Phong Thủy & Các Cách Hóa Giải
PHẦN I PHONG THỦY VÀ CÁC LĨNH VỰC TƯƠNG QUAN – CHƯƠNG I KHẢI LUẬN VỀ PHONG THỦY
I. GIẢN LƯỢC PHONG THỦY
“Phong thủy” là một khái niệm rất hấp dẫn mà các học giả nghiên cứu về thiên văn, địa lý, địa hình, dịch lý, ngũ hành, âm dương, tinh tú, nhân sinh… từ lâu đã quan tâm khảo cứu.
Trung Hoa hàng nghìn năm trước và sau Công nguyên họ đã định niệm rằng phong thủy là “lực khởi nguồn vạn vật” – “Thiên địa năng”.
1. Khoa phong thủy không có một định nghĩa cụ thể
Nó vừa giản đơn lại rất bí kiến. Nó giản đơn, vì cái nghĩa cụ thể là “gió” và “nước”. Nó là bí kiến vì cái nghĩa “phong là khí”. “Khí” là một khái niệm phong thủy, trừu tượng, ẩn hình. Nó giống khái niệm của Đông y như kinh lạc, thận khí, phế khí. Quan niệm khoa học thì “khí” ở đây là “nguồn năng lượng tự nhiên”.
Nhận biết được nó không phải là khái niệm phổ thông để bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được như ta cảm nhận được không khí qua các luồng gió, qua các phản ứng hóa học hay qua thực hành thí nghiệm. “Phong” trong “phong thủy” là “khí” bao hàm ý niệm tiềm ẩn, do các học giả khó kiến giải mà từ một thuật ngữ đưa ra và được công nhận võ đoán để ứng dụng nhằm biện giải về “thiên khí và địa khí”.
2. “Thủy” trong “phong thủy”
Đây là khái niệm về các hình thể mà trong đó tàng chứa nước – một thực thể thấy được, sờ mó được. Hình thể của “Thủy” là sông, ngòi, suối, khe, biển, hồ, ao, đầm, vũng, thác, dòng, vòi nước v.v… Các hình thể này tàng chứa những “Khí lực” ở các mức độ khác nhau, cấp độ khác nhau. “Thủy” ở hai trạng thái động và tĩnh. Động thì “Khí lực” được bộc lộ. Tĩnh là “Khí lực” tàng ẩn. Trạng thái “động” của thủy có sự ảnh hưởng mạnh hơn tĩnh. Hình tượng hóa sức mạnh của thủy được các nhà phong thủy gọi là “long” (Rồng). Một thứ “khí lực” được mang một khía cạnh khác là “thiên lực”. “Rồng” dưới quan niệm dịch lý là “Thiên”. Nó trừu tượng và lại được thực tế hóa!
Rồng tàng là rồng ẩn, nó lấy môi trường nước (thủy) để ẩn. Rồng động là lúc nó thể hiện sức mạnh. Và các nhà phong thủy đã lấy rồng để biểu lộ những ý nghĩa xâu xa của “Thủy”. Đó không phải là một khái niệm mà ai cũng cảm nhận được.
3. Dưới con mắt dân giả “Phong thủy” được hiểu dưới quan niệm
Môi trường, địa thế, phương hướng. Họ nhận biết giản đơn và thế là phong thủy trở nên dễ biết. Nhà phong thuỷ (địa lý) thì khác. Họ đi sâu vào những sức mạnh, tàng chứa và tính khoa học, mối quan hệ giữa tự nhiên với nhân sinh của phong thủy.
4. Phong thủy là một phạm trù hàm súc cả về ý nghĩa và ứng dụng
Phong thủy không phải chỉ được người Á châu nghiên cứu và ứng dụng. Từ ngàn năm trước Công nguyên các tộc người da đỏ, châu Mỹ, người Bắc Phi – Ai Cập, nói rộng hơn là nhiều nước ở Trung Cận Đông đã áp dụng những kiến thức (mà người Á châu gọi là “Phong thủy” một cách từ hóa) trong kiến trúc, trong xây dựng những công trình như cung điện, đền thờ thần linh v.v…
Người châu Âu (sau Công nguyên) cũng hiện thực hóa những nhận thức về “phạm trù phong thủy Á châu” qua các khái niệm kiến trúc như: Site (phong cảnh, địa hình); Location (địa điểm); Environment (môi trường) hay Orientation (phương hướng) trong thực tế. Các khái niệm này đã được dùng để bàn cãi trong các công việc kiến trúc (L’architecture) và xây dựng (La construction) v.v… các lâu đài, nhà thờ Catolique v.v…
Qua đó ta thấy phong thủy “không phải là một cái gì đó xa lạ với con người. Người dân ở các nước có điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội v.v… đều nghĩ đến và áp dụng các kiến thức phong thủy khi cần.
Ai cũng nhận biết rằng một địa điểm có phong thủy tốt đều là những nơi đẹp, tốt cho cuộc sống, cho hành nghiệp…
KHÍ VÀ RỒNG, Ý TƯỞNG HÓA TRONG PHONG THUỶ
“Khí” không phải luôn luôn tốt lành.
Nó giúp con người sống và phát triển dễ dàng với đầy đủ các từ: phú, quý, thọ, khang, minh.
“Khí” cũng gây cho con người những điều tai hại. vào nơi “Khí” không tốt lành đó, con người sẽ gặp đau ốm, họa tai hay mọi điều khó khăn…
Khí tốt là “sinh khí” hay “vượng khí”
Khí xấu là “sát khí” hay “ác khí”
Thuật phong thuỷ luôn muốn tìm cách để hưởng sinh khí và tránh xa sát khí – ác khí.
Các nhà phong thuỷ (thầy địa lý) Trung Hoa còn quan niệm “Khí” là hơi thở của con “Rồng”.
Và nó được định hướng chuyển vận như dáng Rồng. Tức là dạng chuyển dịch uốn lượn.
Vì vậy họ xây dựng các công trình dinh thự lớn đều ở các vị trí sao cho lợi dụng được sinh lực (năng lượng) của Rồng.
Theo quan niệm ấy, “Phong thuỷ” chỉ là biểu hiện của một con vật là “Rồng”: Khí: hơi thở của Rồng. Thuỷ là mạch của Rồng (Long mạch). Ý niệm về các sức mạnh của “thiên khí”và “địa khí” là một con vật tối thượng, siêu việt: là “Thiên khí” – Rồng bay (Thăng Long). Là địa khí là Rồng tàng (Long mạch). Đấy là ý niệm về thực thể, thủy là nước trong các hình thể tự nhiên gọi là mạch chuyển vận.
Các mạch chuyển dịch này khởi nguồn từ dãy Hy-ma-lay-a, có đỉnh là Averet (theo kiến giải của các nhà địa chất học). Một dãy núi cao nhất của trái đất. Từ đó các mạch địa khí chuyển vận tỏa lan ra 4 phương tám hướng (âm dương – bát quái) và 24 phương vị độ – (dịch lý) với 64 quẻ.
Những khái niệm chuyển vận của các “dòng khí” và các dòng nước (long mạch) là thế năng lượng, những điều rất uyên thâm.
Tuy nhiên, để ứng dụng vào thực tiễn, các khái niệm phong thủy được cụ thể hóa ở các lĩnh vực quen thuộc và gần gũi. Đó là quang cảnh, địa điểm, môi trường, phương hướng, hình thế thiên tạo và nhân tạo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.