Sống Và Khát Vọng
Đi tìm con đường
Nỗ lực khởi nghiệp đầu tiên
Khi còn học năm 3 đại học trong một học phần có tên là Innovative Marketing (Tiếp Thị Sáng Tạo), tôi có cơ hội làm quen với một doanh nhân trẻ có tên là Eugene Low. Anh thuộc thế hệ sinh viên đàn anh của tôi, nhưng dù tuổi đời còn rất trẻ, anh đã là giám đốc của một doanh nghiệp khá phát triển, điều hành một cổng thông tin công nghệ (Hardwarezone) nổi đình nổi đám ở Singapore thời bấy giờ. Hình ảnh về một doanh nhân thành đạt với khát vọng cống hiến giá trị cho xã hội trở thành niềm mơ ước của tôi – một chàng sinh viên xa nhà, nghèo túng.
Bên cạnh đó, nhìn thấy tiềm năng to lớn của mô hình HWZ, tôi rất muốn đưa mô hình này về Việt Nam để kinh doanh. Thế là tôi bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh tỉ mỉ. Sau khi đã có kế hoạch kinh doanh, tôi bắt đầu tìm cách huy động vốn. Nơi tôi nghĩ đến đầu tiên là gia đình mình. Tôi nhờ mẹ hỏi những người thân trong họ xem có ai có thể cho tôi mượn vốn kinh doanh. Mặc dù lúc đó tôi vẫn còn là sinh viên, nhưng một người bác vốn rất yêu thương tôi từ bé và cũng đang làm kinh doanh tương đối ổn định đã đồng ý giúp tôi. Có điều là cố gắng hết sức thì số tiền bác có thể giúp tôi cũng chỉ dừng lại ở mức tầm 5.000 đô Singapore (tức là khoảng 55 triệu vào thời bấy giờ).
Chắc chắn 5.000 đô là một con số quá nhỏ để có thể thật sự bắt đầu một doanh nghiệp ổn định, nhưng tôi vẫn rất quyết tâm hợp tác cùng HWZ. Nhờ cuộc gặp gỡ giao lưu trong quá trình học môn Marketing, tôi đã có đầy đủ thông tin liên lạc của các anh lãnh đạo HWZ. Thế là tôi bắt tay vào viết một email rất tâm huyết cho các anh ấy đính kèm kế hoạch kinh doanh của mình, và chờ đợi… Một ngày trôi qua, không có bất cứ hồi âm nào. Ba ngày trôi qua, tôi mòn mỏi chờ đợi. Một tuần nữa trôi qua, dường như chẳng có ai quan tâm đến những gì tôi viết. Không thể đợi lâu hơn được nữa, tôi viết thêm một email khác gởi đến HWZ và lại tiếp tục chuỗi ngày mòn mỏi chờ đợi. Mãi đến khi tôi tin chắc rằng chẳng ai quan tâm đến dự án của mình thì tôi lại nhận được email từ CEO của HWZ mời tôi đến nói chuyện.
Ngày hẹn rồi cũng đến, thằng sinh viên năm 3 nghèo rớt mùng tơi diện bộ đồ tươm tất nhất của mình đến văn phòng của HWZ. Mọi người tiếp tôi rất vui vẻ, nói chuyện và chia sẻ với tôi rất nhiều. Nhưng họ cũng chia sẻ với tôi rất thành thật rằng, thị trường Việt Nam không phải là ưu tiên hàng đầu của họ lúc bấy giờ. Hơn nữa, bản thân tôi cũng còn chưa hoàn tất việc học của mình. Số vốn mà tôi có được cũng quá nhỏ để có thể thật sự làm gì đó ở Việt Nam. Bản thân họ cũng cảm thấy rất ngại đầu tư vào Việt Nam vì môi trường đầu tư còn quá nhiều rào cản. Nói chung, họ mời tôi đến hóa ra chỉ để từ chối khéo tôi. Có lẽ không cần phải diễn tả những cảm xúc của tôi lúc ấy bạn vẫn có thể đồng cảm được. Hãy nói về bài học tôi rút ra:
Trong cuộc sống, chúng ta hay rất ngại nói lên mong muốn của mình với người khác vì sợ bị từ chối, sợ mất thể diện. Nhưng nói cho cùng, thể diện chỉ là thứ chúng ta tưởng tượng ra mà thôi. Nếu mong muốn của mình là một mong muốn tốt và chính đáng, xuất phát từ động cơ tốt, chẳng lý do gì mà phải ngại nói ra. Bởi lẽ khi nói ra, cái kết quả tệ nhất mà bạn nhận được cũng chỉ là không nhận được sự ủng hộ (như bạn chưa từng nói ra), nhưng nếu bạn được ủng hộ thì sao? Có phải là mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều hay không? Cho nên, đừng ngại nói lên mong muốn của mình vì biết đâu sẽ được.
Ngay cả trong trường hợp bạn bị từ chối đi nữa, bạn sẽ buồn hoặc thậm chí cảm thấy chút ít tổn thương đó. Nhưng bạn buồn và tổn thương được bao lâu? Tất cả rồi sẽ qua đi để lại trong bạn một con người mạnh mẽ và cứng cáp hơn.
Cách nào đi nữa cuối cùng bạn cũng có lợi nhiều nhất.
Nỗ lực khởi nghiệp thứ hai
Cuối năm 3 đại học, khi có dịp về Việt Nam để nghỉ hè, tôi quyết tâm khởi nghiệp lần nữa bằng bài học: “Cứ nói ra suy nghĩ tốt đẹp của mình, biết đâu sẽ được ủng hộ”. Tôi họp nhóm bạn cũ đều đang là sinh viên khoa Công Nghệ Thông Tin của trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM. Trong buổi họp mặt, tôi chia sẻ về ước mơ của mình thành lập một cái gì đó tương tự như HWZ ở Việt Nam. Mọi người đều ủng hộ.
Nhiều cuộc họp tiếp theo diễn ra trong tinh thần hăng hái và quyết tâm. Nhiều khi tôi tưởng chừng như mình sẽ thành lập công ty trong nay mai thôi. Thế nhưng khi mùa hè kết thúc, tôi phải quay lại Singapore để hoàn tất năm học cuối. Không có người lãnh đạo và truyền cảm hứng, “công ty” của chúng tôi chưa thành lập đã tan rã. Tôi không buồn nhưng tiếc. Tiếc vì sau này cùng một dạng ý tưởng như thế Việt Nam có những công ty làm rất thành công. Một lần nữa thất bại và lại thêm hai bài học khác được rút ra.
Bài học thứ nhất: Nếu đã nói làm kinh doanh thì phải nghiêm túc và suy nghĩ thấu đáo về khả năng tham gia của mình. Nếu không đảm bảo tham gia được thì tốt hơn hết là đừng làm để tránh lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc.
Bài học thứ hai: Nếu bạn không quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình, chắc chắn sớm hay muộn cũng có người thực hiện thay bạn.
Cuộc sống bấp bênh
Tấm bằng đại học là khởi đầu thuận lợi để bạn vào đời và tồn tại, nhưng chỉ có khát khao học hỏi không ngừng mới là chìa khóa đưa bạn đến thành công và thật sự sống.
Ba tháng tiền lương
Vì sống tự lập nên tôi đã phải lo đi xin việc từ trước khi tôi tốt nghiệp đại học. Theo lời khuyên của một số anh chị đi trước, tôi biết rằng khi mình đã đặt chân vào một công ty lớn thì rất khó mà có thể từ bỏ để xuống làm ở một công ty nhỏ hơn. Trong khi đó, tôi lại rất muốn tìm hiểu về cách điều hành và phát triển những hoạt động cần có của một doanh nghiệp mới. Thế nên, tôi quyết định bắt đầu từ vạch xuất phát bằng cách xin vào làm tại một công ty rất nhỏ.
Nhờ đã có kinh nghiệm làm việc và nhiều kiến thức tự học, tôi được nhận vào làm vài tháng trước khi tôi tốt nghiệp với mức lương tương đối ổn. Ngoài công việc chính là lập trình, tôi còn tham gia những công việc như: bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng… Đến ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp, tôi vẫn lóc cóc lê công ty lấy tài liệu mang về nhà để làm việc.
Sau một thời gian, thấy tôi chủ động và làm việc hiệu quả, vị giám đốc rất hài lòng nên đã tăng lương cho tôi thêm 30% ngay sau khi tôi chính thức tốt nghiệp. Nhờ thế, tôi trở thành một trong những người có việc làm sớm nhất và mức lương hấp dẫn nhất trong số những bạn bè tốt nghiệp năm ấy.
Cũng chính nhờ làm ở công ty này mà tôi hiểu được rằng, làm doanh nghiệp không có nghĩa là phải có một văn phòng hoành tráng hay một đội ngũ nhân viên hùng hậu. Là doanh nhân cũng không có nghĩa là cứ phải “đóng bộ” nhìn cho thật đẹp. Điều quan trọng nhất một doanh nhân cần tập trung vào không phải là văn phòng, hay quần áo đẹp, hay nhiều nhân viên, mà điều quan trọng nhất là làm cho doanh nghiệp của mình hoạt động hiệu quả và có thể phát triển.
Sếp tôi lúc ấy chỉ lớn hơn tôi vài tuổi nhưng là một doanh nhân rất năng động. Tôi học được khá nhiều điều từ anh. Trong một công ty nhỏ như thế, đồng nghiệp cũng rất gắn bó với nhau. Đây là thời gian mà tôi cảm thấy mình học hỏi được rất nhiều thứ hữu ích cho việc khởi nghiệp sau này.
Nhưng ít ai học được chữ “ngờ”, một năm sau đó, khi tôi đang ngồi làm việc tại công ty thì có toán cảnh sát ập tới. Không có sếp ở đó, họ tra xét chúng tôi đủ thứ về sếp và về công việc kinh doanh của công ty. Lúc đó, tôi cảm thấy hết sức bức xúc vì tự nhiên bị tra hỏi như tội phạm nhưng tôi vẫn cố gắng hợp tác với cảnh sát.
Sau đó, tôi mới biết là sếp tôi đã làm một số việc trái pháp luật. Công ty phá sản. Còn tôi thì không chỉ bị mất việc mà còn mất luôn ba tháng lương công ty còn nợ. Đến nước ấy, tôi mới nhận ra rằng mình đã bị lừa. Trong suốt những tháng cuối cùng, sếp luôn nói rằng công ty đang kẹt vốn trong một dự án lớn và khi vốn được giải phóng, những nhân viên kiên nhẫn với công ty sẽ được hậu đãi. Thế nên trong suốt 3 tháng ròng rã, tôi đã phải sống bằng tiền tiết kiệm của mình, không phải vì tôi mong được hậu đãi mà vì lòng trung thành và biết ơn. Dù sao đây cũng là công việc đầu tiên và sếp cũng đã đối xử rất tốt với tôi.
Cũng vì cái tính thẳng thắn, thật thà và trung thành với bạn bè của mình mà sau này tôi còn bị lừa lần nữa. Nhưng đó là chuyện sau này, còn quay lại lúc ấy…
Không được trọng dụng
Thất nghiệp còn tiền tiết kiệm thì sắp cạn nhưng tôi không cho phép mình nản chí. Biết rằng đó không phải là lúc để than thân trách phận, tôi chạy khắp nơi mong tìm được một công việc mới. Nhờ kinh nghiệm làm việc phong phú, tôi nhanh chóng tìm được một vị trí kỹ sư phần mềm trong một doanh nghiệp có quy mô vừa. Ở đây, tôi được trả lương cao hơn công ty trước.
Trong giai đoạn này, tôi vô tình đọc được một quyển sách có tên là Simple Steps to Impossible Dream (Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ). Quyển sách này đã truyền cho tôi rất nhiều động lực và quyết tâm vào lúc tôi cần nó nhất. Nhờ động lực có từ quyển sách, sau gần 2 tháng nỗ lực phấn đấu phát huy tinh thần làm việc chủ động và nhiệt tình trong công việc, tôi lại được tăng lương 25%. Thậm chí, sếp tôi còn hứa rằng sau một năm sẽ cho tôi thăng chức lên quản lý nếu tôi tiếp tục thể hiện tốt.
Thế nhưng trong quá trình làm việc, tôi phát hiện ra có khá nhiều vấn đề bất hợp lý trong cách điều hành và quản lí doanh nghiệp của sếp. Tôi nhìn thấy những điểm bất hợp lý này là vì khi còn học đại học, tôi không chỉ học kỹ sư mà còn học thêm một văn bằng phụ về quản trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, sau thời gian làm việc ở công ty cũ kiêm đủ mọi nhiệm vụ, tôi đã quen nhìn doanh nghiệp trong một bức tranh tổng thể hơn là chỉ biết có một góc công việc của mình. Chính vì lẽ đó, cho dù việc điều hành công ty không phải là việc của tôi, tôi vẫn dũng cảm tìm cách nói lên những suy nghĩ và ý tưởng của mình với sếp, nhằm giúp công ty vận hành hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sếp vẫn bỏ ngoài tai những lời góp ý của tôi.
Để rồi những tháng tiếp theo, công ty bắt đầu thua lỗ khoảng 100.000 USD mỗi tháng, sếp tôi biết mình sai nhưng vì đã lỡ nhận dự án và cũng đã đi được nửa đường rồi, muốn quay lại cũng không được. Nói chung, dự án mà tôi can ngăn sếp dừng lại hoặc đổi cách tiếp cận từ sớm giờ trở thành “trái đắng” cho công ty, nuốt không trôi mà nhả ra cũng không được. Hậu quả là sếp phải cắt 20% lương của mỗi nhân viên ngay trong lúc nền kinh tế Singapore đang phát triển rất tốt, ai cũng ăn nên làm ra. Tôi thật sự không tránh khỏi chạnh lòng khi cuối năm thấy bạn bè ai cũng được thưởng vài tháng lương còn công ty mình thì cứ èo uột, không được thưởng còn bị cắt lương. Tinh thần mọi người trong công ty đều dường như đã xuống đáy.
Thất vọng vì cảm thấy mình không được trọng dụng, tôi đành nộp đơn xin nghỉ việc trong khi sếp muốn giữ tôi lại. Để giữ chân tôi, sếp đã quyết định “tăng lương đặc biệt” cho tôi bằng cách giảm một nửa thời gian làm việc nhưng vẫn giữ mức lương hiện tại. Nói cách khác, nghĩa là lương tôi được tăng gấp đôi. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm rời công ty vì tôi làm việc không phải vì tiền hay sự thoải mái, mà tôi làm việc để được trọng dụng, được phát huy khả năng của mình và tạo giá trị thật sự. Nếu công ty không đáp ứng được cho tôi thì tôi không có lý do gì phải lưu luyến cả.
Trước khi rời công ty, tôi nói với sếp tôi rằng: “Vấn đề không phải là lương bao nhiêu, mà vấn đề là tôi cảm thấy mình không thật sự được trọng dụng cho dù có được trả lương hậu hĩnh đến mức nào”.
Biết tôi quyết định rời bỏ một công việc với mức lương tương đương 80 triệu mỗi tháng chỉ vì không được tạo cơ hội cống hiến cho công ty, có người nghĩ tôi chắc là “không bình thường”. Nhưng hơn ai hết, tôi biết việc mình đang làm, nếu tôi không thể hoặc không được phép phát huy khả năng của mình để tạo ra giá trị, tôi chẳng muốn nhận tiền của ai cả, vì như thế chẳng khác nào ăn bám.
Một lần nữa, tôi lại phải đối diện với đời sống thiếu thốn, cùng sự chán nản và mất niềm tin vào những vị sếp bất tài. Cũng chỉ vì chọn sai người lãnh đạo mình mà sau bao nhiêu nỗ lực, sau bao nhiêu thăng trầm, tôi vẫn thấy mình… dậm chân tại chỗ
Đầu tư vào bản thân và thay đổi cuộc đời
Trước khi bạn mơ ước trở thành một nhà đầu tư – đầu tư vàng, đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, đầu tư vào chính công ty của mình – hãy nhớ có một nơi mà bạn cần phải đầu tư đầu tiên. Đó là đầu tư vào chính bản thân mình, bởi vì đó luôn luôn là sự đầu tư an toàn và có lợi nhiều nhất.
Bế tắc, tôi gần như gục ngã, và cũng chính lúc đó, tôi nhớ đến Adam Khoo – người mà tôi từng tham dự một buổi diễn thuyết khi tôi vẫn còn là sinh viên.
Quay lại quá khứ một chút khi tôi vẫn đang là sinh viên năm 2 ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS), còn Adam là một đàn anh đi trước tôi 7 năm và đang là một trong những triệu phú trẻ nhất Singapore ở tuổi 28.
Năm ấy, Adam đến trường tôi để diễn thuyết miễn phí cho sinh viên và giới thiệu về khóa học của mình. Còn tôi là một trong số những sinh viên xếp hàng dài để có được một tấm vé vào cửa miễn phí ngày hôm đó. Cho dù buổi diễn thuyết chỉ gói gọn trong vòng khoảng 3 giờ đồng hồ, tôi đã học được nhiều điều về cuộc sống hơn cả 20 năm trước đó.
Ấn tượng về câu chuyện cuộc đời và quá trình phấn đấu vươn lên của Adam cũng phần nào tương tự cuộc đời mình, tôi có thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống. Nhất là lúc áy cũng là lúc tôi đang gặp nhiều khó khăn thử thách trong chuyện tình cảm, trong học tập, mất lòng tin vào bản thân mình và cuộc sống, lại nghèo rớt mồng tơi, bơ vơ nơi đất khách quê người.
Kết thúc buổi diễn thuyết, tôi ao ước được tham gia khóa học của Adam. Tuy nhiên, mức học phí ưu đãi cho sinh viên, dù giảm 30%, cũng đã lên đến 2.000 đô Singapore (khoảng 34 triệu đồng) cho vài ngày học. Số tiền ấy quá lớn đối với một sinh viên nghèo như tôi. Thật lòng mà nói, tôi chỉ muốn chạy lên sân khấu và năn nỉ Adam cho tôi được đi học khóa học ấy nhưng… nợ tiền. Tôi nghĩ rằng, nếu làm thế, chắc có thể Adam vì thương hại sẽ cho tôi tham gia khóa học của anh ta chăng. Nhưng rồi lòng tự trọng của tôi nổi lên và xua tan ý nghĩ điên rồ đó.
Tôi biết rằng, mình không thể sống và thành công bằng lòng thương hại của người khác. Cho dù tôi có thể van xin để được học một khóa học, nhưng tôi cũng không thể nào van xin ai cho mình thành công trong cuộc sống được. Nếu tôi không dựa vào sức của chính mình trước, thì chẳng ai sẽ muốn giúp tôi cả.
Và thế là, thay vì van xin Adam để được học khóa học ấy, tôi đặt cho mình một mục tiêu – đó là sẽ đăng ký học khóa học này sau khi tốt nghiệp ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Dù sao đi nữa thì một khóa học nổi tiếng như thế vẫn sẽ không biến mất nhanh chóng, và tôi cũng chỉ cần vài năm nỗ lực nữa thôi là có thể đến với khóa học.
Thế là cho dù không có cơ hội tham gia khóa học ấy ngay, tôi đã sống và thực hành những gì học được trong 3 giờ diễn thuyết ngắn ngủi của Adam. Điều đó thật sự giúp tôi cải thiện chất lượng cuộc sống của mình rất nhiều, giúp tôi vượt qua khủng hoảng tinh thần vì những chuyện buồn đến dồn dập trước đó. Cũng chính từ đó, tôi thật sự học được một bài học giá trị về thành công. Đó là: Học cách đứng trên đôi chân của mình trước, rồi hãy nghĩ đến chuyện người khác sẽ giúp mình. Chẳng ai muốn mất thời gian với những người chỉ chờ người khác giúp đỡ.
Cuối cùng, tôi cũng học xong đại học và tìm được ngay cho mình một việc làm lương khá tốt ngay trước cả khi… nhận bằng tốt nghiệp. Tôi tự nhủ với mình rằng, có lẽ mình không cần đi học Adam nữa vì mình đã đạt được nhiều thứ mà không hề cần Adam hay khóa học của anh.
Cho đến khi những thành công ban đầu đó đã trở thành mây khói, tôi hiểu rằng cuộc đời này thật sự không như là mơ. Có thể tôi có kiến thức, nhưng cái tôi thiếu là kỹ năng tư duy thành công và sức mạnh nội tại để mạnh mẽ hơn trước những thử thách to lớn của cuộc đời. Chỉ có như thế, tôi mới dám mong mình có thể tiến xa hơn trên con đường vươn tới thành công. Tôi thầm nhủ, đã đến lúc mình phải làm điều lẽ ra đã phải làm từ lâu, đó là đăng ký vào khóa học của Adam Khoo.
Ngay trong lúc đang rất khó khăn về tài chính, phải tiết kiệm từng đồng, tôi vẫn quyết định bỏ ra 3.000 đô Singapore (trả góp trong vòng 12 tháng) để tham gia khóa học chỉ kéo dài vài ngày. Lúc đó, cho dù rất quyết tâm, tôi cũng không tránh khỏi nghi ngờ sự sáng suốt của mình trong quyết định này. Cũng may đối với tôi, tiền bạc là thứ cần thiết nhưng không phải là thứ tối quan trọng, nên tôi sẵn sàng “liều một phen”. Nếu lỡ bị lừa thì coi như một bài học kinh nghiệm đắt giá vậy.
Học cách quản lý tiền bạc không phải là học cách tiêu tiền của mình vào việc gì mà là học cách đầu tư tiền của mình vào việc gì để tạo ra giá trị cho bản thân.
Tôi đã cảm thấy rất hối hận sau khi học khóa học ấy. Tôi hối hận tại sao khi còn là sinh viên tôi đã không dám “liều một phen” tìm cách có đủ tiền đi học khóa học này. Nếu tôi học được từ khi còn là sinh viên, học phí vừa rẻ hơn và giá trị nhận được sẽ còn cao hơn. Bởi lẽ tôi đã có thể bắt đầu nỗ lực, quyết liệt hơn từ lúc sớm, và nhờ đó tiến xa, tiến nhanh hơn rất nhiều.
Những gì tôi học được là những thứ theo tôi cả đời. Học trước hay học sau cũng là học. Học trước hay học sau cũng tốn tiền. Tại sao tôi không quyết tâm học sớm để có thể áp dụng sớm hơn? Đó là điều duy nhất khóa học làm tôi cảm thấy hối hận.
Ngày hôm nay nhìn lại, tôi nhận ra rõ ràng một điều rằng, đầu tư vào bản thân là đầu tư sáng suốt nhất và có lợi nhất. Bởi vì từ sau khóa học ấy, cuộc đời tôi đã bắt đầu thay đổi hoàn toàn theo cách mà đôi khi chính tôi còn cảm thấy khó tin.
Năm 2007 tôi chỉ là một người làm thuê như bao người khác. Còn bây giờ, tôi là chủ một công ty của mình, có cổ phần trong nhiều công ty khác, và được tự do theo đuổi những mơ ước to lớn hơn. Nhưng trên cả công việc kinh doanh tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều, nhất khi có thể mang lại ít nhiều những giá trị tốt đẹp cho gia đình, bạn bè và cả xã hội. Đó cũng chính là lý do tại sao sau này tôi xin bản quyền khóa học mà tôi đã từng học với Adam, chắt lọc những nội dung hay nhất, rồi bổ sung thêm những nội dung mới cho phù hợp với văn hóa và hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam, để tạo thành khóa học Sống Và Khát Vọng – một khóa học tư duy thành công đặc biệt chỉ dành cho người trưởng thành.
Có những người không có bằng cấp vẫn thành công, nhưng không có những người không học mà vẫn thành công.
Sau khóa học với Adam, tôi quyết tâm không lặp lại sai lầm cũ – đó là không dám đầu tư vào bản thân mình. Việc đầu tiên là tôi đọc hết ngay hai quyển sách khác cũng rất hay của Adam Khoo là Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh và Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú.
Đọc xong hai quyển sách này, tôi phát hiện ra mình còn thiếu quá nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết để vươn đến thành công. Cũng may lúc ấy, chính sách vay tiền tiêu dùng của các ngân hàng ở Singapore đang khá thoải mái, thế là tôi vay tiền và bắt đầu đăng kí tham gia liên tiếp một loạt các khóa học ngắn ngày khác về quản trị, lãnh đạo, tiếp thị, bán hàng, kinh doanh chứng khoán, làm giàu,… Tổng chi phí cho các khóa học ngắn ngày này lên đến khoảng gần 10.000 đô Singapore, nhưng hôm nay nhìn lại, tôi thấy rất xứng đáng với chi phí đầu tư của mình.
Sau khi học nhiều khóa học, chất lượng tốt cũng có, chất lượng tầm tầm cũng có, tôi nhận ra rằng, những khóa học ngắn ngày chất lượng thật sự sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với những khóa học dài ngày nhưng lại kém chất lượng.
Những khóa học ngắn ngày chất lượng thường có hàm lượng kiến thức thực tế và hữu ích cao, tiết kiệm thời gian học (vì nội dung được chọn lọc) và tiết kiệm cả thời gian công sức đi lại. Tôi thà học một khóa học ngắn mà chất lượng còn hơ học một khóa học kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, với nhiều giờ học nhưng lại không có sự chắt lọc về mặt kiến thức.
Khi đi học, tôi tâm niệm tiền không phải là thứ lớn nhất tôi mất, thứ lớn nhất đó là thời gian. Cho nên, tôi chỉ muốn học những khóa học hiệu quả và chất lượng nhất.
Cái khó khi đầu tư vào bản thân mình cũng tương tự như đầu tư vào bất cứ lãnh vực gì đó là đầu tư vào đâu? Vì thật sự không phải diễn giả nào cũng có “chất”, ở Singapore cũng thế, có những diễn giả cũng có tiếng, tự nhận là chuyên gia số một trong lãnh vực này hoặc lãnh vực khác, nhưng về sau lại bị báo chí phanh phui là dùng bằng giả và sử dụng nhiều chiêu trò lừa đảo khác.
Đó cũng chính là lý do tại sao, tôi không thích tạo ra quá nhiều chương trình, nhiều khóa học khác nhau, nhưng lại kém chất lượng. Khi người học không hài lòng, nhẹ thì mất uy tín, còn nặng thì thậm chí còn bị cho là lừa đảo. Nhưng trên hết, tôi sẽ thấy mình rất có lỗi với những khách hàng tin tưởng tôi nếu tôi không đầu tư đủ sâu vào thiết kế nội dung các chương trình và khóa học của mình.
Bởi vì đầu tư vào bản thân là một quá trình thường xuyên và lâu dài, tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất, mà thời gian mới là điều quan trọng nhất. Không gì lãng phí bằng việc theo học một khóa học kém chất lượng làm mất thời gian của chính mình. Cho nên, khi bạn quyết định đầu tư vào bản thân, hãy tìm hiểu và lựa chọn thật kỹ chương trình, khóa học mình muốn tham gia để tránh lãng phí tiền bạc và thời gian.
Học cách quản lý thời gian không phải là học cách dùng thời gian của mình vào việc gì mà là học cách đầu tư thời gian của mình vào việc gì.
Cho và nhận
Sau các khóa học, với mong muốn rèn luyện và hiểu rõ hơn về những kiến thức đã được học, tôi còn xin làm huấn luyện viên cho các khóa học của Adam Khoo. Mặc dù phải trải qua một kỳ thi tuyển rất gắt gao còn hơn khi đi xin việc làm ở các công ty lớn, nhưng kì thực, công việc huấn luyện viên này lại là một công việc hoàn toàn mang tính tình nguyện. Thậm chí, huấn luyện viên còn phải tự bỏ kinh phí cho các nhu cầu cá nhân của mình, bao gồm cả ăn uống, trong suốt quá trình làm việc. Chính vì thế, giá trị lớn nhất một huấn luyện viên nhận được không phải là tiền mà là cơ hội để rèn luyện bản thân, nâng cao kiến thức và học hỏi kinh nghiệm.
Ngạc nhiên thay, thông qua công việc huấn luyện viên tình nguyện, từ việc sẵn sàng cho đi thời gian, công sức và cả chút ít tiền bạc của mình, tôi nhận được lại hơn những điều tôi mong muốn rất nhiều.
Nhiệm vụ của tôi là lắng nghe, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn các học viên những kỹ năng tư duy thành công. Mặc dù công việc này khiến tôi phải xin nghỉ phép không lương ở công việc chính của mình, nhưng tất cả thời gian, tiền bạc và công sức đó đều là một sự đầu tư hết sức đáng giá. Nó không chỉ mang lại cho tôi thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp, nhiều cơ hội, nhiều kinh nghiệm sống phong phú, mà trên hết là cảm giác hạnh phúc thực sự mỗi khi được chia sẻ và giúp đỡ người khác, vì ngay cả những người có tuổi hoặc thành công hơn tôi rất nhiều, họ vẫn có những vấn đề mà tự bản thân họ không tháo gỡ được.
Tôi không thể quên được những lần học viên ôm tôi khóc vì tôi giúp họ tháo gỡ được những vướng mắc trong cuộc sống, hay giúp họ nhìn thấy ánh sáng của hy vọng cuối con đường. Những lúc như thế, tôi thấm thìa một điều rằng, trong cuộc sống này, khi thật sự biết cho đi, ta sẽ nhận được lại gấp nhiều lần như thế. Tôi hy sinh một chút lợi ích bản thân để rồi ngạc nhiên khi mình nhận được những giá trị hết sức to lớn mà không gì có thể so sánh được.
Câu nói này xin tặng những người bạn và đồng đội của tôi – những người đã, đang hoặc sẽ trở thành một phần của TGM Coach Family-đội ngũ đầy tự hào của những con người góp phần tạo nên sự khác biệt.
Có tiền bạn có thể mua được nhiều thứ, nhưng bạn sẽ không bao giờ mua được những giọt nước mắt hạnh phúc và biết ơn của một người tựa vào vai bạn mà khóc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.