Sống Và Khát Vọng
Ra đi để trở về
Người thầy
Trong cuộc sống, có rất nhiều người dạy ta điều này điều kia từ bé đến lớn. Tất cả những ai đã từng dạy ta một điều gì đó, cho dù nhỏ đi nữa, đều rất đáng được trân trọng, đều đáng gọi là thầy. Đó là truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt chúng ta. Nhưng trong cả cuộc đời, không có nhiều người có thể dạy ta những bài học sâu sắc có thể làm thay đổi hoàn toàn cách ta sống và cách ta nghĩ. Đối với cá nhân tôi, tôi sẽ không chỉ gọi những người như thế là thầy, mà tôi sẽ gọi họ là những “người thầy”.
Trong số những con người đặc biệt mà tôi có may mắn quen biết tại Singapore, có một người đặc biệt hơn cả, đến mức mà việc tôi dành hẳn một phần trong quyển sách này để viết về người đó trở thành việc… hết sức bình thường. Người ấy chính là bác Võ Tá Hân – một vị trưởng bối đã ngoài 60 nhưng vẫn mang trong mình trái tim tuổi trẻ. Đối với tôi, bác Hân là một người thầy thật sự theo đúng tất cả ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “người thầy”.
Dĩ nhiên, tôi không nói những người như Adam Khoo không đáng làm thầy tôi. Mặc dù, tôi phải trả nhiều tiền để tham dự các khóa học của Adam, nhưng đối với tôi, giá trị của những điều tôi học được từ Adam đáng giá hơn số tiền tôi bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Chính vì vậy, tôi cũng chẳng ngần ngại gì khi gọi Adam là thầy. Nhưng đối với bác Hân thì khác, tôi phải gọi bác là “người thầy”.
Là một Giám đốc trong Hội đồng quản trị của Tập đoàn CDL (một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Singapore), cũng như là Chủ tịch của Hội Chuyên Gia Việt Nam tại Singapore – Vietnam2020, bác Hân là một người hết sức bận rộn. Vậy mà hầu như tuần nào bác cũng dành chút thời gian để trò chuyện với tôi – lúc ấy vẫn chỉ là một người trẻ hoàn toàn vô danh. Thông qua những lần trò chuyện đó, bác lồng vào những bài học về cuộc sống, mà chỉ có những người từng trải như bác mới có thể thấu hiểu được. Bác dạy cho tôi rất nhiều điều từ kinh nghiệm của bác: cách phân tích nhận định tình huống, cách giao tiếp, cách lãnh đạo người khác,… Bác chỉ cho tôi những hướng đi đúng, động viên tôi và đưa ra những lời khuyên hữu ích những lúc tôi cần.
Không những thế, cũng chính nhờ bác Hân mà tôi có thể thu thập được rất nhiều kinh nghiệm sống quý báu mà không phải người trẻ nào như tôi cũng may mắn có được. Và cũng thông qua bác, tôi được gặp cũng như quen biết với rất nhiều người có địa vị cao và thành đạt trong xã hội.
Nhiều khi tôi tự hỏi, bác bỏ nhiều thời gian công sức như thế để làm gì? Vì tiền ư, dĩ nhiên là không rồi, ở địa vị và tuổi đời của bác, tiền bạc có lẽ là thứ sau cùng bác phải quan tâm đến. Hay là vì danh, lại càng không phải. Tôi dám chắc điều này vì tôi đã làm việc với bác Hân rất nhiều trong Vietnam2020 (viết tắt là VN2020). Hội tập hợp các chuyên gia trẻ của Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Singapore nhằm giúp chúng tôi tăng cường kiến thức, kỹ năng và phát triển các mối quan hệ. Cùng lúc ấy, hội sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ và nhiệt huyết của mình để ủng hộ sự phát triển về kinh tế – xã hội cho quê hương Việt Nam.
Tuy chỉ mới được thành lập từ năm 2008, nhưng VN2020 đã làm được nhiều việc thiết thực, đóng góp một phần nào đó vào sự phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam như là: những chương trình từ thiện, những hội thảo miễn phí để chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống cho các bạn sinh viên Việt Nam tại Singapore, những hoạt động giúp đỡ các doanh nhân Việt Nam sang Singapore tìm đối tác kinh doanh, hay giúp doanh nhân Singapore về Việt Nam tìm đối tác,… Và dĩ nhiên, hội còn giúp đỡ các chuyên gia Việt Nam tại Singapore tiến xa hơn, nhanh hơn trong sự nghiệp của mình, để từ đó họ có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.
Hội VN2020 đã được bác Hân thành lập và lãnh đạo với những mục tiêu tốt đẹp như thế. Vậy mà mỗi lần hội làm được những chuyện mang ý nghĩa tích cực như là: chuyển hàng chục ngàn quyển sách khoa học – kĩ thuật về Việt Nam, tổ chức họp mặt cho những doanh nhân hàng đầu Việt Nam và Singapore,… thì tất cả công trạng, bác Hân đều đẩy những người trẻ như tôi ra trước để nhận. Trong khi ở đằng sau hậu trường, bác đã làm rất nhiều việc để những đóng góp to lớn đó có thể thực hiện được.
Mặc dù vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và là doanh nhân thành đạt, thậm chí còn là tác giả của một quyển sách về kinh tế và kinh doanh có tựa đề “rất thơ”, Cánh Hoa Trước Gió, bác Hân lúc nào cũng khiêm tốn nói rằng: “Thời của bác đã hết, nay là thời của những người trẻ như tụi con”. Và dĩ nhiên, hành động của bác lúc nào cũng đi chung với lời nói, bởi vì bác luôn luôn tìm cách giúp đỡ những người trẻ giàu nhiệt huyết. Tôi đã từng gặp nhiều người thành đạt có quen biết với bác Hân, và thật không có gì ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, tất cả họ đều như tôi, lúc nào cũng hết mực kính trọng bác và tri ân bác ở điểm này hay điểm khác.
Mặc dù bác Hân thường tự nhận rằng mình đã “hết thời”, nhưng ở tuổi ngoài 60, bác vẫn tiếp tục vẫy vùng ở một công việc hoàn toàn mới – CEO của Trung Tâm Y Tế Đa Khoa Nhân Hòa – một trung tâm y tế vì cộng đồng người Việt có mức thu nhập thấp ở vùng nam California. Nhân Hòa là trung tâm chuyên giúp người nghèo và đón nhận tất cả mọi người dù họ không có tiền. Hiện tại, bác đang nỗ lực để Nhân Hòa thật vững chắc và là một niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, một mô hình có thể sẽ được nhân bản tại các thành phố khác để giúp nhiều cộng đồng người Việt khác. Thậm chí dù tóc đã bạc trắng, bác vẫn dạy tôi mơ ước bởi vì không chỉ dừng ở mô hình Nhân Hòa, bác còn mong muốn sẽ thành lập một trung tâm cho người lớn tuổi ở giai đoạn cuối của cuộc đời.
Cho nên, tôi dám khẳng định rằng, những gì bác đang làm cho tôi và rất nhiều người trẻ khác, chắc chắn không phải vì một chút hư danh.
Trong xã hội hiện đại, khi việc tìm kiếm tri thức ngày càng trở nên dễ dàng hơn, cái người thầy truyền cho trò không còn chỉ đơn giản là tri thức nữa mà phải là cảm hứng sống. Đây cũng chính là nền tảng của mối quan hệ thầy – trò hiện đại. Bản thân tôi cũng thế, tôi là học trò của tất cả những ai mang đến cho tôi một bài học hữu ích nào đó, nhưng những người thầy mà tôi tôn kính nhất là những người truyền cảm hứng cho tôi – một trong những người đó, chắc chắn là bác Võ Tá Hân. Nếu như trước khi gặp bác Hân, tôi vốn đơn giản chỉ là một người trẻ với đầu óc kinh doanh nhạy bén và khát vọng vươn lên không ngừng, thì sau khi gặp bác, tôi đã trở thành một người trẻ trưởng thành hơn. vẫn đầu óc đó và khát vọng đó, nhưng nay tôi được trang bị thêm một lý tưởng – một lý tưởng đúng nghĩa theo cách của người làm kinh tế. Đó là: làm giàu cho bản thân một cách chân chính, và cùng lúc ấy, giúp nhiều người khác làm giàu một cách chân chính, từ đó giúp cho đất nước mình giàu mạnh hơn.
Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng, dân giàu thì nước mới mạnh. Tôi tin rằng, nếu một ngày nào đó, khi Việt Nam có rất nhiều người biết làm giàu nhờ vào nỗ lực và trí tuệ của bản thân, và cùng đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội (tạo ra nhiều công ăn việc làm thu nhập cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, giáo dục, hỗ trợ các hoạt động xã hội hay từ thiện,…), thì đó là ngày đất nước chúng ta mới có thể thật sự trở nên hùng cường.
Với tư cách một người thầy và một người bạn lớn, bác Võ Tá Hân đã chỉ rõ cho tôi con đường lý tưởng của mình: nỗ lực góp phần phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam. Tôi và những bạn trẻ như tôi sẽ mãi tri ân bác vì những việc bác đã làm cho chúng tôi và cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Lý tưởng sống
Có lần, sau một khóa học mà tôi tham gia với vai trò là huấn luyện viên tại Singapore, tôi hỏi một sinh viên người Singapore: “Nếu như tất cả mọi người trên đất nước Singapore đều trở thành ông chủ, bà chủ hoặc lãnh đạo thì ai sẽ là người làm thuê?”. Cậu sinh viên này trả lời: “Người Việt Nam chứ ai”. Tôi biết cậu sinh viên ấy chỉ nói đùa, nhưng câu nói đùa vô tình của cậu đã khiến tôi suy tư, băn khoăn và trăn trở rất nhiều. Tôi tự hỏi: “Mình đang làm gì ở đất nước Singapore này trong khi có một đất nước khác có thể đang cần mình hơn?”. Từ đó, tôi luôn nung nấu ý nghĩ phải làm cách nào để có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước và thay đổi cách nhìn về Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới. Tôi không tìm ra câu trả lời ngay lúc ấy, nhưng tôi tin một điều rằng: “Cứ tìm rồi sẽ thấy”.
Cũng trong thời gian ấy, nhờ những hoạt động của tôi trong VN2020 mà tôi có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với bác Võ Tá Hân như đã chia sẻ ở phần trước. Tôi ngưỡng mộ bác vì tấm lòng yêu nước của bác, cũng như cách bác góp phần vào sự phát triển và thay đổi của Việt Nam qua con đường phi chính trị – tức là không quan tâm đến thể chế chính trị, mà tập trung vào việc phát triển con người, xã hội và kinh tế Việt Nam một cách tích cực. Một trong những việc bác Hân làm và được rất nhiều người biết đến, đó là bác đã chuyển hơn một triệu đầu sách tiếng Anh về các đề tài khoa học, kỹ thuật và kinh tế vào Việt Nam. Những quyển sách này được chính phủ cũng như các trường đại học tại Việt Nam tiếp nhận một cách nồng nhiệt.
Vốn là một người chỉ thích làm kinh tế, nhưng cũng mong muốn đóng góp một cái gì đó dân tộc, tôi như tìm thấy ánh sáng và mục đích của cuộc đời mình, khi nhìn thấy những gì bác Hân làm và cách bác Hân đóng góp một cách tích cực cho đất nước. Thế là, vẫn với đầu óc của một doanh nhân và khát vọng vươn lên, nhưng nay tôi mang trong mình một khát vọng.
Mang những tư duy tiên tiến nhất của thế giới về Việt Nam, góp phần nhỏ nhoi vào việc giúp người Việt hạnh phúc hơn, thành đạt hơn và giàu có hơn, bởi vì tôi tin rằng, không có gì làm cho một đất nước phát triển, thịnh vượng và hùng cường hơn một dân tộc hạnh phúc, thành đạt và giàu có.
Những ngày tháng nghèo khó, những khó khăn trong công việc và trong kinh doanh, cả những thành quả và cuộc sống sung túc tại Singapore dạy cho tôi một điều rằng:
Tiền bạc và địa vị không mang lại cho chúng ta hạnh phúc trọn vẹn mà chỉ mang đến sự thoải mái và hãnh diện. Nhưng khi chúng ta đạt được tiền bạc và địa vị bằng cách đánh đổi những thứ vô giá như gia đình hoặc thậm chí cả một phần con người mình, thì sự thoải mái sẽ không bao giờ bù đắp được những mất mát ở bên trong, còn cái hãnh diện bên ngoài cũng chưa chắc đã còn.
Bên cạnh tiền bạc và địa vị, chúng ta cần có một mục đích và một lý do để sống – hay nói một cách ngắn gọn – một lý tưởng sống. Lý tưởng sống ở đây không hẳn phải là một cái gì đó quá to tát xa vời mà đôi khi có thể là những thứ rất gần gũi đời thường nhưng ý nghĩa. Đối với một số người, lý tưởng sống là gia đình hạnh phúc hay con cái thành đạt, đối với một số người khác, lý tưởng sống là cống hiến cho xã hội,… Mỗi người mỗi lý tưởng sống, nhưng tất cả đều có một điểm chung là chất lượng và ý nghĩa cuộc sống của mỗi người sẽ tăng lên rất nhiều nếu chúng ta dám sống với một lý tưởng trong mình. Ngay cả khi bạn chưa tìm ra lý tưởng sống trong cuộc đời mình, thì chính chặng đường đi tìm cái lý tưởng ấy, bản thân nó cũng đã là một chặng đường thú vị và ý nghĩa của cuộc sống. Cho nên, hãy tìm rồi sẽ thấy, hãy cứ đi rồi sẽ đến
Tôi là người Việt Nam
Kể từ khi được gặp và học hỏi bác Võ Tá Hân, tôi phát hiện ra mình bắt đầu trăn trở rất nhiều về đất nước và dân tộc mình. Những ngày tháng trăn trở ấy cùng với gần 10 năm sống ở Singapore khiến tôi không tránh khỏi việc so sánh giữa hai đất nước.
Hãy xem một đất nước chỉ có vỏn vẹn hơn 4 triệu dân, với diện tích 697 km2 (chỉ bằng khoảng 1/3 diện tích TP. Hồ Chí Minh), thiếu thốn tài nguyên môi trường trầm trọng, thiếu cả nước ngọt, và cũng chỉ mới được độc lập từ năm 1965, nhưng giờ đây Singapore đã trở thành một con hổ châu Á.
• Singapore là nước có mật độ triệu phú dày đặc nhất thế giới. 8,5% các gia đình Singapore có ít nhất 1 triệu đô la tiền mặt (hoặc chứng khoán) nhưng không bao gồm bất động sản và các tài sản khác. Trong khi đó, nước đứng thứ 2 thế giới về mật độ triệu phú là Thụy Sĩ thì thua xa Singapore về tỉ lệ (chỉ có 6,6% mà thôi). (Theo Business Times Singapore)
• Singapore có tốc độ vượt lên thành triệu phú cao nhất thế giới. Ngay cả trong giai đoạn kinh tế toàn thế giới bị khủng hoảng 2008 – 2009, thì số lượng triệu phú của Singapore vẫn tăng 32,7% trong vòng 1 năm. (Theo Merrill Lynch Wealth Management)
• Singapore đã trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người – vào khoảng 56.500 USD mỗi năm (vươn lên từ một trong những nước nghèo nhất thế giới chỉ sau 50 năm).
• Singapore có một chính phủ được đánh giá là trong sạch, hiệu quả và minh bạch nhất thế giới, với tỉ lệ tham nhũng thuộc hàng thấp nhất thế giới.
• Singapore là nước hiếm hoi trên thế giới có hệ thống nhà xã hội do chính phủ phát triển đạt tiêu chuẩn cao với giá ưu đãi cho người dân. Cho nên, 90% dân số Singapore sở hữu và an cư trong những căn hộ như thế. Bản thân tôi cũng sở hữu một căn hộ ở Singapore và hoàn toàn hài lòng với căn hộ của mình.
• Singapore có một xã hội khá an toàn. Trong đa số trường hợp, nếu người thân của bạn về khuya, bạn không phải lo lắng. Chính vì thế mà các hoạt động vui chơi, giải trí, hay học tập, làm việc đều có thể kéo dài đến tận khuya.
• Singapore tập hợp nhiều dân tộc, cho nên đời sống văn hóa và nhất là ẩm thực khá phong phú. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều món ăn ngon ở Singapore mang bản sắc của rất nhiều nước khác nhau trên thế giới.
• Singapore là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm,… Cho nên, bạn sẽ không bao giờ phải lo không có chỗ để chơi.
• Singapore có một môi trường xanh và sạch, tốt cho sức khỏe và cả sắc đẹp (ở đây là so sánh với các đô thị khác).
• Singapore có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho những ai biết đầu tư vào cả kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng tư duy.
• Singapore có một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả và rẻ tiền nếu bạn muốn tiết kiệm. Còn nếu điều kiện tài chính của bạn đủ tốt để trang bị cho mình một chiếc ô tô, bạn sẽ được tận hưởng một trong những hệ thống đường sá thông thoáng và có trật tự nhất thế giới.
• Singapore có hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu với hàng loạt bệnh viện công nhưng chất lượng phục vụ chuyên nghiệp, và dĩ nhiên là cả những bệnh viện tư được xem là hiện đại nhất thế giới.
• Singapore có một nền giáo dục tiên tiến dành cho những bạn trẻ, và một hệ thống các công ty đào tạo kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và kỹ năng sống chất lượng dành cho những người đã đi làm.
Danh sách còn có thể kéo dài hơn nữa, nhưng điều quan trọng nhất tôi muốn nói đó là: mặc dù Việt Nam ta cũng đã có những bước tiến rõ rệt trong thời gian qua, nhưng vẫn còn quá nhiều thứ chúng ta phải cố gắng. Đó mới chính là lý do mà tôi muốn quay về với Tổ quốc mình sau 10 năm đi xa. Dẫu biết rằng “một cánh én không làm nên mùa xuân”, nhưng ít ra tôi thấy mình thay vì chỉ biết ngồi than hay chê nước mình nghèo, nước mình kém thế này thế kia, thì tôi thật sự bắt tay vào hành động để làm một điều gì đó cho đất nước, ừ thì Việt Nam chưa có nhiều điều mà Singapore có, nhưng chúng ta có cả một đất nước tươi đẹp và 4.000 năm văn hiến để tự hào như nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Nhiều lúc ngẫm nghĩ, tôi giật mình nhận ra rằng, ở Singapore, tôi có điều kiện sống tốt hơn nhiều, nhưng có một điều mà ở Singapore không thể và không bao giờ có được – đó là cái cảm giác quê hương.
Quê hương không chỉ là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, mà quê hương còn là gia đình, bạn bè, thầy cô và những kí ức – kỉ niệm. Chỉ khi đi xa, con người ta mới hiểu và thấm thìa hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.
Cái tâm hồn ấy của Đất mang dáng dấp tâm hồn của những người đã, đang và sẽ mãi yêu thương chúng ta trên mảnh đất quê hương này. Đó là lý do tại sao Đất Nước trong tôi rất gần gũi, thân thương và rất sống chứ không chỉ là một khái niệm trừu tượng xa vời. Và đó là lý do tại sao tôi yêu đất nước này đến thế.
Mong một đường về
Tôi khao khát tạo nên sự khác biệt cho con người và đất nước Việt Nam, nhưng tôi đã thật sự làm được gì? Tôi trăn trở, thỉnh thoảng thậm chí cảm thấy tim đau nhói, nhưng rồi vẫn cảm thấy mình bất lực.
Cảm thấy bất lực, nhưng không có nghĩa là bỏ cuộc hay ngừng hành động. Từ Singapore, tôi bắt đầu từ những việc nhỏ nhất tôi có thể làm. Quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! vừa là một dự án kinh doanh, vừa là một hành động nhỏ của tôi, với mong muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho đất nước. Có thể sự khác biệt mà tôi tạo ra chỉ là rất nhỏ bé thôi, nhưng sự khác biệt nhỏ bé ấy được tạo ra bằng cả một khát vọng lớn trong tôi. Và nếu như có nhiều người trẻ cũng nghĩ như tôi thì đất nước này sẽ khác, dân tộc này sẽ sớm ngẩng cao đầu tự hào.
Một chút nỗ lực, một chút cống hiến, dù là rất ít, rất nhỏ bé thôi, vẫn tốt hơn là vô cảm, bàng quang với cuộc đời và đất nước này. Chính vì thế, trên con đường mình đi, tôi vẫn thường nhắc nhở mình phải vươn lên bằng khát vọng, dù chông gai vẫn không ngừng vươn tới, với mong ước rằng, nhiều đồng bào khác có cùng suy nghĩ với tôi cũng sẽ quyết tâm cùng chung tay xây đất nước đẹp giàu – bắt đầu từ việc nỗ lực làm giàu chân chính cho bản thân mình.
Khi biết tôi quyết định bỏ hết tất cả những gì tôi đã xây dựng được ở Singapore, từ bỏ cuộc sống thoải mái sung túc ở Singapore để quay về Việt Nam, có người hỏi tôi tại sao phải hy sinh vì đất nước. Tôi trả lời rằng:
Không phải tôi quyết định như thế vì tôi muốn như thế, vì tôi yêu quê hương. Tôi chỉ đơn giản đi theo ánh lửa từ trái tim mình. Ở Việt Nam sẽ có cơ hội cho tôi vừa làm giàu cho bản thân, vừa làm giàu cho đất nước. Tôi tin chắc chắn là như vậy. Nên chẳng có gì là hy sinh ở đây cả. Cụm từ “hy sinh vì đất nước” xin dành riêng cho những người đã ngã xuống trong suốt chiều dài lịch sử để xây dựng hoặc bảo vệ đất nước này. Chính nhờ những hy sinh của họ, mà hôm nay tôi có thể vỗ ngực tự hào: “Tôi là người Việt Nam”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.