Sống Và Khát Vọng
Thần đồng toán học
Cậu học trò nghèo ở trường làng
Khi tôi học cấp một, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình vẫn còn rất khó khăn, nên mẹ chỉ đủ tiền xin cho tôi vào học tại một ngôi trường bình dân cũ kĩ, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ hẹp ở một xóm lao động nghèo. Hàng ngày, trời mưa cũng như nắng, tôi phải tự mình lội bộ một quãng đường dài từ nhà để đến trường. Có khi cả năm tôi đi học với vài bộ đồ lem luốc cùng chiếc cặp sách không dây đeo, hỏng quai và hỏng khóa, khiến tôi phải luôn ôm cặp trước ngực. Tài sản quý giá nhất của tôi lúc đó là một cây viết máy mà mẹ phải để dành tiền rất lâu để mua cho. Nhưng vì cặp tôi bị thủng, viết máy rơi mất, thế là tôi lại phải dùng viết chấm mực.
Cổng trường nơi tôi học có nhiều gánh hàng bán đồ ăn giá rẻ cho học sinh. Nhưng với tôi những hàng quà đó lại luôn là những món ăn xa xỉ. Lâu lâu, được mẹ cho ít tiền, tôi la cà vào hàng phở ven đường, đứng tần ngần một hồi rồi mới dám kêu một suất “đặc biệt” – không thịt, ít bánh phở nhưng nhiều nước để húp cho no bụng, và nhất là để vừa vặn với số tiền ít ỏi tôi có trong túi. Thậm chí, cái thói quen ăn phở rồi húp đến cạn cả nước có từ tuổi thơ nghèo khó ấy vẫn theo tôi đến tận sau này. Khó khăn lắm tôi mới bỏ được thói quen ấy.
Học sinh ở trường đa số là con em của các gia đình lao động nghèo, ngoài giờ học thì đều phải làm đủ các nghề để kiếm sống hoặc phụ gia đình buôn bán nhỏ. Chúng tôi học thì ít, choảng nhau thì nhiều. Vì là đứa nhỏ con nên tôi vẫn hay bị tụi bạn ở lại lớp nhiều năm, to con và lớn tuổi hơn, bắt nạt. Do phải thường xuyên sống trong nỗi sợ sệt nên khi còn bé, lúc nào tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ yếu ớt và kém cỏi. Thậm chí, năm tôi học lớp 1, tôi hay bị chúng bạn đánh trong trường, cộng thêm việc bị cô giáo đánh giá là một học sinh chậm tiến so với các bạn, tôi nằng nặc đòi nghỉ học sau một học kỳ. Hậu quả là lần đó, mẹ cho tôi một trận đòn nhớ đời. Đó là lần đầu tiên và cũng có lẽ là lần duy nhất mẹ đánh tôi đau như thế – chắc lúc đó mẹ đã buồn lắm. Năm đó, tôi chỉ học lớp 1 được một học kỳ rồi phải nghỉ ở nhà. Mẹ buồn nhưng không bao giờ bỏ cuộc, dù bản thân mẹ chưa học hết cấp 3, mẹ vẫn cố gắng hết sức kèm cặp tôi tại nhà hai môn chính tả và toán. Tôi vẫn còn nhớ mẹ đã bất lực thế nào khi tôi học kém đến mức chẳng bao giờ nhớ nổi chữ “th”.
Cũng vì thường bị hiếp đáp, chuyện đến trường đối với tôi chẳng mấy thú vị nhưng tôi không dám nói cho mẹ biết, và thật ra nói cho mẹ thì cũng chẳng giải quyết được gì vì mẹ không thể đi theo bảo vệ tôi suốt. Nếu mẹ nói với thầy cô thì mọi chuyện sẽ còn tệ hơn, vì thầy cô mà kỉ luật những đứa hiếp đáp tôi thì chúng nó sẽ còn chặn đường đánh tôi nhiều hơn nữa. Cho nên, từ bé tôi đã phải học cách “sống chung” với “kẻ thù”, học cách tự lo cho bản thân mình và đứng vững trên đôi chân của mình.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ khoảng cuối năm lớp 4 khi tôi bắt đầu lớn nhanh hơn, to con hơn, trở nên gan lì hơn và biết… đánh nhau. Đó là thời gian mà tôi xem việc đánh nhau mỗi ngày như một môn thể thao. Những lúc chẳng có lý do gì để đánh nhau thì chúng tôi lại chơi… đánh vật. Giờ chơi của tôi luôn kết thúc với mồ hôi ướt đẫm, quần áo nhàu nát, dơ bẩn và đầy những vết tay vết chân.
Trong những ngày tháng đó, tôi tự rút ra được một bài học kinh nghiệm trong đánh nhau. Đó là bất chấp đối thủ có to con hơn, khỏe hơn, nhưng nếu bạn chịu đòn giỏi hơn, bạn sẽ thắng. Bài học kinh nghiệm này đã vô tình theo tôi trong suốt quãng đời còn lại.
Không quan trọng là cuộc đời đấm vào mặt bạn bao nhiêu lần, quan trọng là bạn chịu được bao nhiêu quả đấm mà vẫn có thể đứng dậy, tiếp tục chiến đấu để rồi chiến thắng trong trò chơi cuộc sống.
Sinh ra không phải để tầm thường
Và có lẽ, mọi việc sẽ mãi như thế nếu không có một chuyện bất ngờ xảy ra… Chẳng hiểu tại sao tôi lại được thầy giáo chủ nhiệm chọn đi thi học sinh giỏi Toán cấp quận, có lẽ nhờ tôi là một trong những học sinh chưa bao giờ bị lưu ban của lớp nên cũng thuộc loại “giỏi”. Thật ra, lúc ấy cả tôi và gia đình đều nghĩ tôi học khá giỏi, nhưng mãi sau này nghĩ lại thì tôi mới hiểu thế nào là câu nói “trong xứ mù, thằng chột là vua”. Tôi đã được chọn đại diện cả trường đi thi học sinh giỏi Toán cấp quận theo cách ấy. Thậm chí, thầy còn bảo với tôi rằng, tôi đi thi lần đó chỉ để “cọ xát và học hỏi” thôi, chứ thầy không hề dám nghĩ đến chuyện sẽ đạt kết quả thế này thế nọ vì trường tôi chưa bao giờ có một học sinh giỏi cấp quận trong bất kỳ bộ môn nào cả. Bước vào phòng thi, tôi hí hoáy chép đề bài, viết vài dòng lời giải cho có rồi ngồi… cắn bút. Rốt cuộc bài thi của tôi được 1,5 điểm – một kết quả thật ra đã được dự đoán trước, và mọi chuyện cũng xảy ra như mong đợi – tôi trượt.
Tưởng chừng như mọi chuyện đã an bài, thì bất ngờ thay khoảng một tuần sau, nhà trường lại có thông báo tôi vừa được đậu vớt vào học trong đội tuyển chuyên Toán của quận vì có một bạn bỏ đội tuyển. Sau này nghĩ lại, tôi đoán chắc là do trường tôi chưa có thành tích gì nên lần ấy được chiếu cố trường hợp của tôi để cổ vũ phong trào. Vậy là, vô tình tôi trở thành học sinh đầu tiên của trường đậu học sinh giỏi Toán cấp quận.
Trong đội tuyển, tôi gặp toàn những học sinh rất giỏi, mặt mày sáng sủa, quần áo, cặp sách tươm tất đến từ những trường điểm của quận. Đa số (nếu không nói là tất cả) các bạn đều là con những gia đình có điều kiện tốt hơn gia đình tôi. Lúc ấy trong đội tuyển, có lẽ tôi là đứa nhếch nhác nhất từ bề ngoài cho đến thành ch Sự thật này khiến tôi lại càng mất tự tin và cảm thấy hết sức chán nản vì thân phận và sức học kém của mình.
Nhưng ngay từ đầu, thầy giáo dạy đội tuyển đã động viên chúng tôi rằng: “Nếu em nào đạt giải cấp thành phố thì sẽ được đi máy bay ra thủ đô Hà Nội tham dự kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia và tham quan thủ đô”. Thật lòng mà nói, giải học sinh giỏi cấp quốc gia đối với tôi lúc ấy chẳng có gì thú vị cho lắm, nhưng việc được bay ra tận Hà Nội và được đi chơi là một điều hết sức tuyệt vời (thậm chí kì diệu) đối với tôi, vì tôi chưa bao giờ biết đến một nơi xa như Hà Nội là thế nào. Vậy là tôi lao đầu vào học Toán bằng tất cả “niềm đam mê đi chơi” của mình.
Hơn nữa, tôi thật sự cảm thấy rất nhục nhã khi mình là học sinh kém cỏi nhất của lớp bồi dưỡng Toán. Hôm nào vào lớp cũng phải trốn chui trốn nhủi để không bị thầy hỏi tới. Nếu không may bị thầy hỏi tới thì tôi lại lặp lại cái điệp khúc ấp a ấp úng hoặc chỉ viết được vài ý cơ bản cho lời giải lên bảng. Thầy mắng tôi, còn bạn bè thì cười tôi. Trong khi ở trường, vì học với những bạn kém hơn rất nhiều, lúc nào tôi cũng được xem là học sinh giỏi. Còn ở đây, tôi chẳng là gì cả.
Tôi nhớ lúc ấy tôi hay sang nhà hàng xóm xem nhờ TV một bộ phim có tên là Săn Bắt Cướp, mà trong đó nhân vật chính – một tướng cướp khét tiếng do chú Thương Tín đóng – có nói một câu nói mà tôi nhớ như in: ‘Tôi sinh ra không phải để ngồi tù”. Câu nói ấy vì một lý do gì đó đã tác động đến tôi rất mạnh. Dĩ nhiên, tôi chỉ mới khoảng 10 tuổi thì chẳng có lý do gì để bị tác động bởi chữ “ngồi tù” trong câu nói đó, tôi lại càng không muốn trở thành tướng cướp như nhân vật phản diện trong phim. Nhưng vì một lý do nào đó chính tôi cũng không biết, tôi bị ám ảnh bởi câu nói ấy – một câu phủ định (nhưng một cách nào đó lại đầy chất khẳng định): ‘Tôi sinh ra không phải để…”
Càng ngày, tôi càng bị ám ảnh bởi câu nói ấy một cách mạnh mẽ. Thậm chí cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in đoạn phim đó trong đầu mình. Chính vì câu nói ấy tác động đến tôi mạnh mẽ như thế mà cũng từ đấy, tôi thường tự nói với bản thân mình rằng: “Tôi sinh ra không phải để tầm thường”. Và đó là suy nghĩ của một thằng tôi 10 tuổi – một thằng tôi tin rằng bản thân mình sinh ra không phải để “đội sổ” cho người khác. Vâng, 10 tuổi tôi tự nói với mình rằng: ‘Tôi sinh ra không phải để tầm thường”.
Nếu không thành công, thì cũng thành nhân
Không chỉ đơn giản mơ ước được đi máy bay ra Hà Nội hay tin rằng mình sinh ra không phải để tầm thường, tôi thật sự bắt tay vào hành động. Tôi bắt đầu học Toán một cách kiên trì. Tôi phải dùng từ “kiên trì” vì lúc đó nếu so với các bạn cùng lớp bồi dưỡng thì tôi dốt nhất lớp. Những bài toán bạn tôi gần như biết ngay lời giải thì tôi có khi phải ngồi vò đầu bứt tóc cả giờ thậm chí vài giờ để tìm lời giải. Nhưng tôi không bỏ cuộc, vì tôi không chấp nhận mình tầm thường. Những bài toán cũng như những trận đánh nhau mà thôi, kẻ thắng là kẻ gan lì hơn. Và trong đa số thời gian, tôi gan lì hơn những bài toán hóc búa ấy.
Sau này nghĩ lại, tôi thấy rằng lúc ấy tôi quyết tâm như thế là nhờ vào hai điều, hay nói chính xác hơn là nhờ hai cách tôi nhìn bản thân mình.
Thứ nhất bởi vì tôi “may mắn” ở trong một lớp với đại đa số học sinh kém. “Trong xứ mù, thằng chột là vua”, nên tôi đã vô tình mang trong mình một niềm tin rằng: “tôi tài giỏi”. Chính niềm tin ấy đã khiến tôi cảm thấy cực kì khó chịu khi phải đối diện với một sự thật hiển nhiên rằng, mình là đứa ngu dốt chứ chẳng phải tài giỏi gì. Tôi không thể chấp nhận được sự thật phũ phàng đó.
Từ chỗ tin mình tài giỏi, đến vỡ mộng, rồi thay vào đó một niềm tin mới: “Tôi sinh ra không phải để tầm thường”, đã vô tình trở thành một động lực thôi thúc tôi một cách hết sức mãnh liệt.
Thứ hai là bởi vì mẹ vẫn hay nói với tôi rằng: “Tên con là Trần Đăng Khoa, giống nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa, chắc sau này lớn lên con cũng sẽ làm nên nghiệp lớn. Cho nên con phải cố gắng học thật giỏi”. Là một đứa trẻ, tôi thật sự tin vào những gì mẹ nói. Hay nói một cách nào đó, bằng cách so sánh tôi một cách tích cực với nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa (người mà tôi cũng rất ngưỡng mộ) – mẹ làm tôi tin rằng: “Tôi sinh ra để làm nên nghiệp lớn”.
Hai niềm tin này lúc ấy, tiếc thay, lại hoàn toàn ngược lại với thực tế là tôi đang “đội sổ” trong lớp bồi dưỡng Toán.
Thực tế ấy buộc tôi phải lựa chọn, hoặc là bỏ đi hai niềm tin ấy để chấp nhận mình là một kẻ tầm thường, để tự mãn mình là “thằng chột trong xứ mù”, hoặc là tiếp tục giữ hai niềm tin ấy trong lòng và chiến đấu để làm cho hiện thực phản ánh đúng hai niềm tin ấy. Và tôi đã chọn chiến đấu.
Còn bạn thì sao? Có bao giờ bạn tự hỏi: ‘Tôi sinh ra để làm gì?”. Bạn có nhận ra rằng, bạn hoàn toàn có quyền lựa chọ niềm tin của mình và rồi chiến đấu hết mình để biến niềm tin ấy thành sự thật. Bạn cũng có thể nói với mình những điều tương tự: “Tôi sinh ra không phải để tẩm thường”, “Tôi sinh ra là để thành công”, “Tôi sinh ra là để được ngưỡng mộ”, “Tôi sinh ra là để tạo nên sự khác biệt”,…
Bạn có thể nghĩ rằng: “Tôi chưa làm được gì cả, những niềm tin như thế là vô căn cứ” hoặc “Tôi thất bại nhiều quá, làm sao có thể tin vào những điều đó”. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, những niềm tin ấy hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Đúng, ngay lúc này đây có thể là nó vô căn cứ, nhưng bởi vì nó vô căn cứ cho nên bạn mới phải hành động quyết liệt và kiên định nếu bạn lựa chọn những niềm tin như thế, để biến những niềm tin vô căn cứ trở thành có căn cứ. Nói cho cùng, tin vào bản thân bạn đến mức nào thì cũng do bạn lựa chọn mà thôi.
Cho nên, hãy tin vào chính mình và hãy chiến đấu đến cùng, nếu bạn không thành công thì cũng thành nhân.
Về phần mẹ, thấy đứa con trai tự nhiên thay đổi hẳn, chăm chỉ học hành và còn có vẻ rất say mê môn Toán, mẹ mừng lắm. Mặc dù mẹ không phải là người được học hành đầy đủ nhưng với tôi, mẹ đúng là một “giáo sư” về tình thương. Trong khi tôi chưa đạt được thành quả gì thì mẹ đã luôn tin tưởng và thường khích lệ: “Nếu con cứ học chăm thế này, con nhất định sẽ trở thành một tài năng Toán học”. Một lần nữa, mẹ gieo vào trong tâm trí tôi hạt giống niềm tin cho đến khi chính tôi cũng tin rằng: “Nếu mình cứ cố gắng chăm chỉ thế này, mình sẽ trở thành một tài năng Toán học”.
Không chỉ nói, mẹ còn thể hiện bằng hành động rằng mẹ tin tôi như thế nào. Nhà nghèo, thậm chí không có nổi một chiếc xe đạp để đi, mẹ vẫn thường nhờ bác tôi chở loanh quanh các nhà sách cũ để tìm mua cho tôi tài liệu về môn Toán. Vì không biết tôi đang học cái gì nên mẹ hay vô tình mua về những quyển sách cũ vượt quá chương trình học của tôi. Thương mẹ, hàng ngày tôi càng miệt mài bên bàn học (có ngày tôi học hơn 12 tiếng đồng hồ) để cố gắng “nuốt” hết tất cả kiến thức trong từng quyển sách cũ, giấy đen nhẻm mẹ mua về.
Lúc đầu mọi thứ phải nói là hết sức khó khăn, hầu như tôi chẳng tự giải được bài toán nào mà chỉ toàn phải xem gợi ý hoặc lời giải phía sau sách. Nhưng về sau quen dần và bắt đầu giải được một số bài toán tương đối khó so với những học sinh bình thường thì tôi lại đâm ra “nghiện” Toán.
Thậm chí, lúc mới biết giải toán khó, có lần chỉ vì giải được một bài toán bằng một công thức lạ (ở đây là lạ đối với tôi), tôi còn tưởng mình là người đầu tiên trên thế giới tìm ra công thức ấy. Nhưng khi vào lớp khoe thầy và các bạn thì tôi mới biết đó là công thức “ai cũng biết”. Mất hứng nhưng không nản chí, tôi quyết tâm tìm ra càng nhiều công thức “ai cũng biết” tương tự như thế càng tốt bằng tất cả niềm đam mê của mình. Kết quả là, chỉ sau một thời gian ngắn trình độ Toán của tôi bắt đầu có sự tiến bộ vượt bậc.
Năm đó, tôi làm nên một điều kì diệu cho ngôi trường của mình – trở thành học sinh đầu tiên của trường đạt học sinh giỏi Toán cấp thành phố – bằng chính sức của tôi chứ không phải là đậu vớt nữa. Tiếc thay, trong vòng 2, tôi thiếu chút điểm nên không được tham gia vào đội tuyển thành phố để ra Hà Nội thi cấp quốc gia. Mặc dù rất buồn vì ước mơ được đi máy bay ra thủ đô chơi của mình đã tan thành mây khói, nhưng khi trở về trường trong con mắt ngưỡng mộ của bạn bè và nhận được sự quan tâm như một “ngôi sao” từ hầu hết các thầy cô, tôi quên ngay nỗi thất vọng về kết quả thi không như mong muốn và bắt đầu cảm nhận cái ngọt ngào của những thành quả do chính mình đạt được.
Lúc ấy tôi chẳng tự rút ra được bài học gì cả, nhưng sau này nghĩ lại, tôi nhận ra một điều rằng: Thành công là một chặng đường chứ không phải là một đích đến. Cho dù tôi không đạt được điều mình khao khát, nhưng tôi cũng đã vượt lên trên chính bản thân mình rất nhiều. Quan trọng hơn hết, chặng đường từ một cậu học trò nghèo ở một “trường làng” trở thành một học sinh giỏi Toán cấp thành phố, đối với tôi là một chặng đường kì diệu. Thế nên một lần nữa:
Khi bạn lựa chọn tin vào chính mình và chiến đấu đến cùng, nếu không thành công thì cũng thành nhân.
Trở thành “thần đồng” Toán học
Thế là tôi lại tiếp tục lao đầu vào học Toán. Lần này, tôi học bằng tất cả niềm đam mê thật sự của mình chứ không còn vì mục tiêu “được bay ra Hà Nội chơi”, cũng không phải vì ý nghĩ “tôi sinh ra không phải để tầm thường”. Lần này tôi học chỉ vì một lý do đơn giản: ĐAM MÊ. Thậm chí, tôi còn dành hẳn một quyển vở đẹp nhất để chép lại thật nắn nót những bài toán khó và lời giải, với hy vọng rằng sau này tôi sẽ để lại cho đời và cho thế hệ sau một quyển sổ tay toán học quý giá.
Đối với đa số người lớn, tôi chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi mơ mộng hão huyền theo kiểu trẻ con. Dĩ nhiên họ đúng, quyển vở ấy của tôi chẳng bao giờ trở thành quyển sách toán quý giá đáng để lại cho đời. Nhưng có lẽ chính vì cái ước mơ được viết một quyển sách để chia sẻ với mọi người đã có từ những ngày ấy, mà hôm nay, tôi đang ngồi viết quyển sách này.
Điều quan trọng không phải là một đứa bé có biết mơ ước theo cách của người lớn hay không, mà điều quan trọng là liệu đứa bé ấy có dám mơ ước lớn.
Cuối năm lớp 5, tôi đoạt giải Lê Quý Đôn môn Toán của quận với số điểm tuyệt đối 10/10, chính thức biến tôi trở thành học sinh giỏi Toán nhất trong toàn quận. Khi tôi lên nhận phần thưởng, các cô chú lãnh đạo cũng như thầy cô trường khác đã hết lời khen ngợi tôi vì tôi là học sinh duy nhất đạt điểm tuyệt đối trong môn Toán. Tất cả họ đều không ngờ rằng, chỉ cách đó khoảng 7 tháng thôi, tôi vẫn còn là cậu học trò trường làng đậu vớt vào đội tuyển Toán của quận với số điểm… 1,5 trên 10. Còn những người bạn cùng học bồi dưỡng với tôi, những người mà lúc trước trình độ của họ đã vượt xa tôi, những người mà lúc đó đã ít nhiều coi thường tôi, họ không thể nào ngờ rằng chỉ sau khoảng 3 tháng không gặp nhau từ sau kì thi Toán thành phố, tôi đã có một sự tiến bộ vượt bậc như thế.
Lúc đó tôi cũng chẳng suy nghĩ nhiều vì trong đầu tôi không có sự tranh đua mà chỉ có một niềm đam mê: Toán. Sau này nghĩ lại, tôi bất chợt nhận ra rằng, lúc ấy tôi hơn bạn bè mình không phải vì tôi thông minh hơn họ, tôi hơn họ vì tôi khác họ. Họ chăm chỉ học Toán để đi thi và hy vọng đoạt giải. Còn tôi, tôi học Toán không phải vì hơn thua, mà là vì niềm đam mê của mình, và vì cái mơ ước hão huyền – viết một quyển sách Toán để truyền lại cho thế hệ đàn em.
Sau này, khi tôi trở thành một diễn giả và chuyên gia đào tạo kỹ năng tư duy thành công, tôi lại càng phát hiện ra rằng, đam mê thực sự đóng góp rất lớn vào thành công của con người chúng ta. Một trong những bằng chứng khoa học nổi tiếng về giá trị của niềm đam mê đó là nghiên cứu của Srully Blotnick trên 1.500 sinh viên tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế 1960 -1980 (Mỹ). Trong số 1.500 sinh viên này, 1.245 sinh viên lựa chọn kiếm tiền trước, theo đuổi đam mê sau (tôi tạm gọi là nhóm “kiếm tiền”) và 255 sinh viên lựa chọn theo đuổi đam mê trước, kiếm tiền sau (tôi tạm gọi là nhóm “đam mê”). Trong số 1.245 sinh viên thuộc nhóm “kiếm tiền”, chỉ có duy nhất 1 sinh viên trở thành triệu phú (tương đương với tỉ lệ 0,08%). Ngược lại, trong số 255 sinh viên thuộc nhóm “đam mê” có đến 100 người sau này trở thành triệu phú (tương đương với tỉ lệ 39,21%).
Tôi tin bạn có thừa thông minh để tự rút ra kết luận cho mình từ nghiên cứu trên. Cho nên tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng: Hãy luôn sống vì mơ ước và đam mê của mình.
Lên lớp sáu, tôi đậu thủ khoa (với số điểm 16/20) trong kì thi vào lớp chuyên Toán của một trong những trường chuyên hàng đầu thành phố, vượt lên cả những bạn vừa đoạt giải quốc gia môn Toán năm lớp 5 vừa rồi. Cả thầy chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng đều rất ngạc nhiên về thành tích này, vì tôi không phải là học sinh giỏi cấp quốc gia và cũng không đến từ trường chuyên lớp chọn. Hai thầy quyết định kiểm tra lại trình độ Toán của tôi bằng những bài toán khó khác nhau.
Thậm chí, các thầy còn tổ chức hẳn một kì thi không chính thức mang tính giao lưu với các trường khác. Hai thầy mời tất cả những học sinh giỏi Toán nhất ở những trường chuyên nổi tiếng đến thi cùng với tôi, trong đó có nhiều bạn là học sinh giỏi Toán cấp quốc gia. Trong cuộc thi ấy, tôi lại đứng đầu với số điểm 9,75 trên 10.
Sau cuộc thi, thầy chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng đã phải mời mẹ đến gặp và nói với mẹ rằng: “Tôi chưa bao giờ gặp một học sinh như thế, em Khoa đúng là một thần đồng Toán học”. Có lẽ trong phút ngẫu hứng, thầy tôi hơi quá lời một tí, nhưng mẹ nghe thầy nói vậy thì mừng lắm, về kể lại nguyên văn tất cả mọi thứ cho tôi nghe. Lúc đó, tôi chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi nên tôi tin lắm.
Nhưng giờ đây, tôi không nghĩ tôi là một thần đồng hay gì cả, tôi cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác mà thôi. Bởi vì nếu tôi thật sự là một thần đồng, thì phần tiếp theo của câu chuyện này sẽ không bao giờ có trong cuộc đời tôi.
Dù sao đi nữa, cái việc tôi được xem là thần đồng lúc ấy đã khẳng định một điều:
Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình những hạt giống của tài năng. Môi trường phát triển phù hợp – lúc nhỏ là sự chăm sóc chu đáo, yêu thương và động viên từ gia đình (nhất là cha mẹ), lớn lên là những mối quan hệ tốt – cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân là nguồn tưới tiêu dinh dưỡng, sẽ tạo nên điều kiện lý tưởng cho những hạt giống tài năng ấy nảy mầm và phát triển mạnh mẽ.
May mắn và lựa chọn
Có nhiều người khi biết câu chuyện này của tôi đã hỏi tôi rằng: “‘Anh có cảm thấy anh đạt được những thành công trong học tập ít nhiều vẫn là nhờ may mắn hay không? Bởi vì nếu như anh không được đậu vớt vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi thì anh chẳng bao giờ có thể trở thành một học sinh giỏi được”.
Tôi luôn trả lời rằng: “Tôi khởi đầu bằng một may mắn, nhưng thành công vẫn là do tôi lựa chọn, bởi vì tất cả những thành công ban đầu trong học tập sẽ chẳng bao giờ có nếu như tôi đã lựa chọn khác đi.
Bạn hãy thử tưởng tượng xem. Nếu như sau khi được may mắn đậu vớt, tôi lựa chọn trốn học vì mặc cảm thua kém bạn bè trong đội tuyển, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu lúc đó, chuyện tôi được đậu vớt có còn được xem là một điều may mắn, hay ngược lại, được xem là một bất hạnh, bởi lẽ lúc ấy, tôi sẽ trở nên mặc cảm và tự ti hơn rất nhiều.
Nếu sau khi không được chọn vào đội tuyển quốc gia, tôi chán nản bỏ cuộc, không tiếp tục học toán, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ chẳng bao giờ tin rằng mình có thể vượt qua chính bản thân mình để tạo nên những kết quả phi thường.
Nếu tôi không quyết tâm thi vào lớp chuyên Toán khi lên cấp 2 thì chuyện gì xảy ra? Tôi sẽ mãi là một cậu học trò bình thường, học trong một lớp bình thường ở một trường làng nhàng nào đó.
Cho nên, điều quan trọng không phải là chuyện gì xảy đến với bạn, mà điều quan trọng là bạn phản ứng với tất cả những chuyện diễn ra trong cuộc đời mình như thế nào”. “Để thay đổi thế giới của mình, bạn phải tin rằng không phải cuộc sống xảy đến với bạn, mà bạn xảy đến với cuộc sống. Bạn không phải là một tấm vải bay phần phật trong gió. Bạn phải chọn trở thành nguyên nhân chứ không phải hệ quả. Bạn phải quyết định làm điều gì đó xảy ra.”
– Daniel R. Castro, tác giả nổi tiếng, trích sách Mặt Phải
Hay nói cách khác, những hệ quả mà bạn có được trong cuộc sống được quyết định bởi 2 thành tố: hoàn cảnh và lựa chọn.
HOÀN CẢNH + LỰA CHỌN = HỆ QUẢ
Tuy nhiên, hoàn cảnh chỉ quyết định 10% hệ quả, còn cách bạn lựa chọn thái độ và hành động của mình sẽ quyết định đến 90% hệ quả.
HOÀN CẢNH + LỰA CHỌN = HỆ QUẢ 10% + 90% = 100%
Người đời hay biện hộ cho những lựa chọn sai lầm của họ trong những hoàn cảnh khó
khăn bằng một câu nói đại loại như là: “Nói thì dễ, làm thì khó”, nhưng…
Cho dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, bạn luôn có một lựa chọn.
Vốn là một người khá thẳng thắn và cương trực, nên trước đây tôi thường hay có những lựa chọn nóng vội và thiếu suy nghĩ dẫn đến những hệ quả không như mong muốn. Dần dần, tôi bắt đầu nhận thức ra rằng, tất cả những gì đang diễn ra xung quanh tôi (hoàn cảnh của tôi hiện tại) đều là hệ quả của những lựa chọn hành động của tôi trong quá khứ. Chính vì thế, tôi bắt đầu học cách dừng lại để suy nghĩ và lựa chọn sáng suốt hơn mỗi khi cần quyết định phản ứng hay hành động trong một hoàn cảnh nào đó. Tôi luôn tự nhắc mình rằng: “Mình luôn có một lựa chọn. Vậy trong hoàn cảnh này mình phải lựa chọn như thế nào cho tích cực nhất?”.
Qua những lựa chọn ngày càng sáng suốt hơn cũng như những hệ quả tốt đẹp hơn, tôi biết một điều rằng: cho dù tôi không thể lựa chọn chuyện gì sẽ xảy đến với mình, tôi có quyền lựa chọn cách mình phản ứng và hành động.
Và dĩ nhiên, lựa chọn có hệ quả của nó. Nếu bạn lựa chọn phản ứng hay hành động một cách tích cực, hệ quả sẽ là một kết quả tích cực. Ngược lại, nếu chúng ta lựa chọn phản ứng hay hành động một cách tiêu cực, hệ quả sẽ là một hậu quả tiêu cực.
Lựa chọn vừa là quyền vừa là thứ chúng ta không thể thoát khỏi, và lựa chọn có hệ quả của nó.
Thêm một điều nữa, bởi vì cuộc sống không gì khác hơn là tập hợp của một chuỗi các sự kiện nhân quả. Cách bạn lựa chọn phản ứng hay hành động trong hiện tại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những hệ quả trong hiện tại. Và rồi những hệ quả trong hiện tại này sẽ góp phần tạo ra hoàn cảnh của bạn trong tương lai.
Hoàn Cảnh 1 + Lựa Chọn 1 = Hệ Quả 1 sẽ góp phần tạo Hoàn Cảnh 2
Hoàn Cảnh 2 + Lựa Chọn 2 = Hệ Quả 2 sẽ góp phần tạo Hoàn Cảnh 3
Hoàn Cảnh 3 + Lựa Chọn 3 = Hệ Quả 3 sẽ góp phần tạo Hoàn Cảnh 4
…
Hoàn Cảnh N + Lựa Chọn N = Hệ Quả sẽ góp phần tạo Hoàn Cảnh N+1
Cho nên, có thể bạn không thể thay đổi được những gì đã xảy ra, cũng như hoàn cảnh hiện tại của mình, nhưng một cách nào đó, không ai khác hơn là chính bạn – bằng những lựa chọn phản ứng và hành động của mình trong quá khứ – đã góp một phần lớn để tạo nên hoàn cảnh của mình ngày hôm nay.
Và cho dù không thể thay đổi được những gì đã xảy ra, nhưng bạn có quyền lựa chọn
những điều mình làm trong hiện tại. Chính những điều bạn làm trong hiện tại sẽ tạo ra phần lớn hoàn cảnh tương lai của bạn.
Hay nói ngắn gọn một điều, may mắn hay kém may mắn không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào những sự kiện ngẫu nhiên xảy ra trong cuộc sống, mà nó còn được quyết định một phần rất lớn bởi chính cách bạn sống.
Có thể vũ trụ luôn tồn tại những điều vượt xa sự hiểu biết của loài người, nhưng quan trọng nhất là bạn vẫn có quyền quyết định phần lớn số phận của mình. Chính bản thân bạn là người lựa chọn cách mình hành động như thế nào trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống. Chính bản thân bạn là người lựa chọn việc mình sẽ đi đâu về đâu và trở thành con người như thế nào. Chính bản thân bạn là người lựa chọn mình sẽ sống như thế nào. Chính bản thân bạn sẽ là người ghi lại cuộc sống của mình chứ không phải cả cuộc đời bạn được viết sẵn trước trong một quyển sách thần kỳ nào đó, ở một đâu đó, khiến bạn không có lựa chọn nào khác.
“Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Những lựa chọn của bạn ngày hôm qua tác động đến thành công của bạn ngày hôm nay, và chính những lựa chọn của bạn ngày hôm nay sẽ lại tác động đến sự thành đạt của bạn ở ngày mai.” -Keith D. Harrell, tác giả và diễn giả nổi tiếng
Điều may mắn nhất đời tôi
Nhân nói về may mắn và sự lựa chọn, tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng trong cuộc sống, có rất nhiều điều may mắn do tôi tạo ra cho mình. Nhưng tôi vẫn hiểu rằng, có những may mắn đặc biệt mà chúng ta không thể tự tạo ra cho mình. Và điều may mắn nhất trong đời tôi không phải là điều tôi chọn cho mình, bởi vì điều may mắn ấy chính là: Mẹ.
Tôi không những nợ mẹ những thành tích học tập đầu tiên, mà tôi còn nợ mẹ sự tự tin và lòng tự trọng tôi có ngày hôm nay. Bởi vì thay cho việc áp đặt và thúc ép, mẹ luôn tìm cách khơi dậy, nuôi dưỡng sự tự tin và ý thức về giá trị bản thân trong tôi.
Tôi nhớ vào khoảng tháng 3 năm 2011, khi tham gia vào chương trình truyền hình Người Đương Thời của VTV1, tôi được hỏi một câu như thế này: “Kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của bạn là gì?”, Lúc ấy, tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi mà cũng không có bất kỳ một kỉ niệm nào đủ đặc biệt hiện ra trong đầu tôi như là một kỉ niệm đáng nhớ nhất. Ai cũng có nhiều kỉ niệm và thật khó có thể nói chính xác là kỉ niệm nào đáng nhớ nhất đối với mình, tôi cũng thế. Tuy nhiên chính trong lúc ấy, tôi bất chợt nhận ra một điều rằng, nếu tôi phải mất hết trí nhớ và tôi chỉ được chọn nhớ một điều gì đó. Tôi chọn nhớ cái ngày mẹ nói với tôi – một đứa trẻ tầm thường – rằng: “Con sinh ra là để thành công và trở thành một người nổi tiếng như nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nếu con thật sự nỗ lực, mẹ tin con sẽ làm được”. Tôi chọn nhớ kỉ niệm này bởi vì trong kỉ niệm ấy, tôi nhớ ai sinh ra mình và tôi nhớ mình là ai.
Có lẽ, chẳng có gì có thể diễn tả hết những gì mà mẹ đã làm cho tôi trong cả cuộc đời này. Cho nên thay vì kể về mẹ, tôi xin chia sẻ với bạn bức thư mà tôi viết cho mẹ, để bạn có thể hiểu tôi may mắn như thế nào khi có mẹ.
Mẹ ơi,
Con xin lỗi, đã làm mẹ đau đớn rất nhiều khi sinh ra con…
Con cảm ơn mẹ, đã bao ngày nặng mang, để cho phép con được sống trên cuộc đời này…
Con xin lỗi, khi con còn bé, đã bao lần con vòi quà mẹ những khi mẹ đi đâu về, nhưng bây giờ mỗi lần về thăm mẹ, chẳng mấy khi con nhớ mua cho mẹ món gì, mà có muốn mua thì cũng chẳng nhớ mẹ thích gì để mà mua…
Con cảm ơn mẹ, ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai vẫn thế, mỗi khi con về nhà thăm mẹ, vẫn những bữa cơm ấy, vẫn những món ăn bình dị ấy, bao nhiêu năm qua mẹ thương con chẳng có gì thay đổi…
Con xin lỗi, khi con còn bé, những lúc mẹ đi ra ngoài, con vẫn thường níu áo mẹ đòi theo, nhưng bây giờ mỗi lần con đi xa, chẳng mấy khi con ngoái đầu nhìn lại, để thấy giọt nước mắt mẹ rưng rưng…
Con cảm ơn mẹ, dù tuổi đã cao, vẫn sẵn sàng cùng con đi đến bất kỳ nơi nào con cần mẹ…
Con xin lỗi, con đã nâng bao nhiêu người con yêu quý trên đôi vai của mình, nhưng bờ vai mạnh mẽ ấy, lại chưa bao giờ đủ sức đỡ mái tóc mẹ đã hai màu…
Con cảm ơn mẹ, dù lưng không còn thẳng nữa, nhưng vẫn tấm lưng ấy, mẹ che chở con qua sóng gió cuộc đời này…
Con xin lỗi, con đã nói với người khác rằng, con sẽ dành trọn trái tim mình cho người ấy, nhưng con quên rằng, đã có lúc trái tim con bé nhỏ đập bằng máu của mẹ…
Con cảm ơn mẹ, chưa bao giờ nói sẽ dành trọn trái tim mình cho con, nhưng con biết nếu một ngày tim con ngừng đập, mẹ sẵn sàng cho con trái tim của mẹ…
Con xin lỗi, đã thường xuyên bận công việc, bận làm chuyện lớn, mà không về thăm mẹ…
Con cảm ơn mẹ, vẫn chưa bao giờ thôi hết bận ngóng trông con…
Con xin lỗi, đã làm mẹ khóc nhiều vì con…
Con cảm ơn mẹ, đã nhiều lần giấu những giọt nước mắt ấy, mà chỉ để cho con nhìn thấy mẹ tươi cười…
Con xin lỗi, đã ôm người khác vào lòng trước khi con ôm mẹ…
Con cảm ơn mẹ, bao nhiêu năm rồi, đã luôn ôm con trong vòng tay của mẹ, qua nghèo khổ, qua gian khó, qua nước mắt, qua đớn đau, qua bệnh tật và qua cả cuộc đời này…
Con xin lỗi, vì dù con viết những dòng này, con vẫn mãi là đứa con bất hiếu của mẹ. Con sẽ không bao giờ có thể trả hết những hy sinh, và những yêu thương mà mẹ dành cho con. Con cũng sẽ chẳng bao giờ xứng đáng với tấm lòng của mẹ…
Con cảm ơn mẹ, vì cho dù biết thế, mẹ vẫn sẵn sàng hy sinh và vẫn yêu thương con, vô điều kiện…
Và mẹ ơi, con muốn nói với mẹ rằng…
Con thương mẹ nhiều… thật nhiều…
Con cảm ơn mẹ là mẹ của con…
Con tự hào là con của mẹ…
Nhưng không chỉ riêng tôi có may mắn này, mà ai trong chúng ta cũng thế. Mỗi người chúng ta đều có một người rất quan trọng làm điểm tựa cho chúng ta trong cuộc đời. Đối với tôi đó là Mẹ, đối với những người khác đó cũng có thể là mẹ, là cha, là anh, là chị, là thầy, là cô, là bạn, là người yêu, là vợ, là chồng,… Mỗi người một cuộc sống, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai cả. Nhưng bất kỳ ai còn một người hết lòng yêu thương mình, người đó vẫn còn quá may mắn.
Điều quan trọng không phải là bạn có may mắn như tôi hay không, mà là bạn có nhận ra may mắn của riêng mình hay không. Và quan trọng hơn nữa, khi bạn nhận ra may mắn đó, bạn có nói cho người ấy biết rằng, người ấy quan trọng đối với bạn như thế nào hay chưa?
Có thể từ trước đến nay, bạn đã làm nhiều điều tốt đẹp hay tặng cho người ấy nhiều món quà ý nghĩa. Nhưng món quà ý nghĩa và tuyệt vời nhất đối với người ấy – chính là biết được người ấy tuyệt vời và ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
Tôi xin mạn phép được chia sẻ với bạn điều này như một người bạn, còn hành động hay không thì dĩ nhiên lựa chọn hoàn toàn là ở bạn.
Trước khi đọc tiếp quyển sách này, hãy cho phép mình vượt lên trên chính mình, hãy lấy hết can đảm và nói với người mà bạn cảm thấy cuộc đời bạn may mắn khi có được rằng: người ấy quan trọng với bạn như thế nào và bạn cảm thấy mình may mắn ra sao khi có người ấy trong cuộc đời này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.