Sống Và Khát Vọng

Vượt lên chính mình



Tham gia băng nhóm và quậy phá

Nếu bạn không có một kế hoạch cho đời mình thì sẽ có một ai đó làm thay cho bạn, nhưng nhiều khả năng họ sẽ không biết điều gì tốt nhất dành cho bạn, hoặc tệ hơn, họ không muốn bạn có được những điều tốt nhất.

Lên lớp bảy, tôi bước vào tuổi dậy thì và căn bệnh “ngôi sao” trong tôi phát tác. Tôi trở nên kiêu ngạo vì nghĩ trình độ của mình đã vượt xa lũ bạn và bắt đầu xao nhãng việc học hành. Nhiều lần, tôi trốn học đàn dúm với đám bạn hư hỏng, tham gia đủ những trò quậy phá: từ việc đạp xe lạng lách, đánh võng, làm xiếc ngoài đường; chơi game ăn tiền; chơi bi-da ăn tiền; cờ bạc; đến tham gia băng nhóm… Lúc này, ba đang làm công nhân viên chức nhà nước, còn mẹ thì bận rộn với công việc may vá của mình. Cả hai đều đầu tắt mặt tối để lo cho cuộc sống gia đình, nên không hề biết đứa con trai tưởng chừng ngoan ngoãn học giỏi đã trở nên hư hỏng lúc nào không biết. Nhất là khi về nhà lúc nào tôi cũng vẫn ngoan ngoãn lễ phép với ba mẹ.

Kết quả học tập của tôi bắt đầu tuột dốc trầm trọng. Nếu như năm lớp 6 tôi vẫn còn được làm lớp trưởng, thì đến năm lớp 7, tôi đã mất đi sự tín nhiệm rất nhiều của thầy cô, bạn bè nên chỉ còn được làm lớp phó. Thầy chủ nhiệm biết tôi không còn tập trung vào việc học như trước vì game, bi-da, cờ bạc,… nhưng thầy không ngờ rằng tôi đã nghiện những thứ ấy rất nặng.

Khi lên học lớp 8, ngay cả chức lớp phó cũng không còn, tôi vẫn được thầy tin tưởng giao cho công việc thủ quỹ, chịu trách nhiệm thu và giữ tiền học phí của lớp. Chỉ trong vòng vài tuần, tôi đem khoản tiền lớn đó đốt hết vào… game, bi-da và sòng bài. Tới bây giờ, viết về điều ấy, tôi vẫn cảm thấy hết sức xấu hổ về bản thân mình. Sai lầm đó có thể đã dẫn đến những điều tệ hại hơn nữa trong cuộc đời tôi, nhưng may mắn, tôi còn có mẹ.

Đến hạn phải nộp lại tiền cho nhà trường, tôi sợ hãi chạy về nhà cầu cứu mẹ. Cứ tưởng mẹ sẽ cho tôi một trận đòn nên thân, không ngờ mẹ lẳng lặng chạy sang vay tiền bà ngoại rồi đích thân cùng tôi mang tiền vào trường trả cho thầy và xin lỗi thầy.

Ngoại tôi già nhưng lúc ấy vẫn phải còng lưng may vá để kiếm sống qua ngày, số tiền mẹ mượn của ngoại là tiền dưỡng già mà ngoại tôi phải dành dụm, tích góp lâu ngày mới có được. Biết được điều đó, tôi lại càng sợ hãi hơn. Lúc ấy, tôi tin chắc rằng khi về nhà, tôi sẽ chẳng thể nào mà sống nổi với ba mẹ vì tội lỗi tày đình này.

Vậy mà sau khi về nhà, mẹ vẫn không hề đánh mắng tôi, mà vẫn nói chuyện và đối xử với tôi như chưa bao giờ tôi phạm lỗi lầm ấy. Thậm chí, mẹ cũng không hề nói cho ba biết. Trong vòng nhiều ngày, tôi hết sức hoang mang lo lắng vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng rốt cuộc, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng, mẹ đã quá đau lòng vì những gì tôi làm đến nỗi mẹ không đủ can đảm để nhắc về việc ấy nữa. Có lẽ chính mẹ cũng cảm thấy khó chấp nhận cái sự thật rằng, đứa con trai mẹ hằng yêu thương và tin tưởng lại có thể hành động như thế. Cũng có thể mẹ tự trách bản thân mình đã không đủ quan tâm để nhắc nhở tôi.

Nhưng dù thế nào đi nữa, về phần mình, tôi cảm thấy vô cùng đau đớn và hối hận. Và cũng kể từ lúc đó, tôi tự hứa với bản thân là phải thay đổi để mẹ không bao giờ phải đau lòng nữa. Tôi không thay đổi từ từ mà hầu như thay đổi ngay lập tức vì tôi quyết tâm lựa chọn sự thay đổi, bởi vì tôi đã nhìn thấy quá rõ ràng đã đến lúc phải thay đổi bản thân mình. Ngay lập tức, tôi hoàn toàn cắt đứt liên lạc với lũ bạn xấu để có thể làm lại từ đầu.

Chỉ khi chúng ta thay đổi cách mình nhìn nhận con người và thế giới xung quanh, chúng ta mới có thể thay đổi thái độ của mình. Chỉ khi chúng ta thay đổi thái độ sống của mình, chỉ khi hành vi của chúng ta có sự thay đổi, chúng ta mới có thể hy vọng đến những kết quả khác biệt.

Thông thường, ai cũng nghĩ rằng sự thay đổi cần phải diễn ra từ từ và cần có một quá trình dài. Nhưng sự thật không hẳn là vậy, những sự thay đổi tích cực trong con người thường diễn ra ngay tức khắc một khi chúng ta thật sự nhận ra rằng, đã đến lúc phải thay đổi. Tôi từng biết một người cha nghiện thuốc lá rất nặng và bắt đầu có những dấu hiệu của ung thư phổi. Ngay cả khi sức khỏe bị ảnh hưởng như thế, người cha ấy vẫn nhất định không cai nghiện thuốc lá. Nhưng rồi khi đứa con gái nhỏ nói với cha mình rằng: “Ba ơi, ba đừng hút thuốc nữa để sống lâu với con nha ba”, người cha bật khóc, và kể từ đó ông ta bỏ thuốc hẳn.

Có thể bạn nghĩ, trong câu chuyện trên, chính căn bệnh ung thư hoặc đứa con gái là hai tác nhân làm người cha thay đổi. Nhưng sự thật không phải là thế, căn bệnh ung thư và đứa con gái chỉ là những tác nhân giúp cho người cha ấy đi đến quyết định thay đổi. Là con người, không ai có thể thay đổi được chúng ta, vì sự thay đổi luôn luôn là một lựa chọn bên trong của cá nhân mỗi người. Và bởi vì đó là lựa chọn của mỗi chúng ta, sự lựa chọn ấy có thể diễn ra trong tích tắc. Điều quan trọng là bản thân mình có muốn thay đổi ngay hay không mà thôi. Trong hầu hết trường hợp, sự thay đổi từ từ chẳng qua chỉ là những biện minh cho sự thiếu quyết tâm thay đổi, hoặc chưa có một hậu quả nhãn tiền để phải thay đổi ngay.

Đa số mọi người chỉ nghĩ đến việc mình phải thay đổi ngay khi họ phải thật sự đối diện với hậu quả. Có rất nhiều người chờ đợi đến khi gây ra những hậu quả to lớn thực sự rồi mới thức tỉnh và lựa chọn thay đổi. Nhưng thường thì những lúc ấy, sự thay đổi diễn ra đã quá muộn màng hoặc cái giá của hậu quả gây ra đã quá to lớn. Câu hỏi đặt ra là: “Tại sao cứ phải đợi đến khi quá muộn màng hay một hậu quả nào đó xảy ra rồi mới lựa chọn thay đổi?”.

Bạn có đang muốn thay đổi một điều gì đó ở bản thân mình hay không? Bỏ đi một thói quen xấu, bắt đầu một thói quen tốt, hoặc muốn tạo ra một sự đột phá cho bản thân mình trong sự nghiệp hay cuộc sống? Trước đây, bạn đã bao lần tự nhủ: “ừ, để từ từ mình sẽ thay đổi”. Và bây giờ, hãy tự thành thật với chính bản thân mình, từ lần cuối cùng bạn tự nhủ sẽ từ từ thay đổi cho đến giờ, bạn đã thay đổi được bao nhiêu phần? Cho dù gì đi nữa, bạn hãy nhớ rằng, bạn luôn luôn có một lựa chọn để thay đổi và hành động ngay bây giờ.

Qua kinh nghiệm đào tạo hàng chục ngàn người về kỹ năng tư duy thành công (đặc biệt là phương pháp tự thay đổi bản thân), tôi tin và khẳng định rằng, nếu có những trải nghiệm tinh thần đủ lớn để giúp cho những hạt giống tốt đẹp bên trong con người được nảy mầm, thì lúc đó sự thay đổi tích cực sẽ xảy đến gần như ngay lập tức và trong tích tắc mà không cần có những hậu quả nghiêm trọng làm nhân tố tác động. Bởi vì, một lần nữa, thay đổi vốn dĩ là một sự lựa chọn.

Dĩ nhiên, sau khi sự thay đổi ngay tức khắc diễn ra, mỗi chúng ta đều cần đến nỗ lực của chính bản thân mình và môi trường xung quanh để giúp duy trì sự thay đổi đó. Cái thay đổi từ từ mà mọi người thường hay nhắc đến thật ra là quá trình nỗ lực rèn luyện thành thói quen mới, để duy trì sự thay đổi vốn đã xảy ra ở bên trong. Đây mới là lúc bạn cần phải kiên nhẫn và cần nhiều thời gian để biến sự thay đổi, từ một lựa chọn nhất thời, thành một phần mới tích cực trong chính bản thân bạn.

Nếu như thay đổi là một điều gì đó diễn ra gần như ngay lập tức khi bạn lựa chọn thay đổi, thì duy trì sự thay đổi ấy để biến nó thành một phần con người của bạn lại là quá trình vượt lên trên chính mình từng ngày trong một thời gian dài.

Vấn đề là ở chỗ, nếu không có sự thay đổi tức thì làm khởi đầu thì bạn cũng chẳng có gì để khởi đầu, chứ đừng nói đến duy trì. Thành ra, một cú huých thật mạnh để vượt ra khỏi sức ì và tạo nên sự thay đổi là hết sức cần thiết và quan trọng cho việc một người có thể thay đổi được hay không. Sau khi đã có một động lực to lớn để lựa chọn sự thay đổi, phần còn lại phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm riêng của mỗi người cũng như những tác động của môi trường xung quanh. Ví dụ: Nếu như người cha ở trên sau khi quyết tâm bỏ hút thuốc, nhưng lại luôn chơi với những người bạn nghiện thuốc. Nếu như trong số đó chỉ cần một người nói với ông ta rằng: “Đã lỡ hút nhiều rồi, đã lỡ bệnh rồi. Con gái nhỏ thì nó nói thế, lớn lên nó cũng đi theo chồng mà quên mất ông. Ông cứ phải tự làm khổ mình làm gì?”, thì có thể quyết tâm của người cha ấy đã không còn.

Cho nên, bên cạnh một cú huých mạnh mẽ làm tiền đề quan trọng, môi trường cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng khác tác động đến việc bạn có hoàn thành sự thay đổi 100% hay không. Bạn muốn thay đổi, bạn phải tạo ra một môi trường ủng hộ sự thay đổi của bạn. Bạn muốn giúp người khác thay đổi, bên cạnh việc tạo một cú huých là cực kỳ cần thiết, bạn cũng phải tìm cách tạo ra một môi trường để duy trì sự thay đổi đó.

Tương tự, cái bạn nhìn thấy bên ngoài như là sự thay đổi của người khác, thật ra chỉ là cái kết quả của sự thay đổi vốn đã diễn ra bên trong họ từ trước. Chính vì thế, bạn muốn giúp một người thay đổi? Sự thay đổi ấy phải xuất phát từ bên trong, phải là một lựa chọn, thì đó mới hy vọng là một sự thay đổi bền vững.

Ngược lại, nếu bạn muốn người khác nhìn thấy sự thay đổi bên trong của bạn thông vượt lên chính mình, cũng như một môi trường đủ tích cực để ủng hộ sự thay đổi đó của bạn.

Trong hầu hết những khóa huấn luyện và đào tạo phát triển con người của mình, tôi đều áp dụng triết lý này để giúp cho học viên. Có lẽ nhờ vậy mà các khóa học của TGM cũng đã đạt được một số kết quả nhất định ban đầu trong lãnh vực này.

Đánh mất ước mơ

Một ngày nào đó, khi bạn chợt nhận ra ước mơ của mình không còn nữa, trước khi tự hỏi: “Ai đã cướp mất ước mơ của tôi?”, hãy tự hỏi: “Có phải chính tôi đã tự tay cướp mất ước mơ của mình?”.

Không đàn đúm với lũ bạn hư hỏng nữa, tôi tập trung lao vào học để bù đắp lỗ hổng kiến thức và làm lại từ đầu. Nhưng lúc ấy đã quá muộn để tôi có thể hoàn thành ước mơ được bay ra Hà Nội thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Năm lớp 9, trong khi bạn bè tôi đoạt giải học sinh giỏi Toán cấp thành phố, hay thậm chí cấp quốc gia, thì tôi chẳng đạt được thành tích gì.

Tôi đã đánh mất ước mơ của mình.

Tốt nghiệp cấp hai, hầu hết bạn bè trong lớp đăng ký thi vào khối A (Toán – Lý – Hóa) hoặc khối B (Toán – Hóa – Sinh) của trường Trung Học Phổ Thông Chuyên Lê Hồng Phong hay trường Phổ Thông Năng Khiếu, còn tôi thì chọn đăng ký thi vào khối D (Ngoại Ngữ – Văn – Toán) với suy nghĩ “nếu thi rớt cũng đỡ nhục”, vì dù sao ngoại ngữ vốn không phải là sở trường của tôi. Chứ nếu tôi đăng ký thi vào khối A hay B mà không đậu thì sẽ phải chịu nhục nhã ê chề với gia đình, bạn bè và người xung quanh thêm một lần nữa.

Và với suy nghĩ nông cạn ấy, tôi lại phạm sai lầm, bởi vì chỉ đến sau khi đã hoàn tất các thủ tục đăng ký thi, tôi mới phát hiện ra rằng nếu không vào được trường Lê Hồng Phong thì tôi sẽ phải học ở một ngôi trường khá tai tiếng. Nếu tôi vào một ngôi trường như thế, rồi lại gặp một đám bạn hư hỏng khác, thì có thể cái quyết tâm duy trì sự

thay đổi của tôi sẽ không còn. Tôi sẽ lại một lần nữa quay lại con đường cũ. Đó là điều tôi hoàn toàn không muốn chút nào, vì tôi đã trả giá quá đắt cho những sai lầm tôi mắc phải.

“Bạn đến ngã rẽ cuộc đời và bạn phải quyết định. Hoặc bạn đóng vai nạn nhân và sống một cuộc sống không trọn vẹn, hoặc bạn tận dụng cơ hội to lớn này để vươn lên.”

-Ute Lawrance, trích sách Mặt Phải

Dù sao đi nữa, tôi vẫn chưa hoàn toàn mất niềm tin vào chính bản thân mình. Tôi vẫn thật sự tin rằng, tôi xứng đáng được thành công như bao người khác, bởi vì ít ra tôi đã từng một lần ở đỉnh cao của vinh quang vào những năm lớp 5 – lớp 6 của mình. Tôi hạ quyết tâm lần này phải “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Mất căn bản khá nhiều ở môn tiếng Anh, tôi không cho phép mình nản chí và bắt đầu dồn sức tự ôn luyện kiến thức môn Anh văn từ lớp 6 đến lớp 9. Nhà nghèo, cũng chẳng có tiền đi học thêm, mỗi ngày tôi cặm cụi ngồi học tiếng Anh khoảng 8-10 tiếng đồng hồ liên tục chỉ trừ những lúc ăn cơm hoặc làm vệ sinh cá nhân. Trong hơn một tháng, tôi tự mày mò học lại hết toàn bộ chương trình tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 9, với hy vọng nỗ lực ấy sẽ giúp tôi bước vào được ngôi trường mà tôi mong muốn – trường Lê Hồng Phong. Rốt cuộc, tôi làm được nhưng thật ra là “thoát chết trong đường tơ kẽ tóc”, vì tôi đậu với số điểm thấp nhất lớp.

Vui mừng chưa được bao lâu, tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng những ngày tháng đen tối nhất trong sự nghiệp học tập của mình vẫn còn ở phía trước. Kết quả thi vào lớp 10 không mấy lạc quan của tôi nhanh chóng được “khẳng định” lại một lần nữa bằng kết quả học tập của tôi trong năm học.

Sau một học kì đầy khó khăn thử thách, đặc biệt là ở môn tiếng Anh, tôi kết thúc học kỳ I của năm lớp 10 gần như đội sổ cho cả lớp. Chán nản, thất vọng, mất hết ý chí, tôi chỉ biết về nhà và khóc với mẹ. Không chút do dự, mẹ liền tháo chiếc nhẫn cưới trên tay rồi mang đi bán lấy tiền cho tôi học thêm tiếng Anh.

Thật ra học được vài tháng thì số tiền đó cũng hết. Nhưng cảm kích tấm lòng và sự hy sinh của mẹ luôn sẵn sàng đầu tư từng đồng tiền ít ỏi cho tương lai của tôi, trong suốt thời gian của học kỳ II năm lớp 10, tôi quyết tâm dành nhiều thời gian tự học để cải thiện trình độ môn tiếng Anh của mình. Điểm số của tôi cũng từ đó bắt đầu có sự cải thiện.

Ngạc nhiên thay, mặc dù thành tích học tập của tôi chẳng ra gì, ba vẫn dùng số tiền dành dụm được để mua tặng cho tôi một chiếc xe máy vì trường khá xa nhà. Trong khi đó, ba vẫn đi một chiếc xe cà tàng mà sáng nào ba cũng phải hì hục đạp máy mãi nó mới chịu nổ máy.

Đó là một trong những lần hiếm hoi mà ba đối xử với tôi như một người cha đáng ngưỡng mộ khi ba không có hơi men trong người. Nhưng như thế thôi cũng đủ cho tôi có lý do để luôn thương ba, dù sau này ba đã phạm rất nhiều sai lầm to lớn trong cuộc sống và trong cách đối xử với gia đình. Những chuyện đó tôi không tiện và cũng không muốn viết ra ở đây. Nhưng chính vì thế mà lúc nhỏ, nhiều khi trong bụng tôi cảm thấy ghét ba lắm. Cũng may là qua năm tháng, cùng với nhận thức lớn dần lên, tôi nhận ra rằng:

Người khác không phải lúc nào cũng yêu thương bạn theo cách mà bạn muốn họ yêu thương mình. Nhiệm vụ của bạn là học cách cảm nhận tình yêu thương của người khác trước khi đòi hỏi họ phải yêu thương mình theo một cách nào đó. Có thể cách hành động của họ chẳng bao giờ là hoàn hảo theo cách định nghĩa của bạn, nhưng bạn cũng đừng bao giờ cho phép bản tình yêu thương mà họ dành cho bạn, chính bản thân nó đã vốn là hoàn hảo.

Tôi còn nhớ có lần thấy ba đạp máy chiếc xe cà tàng của ba mãi mà nó vẫn không chịu nổ, tôi nói với ba rằng: “Sao ba không lấy xe con mà đi, để con đi chiếc xe đó cho ba”. Ba chỉ nhìn tôi cười và nói: “Để ba đi xe này được rồi”. Tôi ứa nước mắt và tự hứa với lòng mình rằng, tôi phải càng cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng yêu thương và sự tin tưởng của ba. Có thể tôi không có nhiều câu chuyện đầy tự hào về ba để viết vào quyển sách này, nhưng tôi có một người cha để tôi luôn muốn yêu thương, cho dù thế nào đi nữa.

Gởi ba của con!

Ba ơi, nếu ba có vô tình đọc quyển sách này của con, liệu ba có cảm thấy tự hào vì những gì con đã làm được cho bản thân con, cho gia đình và cho cả cuộc đời này? Con mong ba hiểu rằng, cho dù thế nào đi nữa, con vẫn rất thương ba. Con mong một lúc nào đó ba sẽ thật sự bỏ đi cái tôi quá lớn của mình, chịu nhìn nhận những lỗi lầm, lựa chọn thay đổi, bỏ hết những thói hư tật xấu để quay về với gia đình. Con mong ba hãy thật sự thay đổi chứ đừng như những lần trước.

Con và em Triều đã phải cố gắng rất nhiều để thành công như hôm nay. Trong thành công ấy, có cả nước mắt của mẹ và mồ hôi của ba. Tại sao ba không cho phép bản thân mình cùng gia đình tận hưởng thành công và hạnh phúc? Tại sao khi tụi con đã trưởng thành và nỗ lực thành công như ngày xưa ba mong muốn, ba lại không còn thương tụi con như khi tụi con còn bé? Em gái con cũng sắp tốt nghiệp đại học rồi. Ngày em còn nhỏ, ba thương và chiều em nhất. Nhưng ngày em bước vào đời, liệu ba có còn muốn ở đó hay không?

Ba ơi, cuộc sống không còn dài. Trước khi ba rời khỏi cuộc đời này, hãy cho phép mình thay đổi và quay về với gia đình để có thể làm lại từ đầu. Ba đừng để gia đình mình mãi là một ước mơ bị đánh mất… nha ba…

Làm lại từ đầu

Đến cuối năm lớp 10, tôi bắt đầu có những tiến bộ và được xếp vào loại trung bình của lớp. Nghỉ hè năm lớp 10, tôi dành nhiều thời gian để học trước môn tiếng Anh và một số môn khác của năm lớp 11 để tạo đà cho năm học tiếp theo. Năm lớp 11, tôi chính thức lọt được vào nhóm 10 học sinh giỏi nhất lớp. vẫn chưa dừng lại ở đó, tôi cố gắng hơn nữa, năm lớp 12, thỉnh thoảng tôi cũng lọt được vào nhóm 5 học sinh giỏi nhất lớp.

Và rồi kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học cũng đến, tôi quyết tâm dồn sức cho kì thi quan trọng này để tạo bước đột phá. Thế nên, chỉ thiếu một chút nữa thì tôi đã đậu thủ khoa. Nhưng cho dù không đậu thủ khoa, với kết quả tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, tôi được tuyển thẳng vào Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM mà không cần thi tuyển. Mặc dù vậy, tôi vẫn đăng ký thi đại học rồi đậu thêm vào trường Đại Học Ngoại Thương, và đậu Á khoa vào Học Viện Ngân Hàng. Với những thành tích này, tôi là một trong số ít học sinh được nhận Huy Chương Danh Dự do trường Phổ Thông Trung Học Chuyên Lê Hồng Phong trao tặng vào năm 1999.

Đôi khi trong cuộc sống, nhất là khi còn trẻ người non dạ, chúng ta khó thể tránh khỏi việc mắc những sai lầm đáng tiếc. Là con người, chúng ta ai cũng đã có những sai lầm và vẫn sẽ tiếp tục có những sai lầm, bạn cũng vậy và tôi cũng thế. Nhưng nếu bạn dám nhận trách nhiệm về mình, dám vượt qua chính bản thân và quyết tâm làm lại từ đầu, quyết tâm thay đổi, thì bạn sẽ luôn được cuộc đời này đền đáp xứng đáng.

Thay đổi không bao giờ là quá muộn. Thay đổi thật sự chỉ diễn ra trong tích tắc bởi vì thay đổi là một lựa chọn. Lựa chọn thay đổi này diễn ra trong chớp mắt, nhưng duy trì sự thay đổi này đòi hỏi một quá trình kiên định hành động. Tuy nhiên, quá trình kiên định hành động để đạt đến kết quả cuối cùng này sẽ không bao giờ có, nếu trước đó ta không có một thay đổi ngay tức thì trong trái tim. Chính vì thế, thành công thật sự xuất phát và bắt đầu từ chính trái tim mỗi người chứ không phải từ khối óc.

Thay đổi chỉ là một phần của sự phát triển. Nếu bạn không cho phép những thay đổi tích cực diễn ra bên trong mình, bạn sẽ không thể thay đổi thế giới một cách tích cực. Có thể bạn vẫn sợ sự thay đổi, nhưng bạn có biết điều gì đáng sợ hơn không? Đó là sự nuối tiếc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.