Sống Và Khát Vọng

Phụ lục 1: Bản thảo làm giàu bền vững



Những trích đoạn sau đây vẫn còn trong giai đoạn bản thảo cho nên có thể sẽ chưa hoàn chỉnh và sẽ khác so với nội dung cuối cùng được ỉn trong sách Làm Giàu Bền Vững – sẽ được phát hành trong năm 2014.

Trích đoạn 1: Bạn muốn là người làm thuê hay làm chủ?

Những người làm thuê đầy tự hào

Trong quá trình làm công việc huấn luyện của mình, tôi phát hiện rất nhiều người không thích thậm chí ghét công việc hiện tại của mình. Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do thường gặp đó là vì công việc họ đang có là một việc làm thuê. Là một người từng cố gắng thoát ra khỏi công việc làm thuê của mình, tôi hiểu được cái dồn nén, cũng như cái khao khát của họ, và cũng có thể là của cả bạn nữa.

Tuy nhiên, tôi vẫn buộc phải nói thẳng rằng, làm thuê chẳng có gì sai hay không tốt cả. Quan trọng là cách chúng ta tư duy về công việc của mình. Có những người làm thuê tuyệt vời mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ như cựu CEO của GE – Jack Welch. Thậm chí, ngay bây giờ, tôi có thể liệt kê cho bạn mức thu nhập hàng năm khủng khiếp của những CEO làm thuê của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới (số liệu năm 2011 từ Huffington Post):

• Alan Mulally – Ford – 29,5 triệu đô.

• John p. Daane – Altera – 29,6 triệu đô.

• Clarence p. Cazalot Jr. – Marathon Oil – 29,9 triệu đô.

• Robert A. Iger-Walt Disney – 31,4 triệu đô.

• David M. Cote – Honeywell International – 35,7 triệu đô.

• Philippe p. Dauman – Viacom – 43,1 triệu đô.

• Sanjay K. Jha – Motorola Mobility – 47,2 triệu đô.

• David M. Zaslav- Discovery Communications – 52,4 triệu đô.

• Leslie Moonves – CBS – 68,4 triệu đô.

Trong số tất cả doanh nhân, có bao nhiêu doanh nhân ngoài kia có thể kiếm được thu nhập cao hơn những người làm thuê này? Nên nhớ, đây chỉ là vài người tiêu biểu thôi, ở ngoài kia còn rất nhiều người làm thuê thành công về mặt tài chính như thế.

Vấn đề không phải là ở công việc, mà vấn đề nằm ở mong muốn của mỗi người. Nếu bạn mong muốn vươn lên bằng chính tài năng và nỗ lực của mình trong một công ty hay một tập đoàn nào đó, thì cho dù là làm thuê đi nữa, đó vẫn là một mơ ước hết sức ý nghĩa. Ngược lại, nếu một người vỗ ngực tự xưng là một doanh nhân nhưng làm ăn theo kiểu chụp giựt, lừa lọc, gây hại cho xã hội lẫn đất nước thì còn đáng khinh hơn một kẻ lười biếng không chịu lao động.

Vấn đề cũng không phải là bạn làm thuê hay không, mà vấn đề là bạn có làm công việc của mình ở đẳng cấp cao nhất có thể hay không. Vị trí bạn làm trong một công ty không quan trọng bằng việc bạn làm được gì ở vị trí của mình. Một lập trình viên giỏi có thể cả đời chỉ là lập trình viên, nhưng mức lương của anh ta có thể sẽ còn cao cả cấp quản lý của mình. Một nhân viên bán hàng giỏi có thể cả đời chỉ là nhân viên bán hàng, nhưng thu nhập có thể cao hơn CEO hay cổ tức mà các vị chủ công ty nhận được.

Ai cũng là người làm thuê

Nói cho cùng, ai cũng là người đi làm thuê. Doanh nhân cũng là một nghề và cũng chỉ là một người đi làm thuê. Nếu một người đi làm thuê thông thường nhận lương từ giá trị mình tạo ra cho công ty, thì một doanh nhân không thể tự trả lương cho mình mà thật ra là nhận lương từ chính khách hàng mình phục vụ.

Thậm chí, nếu bạn đi làm thuê bình thường, bạn chỉ có một hoặc hai vị sếp là nhiều, và bạn chỉ cần làm để một hoặc hai vị sếp đó hài lòng với hiệu quả công việc của bạn. Còn một doanh nhân thì thường có rất nhiều “sếp” để phải làm hài lòng (thậm chí còn to hơn cả sếp, vì phải gọi họ là “thượng đế”). Một người đi làm thuê mà làm việc không tốt thì có thể bị sếp cho nghỉ việc. Bạn nghĩ xem, một doanh nhân mà làm việc không tốt liệu có bị các “thượng đế” đẩy ra khỏi thị trường không?

Ngày hôm nay, là chủ doanh nghiệp của mình, tôi vẫn hàng ngày chăm chỉ đi làm thuê cho hàng trăm ngàn khách hàng. Mỗi lần một doanh nghiệp hay một tổ chức mời tôi đến một chương trình diễn thuyết, có thể họ trả tôi một mức thù lao rất hậu hĩnh, nhưng rốt cuộc tôi vẫn là đi làm thuê cho họ.

Cho nên một lần nữa, không ai trong chúng ta không phải là người làm thuê. Nhưng… Chúng ta đều có thể làm chủ

Khi tôi đi làm thuê, tôi cũng chẳng nghĩ mình đi làm thuê, tôi nghĩ mình là “giám đốc” của công ty “Trần Đăng Khoa”, và công ty của tôi cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm và tư vấn cho khách hàng là tập đoàn British Telecom (thật ra là nơi thuê tôi làm việc).

Trách nhiệm của công ty “Trần Đăng Khoa” là làm thế nào cho khách hàng hài lòng và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng, để ngược lại, khách hàng sẽ trả cho công ty “Trần Đăng Khoa” cái giá tốt nhất. Tôi cũng quyết định “giá dịch vụ” của mình bằng cách thương lượng lại với sếp khi cần. Khi đã khẳng định được chất lượng “dịch vụ”

của mình, thì khách hàng lúc nào cũng sẵn sàng trả giá cao hơn để có được “dịch vụ” ấy, miễn là mình đưa ra “giá” hợp lý so với thị trường.

Với suy nghĩ ấy, tôi chẳng thấy mình đi làm thuê tí nào cả. Tôi rời công việc ở British Telecom cũng giống như tôi dừng những công việc kinh doanh khác mà tôi không cảm thấy mình đủ đam mê hoặc không có đủ không gian để vẫy vùng, chứ tôi không phải là rời BT như một người đi làm thuê. Tôi bước ra khỏi BT như một ông chủ của cuộc đời mình.

Bạn cũng thế, cho dù bạn đang làm ở đâu, bạn không phải là một người đi làm thuê nếu bạn biết cách làm tăng giá trị của mình trong mắt “khách hàng” (tức là công ty của bạn).

Nói tóm lại, làm thuê hay làm chủ chỉ là cách bạn tư duy về công việc của mình. Nếu bạn nghĩ mình là một người đi làm thuê, thì cho dù bạn là một doanh nhân, bạn vẫn chỉ là một người đi làm thuê. Nếu bạn biết cách tư duy như một người làm chủ – không chỉ làm chủ công việc của mình mà còn làm chủ cuộc đời mình – thì cho dù bạn đang đi làm cho một công ty nào đó, bạn vẫn có thể là một người làm chủ thật sự.

Mỗi người có một mong muốn và hoài bão khác nhau, cho nên con đường thực hiện sẽ khác nhau. Mỗi người có một tài năng khác nhau nên chỗ để vẫy vùng cũng khác nhau. Cho nên, hãy chọn công việc nào phù hợp với mơ ước của bạn nhất, công việc nào bạn làm giỏi nhất, thì cho dù bạn là một người đi làm thuê hay một doanh nhân, thành công của bạn đều không bị giới hạn bởi vì bạn luôn là chủ của chính mình và của cuộc đời mình.

Trích đoạn 2: Tôi đọc một quyển sách, tôi mơ một ước mơ

Trong công việc của mình, không ít lần có người hỏi tôi rằng: “Quyển sách nào làm anh tâm đắc nhất?”, “Anh coi quyển sách nào là quyển sách gói đầu giường của mình?”, “Quyển sách nào đã làm thay đổi cuộc đời anh?”,… Những lúc ấy, tôi thường trả lời vui rằng: “Thật ra thì tôi chẳng gói đầu bằng quyển sách nào cả vì dù sao gối đầu bằng gối vẫn thoải mái và dễ ngủ hơn, nhưng tôi biết rõ quyển sách nào đã thật sự tạo nên sự khác biệt to lớn trong cuộc đời tôi.”

Đó không hẳn là quyển sách hay nhất trong mọi thời đại, thậm chí không hẳn là quyển sách hay nhất mà tôi từng được đọc vì đối với tôi, mỗi quyển sách có cái hay và giá trị riêng của nó. Thế nhưng, bởi vì quyển sách ấy đã xuất hiện đúng vào thời điểm tôi cần nó nhất, cho nên tôi không bao giờ có thể quên được cái kỷ niệm “hội ngộ” với quyển sách mà tôi xem một cách nào đó đã thật sự làm thay đổi cuộc đời tôi theo nhiều nghĩa.

Câu chuyện xảy ra vào khoảng cuối năm 2006 khi tôi vẫn còn đang sống và làm việc tại Singapore. Lúc ấy, tôi là một con người khác hẳn bây giờ. Tôi chăm chỉ đi làm, chờ nhận tiền lương hàng tháng, hy vọng cuối năm sẽ có thưởng, năm sau sẽ được tăng lương. Tôi mơ ước, những ước mơ rất đỗi bình thường, cố đi làm để dành tiền, trả hết nợ tiền nhà và tậu cho mình một chiếc ô tô Thế rồi một hôm, một người bạn tôi quen biết từ khi chúng tôi còn học cấp 3 ở Việt Nam mời tôi đến nhà bạn ấy để ă tiệc chia tay trước khi bạn ấy lên đường sang Mỹ. Cuối bữa tiệc, bạn ấy thông báo cho tất cả mọi người tham dự một tin hết sức hấp dẫn. Đó là ai thích lấy đồ vật nào trong nhà bạn ấy về làm kỷ niệm thì cứ lấy. Thế là người thì xin cái đèn bàn, người thì xin con gấu bông to quá khổ, người thì xin những món đồ trang trí đủ màu, người thì xin những quyển tạp chí bóng loáng, rực rỡ,…

về phần mình, nếu như bình thường thì chắc tôi cũng sẽ tìm một món gì đó giá trị một chút để xin bởi vì tôi cũng không phải khá giả gì đến mức bạn cho đồ mà chẳng muốn lấy, nhất là khi đó là tấm lòng của bạn. Nhưng chẳng hiểu vì sao lúc ấy, tôi không thể chú ý đến bất kỳ món đồ nào trong vô số món đồ hay ho mà bạn tôi để lại. Thứ duy nhất cuốn hút tôi lúc ấy là một quyển sách giấy vàng đã ngả sang nâu, bị bỏ nằm chỏng chơ trong một cái thùng chứa nhiều thứ đồ linh tinh không mấy giá trị mà bạn tôi định vứt đi. Quyển sách trông khá cũ kỹ với một vài trang bị mất góc, long ra khỏi bìa, cùng những lời ghi chú nguệch ngoạc của ai đó. Có lẽ chủ nhân của quyển sách không chỉ đơn giản đã đọc mà còn đã đọc rất kỹ. Tôi hỏi bạn tôi người đọc quyển sách này là ai thì được biết rằng, đó chính là mẹ bạn ấy, một nữ doanh nhân khá năng động và thành công đang sống tại Mỹ.

Thế là thay vì lao vào chọn những món đồ khác, tôi bắt đầu ngồi nghiền ngẫm những trang sách để rồi rốt cuộc quyết định chỉ xin mỗi quyển sách cũ ấy mà thôi. Thấy tôi xin quyển sách ấy, bạn tôi đã rất ngạc nhiên. Nhưng bạn ấy chắc sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng, quyển sách vàng ố, cũ kỹ mà mình định vứt đi ấy sẽ mãi mãi thay đổi cuộc đời tôi. Quyển sách ấy có tên là Simple Steps to Impossible Dreams (tạm dịch: Những Bước Đon Giản Đến Những Ước Mơ Không Tưởng)

Thời đó, sau bao nhiêu năm nỗ lực học hành, sau bao thăng trầm trong cuộc sống và công việc, tôi nghĩ mình đã học được cách sống thực tế hơn, để rồi khi cầm quyển sách trên tay, tôi bất chợt nhận ra rằng tôi không đang sống thực tế hơn mà tôi đang sống nhu nhược hơn. Tôi đã chấp nhận tin những niềm tin tầm thường. Tôi đã mơ những điều mình cho là vừa sức. Không những vậy, tôi đã luôn sống trong sợ hãi. Tôi sợ bị chê bai, coi thường hay chỉ trích. Tôi sợ những hạn chế của chính mình. Tôi sợ mất đi những gì mình đang có thay vì mong muốn có được nhiều hơn.

Thế rồi, quyển sách cho tôi biết rằng, những niềm tin ấy và nỗi sợ ấy đang là những sợi dây xích đang trói tôi lại, và nhiệm vụ của tôi là phải chặt đứt những sợi dây xích ấy. Áp dụng những phương pháp mà quyển sách chia sẻ, tôi bắt đầu quá trình “phá bỏ xiềng xích” của mình. Tôi nhận ra rằng, đa số mọi người không thành công không phải bởi vì họ kém cỏi hay thiếu khả năng, mà vì họ không dám cho mình quyền được thành công.

Sau này khi tôi mua lại bản quyền để dịch quyển sách ấy sang tiếng Việt (với tựa là Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ), đối tác bản quyền tặng tôi đến vài quyển sách mẫu mới tinh và tươm tất, nhưng tôi chẳng bao giờ mở những quyển sách mẫu ấy ra đọc cả. Bởi vì tất cả những kỷ niệm và tình cảm của tôi đã dành cho quyển sách vàng ố cũ kỹ đầu tiên mất rồi. Điều duy nhất tôi cảm thấy hơi tiếc là khi về Việt Nam tôi đã không mang quyển sách ấy theo bên mình. Nhưng chỉ là hơi tiếc thôi vì quyển sách ấy tôi vẫn còn giữ tại ngôi nhà thân yêu của mình ở Singapore.

Singapore là đất nước tôi sống những năm tháng vất vả bươn chải của đời sinh viên, rồi chân ướt chân ráo ra trường tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Singapore cũng là nơi tôi mua được căn nhà đầu tiên của mình. Singapore là nơi tôi học cách sống thực tế hơn nhưng cũng là nơi tôi tìm thấy mơ ước từ một quyển sách cũ kỹ. Singapore cũng là nơi tôi khởi nghiệp, bứt phá, và rồi hiểu rõ giá trị của “ra đi để trở về”. Quyển sách ấy nên ở lại Singapore vì đó là chỗ của nó cùng với bao nhiêu những điều tốt đẹp khác mà tôi đã học được.

Đã nhiều năm kể từ khi tôi đọc quyển sách ấy, cùng với thời gian, quyển sách rồi sẽ cũ hơn, sẽ vàng ố hơn, nhưng có một nơi mà nó sẽ không bao giờ cũ, đó là trong chính trái tim và những ước mơ của tôi. Sẽ không bao giờ có TGM hay mơ ước “vì 1 triệu người Việt Nam hạnh phúc và thành công hơn” nếu như tôi không biết rằng, có những bước đơn giản để đi đến những ước mơ không tưởng trong cuộc đời mình.

Qua chặng đường ấy, tôi hiểu được một điều, sức mạnh thật sự không nằm ở bên ngoài. Sức mạnh thật sự nằm ở bên trong những trái tim quả cảm, dám mơ những giấc mơ không tưởng, dám khao khát những điều người khác không dám. Lịch sử loài người đã chứng minh điều đó. Những điều kỳ diệu không xuất phát từ những cá nhân kiệt xuất, mà những điều kỳ diệu xuất phát từ những ước mơ vĩ đại của những người tưởng chừng rất bình thường, như tôi hay như bạn.

Ngày hôm nay ở tuổi ngoài 30, tôi thật không dám tự nhận mình thành công, nhưng tôi thấy mình đã tiến xa hơn rất nhiều so với tôi của những năm trước. Tôi không còn mơ có một việc làm ổn định lương cao nữa vì dù gì tôi cũng đã bỏ những thứ đó lại Singapore để về Việt Nam lập nghiệp. Tôi không mơ được tăng lương nữa vì bây giờ chính tôi đang tự quyết định mức lương cho mình. Tôi cũng không còn phải mơ có nhà có xe nữa. Ngày hôm nay, tôi mơ một giấc mơ to lớn hơn, tôi mơ về một dân tộc Việt Nam dám mơ ước và khao khát những điều vĩ đại, dám sống và quyết tâm phấn đấu vươn lên, dám làm giàu bền vững cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước.

Nếu bạn đang đọc những dòng này và cũng đang mơ về một công việc ổn định lương cao, mơ được tăng lương, mơ có nhà, có xe, có địa vị xã hội, thì tôi khẳng định với bạn rằng, những ước mơ ấy chẳng có gì là sai cả, thậm chí còn tốt nữa. Đạt được những ước mơ ấy chắc chắn sẽ là tiền đề vững chắc cho tương lai. Và tôi cũng đã từng mơ những ước mơ của bạn.

Nhưng tôi muốn nói với bạn rằng, bạn không hẳn phải đạt được hoặc từ bỏ những ước mơ nhỏ để có thể có những ước mơ to lớn hơn. Bạn chỉ cần đơn giản dám mơ ước to lớn hơn. Khi bạn lựa chọn mơ về những điều to lớn, bạn sẽ bắt đầu hành động quyết liệt hơn để thực hiện những ước mơ nhỏ nhanh hơn, cũng như đặt hết tâm huyết và quyết tâm của mình vào việc tiến lên phía trước. Làm sao bạn có thể mơ ước làm giàu cho dân tộc, cho đất nước, khi bạn thậm chí không dám nỗ lực bứt phá để làm giàu cho chính mình? Làm sao bạn có thể mơ những ước mơ vĩ đại nếu vẫn còn những “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, vẫn mong cái “hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp”, vẫn chỉ dừng lại ở “một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”? Liệu đã đến lúc bạn phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành những ước mơ rất đời vì những ước mơ rất người trong tương lai?

Một cánh én không làm nên mùa xuân. Một mình tôi dẫu có mơ ước to lớn cỡ nào thì vẫn biết rằng sức mỗi người có hạn. Nhưng tôi vẫn dám khát khao, dám mơ ước vì tôi biết mình không phải mơ giấc mơ vĩ đại ấy một mình, vì tôi muốn mơ giấc mơ ấy cùng với bạn.

Tôi mơ rằng cả bạn và tôi sẽ giàu có hơn rất nhiều. Không những vậy, chúng ta còn giàu có đúng nghĩa và giàu có trọn vẹn. Bạn đã đọc những bí quyết làm giàu bền vững trong quyển sách này. Bạn đã biết rằng để làm giàu nhanh hơn nhưng vẫn bền vững, bạn cần có nhiều người cùng làm với mình. Tôi muốn làm giàu cùng bạn, nhiều người khác cũng muốn làm giàu cùng bạn. Chúng ta không chỉ làm giàu cho bản thân mình, mà còn cho gia đình mình và trên hết là cho đất nước mình. Liệu bạn có cho phép tôi và những người khác đồng hành với bạn trên con đường làm giàu bền vững này?

Và điều cuối cùng tôi muốn hỏi: “Tôi đã luôn từng mơ ước mơ của bạn, đến khi nào bạn sẽ mơ ước mơ lớn này cùng tôi?”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.