chỗ tôi nhìn ra, cả quảng trường bây giờ đã trôi hết những phấn son du lịch. Chỉ còn một khoảng trống mệnh mông, như một sân khấu lớn, ở đó, những diễn viên ba lê và trượt băng đang tự do bay lượn giữa tiếng vĩ cầm của gió, của sóng, trong lúc mưa đổ như vãi kim cương từ trên cao.

Từ chỗ này nhìn ra, Venice là một giấc mơ màu xám nhẹ. Một cơn mộng ngọt ngào chàng màng vương vấn. Như lúc này tôi đang từ từ chìm vào.

Vậy là tôi ngồi đó không biết bao lâu, cứ mơ màng trôi lướt trong giấc mộng màu xám nhẹ có mưa và mặt nước xanh và những chiếc thuyền và những bóng người trôi ra trôi vào. Mỗi lúc mưa xám hơi ngớt đi, một hàng người dài lại lập tức hình thành như một phép màu ngay phía dưới basilica – những cái bóng nhạt nhòa dưới những cái ô tròn xanh, đỏ. Dãy người chậm chạp nhích lên như những con bướm rừng Amazon cứ rập rờn tụ thành đám trên một tảng đá kho cạnh suối; và rồi mỗi lần mưa ào xuống to hơn, những con bướm lại tản ra, bay chấp chới vào hàng hiên, vừa bay vừa hò hét và giẫm nước mưa bắn tung tóe dưới bước chân. Có người ngã xuống vũng nước và thế là một tràng cười lại râm ran các hành lang quảng trường.

Ngồi một lúc, tôi bắt đầu tò mò về những cửa hàng xung quanh quảng trường. Từ sáng đến giờ, người ra người vào cửa hàng tấp nập, ai nấy đều rất hớn hở. Tôi đã liếc từ trước và khi thấy chúng có vẻ là các cửa hàng trang sức thì tôi đã lập tức mất hứng. Nhưng hóa ra tôi đã sai làm sao!

Những món đồ trang sức ở đây đều là đồ địa phương, được làm ngay tại Venice, Murano, Florence, Bologna… của Ý, bởi những người thợ thủ công Ý vô danh và chúng đẹp một cách điên rồ; đẹp hơn cả đồ trong các cửa hàng lớn mà tôi thấy ở Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, hay Rome. Kiểu dáng, thiết kế, và các họa tiết trang trí… tất cả đều tinh xảo khủng khiếp. Mà lại rất rẻ, chỉ 10 đến 35 đô la. Tôi cứ đứng ngắm mãi một cái mặt dây chuyền bằng thủy tinh nhỏ – nó rất đơn giản, chỉ là một hình xoáy màu xanh da trời nhẹ, ở giữa có những vân nhỏ màu trắng, vàng, và xám chạy dài. Tôi không biết gì về công nghệ thổi thủy tinh nhưng tôi cứ tưởng tượng từ trong miệng một chiếc bình bằng vàng ròng, một dòng thủy tinh màu xanh da trời rất mảnh đã chảy ra, và người thợ thủ công vô danh nào đó đã rất lơ đãng lấy tay ngắt một đoạn thủy tinh khỏi cái dòng đó, và miết nhẹ hai ngón tay khiến cho cái dòng thủy tinh đó xoắn nhẹ. Những vân tay và cả linh hồn của chính người thợ này vẫn còn lưu lại trên mặt thủy tinh; còn những vệt xám, trắng, vàng nhỏ đó là những dải không khí hay vụn vàng vô tình bị kẹt lại bên trong dòng thủy tinh. Cái đường lượn kết thúc rất nhẹ ở phía dưới – không sắc nhọn, không thô tù, không đứt gãy – làm tôi có cảm giác nếu tôi nhìn thấy cô gái nào đeo miếng thủy tinh này trước ngực, thì cái điểm nhọn cuối cùng tiếp xúc với da ngực người con gái ấy sẽ là điểm hội tụ tất cả tinh thần của cô gái; nếu đấy là một cô gái có tâm hồn đẹp thì người ta có thể thấy cả miếng thủy tinh này sáng xanh lên, với những vụn vàng lấp lánh.

Sau khi đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để ngắm đồ, tôi quyết định đã đến lúc phải khám phá Venice bất kể trời mưa. Vả lại, cũng phải biết đường về khách sạn nữa! Vậy là tôi lấy Grand Canal (Kênh Lớn) làm định hướng và cứ men theo đó mà đi. Qua vài phố, tôi bắt đầu nhận ra quy luật xây dựng ở Venice; vậy là tôi yên tâm mình chắc chắn có thể trở về khách sạn đến những nơi muốn đến; tôi đi chậm lại, vượt qua những cái cầu nhỏ nối các nhà, các phố, rồi vòng đi vòng lại, tạt chỗ nọ chỗ kia. Càng đi, tôi càng chìm dần vào giấc mơ Venice.

Có thể tưởng tượng Venice bằng cách nghĩ đến phố cổ Hà Nội, đoạn Hàng Ngang – Hàng Đào, Hàng Bạc – Mã Mây… tức là một mê cung những ngóc ngách đủ cho hai, ba người đi vừa; bây giờ, hãy nhấc tất cả khu phố cổ đó mà đặt ra ngoài biển, và thay thế các con đường bằng những kênh nước; và xây thêm các cầu bê tông hình cung nhỏ để nối nhà này với nhà kia; phố này với phố kia. Bước ra cửa nhà, để đi bất cứ đâu, người ta chỉ có hai lựa chọn: một là lên cầu đi bộ, hai là xuống thuyền. Tất cả mọi hoạt động đều ở trên mặt nước – bằng thuyền, taxi nước, hoặc lội, khắp thành phố không bóng dáng ô tô, xe đạp, xe máy, không có bất cứ phương tiện vận chuyển đường bộ nào.

Có lẽ vì thế mà ở Venice cái gì cũng đắt, đắt hơn nhiều so với Paris. Chi phí vận chuyển thực phẩm, hàng hóa để nuôi sống thành phố này quá cao – chưa kể tiền đổ vào để liên tục phục chế, gia cố nhằm đảm bảo thành phố này còn nổi được trên mặt nước. Nhưng cũng vì người ta đã giữ được thành phố này qua hàng ngàn năm cho nên người Venice trở thành bậc thầy về sự chính xác và hài hòa. Những quần áo bày bán trong các cửa hàng ở đây thanh lịch, trang nhã vô cùng. Ngay cả những đôi ủng cao su mà các cô gái Venice đi trong mưa trông cũng như ủng thời trang. Tuy thế, tôi chỉ thực sự bị chinh phục bởi một miếng bánh nhỏ mà tôi mua trong một cửa hàng ăn ọp ẹp trên đường. Tôi đã đói và lại không tin tưởng các nhà hàng hào nhoáng sau bữa tối hôm qua nên đã tạt vào một cửa hàng bình dân bán đồ ăn hàng ngày để mua một hộp salad cá thu. Khi đã trả tiền xong, tôi nhìn thấy cái bánh trông như cái bánh chanh (lemon cake) ở Mỹ nhưng không đề tên… màu vàng chanh tự nhiên của nó và cách những hạt lạc được rắc ở trên quá đẹp nên tôi bảo người bán hàng gói cho tôi một miếng.

Ở cửa hàng ăn ra, tôi bỏ ô, để đầu trần, tạt hết chỗ nọ đến chỗ kia để ngắm nghía sự hoàn hảo điên rồ trong mọi chi tiết của Venice. Từ những cửa sắt uốn công phu, những cầu ngắn bắc qua các kênh nước với độ cong và chiều dài được tính cẩn thận, những cửa sổ đan xen nhau trên các mặt tường, những tay nắm cửa bằng đồng, màu đỏ của ngói lợp trên các mái nhà, màu nâu của đá lát đường dưới chân, sự phân bổ các khoảng không gian trống với các ngôi nhà… Venice là một mê cung nhưng không gây cảm giác ngột ngạt; một mê cung mà không thể được tả bằng từ nào khác ngoài “exquisite [61]”. Cũng đúng thôi: thành phố này được xây trên nước từ khoảng thế kỷ IX đến thế kỷ VIII. Những người xây thành phố này chắc chắn phải có một ý thức tuyệt hảo về sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người; họ cũng phải có các kỹ năng tuyệt với để giữ thành phố này không chỉ nổi trên mặt nước suốt hàng ngàn năm qua mà còn là trung tâm hội hè, nghệ thuật của châu Âu trong thế kỷ XVIII.

[61] Tinh xảo, tuyệt vời, hoàn mỹ.

Dưới mái hiên một căn nhà đóng kín cửa cạnh nhà thờ thánh Maurizio, tôi đứng lại ăn miếng bánh màu vàng mua lúc nãy. Nó có vị hơi giống bánh nướng, và cái nhân vàng bên trong là trứng; nhưng miếng bánh lại không khô, không sệt, không bở, và cũng không ngọt khé như bánh nướng. Tôi vốn không thích đồ ngọt, vậy mà tôi ăn hết cả miếng bánh to bằng bàn tay và nghĩ đến việc quay lại mua thêm một miếng nữa cho bữa tối. Sau đó, tôi mở hộp ăn món salad cá thu… Trời ơi, nó ngon khủng khiếp, những lá spinach xanh sạch sẽ, không dấu vết giập nát, những quả cà chua nho đỏ mọng, và một lớp dầu ô liu mòng được tráng lên trên, và những miếng cá thu… Thêm vào bữa ăn tuyệt vời ấy, cái dĩa nhựa mà người chủ quán bỏ vào trong túi đồ ăn cho tôi là một cái dĩa nhựa màu vàng chanh, có một cán rất dài và mảnh; cái cán ấy được gọt vát một đường rất nhẹ ở đầu – chỉ một chi tiết ấy thôi nhưng nó khiến cái dĩa không còn là một thứ người ta dùng với mục đích chính là xiên thức ăn cho vào bụng rồi sẽ vứt đi. Rõ ràng, kể cả khi người Ý làm cái dĩa chỉ để dùng một lần, họ cũng không thể dừng được cái việc là làm nó thật đẹp, thật hoàn hảo. Dù chỉ để cầm nó trong giây lát, cầm nó trong giây lát, thì với người Ý, cái giây lát ấy phải được tối ưu hóa bằng cái đẹp. Chao ôi là một thứ đạo đức cao cả, lấy sự duy mỹ làm chuẩn mực.

Tôi đứng dưới cái cửa đó ăn bữa trưa lâng lâng như trên thiên đường mặc dù những hạt mưa nhỏ từ trên cao cứ táp chéo vào người. Trong lúc đó, từ nhà thờ thánh Maurizio đối diện, tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi vọng qua vòm nhà thờ, choán lấy khoảng trống lát gạch nhỏ phía trước nhà thờ và căn nhà bỏ không mà tôi đang đứng. Theo như tấm biển thông báo bên ngoài thì nhà thờ đang triển lãm bộ sưu tập violon cổ và họ chơi nhạc Vivaldi suốt ngày.

Dùng nhà thờ làm bảo tàng nghệ thuật, ở Venice, cái đẹp và sự thần thánh không hề tách rời.

Tôi vừa trở về nhà trọ, ướt và lạnh. Hai ống quần bết nước, giày sũng nước, tay thì cóng lại vì phải giữ ô trong gió mạnh. Tôi nên đi thay quần áo, nhưng nhà tắm đang có người nên tôi sẽ ngồi viết trước khi những thứ này trôi khỏi đầu óc.

Tôi đã đi bộ về nhà trong tình trạng mù dở bởi vì để tránh gió thốc, tôi lấy ô chắn trước mặt như một cái khiên. Nhưng cũng vì thế mà tầm nhìn của tôi bị hạn chế xuống khoảng nửa mét dưới đất. Tôi cứ nghĩ hầu hết mọi người đều cao hơn tôi và họ sẽ nhìn thấy tôi để mà tránh ra. Vậy là tôi cứ đi như thế về nhà… và trên đường quan sát không biết bao nhiêu chân và giày. Có lần, tôi nhìn thấy bốn mũi giày trước mặt tôi; họ dừng lại và tôi cũng dừng lại, rồi chẳng ai nhúc nhích. Tôi bỏ ô ra nhìn xem ai đang chắn đường. Hóa ra là một cặp vợ chồng già nhỏ bé; họ cũng đang làm chính xác điều tôi làm – tức là cầm ô như cầm khiên chắn gió nên cũng chẳng nhìn thấy gì cả. Hai bên nhìn nhau cười rồi đi.

Phòng khách nhà trọ lúc này có khoảng mười người ngồi tản mát tán chuyện phiếm, tay ai cũng cầm một ly rượu. Bên ngoài trời vẫn mưa và đang nhá nhem tối; bên trong, ai đó mở nhạc Beatles, U2 và đủ các loại nhac cũ. Trên bàn đã có sáu vỏ chai – chả thế mà ai cũng có vẻ tươi tắn và hồng hào; chỉ có tôi vẫn đang tái mét và tơi tả vì ướt. Khi tôi vào, họ hỏi tôi có uống rượu không nhưng tôi chỉ cám ơn và không uống.

Căn phòng này rất cổ và thực tế là cả cái nhà trọ này vốn là một căn nhà cổ được biến thành nhà trọ. Căn nhà được xây từ thế kỷ XII. Trần nhà rất cao, có một cái đèn chùm khổng lồ ở chính giữa và được treo bằng những sợi xích sắt to bằng cổ tay; rất nhiều cửa sổ bằng gỗ hướng ra ngoài đường và một con kênh. Có vẻ người chủ căn nhà này đã giao cho một người cháu biến căn nhà thành nhà trọ và người cháu – một anh chàng ngoài ba mươi có một mớ tóc xoăn khổng lồ – chẳng sửa sang gì, thậm chí cũng không buồn dọn dẹp nên trong nhà vẫn còn những đồ vật khá kỳ cục; ví dụ như ở góc phòng khách là một cái máy khâu hiệu Compania Singer cũ bằng sắt, với bàn đạp chân và trục tay tôi từng thấy ở Việt Nam hồi những năm 1980. Tất cả bàn ghế, tủ, đàn piano trong phòng khách đều vàng vọt, cũ kỹ, cổ giả… và được vứt lung tung.

Bên ngoài vẫn chưa tối hẳn. Trong phòng, ánh nhá nhem cuối ngày lẫn với ánh sáng vàng vọt của hai ngọn đèn bàn và mấy ngọn nến, cộng với mùi mưa và mùi căn nhà cũ. Hai thanh niên mặc vest đen vừa mới bước vào phòng khách cùng với hai chiếc ô đen – tôi đoán là họ chuẩn bị đi dự buổi hòa nhạc Vivaldi mà tôi thấy quảng cáo đầy trên phố. Hai cô gái ngồi trên ghế chăm chú đọc sách trong khi một thanh niên khác tựa người bên cửa sổ ngắm mưa và người ngoài phố. Những người còn lại thì ngả ngốn tán gẫu bên những chai rượu rỗng, còn tôi thì ngồi viết những dòng này bằng bút bi trên một chiếc bàn nhỏ. Nếu Monet hay Renoir bước vào căn phòng này, họ hẳn có thể vẽ lại quang cảnh căn phòng và đặt tên cho nó “Hoàng hôn Venice” hoặc đơn giản là “Venice”.

Lười biếng, mơ màng, hoàng hôn là những từ thích hợp để mô tả tinh thần của Venice.

Trời vẫn mưa nhưng chỉ còn lất phất rả rích. Tôi mừng là mình đã đến Venice mà không hề có một chút kế hoạch hay ý niệm gì về thành phố; chỉ cứ lang thang từ chỗ này sang chỗ khác bởi vì đấy là một cách tốt nhất để có thể tận hưởng cái đẹp của Venice theo đúng tốc độ lười biếng và mơ ngủ của thành phố thay vì kiểu “mình phải đi đến chỗ này, mình phải đi đến chỗ kia”.

Bữa tối chung trong nhà trọ khá ngon mặc dù đơn giản: chỉ là pasta với thịt bò và nấm. Kate và tôi ngồi trên sô pha cạnh nhau vì cả hai chúng tôi đều vào muộn và cái bàn to giữa phòng đã chật kín người. Hai chúng tôi đã nói chuyện từ lúc Kate trở lại; câu chuyện chẳng mấy chốc quay về hôn nhân. Kate đã từng kết hôn một lần. Chị kể cho tôi nghe cuộc đời như tiểu thuyết của chị. Nhưng trước khi kể về Kate, tôi cần phải ghi lại: ba cô sinh viên người Úc vừa mới được bổ sung vào phòng tôi. Tuy thế, cả ba đều là gốc châu Á. Cả ba là bạn của nhau từ bé, vào đại học cùng nhau, vừa mới tốt nghiệp cùng nhau và đã đi du lịch bụi xuyên châu Âu cùng nhau trong suốt gần ba tháng qua. Cả ba sẽ ở Venice vài ngày, rồi sẽ đi Paris trước khi trở về nhà để bắt đầu cuộc sống người lớn, làm việc kiếm tiền. Đi du lịch bụi xuyên châu Âu dường như là một nghi lễ trưởng thành của thanh niên các nước phương Tây. Mùa hè ngay sau khi tốt nghiệp đại học thường là mùa hè để họ lang thang một mình hoặc với bạn bè, để nghĩ, để sắp xếp lại cuộc sống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.