Sống Và Khát Vọng
Suy ngẫm
Người thầy thứ hai
Nếu bác Võ Tá Hân là người thứ nhất mà tôi gọi là “người thầy” thì người thầy thứ hai, ngạc nhiên thay, lại là một người mà tôi biết nhưng không hề quen.
Vào ngày 6 tháng 10 năm 2011, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết được thế nào là cảm giác buồn, nuối tiếc và hụt hẫng khi nghe tin một người hoàn toàn xa lạ qua đời. Người “xa lạ” ấy chính là Steve Jobs. Nhưng tất cả những cảm xúc ấy, không phải vì tôi là một fan hâm mộ cuồng nhiệt những sản phẩm do Steve Jobs và Apple tạo ra. Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là một fan của Apple cả. ít ra thì tôi vẫn thích dùng một chiếc máy chạy Windows hơn là một chiếc Macbook chạy Mac Os X (ngay cả sau khi đã thử dùng Macbook và Mac Os X một thời gian).
Nhưng đối với tôi, Steve Jobs là một người thầy vì tôi học được nhiều bài học có giá trị sâu sắc từ ông và chính cuộc đời của ông. Khi đọc quyển tiểu sử mà trong đó ông cho phép người biên soạn viết rất thành thật và khách quan về cuộc đời mình, tôi phát hiện ra ông và tôi có cùng phân loại tính cách MBTI, nên chúng tôi có nhiều nét tính cách khá tương đồng với nhau, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu.
Steve Jobs chắc chắn không phải là một con người hoàn hảo, và tôi cũng thế. Chính vì vậy, tôi học được từ ông nhiều điều nên làm và cả không nên làm thông qua quyển sách ấy. Cũng vì tính cách có phần giống nhau, tôi cảm thấy mình đồng cảm với ông trong những lúc khó khăn của cuộc sống. Sâu trong đáy lòng mình, tôi khâm phục con người và cuộc đời ông. Chính cuộc đời của ông (chứ không phải những sản phẩm do ông tạo ra) đã thật sự là niềm cảm hứng giúp tôi tạo nên những khác biệt trong cuộc đời mình.
Trong số những di sản mà Steve Jobs để lại cho nhân loại, có một bài diễn văn nổi tiếng mà ông đọc tại Lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford vào năm 2005. Và kể từ đó đến nay, tôi đã xem lại đoạn clip ấy không dưới 30 lần. Trong đoạn clip ấy, ông chia sẻ 3 câu chuyện về cuộc đời mình cùng với 3 bài học. Câu chuyện thứ nhất là về “kết nối lại quá khứ”… Steve Jobs kể…
Mọi thứ bắt đầu từ lúc tôi được sinh ra đời. Mẹ ruột của tôi là một nữ sinh viên trẻ, độc thân và bà quyết định cho tôi đi làm con nuôi. Bà thật sự muốn tôi được những người ăn học tử tế nhận nuôi. Vì thế, họ sắp đặt để tôi trở thành con của một luật sư và vợ của ông ta. Tuy nhiên, khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời, họ đã đổi ý vào phút cuối và muốn nhận nuôi một bé gái. Chính vì thế, bố mẹ nuôi của tôi bây giờ, nửa đêm nhận được một cú điện thoại, và người ta hỏi họ: “Chúng tôi vừa có một bé trai không mong đợi. Ông bà có muốn nhận làm con nuôi không?”. Bố mẹ nuôi của tôi trả lời: “Dĩ nhiên rồi”. Cuộc đời tôi bắt đầu như vậy đó.
17 năm sau, tôi cũng vào đại học, nhưng tôi ngây thơ chọ một trường đại học đắt đỏ ngang ngửa Stanford. Thế là tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ đã phải dành để đóng học phí cho tôi. Sau 6 tháng, tôi chẳng thấy được ích lợi gì của việc học đại học cả. Tôi không biết mình muốn làm gì trong cuộc sống, và cũng không biết trường đại học sẽ giúp tôi như thế nào. Vậy mà tôi lại đang ngốn hết toàn bộ tiền tiết kiệm mà bố mẹ đã dành dụm cả đời. Nên tôi quyết định bỏ học và tin tưởng rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ tốt đẹp.
Thời điểm đó quả là đáng sợ nhưng khi nhìn lại, tôi cảm thấy đó chính là quyết định đúng đắn nhất đời mình. Khi bỏ học, tôi có thể ngừng học những môn mình không thích, và bắt đầu tìm hiểu những môn học khác thú vị hơn rất nhiều. Mọi chuyện không dễ dàng chút nào. Tôi không có phòng ở ký túc xá nên phải ngủ nhờ dưới sàn trong phòng bạn. Tôi đổi vỏ chai Coca lấy từng 5 xu một để mua thức ăn. Và mỗi tối chủ nhật hàng tuần, tôi đi bộ hơn 11 cây số sang bên kia thành phố để có được một bữa ăn ngon ở đền Hare Krishna.
Sau này, phần lớn những gì tôi đã phải trải qua khi theo đuổi tính hiếu kỳ và trực giác của mình lại trở nên vô giá. Để tôi kể các bạn nghe một ví dụ. Có lẽ lúc đó, Đại học Reed là trường dạy môn thư pháp tốt nhất trong nước… Vì tôi đã thôi học và không còn phải học những môn thông thường, nên tôi quyết định học nghệ thuật thư pháp. Đây là một môn học tuyệt đẹp, mang tính lịch sử, sắc sảo theo một cách tinh tế mà khoa học khó có thể nắm bắt được. Và tôi cảm thấy rất hứng thú. Những thứ đó dường như không có một ý nghĩa thực tế nào cho cuộc sống của tôi.
Tuy nhiên, 10 năm sau, khi chúng tôi đang thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, mọi thứ quay trở lại với tôi. Và chúng tôi mang hết vào thiết kế Mac. Đó là chiếc máy tính đầu tiên có những phông chữ đẹp… Nếu tôi không bỏ học, tôi sẽ không tham gia vào lớp học thư pháp đó, và tất cả các máy tính cá nhân có thể chẳng có được những phông chữ tuyệt vời như thế. Tất nhiên là khi còn đi học, tôi không thể kết nối các sự kiện trong tương lai lại với nhau. Nhưng 10 năm sau nhìn lại, thì chúng trở nên rất rõ ràng.
Một lần nữa, bạn không thể kết nối được tương lai, bạn chỉ có thể kết nối được quá khứ. Vì thế, bạn phải tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ kết nối lại với nhau, bằng cách này hay cách khác. Bạn phải tin vào một điều gì đó: trực giác, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả,… bất cứ điều gì. Tin rằng mọi chuyện rồi sẽ kết nối lại với nhau cho bạn sự tự tin để làm theo trái tim mình. Ngay cả khi nó dẫn bạn đến những nẻo đường mà không phải ai cũng chọn, và điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt.
Đó là câu chuyện của Steve Jobs. Câu chuyện làm tôi nhận ra rằng, cuộc đời ai cũng có những sai lầm và mất mát. Bản thân tôi cũng có nhiều sai lầm và mất mát trong cuộc đời mình. Nhưng câu chuyện đầu tiên của ông đã giúp tôi hiểu rằng: Chính tôi chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình, và cũng chính tôi chứ không ai khác phải có trách nhiệm bù đắp cho những mắt mát của mình.
Chính vì thế, tôi học cách đứng dậy sau mỗi lần thất bại hay mất mát. Cũng như Steve Jobs, tôi tin rằng: Mỗi chuyện không mong muốn xảy ra đều mang một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Quan trọng là chúng ta có quyết tâm vượt qua nó, để có cơ hội nhìn lại và hiểu được cái ý nghĩa tốt đẹp của nó hay không mà thôi.
Trong kinh doanh, tôi không hề thành công ngay lần đầu tiên khởi nghiệp. Tôi cũng không hề thành công ở lần thứ hai, thứ ba, hay thứ tư,… Nhưng nhờ học được khái niệm “kết nối lại quá khứ” từ câu chuyện của Steve Jobs, nên khi nhìn lại, tôi thấy rõ ràng rằng, những lần khởi nghiệp thất bại, cũng như những kinh nghiệm cay đắng, có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thành công của TGM sau này. Nếu tôi không có những lần thất bại trước đó, tôi đã không có đủ bản lĩnh và tự tin để diễn thuyết một cách hùng hồn trước hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người; tôi đã không có được những kiến thức phong phú về Internet Marketing, về phục vụ khách hàng; và quan trọng hơn hết, tôi đã không gặp những người đồng đội tuyệt vời mà ngày hôm nay vẫn cùng sát cánh bên tôi để xây dựng TGM.
Trong các mối quan hệ, tôi cũng gặp nhiều khó khăn trắc trở và thậm chí cả mất mát. Nhưng nhìn lại, mỗi khó khăn hay mất mát ấy sau này đều mang lại cho tôi một điều gì đó tốt đẹp hơn. Có lúc, vì những lời gièm pha từ người ngoài và vì chưa thật sự hiểu tôi, những người đồng đội không còn muốn sát cánh bên tôi nữa, nhưng khi họ hiểu ra được sự thật, chúng tôi lại trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết.
Có lúc, những người tôi yêu thương bằng tất cả trái tim mình đã không còn tin vào tình yêu thương của tôi, chỉ vì tôi không biết cách yêu thương họ theo cách họ mong muốn. Thế nhưng khi họ hiểu và cảm nhận được cách mà tôi yêu thương họ, cũng như khi tôi học cách yêu thương người khác theo cách mà họ mong muốn, thế giới của tôi lại một lần nữa tràn ngập tình yêu thương.
Nếu không có tất cả những điều tồi tệ đó xảy ra, thì ở tuổi hơn 30 này, tôi đã không có được nhiều mối quan hệ tốt đẹp và ý nghĩa như hiện nay. Và tôi thật sự hạnh phúc vì điều đó.
Mọi việc diễn ra cuối cùng đều mang một ý nghĩa gì đó tốt đẹp, và nếu bạn chưa nhìn thấy ý nghĩa tốt đẹp ấy, nghĩa là bạn chưa đi đến cuối cùng.
Còn bạn thì sao? Tôi tin chắc rằng, bạn cũng như tôi hay Steve Jobs, chúng ta đều gặp những thất bại, hiểu lầm và mất mát trong cuộc sống của mình. Nhưng liệu bạn có lựa chọn tin rằng “mọi chuyện không mong muốn xảy ra đều mang một ý nghĩa tốt đẹp
nào đó” hay không? Liệu bạn có cho mình một cơ hội để “kết nối quá khứ” hay không? Đó luôn luôn là lựa chọn của bạn.
Nhưng cho dù bạn lựa chọn gì đi nữa, hãy tiếp tục dành cho mình một chút thời gian để đọc câu chuyện thứ hai của Steve Jobs. Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát… Ông nói…
Tôi may mắn tìm được niềm đam mê của mình từ rất sớm. Woz và tôi thành lập Apple trong ga-ra của bố mẹ, khi tôi 20 tuổi. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, để 10 năm sau, từ chỗ chỉ có hai người trong cái ga-ra bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ đô với hơn 4.000 nhân viên. Chúng tôi cho ra đời tuyệt tác của mình – máy Macintosh – sớm hơn một năm, khi tôi vừa tròn 30 tuổi. Rồi tôi bị sa thải.
Làm sao mà bạn có thể bị sa thải bởi chính công ty mình lập ra? Khi Apple lớn lên, chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ là rất tài năng để cùng tôi lãnh đạo công ty. Năm đầu tiên thì tình hình có vẻ rất khả quan. Nhưng sau đó, tầm nhìn của chúng tôi bắt đầu khác nhau, và rồi giữa chúng tôi xảy ra bất hòa. Khi đó, Hội Đồng Quản Trị đứng về phía anh ta và tôi bị sa thải – sa thải một cách công khai. Những thứ mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất. Đau đớn thay!
Trong vài tháng sau đó, tôi thật sự chẳng biết phải làm gì. Tôi cảm giác rằng mình đã khiến thế hệ doanh nhân đi trước thất vọng, vì đã đánh rơi ngọn đuốc khi đến tay mình… Tôi thất bại ê chề và còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Thung Lũng Silicon. Nhưng một tia sáng dần lóe lên trong tôi. Tôi vẫn rất yêu quý những gì mình đã làm. Thất bại ở Apple không hề thay đổi tình yêu này chút nào. Dù bị chối bỏ, nhưng tôi vẫn yêu. Và tôi quyết định bắt đầu lại từ đầu.
Tôi chưa nhận thấy được điều này ngay lúc ấy, nhưng việc bị sa thải khỏi Apple hóa ra lại là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra với tôi. Gánh nặng của sự thành công được thay thế bằng sự nhẹ nhõm khi được làm lại từ đầu, dù chưa có gì là chắc chắn. Tôi được tự do bước vào quãng thời gian sáng tạo nhất cuộc đời mình. Trong vòng 5 năm kế tiếp, tôi thành lập công ty NeXT và một công ty khác tên là Pixar. Pixar lúc bấy giờ cho ra đời bộ phim hoạt hình vi tính đầu tiên trên thế giới, Toy Story (Câu Chuyện Đồ Chơi), và hiện là xưởng phim hoạt hình thành công nhất thế giới.
Rồi thời thế thay đổi, Apple mua lại NeXT, tôi trở về với Apple, và công nghệ mà NeXT đã phát triển trở thành nguồn sinh khí cho sự phục hưng của Apple. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả những điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra, nếu tôi không bị sa thải khỏi Apple. Đó là một viên thuốc đắng nhưng tôi tin rằng bệnh nhân cần đến. Đôi khi cuộc sống vùi dập bạn. Nhưng đừng đánh mất niềm tin. Điều duy nhất giúp tôi tiếp tục bước đi chính là vì tôi yêu tất cả những gì mình làm. Bạn phải tìm ra cho được tình yêu thật sự trong công việc… Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công thật sự là làm những gì mà bạn tin là những việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm những việc tuyệt vời là bạn phải yêu việc mình làm.
Nếu bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng ngừng lại. Trong sâu thẳm trái tim mình, bạn sẽ nhận ra khi bạn tìm thấy nó. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng ngừng lại.
Trong cuộc sống, ai cũng từng có lúc cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ đi mơ ước của mình. Tôi cũng vậy. Trước khi rời bỏ công việc của mình để quyết tâm thực hiện ước mơ doanh nhân, không biết đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi: “Liệu mình có bao giờ có thể thật sự sống với ước mơ của mình hay không?”. Thật sự không ít lần, tôi đã cảm thấy nghi ngờ chính bản thân mình và nghi ngờ cả tương lai mù mịt phía trước. Nhưng tôi biết rằng, nếu tôi không yêu những gì tôi làm, thì tôi sẽ sống cả cuộc đời này cho phép mình mắc kẹt ở mức trung bình. Tôi hoàn toàn có thể vươn lên đến một vị trí thật cao và kiếm được nhiều tiền trong một công việc làm thuê. Nhưng tôi sợ rằng địa vị và tiền bạc kiếm được sẽ vô tình là dây trói khiến tôi không dám từ bỏ và hướng đến những mơ ước to lớn hơn.
Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định bỏ hết tất cả trước khi mọi thứ trở nên quá an toàn đến nỗi tôi không còn có thể từ bỏ.
Đôi khi trong cuộc sống, con người ta cần phải học cách từ bỏ để được nhiều hơn. Tôi bỏ sự an toàn để đi tìm, không phải một công việc mới hay một sự nghiệp mới, mà là đi tìm một tình yêu, một đam mê trong cuộc đời mình. Và những điều tuyệt vời như “sống vì ước mơ của mình” chẳng hạn, luôn đi cùng với cái giá của nó, đôi khi rất đắt. Liệu bạn có sẵn sàng trả giá cho nó hay không? Lựa chọn là ở bạn.
Một trong những điều khiến cho con người ta không thể thành công được đó là cái mong muốn quá lớn về sự an toàn.
Còn tôi, tôi lựa chọn sẵn sàng trả cái giá ấy bởi vì tôi tin rằng, cứ tìm rồi sẽ thấy, cũng như Steve Jobs đã chia sẻ: “Nếu bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng ngừng lại. Trong sâu thẳm trái tim mình, bạn sẽ nhận ra khi bạn tìm thấy nó. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng ngừng lại”.
Tôi đã không ngừng lại và tôi đã không hối hận. Ngay cả khi tôi gặp hết thất bại này đến thất bại khác, tôi vẫn không cho phép bản thân mình ngừng lại. Có người nói tôi điên, nhưng họ không biết rằng, sự khác biệt thường được tạo nên bởi những người đủ “điên” để có thể thật sự tạo nên sự khác biệt. Cho nên, dù thế nào đi nữa, tôi đã không cho phép bản thân mình đánh mất niềm tin. Tôi biết rằng, cái ngày tôi đánh mất niềm tin vào con đường phía trước, cũng sẽ là cái ngày tôi đánh mất tình yêu của mình trước cả khi tôi tìm ra được nó.
Và rồi sau nhiều lần thất bại, tôi “tìm thấy” TGM và những con người tuyệt vời ở TGM.
Tôi tìm thấy tình yêu trong công việc của mình. Ở tuổi ngoài 30, tôi không còn phải làm việc vì tiền nữa. Ở tuổi 30, tôi làm việc vì tình yêu, niềm đam mê, khát vọng cống hiến cho cuộc đời, và quan trọng hơn hết là tình cảm tôi dành cho rất nhiều người đồng đội, cũng như tình yêu đối với quê hương đất nước mình.
Còn bạn thì sao, liệu bạn có lựa chọn giữ vững niềm tin của mình, tiếp tục tiến lên để tìm cho bằng được tình yêu cho mình? Hay bạn sẽ chấp nhận cho phép bản thân mình mắc kẹt ở mức trung bình? Một lần nữa, đó vẫn là lựa chọn của bạn.
Và nếu bạn vẫn còn một chút gì đó lo ngại, hãy đọc tiếp câu chuyện thứ ba của Steve Jobs. Câu chuyện thứ ba là về cái chết… Ông nói…
Tâm niệm rằng cuộc sống rất ngắn ngủi chính là yếu tố quan trọng nhất đã giúp tôi đưa ra nhiều lựa chọn lớn lao trong đời. Vì hầu như tất cả mọi thứ, tất cả sự kỳ vọng, tất cả niềm kiêu hãnh và tất cả nỗi sợ xấu hổ hay thất bại – những điều này chẳng có nghĩa lý gì khi đối diện với cái chết. Khi đó, chỉ còn lại những gì thật sự quan trọng. Luôn nhớ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ mất mát. Bạn đã chẳng còn gì để mất. Không còn lý do nào ngăn cản bạn lắng nghe trái tim mình mách bảo.
Khoảng một năm trước, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư.. Trải qua chuyện này rồi, bây giờ tôi có thể nói với các bạn một cách chắc chắn rằng, cái chết chỉ đơn thuần là một khái niệm mà thôi. Con người không ai muốn chết cả! Thậm chí những người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để lên được đó. Nhưng cái chết lại là nơi mà tất cả chúng ta đều phải đến. Không ai thoát khỏi nó. Và cuộc đời là phải như thế, bởi lẽ cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ cái cũ để nhường chỗ cho cái mới.
Ngay lúc này đây, cái mới chính là các bạn. Nhưng không lâu nữa, các bạn sẽ dần dần trở thành cái cũ, và bị loại đi. Tôi xin lỗi vì nói nghe ghê gớm quá, nhưng đó là sự thật. Thời gian của các bạn có hạn, vì thế đừng lãng phí nó vào việc sống cuộc đời của một ai khác. Đừng nhốt mình trong những suy nghĩ giới hạn của người khác. Đừng để quan điểm của người khác làm át đi tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của chính mình. Vì chỉ có bạn mới biết được mình thật sự muốn gì. Tất cả những gì còn lại chỉ là phụ mà thôi… Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ. (Stay hungry. Stay foolish.)
Có lẽ, bài học thứ ba này là bài học thay đổi cuộc đời tôi nhiều nhất, và cũng là bài học khó cảm nhận nhất (vì dù gì tôi cũng chưa từng ở trong hoàn cảnh phải đối diện với cái chết như Steve Jobs). Nhưng đây cũng là bài học ý nghĩa nhất.
Qua những gì ông chia sẻ và cả những đau đớn, mất mát, thất vọng mà bản thân tôi phải trải qua trong cuộc sống, tôi nhận ra rằng: Cuộc đời này ngắn ngủi trong vòng hơi thở, chẳng có lý do gì phải tự làm khổ chính mình. Nếu như ngày mai không bao giờ đến, thì hôm nay coi như chúng ta đã không còn gì để mất, bởi vì ngày mai cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Cho nên, tại sao không dẹp bỏ tất cả những thứ nhỏ nhặt tầm thường trong cuộc sống sang một bên, để hướng tới sự chân thành và sống vì ước mơ của mình?
Chính vì thế, ở tuổi 30, tôi ngộ ra được nhiều điều. Tôi vẫn cần tiền nhưng tôi không phải có thật nhiều tiền bằng mọi giá. Tôi không cần quyền lực để có thể tạo nên sự khác biệt và cống hiến cho đất nước. Tôi không cần địa vị để có thể sống có trách nhiệm với tập thể. Tôi không cần nổi tiếng để biết rằng mình được yêu quý. Tôi dẹp bỏ cái tôi nhỏ bé, niềm kiêu hãnh và những nỗi sợ của mình để sống trọn vẹn theo những gì trái tim tôi mách bảo. Và tôi vẫn luôn nhớ rằng:
“Hãy luôn khao khất, Hãy cứ dại khờ. (Stay hungry. Stay foolish.)”
– Steve Jobs
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ đó là, đôi khi chúng ta nói quá nhiều về những sản phẩm tuyệt vời mà Steve Jobs cùng với đội ngũ của ông tạo ra cho thế giới này. Nhưng chúng ta lại quên rằng, di sản lớn nhất mà Steve để lại cho cuộc đời này không phải là những chiếc Macbook, iPod, iPhone hay iPad, mà là chính câu chuyện cuộc đời và những triết lý sống của ông.
Nhiều lắm là đến năm 2020, tất cả những gì Steve Jobs đã tạo ra sẽ trở nên lạc hậu và lỗi thời. Nhưng trong rất nhiều năm nữa, người ta vẫn sẽ nhớ mãi về một điều tuyệt vời mà Steve Jobs đã để lại cho nhân loại – một di sản không bao giờ có thể tạo ra được bằng tiền bạc hay địa vị. Đó chính là…
Niềm cảm hứng sống để thách thức những lối mòn.
Cảm ơn những người xem thường bạn
“Giá trị không nằm ở những kẻ thích chỉ trích, và Lại càng không nằm ở những kẻ thích phán xét người khác. Giá trị thật sự nằm ở những người đang thật sự chiến đấu, những người đang lăn lộn cùng đất cát, mồ hôi và máu, những người đang nỗ lực bằng tất cả lòng dũng cảm, những người dám vấp ngã nhưng không bao giờ gục ngã”
– Theodore Roosevelt
Lúc nào cũng thế, trong những lúc bạn khó khăn và bế tắc nhất, sẽ luôn có những người dựa vào đó để coi thường bạn, để nói rằng bạn là kẻ vô dụng, bất tài mà lại hay mơ ước cao xa. Khi ấy, hãy cảm ơn họ vì biết đâu bạn chưa thành công bởi vì bạn còn có những khiếm khuyết mà chính bạn chưa thấy được.
“Cảm ơn”, đó là điều bình thường bạn vẫn làm trong cuộc sống khi có ai đó giúp đỡ bạn hay làm cho bạn một điều gì đó tốt đẹp. Đôi khi, “cảm ơn” cũng chỉ đơn giản là để thể hiện sự cảm kích của bạn đối với những người trân trọng và tin tưởng bạn. Bởi lẽ, không có những con người như thế, bạn khó lòng mà vượt qua những khó khăn hoặc vươn tới những thành công trong cuộc sống. Chính vì thế, họ xứng đáng nhận được lời “cảm ơn” từ bạn bằng cách này hay cách khác, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Tuy nhiên, trên con đường vươn tới thành công, khi bạn dám mơ ước những điều to lớn, bên cạnh rất nhiều người sẽ mến trọng bạn hơn, cũng sẽ có một số ít người chọn coi thường những mơ ước của bạn, thậm chí lấy đó làm lý do để xem thường bạn. Họ sẽ nói với bạn những câu như là: “Bị khùng rồi”, “Bị điên rồi”, “Đúng là nằm mơ giữa ban ngày”, “Đồ thùng rỗng kêu to”, “Tôi như thế này mà còn không làm được, anh nghĩ mình làm được à?”, “Vậy thì có gì là hay ông Y, bà Z, làm hay hơn nhiều”…
Đó cũng là kinh nghiệm của tôi. Khi tôi quyết tâm từ bỏ cuộc sống đơn điệu của mình để làm một điều gì đó cho bản thân, gia đình và đất nước, đã có không ít người cho rằng tôi “rảnh rỗi sinh nông nổi”, cho rằng tôi “sẽ chẳng bao giờ làm được gì”, cho rằng tôi “nằm mơ giữa ban ngày”, cho rằng tôi thế này hay thế kia,… bởi vì một lẽ đơn giản là tôi đã dám làm điều họ không dám, và quan trọng hơn hết là tôi đã dám khác họ.
Đáng ngạc nhiên hơn, hầu hết họ chưa bao giờ gặp mặt hay trò chuyện với tôi. Họ chỉ biết tôi qua cái tên hoặc nhiều lắm là… nghe từ người khác. Có thể có nhiều lý do để họ làm như thế, nhưng thông thường chỉ có hai lý do chính thường thấy.
Thứ nhất là “ghen ăn tức ở”, thấy người khác dám nghĩ dám làm nên đâm ra ghen ghét. Vì sâu thẳm trong lòng, họ biết rằng những người dám nghĩ dám làm có thể thất bại nhưng cũng có thể thành công, còn bản thân mình vì không dám nghĩ dám làm nên chắc chắn sẽ khó mà thất bại, nhưng cũng càng khó có cơ hội thành công.
Còn lý do thứ hai là vì lòng tự trọng kém, họ sợ khi người khác thành công hơn, họ sẽ bị coi thường nên họ lựa chọn coi thường người khác trước.
Dù là lý do nào đi nữa thì tôi thấy những người coi thường mình đáng thương hơn là đáng ghét. Họ chẳng qua chỉ là nạn nhân của lối tư duy bảo thủ của mình. Họ tội nghiệp đến mức ghen tức lồng lộn lên ngay cả khi người khác chỉ mới mơ ước, chứ thật ra cũng chưa chắc đã có những thành quả gì rõ rệt. Nhưng những người thích ghen tức này có một phương châm hết sức kỳ lạ là: “Nếu tôi không có hoặc không dám sống vì ước mơ của mình, thì tôi sẽ ganh ghét với bất kỳ ai dám”.
Tôi không biết bạn cảm thấy thế nào về những người như thế, nhưng riêng bản thân tôi, lúc đầu tôi đã từng cảm thấy “không thích” họ. Họ là ai mà dám tự cho mình cái quyền được xem thường và dè bỉu mơ ước của người khác? Họ là ai mà dám tự cho mình cái quyền được phán xét hay chế giễu người khác? Thậm chí, đã có lúc, tôi từng thề với lòng mình rằng: “Mình phải thành công cho bọn họ biết mặt xem còn dám khinh thường mình nữa không”. Nhờ đó, tôi đã bắt đầu quyết tâm làm những điều mà người khác cho rằng “không thể”. Nhưng khi tôi bắt đầu đạt được những thành quả ban đầu sau bao nhiêu hy sinh và nỗ lực, tôi phát hiện ra rằng, cho dù bạn thành công hơn đi nữa thì chắc chắn vẫn cũng sẽ có một số ít người chọn không thích bạn hoặc xem thường bạn.
Thậm chí, có người bạn từng chia sẻ với tôi rằng: “Nếu một người có tan mà không có anti-fan thì chắc là chưa phải thành công lắm”. Ngồi nghiệm lại thì tôi thấy đúng thật, những người thành công nhất trên thế giới này luôn có rất nhiều người mến mộ và cũng có không ít những “kẻ thù tự nhiên”. Ngay cả Tổng thống Obama, vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, người đã có hai nhiệm kỳ làm Tổng thống và đang được rất nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ, vậy mà vẫn có người xem thường, thậm chí lên mạng chửi rủa thậm tệ, chỉ vì vị Tổng thống không thể làm tất cả họ hài lòng. Tệ hơn nữa, có cả những người ghét Obama chỉ vì ông có màu da sậm.
Nói cho cùng thì “xem thường bạn” là một suy nghĩ và thái độ của… người khác – đó là một lựa chọn của họ. Ngay cả khi bạn làm tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời này, vẫn sẽ có những người tự cho phép bản thân họ lựa chọn xem thường bạn. Và bạn sẽ chẳng làm được gì hơn để thay đổi suy nghĩ đó của họ.
Cho dù bạn có cố gắng làm theo ý họ, thì họ cũng sẽ cố gắng tìm ra “khuyết điểm” khác của bạn để tiếp tục tự cho phép bản thân họ xem thường bạn. Bạn phải hiểu rằng, bạn chẳng thể nào sống để thỏa mãn “tiêu chuẩn” của tất cả mọi người trên đời này. Việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người lúc nào cũng đảm bảo cho bạn một… thất bại. Cho nên, bạn cũng chẳng việc gì phải quá lo lắng về những người muốn xem thường bạn, miễn là lúc nào bạn cũng đảm bảo rằng số người yêu quý bạn nhiều hơn gấp nhiều lần số người xem thường bạn.
Quan trọng nhất là bạn biết rằng, không ai có thể xem thường mình trừ khi mình “cho phép” họ làm điều đó. Chúng ta thường “cho phép” người khác xem thường mình bằng cách suốt ngày lo lắng, đau khổ, buồn phiền,… về việc mình “bị” xem thường. Trong khi đó, bạn có thể chọn “không cho phép” mình có cái cảm giác “bị” xem thường bằng cách tập trung vào những con người và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Cho nên, thay vì mất thời gian “không thích” những người đó như lúc ban đầu, tôi chọn đơn giản không quan tâm đến họ. Tôi cũng không còn nghĩ đến việc họ sai hay đúng, điều đó không quan trọng. Tôi chỉ biết họ khác tôi và vì thế họ chọn không thích tôi. Điều quan trọng là tôi sống vì ước mơ của mình và vì rất nhiều người chứ không phải vì một nhóm nhỏ những người vốn đã không coi trọng tôi. Trong cuộc sống của chính bạn, bạn cũng có thể lựa chọn như tôi nếu bạn thấy điều đó hữu ích cho bạn.
Tôi cũng phát hiện ra rằng, những con người kia và cách suy nghĩ của họ không bao giờ có thể biến chúng ta thành một người tốt hơn hay thành công hơn trong cuộc sống. Chỉ có cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi bạn có thể sống tự do, có thể cống hiến cho xã hội, có thể vươn tới những mục tiêu ý nghĩa, có thể làm được những việc không tưởng, có thể nhận được những lời cảm ơn từ rất nhiều người vốn luôn tin tưởng bạn,… mới là những điều khiến bạn sống tốt hơn, thành công hơn từng ngày.
Khi gặp những khó khăn thử thách trong cuộc sống, tôi thầm cảm ơn cuộc đời đang thách thức tôi nhiều hơn để tôi ngày càng mạnh mẽ hơn.
Nhận ra điều đó, đã từ rất lâu tôi hoàn toàn bỏ hẳn thái độ “không thích” những người xem thường tôi. Thay vào đó, tôi tập trung thời gian, công sức và nỗ lực của mình cho rất nhiều người quý trọng và tin tưởng tôi cho dù tôi đã từng gặp họ hay chưa. Chính họ mới là những người tạo nên thế giới tươi đẹp mà tôi mong muốn. Chính họ mới là người góp phần vào hạnh phúc của tôi trong cuộc sống này.
Chính những người biết quý trọng người khác, những người luôn nhìn thế giới bằng sự lạc quan tin tưởng, những người biết trải rộng lòng mình để hiểu và chấp nhận người khác, những người biết trân trọng và cảm kích những gì người khác làm cho mình,… cũng đang từng ngày không chỉ làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, mà còn làm cho cuộc sống họ tốt đẹp hơn. Bởi lẽ, họ cũng xứng đáng được tin tưởng, được đối xử bằng cả tấm lòng, được trân trọng và được cảm kích.
Còn đối với những người đã từng xem thường tôi thì sao? Giờ đây ngược lại, tôi thật sự cảm ơn họ theo đúng nghĩa của từ “cảm ơn”, bởi vì cho dù họ chưa bao giờ mong muốn giúp tôi nhưng họ đã vô tình giúp tôi.
Nếu không có họ, tôi đã không có cái động lực to lớn để bắt đầu con đường đầy chông gai thử thách nhưng cũng đầy yêu thương hạnh phúc của mình. Đúng là chỉ có qua gian khó thử thách trên con đường vươn lên, chúng ta mới cảm nhận được hết ý nghĩa của yêu thương và hạnh phúc. Nếu không có họ, tôi đã không có cơ hội nhận ra rằng, trên đời này còn có rất nhiều những con người tuyệt vời khác hẳn họ. Nếu không có họ, tôi đã không vô cùng yêu quý những người mến trọng và tin tưởng mình. Nếu không có họ, tôi đã không hiểu được rằng, tôi không bao giờ được tự cho mình cái quyền xem thường những mơ ước của người khác hay phán xét người khác. Nếu không có họ, tôi đã không hiểu được tầm quan trọng của việc biết chấp nhận và tôn trọng người khác. Vì tất cả những điều tuyệt vời mà sự coi thường của họ đã vô tình mang lại cho tôi, tôi thật lòng cảm ơn họ.
Bạn cũng thế, bạn có thể chọn căm ghét những người từng coi thường ước mơ của bạn, để rồi bạn phải sống trong thù hằn, đau khổ hay lo lắng. Ngược lại, bạn cũng có thể chọn cảm ơn những người đó, để biến sự tiêu cực của họ thành cái tích cực của mình, để có một nguồn sức mạnh thêm vào giúp bạn vươn lên không ngừng trong cuộc sống, để chứng tỏ rằng mình có thể. Và rồi thông qua cách bạn sống và vươn lên như một người thành công, bạn có thể tự tin “không cho phép” bất kỳ ai xem thường mình nữa. Tất cả là lựa chọn của bạn. Mong bạn hãy nhớ một điều đơn giản rằng:
Cho dù bạn là ai, nếu có người chọn xem thường bạn, thì bạn cũng không thể ép hay thuyết phục họ phải thay đổi suy nghĩ của họ ngay. Nhưng ngược lại, nếu bạn không cho phép người khác xem thường bạn từ trong chính suy nghĩ của mình, thì không có bất kỳ ai có thể thật sự xem thường bạn.
Sống ở đời cần có một tấm lòng
Có lần tôi vô tình đọc được một bài thơ hết sức ý nghĩa của nhà thơ Hữu Thỉnh:
HỎI
Tôi hỏi đất:
Đất sống với đất như thế nào?
Chúng tôi tôn cao nhau. Tôi hỏi nước:
Nước sống với nước như thế nào?
Chúng tôi làm đầy nhau. Tôi hỏi cỏ:
Cỏ sống với cỏ như thế nào?
Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
Người sống với người như thế nào?
Khi hỏi đất sống với nhau như thế nào, đất bảo đất tôn cao nhau. Đất tôn cao nhau để làm nên những Phan Xi Păng, Phú Sĩ hay Everest. Đất tôn nhau lên để cùng vươn đến những tầm cao mới và làm nên những đỉnh cao vời vợi.
Khi hỏi nước sống với nhau như thế nào, nước bảo nước làm đầy nhau. Nước làm đầy nhau để tạo nên sông Hồng, sông Mã. Nước làm đầy nhau để tạo nên chín con rồng của Cửu Long Giang. Nước làm đầy nhau để tạo nên những đại dương. Nước làm đầy nhau để khởi nguồn và nuôi dưỡng sự sống.
Khi hỏi cỏ sống với nhau như thế nào, cỏ bảo cỏ đan vào nhau, cỏ đan vào nhau không
chỉ để tạo nên những thảo nguyên xanh mượt thơ mộng, mà cỏ còn đan vào nhau để tạo nên những đồng cỏ với sức sống mãnh liệt nơi miền nước ngập, trên triền núi cao, ở vùng cực băng giá hay cả sa mạc khô cằn. cỏ đan vào nhau để vẫn có thể vươn mình từ những khe đá cheo leo hay bê-tông cốt thép của loài người, cỏ đan vào nhau để được sống bằng cả khát vọng.
Nhưng khi hỏi người sống với nhau như thế nào thì người lại im lặng, im lặng và im lặng. Ba câu hỏi:
“Người sống với nhau như thế nào? ”
“Người sống với nhau như thế nào? ”
“Người sống với nhau như thế nào? ”
Nếu được hỏi bởi một người bộc trực, khẳng khái thì sau mỗi câu hỏi có lẽ âm lượng sẽ to hơn mạnh mẽ hơn – cái cảm xúc tuôn trào của sự uất hận bấy lâu bị dồn nén nay được dịp bùng nổ, như một lời quát thẳng vào mặt ai đó, một ai đó hư vô như chính cuộc đời này…
Nếu được hỏi bởi một người hiền lành, nhẫn nhịn thì sau mỗi câu hỏi có lẽ âm lượng sẽ nhỏ dần yếu dần, tưởng chừng như bất lực – cái nín nhịn thắt chặt, không còn giận dữ nữa mà tất cả chỉ còn là ngậm ngùi cay đắng và lựa chọn lặng im…
“Ừ nhỉ, người sống với người như thế nào?
Mình sống với người như thế nào?
Người sống với mình như thế nào?”
Còn nhớ giữa dòng đời mải miết, cố nhạc sĩ đáng kính Trịnh Công Sơn từng viết nên
câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng.
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…”.
Có lẽ chẳng bao giờ xã hội có thể đồng ý với nhau được chính xác tại sao người nhạc sĩ họ Trịnh lại viết như thế. Mỗi người có một cách hiểu riêng, và điều đó tạo nên không chỉ cái đẹp mà còn độ sâu cho những ca từ ấy.
Đối với tôi, những ca từ đó dường như ngụ ý rằng, sống ở đời ai cũng cần có một tấm lòng, nhưng thay vì một tấm lòng mang nặng bao giận hờn, oán trách, buồn đau, thất vọng,… thì hãy để tấm lòng ấy là một tấm lòng thanh thản, nhẹ nhàng – nhẹ nhàng đến mức gió có thể cuốn đi được. Phải chăng, người nhạc sĩ muốn ngụ ý rằng, sống ở đời cần có một tấm lòng để khoan dung và tha thứ cho nhau?
Đơn giản, dễ hiểu hơn nhưng không kém phần sâu sắc, nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết:
Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí yêu người anh em
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian
Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi.
Cha mẹ sinh ra ta, mang cho ta dáng vóc hình hài, giọng nói, tiếng cười,… Nhưng chính những người xung quanh ta, có thể là cha mẹ, người thân, có thể là người yêu hay vợ chồng, có thể là bạn bè, có thể là cả những đồng đội,… mới chính là những người góp phần tạo dựng nên ta hôm nay.
Mỗi người sinh ra đều với một cái tôi bản năng dữ dội và quyết liệt để sinh tồn, nên ta cần lắm yêu thương để làm cái tôi của mình trở nên mềm mại và hiền hòa hơn. Phải chăng người với người sống để yêu thương nhau?
Nhưng rồi sống nhiều năm trong cái xã hội vốn không ít những bất công và dối trá, con người ta dần dần xem yêu thương như một món hàng xa xỉ. Món hàng ấy xa xỉ đến mức người giàu có bao nhiêu tiền cũng chẳng mua được. Món hàng ấy xa xỉ đến mức mà đôi khi khiến chúng ta cảm thấy rằng mình chỉ dám cho vài người và cũng chỉ dám nhận từ vài người.
Để rồi đến một lúc nào đó, cùng với những năm tháng của cuộc đời, chúng ta nhận ra rằng, giàu có, danh vọng, địa vị,… mới là những thứ xa xỉ. Còn yêu thương nó gần gũi, giản đơn và bình dị lắm, miễn là ta dám cho đi. Cuộc sống sẽ luôn đáp trả lại những gì chúng ta dành cho nó. Cho nên, có những thứ đúng là không thể, nhưng yêu thương mãi là có thể.
Kể từ hôm nay, nếu có bất kỳ ai hỏi tôi rằng: “Người sống với nhau thế nào?”, tôi sẽ trả lời rằng:
Người với người sống bằng nghĩa đậm với tình sâu.
Người với người sống để tha thứ và thương nhau.
Người với người sống để người hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.