Sống Và Khát Vọng

Những nghịch lý của cuộc sống



Thành công luôn có cái giá của nó. Sau 2 năm (2009 – 2010) thành công rực rỡ so với những gì bản thân mình làm được trước đó, tôi bắt đầu bước vào một giai đoạn khó khăn theo một cách mà tôi chưa từng biết đến và cũng không thể nào hình dung ra nó lại khủng khiếp đến thế. Nếu như trước đó tôi vẫn nghĩ rằng giai đoạn 2001 – 2008 là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời mình, thì chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi 2011

– 2012, tôi phải đối diện với những thử thách và những đau đớn bằng cả 8 năm kia gộp lại sau đó nhân lên thêm vài lần nữa.

Khi phải đối diện với tất cả những khó khăn trong chuyện gia đình, chuyện tình cảm, trong các mối quan hệ với bạn bè, với người xung quanh, và cả những bất công đến từ những nghịch lý của cuộc sống, thành công và tên tuổi bỗng dưng trở thành gánh nặng ngàn cân tôi tự đặt lên đôi vai mình. Không ít lần, tôi đã muốn vứt bỏ tất cả để quay lại Singapore, chỉ để mong muốn có được một cuộc sống bình lặng, không sóng gió. NHƯNG… tôi đã lựa chọn chiến đấu, bởi vì tôi có được hai may mắn.

May mắn thứ thất, đó là tôi đã vô tình đọc được một quyển sách nói về những nghịch lý trong cuộc sống mà chúng ta phải đối diện của tiến sĩ Kent M. Keith. Còn may mắn thứ hai và cũng là may mắn ý nghĩa hơn cả, đó là những người thật sự yêu thương tôi và những người đồng đội thật sự trân trọng, tin tưởng tôi, đã luôn ở bên cạnh và động viên tôi trên suốt đoạn đường đời cam go này. Không có những tấm lòng như thế, tôi đã không bao giờ đến được đây ngày hôm nay, quyển sách này cũng sẽ không bao giờ được hoàn thành.

Trong những phần tiếp theo, tôi xin được chia sẻ với bạn về những cuộc chiến cam go nhất tôi từng trải qua – những cuộc chiến bên trong chính bản thân mình – những cuộc chiến để bản thân mình không bị biến chất trước những nghịch lý ở đời.

Người đời có thể nghĩ bạn vì tư lợi

“Nếu bạn làm điều tốt, có thể người khác sẽ cho là bạn làm vì tư lợi. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt”

– Kent M. Keith

Trong nỗ lực chia sẻ kiến thức của mình cho cộng đồng và giới trẻ, tôi thường không ngần ngại sắp xếp thời gian đi diễn thuyết ở nhiều nơi khi được mời, thậm chí đã có khi tôi hoãn cả chuyến bay của mình. Nếu đơn vị mời tôi đến là các trường học (bao gồm cả cao đẳng và đại học) thì khi sắp xếp được thời gian, lúc nào tôi cũng đến để chia sẻ hoàn toàn miễn phí cho các bạn học sinh, sinh viên.

Vậy mà, vẫn có một số ít người, vì lý do nào đó nói rằng tôi “xin” diễn thuyết không lấy tiền để làm PR. Nhưng lạ thay, sau này khi tôi bắt đầu nhận thù lao diễn thuyết khi

được mời (chủ yếu là từ các doanh nghiệp hoặc từ các chương trình mang tính PR của các trường), thì cũng chính những người này sẽ nói tôi “kiếm tiền”, mặc dù trong cả hai trường hợp đều là thời gian và công sức lao động chân chính của tôi. Điều đặc biệt là những người “nói như đúng rồi” này hoàn toàn là những người xa lạ, không thuộc đơn vị mời tôi và cũng chưa từng gặp tôi.

Có lẽ trong cuộc sống hiện đại, khi mà chúng ta bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lối suy nghĩ thực dụng, người đời đôi khi vô tình hành xử theo kiểu rất “thực tế” – khi mình cho đi thì mình phải được nhận lại – và rồi bởi vì thế, người đời cũng hay nghĩ người xung quanh mình làm gì cũng vì tư lợi mà thôi. Những người sống vì lý tưởng hơn là tiền bạc càng dễ bị nghi ngờ là vì tư lợi nhiều hơn.

Tóm lại, chúng ta có thể đi đến một kết luận đơn giản là khi người khác đã có định kiến không tốt với bạn, hoặc ganh ghét bạn, hoặc đã chịu sự ảnh hưởng của những lối suy nghĩ thực dụng quá nặng, thì đối với họ, bạn làm gì cũng là vì tư lợi hoặc những mục đích không tốt. Cho nên, bạn cũng không cần phải lo lắng về việc những người “thế nào cũng không hài lòng” này nghĩ gì, mà hãy dành tâm trí của mình quan tâm đến những việc tốt mình làm, và quan trọng hơn hết là phải làm tốt hơn nữa. Cuộc sống này luôn công bằng, nếu đã có những người “thế nào cũng không hài lòng”, thì chắc chắn luôn có những người hiểu được thế nào là sự trân trọng và giá trị của lòng biết ơn.

Chắc rằng bạn cũng đã có lúc bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhưng không có gì sai nếu bạn làm việc tốt để vừa vì mình, vừa vì người. Khi ấy, những người tốt chắc chắn sẽ tin yêu bạn và sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Nên dù sao đi nữa, bạn hãy tiếp tục làm điều tốt, vì rồi một ngày nào đó, cho dù có thể là tương lai rất xa, người đời cũng sẽ nhận ra giá trị của những việc bạn làm hôm nay thật sự chỉ vì bản thân bạn hay thật sự là còn vì người khác. Hãy tin rằng, khi bạn làm việc tốt, thì dù có muốn hay không, bạn sẽ được nhận lại nhiều hơn thế bằng cách này hay cách khác.

Sống giả dối đã khó. sống thật lại càng khó hơn. Nhưng dù sao đi nữa, ta vẫn nên sống thật.

Người đời có thể quên việc tốt bạn làm

Bản năng tự vệ

Chúng ta có khuynh hướng nhớ rõ những kí ức làm chúng ta khó chịu hơn là những kí ức làm chúng ta vui vẻ, thoải mái. Đây là một dạng bản năng sinh tồn giúp con người nhớ kỹ và tránh những hoàn cảnh nguy hiểm trong cuộc sống. Nhưng khi xã hội loài người càng phát triển, bản năng này có vẻ mang đến nhiều cái hại hơn là cái lợi nếu không được kiểm soát tốt. Dưới tác động của dạng bản năng này, người đời thường có trí nhớ kém về những điều tốt người khác làm, nhưng lại nhớ rất lâu rất kỹ những

lỗi lầm của người khác.

Thay vì bực bội vì điều ấy, hãy xem việc người đời dễ dàng lãng quên những việc tốt bạn làm là động lực giúp bạn làm nhiều việc tốt hơn nữa để nhắc cho họ nhớ rằng, bạn vẫn đang ở đây, vẫn đang làm những việc tốt mỗi ngày. Một ngày nào đó, khi bạn làm đủ nhiều việc tốt để in sâu vào trí nhớ người đời, thì họ cũng sẽ công bằng với bạn và trân trọng bạn.

Công bằng mà nói, người đời cũng không hẳn chỉ biết “lãng quên” mà thôi, vấn đề là ở chỗ, trước khi đòi hỏi người đời nhớ và trân trọng những điều tốt bạn làm, hãy tự hỏi bản thân mình: “Liệu mình có làm đủ nhiều việc tốt để người khác phải nhớ hay chưa?” Và từ đó, bạn sẽ biết mình phải và nên làm gì.

Dấu hiệu của sự phi thường

Những việc tốt chúng ta làm, đôi khi không những bị lãng quên mà còn bị phủ nhận bởi một số người. Khi tôi mới bắt đầu làm những công việc mà tôi tin rằng rất có ý nghĩa cho đất nước và xã hội, tôi rất ngạc nhiên vì bên cạnh sự ủng hộ nhiệt tình của đa số mọi người, tôi gặp phải sự phản kháng khá dữ dội từ một số người. Thậm chí, có người cho rằng tôi và công ty của tôi là lừa đảo vì họ không tin vào những kết quả chúng tôi đạt được. Nhưng càng về sau, càng nhiều người gọi những gì chúng tôi làm là hiện tượng, thậm chí là điều kì diệu.

Lúc đầu tôi cũng không hiểu sao lại có một số người nghĩ tôi lừa đảo, trong khi nhiều người khác lại cho rằng tôi đang làm nên những điều kì diệu. Đứng từ góc độ của mình, tôi biết chắc những việc tôi làm không phải là lừa đảo, nhưng cũng chẳng phải là điều kì diệu. Tất cả chỉ đơn giản là kết quả của sự kết hợp giữa tấm lòng, tâm huyết, nỗ lực và khao khát học hỏi không ngừng.

Nhưng về sau thì tôi bắt đầu hiểu dần ra. Đó là khi con người ta đối diện với một điều mà họ chưa biết hoặc khó tin, họ thường lựa chọn phản ứng theo hai cách khác nhau. Những người bi quan sẽ bắt đầu nghĩ đó là lừa đảo (ngay trước cả khi họ tìm hiểu kỹ), còn những người lạc quan sẽ cho đó là điều kì diệu. Thế nhưng, những trò lừa đảo luôn nhiều hơn những điều kì diệu rất nhiều. Thế nên, khó mà trách được việc đa số mọi người trở nên bi quan và cẩn thận hơn trước những cái mới, cái đột phá.

Cho nên, khi bạn làm được một điều mà nhiều người cho là điều kì diệu (khi họ tận mắt chứng kiến), còn một số ít người khác lại cho là lừa đảo (khi họ chưa tận mắt chứng kiến), điều đó cũng đồng nghĩa là bạn đã làm được một việc thật sự đặc biệt ý nghĩa cho bản thân mình hoặc cho xã hội.

Bên cạnh đó, đa số mọi người, bao gồm cả bản thân tôi, thường đi tới những kết luận sai về những điều xảy ra xung quanh mình không phải là vì nhận thức kém, mà chủ yếu là vì thiếu thông tin một cách trầm trọng. Hiểu được như thế, tôi luôn tự nhắc nhở

mình đừng vội đánh giá điều gì trước khi mình đã thật sự nỗ lực tìm hiểu và hỏi han thông tin càng đầy đủ càng tốt, cho dù là chuyện nhỏ hay chuyện lớn.

Dĩ nhiên, cuộc đời không bao giờ hoàn hảo. Dường như mỗi khi có thêm một người chuyển từ hiểu lầm sang ủng hộ TGM, thì lại có thêm một người khác nghi ngờ. Nhưng chính nhờ có những người như vậy, tôi và các cộng sự của mình lại càng phải cố gắng hơn nữa để khẳng định giá trị của những điều mình làm.

Còn bạn thì sao? Có thể bạn đang làm những điều tốt và cảm thấy thất vọng khi những điều tốt bạn làm bị quên lãng. Hãy tự hỏi mình rằng: “Liệu mình có làm điều tốt đủ nhiều để người khác phải nhớ chưa? “, “Liệu mình đã làm được những việc đặc biệt ý nghĩa để mọi người phải luôn nhớ đến hay chưa?

Bạn có mất lòng tin ?

Cũng có thể chính vì sự thiếu công bằng của nhiều người trong cách nhìn nhận vấn đề, một người bạn có lẽ đã hơi mất lòng tin vào cuộc sống mới nói với tôi rằng:

“Những người không làm nhiều việc tốt, khi làm được một chuyện tốt nho nhỏ thì sẽ được ca ngợi. Còn những người làm được nhiều việc tốt, thì dễ bị xem là cũng thường thôi. Thậm chí, khi lỡ phạm một sai lầm gì đó thì sẽ bị ném đá, và rồi những việc tốt người đó làm cũng bị chôn dưới đống đá ấy. Cho nên, tốt nhất là lo thân mình thôi, lâu lâu làm việc tốt một lần đủ để gây ấn tượng mình là người tốt, chứ đừng lo làm người tốt hay lo chuyện thiên hạ nhiều quá, rốt cuộc sẽ bị thiên hạ đợi đến lúc phạm sai lầm để ném đá”.

Tôi mang ý kiến này lên Facebook hỏi cảm nhận của mọi người và sau đây là một số phản hồi tôi nhận được. Đối với những phản hồi này, tôi chỉ biên tập lại một số chữ viết tắt hoặc sai chính tả để dễ đọc dễ hiểu. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với những phản hồi này, nhưng điều quan trọng là thông qua chúng, bạn có thể thấy nhiều hơn một khía cạnh của vấn đề.

Justin Luu: “Con người ta thường vứt bỏ một tờ giấy trắng đi, không sử dụng nữa khi nó dính một vết mực, có thể là hơi to một tí, nhưng mà làm xấu tờ giấy đi. Cách nhìn người cũng vậy, mặt tốt thì nhìn hoài thấy chán, săm soi tìm điểm yếu, cái xấu để mà bới móc cho có scandal gây sốc. Có một câu nói của nhân vật Voldemort trong bộ truyện lừng danh Harry Poter, hơi tiêu cực một tỉ, nhưng không phải là không có lý: “Sự vĩ đại gây ra đố kỵ, đó kỵ sinh ra hận thù, hận thù đẻ ra dối trá”. Có thể câu nói này ứng dụng được phần nào với tâm tính con người ngày nay chăng?”.

Nguyễn Hồng: “Hãy cứ sống sao cho lòng mình thanh thản. Nếu đến mức được người rình chờ ném đá thì có nghĩa là bạn đã quá tốt rồi, cần tự hào về điều đó và phát huy hơn nữa. Trong xã hội hiện nay những cái họ ghét thường được quên đi rất nhanh, còn những cái họ yêu quý thì sẽ rất lâu dài. Cũng như một ban nhạc hay một đội bóng

nổi tiếng nào cũng có fan và anti-fan, nhưng ai cũng có thể thấy lượng anti-fan rất nhỏ bé so với lượng tan thật sự.”

Vi Thảo Nguyên: “Em đã bật cười khi tình cờ đọc được Status này của anh. Anh đã gọi tên một thứ cảm xúc ở trong em mà lâu rồi em không biết nó là cái gì. Với những gì em đã trải qua, thì em thấy đúng là như vậy đó. Chính xác là như vậy đó. Cuộc sống vẫn đẹp, vẫn đáng sống và đáng để mình hết lòng, nhưng cũng có nhiều nghịch lý, mà thỉnh thoảng chẳng biết nên khóc hay nên cười cho qua. Tuy nhiên, em vẫn chọn tiếp tục bước tới. Cho dù lòng dạ có bị tổn thương thế nào thì cũng… kệ nó đi.”

Minh Huy Đính: “Sở dĩ người làm được việc tốt nhỏ, thỉnh thoảng mà được ca ngợi, ca ngợi để khuyến khích họ làm được nhiều việc tốt! Theo hướng từ thấp đến cao, ai mới bắt đầu làm việc tốt chẳng được ca ngợi và tán thán! Người làm nhiều việc tốt, tâm họ vốn rộng như trời biển, chính vì họ rộng lớn, mà người ta thằn tượng họ, vì vậy chỉ cần một hành động xấu là họ lấy một hành động để đánh giá họ (đây là sự hồ đồ đến ngu đần của những kẻ đánh giá họ, người trí tuệ không dễ đánh giá người khác qua một hành động hay lời nói nhất là đánh giá một người làm tốt).”

Không Tên: “Người viết nhận xét có cải nhìn bao quát về xã hội hiện nay Nhưng xã hội đó còn nhiều yếu tố bất cập chưa bao quát đúng tính nhân văn con người. Mỗi xã hội, mỗi thời đại đều không thiếu những anh hùng thầm lặng vô danh. Họ âm thầm làm những việc mà họ cảm thấy cẩn làm, phải làm, không cần ai biết đến, không cần ai ghi nhận. Việc phấn xét đúng sai về họ do ý chí chủ quan của người nhận xét mang tính giai đoạn, thời vụ, nhưng lịch sử thì luôn đánh giá rất công bằng.”

Minh Tú: “Kẻ xấu làm điều tốt được mọi người ca ngợi. Vậy mọi người ở đây đương nhiên là những người tốt rùi, vì chỉ có người tốt mới ca ngợi người tốt, và kẻ xấu không bao giờ ca ngợi người tốt cả. Còn người tốt chẳng may phạm sai lầm thì bị mọi người ném đá. Vậy mọi người ở đây chính là những kẻ không tốt, kẻ xấu. Chúng ghen ăn tức ở và tận dụng thời cơ này để sinh sự, bôi nhọ người khác. Ngoài ra còn có 1 số người tốt bị lôi kéo do chỉ nghe theo 1 phía, thiếu sự tỉnh táo và phân tích… Và những người tốt thì không bao giờ giống những kẻ xấu rùi, họ biết cảm thông, chia sẻ, an ủi động viên mỗi khi mình mắc sai lẩm. Em nghĩ chỉ có 1 số ít người ném đá thui, nhưng về sau hiểu kĩ thì họ không như vậy nữa. Cho nên, nếu có cơ hội và trong phạm vi của bản thân thì nên làm việc tốt. (Mẹ em luôn dạy sống là phải tích đức).”

“Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lẵng quên. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.” – Kent M. Keith

Người đời có thể tìm cách hạ gục bạn

“Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những kẻ tầm thường. Nhưng dù sao đi nữa, hãy luôn nghĩ lớn.”

– Kent M. Keith

Nhiều người nghĩ rằng, hễ cứ kinh doanh thì phải đặt lợi nhuận lên trên tất cả, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi luôn tự hỏi mình: “Nếu tất cả mọi quyết định kinh doanh đều dựa trên lợi nhuận thì đến bao giờ mới có một xã hội tốt đẹp hơn?”. Chính vì thế, phương châm kinh doanh của tôi luôn là:

Mang lại thật nhiều giá trị cho xã hội, rồi xã hội sẽ đền đáp mình xứng đáng.

Tôi không dám tự cho rằng những việc tôi đang làm là lớn lao. Lớn lao hay không thì sẽ phải do những người công bằng như bạn đánh giá. Nhưng qua việc kinh doanh bằng cách mang lại những giá trị cho xã hội, tôi cảm thấy mình đang làm những việc có ý nghĩa cho cuộc đời mình và cho nhiều người khác. Trê con đường đó, tôi gặp không ít đối thủ cạnh tranh.

Trong số đó, may mắn thay, đa số là những đối thủ cạnh tranh đáng nể trọng vì họ cạnh tranh công bằng và trung thực. Cách cạnh tranh lành mạnh này giúp tôi có động lực luôn phải làm tốt hơn và tốt hơn nữa. Nếu không có những đối thủ cạnh tranh tốt này thì kinh doanh cũng mất đi sự thú vị và tính sáng tạo.

Bên cạnh những đối thủ cạnh tranh lành mạnh thì luôn có vài đối thủ với những chiêu bài thấp hèn. Trong kinh doanh, tôi luôn mong được hợp tác hơn là cạnh tranh. Trong trường hợp vì bất đồng quan điểm dẫn đến không hợp tác được mà buộc phải cạnh tranh, thì cũng phải cạnh tranh lành mạnh để khách hàng là người hưởng lợi nhiều nhất. Tiếc thay, không phải ai cũng nghĩ như thế. Và thế là tôi cùng các cộng sự phải lao vào những cuộc chiến không cân sức giữa lý tưởng kinh doanh chân chính vì xã hội và những suy tính tư lợi tầm thường.

Cạnh tranh bằng sao chép

Một số đối thủ sao chép cách trình bày Website, cách viết lời giới thiệu, cách vẽ mô hình,… của TGM. Chuyện này diễn ra thường xuyên đến mức những bạn làm marketing trong TGM thỉnh thoảng vẫn nói đùa với nhau là: “TGM mình giờ trở thành chuẩn mực cho các đối thủ học theo rồi”. Tôi nghĩ như vậy vẫn còn có thể tạm chấp nhận được. Xem như họ bí quá thì lấy TGM làm niềm cảm hứng. Với lại nhiều khi bản thân họ trong quá trình học hỏi cũng vô tình không nhận ra mình đã sao chép hơi nhiều. Đối với những trường hợp này, tôi cũng không quan tâm lắm vì những đối thủ sao chép theo cách này thường chỉ là những đối thủ yếu về nhiều mặt.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn là sự sao chép một cách có tính toán và có hệ thống. Tôi không thể nào quên được bài học đắt giá khi vô tình để cho một người mang ý đồ sao chép nội dung các khóa học của TGM lọt vào hàng ngũ của chúng tôi. Hãy tạm gọi bạn trẻ này là Z.

Tôi dùng mật danh Z vì không muốn làm ảnh hưởng đến bạn trẻ ấy, dù sao đi nữa tôi cũng đã chọn bỏ qua cho những gì bạn ấy làm. Nhưng tôi vẫn phải kể lại câu chuyện này ra đây để bạn hiểu rằng, trên con đường bạn đi, càng thành công thì bạn càng phải hết sức cẩn thận với những hành vi khác thường của những người mới quen, vì thông thường, khi họ có ý đồ xấu, họ khó lòng có thể che giấu bản chất của mình.

Ngay từ khi khóa học Tôi Tài Giỏi ! bắt đầu tạo tiếng vang lớn từ năm 2009, Z đã đăng ký tham gia học. Sau đó, Z tiếp tục xin tham gia vào TGM trong vai trò một coach.

Trong suốt thời gian làm coach, Z đã có thái độ bất thường là thường hay xao nhãng công việc được giao chỉ để ngồi nghe và ghi chép những nội dung của khóa học. Tuy nhiên, vốn tin vào sự tốt đẹp bên trong mỗi con người, tôi cứ nghĩ là Z ham học hỏi và mong muốn nắm thật vững nội dung khóa học để làm tốt trách nhiệm của mình nên cũng không để ý lắm. Thậm chí, tôi còn nghĩ tốt về Z vì thấy Z rất chịu khó ghi chép mọi thứ kỹ lưỡng.

Chưa kể có lần Z vì không tự kiềm chế được, đã hôn lên má một đồng nghiệp nữ mà không có sự đồng ý của bạn nữ ấy. Z bị nhắc nhở nhưng chúng tôi không làm lớn chuyện, vì chúng tôi cũng thông cảm việc đôi khi tình cảm dâng trào, con người khó làm chủ được mình.

Trong quá trình làm coach, Z cũng tổ chức một chương trình từ thiện. Với phương châm thấy cái tốt là phải ủng hộ, chúng tôi dùng các kênh truyền thông của mình như diễn đàn Vươn Tới Thành Công để ủng hộ Z. Nhưng rồi vì thiếu minh bạch, chương trình từ thiện này trở thành một vụ việc lùm xùm.

Rất tiếc là chúng tôi vì quá tin vào cái tốt trong con người nên đã bỏ qua tất cả những dấu hiệu bất thường đó. Để rồi, một thời gian sau, chúng tôi phát hiện ra Z lén lút tổ chức một vài chương trình không có sự đồng ý của TGM, đã vậy còn dùng đồng phục coach của TGM trong các hoạt động đó. Đây là một vi phạm kỷ luật nặng nề của TGM vì đồng phục của coach đối với TGM là một đồng phục hết sức ý nghĩa. Nên lúc ấy, Trung với vai trò Giám đốc Đào tạo đã trực tiếp thu lại toàn bộ đồng phục và chính thức loại Z ra khỏi hàng ngũ TGM.

Nhưng tất cả đã quá muộn, sau nhiều tháng xâm nhập vào đội ngũ TGM với một ý đồ rõ ràng, được huấn luyện và được thoải mái học hỏi mọi thứ, Z đã có trong tay khá nhiều nội dung huấn luyện và công nghệ huấn luyện của TGM vào thời ấy. Cũng may là TGM luôn cập nhật và cải tiến nội dung và công nghệ huấn luyện, cho nên những gì Z lấy được nếu tính vào thời điểm này chỉ là những nội dung và công nghệ cơ bản hoặc cũ kỹ đã không còn dùng nữa.

Tuy nhiên, ngay cả khi đó chỉ là những nội dung và công nghệ cũ, nhưng đó cũng là những sản phẩm trí tuệ rất có giá trị. Cho nên dựa vào đó, Z bắt đầu tổ chức khóa học

W với lời quảng cáo rằng đây là “khóa học đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng sống hàng đầu Việt Nam”.

Chưa bao giờ chúng tôi bắt gặp một đối thủ cạnh tranh sao chép tỉ mỉ từng ly từng tí như Z. Thời gian đầu Z còn sao chép cả hình ảnh logo của khóa học Tôi Tài Giỏi ! Bạn Cũng Thế !. Nhưng vì sao chép logo quá lộ liễu và bị lên án nên về sau Z quyết định đổi logo. Không những thế, Z còn sao chép luôn cả cách viết lời giới thiệu khóa học và các cách giải thích về đặc thù khóa học cho khách hàng.

Đặc biệt, ở những phần nội dung quan trọng của khóa học, Z học thuộc gần như từng câu từng lời tôi diễn thuyết.

Với cách sao chép tất tần tật bất cứ thứ gì có thể sao chép được này, khóa học của Z cũng có một số người tham gia, đặc biệt là những người không có điều kiện tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trên Internet, vì thật ra chỉ cần tìm một vòng trên Internet thì sẽ có được khá nhiều thông tin tiêu cực về Z.

Có câu “lưới trời tuy thưa nhưng khó thoát”, một bạn học viên yêu quý khóa học Tôi Tài Giỏi ! Bạn Cũng Thế ! vì quá bất bình trước việc làm này đã tình nguyện tham gia vào khóa học của Z để ghi âm lại toàn bộ nội dung và gởi cho TGM. Chính nhờ thế, tôi không những biết việc Z gần như học thuộc một số nội dung diễn thuyết của tôi mà còn có bằng chứng cụ thể. Bằng chứng này cho tới nay TGM vẫn còn cất giữ cẩn thận.

Đỉnh điểm là trong năm 2010, Z còn công khai đưa lên YouTube những video clip của một khóa học do Z tổ chức trong nội bộ nhằm huấn luyện cho đội ngũ của mình, nhưng sử dụng một công nghệ đào tạo độc quyền và cũng thuộc hàng tuyệt mật của TGM tại Việt Nam (bản quyền từ Singapore). Những video clip lập tức bị rất nhiều học viên và thành viên của TGM nhìn thấy và lên tiếng phản đối kịch liệt trên cả YouTube lẫn Facebook. Z nhanh chóng gỡ những video clip đó xuống, nhưng một số bạn trong đội ngũ chúng tôi cũng đã kịp lưu lại để làm bằng chứng.

Đứng trước việc Z ngang nhiên sử dụng các tài sản trí tuệ có bản quyền của TGM, lúc đầu toàn thể ban lãnh đạo đều rất bất bình và đã dự định kiện Z ra tòa. Một nhóm điều tra được thành lập nhằm thu thập tất cả bằng chứng bao gồm bài viết, hình ảnh, ghi âm, video clip,… về những hành vi sao chép của Z. Trong quá trình này, nhóm cũng vô tình thu thập được những thông tin khác về những hành vi khác của Z trong quá khứ, liên qua đến những tổ chức khác.

Nhưng sau cùng, vì thấy Z còn quá trẻ, TGM cũng không muốn dồn Z vào đường cùng. Chúng tôi quyết định thay vì tập trung vào một cuộc chiến pháp lý tốn kém, thì tập trung vào nghiên cứu và sáng tạo cải tiến nội dung khóa học. Đó mới là việc làm có lợi nhất cho cả khách hàng lẫn TGM.

Z có thể sao chép một số nội dung cũ và công nghệ đào tạo cũ của TGM, nhưng Z

không thể sao chép tấm lòng, trí tuệ và quan trọng là rất nhiều sáng tạo của TGM sau khi Z rời khỏi.

Đôi lời gởi Z:

Chào em,

Nếu em đọc được những dòng này, chắc chắn em phải nhận ra anh đang viết về em. Nhưng không biết em có nhận ra một điều rằng, chỉ cần anh thay Z bằng tên thật của em, thì sự nghiệp của em sẽ chấm hết khi quyển sách này đến tay có thể là hàng trăm ngàn độc giả trên cả nước. Chưa kể hàng ngàn khách hàng của em có thể sẽ đến gặp em “đòi nợ” khi biết mình đã dùng nhầm “hàng giả, kém chất lượng”. Thêm vào đó, trong mấy năm qua, TGM có tất cả bằng chứng và rất nhiều nhân chứng chống lại em chứ không chỉ là những lời nói suông.

Tuy nhiên, anh nhìn thấy ở em một bạn trẻ giàu quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Anh cũng đã từng như em, từng khao khát thành công và sẵn sàng thử nhiều cách khác nhau để thành công. Chỉ khác là anh không bao giờ chọn làm những việc giống như em đã làm.

Dù đã có lúc anh rất giận em, thậm chí thề sẽ trừng phạt em, nhưng hôm nay anh lựa chọn tin vào những điều tốt đẹp còn lại ở trong em, tin rằng em đủ sáng suốt để biết đâu là giới hạn. Tin vào những điều tốt đẹp trong người khác là cách khóa học Tôi Tài Giỏi ! Bạn Cũng Thế ! đã giúp nhiều học viên lầm lỡ quay về con đường chân chính. Em cũng từng là một học viên nên anh muốn cho em thêm một cơ hội được tin như thế. Anh hy vọng em sẽ xứng đáng với niềm tin ấy.

Con người ai cũng có lúc sai lầm bởi vì không ai trong chúng ta hoàn hảo cả. Trong quá khứ, đã có lúc anh mắc phải những sai lầm hết sức to lớn. Nhưng điều quan trọng không phải là chúng ta đã sai lầm như thế nào, mà điều quan trọng là chúng ta sẽ đối diện với những sai lầm ấy ra sao và sẽ làm gì sau những sai lầm ấy.

Anh tin em biết mình cũng đã sai lầm, nhưng có thể em chưa có lý do và cơ hội để sửa chữa sai lầm đó. Hãy coi đây là cơ hội để em lựa chọn sửa chữa sai lầm của mình. Hãy ngay lập tức loại bỏ hoàn toàn những nội dung và ngừng sử dụng những công nghệ đào tạo vay mượn từ TGM, cũng như dừng vay mượn nội dung của bất kỳ ai khác nếu chưa được sự đồng ý của họ.

Em không thể mang lại cho học viên của em những điều tốt đẹp nhất khi em sử dụng nội dung và công nghệ vay mượn, bởi vì nói cho cùng, em không hiểu một cách sâu sắc về những nội dung và công nghệ ấy. Thời gian ngắn ngủi ở TGM chỉ giúp em ghi lại được cách làm, sao chép từng câu từng chữ, chứ chưa đủ giúp em hiểu sâu sắc mọi thứ.

Công việc đào tạo, huấn luyện và giáo dục con người phải xuất phát từ tấm lòng và trí tuệ. Em làm vậy là đang làm hại những học viên của em – những người đặt niềm tin vào em. Giống như một “bác sĩ’ không học hành bài bản, thấy bác sĩ khác kê một loại thuốc cho bệnh nhân, cũng bắt chước kê theo nhưng vì thiếu hiểu biết nên kê không đúng liều, đúng lúc. Như vậy, vị “bác sĩ’ đó đang giúp hay đang giết bệnh nhân từ từ ? Hơn ai hết, em hiểu rõ việc em đang làm.

Qua những gì em viết về mình trên mạng, anh thấy em luôn tin mình là người đầy ý chí nghị lực, có tinh thần vượt khó, tài năng và cả lòng tự trọng. Nếu em thật sự là một con người như vậy, hãy phát huy tất cả những gì thuộc về mình để tạo ra một khóa học của riêng em, hoặc nếu em muốn học một cách bài bản thì đi tìm mua bản quyền cũng được.

Điều quan trọng nhất là hãy sống đúng với những điều mình chia sẻ. Chẳng lẽ em dạy cho những học viên khởi nghiệp của mình cách trà trộn vào một tổ chức khác để sao chép mọi thứ cho đến khi bị phát hiện và “mời ra”? Chẳng lẽ em dạy cho những học viên khởi nghiệp của em cứ sao chép thoải mái, vừa dễ vừa nhanh kiếm được tiền, cùng lắm thì ra tòa, thân bại danh liệt?

Đây là một lời khuyên chân tình từ một người đi trước, một người đã từng dạy em, chứ không phải là một lời đe dọa. TGM đã lựa chọn bỏ qua không đưa em ra tòa. Nhưng liệu em có thật sự thoát được hậu quả của những việc mình làm?

Thành công và danh vọng là thứ nhiều người thèm muốn, nhưng chúng không đáng để mình đánh đổi những giá trị con người mình. Em còn trẻ, hãy cho mình một cơ hội sống xứng đáng như những gì em đã học và đã hứa từ Tôi Tài Giỏi ! Bạn Cũng Thế !. Liệu em có còn nhớ ý nghĩa thật sự của trải nghiệm “Mắt lửa”? Có nhiều cách để đi đến thành công, hãy chọn cách đứng thẳng và ngẩng cao đầu. Để rồi khi kết thúc cuộc đời này nhìn lại, em sẽ không bao giờ phải hổ thẹn với chính bản thân mình.

Không có dối trá nào có thể đứng vững trước thời gian. Không có sự thật nào không lớn lên cùng năm tháng.

Kiểu cạnh tranh bằng sao chép còn tồn tại được là vì trên thị trường và trong cuộc sống lúc nào cũng có những đối thủ cạnh tranh chỉ biết sao chép nhưng thiếu khả năng sáng tạo. Tôi tin rằng trong kinh doanh thậm chí trong công việc của mình, bạn cũng đã có lúc bị người khác sao chép những sáng tạo hoặc thậm chí cướp luôn sáng tạo của bạn để nhận là của họ. Những lúc đó, bạn đã cảm thấy rất uất ức, thậm chí căm phẫn những người làm như thế.

Nhưng hãy nhớ một điều rằng, việc họ làm thì họ cũng đã làm rồi, tổn thương thì bạn cũng đã tổn thương rồi, uất ức hay căm phẫn cũng chỉ là một liều thuốc độc mình tự pha rồi tự uống mà thôi. Bạn có thể tập “sống chung với lũ” bằng cách chuyển những

cảm xúc tiêu cực thành quyết tâm để sáng tạo nhiều hơn, biết đâu đó lại chính là cơ hội giúp bạn có những sáng tạo vượt bậc.

Ở Việt Nam chúng ta, văn hóa tôn trọng sự sáng tạo và mức độ nghiêm minh của luật pháp trong việc bảo vệ bản quyền cũng còn chưa cao. Quan trọng là chúng ta ý thức hơn, cùng nhắc nhở nhau để những sáng tạo của người Việt có đất sống, để đất nước mình sớm hùng cường hơn. Tôi vẫn tin người Việt Nam chúng ta thông minh, sáng tạo và giàu lòng tự trọng, vấn đề là ở ý thức và thái độ của mỗi người.

Cạnh tranh bằng bôi nhọ

Ngược lại với kiểu cạnh tranh thứ nhất, kiểu cạnh tranh thứ hai lại cực kỳ “sáng tạo” nhưng là sự “sáng tạo bẩn thỉu” nhất. Kiểu cạnh tranh này xoay quanh việc nghĩ ra những câu chuyện giật gân nhằm đánh vào uy tín của TGM và những người sáng lập TGM. Để làm được điều này, họ tung lên mạng các bài viết với những thông tin bịa đặt bằng tên giả.

Có những thông tin bịa đặt ngớ ngẩn đến mức buồn cười. Ví dụ như thông tin về việc khi còn là sinh viên ở Việt Nam, tôi thường quan hệ tình dục với nhiều bạn nữ rồi dùng điện thoại quay lại tống tiền. Điều nực cười là điện thoại có thể quay được phim chỉ mới xuất hiện trong vòng những năm gần đây. Có lẽ người bịa đặt ra thông tin đó bị ảnh hưởng nhiều bởi những clip nóng trôi nổi trên mạng hiện nay, nhưng lại quên rằng cái thời tôi còn là sinh viên đã qua cách đây gần 10 năm. Khi đó, chúng ta vẫn dùng điện thoại kiểu “đồ đập đá” chứ chưa có khái niệm điện thoại thông minh. Hơn nữa vào thời ấy, ngay cả “đồ đập đá” sinh viên cũng chẳng có tiền để mua.

Tinh vi hơn những thông tin bôi nhọ trực tiếp thì có những bài viết được bọc dưới lớp vỏ “cảnh báo” để bôi nhọ uy tín và danh dự của người khác (một lần nữa, dưới dạng hoàn toàn nặc danh). Sau khi đả kích đích danh cá nhân tôi, anh em tôi và TGM không ra gì bằng những chuyện hoàn toàn bịa đặt, thì mục đích của bài viết mới được bộc lộ rõ, bởi vì ở phần gọi là “chia sẻ thêm” sau khi “cảnh báo” sẽ là những lời ca ngợi về một số cá nhân hay tổ chức nào đó khác!? Nói chung, tinh vi đến mức nào thì họ vẫn không thể che giấu được cái ý đồ của mình.

Có lẽ, khi đọc những gì tôi chia sẻ, bạn cũng nhận thấy rằng chính mình cũng đã từng là nạn nhân trên thương trường, hoặc trong công việc, hoặc thậm chí trong cuộc sống, của những đối thủ và những chiêu trò tương tự (bị cướp mất sáng kiến, bị giành mất công trạng, bị đâm sau lưng,…). Nhưng dù sao đi nữa, vẫn hãy nỗ lực vươn lên một cách ngay thẳng nhất để có thể luôn tự hào về chính mình.

Có câu “cây ngay không sợ chết đứng”, nếu bạn sống càng thẳng ngay, có thể bạn sẽ chịu thiệt thòi trước mắt, nhưng rốt cuộc bạn sẽ là một trong những người vươn cao nhất để hướng đến bầu trời bao la. Xã hội này, đất nước này cần những con người

dám sống thẳng, sống ngay để còn có một hy vọng cho ngày mai tương sáng. Còn những chuyện còn lại, hãy để cho luật nhân quả làm thay bạn.

Trong một thế giới rối ren, trắng đen, vàng thau lẫn lộn, điều mỗi người chúng ta cần rèn luyện nhất có lẽ là một chữ NHẪN.

Người đời có thể ganh ghét bạn

“Nếu thành công, bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự. Nhưng dù sao đi nữa, hãy thành công.”

– Kent M. Keith

Phân biệt bạn tốt – bạn xấu

Một trong những phát hiện của tôi qua kinh nghiệm huấn luyện trực tiếp cho hàng chục ngàn người là có không ít người sợ thành công vì họ sợ có những người bạn giả dối và có kẻ thù từ trên trời rơi xuống. Thậm chí, nhiều người sợ điều này nhưng chính bản thân họ cũng không nhận ra cho đến khi họ nói chuyện với tôi. Cho nên, trong phần này, tôi sẽ chia sẻ với bạn những trải nghiệm của tôi một cách rất thành thật, thẳng thắn, để rồi từ đó bạn sẽ tự quyết định cho chính mình, liệu thành công có đáng cái giá của nó.

“Thành công” là một từ rất trừu tượng. Nó tùy thuộc vào định nghĩa thành công của từng người, và so sánh người này “thành công” hơn người khác trong nhiều trường hợp sẽ là khá khập khiễng. Cho nên, tôi không bao giờ dám cho mình là thành công theo định nghĩa của tất cả mọi người. Nhưng nếu theo cách nhìn chung của xã hội, thì tôi cũng có thể được xem là một người có chút ít thành công. Vậy mà chỉ với một chút ít thành công được xã hội công nhận đó thôi, tôi đã bắt đầu thấy rõ rằng xung quanh mình vẫn có một vài người bạn giả dối – những người không thật sự gần gũi hay hiểu tôi, nhưng lại thường cho phép bản thân họ mỉa mai, chỉ trích, nói xấu sau lưng tôi. Trong khi đó, những người bạn thật sự thường lại là những người hay góp ý cho tôi hoặc chia sẻ với tôi một cách chân thành.

Con người không ai hoàn hảo cả, nên tôi thật sự trân trọng những góp ý chân thành ấy từ những người bạn để làm cho mình tốt hơn. Ở đời, khi người khác đã mạnh dạn nói với mình một điều gì đó trực tiếp, thường thì họ sẽ không nói xấu sau lưng mình. Cho nên lần tới, nếu có một ai đó góp ý riêng cho bạn một cách thẳng thắn, cho dù sự thật có thể làm bạn không thoải mái hoặc thậm chí buồn phiền, nhưng vẫn hãy cảm ơn người đó từ tận đáy lòng, bởi vì người ấy nhiều khả năng hoặc thậm chí chắc chắn là một người bạn tốt, sẵn sàng nói thật trước mặt bạn và không bao giờ nói xấu sau lưng bạn.

Có thể có nhiều người yêu quý bạn, nhưng lại rất hiếm những người thật sự yêu

thương bạn vì họ hiểu bạn sâu sắc đến mức chấp nhận bạn, không bao giờ tin lời kẻ xấu gièm pha bạn, không bao giờ nghi ngờ con người bạn và hơn tất cả giúp bạn là chính mình. Hãy luôn trân trọng những người như thế bởi vì có họ bạn sẽ sống người hơn và cảm thấy cuộc đời này đáng sống hơn.

Lấy ví dụ từ chính bản thân tôi. Vốn là người miền Nam nên nhiều khi tôi hay ứng xử hơi xuề xòa theo kiểu người miền Nam, với quan niệm mình thoải mái với người ta thì người ta cũng thoải mái với mình. Thêm vào đó vì tính hay suy nghĩ cái này cái kia nên nhiều khi tôi không để ý được đến những tiểu tiết. Ngay cả người miền Nam khi mới tiếp xúc với tôi vẫn đánh giá là tôi không được khéo léo cho lắm. Mặc dù biết vậy, lúc trước tôi cũng không để ý nhiều vì tôi nghĩ con người đối với nhau chủ yếu là ở tấm lòng chứ không phải là ở kiểu cách.

Chính vì suy nghĩ này mà khi mới làm việc với người miền Bắc, tôi thường bị gán cho đủ thứ “tội”, nào là vô tâm, kiêu ngạo, thiếu tôn trọng người khác,… và thậm chí một vài người còn nói xấu sau lưng tôi. Biết được điều đó, có một thời gian tôi cảm thấy rất khó chịu và luôn phải đề phòng khi tiếp xúc với người miền Bắc vì nghĩ rằng họ không hiểu mình. Tôi nghĩ rằng: “Tôi chẳng đòi hỏi họ phải thể hiện thế này thế kia với tôi, tại sao họ lại muốn tôi thể hiện thế này thế nọ với họ?”

Nhưng rồi tôi bắt đầu có những người bạn miền Bắc hết sức tuyệt vời. Họ thật lòng yêu quý tôi, hiểu được bản chất con người tôi nên sẵn sàng bỏ qua cho tôi những lúc tôi vô ý. Họ còn góp ý cho tôi một cách chân thành thay vì phán xét tôi. Họ chia sẻ với tôi về văn hóa ứng xử ở miền Bắc và giúp tôi hiểu người miền Bắc nhiều hơn. Đọc chục quyển sách về văn hóa miền Bắc thật sự chưa chắc học hỏi được nhiều điều bằng làm bạn với những người miền Bắc vừa khéo léo, tế nhị, vừa sống rất thật. Dần dần, đi từ chỗ ngại tiếp xúc với người miền Bắc, tôi lại đâm ra thích làm bạn với người miền Bắc vì sự ân cần, tử tế, chu đáo và chân thành của họ.

Một mối quan hệ thật sự là một mối quan hệ mà trong đó con người không phán xét nhau mà chấp nhận nhau.

Không những thế, từ chỗ ngại tiếp xúc với văn hóa miền Bắc, tôi bắt đầu thích thú tìm hiểu sự khác biệt và chọn lọc những điểm tốt để học hỏi theo. Sau khi hiểu rõ và áp dụng những nét văn hóa ứng xử đẹp của người miền Bắc, tôi phải công nhận rằng tôi được lòng nhiều người hơn mà vẫn không hề mắt đi sự chân thành, thẳng thắn của mình.

Ngày hôm nay, mặc dù là người miền Nam, tôi không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng tôi có nhiều bạn ở miền Bắc hơn, đi chơi với bạn miền Bắc nhiều hơn, tâm sự với bạn miền Bắc cũng nhiều hơn và thậm chí có nhiều đối tác kinh doanh là người miền Bắc hơn.

Càng gặp nhiều người miền Bắc đáng mến, cũng như càng đi nhiều nơi, tôi càng nhận rằng, đất nước mình giàu truyền thống văn hóa như thế nào. Tuy rằng mỗi miền có thể khác nhau, nhưng trước khi phán xét nhau, chúng ta nên học cách để hiểu và trân trọng nhau, vì dù gì đi nữa chúng ta cũng đều là người Việt Nam. Cho nên bây giờ, tôi luôn tâm niệm không bao giờ cho phép mình nghĩ về người đối diện theo kiểu người miền này hay người miền nọ, tất cả đều là người Việt Nam, tôi sẽ luôn yêu quý bất kỳ ai tôi có dịp gặp gỡ và làm việc theo cách họ yêu quý tôi, cho dù là người miền nào đi nữa, bởi vì ở đâu chúng ta cũng có thể tìm thấy những người bạn tuyệt vời.

Nhưng bên cạnh những người bạn tuyệt vời, luôn luôn có…

Những người bạn giả dối

Giả dối vì ích kỷ

Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng cuộc đời này không hoàn hảo. Cái gì cũng có cái giá của nó. Khi bạn chưa thành công, bạn thường có ít bạn bè hơn, và thường thì bạn tốt cũng nhiều hơn bạn xấu, vì mọi người quen biết bạn rất vô tư. Nhưng khi bạn thành công rồi, bạn có thêm rất nhiều bạn bè. Trong số đó, đa số vẫn là những người yêu quý bạn thật lòng. Mối quan hệ của bạn với những người này là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi về tinh thần lẫn vật chất.

Nhưng bên cạnh những người bạn thật lòng quan tâm đến lợi ích của bạn, luôn có một số ít kết thân với bạn chỉ nhằm phục vụ những mục đích của cá nhân họ (chứ họ chẳng nghĩ gì đến bạn). Họ chính là những người bạn giả dối vì sự ích kỷ.

Giả dối vì ganh ghét

Vì bạn thành công, nên sẽ luôn có sự ghen tị cho dù là vô tình hay cố ý. May mắn là không phải ai ghen tị rồi cũng đi hại người. Hầu hết chúng ta khi ghen tị với người khác thì thay vì đi ném đá hoặc tìm cách hại người, chúng ta sẽ cố gắng hơn để bằng người, thậm chí hơn người. Thỉnh thoảng, tôi cũng bắt gặp mình ghen tị với những người bạn thành công hơn mình, nhưng càng ghen tị với họ, tôi càng phải trân trọng, quý mến họ và quyết tâm phải học hỏi nhiều hơn ở họ. Tôi tin rằng, trong xã hội cũng có nhiều người ghen tị với người khác theo cách ấy. Ở đây là cái ghen tị tích cực.

Nhưng ngược lại, có những ghen tị rất tiêu cực, được chuyển thành những hành động “đạp người xuống để nâng mình lên”. Tôi gọi đó là “thói ganh ghét”. Sự ganh ghét có thể xuất phát từ những người bạn giả dối hoặc kẻ thù của bạn.

Tôi đã từng có một người bạn lúc đầu tôi cứ ngỡ họ thật lòng yêu quý mình vì trước mặt tôi lúc nào cũng là những lời ngọt ngào tình cảm, nhưng về sau tôi phát hiện ra rằng người bạn này vì một lý do gì đó rất thích bịa đặt những câu chuyện không hay chỉ để “dìm” tôi xuống. Khi tôi phát hiện ra và đến hỏi trực tiếp lý do, thì họ lại tìm

cách chối quanh chối co.

về sau, tôi mới phát hiện ra rằng, do từ khi cha sinh mẹ đẻ tôi đã phải mang một gương mặt với những nét lạnh lùng làm hầu hết mọi người hiểu lầm khi tôi không cười. Đây cũng là một bất lợi rất lớn khi giao tiếp vì ai mới gặp cũng nói tôi khó gần khi tôi quên cười trong lúc nói chuyện. Thêm vào đó, tôi lại là một người rất hay suy nghĩ đủ thứ trong đầu nên đôi khi hơi “ở trên mây”. Đối với gia đình và bạn bè thân thiết thì những khi tôi “lạnh lùng” hoặc “ở trên mây” thì mọi người lại có cái để trêu đùa hoặc cười nghiêng ngả.

Nhưng vẫn có vài người miệng thì cứ nói là bạn tôi, nhưng thay vì hiểu và thông cảm, thì lại đi nói khắp nơi rằng tôi mới có chút thành công và tiếng tăm đã trở nên kiêu ngạo, lạnh lùng và xa cách. Thế là tôi bắt đầu bị ghét. Từ cái ghét nhỏ dẫn đến nhiều cái ghét lớn, cộng thêm sự ganh tị, sẽ thành ganh ghét. Cho nên, kiểu bạn giả dối thứ hai là kiểu bạn giả dối vì ganh ghét.

Khi bạn thành công, hãy chuẩn bị tinh thần rằng, mỗi tật xấu nhỏ của bạn đều sẽ bị những người bạn giả dối vì ganh ghét “xé to ra”, nhẹ thì làm bạn bị hiểu lầm, nặng thì ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp, cuộc sống và các mối quan hệ của bạn.

Những kẻ thù kì lạ

Nếu bạn có chút tên tuổi thì bạn sẽ còn có nhiều bạn hơn nữa – những người bạn đặc biệt mà bạn có thể sẽ không bao giờ có dịp gặp được họ ngoài đời. Nhưng ngay cả khi không gặp bạn, họ vẫn có thể rất yêu quý bạn. Có điều, càng có nhiều người yêu quý bạn, thì cũng sẽ bắt đầu xuất hiện một ít những kẻ thù kì lạ – đa số cũng vì ganh ghét với bạn.

Khi bắt đầu có chút tên tuổi trong xã hội, tôi ngạc nhiên khi nhận ra rằng mình bỗng dưng có những kẻ thù kì lạ. Những kẻ thù này kì lạ ở chỗ, họ chưa từng gặp tôi, chưa từng trò chuyện với tôi, họ chỉ đơn giản lựa chọn là kẻ thù của tôi bởi vì một lý do nào đó mà chỉ có bản thân họ mới hiểu. Họ lên trang cá nhân của tôi để chửi bới, hăm dọa, xỉ vả, . . . không vì bất cứ lý do gì, nhưng lại bằng những lời lẽ thô tục và vô văn hóa nhất, với những cái tên giả và cả địa chỉ email cũng giả nốt.

Tôi nhớ khi Nick Vujicic đến Việt Nam, có người đã công khai viết trên Facebook rằng: “Cái thằng cụt tay cụt chân có gì hay mà mọi người khoái nó dữ vậy?”. Tôi thật sự sốc vì ngay cả đối với một người vừa thiệt thòi, vừa hiền lành như Nick mà cũng có những kẻ thù kì lạ như thế. Cho nên, khi nhìn lại bản thân, tôi thấy việc mình có vài kẻ thù kì lạ cũng là “thường thôi”.

Giới truyền thông

Nhờ công việc của mình, tôi được dịp quen biết rất nhiều anh chị làm báo hoặc làm

truyền hình rất có tâm huyết và cũng rất chuyên nghiệp. Khi viết bài liên quan đến TGM hoặc phỏng vấn tôi, họ đều trao đổi trực tiếp hoặc qua email để tìm hiểu thêm thông tin cẩn thận. Nếu cần thông tin nhiều hơn về các hoạt động của TGM, họ đến trực tiếp đến công ty hoặc khóa học để phỏng vấn các tại chỗ khách hàng hoặc thành viên của TGM.

Những thông tin khách quan này rất có lợi cho chúng tôi về mặt hình ảnh nhờ chúng tôi có những sản phẩm chất lượng. Thế nhưng hầu như chẳng bao giờ có nhà báo hay kênh truyền hình nào từng vòi tiền chúng tôi cả (ngoại trừ một trường hợp khi TGM mới được thành lập). Thậm chí, thỉnh thoảng sau khi lên bài, tôi còn được tặng báo. Còn nếu là chương trình truyền hình thì thường là được tặng DVD. Khi làm bạn với những người này, nếu bạn thật sự tạo ra những giá trị cho xã hội, họ sẽ giúp bạn lan tỏa những giá trị ấy nhanh hơn, vì sự tiến bộ chung của xã hội. Họ vừa là những người khách quan, vừa là những người bạn tốt.

Nhưng vẫn có một vài lần, chúng tôi phát hiện ra có “nhà báo” viết bài về TGM mà không hề gặp chúng tôi để lấy thông tin, cũng không đến tận nơi để xem thực hư thế nào. Đã vậy họ còn đưa lên mặt báo những thông tin tiêu cực về TGM một cách phiến diện, sai lệch, bởi vì những thông tin ấy, hoặc là tự họ suy diễn ra, hoặc tệ hơn nữa là họ lấy từ chính các đối thủ cạnh tranh với TGM!?

Có thể nói, trong số những kẻ thù kì lạ thì những kẻ thù kì lạ trong giới truyền thông là nguy hiểm nhất. Họ không chỉ có khả năng ngôn ngữ sắc bén hơn mà còn có công cụ để làm tổn thương bạn nặng nề hơn bất cứ kẻ thù kì lạ nào. Cũng may là loại “nhà báo” này cực hiếm, không thì xã hội này chắc khó có thể mà tiến bộ được. Cho nên, khi bạn thành công, thay vì e sợ giới truyền thông, hãy làm bạn với họ, ở đâu cũng có những người tốt.

Kết luận

Từ những kinh nghiệm cá nhân của tôi, xét cho cùng thì loại người sống giả dối hay ganh ghét với người khác thật ra là cực kỳ hiếm so với hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người bạn tốt mà tôi có được, như bạn đây chẳng hạn. Tôi tin rằng, khi bạn đã cầm trên tay quyển sách này và đọc đến tận đây, bạn ắt hẳn cũng là một người bạn tốt của tôi, cho dù chúng ta có thể chưa bao giờ gặp mặt. Từ đáy lòng mình, tôi rất vui có thêm được một người bạn như bạn trong cuộc sống, và tôi cũng rất cảm ơn sự quan tâm cũng như sự ủng hộ của bạn.

Cho nên, lời khuyên chân thành từ góc độ một người bạn tôi muốn dành cho bạn là, có thể bạn cũng đã có vài người bạn giả dối và những kẻ thù kì lạ, nhưng hãy yên tâm và cố gắng thành công hơn nữa. Để làm gì? Để có nhiều bạn tốt hơn. Khi bạn dám nỗ lực vươn tới thành công bằng con đường chân chính, bạn cũng sẽ có thêm rất nhiều những người bạn tích cực luôn yêu quý, mến mộ bạn, thậm chí giúp đỡ bạn.

Nói cho cùng thì những điều tốt đẹp vẫn mãi là những điều tốt đẹp. Đừng vì sợ những kẻ nhỏ nhen tầm thường, sống giả dối hoặc hay ganh ghét, mà không tự cho mình một cơ hội để thành công hơn bạn nhé!

Người đời có thể cố biến bạn thành kẻ xấu

Trong mắt người khác, bạn là người tốt hay người xấu một phần tùy thuộc vào những gì bạn làm, nhưng một phần cũng tùy thuộc vào việc họ có thích bạn hay không. Khi bạn làm điều tốt, những người ghét bạn sẽ là những người lãng quên nhanh nhất. Nếu bạn giúp họ, thì họ cũng sẽ tìm mọi cách để phủ nhận sự giúp đỡ mà họ đã nhận.

Khi bạn vô tình phạm sai lầm, những người ghét bạn sẽ lập tức lợi dụng cơ hội để tấn công vào sai lầm đó. Thậm chí, ngay cả khi bạn gặp phải một điều bất hạnh trong cuộc sống, những người ghét bạn cũng có thể tìm cách biến bất hạnh đó thành “tội” của bạn.

Chính vì lẽ đó, những sai lầm trong nhiều trường hợp lại vô tình giúp bạn phân biệt được nhanh chóng ai là những người yêu quý bạn thật sự còn ai chỉ “yêu quý” bạn theo kiểu “chót lưỡi đầu môi”, hoặc thậm chí căm ghét bạn. Bởi khi bạn vô tình phạm sai lầm: Những người yêu quý bạn sẽ thông cảm, chấp nhận bạn và cho bạn cơ hội để khắc phục sai lầm. Những người ghét bạn chỉ thích đánh giá bạn, phán xét bạn và coi sai lầm của bạn là chính con người bạn. Những người yêu thương bạn sẽ nói những điều tốt đẹp về bạn khi bạn không có mặt, và chỉ ra những khuyết điểm của bạn khi chỉ có bạn và họ với nhau. Những người ghét bạn sẽ chỉ ra những khuyết điểm của bạn khi không có bạn ở đó, và chỉ nói những điều tốt đẹp về bạn trước mặt bạn, khi họ đang cần bạn.

Bạn không cần phải vấp ngã mới biết ai yêu thương mình, nhưng lỡ khi không may ngã một lần thì coi như đó là cơ hội để bạn cảm nhận rõ hơn về những người yêu thương bạn. Điều không may âu cũng là cách cuộc sống nhắc nhở cho bạn nhớ phải luôn trân trọng những người yêu thương mình.

Trong số những người ghét bạn có những người thật sự xấu và cả những người tốt (nhưng chỉ xấu với bạn). Trong trường hợp này, những người xấu thường không đáng sợ lắm vì ai cũng biết họ xấu nên những gì họ nói ra sau lưng bạn cũng không dễ có được sự lắng nghe hoặc đồng thuận. Bạn cũng thường đề phòng những người xấu này nhiều hơn cho nên khi họ làm gì thì bạn thường đã có sự chuẩn bị trước. Cho nên, người gây cho bạn nhiều rắc rối nhất đáng tiếc thay, thật ra là người tốt hoặc những người có vẻ là tốt.

Tốt ở đây được định nghĩa là họ sống khéo léo và tuân thủ theo những nguyên tắc, lề lối của xã hội. Họ luôn cố gắng sống tốt và tin rằng mình đang sống tốt. Tuy nhiên,

những người này có thể vì vô tình quá tự hào vào việc mình là người tốt, người đạo đức, người hoàn hảo, người giá trị,… cộng với việc vừa muốn đề cao cái tốt, cái giá trị của mình, vừa muốn chỉ ra cho người khác thấy là bạn “xấu” chỗ nào, nên thay vì cảm thông và giúp đỡ bạn, họ đã đứng lên chỉ trích, phán xét. Thật ra nếu chỉ phán xét hoặc lôi chuyện của bạn ra bàn tán thì cũng không sao vì họ nói được một lần, hai lần, ba lần,… rồi cũng chán. Vả lại, họ cũng còn phải lo chuyện của họ.

Thế nhưng sẽ luôn có một số ít “người tốt” vì tự cho mình sống quá “giá trị”, sẵn sàng đặt giá trị của mình lên trên giá trị của người khác, nên họ không dừng lại ở việc phán xét, chỉ trích mà đi xa đến mức tự cho mình cái quyền “thế thiên hành đạo” để trừng phạt bạn bằng cách bịa đặt những chuyện không hề có, suy diễn những việc không hề xảy ra, cố tình đưa ra những thông tin mập mờ để gây hiểu lầm. Thậm chí, họ còn dùng ảnh hưởng của một người tốt, vốn dễ có được sự tin tưởng và ủng hộ của nhiều người, để kích động những hành động cực đoan của những người cả tin xung quanh họ nhằm chống lại cái xấu (nhưng thật ra là chống lại bạn),… Lúc ấy, họ đã đi quá xa.

Loại người này về bản chất không thể gọi là xấu vì ngay cả khi họ hành động như thế, họ vẫn không nghĩ rằng mình đang làm việc xấu. Vì dù sao họ cũng là người tốt, nếu biết xấu thì họ đã không làm. vấn đề là ở chỗ họ nhân danh cái tốt để thực hiện những hành động mà họ tự cho là tốt – trừng phạt kẻ xấu – nhưng thật ra là làm tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống và tinh thần của những người vô tình phạm sai lầm trong cuộc sống – những người mà lẽ ra nên được thông cảm, chấp nhận và cho cơ hội để khắc phục sai lầm của mình, thay vì phải chịu sự “trừng phạt” của những vị “thẩm phán” tự phong này.

Vấn đề càng lớn hơn nữa là khi phát hiện ra mình nhìn nhận vấn đề sai lầm và trừng phạt người khác “quá tay”, thì vì cái “sĩ diện người tốt”, những “người tốt” sẽ không bao giờ chịu nhận lỗi chứ đừng nói đến hai tiếng “xin lỗi”. Họ bao biện cho hành vi của mình (một lần nữa nhân danh những giá trị đạo đức và cái tốt) để né tránh đối diện với hậu quả mà họ gây ra cho người khác. Họ sợ rằng khi nhận mình có lỗi, họ sẽ tự biến thành người phạm sai lầm – thành kẻ xấu. Cho nên, họ sẵn sàng sống bằng hai chuẩn mực khác nhau, luôn thông cảm và chấp nhận bản thân mình, nhưng luôn thích phán xét và trừng phạt người khác.

Cũng như bạn, tôi đã từng quen biết một vài người như thế. Tôi cũng là con người, có những lúc tôi cũng vô tình phạm sai lầm – những sai lầm mang đến cho tôi những đau đớn khôn cùng, vấn đề ở chỗ là khi làm bạn với những vị “thẩm phán” tự phong, thay vì có được chỗ dựa để tìm cách khắc phục sai lầm của mình, tôi phải trả giá đắt hơn nhiều cho những sai lầm của mình về cả tinh thần, thể chất lẫn tiền bạc. Nhưng dù sao tôi biết họ cũng chỉ vô tình (vì họ vẫn tin chắc mình là người tốt, người rất giá trị) nên tôi cũng chẳng muốn trừng phạt họ theo cách họ đã trừng phạt tôi. Vả lại tôi nghĩ, nếu mình cũng giống như họ thì mình cũng chẳng ra gì.

Vậy làm cách nào để nhận biết loại người này? Rất dễ. Họ sẽ thường xuyên tự đề cao cái giá trị của mình một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua đề cao giá trị của những người sống theo cách họ nghĩ là tốt. Ngược lại, họ thường xuyên hạ thấp giá trị của những người họ không thích. Họ cũng thích kể những câu chuyện giật gân để chứng tỏ người khác xấu hay không tốt như thế nào (nhưng rất nhiều khi là hoàn toàn bịa đặt hoặc bị nói quá lên gấp nhiều lần). Thông qua việc “đạp người khác xuống bùn đen”, họ cũng khéo léo một lần nữa tự đề cao cái tốt của mình.

Vậy thì làm cách nào bạn có thể “đối phó” với loại người này? Cách tốt nhất là hiểu, thông cảm cho họ, để giúp bản thân mình đỡ buồn, đỡ giận hơn. Nếu được thì bạn cũng có thể tha thứ cho họ bởi vì nói cho cùng họ cũng chỉ là những người tội nghiệp, đang tự lừa dối mình trong lối sống tự tôn. Sau đó, bạn phải tìm mọi cách tránh càng xa họ càng tốt và tập trung vào cuộc sống của mình.

Là con người, nhất là những người luôn cố sống đúng với những giá trị tốt đẹp nhất. Không ít khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái bề mặt, cái hiện tượng mà đã vội phán xét, lên án. Tôi cũng có lúc như thế và bạn cũng có lúc như thế. Nhưng quan trọng là chúng ta nên biết đâu là điểm dừng, vì bước sang phía bên kia, chúng ta sẽ không còn thật sự là người tốt nữa. Cho nên, hãy sống đầy cảm thông, hiểu mình, hiểu người và hiểu đời hơn để không bao giờ vô tình trở thành kẻ xấu.

Bạn vẫn có thể chọn cách mình sống

Yêu thương và tha thứ

“Người đời thường vô lý và vị kỷ. Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ.”

– Kent M.Keith

Thành thật mà nói, đây là nghịch lý khó sống theo nhất vì tôi cảm thấy mình không phải là một vị thánh. Nhưng ít ra, tôi cũng luôn học cách yêu thương những người thân và những người bạn tốt xung quanh mình, bởi nói cho cùng, tôi không bao giờ có thể thoát khỏi tình yêu thương của họ.

Tôi không phải là người theo đạo nên tôi tự học và tìm hiểu về cả đạo Phật lẫn đạo Chúa. Tôi tin vào những điều tốt đẹp mà đức Phật hay đức Chúa dạy loài người. Có một điểm chung hết sức quan trọng và nhân văn của cả đạo Phật và đạo Chúa là hai tôn giáo này đều dạy chúng ta hướng đến yêu thương và tha thứ, ngay cả đối với kẻ thù của mình. Nhưng nếu chúng ta không thể yêu thương cả thế giới, không thể yêu thương và tha thứ cho kẻ thù của mình, thì ít ra hãy bắt đầu bằng cách thật sự yêu thương những người yêu thương mình, tin tưởng mình và ủng hộ mình, bởi vì họ xứng đáng được như thế.

Có người đã hỏi tôi rằng, và tôi cũng đã từng tự hỏi mình rằng: “Ngay cả những người xung quanh mình thôi thì cũng đã có rất nhiều kiểu người và nhiều mức độ thân thiết Có những người ở gần hơn và ngược lại có những người ở xa hơn. Có những người cảm nhận được tình cảm của mình, và cũng có những người cho rằng mình đóng kịch hay giả dối này nọ, vì họ cũng đối với mình bằng mặt không bằng lòng. Vậy liệu mình có quá khờ khạo khi yêu thương tất cả mọi người không, khi điều mình nhận lại đôi khi không phải là yêu thương, thông cảm mà lại là lời nói xấu, mỉa mai, chỉ trích hay đả kích sau lưng, chỉ vì sự vô lý, vị kỷ và ganh ghét của người đời?”

Nghĩ mãi thì tôi cũng tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Tôi không thích tự coi mình là một vị thánh, hoặc tệ hơn, giả vờ mình là một vị thánh. Cho nên, tôi lựa chọn yêu thương những người yêu thương tôi thật lòng, và tránh tiếp xúc với những người đối với tôi bằng mặt nhưng không bằng lòng, vì tôi cũng không muốn mình phải đối với họ như thế. Còn nếu trong trường hợp bất đắc dĩ phải gặp mặt hay thậm chí làm việc chung thì tôi luôn giữ thái độ chuyên nghiệp nhất có thể để tránh những hiểu lầm không cần thiết.

Còn đối với người đời nói chung thì sao? Tôi không phải là một người theo đạo Phật, nhưng tôi tin vào luật nhân quả. Tôi tin rằng, đó là quy luật bất biến của cuộc sống. Không phải vô lý mà cha ông ta có câu: “Gieo gió gặt bão. Gieo nhân nào gặt quả ấy”. Có thể những việc sai trái người đời làm cho bạn tổn thương không khiến họ phải đối diện ngay với sự trừng phạt trực tiếp, nhưng những hậu quả gián tiếp thì luôn đến theo một cách nào đó.

Vậy thì ngược lại, có thể sống tốt không mang đến cho chúng ta những điều tốt đẹp ngay lập tức, thậm chí đôi khi còn mang đến những thất vọng, lo âu, phiền muộn, chán nản,… Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống thật tốt vì cuộc đời này luôn công bằng theo một cách nào đó. Nếu bạn tin như vậy, cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là mình có được cuộc sống nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn.

Cuộc đời không khó, chỉ có con người làm khó nhau.

Cuộc đời này đôi khi tàn độc đến mức những người tích cực và lạc quan nhất cũng muốn gục ngã. Nhưng đó cũng là những lúc tình bạn, tình đồng chí, tình yêu, sự đoàn kết và những giá trị tốt đẹp tỏa sáng. Khi ấy, bạn nhìn thấy được ai thật sự là bạn mình, ai thật sự yêu quý mình, ai thật sự tin tưởng mình và nhiều giá trị cao đẹp khác trong cuộc sống. Cho nên, vì bản thân bạn cũng như vì những con người đáng trân trọng đang yêu thương, ủng hộ bạn, hãy sống hết mình cho cuộc sống này… bởi vì… cái thiện có thể không chiến thắng được tất cả các trận chiến, nhưng cái thiện rốt cuộc rồi vẫn sẽ chiến thắng.

Để cuộc đời là một di sản

Trên hết tôi tin rằng, nếu như có một dạng tồn tại khác tiếp nối theo sau cuộc sống này, thì có lẽ thứ duy nhất tôi mang theo được là sự yêu thuơng, quý mến của mọi người dành cho tôi, chứ không phải tiền bạc, địa vị hay danh vọng.

Thậm chí, nếu như sau cuộc sống này tất cả chỉ là một dấu chấm hết vô nghĩa, thì tiền bạc, địa vị hay danh vọng lại càng không quan trọng nữa. Tiền bạc, địa vị hay danh vọng đều là những thứ bạn vay mượn trong cuộc đời minh, nếu có vay thì phải có trả, khi cuộc đời này kết thúc là khi bạn trả lại tất cả những thứ đó. Vậy tại sao bạn phải vay? Có thể bạn vay làm vốn để tạo nên những giá trị vượt trên cả tiền bạc, địa vị hay danh vọng. Bạn vay làm vốn để tạo nên một di sản. Để khi bạn phải trả lại cho cuộc đời này tất cả mọi thứ mình vay, cái di sản ấy sẽ là điều tồn tại mãi mãi.

Nếu cuộc sống là một cuộc vay trả, hãy vay theo cách mình muốn, và trả lại cho đời một di sản.

Cho phép tôi kể bạn nghe câu chuyện về một con người đã thật sự sống và chiến đấu đến từng giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, không phải là vì muốn có được tiền bạc, danh vọng hay địa vị, mà vì muốn để lại cho cuộc đời này một di sản.

Năm 1961, Lim Tow Yong cùng với anh trai mình thành lập Emporium Group Holdings ở Singapore. Bằng quyết tâm và nỗ lực không ngừng, đến năm 1984, ông đã giúp cho Emporium sở hữu hơn 110 cửa hàng, siêu thị, nhà hàng,… không chỉ ở Singapore mà còn ở Malaysia, Brunei và Hong Kong, với tổng doanh thu lên đến khoảng 300 triệu đô mỗi năm.

Nhưng chỉ sau 4 năm bị “tàn phá” bởi khủng hoảng kinh tế, vào năm 1988, ở tuổi 63, ông phải bán công ty của mình và tuyên bố phá sản với món nợ hàng chục triệu đô la.

Phá sản ở tuổi 63, ông đã có một lý do tuyệt vời để ngừng phấn đấu và sống đơn giản phần đời còn lại. Chắc chắn không một ai có thể chê cười ông vì điều đó. Tuy nhiên, Lim Tow Yong đã không làm như thế. Ông đã đứng dậy bắt đầu làm lại không phải từ con số 0, mà là từ con số âm của khoản nợ khổng lồ. Trong những năm tiếp theo sau đó, ông đã phải nỗ lực không mệt mỏi để trả nợ và thoát khỏi tình trạng phá sản.

Nhưng ông không hề đơn độc, vì ông đã sống có tình có nghĩa trong suốt thời gian khi còn là một doanh nhân thành công. Năm ông 72 tuổi, gần 800 nhân viên cũ của ông đã tự nguyện tổ chức một buổi tiệc hết sức ý nghĩa để cảm ơn ông nhiều năm trước đã chiến đấu đến cùng vì họ, và cũng để động viên tinh thần ông trên con đường thoát khỏi cảnh nợ nần.

Cái tình cái nghĩa đó của những người nhân viên cũ đã giúp ông có thêm quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ông kể lại: “Tôi đã hết sức cảm động vì những gì nhân viên cũ của tôi đã làm. Họ chẳng có lý do gì để phải tổ chức bữa tiệc ấy vì tôi đã không còn là sếp của họ từ gần 10 năm nay. Nhưng họ vẫn tổ chức bữa tiệc ấy vì tôi…

Nghĩa cử ấy đã khắc sâu trong tim khiến tôi không thể nào quên được. Tôi luôn nhớ về bữa tiệc ấy trong vòng nhiều năm sau đó, và tự nhắc nhở mình mỗi ngày phải làm việc chăm chỉ hơn để trả lại món nợ tình nợ nghĩa ấy”.

Thậm chí, để tự nhắc nhở mình, ông còn đóng khung tấm ảnh chụp bữa tiệc treo lên tường và nhìn nó mỗi ngày. Yêu thương đã giúp cho ông có thêm sức mạnh. Hai năm sau, vào năm 1999, ở tuổi 74, ông chính thức thoát khỏi cảnh phá sản. Ông bắt đầu quyết tâm cho một cuộc quay lại thật sự. Với kinh nghiệm sẵn có của mình, ông sang Malaysia và Brunei bắt đầu mở từng cửa hàng mới. Khởi nghiệp lại không bao giờ là dễ dàng. Ở tuổi gần 80, nhiều lúc ông vẫn phải tự mình mang vác hàng hóa đi bán. Dù đã thoát ra khỏi cảnh phá sản, nợ tiền nợ bạc đã ở sau lưng, ông biết mình còn một món nợ lớn hơn nhiều để trả – nợ tình nợ nghĩa – nên ông vẫn phải luôn nỗ lực dù ra sao đi nữa.

Cuối cùng ông cũng đã thành công. Chuỗi 18 cửa hàng và siêu thị của ông ở Sabah, Malaysia đạt tới doanh số khoảng 40 triệu đô. Năm 2005, ông bán toàn bộ doanh nghiệp này để thu về một khoản tiền mặt trị giá khoảng 4,2 triệu đô.

Với số tiền mặt ấy, ông biết rằng đã đến lúc mình có thể trả món nợ tình nghĩa 10 năm trước, ở tuổi 82, tức là tròn 10 năm sau bữa tiệc cảm ơn ông mà những nhân viên cũ đã tổ chức, ông cho đăng báo trên nhiều tờ báo thư mời tất cả nhân viên cũ của ông đến một bữa đại tiệc để nói lời cảm ơn với tất cả mọi người. Có khoảng 1.400 nhân viên cũ của ông đến từ Singapore, Malaysia, Brunei và Hong Kong đã có mặt tham dự bữa tiệc này. Sau bữa tiệc, ông đích thân tặng mỗi người một bao lì xì 100 đô. Tổng chi phí cho bữa tiệc là khoảng 450 nghìn đô (bao gồm tiền chiêu đãi và tiền lì xì).

Ông nói: “Tôi làm vậy vì tôi nghĩ về bữa tiệc 10 năm trước từng ngày từng đêm. Kí ức ấy hằn sâu trong tôi. Chính giá trị của những mối quan hệ, sự gắn kết và tình nghĩa đã khiến cho tôi luôn muốn làm một điều gì đó cho những nhân viên cũ của mình”.

5 năm sau, ở tuổi 87, một lần nữa, ông lại mời hàng ngàn nhân viên cũ của mình đến một bữa tiệc cảm ơn thứ hai. Nhưng ông đã không bao giờ đến được bữa tiệc đó vì phải nhập viện trước khi tiệc diễn ra.

Ở tuổi 87, Lim Tow Yong đã ra đi trong vinh quang và danh dự. Hàng ngàn nhân viên đã đến trước linh cữu của ông để nói lời vĩnh biệt, ông ra đi không để lại cho gia đình một tài sản kếch xù, nhưng ông ra đi để lại cho 3 người con trai, 4 người con gái, 12 người cháu, 1 người chắt, và cả nhiều thế hệ tiếp theo một di sản. Đó là bài học và niềm tự hào về một người cha, người ông đã không bao giờ bỏ cuộc, đã chiến đấu đến từng hơi thở cuối cùng, không phải vì tiền, vì danh hay địa vị, mà vì tình, vì nghĩa và vì yêu thương.

Cho nên, khi có ai hỏi tôi rằng tôi có muốn thành công hơn nữa không? Tôi sẽ trả lời thẳng thắn rằng:

“Tôi không chỉ đơn giản muốn thành công hơn nữa, mà tôi thật sự khao khất thành công hơn nữa. Tôi muốn có nhiều tiền hơn. Tôi muốn những giá trị tôi chia sẻ được lan tỏa nhiều hơn. Nhưng tôi muốn những điều đó không phải để thỏa mãn những ham muốn cá nhân tầm thường, bởi vì ngay hiện tại tôi đã có một cuộc sống tương đối sung túc, đã may mắn có nhiều bạn bè tốt và nhiều người quý mến.

Nhưng tôi vẫn muốn có nhiều hơn vì tôi biết rằng tất cả những gì tôi có đều là những công cụ hữu ích giúp tôi có thể thật sự tạo nên sự khác biệt to lớn hơn, cho nhiều người hơn. Cải thành công tôi khao khát không phải là danh hay lợi, mà cái thành công tôi khao khất là có thể ra đi và để lại cho đời một di sản.

Trên con đường đó, tôi không thể thất bại, bởi vì nếu tôi không để Lại được cho đời một di sản, thì tôi cũng sẽ ra đi như một con người. Rốt cuộc thì, không thành công, cũng thành nhân”.

Mong rằng, càng ngày sẽ càng có nhiều người nhận ra, cái chúng ta thật sự cần không phải là danh là lợi, mà là một khát vọng được sống thật trọn vẹn với những ước mơ của mình, để khi ra đi ta không bao giờ phải hối tiếc, như bài thơ của Hạnh Hải.

Sống không giận không hờn không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai

Sống chan hòa với những người chung sống

Sống là động nhưng lòng không xao động

Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống hiên ngang danh lợi ta coi thường

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.