Một mình ở châu Âu
Chương 16
Florence, ngày…
Trên tàu hỏa từ Venice đi Florence, tôi ngồi đối diện một phụ nữ trung niên người Anh. Bà đi du lịch cùng chồng – hai người ngồi canh nhau và nh ìn vào mắt nhau trìu mến trong lúc nói chuyện. Khuôn mặt bà tràn ngập sự thảnh thơi. Hạnh phúc đ ã làm thành một thứ ánh sáng rõ ràng, như một đường viền ôm lấy khuôn mặt ấy. Bà không có cái vẻ căng thẳng lo âu hay cằn cỗi lạnh lùng mà tôi nh ìn thấy ở quá nhiều người, cũng không có cái vẻ sợ hãi của một ng ười đang ở trong một mối quan hệ mà mình phải thay đổi quá nhiều, đến mức m ình không còn là mình nữa. Bà không hề có nhu cầu tự vệ tr ước chồng. Hạnh phúc. Bà có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Điều đó làm tôi sợ.
Tàu từ Venice qua Bologna tới Florence. Có những khi tàu đi ngang qua một con sông xanh lam chảy lững lờ, hai bên tràn trề những vạt cỏ ngập hoa cúc tím. Trên các cánh rừng thông phủ xanh các quả núi gần Bologna, những ngôi nhà mái đỏ và những lâu đài ẩn hiện. Nhưng tàu vòng qua Bologna và một vài thị trấn nhỏ nữa, rồi những quả núi nhường cho những triền đồi thấp phủ đầy cây ô liu và nho làm rượu hiện ra dưới nắng ấm. Đây là bình nguyên Tuscany rồi.
“Florence rồi!” Người đàn ông nói với người phụ nữ.
“Florence!” Bà ấy mỉm cười đáp lại.
“Florence,” tôi tự nhủ. “ Tôi đ ã mệt rồi. Please, please, xin cho những ngày cuối cùng tô i ở châu Âu được suôn sẻ”.
Florence, ngày…
Bây giờ là 9 giờ tối và tôi đang ăn bữa tối đầu tiên ở Florence nhưng là bữa ăn thứ hai ở Florence, trong một nhà hàng gần thành đường Doumo. Bữa tối của tôi là một món tuy gọi là salad, nhưng rất kỳ cục: có rất nhiều cá mực trộn với cơm, cà rốt thái mỏng, ớt chuông, cần tây, hành tây, tôm và dầu giấm… và đều được ướp trong đá lạnh. Tôi mua bởi trong tủ kính, trông món salad này sặc sỡ vô cùng. Tôi đã không cưỡng được sự tò mò, nhưng ăn thì không ngon chút nào.
Bữa ăn đầu tiên của tôi ở Florence thực ra là một cái bánh mỳ kẹp McDonald, cộng với khoai tây chiên và ba cái cánh gà chiên. Tôi đã đứng mà ăn ngốn ngấu cả bữa ăn đó ở cửa hàng McDonald trong bến tàu Santa Maria khổng lồ của Florence.
Suốt tám năm ở Mỹ, tôi chỉ ăn ở McDonald vài lần. Ngoài chuyện đồ ăn quá nhiều chất bảo quản, tôi cũng không thích cái cách mà các chuỗi cửa hàng McDonald, với chữ M vàng chóe lố bịch của nó, tỏa đi khắp thế giới, áp đặt giá trị Mỹ lên mọi thứ. Nhưng hôm nay, ra khỏi bến tàu lúc 5 giờ 20 phút chiều, và gặp lại cảm giác lạc lõng, mất hướng của người mới tới một thành phố, đói và mệt giữa một biển người hối hả, tôi mừng làm sao khi nhìn thấy cái chữ M ấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu cảm giác mà những người Mỹ thường nói tới: thèm ăn một cái Big Mac thật to, với hai tầng thịt bò, thật nhiều pho mát nóng chảy, và khoai tây chiên giòn, và cánh gà… toàn những thứ đồ béo nhưng tôi đang muốn chính những mỡ và pho mát béo ngậy đó lấp đầy cãi lỗ thủng không đáy trong dạ dày. Đấy là cảm giác thèm đồ ăn, như người ốm dậy thèm ăn bù, nhưng hơn cả điều đó, nó là sự thèm muốn cảm giác thuộc về, cảm giác ở nhà, cảm giác cắn chặt được vào một cái gì đó quen thuộc trong một biển nhốn nháo những người không nói tiếng của mình, những con đường không có trong trí nhớ của mình, những phép tắc hành xử mình không biết. Thực sự, McDonald làm người ta cảm thấy mình đang ở Mỹ hơn bất cứ thứ gì, hơn cả đại sứ quán Mỹ. Có lẽ đó là lý do mà người Mỹ đi du lịch khắp nơi vẫn cứ đôn đáo tìm của hàng McDonald, Burger King, hay KFC trong khi ở nhà, họ hiếm khi bước chân vào.
Trong cửa hàng McDonald ở nhà ga Florence, hầu hết người đứng chờ gọi đồ ăn là người Mỹ. Họ nhẫn nại xếp hàng và cứ liên tục nhìn lên menu rồi lại lo âu nhìn ra ngoài nhà ga nườm nượp người, như thể cái cửa hàng McDonald này là một chốn trú ẩn và họ là những kẻ đang chạy trốn sự săn đuổi của bầy người xa lạ bên ngoài. Khi đến lượt, ai cũng dõng dạc gọi từng món như không thể kham nổi việc cô gái phục vụ người Ý có thể lãng tai mà bỏ sót một món nào. Ai cũng gọi rất nhiều. Đến lượt mình, tôi cũng gọi đầy đủ – một cái bánh mỳ kẹp, khoai tây chiên và cánh gà – rồi ra đứng chờ, tay lăm lăm cái hóa đơn có đánh số. Những người đứng cạnh đó (tay cũng lăm lăm hóa đơn có đánh số) mỉm cười với tôi, cái cười hiểu ý của những người cùng hội cùng thuyền. Họ cũng như tôi ngắm nghía cái hóa đơn như ngắm một thành tích. Tôi bỏ cái hóa đơn vào túi để giữ nó làm kỷ niệm và không khỏi nghĩa đến mẩu quảng cáo đặc trưng của thẻ tín dụng Master Card – một sản phẩm nữa của một nước Mỹ đang ra sức Mỹ hóa thế giới.
– Bánh mỳ kẹp: 1 euro.
– Cánh gà rán: 1 euro.
– Khoai tây chiên: 1 euro.
– Tương ớt: 10 xu.
– Cảm giác như đang ở nhà trong một thành phố lạ: vô giá!
Sau bữa ăn đầy ắp tình yêu mới được khơi dậy với McDonald và nước Mỹ ấy, tôi gọi taxi để về nhà trọ. Ra khỏi bến tàu, tôi chuẩn bị tinh thần để trả 20 euro cho quãng đường ngắn (tôi biết nhà trọ chỉ cách nhà ga một chút xíu và nếu khỏe thì tôi đã có thể đi bộ). Sau khi taxi rời ga, ông già lái taxi hỏi tôi “Japan?” Tôi nói “No, Việt Nam”. Ông ấy đột nhiên cười toe toét và giơ ngón cái với ngón trỏ ra. Thấy tôi ngẩn ngơ không hiểu, ông ấy kêu lên “pằng pằng”… À, thì ra ông ấy đang nói tới “chiến tranh Việt Nam.” Ông ấy bắt đầu vừa lái vừa cười nhìn tôi qua gương chiếu hậu và vung tay nói gì đó rất sôi nổi về “chiến tranh Việt nam”; có vẻ như hồi những năm thanh niên, ông ấy và bạn bè đã biểu tình phản chiến Mỹ và đã rất vui khi Việt Nam thắng. Tôi không chắc mình có nên vui mừng khi khắp nơi tôi đi người ta nhắc đến Việt Nam chủ yếu vì chiến tranh hay không, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, rõ ràng sự nổi tiếng này có lợi cho tôi bởi ông già lái taxi chỉ lấy 5 euro và liên tục nói “Vietnam, Vietnam, good, good” khi tôi xuống xe. Ông còn dứt khoát đòi mang hành lý cho tôi vào tận cửa nhà trọ.
Nhà trọ nằm trong một phố nhỏ gần Doumo. Khi mở cửa vào đến sảnh, tôi suýt nữa thì quỳ xuống tạ ơn Chúa, Phật (hoặc ai đó trên cao đã nghe lời cầu khẩn của tôi) bởi vì nhà trọ này thật sạch, thật mới, thật trẻ trung; mọi thứ đều ngăn nắp, sáng sủa. Đứng quầy lễ tân là một anh chàng khoảng ngoài hai mươi đang nở một nụ cười rất tươi. Anh ta hỏi tôi đi đường thế nào, nhanh nhẹn làm thủ tục nhận phòng cho tôi, rồi đưa tôi chìa khóa tủ đựng đồ, và một vật gì đó dài dài, đen đen, trông như vũ khí trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.
“Đừng sợ!” Anh ta cười khi thấy vẻ mặt của tôi. “Đây là đèn đọc sách của chị.”
May quá! Tôi thực sự không còn sức chống trả nếu ai đó muốn chơi khăm tôi lúc này nữa. Tôi cầm đèn, cảm ơn anh ta, lấy một số bản đồ miễn phí rồi theo anh ta về phòng. Mở cửa phòng ra, tôi lại muốn quỳ muốn tạ ơn. Căn phòng rộng, sạch, sáng sủa làm sao. Sau những ngày ở Venice, cái phòng trọ này là thiên đường.
Trong phòng lúc này đã có bốn người – Sophia người Argentina, Veronica từ Mexico, Nick người Canada, và một cậu sinh viên nữa đang ngủ. Chúng tôi bắt tay chào hỏi nhau rồi tôi sắp đồ vào phòng, tắm gội, rồi ra ngoài ăn tối. Bây giờ thì tôi đang ở nhà hàng này, ăn món salad kỳ dị này nhưng vui không sao tưởng nổi.
Ăn tối xong về lại phòng, khi ngang qua sảnh, tôi nghe có tiếng “Hello, hello” từ ngoài ban công. Một nhóm sinh viên đang ngồi hút thuốc, uống bia và tán gẫu.
“Hello!” tôi đáp lại.
“Chị có muốn ngồi uống gì đó với bọn tôi không?” Một cậu nói giọng Anh hỏi tôi.
“Ngồi thì có, nhưng uống thì chắc là không, cám ơn,” tôi nói.
“Đây, có ghế đây, chị ngồi đi!” Cậu người Anh đứng lên nhường ghế cho tôi. “Tôi sẽ đi lấy ghế khác.”
Lúc đó đã có ba cậu con trai, còn lại là tám cô gái, đều trẻ và đẹp. Họ cũng chỉ vừa mới tụ tập và nhìn chung cũng không quen nhau. Có vẻ như cậu người Anh và mấy người bạn đã ngồi uống bia ở sảnh, rồi họ quyết định cứ thấy ai đi qua sảnh thì rủ nhập hội. Tôi hỏi xem họ từ đâu tới. Hầu hết từ Anh, có hai sinh viên từ Mỹ, một từ Venezuela, một từ Tây Ban Nha và một từ Úc. Cậu từ Úc ngồi ngay cạnh tôi có lẽ chỉ mười tám, mười chín tuổi, trông rất bảnh bao.
“Ồ, tôi vừa mới có một kinh nghiệm rất tệ với người Úc,” tôi nói sau khi nghe cậu ấy giới thiệu cậu ấy người Úc.
Tất cả phá ra cười. Có vẻ như giữa mấy người này đã có chuyện đùa gì đó lúc trước liên qua tới cậu người Úc.
“Ồ, thế thì chị sẽ còn có thêm nhiều kinh nghiệm xấu nữa với cậu này,” họ tranh nhau nói.
“Thế những người Úc đấy làm gì chị?” Họ hỏi.
“Cũng không có gì nghiêm trọng cả,” tôi nói. “Họ chỉ uống quá nhiều, nói quá to và…”
Tôi không thể nào nói hết bởi vì tất cả bọn họ lại cười phá lên, lần này còn to hơn và ngã cả xuống đất. Chắc chắc là họ có một “inside joke [64]” nào đó trong nhóm mà tôi không thể biết về cậu người Úc này.
[64] Chuyện cười bí mật mà chỉ có người trong nhóm mới biết với nhau.
“Thôi thế thì chị mô tả đúng cậu này rồi,” họ đều nói.
“Chị có chắc là không phải cậu ta không? Chị nhìn kỹ đi. Có khi chính cậu ta ở trong cái nhóm đã gây phiền toái cho chị.”
Cậu người Úc hỏi tôi:
“Chuyện đó xảy ra ở đâu?”
“Venice. Tôi vừa từ Venice đến đây chiều nay.”
“Tôi cũng vừa từ Venice đến đây chiều nay. Hay có khi là tôi thật nhỉ.”
“Chắc không đâu; nếu là cậu thì tôi đã nhớ.”
“Chị ở khách sạn nào”
Cả đám lúc này háo hức với câu chuyện. Tôi nói tên nhà trọ ở Venice.
“Phù! May quá, tôi không ở đấy,” cậu ta nói. “Nhưng có người bạn tôi ở đấy. Mà tôi biết người Úc thế nào rồi. Thay mặt cho người Úc và đàn ông Úc, tôi xin lỗi chị.”
“Đàn bà,” tôi nói. “Một người đàn bà Úc đã làm tôi khó chịu chứ không phải đàn ông.”
“À,” cậu ta tặc lưỡi, “đàn bà Úc thì tôi biết rồi. Trứ danh!”
Vậy là câu chuyện chuyển sang kể tội người Úc, rồi đến kể tội người Anh, người Mỹ, người Pháp, người Ý, người Tây Ban Nha…
“Người Mỹ không biết yêu. Người Mỹ đến yêu cũng phải chuyên nghiệp hóa thành công đoạn, y như họ biến nấu ăn thành các công thức. Gặp nhau bao nhiêu lần thì mới ngủ với nhau, bao lâu sau thì giới thiệu với bố mẹ, bao lâu thì đính hôn, bao lâu thì cưới… nói chung là không biết yêu.”
“Ê ê, kết luận hồ đồ,” mấy cô gái Mỹ kêu lên.
“Cậu ấy đúng đấy. Tôi xin lỗi nhưng phụ nữ Mỹ không biết yêu thật. Họ rất thuộc bài làm thế nào để một người đàn ông phải lòng bạn, lúc mới gặp, họ tỏ vẻ rất tự tin, họ fun, họ sexy hấp dẫn, nhưng một khi rơi vào tình yêu là họ cứng người lại, họ chẳng biết làm thế nào cho nó sống. Năm ngoái, tôi gặp một cô người Mỹ này ở Paris. Bọn tôi đi nhảy, đi ăn với nhau; tôi rủ cô ấy sang Barcelona; cô ấy đi. Xong rồi cô ấy về Mỹ, tôi bảo tôi sẽ sang thăm cô ấy, cô ấy không thể tin được tôi sẽ từ tận Barcelona sang. Rồi đến lúc tôi bay sang, cô ấy vẫn không tin. Tôi bảo tôi có thể chuyển sang Mỹ để ở gần cô ấy vì tôi thích cô ấy. Đến đây thì cô ấy phát hoảng… Thế đấy, người Mỹ thích mơ mộng về tình yêu lớn, tình yêu vĩ đại, tình yêu vượt qua tất cả, nhưng khi nó xảy ra với họ thì họ không biết làm thế nào.”
“Cái đó thì chẳng cứ người Mỹ.”
“Có thể cô gái này thuộc dạng tự ti ngầm. Không biết được đâu, nhiều người tỏ ra rất tự tin bên ngoài nhưng nếu bạn biết rõ họ thì bạn mới thấy họ là một đống đổ nát bên trong A big mess. Tôi từng hẹn hò với một cô gái rất đẹp, fun, sexy, tự tin nơi công cộng, nhưng sau tôi mới biết là cô ấy trầm cảm kinh niên; khi nào không dùng thuốc chống trầm cảm thì cô ấy chỉ có nằm bẹp khóc lóc ‘Anh có yêu em không? Em xấu xí lắm phải không? Chẳng ai thích em cả’.”
“Thế cậu bỏ cô ấy vì cô ấy trầm cảm à?”
“Cậu tệ quá. Bố tôi cũng bị trầm cảm.”
“Không, không, không phải vì cô ấy trầm cảm, mà vì không hợp nhau thôi; tôi đã cố giúp cô ấy một thời gian dài nhưng tôi đứng còn chả vững thì làm sao giúp được. Cứ quấn lấy nhau thì rồi cả hai chết thảm, thế là bọn tôi chia tay.”
“Có thể không phải là người Mỹ không biết yêu, có thể chỉ là cô gái Mỹ của anh thôi; có thể cô ấy không cáng đáng nổi một tình yêu lớn.”
“Vấn đề là anh tiến nhanh quá, lẽ ra phải có chiến thuật. Bày tỏ nhanh quá là họ sợ.”
“Nhưng mà tôi không muốn chiến thuật; yêu thì yêu, có phải chết đâu mà sợ.”
“Có thể với môt số người tình yêu còn đáng sợ hơn chết.”
“Hồi đấy, cậu có để râu như bây giờ không?”
“Dĩ nhiên, dĩ nhiên, tôi không phủ nhận. Có thể là tại tôi, nhưng mà tôi tò mò. Thế nào là một tình yêu lớn?”
“Romeo và Juliet là một tình yêu lớn.”
“Không, Romeo và Juliet không phải tình yêu lớn.”
“Tại sao không? Đấy là một chuyện tình kinh điển.”
“Kinh điển chỉ có nghĩa là già, không có nghĩa là lớn.”
“Romeo và Juliet là một sự si mê lớn nhưng không phải tình yêu lớn. Hai cái đấy khác nhau.”
“Khác nhau thế nào?”
“Romeo và Juliet kinh điển chẳng qua vì cả hai đều chết. Nếu họ tiếp tục sống và lấy nhau thì tôi cam đoan chỉ được một năm, với bản chất bốc đồng của cả hai thì chắc chắn là một trong hai hoặc cả hai sẽ ngoại tình.”
“Ngoại tình thì đã sao? Ngoại tình không phải lúc nào cũng xấu.”
“Người nói câu này chắc chắn đang ngoại tình hoặc đang rắp tâm ngoại tình.”
“Ha ha, không, cám ơn, tôi rất chung thủy.”
“Đang nói chuyện Romeo và Juliet cơ mà. Sao lại ngoại tình vào đây?”
“Thì đây, tôi đang nói Romeo và Juliet chắc chắn sẽ ngoại tình.”
“Thế Elizabeth và Mr. Darcy thì sao?” – một cô gái hỏi.
“Ai cơ?”
“Elizabeth và Mr. Darcy. Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen?”
“Tôi không đọc chick lit.”
“Cậu nên bắt đầu đọc đi nếu cậu muốn có bạn gái.”
“Cũng thế thôi; chưa sống với nhau, chưa chịu thử thách, chưa có thực tế thì chỉ là say mê mù quáng thôi.”
“Tình yêu dĩ nhiên phải mù quáng. Không có mù quáng không phải tình yêu.”
“Bravo!”
“Ơ nhưng mà nãy giờ toàn là tình yêu tiểu thuyết nhỉ.”
“Tôi thấy vấn đề của các cậu chính là đọc nhiều quá.”
“Còn vấn đề của cậu là uống quá nhiều.”
“Tôi nói rồi, tất cả những tình yêu người ta cho là lớn đều có người phải chết. Lancelor và Guinevere, Tristan và Isodde, Paris và Helen thành Troy.”
“Có thể tình yêu lớn giữa một người đàn ông và đàn bà không tồn tại thật được; nó chỉ có thể tồn tại dưới dạng ý tưởng. Đời sống thật chỉ có thể có tình yêu lớn giữa mẹ với con, giữa một người với tổ quốc của anh ta, giữa một người với Chúa hay với sự nghiệp của anh ta. Con người chỉ có thế yêu hết mình một lý tưởng, chứ một con người thật khác không bao giờ có thể tuyệt vời như một lý tưởng.”
“Không, người thật mới thú vị chứ, lý tưởng chán òm. Những có lẽ cái gì tồn tại thật cũng có giới hạn sử dụng.”
“Tôi vẫn nghĩ là có, chỉ hiếm thôi.”
“Cho tôi một ví dụ đi, tôi chỉ cần một ví dụ thôi. Không cần lớn, chỉ cần nhỡ nhỡ thôi. Thật hoặc trong sách cũng được.”
“Hugh Hefner [65] và các cô gái tóc vàng. Nào, đấy, theo tôi, chính là tình yêu lớn và có thật, được chứng minh hàng tháng.”
“Haha”
“Khó lắm. Tình yêu lớn đòi hỏi nhiều quá. Nó vắt kiệt người ta nên nó tự hủy diệt. Về lý thuyết nó khó tồn tại bởi vì nó lúc nào cũng ở trong tình trạng chiến đấu chống lại cái gì đó.”
“Mệt nhỉ. Tôi chả muốn có tình yêu lớn, cứ dăm ba tình yêu nhỏ cũng được.”
“Chậc, trong gia đình tôi hiện nay, tất cả đều đã li hôn. Tôi chẳng biết có nên tin vào tình yêu hay không chứ đừng nói tình yêu lớn.”
“Có thể li hôn cũng là một biểu hiện của tình yêu lớn.”
“Có vẻ ngày xưa dễ có tình yêu lớn hơn, ngày xưa người ta trong sáng hơn.”
“Hoặc là sợ hãi hơn.”
“Tôi chẳng biết nhưng rõ ràng bây giờ tôi chỉ thấy tình yêu tiện lợi, tình yêu thoải mái, tình yêu vui vẻ, tình yêu dễ chịu, tình yêu hòa hợp, tình yêu danh giá, tình yêu xứng đôi vừa lứa, tình yêu hợp lý… chứ tình yêu lớn chắc không tồn tại… mà, quỷ tha ma bắt, không tồn tại cũng chẳng sao, trăm phần trăn nào.”
Từ sau Paris, tôi đã hầu như bỏ Internet. Tôi không có nhu cầu biết chuyện gì đang xảy ra trên thế giới nữa. Đêm nay cũng thế.
Này thế giới ngoài kia, chúc ngủ ngon và chúc may mắn!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.