Một mình ở châu Âu
Chương 15
11:05 tối: Viết trên giường.
Tôi vừa trở về nhà từ buổi hòa nhạc và vẫn còn đang cao hứng vì âm nhạc và cái bánh nutella-coco crepe mà tôi mua trên đường về. Thực tình, dàn nhạc bình thường và các nghệ sĩ cũng bình thường, nhưng nghe hòa nhạc sống trong một căn phòng nhỏ vẫn mang lại ấn tượng sâu sắc; nhất là lại nghe opera bằng tiếng Ý, hát bởi người Ý. Giờ thì tôi hiểu tại sao tiếng Ý là ngôn ngữ của opera. Với tất cả những chữ “ô” và “r” tràn ngập trong ngôn ngữ này thì dĩ nhiên là cổ họng và lưỡi của người Ý sẽ được luyện tự nhiên để có những nghệ sĩ opera số một thế giới. Và tiếng Ý lại là ngôn ngữ có xuất xứ từ thơ Dante.
Scuola Grande Di San Teodoro là nhà hát lớn nhất của Venice và tối nay, trừ tôi với vài đứa bé đi cùng ông bà, toàn bô khán phòng đều ít nhất 45 tuổi. Từ lúc xếp hàng vào nhà hát, tôi nhận ra đến một nửa những người đang xếp hàng cùng tôi phải chống gậy – mặc dù là những cái gậy gỗ rất đẹp. Có hai ông bà già có lẽ là vợ chồng đi cùng nhau, ông phải đẩy bà già ngồi trên xe lăn, với một bình ôxy đặt ở chỗ để chân và một đường thông hơi dẫn từ cái bình lên mũi bà. Cả hai ăn mặc rất lịch sự – ông mặc tuxedo đen, bà mặc váy dạ hội đen và đội mũ cắm lông chim màu đỏ và cái lông chim cứ rung rung vì đầu bà liên tục lắc lư nhẹ như người bị bệnh Parkinson. Cuộc đời trớ trêu vậy đó: tuổi trẻ không có tiền để làm những thứ họ muốn, ví dụ đi nghe nhạc; còn tuổi già có tiền thì không có sức mà đi nghe nữa.
Phòng biểu diễn buổi tối nay là một căn phòng đơn giản. Không có ghế bọc nhung hay các box cho dân thượng lưu; chỉ có một khán đài nhỏ cho các nghệ sĩ; còn lại khán giả ngồi trên những cái ghế rời thông thường. Tuy thế, tất cả các bức tranh trên tường và trên trần nhà đều rất đẹp. Trông chúng như tác phẩm của Leonardo da Vinci.
Chiều tối nay, trên đường đi bộ từ quảng trường San Marco về lại nhà trọ, tôi càng nhận ra Venice thật nhỏ, nếu ở đây một tuần, chắc chắn một người bình thường có thể thông thuộc mọi ngõ ngách của thành phố này. Ít nhất người ta cũng không bao giờ có thể lạc ở Venice vì chỉ cần lấy Kênh Lớn để định hướng là tìm được đường về. Trên đường về, tôi đi chậm để la cà chỗ này chỗ kia và càng thêm ngưỡng mộ cảm quan nghệ thuật của người Ý. Ngay cả cừa hàng McDonald duy nhất ở Venice cũng trở nên có phong cách. Bằng chứng là thay vì cái logo chữ M vàng chóe khổng lồ như vẫn thấy ở Mỹ, cửa hàng McDonald duy nhất ở Venice này có một cái logo “McDonald” màu bạc rất trang nhã ở bên ngoài, còn toàn bộ cửa hàng là một kiến trúc đá cẩm thạch đen đứng lẫn trong những tòa nhà cổ của Venice. Chính quyền Venice và người dân Venice hẳn đã dứt khoát yêu cầu McDonald bỏ lai sự sấn sổ của đường lối marketing Mỹ ở bên ngoài.
Buổi hòa nhạc bắt đầu lúc 8 giờ. Tất cả các nghệ sĩ đều mặc trang phục dạ hội điển hình của Venice vào thế kỷ XVIII. Nhưng tôi sẽ không mô tả gì thêm về buổi hòa nhạc. Tôi sẽ ngừng viết ở đây và có lẽ nên ngừng viết luôn cho chuyến đi này. Venice bắt đầu làm tôi thấy rằng thay vì ghi nhớ thì lãng quên có lẽ cũng là một lựa chọn quan trọng không kém của đời người.
Trong phòng tôi lúc này có hai người đang ngủ vùi mặc dù đèn vẫn sáng và cái cửa chết tiệt thì vẫn cứ liên tục mở ra đóng vào xình xịch. Tôi chính thức ghét một đám người ở cùng nhà trọ này; phải, “ghét” – từ mà tôi hầu như không bao giờ dùng. Họ có quá nhiều thứ hổ lốn để tán nhảm với nhau không mệt mỏi, từ giờ này sang giờ khác mà không bao giờ dừng lại nghĩ xem những gì họ nói có ý nghĩa gì không. Họ giống như những con thú đồ chơi đã được lên dây cót và cứ thế nói, nói, nói, không sao dừng lại được. Những cái máy nói không còn khả năng tự kiểm soát. Toàn những chuyện dây cà dây muống, anh A chị B, ông tôi bà tôi, bố tôi cụ tôi, liên tu bất tận. Thật kinh khủng. Nếu bắt họ không được nói một ngày, có lẽ những người này sẽ nổ tung mà chết.
Nhưng tôi chỉ còn ở đây tối nay thôi. Tôi sẽ không bao giờ quay lại cái nhà trọ này nữa. Giờ thì cố gắng mà ngủ vậy. Tôi muốn sẽ dậy sớm ngày mai để xem mặt trời lên trên dòng Kênh Lớn; rồi tôi sẽ tới quảng trường San Marco một lần nữa xem có gì ấn tượng hơn không trước khi đi Florence.
Tôi mới chụp hai cái ảnh có tôi ở Venice. Không hiểu sao tôi không có hứng thú ghi lại ảnh bản thân ở đây. Mà các ghi chép của tôi đang ngày càng trở nên buồn tẻ; sự mệt mỏi của chuyến đi bắt đầu ảnh hưởng đến tôi.
Đêm nay, tôi thấy thêm một Venice vào đêm sâu, như một người già không sao ngủ được vì tất cả các khớp xương đều đau nhức. Cả thành phố rền rĩ, cọt kẹt – những cái trụ cầu và những móng nhà đang âm thầm mục ruỗng, những cửa sổ toang hoác như những cái miệng đang kêu cứu, và những còn đường sũng nước, dù ban ngày hào nhoáng làm sao.
Phải rồi, lãng quên cũng là một đức hạnh. Để cho một thức không còn sức sống được chìm xuống, được chết đi cũng là một đức độ. Không thể có sự tái sinh nếu trước đó không có cái chết.
Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay.
Tôi đã đi ngủ lúc 11 giờ đêm trong lúc phòng vẫn sáng đèn. Sau đó, có lẽ là sau nửa đêm, tôi tỉnh dậy vì cái nhóm người gồm cả cô nàng Úc hôm trước lại uống rượu say và bắt đầu huyên náo đến mức không thể chịu được. Họ đã uống từ chập tối trong phòng khách, và giờ thì ồn ào bàn nhau là sẽ đi ra ngoài để đến quán bar hay sàn nhảy nào đó. Nghĩa là trong vòng 30 phút, tất cả ra ra vào vào nhà tắm liên tục, và sập cửa rầm rầm, nói cười huyên náo. Con lợn người Úc chắc chắn đã say xỉn nên nói cười không kiểm soát nổi nữa. Cô ta ra ra vào vào mặc váy mặc áo ầm ĩ, rồi đứng trong hành lang, cửa để mở, cứ thế huyên thuyên những chuyện đá cá lăn dưa với lũ con trai. Tôi biết cả phòng tôi đều đã bị đánh thức và đều điên tiết. Tôi thực ra không tức lắm vì sau khi nhận ra tạng của cô nàng người Úc này là tạng nhố nhăng không thể tự kiểm soát thì tôi không sao còn có thể tức cô ta được. Chẳng ai lại đi nói lý với lợn – các cụ đã dạy. Thế nhưng sau khi một cô bé trong nhóm mấy cô bé sinh viên – cô bé tóc ngắn đeo kính rất dễ thương – thở dài sườn sượt và vật vã trên giường thì tôi thấy mình gào lên:
“Fuck youuuuuuu!”
Tôi không nhận ra là mình gào to đến mức nào và tôi đã chuẩn bị nói “Câm mẹ nó mồm mày lại” hoặc “Sao mày không nói to lên nữa cho cả Venice nghe thấy những thứ bullshit mà mày đang lảm nhảm,” nhưng ngay sau khi tôi gào lên “Fuck you” và ngừng lại để lấy hơi, và nhận ra sự yên lặng tức thì bao trùm căn nhà, thì tôi cũng ngừng lại. Tôi chờ xem cô ả người Úc nói gì; chỉ cần cô ta mở mồm ra thì tôi chắc chắn sẽ nhảy khỏi giường lao vào cô ta, bất chấp sau đó sẽ thế nào.
Nhưng cô nàng người Úc chỉ lập tức kêu lên “Ôi ôi, tôi xin lỗi, tôi rất xin lỗi…” rồi rón rén khép cửa lại và cả đám thì thầm gì đó rồi líu ríu kéo nhau ra ngoài đường, đúng như bản chất đớn hèn của cái tụi thùng rỗng kêu to.
Trong phòng tôi lúc đó, mọi người đều sốc và nằm im thin thít. Cô bé sinh viên tóc ngắn nhổm đầu lên khỏi giường nhìn tôi rồi lại nằm xuống. Kể cả mấy cậu ở phòng bên cạnh cũng im thít. Căn nhà rơi vào im lặng. Im lặng đến mức tôi cảm thấy sự tĩnh lặng đến chết chóc của Venice về đêm đang cô đặc lại như bánh đúc. Im lặng tới mức bây giờ thật khó mà ngủ trở lại. Trong phòng, dường như tất cả đều bị sự im lặng mới mẻ này đánh úp và đều phải cố gắng làm quen với nó. Tôi muốn dậy đi tiểu nhưng lại không muốn phá vỡ sự im lặng nên tôi tự nhủ “Rồi, mình sẽ không đi tiểu; ngủ đi.”
Bằng cách nào đó, tôi ngủ trở lại được.
Nhưng không được lâu, khoảng ba mươi hay bốn lăm phút sau, khi chúng tôi đã thiu thiu ngủ, cô bạn người Úc và nhóm bạn của cô ta trở lại; chắc là vì nhận ra rằng sau 10 giờ đêm, Venice hoàn toàn đóng cửa nên chúng chẳng có chỗ nào mà đi. Mà cũng có lẽ, đi được một lúc là bọn hèn nhát ấy bị sự yên tĩnh ma quái của Venice làm cho sợ hãi hoặc sự huyên náo của chúng bị người khác đánh đuổi. Vậy là bọn chúng trở lại nhưng không vào nhà mà đứng ở khoảng sân trước; cạnh cái cầu nối kênh nước nhỏ, nói cười huyên náo theo cách của những kẻ say không còn tự chủ được mình đang ở đâu, với ai, và đang nói gì.
Căn nhà này không có điều hòa nên cửa sổ lúc nào cũng mở ra đường, và vì thế tất cả những bô lô ba la của bầy lợn đều lọt vào trong phòng và ngay lập tức đánh thức chúng tôi dậy. Giường tôi ở cuối phòng nên tôi không bị ảnh hưởng nhiều bởi tiếng ồn… nhưng cái ý nghĩ rằng những kẻ du lịch ngu ngốc kia đang phá hỏng cả một đêm và phá hỏng Venice khiến tôi một lần nữa lại nổi điên. Tôi cố nghĩ xem có cách gì bạo lực hơn với bọn chúng. Có lẽ tôi đi lấy một xô nước hắt vào bọn chúng qua cửa sổ; nhưng lấy đâu ra xô bây giờ? Có lẽ tôi sẽ dùng thùng rác làm xô. Hoặc là tôi sẽ ném cái bánh mỳ kẹp còn thừa từ trưa vào bọn chúng.
Vậy là tôi ngồi dậy trên giường, quờ quạng tìm cái bánh mỳ kẹp. Nhưng trước khi tôi kịp xuống giường, cô bé sinh viên tóc ngắn đã nhảy bổ từ giường ở tầng một ra cửa sổ và gào lên:
“Trời ơi, bọn điên, các người có biết là có người đang cố ngủ không hả?”
Tôi nghe cô nàng người Úc phàn nàn gì đó với đồng bọn; nhưng rồi chúng cũng im tiếng. Chắc chắn là bọn chúng cũng đã bị xua đuổi lúc trước nên mới quay lại. Tôi không biết bọn chúng đi đâu tiếp nhưng không nghe thấy tiếng chúng nữa. Tôi nằm xuống trở lại và lập tức thiếp đi vì quá mệt…
Ahhhhhhhhhhhhhhhh!
Venice, ngày…
8:15 sáng: Tôi đang ở quảng trường Thánh Marco, lần thứ ba. Vào lúc này, trên cả quảng trường thênh thang, chỉ có ba người khách du lich Hàn Quốc cũng dậy sớm giống tôi để xem Venice thức dậy cùng mặt trời. Có mấy ông bà già có lẽ không ngủ được nên dậy sớm ngồi trầm mặc như những pho tượng đá trên một chiếc ghế đá gần nhà thờ và hai cô gái da trắng còn trẻ đang ngồi vẽ bên giá vẽ ở mép nước. Ngoài ra, tất cả những người đang đi lại quanh tôi đều là người Venice đi làm và cũng chỉ có vài người. Không có các đám đông huyên náo quanh những con bồ câu, mà ngay cả lũ bồ câu lúc này cũng đan nép vào nhau, ngủ đúng trên một chân và trông còn thảm thương hơn ngày hôm qua vì lông của chúng đang bị gió tốc lên.
Lúc này, các cửa hàng quanh quảng trường còn chưa mở. Năm phút trước, tôi chụp ảnh chiếc xe bán dạo đầu tiên xuất hiện – một người đàn ông còng lưng lôi cái xe chất đầy đồ phủ vải bạt tới chỗ mà ông ta chọn. Ông ấy đã quan sát kỹ trước khi chọn cái chỗ đó – ông ấy có vẻ lo lắng khi thấy đống hàng rào gỗ và tấm ván lắp sàn biểu diễn di động mà người ta mới chất ở một góc quảng trường. Hình như tối nay hoặc tối mai có concert ngoài trời.
Mặt trời đã lên từ trước 7 giờ. Hôm nay là một ngày nắng đẹp; da trời xanh ngắt và mặt nước Lagoon cũng phản chiếu màu xanh đó. Lúc này, quảng trường yên tĩnh đến nỗi tôi nghe rõ nước vỗ ì oạp vào mép bê tông của quảng trường và những chiếc gondola cứ dập dềnh lên xuống trên mặt nước, tất cả đều được phủ vải bạt xanh thẫm, xếp thành một hàng dài duyên dáng dọc mép nước. Có thể nghe cả những tiếng gù khẽ của lũ bồ câu và tiếng xuồng ca nô với xe buýt nước chạy xa xa ngoài Lagoon hoặc dọc theo Kênh Lớn – để chở người đi làm, chở hàng hóa, vật liệu phục vụ Venice. Nếu muốn nhìn Venice vận hành thì đây chính là lúc thích hợp, chỉ một tiếng nữa thôi, tất cả những gì người ta nhìn thấy là một Venice đã son phấn xong, đã áo xống xong và sẵn sàng kéo rèm lên cho khách du lịch được thấy một màn trình diễn ngoạn mục. Nhưng trước và trong lúc mặt trời lên, người Venice tỉnh dậy để chuẩn bị thành phố của họ cho buổi diễn.
Sáng nay, trong khi đi bộ từ nhà trọ tới cầu Rialto, tất cả những gì tôi nhìn thấy là ca nô và gondola chở hàng hóa chạy dọc Kênh Lớn, đàn ông vác các thùng hàng từ dưới thuyền lên bến, bồi bàn nam và nữ lau dọn bàn để chuẩn bị mở cửa hiệu; công chức mặc com lê rảo bước và một vài người mặc đồ thể thao trùm kín đầu chạy bộ. Đường phố của Venice yên tĩnh như một nấm mồ; đến mức tôi nghe tiếng chân tôi đều đặn vang dọc theo các đường phố lát đá hẹp và âm âm ra khắp các hướng. Thậm chí tiếng bánh xe của một cái va li nào đó bị kéo trên mặt đường nghe như những tiếng sấm rền vang vọng và tiếp tục lăn xa trong ma trận các đường phố mà không hề thấy bóng dáng của người kéo.
Dấu hiệu sự sống ở Venice, vào lúc tinh mơ, là tiếng húng hắng và tiếng chổi xoèn xoẹt trên mặt đường, tiếng nước táp vào chân các căn nhà và tiếng động cơ ca nô. Phải rồi! Tiếng động cơ ca nô – chúng như tiếng tim đập của thành phố này; nếu một ngày nào đó chúng tắt thì tức là Venice đã chết! Khi tôi tới cầu Rialto, đồng hồ đeo tay chỉ 7 giờ đúng; mặt trời đã lên và đang di chuyển ngang bầu trời, bắt đầu màn trình diễn ánh sáng tuyệt hảo trên mặt nước và hai dãy nhà đứng dọc Kênh Lớn, ở phía mở ra ngoài Lagoon.
Mặt trời, ở phía bên trái của Kênh Lớn, vẫn còn khuất sau nóc nhà nên từ trên thành cầu Rialto, tôi có thể thấy vệt nắng di chuyển chậm rãi trên những căn nhà phía bên phải kênh. Từ những mái ngói đổ xuống tới những đường viền trang trí trên các vòm của sổ Gothic và Batantine; nắng đã xuống tới hàng cửa sổ và các cột chống đầu tiên; rồi đến hành lang, rồi sàn nhà, rồi chạm vào mặt nước. Và bởi vì Kênh Lớn cong về bên phải nên phía xa nhất của dòng kênh – phần hòa vào Lagoon – được thắp sáng trước hết. Rồi ánh mặt trời chạm vào mặt nước dòng kênh ở phía trong và bắt đầu loang ra như thể có ai đó đổ một thùng than lửa xuống dưới nước khiến cả dòng nước rực lên dần từ bên trong. Ánh nắng cũng sơn lên tường các ngôi nhà ở phía cuối dòng kênh một màu vàng ấm trong khi ở chỗ tôi đứng, mới chỉ có phần mái của các ngôi nhà bắt đầu được thắp sáng. Một cảnh tượng rực rỡ tuyệt vời. Những màu sắc khác nhau của các căn nhà – đỏ, vàng, da cam, trắng, xanh da trời, xanh thẫm, xanh lá cây, đen… – hòa vào nhau như một palette màu lớn cứ sáng lên dần cùng với mặt trời và mặt nước sóng sánh ánh sáng bởi những chiếc ca nô chạy qua chạy lại.
Venice quá đẹp.
Tôi đã dậy từ lúc 6 giờ 30 và ra khỏi nhà trọ trong tình trạng mặt chưa rửa, răng chưa đánh, quần áo không thay. Chỉ kịp vớ lấy túi xách với áo khoác ngoài, đi giày và đi tới cầu Rialto, tôi vốn định chỉ đến cầu xem mặt trời lên rồi sẽ về lại nhà trọ, ngủ đến trưa rồi sẽ dậy ra bến tàu đi Florence. Nhưng khi thấy những gì bình minh có thể làm với các căn nhà trên Kênh Lớn và phía mặt nước xa của dòng kênh, thì tôi biết tôi sẽ phải đuổi theo mặt trời ra đến ngoài Lagoon để xem bình minh sẽ làm gì với mặt nước xanh rộng. Nghĩa là tôi sẽ quay lại quảng trường San Marco lần thứ ba.
Đi trên xe buýt nước dọc Kênh Lớn buổi sáng sớm là một kinh nghiệm tuyệt vời. Có cảm giác như tôi đang trên một chiếc thuyền chạy đuổi theo ánh sáng đến chân trời. Nhưng ấn tượng nhất là khuôn mặt thản nhiên của những người Venice trên xe. Họ là nhưng người Venice thật và đang đi tới chỗ làm; tôi là người duy nhất cứ tanh tách bấm máy chụp những căn nhà được mặt trời thắp sáng trên dòng kênh. Tất cả những người còn lại đều gà gật ngủ rốn, hoặc đọc báo thể thao, hoặc nhìn ra ngoài với cái nhìn trống rỗng, mệt mỏi. Thật khó tưởng tượng là ai đó lại có thể thờ ơ với cảnh mặt trời lên tuyệt vời thế này. Nhưng nghĩ kỹ thì đây thật nhất về Venice mà tôi chứng kiến từ lúc tới đây. Thành phố này mặc dù độc đáo, đẹp đẽ, mơ màng, kỳ lạ đến đâu thì trước hết vẫn là một thành phố của những con người thật – họ vẫn phải chống lại những cơn buồn ngủ, sự mệt mỏi và kiệt sức để kiếm tiền sinh sống hàng ngày. Có thể không thấy họ vào ban ngày khi những người khách du lịch tràn ngập thành phố, có thể không thấy họ sau khi họ đã trang điểm, mặc quần áo đẹp để phục vụ khách du lịch; nhưng vào lúc sáng sớm như bây giờ, họ chỉ có khuôn mặt mộc, không phấn son, không đồng phục. Đấy là những khuôn mặt phụ nữ và đàn ông đầy những nếp nhăn, tàn nhang và những dấu hiệu của thời gian. Họ thu mình trong những bộ quần áo thùng thình cốt lấy sự thoải mái, chân mang những đôi giày thể thao cũ, chỉ để tiện cho đi lại. Ai cũng có túi đồ ăn trưa; những người phụ nữ mang theo cả túi lớn đựng hộp trang điểm và đồng phục để mặc ở nơi làm.
Người ta nói dân số của Venice chỉ khoảng bảy mươi ngàn người và tiếp tục giảm dần mỗi năm trong khi số khách du lịch tới đây mỗi năm là mười hai triệu người. Cũng từ đầu thế kỷ XX cho tới giờ, Venice đã lún sâu hơn một mét, và từ thập kỷ năm mươi, hơn một trăm ngàn người đã rời bỏ Venice vào sống trong đất liền. Tuổi trung bình của người dân Venice là năm mươi. Thành phố đang tàn lụi, đang chết. Nhưng chỉ có thể thấy dấu hiện của cái chết từ từ ấy khi đối diện với Venice lúc sáng sớm hoặc sau nửa đêm. Vào ban ngày, thành phố vẫn thành công trong việc biến mình thành một giấc mơ lạ lùng và khách du lịch vẫn cứ tấp nập đổ tới đây để được sống trong giấc mơ ấy.
Có đi xe buýt nước mới thấy khâm phục sự điêu luyện của người Venice trong việc điều khiển ca nô, thuyền, hay bất cứ cái gì nổi trên mặt nước. Họ luồn lách, lái xe buýt nước không khác lái ô tô trên cạn. Khi một chiếc ca nô cấp cứu phóng qua – với còi hú, đen nháy và sáu cảnh sát đứng trên ca nô – tất cả các thuyền trên kênh đều lập tức dạt ra hai bên, và chiếc ca nô phóng vụt qua. Trên Kênh Lớn không hề có một thứ cảnh sát giao thông nào, thuyền bè dường như tự giác tuân theo một luật chơi và một thứ nhịp điệu không lời của sông nước cộng với cái tinh thần duy mỹ của Venice. Tôi chợt nhớ đến một nghiên cứu văn hóa về người Eskimo nói rằng người Eskimo hầu như không bao giờ giận dữ; bởi vì hằng ngàn năm họ phải chung sống trong những túp lều bé xíu, cho nên họ học cách không nổi giận, vì có nổi giận cũng chẳng có chỗ nào mà bỏ đi. Có lẽ Venice cũng thế. Người Venice đã ngấm vào máu cái lối sống hài hòa với tự nhiên, với sông nước bởi họ có cả ngàn năm sống với nước.
Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay.
Rời khỏi quảng trường San Marco lúc 9 giờ 40 phút, tôi lên xe buýt nước trở lại nhà trọ.
Trong phòng khách không thấy đám người huyên náo đêm qua đâu. Có lẽ giờ này cả đám còn đang ngủ bù hoặc trốn ở đâu đó nhưng trên bàn, tàn tích của chúng còn hiển hiện ở một đống vỏ chai. Chỉ có ba cô sinh viên đang ngồi nói chuyện rì rầm và cười chào tôi hiền lành. Chúng tôi không hề nhắc lại chuyện đêm qua nhưng tôi hiểu là giữa chúng tôi đã có một thứ gắn kết mới chớp nhoáng giữa những người du lịch xa lạ vì hoàn cảnh mà trở thành cùng hội cùng thuyền.
Tôi trèo lên giường, ngủ thêm một tiếng rồi dậy, đóng gói đồ đạc và rời khỏi nhà trọ lúc gần trưa. Sáng nay trở dậy, nhớ lại câu chuyện đêm qua, tôi đột nhiên nhận ra tôi đã hầu như không bao giờ nổi giận trong suốt những năm tôi và Sơn sống với nhau. Tôi không biết cách nổi giân, đã không nổi giận và bây giờ có lẽ đã quá muộn.
Venice cũng có phố Tàu. Gọi là “phố Tàu” nhưng nó thực sự chỉ có năm bảy ngôi nhà và một cửa hàng Tàu ở ngay bờ một nhánh kênh. Người Tàu là thế, chỉ cần có một người Tàu đến một thành phố, họ sẽ mở “phố Tàu” và nhanh chóng bành trướng. Khu phố Tàu này, nước dâng mấp mé nền nhà rồi; nếu nước lên chút nữa là tràn vào trong nhà.
Tôi quyết định ghé vào đây trên đường ra bến tàu đi Florence bởi vì nó nằm ngay trên đường ra bến và tôi bắt đầu thèm cơm sau mấy ngày chỉ ăn pizza, mì ống và các loại đồ Ý mà món nào cũng đầy xốt cà chua đóng hộp. Tôi thèm cơm và một tí rau tươi. Tôi cũng muốn xem thế nào mà người Tàu có thể mở phố Tàu ở Venice, nơi mà đồ ăn Ý ở khắp nơi và người châu Á thì hầu như không xuất hiện (thực tế là từ hôm tới đây tôi đếm trên đầu ngón tay những khuôn mặt châu Á thuần chủng, chỉ có vài người gốc Á sống ở Úc hay các nước đã phát triển; thậm chí người Nhật và người Hàn Quốc cũng hiếm). Đúng là “phố Tàu” hiện chỉ là một cái tên hơn là một thực tại, nhưng ai mà biết được, một khi họ đặt được tên ở đây (và thực tế đã treo biển “phố Tàu” và đặt tên phố bằng tiếng Tàu). Thì họ sẽ mở rộng ra một phố, hai phố, rồi biết đâu… Và họ thì rõ ràng vẫn thành công trong việc giữ giá rẻ; bữa cơm ba món của tôi chỉ có 10 euro trong khi ở Venice, không thể ăn bất cứ cái gì dưới 15 euro. Họ lại phục vụ nhanh, chỉ mấy phút là thức ăn được bê ra.
Trong khi kéo hành lý ra ga, tôi không thể không nhận thấy Venice lại đang chào đón một ngày mới với một đòng khách du lịch mới – trên mặt họ phủ đầy sự hào hứng, ngưỡng mộ, thậm chí nghi ngờ sự tồn tại của Venice – thành phố trên mặt nước. Có thể dễ dàng nhận ra những người khách mới đến – họ mang hai, ba tấm bản đồ trong tay (tấm nào cũng mở tung), ba lô trên lưng, và họ sẽ dừng cả tiếng ở cửa hàng bán đồ lưu niệm đầu tiên để ngắm nghía những đồ thủy tinh Murano và mặt nạ Venice. Và điều này làm tôi nhận ra tôi đã đi khắp Venice mấy hôm nay mà không dùng bản đồ và tôi cũng chưa mua một món đồ lưu niệm nào. Nếu được chọn lại tôi sẽ mua một cái mặt nạ hóa trang lớn – loại thật sặc sỡ, với các họa tiết cầu kỳ và lông nhím. Nhưng tôi không thể mang nó đi theo vì tôi còn Florence ở phía trước. Vậy là tôi mua mấy cái mặt nạ nhỏ, có gắn nam châm phía sau để dính lên cửa tủ lạnh hay bàn làm việc. Rồi, trong một phút phù phiếm, tôi muốn mua một món đồ trang sức Venice, để nếu có ai khen nó đẹp thì tôi có thể tỉnh bơ trả lời “À, cái này hả? Tôi mua ở Venice ấy mà.” Chậc, không thể tới thành phố của lễ hội hóa trang mà không nhiễm một chút sự phù phiếm.
Vậy là tôi mua một đôi khuyên tai thủy tinh trong suốt có hình hai giọt nước. Rồi tôi nhìn đến những món đồ trang sức thủy tinh Murano và mua thêm năm cái vòng cổ với màu sắc khác nhau. Rồi lại thêm ba đôi khuyên tai thủy tinh đi kèm với vòng cổ thành bộ. Mấy món đồ không đáng bao nhiêu tiền nhưng người bán hàng cẩn thận gói chúng trong giấy lụa, và tách riêng mặt với dây, như thể chúng là những món trang sức kim cương đắt nhất thế giới.
Ấn tượng cuối cùng của tôi với Venice là những tấm áp phích tơi tả được dán đầy các cột điện và trạm điện thoại công cộng quanh bến tàu Santa Lucia. Những tấm áp phích có ảnh chân dung tổng thống Kennedy của Mỹ bên cạnh một chính trị gia nào đó của Ý. Chữ “dân chủ” (democracy) được phóng lên, chạy ngang mặt hai người. Tôi rời Venice với ý nghĩ: tại sao người ta lại cần khái niệm “dân chủ” khi mà Venice đã làm chủ được một khái niệm còn đẹp hơn và bền lâu hơn dân chủ – đó là sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người (harmony).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.