Sống Và Khát Vọng

Tự lập



“Bạn trưởng thành khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành một điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình”

– Phạm Lữ Ân

Chuyện ăn ở

Sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục cho chuyến đi Singapore, tôi háo hức chờ đến ngày được bước chân lên máy bay lần đầu tiên để đến với miền đất hứa. Cả gia đình ai cũng lo cho tôi theo nhiều cách khác nhau.

Mặc dù tôi được học bổng toàn phần, nhưng ba vẫn chạy vạy khắp nơi để vay được 1.000 đô cho tôi mang theo phòng thân. Vì đây là lần đầu tiên tôi đi máy bay, cả nhà tôi ai cũng lo lắng máy bay… bị rơi, thế là mẹ động viên tôi trích 300 đô tiền ba cho để đặt vé của hãng hàng không Singapore cho an toàn. Không những vậy, mẹ còn chuẩn bị cho tôi đủ thứ từ quần áo, tập vở,… cho đến chăn gối, bột giặt,… và cả đồ hộp, mì gói,… để tiết kiệm được chút nào hay chút ấy khi sang Singapore. Công việc chuẩn bị này kéo dài khoảng một tháng và hoàn thành hơn một tuần trước ngày tôi lên đường, chủ yếu không phải là có quá nhiều thứ để chuẩn bị mà là do mẹ và tôi đều quá háo hức. Kết quả là tôi ra sân bay cùng mấy vali hành lý to đùng lên đến gần 60 kg.

Lần đầu tiên được đi máy bay, và còn đi với tư cách là một sinh viên du học, tôi thấy vô cùng hãnh diện và hồi hộp. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Changi, một trong những sân bay đẹp và hiện đại nhất thế giới, tôi tưởng mình vừa đến “thiên đường” mà không hề biết rằng còn vô vàn thử thách đang đợi mình ở phía trước.

Cả đoàn sinh viên từ Việt Nam sang Singapore đợt đó cùng với tôi bao gồm khoảng mười người. Sau khi hoàn tất thủ tục nhận phòng kí túc xá, tụi tôi rủ nhau đi ăn tối. Xuống căn-tin thuộc loại rẻ tiền nhất kí túc xá (không được trang bị máy điều hòa cho dù thời tiết ở Singapore khá nóng), đứa nào cũng tròn xoe mắt ngạc nhiên vì một suất ăn sinh viên bình dân rẻ nhất ở đây cũng có giá đến 2 – 3 đô la Singapore (tương đương 35 – 50 nghìn đồng). Nếu muốn ăn đàng hoàng một chút thì phải sẵn sàng chi ra 3 – 4 đô la Singapore (tương đương 50 – 70 nghìn đồng). Ăn cơm căn-tin vài bữa là chúng tôi đã thấy túi tiền sinh viên của mình nhẹ hẳn đi.

Thế là tôi kêu gọi mọi người cùng hùn tiền đi chợ và chia nhau luân phiên nấu ăn, rửa chén cho cả nhóm để tiết kiệm tiền. Nếu không thì chúng tôi khó lòng mà “sống sót” qua học kì đầu tiên. Nhưng cũng chính nhờ vậy, tuy hơi mất công và thời gian một chút, chúng tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí, đồng thời lại có những bữa ăn vui vẻ ấm cúng cùng nhau như một gia đình nhỏ.

Chuyện ăn có lẽ dễ giải quyết nhưng còn chuyện ở thì đúng là nan giải. Khi ở Việt Nam, tôi cứ nghĩ rằng chắc ở Singapore kí túc xá sẽ to và đẹp lắm. Và đúng như thế thật, kí túc xá nơi tôi ở vì mới được xây sau này nên nhìn bên ngoài to đẹp chẳng kém gì một khách sạn 2-3 sao, với hàng chục khối nhà cao tầng nằm trong một khuôn viên khá đẹp. Nhưng mỗi sinh viên chỉ được ở một căn phòng nhỏ với diện tích khoảng 9m2 (vì đất ở Singapore rất đắt đỏ). Mỗi phòng chỉ đủ kê một chiếc giường đơn, một chiếc bàn học và một cái tủ đựng quần áo. Mùa hè trời nóng, tôi bật quạt hết công suất mà vẫn có cảm giác như đang ở trong lò bát quái. Buổi tối tôi thường phải cởi trần ra nằm ngủ dưới nền đất mà vẫn nóng đến nỗi không ngủ được. Lúc ấy, nhìn những bạn gia đình khá giả có điều kiện ở khu kí túc xá có máy lạnh mà tôi “phát thèm”.

Nói chung, chuyện ăn ở đời sinh viên dù là ở Singapore đi nữa cũng nhọc nhằn chẳng kém ở Việt Nam là bao, nhất là khi túi tiền “quá nhẹ”. Nhưng chính cuộc sống khó khăn và thiếu thốn trong giai đoạn ấy đã giúp cho tôi biết cách xoay sở tiết kiệm và học cách chịu đựng để có thể sống tự lập trên một đất nước xa lạ.

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mỗi người phải học đó là học cách sống tự lập, không dựa dẫm vào người khác. Nhưng sống tự lập không có nghĩa là chúng ta tách khỏi gia đình, sống buông thả, cô đơn, trống rỗng, vô nghĩa và chỉ biết đến bản thân mình. Sống tự lập chính là việc bạn phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, biết làm chủ hoàn cảnh, chủ động tìm ra cách ứng phó với thử thách và luôn cố gắng đi lên bằng chính đôi chân của mình.

Tôi cảm ơn số phận đã cho tôi sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng coi trọng giáo dục, để tôi có dịp trải nghiệm những khó khăn của cuộc sống và từ đó khát khao vươn lên thoát nghèo.

Chuyện học tập

Cho dù khó khăn, chuyện ăn ở cũng không đáng lo ngại bằng chuyện học tập. Kết quả học kì đầu tiên của tôi rất thấp bởi tôi chưa thích ứng được với phương pháp học tập hoàn toàn xa lạ tại NUS, và cũng vì tôi gặp phải một cú sốc lớn trong năm học đầu tiên.

Ở NUS, sinh viên phải hết sức chủ động trong việc học của mình. Tôi không có một thời khóa biểu cố định mà phải tự chọn lớp, chọn môn cho mình, tự sắp xếp thời khóa biểu học và thi sao cho không trùng lặp, tự đăng ký học phần, và tự tìm nhóm bạn để cùng làm các đề án.

Chúng tôi phải làm rất nhiều đề án nhỏ khác nhau và số điểm dành cho các đề án này thường chiếm tỉ lệ khá cao (50 – 80% tổng điểm cuối kì của mỗi môn). Muốn có kết quả tốt, các thành viên trong nhóm phải giao tiếp hiệu quả với nhau và phối hợp chặt chẽ trong công việc. Thời gian đầu, tôi không có điện thoại di động để liên lạc, cũng không có máy tính xách tay để kiểm tra email liên tục nên thường xuyên bỏ lỡ những buổi họp nhóm và không cập nhật kịp thời thông tin về đề án. Hậu quả là vào khoảng gần cuối học kì, tôi bị đuổi ra khỏi nhóm và bị đánh giá là thành viên vô trách nhiệm. Lúc ấy, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, nhưng tôi nhận ra rằng mình cần phải học cách các bạn Singapore làm việc và giao tiếp với nhau để có thể vươn lên trong môi trường này. Thế là tôi quyết định đầu tư cho mình một “chú dế di động” để phục vụ việc học tập. Có lẽ trong thời đại hiện nay, việc sắm một “dế yêu” là chuyện hết sức bình thường. Nhưng hơn 10 năm trước, khi mà điện thoại di động ở Việt Nam vẫn còn là một thứ rất xa xỉ, việc tôi sắm “chú dế” đầu tiên cho mình đối với tôi là “một bước nhảy vọt”.

Khác hẳn với thời còn ở Việt Nam, từ khi tiếp xúc với môi trường và cách học tập rèn luyện ở NUS, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng, điểm số và giá trị bằng cấp trong trường học dù quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất như lúc trước. Tôi bắt đầu đến với các lớp kỹ năng sống và kỹ năng mềm để học thêm những điều tưởng chừng như đơn giản về cuộc sống và về người xung quanh, nhưng bao nhiêu năm qua tôi chưa bao giờ được học hay được biết. Chính nhờ việc tham gia những lớp kỹ năng như thế, tôi bắt đầu ý thức được việc vạch ra con đường của chính mình từ rất sớm.

Bên cạnh việc học trong trường, tôi bắt đầu quan tâm xem thị trường lao động cần những kỹ năng gì mà nhà trường không dạy. Tôi bắt đầu mày mò tự học những kiến thức có tính ứng dụng thực tế, có thể giúp tôi tạo ra giá trị cho cuộc sống. Hễ có thời gian rảnh, tôi lại mày mò tự học đủ thứ, từ các kỹ năng như là lãnh đạo, làm việc nhóm, cho đến cách thiết kế website, làm đồ họa,… và thậm chí cả khiêu vũ.

Trong học tập, ngoài những môn thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin, tôi đăng kí học thêm các môn: quản trị doanh nghiệp, kế toán, tiếp thị, tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình,… Hoặc những lúc rảnh rỗi được nghỉ giữa 2 học kỳ, tôi tìm đọc các cuốn sách dạy về nguyên tắc thành công, sách lãnh đạo, sách tâm lý, kinh doanh,…

Khi ra trường, mặc dù điểm số của tôi chỉ ở mức khá, nhưng nhờ những kiến thức tự tích lũy và kinh nghiệm làm thêm trong suốt thời gian học, tôi có được việc làm ngay cả trước khi tôi hoàn tất những môn thi cuối cùng, với mức lương thuộc hàng “đỉnh” trong số bạn bè ra trường năm đó.

Tinh thần tự học đó sau này cũng giúp ích cho tôi trong việc gây dựng, điều hành và phát triển TGM Corporation từ một công ty chỉ có 4 thành viên trở thành một công ty với gần 200 thành viên chỉ trong vòng hơn 2 năm.

Cũng bởi vì ngay từ khi còn là sinh viên, tôi đã luôn đề cao tinh thần tự học, nhất là tự học những điều thực tế, nên khi thiết kế những khóa đào tạo hoặc chọn những quyển sách để xuất bản, tôi luôn hướng tới việc tạo ra những giá trị thật cho khách hàng của mình hơn là chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức. Chính vì thế, các khóa học của TGM đều được thiết kế dựa trên mục tiêu cung cấp những kỹ năng mang tính ứng dụng cao, những trải nghiệm thực tế, và tránh xa việc đặt nặng vào lý thuyết hay giáo điều. Còn những quyển sách của TGM thì đều được biên dịch hoặc viết một cách gần gũi và thực tế, dễ đọc, dễ nhớ và dễ áp dụng. Ngay cả khi tôi viết quyển sách này, tôi cũng dành thời gian hỏi ý kiến nhiều người để đảm bảo cách viết cũng phải dễ đọc, nội dung phải dễ nhớ và kiến thức phải dễ áp dụng.

Việc học – hay như tôi vẫn thích gọi là “đầu tư vào bản thân mình” – không bao giờ là đủ. Nhưng trong vô vàn những thứ có thể học, chúng ta có quyền lựa chọn học những gì có thể giúp mình trở thành một con người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Dù bạn có trong tay tấm bằng xuất sắc đi nữa thì cũng chẳng có ích gì nếu những mớ kiến thức học được không giúp bạn phát huy tiềm năng của mình và tạo giá trị cho cuộc sống. Hơn thế nữa, đầu tư vào bản thân mình là việc cả đời. Một tấm bằng có thể có giá trị vài năm đầu nhưng nếu thiếu sự tiếp tục đầu tư thường xuyên và lâu dài thì bằng cấp cũng chỉ còn là lớp vỏ bọc bên ngoài cho mớ kiến thức cũ kỹ lạc hậu bên trong.

Chuyện kiếm sống

Năm thứ nhất ở Singapore khá chật vật đối với tôi. Vì luật pháp Singapore cấm không cho sinh viên năm nhất đi làm nên tôi phải sống hoàn toàn dựa vào tiền học bổng và trợ cấp của gia đình. Chính vì thế, vào kì nghỉ hè sau năm thứ nhất, trong khi bạn bè có điều kiện về nước thăm gia đình thì tôi phải ở lại và chạy khắp nơi xin việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống.

Thời gian này cũng là thời gian mà tôi bắt đầu thay đổi cách mình tư duy về tiền bạc. Trong suốt cả năm học trước đó, lúc nào tôi cũng rất ki bo đến từng li từng tí. Thậm chí, có lần muốn mua một que kem ở khu bình dân tôi cũng phải suy nghĩ đi suy nghĩ lại, và rồi quyết định không mua vì cảm thấy quá đắt so với ở Việt Nam. Chính vì mua một que kem mà còn phải suy nghĩ nên những thứ khác lớn hơn tôi đều cố gắng tiết kiệm. Tôi còn nhớ lúc ấy, mặc dù biết rằng điện thoại di động khá cần thiết cho việc liên lạc với bạn bè sắp xếp thời gian họp nhóm và làm việc nhóm, tôi cũng không dám mua dùng. Mãi cho đến khi gặp rắc rối với mấy đứa bạn cùng nhóm và bị cho là vô trách nhiệm (do thường xuyên lỡ các cuộc họp mặt làm việc) thì tôi mới chịu bỏ tiền ra mua điện thoại.

Có lẽ tôi sẽ cứ như thế mãi nếu như tôi không có dịp tình cờ ngồi đọc một số bài báo về tài chính cá nhân trên mạng, tôi bắt đầu nhận ra nhiều điều.

Tôi nhận ra rằng, việc ki bo (không dám ăn, không dám mặc, không dám chi tiêu hợp lý,… chỉ vì muốn tiết kiệm tiền) thật ra là một sự lãng phí to lớ (lãng phí cuộc sống của chính mình và lãng phí những cơ hội), vì ki bo khiến chúng ta chỉ đơn giản tập trung vào việc lấy khó khăn để bù cho khó khăn, mà không tập trung vào tạo ra giá trị gì cho bản thân, gia đình và xã hội. Cho nên, thay vì dành thời gian suy nghĩ làm cách nào để tiết kiệm từng đồng từng cắc thì tôi bắt đầu dành thời gian suy nghĩ làm cách nào để kiếm được nhiều tiền bằng sức lao động và khả năng của chính mình.

Bên cạnh đó, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, tôi hết sức ủng hộ việc chi tiêu hợp lý, vì số tiền tiết kiệm được có thể dùng để đầu tư vào nhiều thứ khác nhau để mang lại những lợi ích to lớn và lâu dài hơn.

Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình không được lãng phí tiền bạc vào những thứ không cần thiết, còn đối với những thứ tôi đã cho là cần thiết thì tôi chẳng bao giờ tiếc tiền cả. Nói cho cùng, tiền bạc phải là một công cụ chứ không thể là một ông chủ.

Khi không còn phải chịu sự ràng buộc của luật pháp Singapore về việc cấm sinh viên năm nhất đi làm thêm, tôi đã quyết tâm phải kiếm tiền để đầu tư cho chất lượng cuộc sống và chất lượng việc học của mình. Không gia đình, không quen biết, tôi học cách hoàn toàn đứng trên đôi chân mình, kiếm sống bằng chính đôi tay và khối óc của mình.

Vấn đề là ở chỗ vào thời điểm đó, kinh tế Singapore đang xuống dốc trầm trọng, cho nên thậm chí đến vị trí làm bồi bàn tôi cũng chẳng xin được vì… thiếu kinh nghiệm!? Chưa kể khi kinh tế đi xuống là khi hoạt động bán hàng đa cấp phát triển rầm rộ hơn vì nhiều người mất việc làm.

Tôi vẫn còn nhớ lần đó sau khi đọc một thông tin tìm người trên báo, tôi tìm đến công ty nọ. Hoàn toàn ngược với những lần tôi đi tìm việc trước, lần này tôi được tiếp đón hết sức niềm nở bởi một chị rất xinh diện bộ đồ vest nhìn khá lịch sự. Sau khi ngồi nghe chị giảng một hồi về việc làm giàu bằng bán hàng đa cấp tôi cảm thấy có gì đó không ổn nhưng không giải thích được. Đó chỉ là một trực giác vì lúc ấy tôi vẫn còn là một sinh viên khờ khạo chẳng có tí kiến thức gì về kinh tế. Nhưng tôi tin vào trực giác của mình nên đã quyết định nhanh chóng tìm đường rút lui bằng cách giả vờ ngu ngơ không hiểu rõ tiếng Anh.

Cũng may là lần đó tôi đã tỉnh táo vì sau này có một vài bạn sinh viên Việt Nam ở Singapore cũng tham gia bán hàng đa cấp và vô tình gây ra một vụ tai tiếng rất lớn trong cộng đồng. Đến nỗi Hội Sinh Viên Việt Nam tại NUS phải gởi cả một thông báo chính thức để cảnh báo toàn bộ các bạn sinh viên. Còn ở Việt Nam thì báo Tuổi Trẻ cũng có một bài viết về vụ việc này. Từ góc độ của mình, tôi nghĩ những bạn sinh viên liên quan đến vụ việc ấy rốt cuộc cũng chỉ là nạn nhân của những trò lừa đảo tinh vi đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết mà thôi. Tuy nhiên, hệ quả thì thật khôn lường vì các nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn phải chịu sự nghi ngờ của người xung quanh đối với họ sau đó một thời gian. Thế mới biết, co đường tự bươn chải kiếm sống cũng thật lắm cạm bẫy.

Sau năm lần bảy lượt tìm việc làm thêm không thành, phải đi làm một số việc thời vụ lặt vặt để kiếm sống, cuối cùng tôi cũng tìm được công việc trợ lý về công nghệ thông tin cho vị giáo sư ở khoa Quản Trị Kinh Doanh của trường. Công việc của tôi là quản trị và cập nhật tin tức cho một trang web thông tin kinh doanh và hướng dẫn vị giáo sư những kiến thức tin học cần thiết. Công việc cũng khá cực vì vị giáo sư rất khó tính, nhưng tôi biết chắc rằng so với những công việc tay chân hay thời vụ thì công việc này dễ dàng hơn nhiều nên tôi lại càng cố gắng. Từ đó, tôi có một nguồn thu nhập nhỏ nhưng khá ổn định đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên của mình.

Điều đáng nói ở đây là tôi được nhận vào làm công việc này không phải nhờ kiến thức tôi học trong trường mà là nhờ những kiến thức tôi tự học được trong kì nghỉ giữa năm vừa rồi. Tôi lại càng thấm thìa bài học về đầu tư vào chính bản thân mình.

Chuyện tình cảm

Không phải những điều bạn đã trải qua quyết định bạn là ai, mà chính cách bạn bước qua những điều đó sẽ quyết định bạn là ai.

Có một cảm xúc mà có lẽ chỉ những ai đã từng một lần xa quê hương, xa gia đình, xa những người mình yêu thương mới hiểu đến tận cùng. Đó chính là sự trống vắng. Và nó còn trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết nếu bạn phải xa cả người mình yêu.

Mối tình học trò tuyệt đẹp của tôi bắt đầu vào cuối năm tôi học lớp 11. Gia đình cả hai chúng tôi đều rất lo lắng vì sợ rằng chuyện tình cảm này sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của chúng tôi. Nhưng chính vừa lo lắng và cũng vừa cảm thông mà hai gia đình đã hướng chúng tôi vào con đường tốt. Bởi lẽ, tình yêu bản thân nó không có lỗi. Tình yêu chỉ đơn giản là một sức mạnh, và sức mạnh ấy được dùng để tàn phá cuộc đời hay làm những điều tốt đẹp cho cuộc đời là do lựa chọn của mỗi chúng ta.

Với tình yêu ngây ngô tuổi học trò của mình, chúng tôi thích dành thời gian ở bên nhau càng nhiều càng tốt, và cách tốt nhất để “danh chính ngôn thuận” dành thời gian ở bên nhau là cùng ngồi học ngay tại nhà. Lúc thì tôi sang nhà cô ấy, lúc thì cô ấy sang nhà tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng xin phép gia đình đưa nhau đi chơi, đi xem phim, nhưng phần lớn thời gian chúng tôi cùng học với nhau. Chưa bao giờ, chúng tôi có nhiều lý do để học như thế.

Kết quả là vào năm lớp 12, chúng tôi đều tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học loại xuất sắc, đều được tuyển thẳng vào đại học mà không cần thi, và đều đậu thêm vào Đại Học Ngoại Thương và Học Viện Ngân Hàng. Riêng tôi còn đậu Á khoa trong kỳ thi vào Học Viện Ngân Hàng.

Và cũng với tình yêu ấy, tôi quyết định đi du học như bạn đã biết. Chẳng lẽ người yêu tôi sang tận New Zealand để du học mà tôi lại không dám mơ ước cho mình ra biển lớn. Để chuẩn bị cho chuyến ra biển lớn ấy, chúng tôi lại làm một việc cùng nhau – học. Lần này là học tiếng Anh để luyện thi IELTS. Chúng tôi ngồi học cùng nhau, chia sẻ tài liệu, băng ghi âm cho nhau, động viên tinh thần nhau để cùng tăng tốc tối đa vì thời gian không còn nhiều.

Rồi chúng tôi cùng xa quê hương và xa nhau, mỗi người một nơi trên hành trình ra biển lớn của riêng mình. Những ngày tháng đầu xa nhau là những ngày tháng của nỗi nhớ. Mắt tôi cay cay khi nhận được lá thư viết tay chất chứa bao nhớ nhung của cô ấy với những câu thơ của Xuân Quỳnh.

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương Trăm nghìn con sóng đó Con nào chẳng tới bờ Dù muôn vời cách trở

Thế nhưng, nỗi nhớ ấy cũng phôi pha cùng với thời gian và muôn trùng cách trở. Một ngày tôi vô tình phát hiện được cô ấy đã bắt đầu cảm mến một người khác. Ngay ngày hôm sau, qua điện thoại cách nhau gần mười ngàn cây số, cô ấy đã nói lời chia tay rồi nhanh chóng cúp máy mà không có một lời giải thích.

Không gì có thể diễn tả nỗi đau ấy nên có lẽ cũng chẳng phải viết ra thành câu thành chữ. Trong vòng vài tháng tiếp theo sau đó, tôi sụt 4 – 5 cân. Việc học thì bị ảnh hưởng trầm trọng vì tôi không thể nào bắt đầu óc mình suy nghĩ và tập trung được, vốn là sinh viên được nhận học bổng, nhưng học kỳ ấy, tôi nhận được thư cảnh báo của nhà trường vì đã để việc học sa sút thấy rõ.

Chính trong giai đoạn ấy, tôi bắt đầu có những sự thay đổi cơ bản bên trong con người mình. Thứ nhất là chuyển biến trong hiểu biết về tình yêu đôi lứa. Tôi hiểu được rằng, trong cuộc sống thật, nhất là trong những hoàn cảnh xa xôi cách trở cả về không gian lẫn thời gian, tình yêu khó lòng có thể được duy trì bền vững, có câu “xa mặt, cách lòng” là vì thế.

Dĩ nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng chúng ta vẫn phải dám nhìn thẳng vào sự thật rằng nó khó.

Thêm một sự thật nữa đó là tình yêu có hai mặt của nó, nếu chúng ta không giải thích được tại sao mình bắt đầu yêu một người, thì chúng ta cũng khó giải thích được tại sao mình không còn yêu người ấy nữa. Hiểu được điều này, tôi vẫn đau nhưng tôi không giận và không trách cô ấy. Tôi còn vui khi sau này biết được rằng, người làm cho cô ấy quyết định chia tay với tôi rốt cuộc cũng đã trở thành chồng cô ấy. Lần cuối tôi biết tin thì hai vợ chồng đã có với nhau một đứa con.

Khi tổn thương trở thành một “thói quen” thì con người ta tự nhiên biết cách sống trong bình thản.

Rốt cuộc thì tôi cũng hiểu rằng, trong tình yêu không có ai phản bội ai hay ai phản bội lời thề, chỉ là mỗi người đều có một lựa chọn để mong mình có một cuộc sống hạnh phúc hơn, và trên hết là để người còn lại không phải mãi sống trong ảo tưởng của sự lừa dối. Chia tay người cũ để đến với một người mới, hay vẫn ở bên người cũ để rồi cứ mãi tơ tưởng nhớ nhung người mới, về bản chất vẫn là tình yêu đã thay đổi.

Trong trường hợp thứ nhất, một người sẽ rất đau và một người sẽ rất dằn vặt lương tâm, và nếu người cũ vẫn còn đau thì tình yêu mới vẫn mãi không được trọn vẹn.

Còn trong trường hợp thứ hai, chẳng ai đau ngay, nhưng nó sẽ là một nỗi đau kéo dài, vì mối quan hệ giữa hai người sẽ càng ngày càng phai nhạt vì tình yêu đã không còn đó, những xung đột vì những chuyện nhỏ nhặt sẽ dễ xảy ra hơn. Hệ quả tất yếu là cả hai đều không hạnh phúc với nỗi đau vô tận trong lòng, mỗi người một cách, ngay cả đau cũng không thể đau cùng một nỗi đau. Tệ hơn nữa, tất cả chỉ là vỏ bọc và sự lừa dối.

Trong cả hai trường hợp đều không có đúng hoặc sai, tốt hay xấu. Bởi lẽ, nếu đứng trước hai lựa chọn một tốt – một không tốt, ta dễ dàng chọn cái tốt. Nhưng nếu đứng trước hai lựa chọn đều không tốt như nhau ta biết chọn cái nào đây. Nhất là khi mỗi lựa chọn đều để lại những hậu quả to lớn lâu dài. Cách nào đi nữa thì đây cũng sẽ là một lựa chọn hết sức khó khăn vì cả hai người đều sẽ bị tổn thương (trừ khi ngay từ đầu tình cảm của họ đã không phải là tình yêu thực sự).

Mối tình đầu của tôi đã lựa chọn cách thứ nhất. Cô ấy chọn để tôi đau và chọn mang tiếng xấu của “kẻ phản bội”. Lúc đầu, tôi cũng gán cho cô ấy ba tiếng cay độc này khi nỗi đau trong lòng vẫn còn quá lớn. Nhưng nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi cùng với thời gian. Trong lúc nỗi đau đớn bất tận ấy đang nghiền nát trái tim mình, tôi đã vô tình đọc được một bài báo trên mạng. Bài báo ấy nói rằng, nếu chúng ta không vô tình nuôi dưỡng nỗi đau tình yêu bằng cách cố giết chết tình yêu trong mình, thì tất cả sẽ qua đi cùng với thời gian, nhanh thì 6 tháng còn chậm lắm thì cũng chỉ 2 năm. Tôi không dám chắc nó đúng với tất cả mọi người, nhưng với tôi nó hoàn toàn đúng. Trong vòng nửa năm đầu sau khi chia tay, tôi đau đớn, nhớ nhung khôn cùng. Tôi càng cố quên thì càng đau càng nhớ.

Nhưng sau khi tôi đọc bài báo ấy, tôi bắt đầu cho phép mình đau, cho phép mình nhớ, nhưng tôi cũng cho phép mình tập trung vào những cảm xúc khác và cả việc học. Tôi không ngờ rằng mọi thứ bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Khi tôi cho phép mình đau, nỗi đau không còn bị dồn nén, nỗi đau vơi dần. Khi tôi cho phép mình nhớ, nỗi nhớ không còn da diết, nỗi nhớ chỉ còn là thoáng qua.

Rồi cuộc đời tôi cũng lật sang một trang mới. Có thể người xung quanh không nhìn thấy những thay đổi bên trong tôi, nhưng hơn ai hết, tôi biết rằng sau tất cả những tổn thương ấy, tôi trở nên rắn rỏi hơn và mạnh mẽ hơn. Cũng kể từ đó trở đi, tôi vẫn yêu hết lòng, nhưng tôi không bao giờ để mình yêu theo cách phải lệ thuộc vào tình yêu của người khác. Yêu hết lòng và lệ thuộc vào tình yêu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau mà chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi để hiểu được giá trị của tình yêu.

Cho nên nhìn lại, tôi thầm cảm ơn người yêu đầu tiên của tôi đã lựa chọn đúng. Tôi không biết với người khác thì sao, nhưng với tôi thì thà một lần đau còn hơn là mãi làm khổ nhau.

Quá khứ luôn có phần đẹp và phần không đẹp. Nên khi quá khứ đã ngủ yên, hãy để cho nó ngủ yên và mãi giữ lại trong ký ức những gì đẹp nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.