Sống Và Khát Vọng

Sống vì ước mơ



Một quyết định

Không có quyết định đúng hay sai, mà chỉ có một thực tế là bạn nỗ lực đến đâu trong việc tìm kiếm một quyết định. Rồi sau đó, bạn dám chịu trách nhiệm và chiến đấu đến đâu vì quyết định của mình.

Tôi khao khát trở thành một doanh nhân đúng nghĩa. Đó không chỉ là một mong muốn, mà đó là một mơ ước thật sự. Trong khi ấy, “là một doanh nhân đúng nghĩa” và “có công ăn việc làm ổn định” dường như là hai vế quá đối lập nhau. Sau những khóa học kỹ năng, tôi xác định được rằng, mình không thể quá tham lam và thiếu thực tế khi vừa muốn có công ăn việc làm ổn định vừa mong một ngày nào đó xa xôi mình có thể sống vì ước mơ của mình.

Nếu tôi muốn có một cuộc sống hoàn toàn khác, tôi phải dám hành động theo cách hoàn toàn khác. Chính vì vậy, tôi phải đối diện với một quyết định quan trọng trong sự nghiệp của mình: “Liệu tôi có nên bỏ công việc ổn định lương tốt vì ước mơ của mình, hay tôi sẽ từ bỏ ước mơ của mình vì công việc ổn định lương tốt?”. Quyết định khó khăn này khiến cho tôi phải trăn trở suy nghĩ rất nhiều, và vô tình từ những suy nghĩ đó, tôi học được đôi điều về việc ra quyết định.

Khi phải ra quyết định, chúng ta thường quan tâm đến quyết định ấy đúng hay sai. Nhưng rất tiếc là trong cuộc sống, khi bạn quyết định một điều gì đó quan trọng, bạn không thể nói được ngay rằng quyết định ấy là đúng hay là sai, mà chỉ có thể nói quyết định ấy thiếu hay có đủ thông tin mà thôi. Dĩ nhiên trong thực tế, hiếm khi chúng ta có được đầy đủ thông tin những khi thật sự cần phải quyết định một việc gì đó. Do đó, thường có hai kiểu người.

Kiểu người thứ nhất quyết định ngay, quyết định càng sớm càng tốt, dựa trên những thông tin mình đang có. Nếu anh ta đúng, anh ta sẽ được khen là quyết đoán. Nếu anh ta sai, anh ta sẽ bị chê là hồ đồ.

Kiểu người thứ hai sẽ cố gắng trì hoãn quyết định của mình càng lâu càng tốt để chờ thêm thông tin. Nếu anh ta đúng, anh ta sẽ được khen là suy nghĩ chín chắn. Nếu anh ta sai, anh ta sẽ bị chê là thiếu quyết đoán, không nắm bắt được cơ hội.

Đi tìm điểm cân bằng giữa hai kiểu người nói trên mới là cái khó của việc ra quyết định. Cách tìm điểm cân bằng tốt nhất là dựa vào kinh nghiệm của chính cá nhân bạn trong quá khứ.

Nếu bạn đã từng nhiều lần phải gánh chịu hậu quả nhiều hơn là gặt hái thành quả từ những quyết định đầy tính “quyết đoán” của mình, thì hãy tự nhắc mình: “Nếu không nhất thiết phải quyết định ngay hôm nay thì hây chờ thêm một ngày nữa và tìm kiếm thêm thông tin”.

Ngược lại, nếu bạn đã từng nhiều lần làm vuột mất cơ hội vì luôn mong rằng quyết định của mình phải “được suy nghĩ chín chắn” nhất có thể, thì hãy tự nhắc mình: “Liệu chờ thêm một ngày nữa có làm mình lẵng phí thời gian mà lẽ ra mình đã phải bắt tay vào hành động để nắm lấy cơ hội này hay không?”.

Một khi bạn tin rằng mình đã tìm ra điểm cân bằng về thời điểm ra quyết định rồi, thì hãy nhanh chóng quyết định chứ đừng để cơ hội trôi qua. Bởi lẽ ngay cả khi chúng ta có rất nhiều thông tin chính xác trong hiện tại, nhưng có thể trong tương lai khi hoàn cảnh thay đổi, những gì chính xác hôm nay có thể sẽ không còn chính xác nữa, những gì tốt hôm nay có thể sẽ không còn tốt nữa. Chính vì thế, nếu nói một cách ngắn gọn thì trong đa số hoàn cảnh, vấn đề không phải là bạn có đưa ra một quyết định đúng hay không, mà vấn đề là ở chỗ bạn có dám quyết định hay không.

Dĩ nhiên, trong những trường hợp quan trọng, ai cũng muốn đưa ra một quyết định đúng đắn, nhưng thật sự mọi chuyện không phải đơn giản. Bởi vì, một quyết định hệ trọng khi đã “quyết” sẽ đòi hỏi ở bạn rất nhiều nỗ lực để thật sự trở thành “quyết định đúng”. Ví dụ: Nếu bạn quyết định bỏ việc ngay bây giờ để trở thành doanh nhân, quyết định ấy là đúng hay sai? Câu trả lời là “Tùy!”. Nếu bạn không nỗ lực, bạn vừa mất thu nhập ổn định, vừa chẳng kinh doanh được gì, quyết định của bạn sẽ trở thành một sai lầm. Ngược lại, nếu bạn thật sự nỗ lực hết mình và trở thành một doanh nhân thực thụ, quyết định của bạn sẽ trở thành một quyết định đúng đắn.

Thành ra, vấn đề tiếp theo không phải là bạn có dám quyết định hay không, mà vấn đề ở chỗ là bạn có dám sống và chiến đấu để biến quyết định của mình thành quyết định đúng hay không.

Còn nếu bạn chần chừ mãi không dám ra quyết định và không dám chiến đấu vì quyết định của mình thì sao? Thật ra, bản thân sự chần chừ cũng là “một dạng quyết định” mà không phải ai cũng nhìn thấy, ở đây có thể xem là “quyết định chờ xem sao”. Cũng như bất kỳ quyết định nào khác, “quyết định chờ xem sao” rồi cũng sẽ dẫn đến một hệ quả nào đó (có thể là hậu quả hay cũng có thể là kết quả). Cho nên, ngay cả khi bạn không dám hoặc không muốn quyết định, bạn vẫn phải ý thức được rằng, bạn cũng đã quyết định (chờ xem sao) và suy nghĩ về những hệ quả có thể xảy ra để có một lựa chọn sáng suốt hơn nếu cần.

Thành ra, thay vì chần chừ, bạn hãy suy nghĩ cho thật kỹ, đưa ra quyết định, lên kế hoạch và hành động kiên định để biến quyết định ấy thành quyết định đúng. Ví dụ: Nếu bạn quyết định con đường của bạn là sẽ trở thành một người làm thuê vĩ đại chứ không bao giờ trở thành một doanh nhân tầm thường. Đó sẽ là một quyết định đúng, nếu bạn lên kế hoạch tìm một công ty khác phù hợp với bạn hơn, hoặc vạch ra con đường vươn lên trong chính công ty hiện tại của bạn. Và rồi quan trọng nhất là bạn hành động để từng bước biến quyết định của mình thành đúng đắn hay không.

Nếu bạn dám quyết định và dám hành động, cho dù bạn chọn con đường làm thuê, một ngày nào đó bạn vẫn sẽ thành công hơn rất nhiều doanh nhân.

Hãy sống để không bao giờ phải nuối tiếc vì những ước mơ bạn không dám thực hiện, những cơ hội bạn không dám nắm lấy, tình yêu bạn không dám công nhận, yêu thương bạn không dám cho đi, hay tha thứ bạn không dám nhận về,… Hãy sẵn sàng cho những thay đổi để nhìn thấy cuộc đời này đổi thay.

Loay hoay tìm đến ước mơ

“Nếu bạn không hy vọng, bạn sẽ không bao giờ đạt được những thứ vượt trên cả hy vọng.”

– St. Clement of Alexandra

Lại thêm một nỗ lực không thành

Sau lần nghỉ việc thứ hai, tôi quyết định không xin việc làm khác nữa mà quyết tâm tìm một hướng kinh doanh. Một lần nữa, tôi lại thấy mình “cắp sách đến trường”.

Tôi đăng ký một khóa học về kinh doanh chứng khoán kéo dài 8 buổi với mong muốn sẽ trở thành một options trader chuyên nghiệp (options trader là người kiếm sống bằng công việc buôn bán quyền chọn cổ phiếu – options). Hoàn thành khóa học, tôi nhận ra đây là một nghề tự do khá hấp dẫn với thu nhập rất tốt.

Nhưng đúng thật là làm gì cũng có những khó khăn riêng của nó. Mặc dù đã có một bụng kiến thức về đầu tư và kinh doanh quyền chọn, tôi vẫn không thành công được vì một thách thức mang tính đặc thù của công việc này. Đó là hàng ngày, tôi phải làm việc qua mạng Internet từ 9 giờ tối hôm trước cho đến tận 4 giờ sáng hôm sau, vì giờ mở cửa của thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới (Mỹ) hoàn toàn ngược múi giờ với châu Á chúng ta.

Thức đêm làm việc và không được ngủ đầy đủ nên sức khỏe của tôi bị giảm sút trầm trọng và thường hay cáu gắt với mọi người. Mọi sinh hoạt của cuộc sống bị đảo lộn. Làm được gần hai tháng, tôi nhận ra một sự thật đau lòng: tôi đang đánh đổi hạnh phúc và sức khỏe của mình cho một công việc kiếm tiền, chứ không phải sống vì ước mơ của mình hay gì cả. Tôi đã thực sự thất bại khi không biết cân bằng giữa các vấn đề tiền bạc, công việc, sức khỏe và các mối quan hệ… Thay vì đổ lỗi hay tự trách mình, tôi chấp nhận thất bại nhưng tự hứa sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Nếu bạn quá vội vàng để sống vì ước mơ của mình mà thiếu sự chuẩn bị và tính toá kỹ lưỡng, bạn có thể sẽ “chết” vì ước mơ của mình.

Trở lại vạch xuất phát

Sau thất bại này, không còn đủ tiền để sống, tôi lại phải tạm gác ước mơ kinh doanh sang một bên và nộp đơn xin vào làm việc tại tập đoàn British Telecom (gọi tắt là BT), một tập đoàn khổng lồ với 110.000 nhân viên có môi trường làm việc rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Vậy là sau 3 tháng bỏ việc làm, đi học kinh doanh quyền chọn cổ phiếu và bắt đầu kinh doanh, tôi thấy mình trở lại xuất phát điểm ban đầu – một người đi làm thuê.

Thật ra tôi hoàn toàn hiểu rằng, làm thuê chẳng có gì sai hay không tốt cả. Làm thuê hay làm chủ chỉ là cách bạn tư duy về công việc của mình. Nó không có đúng – sai hay tốt – xấu. Tất cả chỉ đơn giản là mong muốn và lựa chọn của mỗi người. Đúng – sai hay tốt – xấu phụ thuộc vào việc bạn làm công việc mình đã chọn trách nhiệm như thế nào, chứ không hẳn là phụ thuộc vào làm gì, miễn là trong phạm vi đạo đức – pháp luật. (Bạn có thể đọc thêm trích đoạn “Bạn muốn là người làm thuê hay làm chủ?” trong phần phụ lục).

Vậy thì tại sao tôi vẫn không thích đi làm thuê? Đó là bởi vì mỗi người có một mong muốn và hoài bão riêng, mà con đường thực hiện sẽ khác nhau.

Một người cha mong muốn sự nghiệp ổn định để đảm bảo gia đình nhỏ của mình luôn an toàn sẽ chọn con đường đi làm thuê. Một bạn trẻ muốn tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn sống và cả vốn tài chính, cũng sẽ chọn con đường đi làm thuê. Còn rất nhiều lý do khác nữa để lựa chọn đi làm thuê là một lựa chọn tốt và ý nghĩa đối với bản thân người chọn. Lúc đầu, tôi cũng chọn và hoàn toàn vui vẻ với việc đi làm thuê vì tôi cũng thấy con đường đó hoàn toàn tốt cho tôi vào thời điểm ấy.

Còn bây giờ, sau những va vấp trong cuộc đời, tôi bắt đầu khao khát một cái gì đó khác hơn. Tôi muốn lãnh đạo chính bản thân mình. Tôi muốn được tự do hơn về giờ giấc làm việc. Tôi muốn được lựa chọn dự án mình sẽ tham gia. Tôi muốn tạo nên sự khác biệt tích cực cho bản thân và nhiều người xung quanh tôi.

“Tạo nên sự khác biệt” – đó không chỉ là một mong muốn, mà đó là một ước mơ cháy bỏng trong tôi. Nhưng tôi không tìm thấy bất kỳ công việc làm thuê nào giúp tôi thỏa mãn ước mơ đó. Vậy thì tôi phải tạo ra công việc ấy cho chính mình bằng cách phải trở thành một doanh nhân.

Nhưng vào thời điểm ấy, tôi vẫn còn đang phải loay hoay tìm đường đến với ước mơ của mình vì ở đời đâu phải cứ muốn là được. Tôi bắt gặp mình lại cặm cụi đi làm thuê để chuẩn bị cho một lần cất cánh mới. Với tư duy tích cực, tôi coi việc đi làm thuê là một phần con đường doanh nhân của mình và tôi luôn tự hào vì điều đó.

Tại British Telecom (BT) tôi được trả lương khá cao nhờ kinh nghiệm và khả năng sẵn có, nhưng tôi biết rằng đây không phải là nơi mà tôi có thể ở lâu. BT thật sự là cỗ máy khổng lồ với hơn 100.000 nhân viên trên toàn thế giới vào thời điểm đó. Thậm chí ngay cả nơi tôi làm việc dù chỉ là một công ty thành viên của BT tại Singapore thôi nhưng cũng đã có 5.000 nhân viên. Chính vì thế, tôi vẫn cảm thấy nơi ấy quá tù túng với mình. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình như bị biến thành một cái máy mà không được vẫy vùng để phát huy những ý tưởng sáng tạo, chứ đừng nói đến là thực hiện mơ ước.

Ngay cả khi như vậy, tôi vẫn cố gắng làm hết trách nhiệm của mình. Không ít lần tôi chủ động ở lại đến tận khuya để đảm bảo mọi việc được hoàn thành tốt nhất, sếp và đồng nghiệp cũng rất quý tôi vì tính thẳng thắn và tinh thần làm việc có trách nhiệm.

Chỉ có một đồng nghiệp người Ấn Độ thường hay xung đột với tôi về mặt tính cách, vì tôi là kiểu người thích sáng tạo, đổi mới, còn anh ta là kiểu người thích làm theo đúng bài bản, quy trình. Chính vì vậy mà chúng tôi vẫn thường khó chịu với nhau. Công bằng mà nói thì trong đa số trường hợp thì tôi sai. Công việc của tôi là một chuyên viên tư vấn về hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp, cũng như trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng hoặc cải tiến hệ thống. Đa số những công việc này đều đã có bài bản đâu vào đấy, đòi hỏi chúng tôi phải tuân theo những quy trình hoặc công thức định sẵn. Nhưng tôi thì lại quá sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm của mình, vấn đề là sáng tạo không phải ở đâu cũng là tốt, thành ra trong trường hợp này, chính bản tính của tôi lại tự làm khó mình, và đôi khi làm giảm hiệu quả công việc.

Nhận ra được điều đó, tôi càng quyết tâm trở thành một doanh nhân. Tôi biết rằng khi tôi đi làm thuê cho cả xã hội, sẽ có người thích hoặc không thích những sáng tạo của tôi, nhưng chắc chắn sẽ có thêm không gian để vẫy vùng và để sáng tạo.

Từ khi là một đứa bé, chúng ta học cách sống qua việc học cách tự đứng lên trên đôi chân của mình và nói lên suy nghĩ của mình. Nhưng khi ta đã đứng được trên đôi chân của mình và đã biết nói, thì những thách thức trong cuộc đời này dường như lại muốn ta hãy ngồi xuống và im miệng. Bạn sinh ra để học cách tự đứng trên đôi chân của mình và có tiếng nói với đời, liệu bạn có lựa chọn để cho cuộc đời này bảo bạn “ngồi yên và im lặng”?

Cơ hội cuối cùng

Cái ao nhỏ sao giữ được con cá lớn, chiếc lồng tre sao trói được cánh chim đại bàng.

Rốt cuộc thì cái gì đến cũng phải đến. Sau một năm rưỡi nỗ lực ở BT, cùng lúc đó chuẩn bị và suy nghĩ chu đáo cẩn thận hơn, tôi đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để tiếp tục con đường thực hiện ước mơ của mình. Số tiền tôi dành dụm được chỉ đủ giúp tôi sống sót được khoảng 6 tháng nếu không có bất kỳ thu nhập gì, còn nếu có được đồng ra đồng vào thì có lẽ tôi sẽ trụ được khoảng một năm.

Lần này tôi phải thuyết phục gia đình nhiều hơn những lần trước rất nhiều vì dù sao tôi cũng đã vài lần thất bại trong nỗ lực trở thành doanh nhân. Bản thân tôi cũng không

thích vô tình vì chạy theo mơ ước của mình mà lại làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tôi cam kết với gia đình, mà thật ra là cam kết với chính bản thân mình rằng, nếu lần này trong vòng một năm mà vẫn không làm nên trò trống gì, thì tôi sẽ quay lại cuộc đời làm thuê, học cách vươn lên và thành công trong môi trường tập đoàn đa quốc gia, và không bao giờ nhắc đến ước mơ doanh nhân nữa.

Nói cho cùng, tôi vẫn hiểu rằng, quan trọng không phải là tôi đi làm thuê hay làm doanh nhân, mà quan trọng là tôi làm gì giỏi nhất. Nếu tôi không phải là một doanh nhân giỏi, thì chẳng lý do gì tôi phải cứ “cố đấm ăn xôi”. Nhưng trước khi khẳng định mình không thể là một doanh nhân giỏi, tôi quyết tâm dồn mọi nỗ lực cho cơ hội cuối cùng này. Một năm đầy thách thức đang đợi phía trước, tôi biết mình phải chiến đấu hết mình.

Rút tấm bằng đại học từ cặp đựng hồ sơ ra ngắm nhìn một chút, tôi nói chuyện với tấm bằng như nói với một người bạn: “Cảm ơn mày đã giúp tao xin được việc làm trong mấy năm qua, nhưng từ giờ trở đi tao quyết tâm sẽ không phải nhờ đến mày một lần nào nữa”

Nói rồi, tôi trân trọng cất tấm bằng trở lại vào trong cặp hồ sơ, đóng nó lại, đặt lên kệ, và bước ra máy tính để hoàn phần còn lại của kế hoạch hành động. Từ ngoài trời, gió thổi vào mang theo chút hơi biển mặn nồng của xứ đảo Singapore. Trong tim tôi, những con sóng đang dâng trào khát vọng…

Tiếp tục nỗ lực không ngừng

Đăng ký trụ sở công ty tại địa chỉ nhà mình, lấy phòng khách và phòng làm việc làm văn phòng, tôi là giám đốc kiêm luôn nhân viên.

Tôi bắt đầu bằng công việc thiết kế hệ thống cho một vài doanh nghiệp nhỏ, vốn không có đủ nguồn tài chính để trả cho một công ty công nghệ nào đó thiết kế hệ thống cho mình. Bên cạnh đó, tôi cũng bắt đầu tìm tòi về một mảng kinh doanh mới – đó là Internet Marketing.

Với công việc thiết kế hệ thống, tôi kiếm được chút thu nhập nhưng cũng chỉ được khoảng 20 – 30% so với lương của tôi lúc trước vì công việc không đều. Còn mảng Internet Marketing thì mặc dù trên mạng có rất nhiều người khoe họ kiếm được nhiều tiền từ mô hình kinh doanh này, thoạt nhìn tưởng là miếng bánh ngon nhưng thật ra đó chỉ là “bánh vẽ”.

Một vài tháng đầu tôi hầu như chẳng kiếm được đồng nào từ Internet Marketing mặc dù bỏ nhiều tiền mua tài liệu học và làm tối mặt tối mũi. Những tháng sau thì bắt đầu khá hơn vì công sức những tháng đầu của tôi bắt đầu được đền đáp. Tuy nhiên, thu nhập từ Internet Marketing cũng chỉ được 10 – 20% lương trước đây của tôi. Tóm lại, mặc dù là “doanh nhân”, thu nhập của tôi chỉ bằng khoảng 30 – 50% lúc còn đi làm thuê. Thế mới biết con đường doanh nhân không bao giờ là con đường bằng phẳng, dễ dàng.

Vài tháng tiếp theo trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy chán nản vì mặc dù tôi là “chủ doanh nghiệp” nhưng nói cho cùng thì “công ty” chỉ có mỗi mình tôi làm từ A đến z. Thu nhập thì bấp bênh. Cuộc sống cá nhân thì chật vật khó khăn. Cha mẹ thì không phụng dưỡng được. Nói chung, ngay cả những trách nhiệm rất đời thường với bản thân mình và gia đình, tôi còn chưa làm được, nói chi là những việc to lớn như “tạo nên sự khác biệt cho mình và người xung quanh”.

Chưa kể trong thời gian này, tôi có vô tình quen một người cũng khá “thành công” trong lãnh vực Internet Marketing. Thông qua người này, tôi mới hiểu rõ được cái bản chất của việc làm giàu bằng Internet Marketing là như thế nào. Đúng là vẫn có một số chuyên gia về Internet Marketing cực kỳ thành công với những sản phẩm (thường là sách điện tử hoặc phần mềm) bán rất chạy, nhưng thật ra, họ chỉ là thiểu số. Chưa kể, thành công của họ cũng không lớn hơn thành công của các chuyên gia ở những lãnh vực khác, bởi vì khi bạn là chuyên gia thật sự trong bắt kỳ lãnh vực nào thì bạn cũng sẽ cực kỳ thành công và giàu có mà thôi.

Còn lại đa số là những người tự phong mình là chuyên gia (ăn cắp bản quyền của người khác rồi xào nấu lại) hoặc giả vờ thành công (tạo ra những tấm chi phiếu giả để lừa bịp thiên hạ). Vì số chuyên gia bịp, thành công giả nhiều hơn số chuyên gia thật rất nhiều nên họ cũng có rất nhiều chiêu trò để đưa người dùng Internet vào bẫy. Một trong những chiêu trò phổ biến nhất là lập thành những hội kín để chiêu dụ khách hàng và sau đó giới thiệu sản phẩm chéo cho nhau, cũng như là tung hô nhau để tạo danh tiếng ảo. Vì họ cũng là chuyên gia, nhưng là chuyên gia bịp, cho nên họ làm khéo và chiêu dụ khách hàng hay đến mức chỉ khi mất tiền cho những sản phẩm tồi của họ thì khách hàng mới biết bị lừa, chứ còn không thì cách họ thể hiện chẳng khác nào những chuyên gia thật sự.

Những sản phẩm giới này bán đa số là sách điện tử hoặc phần mềm trong đủ mọi lãnh vực (vì đây là những thứ dễ sao chép, xào nấu nhất) với nội dung chủ yếu đánh vào lòng tham, thói dị đoan, máu mê cờ bạc, hoặc mong muốn giàu nhanh, mong muốn kiếm nhiều tiền mà không phải làm nhiều, mong muốn kiếm tiền dễ dàng qua Internet…

Tóm lại, bí quyết thành công trong Internet Marketing là bạn phải trở thành chuyên gia, hoặc là chuyên gia về Internet Marketing thực thụ, hoặc là một chuyên gia về lừa bịp. Muốn trở thành một chuyên gia thực thụ thì rất khó vì bạn phải có hai thứ: kiến thức và danh tiếng. Trở thành một chuyên gia lừa bịp trong Internet Marketing cũng khó không kém vì bạn cần có sự liều lĩnh, và ngược lại không được có một thứ: đó là lương tâm.

Với cách “kinh doanh” ấy, người tôi quen và nghĩ là “thành công” trong lãnh vực Internet Marketing lúc đó sau này nghe đâu cũng phải trốn về Việt Nam vì có rắc rối với pháp luật ở Singapore. Tôi không chắc về thông tin này vì tôi chỉ đọc được trên Internet trong một lần tìm thông tin trên mạng về người ấy.

Tuy nhiên, chứng nào tật nấy, người này khi về Việt Nam lại tiếp tục kinh doanh bịp bợm bằng cách hợp tác với hai người khác để mở một khóa học có tên ăn theo thương hiệu Tôi Tài Giỏi !. Áp dụng các chiêu bịp và xào nấu nội dung từ Internet Marketing, họ sao chép TGM từ cách làm, cách chia sẻ tâm huyết, cách nói về ước mơ,… nhưng ở đây thay vì là những lời chân thật thì lại là những lời sáo rỗng. Thậm chí, họ còn nhái cả tên miền toitaigioi.com bằng cách đăng ký tên miền toitaigioi.org và toitaigioi.info nhưng nội dung lại bị thay bằng trang web của họ.

Trong thế giới Internet Marketing, tiếc thay, không thiếu những kẻ như thế. Cho nên lúc ấy, dù đã tích lũy được khá nhiều kiến thức trong lãnh vực Internet Marketing, tôi vẫn rất phân vân không biết liệu mình có nên quyết tâm trở thành một chuyên gia Internet Marketing thực thụ hay không. Cái khó là tôi chẳng có chút tiếng tăm nào trong khi thời gian của tôi lại không còn nhiều.

Thậm chí, ngay cả khi có kiến thức và tiếng tăm thật sự, người làm Internet Marketing còn phải đối diện với một vấn đề nữa, đó là phải chịu vạ lây bởi tiếng xấu từ những hành vi lừa đảo của các chuyên gia bịp vốn nhiều hơn các chuyên gia thật rất nhiều. Tôi cũng có quen một người bạn là người Singapore, là một chuyên gia thật, thời đó cũng khá nổi tiếng và có trình độ, nhưng sau một thời gian “ầm ĩ’ với Internet Marketing, cuối cùng cũng đã âm thầm rút lui vì anh này cũng là người tốt và không chịu nổi những thị phi của giới làm Internet Marketing.

Càng ngày tôi càng nhận ra một cách sâu sắc rằng, để trở thành một doanh nhân thành công và hạnh phúc trọn vẹn, tôi không thể chỉ đơn giản tập trung vào kiếm tiền hay sở hữu một công ty, mà còn phải làm một công việc thật sự có ý nghĩa. Và chỉ có như thế, tôi mới có thể thật sự sống và làm việc bằng tất cả đam mê và nhiệt huyết của mình. Con đường Internet Marketing cũng không còn hấp dẫn tôi nữa vì kiếm tiền thì có thể đó, nhưng tôi không tìm thấy ý nghĩa trong đó (ít ra đối với tôi là thế).

Song song với việc học làm giàu, chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn cho việc học làm người.

Bế tắc thật sự

Đây là những ngày tháng khủng khoảng nhất trong cuộc đời. Sau hơn 27 năm tồn tại, tôi thấy mình chẳng là gì cả, chẳng làm được gì cả. Tôi cảm thấy mình bế tắc thật sự. Cứ tưởng rằng khi mình được tự do và trở thành ông chủ của chính mình, thì tôi sẽ thật sự được hạnh phúc, nhưng tôi chẳng thấy mình hạnh phúc tí nào.

Có nhiều đêm tôi nằm trằn trọc ngủ không được, lại ngồi dậy làm việc. Nhưng khi làm cũng không biết mình làm vì cái gì ngoài tiền, thậm chí tiền cũng chẳng kiếm được nhiều như thời còn có một công việc ổn định. Rồi có những lúc, mệt mỏi sau nhiều giờ làm việc liên tục, tôi nằm dài trên giường, người cứ lâng lâng như đang trôi bồng bềnh trên một dòng nước mà không biết đang trôi đi đâu về đâu.

Thậm chí, tôi tự hỏi, liệu tồi có nên bỏ cuộc? Liệu tôi có nên quay trở lại tìm một công chắc chắn vẫn có thể vươn lên các vị trí cao cấp trong bất kỳ tổ chức nào, vừa thành công, vừa có địa vị, vừa có thu nhập ổn định, lại không phải khổ như bây giờ? Liệu tôi có sai lầm với con đường mình chọn? Liệu gần 10.000 đô la tôi bỏ ra để học hết thứ này đến thứ khác chỉ là vô dụng? Bế tắc.

Tóm lại chỉ có 2 từ: BẾ TẮC.

Lúc con người ta muốn bỏ cuộc và ngã gục nhất là lúc con người ta đến gần thành công mình xứng đáng có được nhất.

Đối diện với bế tắc

Đó chắc chắn không phải là lần đầu tiên tôi nghi ngờ chính bản thân mình. Nhưng thật sự là chưa bao giờ trong cuộc đời, tôi nghi ngờ chính mình và con đường mình chọn nhiều đến như vậy… Tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và quan trọng hơn hết là tự trò chuyện với chính mình.

Khi bạn gặp bất kì chuyện gì trong cuộc sống cho dù là nhỏ hay lớn, hãy luôn tự nói với bản thân mình rằng: “Trong hoàn cảnh này tôi phải làm chủ cảm xúc của mình và phản ứng thế nào cho tích cực nhất?”. Hay thậm chí: “Làm cách nào để tôi biến chuyện không may này thành may mắn cho mình?”. Và đôi khi chỉ cần như thế, bạn sẽ bắt đầu bình tâm lại và tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Bên cạnh đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hãy tự hỏi mình: “Rốt cuộc là cuộc sống này muốn gì ở mình?”, và vừa tự trả lời vừa tự động viên mình rằng: “Cuộc sống muốn mình mạnh mẽ hơn… mỗi ngày”. Biết đâu, cách trò chuyện và tự động viên chính mình này sẽ mang lại cho bạn một nguồn sức mạnh mới để đi tiếp.

Nhiều lúc, khi bạn đến gần thành công mà bạn xứng đáng lắm rồi, cuộc sống thường sẽ tung ra thử thách cuối cùng để thách thức trái tim quả cảm của bạn. Nếu bạn biết rằng, mình có thể đang được thử thách lần cuối trước khi có thể tiến thẳng đến thành công, bạn sẽ làm gì? Bỏ cuộc hay tiếp tục chiến đấu?

Thử thách của lòng can đảm không phải là dám chết, mà là dám sống và thực hiện những ước mơ của mình, sống vì ước mơ của mình không phải là chuyện đơn giản hay là “thiên đường” như đa số mọi người vẫn nghĩ. Bạn cần có một trái tim quả cảm để có thể vượt qua những khó khăn thử thách luôn hiện ra trước mắt, một khối óc sáng suốt để luôn khiêm tốn học hỏi và chuẩn bị, một ý chí sắt đá để trải qua một cuộc hành trình dài đầy gian nan đôi khi tưởng chừng như vô tận trước khi đến được ước mơ của mình, và một tấm lòng để mãi sống vì ước mơ ấy.

Sống vì ước mơ của mình không bao giờ là một đích đến mà là một chặng đường. Có những lúc bạn sẽ cảm thấy bế tắc như đứng trước một bức tường đá. Nhưng hãy nhớ một điều rằng, đằng sau bức tường đá ấy luôn là một con đường. Cho nên, đừng tự hỏi là mình có đạt được ước mơ hay không, tự hỏi liệu mình có dám sống vì ước mơ hay không.

Mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời đều có một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Chúng ta học và trưởng thành từ mỗi bước chúng ta đi, dù đúng hay sai, dù thành công hay thất bại. Kết quả những bước đi ấy không quan trọng bằng việc mỗi bước ấy có làm cho chúng ta NGƯỜI hơn. Hãy tự hào về bản thân mình, ngay cả khi bạn không làm được như mình mong đợi hay kết quả không như bạn mong muốn, bởi vì cái điều đáng tự hào ở đây là cho dù có chuyện gì xảy ra, bạn vẫn mãi giữ vững một niềm tin.

“Không thể” chỉ là một từ

Thất bại là mẹ thành công. Nếu bạn sợ thất bại, đồng nghĩa với bạn sợ thành công.

Khi chúng ta vừa gặp phải bế tắc, từ chúng ta nghĩ đến nhiều nhất thường là “không thể”: “Tôi không thể làm được”, “Tôi không thể vượt qua”, “Tôi không thể tiếp tục”, “Tôi không thể bắt đầu lại”, “Tôi không thể sống nổi nữa”,…

Thế nhưng, “không thể” thật ra chỉ là một từ hay một suy nghĩ trong đầu bạn. Nó chưa chắc là một thực tế. Ngày trước, các nhà vật lý học gặp khó khăn trong việc giải thích tại sao ong nghệ có thể bay được. Rõ ràng không phải vì ong nghệ không thể bay mà là chúng ta chưa có một phương pháp vật lý học đủ tốt để giải thích tại sao nó có thể bay. Và trong khi chờ các nhà khoa học tìm ra cách giải thích xác đáng tại sao ong nghệ có thể bay được… thì nó vẫn cứ bay.

Đối với tôi cũng thế, “không thể” chỉ là một từ. Ngay khi đang bế tắc và bị coi thường nhất, tôi vẫn lựa chọn tin mình có thể. Tôi vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một hướng đi mới với phương châm “cứ tìm rồi sẽ thấy” bởi vì “không thể” chỉ là một từ. Tại sao ngay trong lúc bế tắc nhất tôi vẫn vững tin rằng mình có thể vượt qua? Một lần nữa, hãy quay lại quá khứ của lần nghỉ việc đầu tiên của tôi.

Bản quyền

Trong thời gian nghỉ việc lần đầu tiên để kinh doanh quyền chọn cổ phiếu và sau đó đi làm cho British Telecom, tôi vẫn thường đi làm huấn luyện viên tình nguyện cho các khóa học của Adam Khoo. Khi ấy, tôi bắt đầu biết đến quyển sách I Am Gifted, So Are You ! (Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế !) – quyển sách nằm trong danh sách bán chạy nhất tại Singapore nhiều năm liền và vẫn đang khá nổi tiếng tại Singapore.

Tôi nghĩ, một quyển sách hay như thế nếu được xuất bản tại Việt Nam thì có thể sẽ giúp cho nhiều học sinh, sinh viên có được những kĩ năng sống và phương pháp học tập tuyệt vời, giúp họ vươn lên mạnh mẽ trong học tập và cuộc sống, cũng như khẳng định vị trí của mình trong xã hội – những điều mà tôi luôn nói với bản thân mình rằng “giá mà mình biết từ sớm”. Khi nghĩ đến hàng trăm ngàn sinh viên, học sinh sẽ không phải nói “giá mà” như tôi, bởi vì họ có thể cầm quyển Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! trên tay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, một niềm vui và một động lực mãnh liệt chảy qua tim tôi. Thế là tôi bắt đầu nghĩ cách tiếp cận với Adam để xin phép mua bản quyền rồi đưa quyển sách về Việt Nam.

Khi làm việc này, tôi cũng mong có lợi nhuận, nhưng lúc ấy vì tôi chưa kiên quyết về Việt Nam làm kinh doanh, nên tôi vẫn làm trong tâm thế vì thế hệ trẻ Việt Nam là chính. Mặc dù không phải vì kinh doanh là chính, nhưng đã quyết định làm thì tôi vẫn quyết tâm phải làm cho bằng được.

Lần đầu tiên tôi chia sẻ với Adam về việc mua bản quyền dịch quyển sách thì ngay lập tức tôi đã bị từ chối khéo vì lý do đã có 2 – 3 người hay công ty gì đó từ Việt Nam từng đến gặp Adam và đề nghị dịch quyển sách từ trước, nhưng Adam vẫn chưa chọn được ai, và hiện vẫn đang trong quá trình… cân nhắc. Thất vọng lắm nhưng không hề nản chí, vì đối với tôi, “không thể” chỉ là một từ. Tôi lại về nhà nghĩ cách khác để thuyết phục Adam trước những “đối thủ cạnh tranh” kia.

“Thành công to lớn thường ẩn nấp sau sự thất vọng não nề,”

– Henry Ward Beecher

Tôi dự đoán, cái Adam muốn nhìn thấy là khả năng và sự nghiêm túc của tôi. Thế là tôi quyết định làm một việc hết sức táo bạo để biến cái không thể thành có thể trong việc thuyết phục Adam. Tôi nói chuyện và thuyết phục dịch giả Uông Xuân Vy (lúc ấy chưa hề nổi tiếng như bây giờ) cùng tôi bắt đầu dịch quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế !. Vậy là chúng tôi hợp tác với nhau bắt tay vào dịch một quyển sách mà ngay cả khi hoàn thành được gần một nửa, chúng tôi vẫn chưa mua được bản quyền.

Ở đây, không phải là ăn cắp bản quyền vì chúng tôi dịch nhưng không có ý định phát hành hay kinh doanh trái phép. Bất kỳ độc giả nào cũng đều có thể dịch một quyển sách sang một thứ tiếng khác nếu thích, miễn là không phát tán hoặc không kinh doanh một cách bất hợp pháp. Mục đích chúng tôi dịch quyển sách ngay trước cả khi có bản quyền chủ yếu là để chứng tỏ cho Adam thấy sự quyết tâm của mình, và trên hết là khả năng dịch thuật của chúng tôi.

Dịch thuật

Nói về khả năng dịch thuật thì cũng lại là một câu chuyện khác của việc biến cái không thể thành có thể, bởi vì lúc ấy cả tôi và Vy đều chưa bao giờ dịch sách. Tôi thuyết phục Vy cùng dịch sách vì biết lúc trước Vy cũng đã từng học chuyên Văn. Vả lại, tôi biết Vy là người cẩn thận, tỉ mỉ và rất có trách nhiệm, những tính cách này bù trừ rất tốt cho sự sáng tạo và đầy cảm hứng của tôi. Lúc đầu Vy cũng rất lưỡng lự vì công việc ở công ty của Vy cũng khá bận rộn, nhưng rốt cuộc thì Vy cũng đồng ý sau khi tôi thuyết phục rất nhiều. Nhưng tôi biết một khi Vy đã đồng ý thì Vy chắc chắn sẽ làm hết mình.

Không có kiến thức chuyên môn về dịch thuật, chúng tôi phải tự mày mò vừa dịch vừa học. Mặc dù chúng tôi đã họp bàn và tính toán kỹ là để dịch xong quyển sách này với chất lượng cao thì chúng tôi phải làm việc cật lực trong vòng khoảng 6 đến 8 tháng, nhưng chúng tôi vẫn không lường được độ khó của nó vì rất nhiều thứ không thể chuyển ngữ trực tiếp sang tiếng Việt.

Dựa vào thế mạnh của mỗi người, chúng tôi phân công công việc sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Vy sẽ là người dịch trực tiếp từ bản gốc tiếng Anh sao cho chính xác nhất. Còn tôi chịu trách nhiệm biên tập và viết lại cho thật hay và truyền cảm hứng, vì văn phong của Adam Khoo khá đơn giản, trong khi chúng tôi rất mong muốn phiên bản tiếng Việt của quyển sách có sức truyền cảm hứng thật mạnh mẽ cho giới trẻ Việt Nam. Cũng may là sau này được sự đồng ý và ủng hộ của Adam nên tôi được tự do sáng tạo, khai triển ra những suy ngẫm và triết lý từ những gì Adam chia sẻ.

Những ngày tháng tiếp theo là những ngày tháng chúng tôi không còn biết những buổi tối đi ăn hay đi chơi với bạn bè là gì. Cuối tuần cũng chỉ còn là một khái niệm mơ hồ để chỉ hai ngày của một tuần mà chúng tôi có thể dành trọn thời gian cho việc dịch sách, thay vì phải vừa đi làm vừa dịch. Những dịp được nghỉ lễ là cơ hội để chúng tôi làm bù lại cho những phần dịch bị trễ kế hoạch do công việc quá bận rộn, hoặc do quá mệt mỏi với công việc ở công ty nên không chạy theo kịp tiến độ.

Có người biết chuyện hỏi chúng tôi sao mà phải nỗ lực như vậy, cứ dịch từ từ có sao đâu. Nhưng họ không hiểu rằng, cơ hội có thể vuột qua tầm tay bất cứ khi nào. Nếu chúng tôi dịch không đủ nhanh, nhỡ có người khác đến đề nghị hợp tác mà Adam đồng ý thì sao? Không thể chấp nhận rủi ro chỉ vì thiếu nỗ lực, chúng tôi quyết tâm đã làm thì phải đi đến kết quả.

Tết năm ấy là một lựa chọn hết sức khó khăn. Khi bạn bè đã háo hức rủ nhau về Việt Nam ăn Tết hết rồi, trong giờ phút Giao Thừa, cách xa quê hương và gia đình hàng ngàn cây số, chúng tôi vẫn lặng lẽ âm thầm cặm cụi trên từng trang sách. Xa xa ngoài cửa sổ, từng chùm pháo hoa đón chào năm mới bùng lên rồi lại tắt ngấm để lại một khoảng tối mênh mông…

Kế hoạch kinh doanh

Song song với việc dịch sách, tôi cũng hợp tác với một người đáng tin cậy nữa ở Việt Nam là em trai tôi – diễn giả Trần Đăng Triều (cũng như Vy, lúc ấy Triều cũng chưa được công chúng biết đến nhiều như bây giờ). Nhiệm vụ của Triều là chạy khắp nơi hỏi các thủ tục xuất bản một quyển sách ở Việt Nam, cũng như các chi phí liên quan. Cũng nhờ sự năng nổ và khéo léo trong giao tiếp của Triều dù còn rất trẻ, chúng tôi thu thập được khá nhiều thông tin hữu ích về cách xuất bản sách ở Việt Nam. Với những thông tin ấy, tôi bắt đầu việc phác thảo một kế hoạch kinh doanh sách rõ ràng và hoàn chỉnh hơn.

Việc có một ý tưởng bình thường và biến nó thành hiện thực có giá trị gấp nhiều lần so với việc có một ý tưởng tuyệt vời và chẳng làm gì cả.

Thế là khi đã dịch được hơn nửa quyển sách và có một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, tôi viết cho Adam một lá thư đầy tâm huyết trình bày lý do tại sao tôi mong muốn dịch Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! sang tiếng Việt, cũng như khát vọng của tôi mong sao cho quyển sách đến tay càng nhiều người Việt Nam càng tốt. Lần này, Adam không gặp trực tiếp tôi, nhưng anh cũng sắp xếp cho tôi gặp Patrick Cheo (lúc ấy là Chief Operations Officer – một chức vụ tương đương Phó Tổng giám đốc – của Tập đoàn AKLTG).

Nếu như Adam là một người khá thoải mái, xuề xòa, đôi khi hơi hướng nội trong giao tiếp, thì Patrick là một người rất hướng ngoại, thân thiện, nhanh nhẹn, nhưng cũng rất tỉnh táo. Patrick đặc biệt rất giỏi về tài chính và số liệu, cộng với tính cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết, nên là một cộng sự vừa cực kỳ đáng tin cậy, vừa bổ khuyết một cách hoàn hảo cho Adam. Adam và Patrick bằng tuổi nhau. Họ quen nhau từ còn là sinh viên nhưng bắt đầu trở thành bạn thân với nhau trong khoảng 10 năm trở lại đây, từ khi cả hai cùng khởi nghiệp.

Họ thật sự là một “cặp bài trùng” phối hợp với nhau một cách hoàn hảo, bổ khuyết và bù trừ cho nhau, để tạo nên một sức mạnh rất riêng. Chính vì thế vào năm 2010, Adam đã quyết định nhường vị trí CEO của mình cho Patrick.

Trong buổi gặp, tôi trình bày bản kế hoạch kinh doanh của mình cho Patrick, nhưng có lẽ điều thuyết phục nhất là việc tôi đưa ra bản thảo đang được dịch của quyển sách nhờ Patrick tìm người thẩm định. Bên cạnh đó, tôi cũng cam đoan với Patrick rằng, nếu sau khi thẩm định xong mà Adam vẫn không đồng ý cho tôi mua bản quyền và dịch quyển sách, tôi sẽ không bao giờ ăn cắp bản quyền để lén lút kinh doanh ở Việt Nam. Tôi sẵn sàng bỏ ngang bản dịch dang dở ấy dù đã đầu tư vào đó rất nhiều thời gian và công sức. Patrick nhận lời xem xét đề nghị của tôi.

Một thời gian sau, Patrick gọi điện mời tôi đến để bàn sâu hơn việc mua bản quyền và phát hành sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! tại Việt Nam. Điều tưởng chừng như không thể đối với những người từng xin mua bản quyền Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! trước đó nay đã trở thành có thể đối với tôi.

Cải tiến nội dung

Khi đã ký hợp đồng mua bản quyền với một số tiền khá lớn, tôi quyết tâm phải làm cho đầu tư của mình không những phải sinh lợi cho bản thân mà còn phải có ý nghĩa và đầy cảm hứng đối với người Việt. Thế là bên cạnh việc mua bản quyền, tôi lại lên kế hoạch cho việc biến một điều không thể khác thành có thể. Đó là thuyết phục Adam cho phép tôi thay đổi khoảng 20% nội dung của sách, để quyển sách không chỉ là một phiên bản tiếng Việt của sách gốc tiếng Anh, mà còn mang hồn Việt, cũng như thật sự gần gũi và thiết thực với đời sống, văn hóa, ngôn ngữ và hệ thống giáo dục tại Việt Nam.

Thông thường, các tác giả rất không thích ai thay đổi nội dung sách của mình, nhất là thay đổi trong quá trình dịch vì họ không thể đọc lại và kiểm chứng những nội dung được thay đổi. Dĩ nhiên, Adam cũng không ngoại lệ. Nhưng sau một buổi nói chuyện dài khi tôi mang tất cả tâm huyết của mình ra thuyết phục, cũng như cố gắng giải thích cặn kẽ những nội dung mà tôi dự định thay đổi, thì rốt cuộc Adam cũng đồng ý.

Điều này đã tạo tiền đề cho Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế !phiên bản tiếng Việt có số lượng xuất bản cao gấp nhiều lần tổng số lượng xuất bản của phiên bản tiếng Anh trên toàn thế giới – một điều rất ít khi xảy ra do sách dịch thường không thể bán chạy hơn cả sách gốc. Vậy mà một lần nữa, điều không thể ấy đã trở thành có thể với phiên bản tiếng Việt.

Nhưng đó là chuyện của sau này. Để đến được vinh quang ấy, vẫn còn nhiều cái không thể cần phải được biến thành có thể.

Không có vốn

Bản dịch cuối cùng của Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! là kết quả của 6 bản dịch nháp và hơn nửa năm trời lao động miệt mài của tôi và Vy. Chúng tôi vừa dịch sách vừa phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Cả hai chúng tôi đều không nghĩ công việc dịch sách là một công việc kinh doanh hay kiếm tiền, vì lợi nhuận dự tính thật sự quá thấp so với công sức phải bỏ ra.

Khi bản thảo hoàn tất, chúng tôi lại vấp phải một điều “không thể” mới: không thể in sách vì không có tiền, cũng như không có chút kinh nghiệm gì trong việc in và phát hành sách, vẫn với châm ngôn “biến cái không thể thành có thể”, chúng tôi bắt đầu phương án “chia để trị” (chia nhỏ khó khăn “không thể in sách” ra thành những bài toán nhỏ hơn để giải quyết). Tôi và Vy chia nhau chịu trách nhiệm huy động đủ 200 triệu đồng cho việc in sách, cũng như thanh toán số tiền bản quyền đã cam kết với Adam. Đều là những người đang đi làm có đồng lương ổn định, cả tôi và Vy đều có thể

mượn tiền từ ngân hàng dễ dàng. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, tôi còn phải mượn thêm tiền từ người thân trong gia đình và Vy cũng thế. Còn Triều thì được giao nhiệm vụ tìm nơi xin giấy phép xuất bản, tìm hiểu về kỹ thuật in và tìm nơi in sách.

Cơn ác mộng

Huy động được đủ vốn rồi, chúng tôi cũng tìm được một công ty thiết kế và in ấn có vẻ ổn vì vị giám đốc hứa hẹn với chúng tôi nhiều điều tốt đẹp. Đây mới là lúc cơn ác mộng bắt đầu.

Bản thảo chúng tôi giao cho bên thiết kế để làm dàn trang là một bản thảo được chăm chút tỉ mỉ đến từng câu từng chữ. Vốn tính cẩn thận và kỹ lưỡng, Vy xem đi xem lại bản thảo rất nhiều lần để đảm bảo là không có một hạt sạn nào.

Để chuyển bản thảo thành file in được, bên thiết kế phải chuyển nội dung từ bản thảo vào một phần mềm thiết kế dàn trang có tên là InDesign.

Không hề có kinh nghiệm gì trong công đoạn dàn trang này, kết quả là Vy và Triều gặp vô vàn khó khăn trong việc giao tiếp cho bên thiết kế hiểu được những gì cần hiển thị trong sách. Chưa kể, Vy thì ở Singapore, còn Triều thì ở Việt Nam. Vy là người hiểu rõ nội dung, còn Triều là người hiểu kỹ thuật hơn. Nhưng để làm dàn trang cho tốt thì lại cần người hiểu nội dung lẫn kỹ thuật ở cùng một nơi chứ không phải là cách nhau vài ngàn cây số.

Hậu quả là Vy và Triều phải tự mình ngồi cặm cụi ngồi sửa từng cái dấu chấm, dấu phẩy, lỗi đánh máy, lỗi định dạng, lỗi thiết kế,… do bên dàn trang để lại. Lên đến hàng chục bản sửa lỗi được gửi qua gửi lại mà vẫn có những lúc “nói một đằng làm một nẻo”. Trong suốt thời gian này, Vy và Triều đều bị rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ vì sửa lỗi hoài mà vẫn không hết, nhất là khi lỗi không phải do mình gây ra. Nhưng cả hai đều quyết tâm không bỏ cuộc, không để cho quyển sách được in nếu còn “sạn”.

Sách Tôi Tài Giỏi ! Bạn Cũng Thế ! là một quyển sách lập nhiều kỷ lục, nhưng một kỷ lục ít ai biết đến là sau khi dịch xong, chúng tôi mất gần 4 tháng chỉ để làm dàn trang và nhất là sửa lỗi.

Thành quả

Có lẽ, nếu không có sự bền bỉ của Vy ở Singapore, và sự năng động, tháo vát của Triều ở Việt Nam thì bản dịch Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! có thể đã không bao giờ được in ra.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chân thành cảm ơn cô Kiều Thị Kim Loan (Trưởng chi nhánh phía Nam Nhà Xuất Bản Phụ Nữ) đã tạo điều kiện và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong giai đoạn đầu này.

Gần một năm kể từ ngày chúng tôi bắt đầu dịch những trang đầu tiên của quyển sách

Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế !, quyển sách đã thật sự được chào đời một cách đầy tự hào với chất lượng có nhiều cải tiến so với bản gốc cả về nội dung lẫn hình thức.

Thành công là đạp bằng mọi thử thách

Đó là câu nói mà Triều hay nói nhất nên tôi lấy làm tiêu đề cho phần này – phần tôi sẽ viết về những nỗ lực vượt bậc của Triều trong việc giúp cho quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! được phân phối rộng rãi khắp Việt Nam.

5.000 quyển sách

Sách in xong, đối với tôi và Vy thì những ngày tháng vất vả nhất với quyển sách dường như đã qua đi, còn đối với Triều tất cả chỉ mới là… bắt đầu.

Đầu tiên là việc Triều phát hiện ra mình bị lừa vì bình thường trong ngành sách, ở đợt in đầu tiên người ta chỉ in khoảng 2.000 – 3.000 bản. Các đơn vị xuất bản chỉ in nhiều nếu đó là một đầu sách đang cực “hot” (như Harry Potter chẳng hạn) hoặc khi họ có một kế hoạch tiếp thị sách hoành tráng. Còn đối với hầu hết các đầu sách, việc bán được khoảng 5.000 bản mỗi năm đã được xem là bán chạy (nhất là khi nạn sách lậu hoành hành đang dần giết chết ngành xuất bản). Thế mà chỉ vì thiếu kinh nghiệm, ngay trong đợt in đầu tiên, chúng tôi bị lừa in ngay một đợt 5.000 bản với giá in mỗi bản cũng thuộc loại trên trời.

Vấn đề tiếp theo là với 5.000 quyển sách ấy, Triều phải tìm một cái kho rộng ít nhất 15 mét vuông để chứa và còn phải đảm bảo sách không bị hư hại vì chuột, gián, kiến, mọt,… và cả ẩm thấp. Thế là nhà mẹ chúng tôi bị biến thành cái kho sách, còn Triều thì bị biến thành phu khuân vác cho gần… 3,5 tấn sách.

Chưa hết, để bảo quản sách được lâu, đảm bảo sách đến tay độc giả trong tình trạng đẹp nhất. Trong vòng ròng rã vài tháng trời, cả nhà tôi phải rã từng bó sách 30 quyển ra, bọc ni-lông từng quyển sách, dùng máy sấy ép lại, rồi sau đó bó lại thành từng bó nhỏ, mỗi bó 15 quyển để dễ bảo quản và vận chuyển hơn.

Đạp bằng mọi thử thách

Vì lúc đó tôi vẫn ở Singapore cho nên ở Việt Nam, Triều phải tự mình đi gõ cửa rất nhiều nhà sách và trung tâm phát hành để giới thiệu về cuốn sách và nhờ họ phát hành giùm. Nhưng vì chưa có tên tuổi và công ty cũng chưa kịp thành lập, cho nên đi đến đâu, Triều cũng chỉ nhận được những lời từ chối và những cái lắc đầu lạnh nhạt.

Bí lối, Triều quyết định thuê một góc nhỏ với diện tích 3 mét vuông tại thềm một siêu thị để bán sách. Tiền thuê mặt bằng khá cao vì mặt bằng bán lẻ ở siêu thị đông đúc cũng khó tìm, nhưng thường mỗi ngày cũng chỉ bán được một vài quyển. Thậm chí có hôm cả ngày không bán được quyển nào. Còn Triều thì hàng ngày phải đội mưa đội nắng ra ngồi trông quầy sách từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối… Ngày nóng đội nắng, ngày lạnh ngắm mưa…

Kiên quyết không bỏ cuộc, thay vì chỉ ngồi yên trông quầy sách, Triều lại quyết tâm đầu tư thêm micro và loa di động để đứng giữa siêu thị “diễn thuyết” về quyển sách. Nỗ lực này của Triều có giúp sách bán chạy được hơn chút ít nhưng nhìn chung là vẫn quá chậm.

Để giúp Triều, ở Singapore, Vy dành trọn cuối tuần của mình để đọc những trích đoạn hay của sách thu vào đĩa. Kể từ đó trở đi, sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! được “tiếp thị” bằng giọng đọc của Vy. Tôi cũng giúp Triều bằng cách lập hẳn một trang web để tiếp thị sách trên mạng vận dụng tất cả kiến thức về Internet Marketing mà tôi có được, nhưng kết quả cũng không được như mong muốn.

Một lần nữa, Triều lại nghĩ thêm phương án mới để tiếp thị sách, đó là phát tờ rơi. Một tờ rơi được thiết kế đẹp mắt, in màu trên giấy bóng ra đời. Triều thuê một người khác giúp ngồi trông quầy sách, còn bản thân Triều thì tự mình đi khắp các trường học và trung tâm tiếng Anh để phát tờ rơi. Những lần đi phát tờ rơi như thế, không ít khi Triều bị xua đuổi như một thằng ăn xin. Việc này tuy không tạo ra hiệu ứng tăng vọt về doanh số bán sách ngay nhưng cũng ít nhiều làm cho nhiều người biết đến sự tồn tại của quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế !.

Với tất cả những nỗ lực đó, vậy mà trong suốt 4 tháng trời kể từ lúc sách in xong, tổng số sách bán ra chỉ được khoảng vài trăm quyển, trong đó đã có một phần là nhờ họ hàng, người thân và bạn bè mua giúp. Đó là những ngày tháng đen tối nhất của chúng tôi. Mẹ tôi vì cứ phải nhìn thấy “kho sách ế” nên sinh ra căng thẳng rồi bệnh nặng. Ở Singapore, tôi và Vy đều phải cố gắng “cày” để trả món nợ 200 triệu. Còn ở Việt Nam, Triều mỗi ngày vẫn kiên trì đội nắng đội mưa đi bán sách và phát tờ rơi.

Không nản lòng, Triều vẫn tiếp tục đến cạy cục những công ty phát hành sách và nhà sách để rồi lại nhận những lời từ chối. Riêng FAHASA Nguyễn Huệ (TP.HCM) là đơn vị Triều cố gắng làm việc đến 3 lần vậy mà rốt cuộc cũng không thành.

Nhưng cú sốc lớn nhất thật ra lại đến từ một công ty phát hành sách khác tạm gọi là X (đây không phải tên thật vì tôi không muốn làm ảnh hưởng đến uy tín của họ). Lúc ấy, sau rất nhiều lần đi lại và thương lượng, Triều đã có được sự ủng hộ của Phó Tổng giám đốc công ty X đồng ý mua sỉ 1.500 quyển sách để bắt đầu phát hành rộng rãi trong cả nước. Hợp đồng được soạn thảo xong, Triều ký vào hợp đồng và về nhà trong niềm vui khôn tả. Mẹ chúng tôi đứng đợi trước cửa nhà, nghe tin đã bán được 1.500 quyển sách thì thở phào nhẹ nhõm nói rằng: “Tết này chắc sẽ không đến nỗi phải ăn Tết với cả kho sách”.

Thế nhưng, trên con đường vươn tới thành công thì thách thức luôn nhiều hơn may mắn, khi Tổng giám đốc công ty X từ Mỹ về đã từ chối không ký vào hợp đồng. Hợp đồng ấy bị hủy ngay cả khi chưa được ký. Chúng tôi thật sự rơi vào bế tắc tưởng chừng như không còn lối thoát.

Hiểu rằng “không thể” chỉ là một từ, Triều lại lang thang trên mạng tìm kiếm thông tin và phát hiện ra rằng, ở TP.HCM có nhiều hơn một đại diện của FAHASA. Triều lại một lần nữa tìm đến FAHASA nhưng lần này là FAHASA Xuân Thu. Tại đây, Triều gặp một anh cùng tên với Triều (là chuyên viên kinh doanh của FAHASA Xuân Thu). Anh này thấy quyển sách của chúng tôi đẹp, tốt, có mã vạch đầy đủ, nên đã giới thiệu Triều lên gặp trực tiếp chị Phạm Thị Hóa (lúc ấy là Phó phòng Kinh doanh nội địa của FAHASA, còn bây giờ là Trưởng phòng), vốn là một người nhạy bén và có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực phát hành sách, chị Hóa lập tức nhìn thấy tiềm năng to lớn trong quyển sách vô danh, và đồng ý mua 1.000 quyển để phát hành thử.

Tháng 11 năm 2007, quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! chính thức được phát hành trên toàn quốc thông qua hệ thống của FAHASA dù với số lượng hết sức ít ỏi.

Hiểu rõ những vất vả của công việc xuất bản một quyển sách như thế, nên sau này chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ những dịch giả hoặc tác giả có thể dễ dàng hơn trong việc đưa những tác phẩm giá trị của mình đến với độc giả. Nếu bạn đã dịch xong một quyển sách (có bản quyền), hoặc nếu bạn đã viết một quyển sách giá trị và muốn xuất bản, bạn có thể hoàn toàn có thể liên hệ với TGM Books để tìm hiểu những hình thức hợp tác khác nhau. Biết đâu, chúng tôi có thể giúp được bạn.

Thành công

Biết chắc rằng FAHASA sẽ không thể đầu tư tài chính để quảng bá và bán 1.000 quyển sách vô danh. Chúng tôi vẫ không ngừng nỗ lực để tiếp thị quyển sách cả trên mạng lẫn ngoài đời. Quyết tâm ấy rốt cuộc cũng đã mang lại những thành quả ban đầu. Một tháng sau, FAHASA liên lạc lại với chúng tôi và đặt mua thêm 2.000 quyển sách. Hai tháng tiếp theo, FAHASA đặt mua toàn bộ số sách còn lại. Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! chuẩn bị tái bản lần thứ 2.

Từ năm 2008 đến nay, Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! năm nào cũng lọt vào danh sách những đầu sách bán chạy nhất của FAHASA, đã được tái bản và cập nhật hơn 17 lần, với con số phát hành lên tới hàng trăm ngàn bản (bao gồm cả sách in và sách điện tử).

Đó là chưa kể hàng trăm ngàn bản sách bị in lậu với chất lượng kém, không chỉ làm ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư của TGM Books, mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chúng tôi. Nếu không vì bị đánh tơi tả bởi nạn sách lậu, có lẽ chúng tôi đã có nguồn tài chính ổn định hơn để mua bản quyền và mang lại cho độc giả nhiều đầu sách giá trị của các tác giả lớn trên thế giới.

Năm 2009, Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! chính thức trở thành quyển sách bán chạy nhất và là một hiện tượng sách giáo dục hiện đại tại Việt Nam.

Tác giả Adam Khoo từ một tác giả ít được biết đến ở Việt Nam trở thành một tên tuổi lớn trong lòng nhiều bạn trẻ.

Năm 2010, TGM Books tiến hành chương trình tặng sách điện tử vì cộng đồng cực lớn với hàng trăm ngàn bản sách điện tử của Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thếl được phân phối hoàn toàn miễn phí cho những bạn không có điều kiện mua sách.

Năm 2011, cả Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! và Bí Quyết Thành Công Dành Cho Tuổi Teen (quyển sách được mệnh danh là Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! 2) đều nằm trong danh sách TOP 10 quyển sách bán chạy nhất, cùng với Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú.

Năm 2012, Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! vinh dự đạt Giải Vàng (giải thưởng cao nhất) trong chưo-ng trình “Sách được bạn đọc yêu quý bình chọn”, còn Bí Quyết Thành Công Dành Cho Tuổi Teen cũng vinh dự đạt Giải Khuyến Khích. Chỉ tính riêng trong khuôn khổ Hội sách TP.HCM 2012, khoảng 5.000 bản sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! đã được trao đến tay các bạn đọc.

Năm 2013, quyển sách Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống được TGM Books phát hành và được công chúng ưu ái đặt cho tên gọi Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! 3. Ngay khi chưa được phát hành chính thức, chỉ trong vòng 2 ngày, hơn 500 quyển Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống đã được đặt mua.

Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! không còn chỉ là một quyển sách mà đã trở thành một thương hiệu của chất lượng và niềm tin.

Khi còn bé, do hoàn cảnh và môi trường sống, tôi vẫn thường tham gia vào những trận đánh nhau với đám trẻ trong xóm hoặc ở trường. Những trận đánh nhau đó dạy cho tôi một điều rằng, người thắng không phải là người mạnh nhất mà là người chịu đòn giỏi nhất. Tôi chẳng bao giờ ngờ rằng, cùng một nguyên lý ấy cũng áp dụng vào cuộc sống. Thành công của Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! chính là kết quả của việc áp dụng một cách triệt để nguyên lý ấy. Khi đối diện với những khó khăn thử thách trong cuộc sống, vấn đề không phải là bạn ngã xuống bao nhiêu lần mà vấn đề là bạn chịu đựng được bao nhiêu lần mình ngã xuống mà vẫn có thể đứng lên lại.

Thành công không phải là một đích đến mà là một chặng đường. Nếu bạn thất bại, bạn chỉ có thể thất bại trong thái độ chứ không phải ở kết quả. Kết quả không như mong muốn chỉ là một bài học kinh nghiệm. Ngày nào bạn vẫn đang trên đường đến với ước mơ của mình, cho dù bạn có vấp ngã hay chưa đạt được kết quả như ý, nhưng nếu bạn không bao giờ cho phép bản thân mình bỏ cuộc, bạn sẽ không bao giờ thật sự thất bại. Thất bại duy nhất trên đời này là khi bạn cho phép bản thân mình bỏ cuộc hoàn toàn. Thành công đơn giản là luôn rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình sau mỗi lần vấp ngã, đứng dậy đi tiếp và không bao giờ bỏ cuộc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.