Tiền Không Mọc Trên Cây

CHƯƠNG 2 DẠY CON NHỮNG ÐIỀU CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ TIỀN BẠC NHƯ THẾ NÀO?



Khái niệm nào quan trọng nhất khi dạy con trẻ về tiền bạc? Phần lớn chúng ta sẽ nói “tiết kiệm tiền”, vì dường như với hầu hết mọi người, việc này là quá khó. Và ta không sai… nhưng cũng mới chỉ đúng một nửa. Phần lớn tiền bạc, ngay cả đối với những người tiết kiệm nhất, phải dành vào việc chi tiêu – thuế má, những chi phí cần thiết như thức ăn, chỗ ở, và một thứ mà ta gọi là “chi tiêu linh động”, cho dù với nhiều người trong chúng ta thì đôi khi việc chi tiêu đó trở nên thật kém linh động. Dạy trẻ con tiết kiệm là việc rất quan trọng nhưng dạy cho chúng biết cách tiêu tiền khôn ngoan cũng quan trọng không kém.

Sẽ là hợp lý nếu ta xem xét những bài học tiết kiệm trước, vì xét trên thực tế thì có vẻ những bài học ấy càng ngày càng trở nên lỗi thời. Trong nửa cuối thế kỉ 20, người Mỹ tiết kiệm được bình quân khoảng 8% thu nhập của họ; trong thế kỉ 21, con số này bất ngờ sụt giảm một cách kinh hoàng: người Mỹ chỉ đang tiết kiệm được dưới 2% – có những năm chỉ 1%. Và với mọi nỗ lực, người Mỹ chưa từng là quốc gia tiết kiệm nhất; trong khi người Nhật chẳng hạn, tiết kiệm được 1/4 (hoặc cao hơn) thu nhập của họ.

Và chúng ta không chỉ không tiết kiệm được mà nhiều hộ còn thường xuyên chi tiêu vượt quá thu nhập của gia đình mình. Năm 2003, theo Ủy ban nghiên cứu kinh tế và chính sách Mỹ, tỉ lệ nợ trên thu nhập sau thuế của các hộ gia đình Mỹ là 108,3% . Và, con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Trong sách này tôi sẽ tập trung nói về cách làm sao bạn có thể chỉ bảo, truyền cảm hứng và động viên trẻ tiết kiệm tiền, cũng như cách dạy trẻ kiểm tra, đánh giá và chọn những cách tiêu tiền thông minh.

BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU

Tiết kiệm là một bài học thiết thực mà trẻ cần được dạy dỗ, tương tự việc đánh răng hay làm bài tập về nhà vậy. Vậy hãy hình dung đến bài học đánh răng. Bạn đưa cho trẻ những công cụ cần thiết: một bàn chải và kem đánh răng; rồi tới không gian thích hợp , một phòng tắm có bồn rửa, để thực hành bài học; và sau cùng, bạn giám sát quá trình , động viên và hoan nghênh khi bài học được hoàn thành.

Tôi xin đưa ra một quá trình ba-bước tương tự khi dạy trẻ cách tiết kiệm. Hãy chuẩn bị sẵn sàng. Dạy trẻ tiêu tiền khôn ngoan còn phức tạp hơn nhiều và điều đó sẽ chiếm một phần đáng kể của cuốn sách này. Nhưng nếu con bạn đã là thiếu niên, nó sẽ phải bắt đầu bằng việc học tiết kiệm trước.

Bước đầu tiên là phải cắt nghĩa được cho con bạn tiền là gì. Một định nghĩa thích hợp dành cho trẻ nhỏ là thế này:

TIỀN: Thứ ta dùng để trả cho người khác để đổi lấy thứ gì đó hoặc để họ làm việc gì đó cho mình.

Thực hành : Giúp con bạn lập một danh sách những thứ người ta có thể dùng để đổi lấy hàng hóa hoặc dịch vụ. Với những trẻ ở tuổi đi học, hãy giúp chúng lên mạng Internet hoặc vào thư viện để tìm những thứ đã từng được dùng như tiền bạc trong các thời điểm lịch sử và các nền văn hóa khác nhau.

Giờ ta hãy cắt nghĩa về tiết kiệm. Định nghĩa cho trẻ như sau:

TIẾT KIỆM: Tiết kiệm hay để dành nghĩa là cất thứ gì đó ở một nơi an toàn để sử dụng vào lúc khác khi cần.

Thực hành : Giúp trẻ lập một danh sách những thứ có thể để dành được ngoài tiền bạc.

Tất cả chúng ta đều dành dụm nhiều thứ (bên cạnh tiền bạc) để dùng sau. Lũ sóc để dành quả hạch để ăn trong mùa đông; các bà mẹ để dành món tráng miệng để dùng sau bữa ăn; và ngày càng nhiều người giữ lại vỏ chai và vỏ lon rỗng để tái chế.

NHỮNG THỨ ÐƯỢC DÀNH DỤM ÐỂ DÙNG SAU

Quần áo trẻ em

Hộp quà

Ghim băng

Sách

Báo

Băng video

Đồ khâu vá

Tranh ảnh

Váy áo

TẠI SAO PHẢI TIẾT KIỆM TIỀN?

Ta để dành tiền với ba lí do: một, để phòng thân trong trường hợp khẩn cấp; hai, để chi dùng khi về hưu; và ba, để mua thứ gì đó ta thực sự mong muốn. Nhiều người cho rằng ta nên để dành tiền với tâm niệm không bao giờ đụng đến trừ trường hợp nguy cấp nhất. Đây là một quan điểm có cơ sở, và sẽ được bàn đến ở phần sau của cuốn sách. Nhưng trước tiên, hãy nghĩ tới mẹo tập trung nhấn mạnh vào niềm vui thích thuần túy của việc dành dụm tiền với con bạn. Đơn giản điều đó có thể sẽ gắn bó với trẻ cả đời!

Thực hành : Hãy hỏi con bạn, “Con thích một công việc được trả một triệu đô la một năm hay một công việc được trả một xu vào ngày đầu và nhân đôi mức lương mỗi ngày trong vòng một năm?” Sau đó lấy máy tính ra và cùng trẻ làm bài toán này. Rất đơn giản, bạn chỉ cần liên tục “nhân hai… nhân hai…” và đếm số ngày. Nhân tới ngày thứ 28, bạn đã giúp trẻ nhìn ra được vấn đề rồi đấy.

Hãy giúp nhóc lớn nhà bạn tìm trên Internet cụm từ lãi suất tiết kiệm kép . Những số liệu trẻ tìm được sẽ lập tức khiến việc tiết kiệm trở thành một viễn cảnh lí thú.

Với các bé nhỏ hơn, tôi gợi ý bạn tiếp cận đề tài tiết kiệm với lí do thứ ba – tiết kiệm để mua một thứ nó rất thèm muốn.

NGƯỜI LỚN THƯỜNG TIẾT KIỆM TIỀN CHO

Con nhỏ

Xe cộ

Quần áo

Giáo dục

Đồ nội thất

Sửa sang nhà cửa

Nhà đất

Trang sức

Phòng khi về hưu

TV

Đi du lịch

Thực hành : Giúp trẻ lập một danh sách những thứ chúng có khả năng dành dụm tiền để mua. Đi tới các cửa hàng hay lên các trang mua sắm trên mạng để xem giá những thứ trong danh sách đó, rồi tính xem trẻ sẽ phải dành dụm trong bao lâu để mua được các vật này.

Các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng hiếm có niềm vui sướng nào cao hơn việc tự mình kiếm được những đồng tiền và dùng chúng để mua những thứ mình thực sự yêu thích. Bạn còn nhớ niềm hân hoan khi mua được chiếc máy nghe nhạc hay chiếc xe đầu tiên chứ? Cha mẹ có thể cho trẻ thấy niềm vui sướng này ngay từ khi chúng còn nhỏ, và đó sẽ là một món quà có giá trị cả đời dành cho trẻ.

BA BƯỚC ĐỂ CHUẨN BỊ KẾ HOẠCH TIẾT KIỆM

Cho dù nhóc nhà bạn đã lớn đến mức nào, chỉ cần trẻ vẫn còn ở trong vòng tay bạn, thì chưa phải là quá muộn để bắt đầu dạy con cách tiết kiệm tiền bạc.

Tôi sẽ chỉ ra ở đây rằng quy mô phát triển tài chính của tôi hơi khác với của tiến sĩ Spock. Khi trẻ bước vào thời kì đầu tuổi teen, chúng sẽ bắt đầu kiếm được những khoản tiền đáng kể ở ngoài (từ việc trông trẻ, làm việc nhà v.v.). Thêm vào đó, ở tuổi mười lăm hoặc mười sáu, phần nhiều thanh, thiếu niên có thể tự lo được mọi vấn đề tài chính của chúng (dưới sự giám sát của bạn) và nên tự kiếm hầu hết hay toàn bộ “thu nhập” của riêng chúng.

Tuy nhiên, cũng như không thể gợi ý một cậu nhóc mười sáu tuổi chưa từng cưỡi ngựa leo lên lưng một con ngựa bất kham được. Tôi không khuyên bạn đưa thẻ tín dụng cho nhóc tuổi teen nhà bạn khi trẻ chẳng có chút kinh nghiệm tài chính nào. Bất kể con bạn ở lứa tuổi nào, hãy bắt đầu bằng những gì cơ bản nhất, mà điều trước hết là tiết kiệm tiền nong.

Quy tắc chung để lôi cuốn một người (kể cả người lớn) vào việc tiết kiệm tiền nong là như nhau, dù là đứa trẻ sáu tuổi hay một thiếu niên mười sáu tuổi. Phương pháp chung để truyền đạt bài học tiết kiệm là:

(1) đặt một mục tiêu tài chính cho con bạn.

(2) giúp trẻ kiếm số tiền cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định.

(3) cùng tận hưởng thành quả.

Dưới đây là 3 bước cụ thể để bắt đầu một chương trình tiết kiệm thành công:

CÁCH XÂY DỰNG MỘT KẾ HOẠCH TIẾT KIỆM

1. Cung cấp cho con bạn thứ để tiết kiệm. Trẻ sẽ cần phải có một nguồn tiền, tốt nhất là do trẻ kiếm ra, cho phép chúng dùng tiền của riêng mình để tiết kiệm (chi tiết về phương pháp và thời gian xem ở Chương 3).

2. Cung cấp một nơi thích hợp cho trẻ cất tiền tiết kiệm. Đó có thể là một cái hũ, cái lọ hay một két đồ chơi.

3. Quan sát quá trình và khuyến khích, động viên. Đặt ra những mục tiêu có thể đạt được và ngợi khen con bạn khi trẻ tiết kiệm thành công.

Hãy nhớ rằng thường xuyên tiết kiệm là một thói quen đòi hỏi tính tự giác cao – nhưng bạn đã từng thấy ai đó luôn luôn tự giác tiết kiệm chưa? Đừng đặt ra một hệ thống dựa quá nhiều vào khả năng tự kiềm chế của con bạn. Về lâu về dài làm thế chỉ thất bại mà thôi.

Thay vào đó, nên tạo cho con bạn một hình thức tiết kiệm đơn giản, dễ thực hiện để nó trở thành một thói quen hằng tuần. Hãy phát cho trẻ tiền tiêu vặt chính xác tới từng đồng lẻ và phát vào đúng một thời điểm nhất định trong tuần. Hãy đảm bảo trẻ có một chỗ đặc biệt, an toàn để cất tiền. Nếu nhóc nhà bạn đang tiết kiệm để mua một thứ gì đó, bạn hãy dán một tấm hình thứ cần mua lên cái hũ tiết kiệm để nhắc nhở trẻ.

Nhóc nhà bạn càng dễ học được thói quen để dành tiền, tính tự giác của trẻ càng ít phải chịu áp lực – và như thế cả trẻ và bạn đều được thoải mái!

Bởi trọng trách của tôi là làm cho việc học cũng vui vẻ như một trò chơi, tôi sẽ đưa ra những trò chơi và bài luyện tập để bạn thực hành cùng với trẻ. Hãy nhớ rằng các hoạt động này chỉ nhằm tạo động lực và kích thích niềm hứng khởi. Dù có hay không những trò chơi hằng tuần và những lời động viên này thì con bạn vẫn cần một kế hoạch tiết kiệm căn bản – cho đến khi nó có một tài sản thực sự đầu tiên được cất giấu an toàn!

Dưới đây là những gợi ý cụ thể để bạn thực hành với con mình theo đúng lứa tuổi. Trước khi bạn giở tới phần viết hợp với tuổi của con, hãy chắc chắn rằng nhóc nhà bạn đã nắm rõ những khái niệm được nhắc đến ở lứa tuổi nhỏ hơn. Bạn cũng nên xem qua những phần đó trước khi bắt đầu.

Trẻ từ 2 đến 4 tuổi

Với trẻ nhỏ, bạn cần cắt nghĩa cho chúng hiểu tiền bạc là gì trước khi bắt đầu nói chuyện tiết kiệm.

Dưới đây là ba trò chơi Tiền Là Gì? giúp con bạn làm quen hơn nữa với những đồng xu. Mỗi bài tập nhằm giúp con bạn nhận biết các đồng xu và phát triển kỹ năng đọc, ghi nhớ và lập luận đơn giản. Các trò chơi này có thể diễn ra trên bàn bếp khi bạn nấu ăn, trong phòng đợi của bác sĩ, hay cả trên xe hơi trong những chuyến đi dài.

Trò chơi đầu tiên, Nhận Dạng Tiền Xu, nhằm dạy con bạn cách nhận biết những đồng xu cùng giá trị của chúng.

NHẬN DẠNG TIỀN XU

— Mục đích

Dạy trẻ cách xác định một đồng xu theo ba cách: theo kích cỡ, theo tên và theo trị giá.

— Dụng cụ

Giấy, bút chì, và một vài đồng xu, bao gồm ít nhất một đồng 200 đồng, đồng 500 đồng, đồng 1.000 đồng, đồng 2.000 đồng, 5.000 đồng. Đặt đồng xu lên giấy và dùng bút đồ lại hình của chúng, bên dưới mỗi vòng tròn hãy viết tên đồng xu và trị giá của từng đồng xu.

— Luật chơi

Gọi tên một đồng xu (bất kỳ) và xem con bạn có chọn đúng đồng xu từ một chồng xu và đặt vào đúng vòng tròn hay không.

— Chiến thắng

Trẻ sẽ thắng nếu đặt đúng các đồng xu vào đúng vòng tròn thích hợp.

Bài tập tiếp theo đây sẽ chỉ cho con bạn mối liên hệ giữa các đồng xu với nhau. Ví dụ như năm đồng 1.000 đồng tương đương với một đồng 5.000 đồng.

TIỀN LẺ

— Mục đích

Dạy trẻ cách đếm tiền và hiểu được trị giá của chúng.

— Dụng cụ

Đầu tiên sắp đặt một trò tìm kho báu, con bạn sẽ thu nhặt hết những đồng xu lẻ rải rác trong nhà. Đừng bỏ qua túi áo khoác, áo vét, ngăn kéo, ví cũ và dưới nệm ghế sa-lông đấy nhé!

— Luật chơi

Tại bàn bếp, bạn hãy giúp trẻ chia nhỏ “kho báu” thành từng chồng những đồng 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng.

— Chiến thắng

Hãy xem con bạn có thể tạo được bao nhiêu tổ hợp xu khác nhau trị giá 10.000 đồng. Nếu con bạn tạo được từ ba tổ hợp khác nhau trở lên, trẻ sẽ giành được chiến thắng!

Trẻ sẽ rất ấn tượng với một chồng 200 đồng trước mặt. Đây là thời điểm cực kỳ thích hợp để nhấn mạnh với trẻ giá trị của 10.000 đồng mà có thể là một người, cha mẹ chẳng hạn, phải làm việc vất vả thế nào để kiếm được.

Sau khi hoàn thành trò chơi, chỉ cho trẻ cách “cuộn” những đồng xu vào những ống giấy mà các ngân hàng thường dùng (bạn có thể tự làm lấy các ống giấy này). Sau khi đếm xong mỗi nhóm tiền xu, hãy giúp trẻ tính tổng cộng. Chừng ấy “kho báu” có đủ để gọi một suất pizza không nhỉ?

* Trẻ từ 5 đến 8 tuổi

Chuẩn bị những chiếc hũ hay chiếc bình dùng để đựng riêng tiền tiết kiệm; tiền tiêu sẽ để ở một chỗ khác, như trong ví chẳng hạn. Mỗi tuần khi bạn cho nhóc tì nhà bạn tiền tiêu vặt, hãy cùng con “ký gửi” tiền vào cái hũ tiết kiệm đó.

— Bí quyết

Kiếm một hũ trong suốt để trẻ có thể thấy số tiền đầy dần lên sau mỗi tuần. Hãy cùng trẻ khám phá niềm vui thích khi thấy tài khoản của nó “sinh sôi nảy nở”!

Rất nhiều bé ở độ tuổi này có thể chơi được trò tiếp theo đây, trò Tiền-Thừa. Trả lại tiền, hay kiểm tra xem có nhận được đủ số tiền thừa sau khi mua hàng không, là công đoạn khó khăn với một đứa trẻ (và cả một số người lớn!) vì việc này đòi hỏi khách hàng phải thực hiện nhanh chóng và ngay lập tức một số phép toán số học và thường xuyên chịu áp lực đáng kể từ những người xung quanh.

Trò chơi trong bếp này nhằm giúp trẻ bước đầu làm quen sơ sơ với tiền thừa trong điều kiện không áp lực.

Bài tập tiền thừa còn có giá trị khác nữa. Bạn sẽ nhận thấy rằng đếm tiền rất khác với đếm số đơn thuần.

TIỀN THỪA

— Mục đích

Dạy trẻ cách trả tiền và nhận lại tiền thừa.

— Dụng cụ

Đầu tiên, hãy lấy một số tiền lẻ trị giá 10.000 đồng và chia vào bốn hộp nhỏ và nông, mỗi hộp dành cho một loại đồng 200, 500, 1.000. Đây sẽ là quầy thanh toán tưởng tượng của bạn và bé.

Sau đó, chuẩn bị một túi đồ tạp hóa. Hãy đảm bảo mỗi món đồ có giá đính kèm, hoặc tự bạn đề giá vào nếu cần.

— Luật chơi

Bắt đầu trò chơi, bạn sẽ là khách hàng và con bạn sẽ là nhân viên thu ngân. Với 1 tờ 10.000 đồng, hãy chọn một món đồ bạn giả bộ mua từ nhóc thu ngân nhà bạn.

Đưa cho nhóc nhà bạn món đồ đó và tờ 10.000 đồng, rồi giúp trẻ trả lại bạn đúng số tiền thừa. Lần lượt hai bên đổi chỗ làm người thu ngân và khách hàng.

Rồi dần dần nâng số hàng hóa từ một lên nhiều món. Chuẩn bị cả những món hàng bán với giá “1.000 đồng 3 chiếc”.

Hãy linh hoạt và tạo nhiều tình huống với trẻ. Chẳng hạn như khi bạn làm khách hàng, bạn có thể cố tình mua nhiều hơn 10.000 đồng dự tính, và giảng giải cho nhóc thu ngân rằng bạn sẽ phải trả hàng lại để giữ hóa đơn dưới 10.000 đồng. (Nhìn chung đây là một tình huống khá xấu hổ trong đời thực, nhưng lại là một bài tập tính toán rất tốt cho nhóc nhà bạn.)

— Chiến thắng

Người chiến thắng là người mua được nhiều hàng nhất mà không vượt quá 10.000 đồng cho phép.

DẠY TRẺ CÁC GIÁ TRỊ BẢN THÂN QUA TIỀN BẠC

Tôi có nói ở phần trước về việc rất nhiều người trong chúng ta lớn lên coi tiền bạc là “nguồn gốc của mọi tội ác” hay một công cụ quyền lực và tha hóa. Thực tế thì tiền bạc là vật cực kì trung lập, nhưng lại không bao giờ tồn tại ở trạng thái trung lập. Người ta có thể nhận tiền, có thể chi tiền – bao gồm cả việc tiêu hoặc là cho đi – hay cũng có thể giữ tiền. Ba trong số các lựa chọn đó là những tương tác xã hội, và lựa chọn thứ tư về cơ bản là sự chuẩn bị cho một trong ba lựa chọn kia. Tất cả các lựa chọn đều có thể được thực hiện một cách khôn ngoan hay ngờ nghệch, hào phóng hay tham lam, thậm chí trung thực hay gian dối. Vậy nên tiền bạc trở thành một công cụ thể hiện giá trị, và nó cũng được dùng làm công cụ giáo dục về giá trị.

Dưới đây là một cách bạn có thể nói với con về giá trị.

Bạn sẽ làm gì nếu nhân viên thu ngân trả lại bạn quá số tiền thừa? Bạn sẽ đưa lại cho người ấy hay giữ luôn khoản đó? Bạn muốn con bạn làm gì trong tình huống đó?

Trò chơi Tiền-Thừa có thể là một cơ hội để trao đổi với con bạn về lòng trung thực và giá trị bản thân. Hãy nhớ đề cập tới cả hậu quả có thể xảy đến với người nhân viên thu ngân bận bịu đã mắc lỗi kia. Liệu anh ấy hoặc cô ấy có bị mất việc vì lỗi đó? Hay người thu ngân sẽ phải bỏ tiền túi để bù cho công ty số tiền đó?

Ngoài ra, hãy nói với con bạn cách xử lý tình huống nhân viên thu ngân trả tiền thừa không đủ. Là một cựu giám đốc ngân hàng, tôi có thể khẳng định hầu hết các thủ quỹ chuyên nghiệp được huấn luyện để đếm số tiền họ trao cho bạn bằng cách nhẩm miệng và cả bằng hành động. Nhưng trong đời sống, nhất là bên ngoài ngân hàng, mọi chuyện không phải lúc nào cũng như thế.

Nếu nhân viên thu ngân hay người bán hàng đơn giản chỉ trao tiền cho bạn mà không đếm, tôi khuyến cáo mọi người tiêu dùng, cả người lớn và trẻ em, hãy tập thói quen làm theo các bước sau:

CÁCH NHẬN TIỀN THỪA TỪ NGƯỜI BÁN HÀNG HAY NGƯỜI THU NGÂN

1. Đừng rời “hiện trường” trước khi bạn tự đếm lại tiền trước mặt người thu ngân. Một khi bạn đã bỏ đi thì nếu có sai sót, gần như sẽ không thể khắc phục được gì cả.

2. Nếu có sai sót và bạn bị trả tiền thiếu, hãy đứng tại quầy thanh toán và ngay lập tức thông báo về sự thiếu hụt với người thu ngân.

3. Hãy tỏ ra lịch sự. Đừng tự động kết tội người thu ngân muốn ăn chặn của bạn. Hầu hết mọi trường hợp thì sự việc chỉ thuần túy là sự nhầm lẫn. Và đừng quên đó hoàn toàn có thể là lỗi của chính bạn hay một chuyện gì khác nữa. Cũng có thể giá của món hàng đã bị niêm yết sai.

4. Nếu vấn đề không được giải quyết, hãy yêu cầu nhân viên thu ngân cho mời người quản lý hay giám sát viên của cửa hàng tới. Điều này sẽ mang lại một bên thứ ba khách quan (trên lý thuyết) để dàn xếp chuyện xảy ra. Hãy giải thích vấn đề một cách lịch sự, bình tĩnh và yêu cầu sự can thiệp của người quản lý. Ở một vài điểm bán hàng, luôn có một phương án “yêu cầu kiểm tra sổ sách” để so sánh doanh thu ngày hôm đó với số tiền trong ngăn kéo. Việc này sẽ xác minh được liệu có nhiều tiền trong két hơn so với tổng doanh thu không, qua đó xác định được số tiền trả lại bạn còn thiếu. Hẳn nhiên đó là một công đoạn rườm rà, tốn thời gian, nhưng nếu số tiền bị tính nhầm có giá trị cao thì cũng đáng để làm thế.

5. Nếu việc này không được, giải pháp cuối cùng cho bạn là viết một lá thư đến ban lãnh đạo công ty. Nhớ ghi rõ ngày giờ chính xác và tên tuổi những người liên quan, kèm theo lá thư của bạn là một bản sao hóa đơn.

* Mẹo cho người tiêu dùng:

Có hai mẹo nhỏ để tự bảo vệ mình khỏi những sai sót như thế: Đầu tiên, khi bạn đưa cho người bán hàng một tờ tiền mệnh giá lớn, như tờ 200.000 đồng hay 500.000 đồng, hãy nói lớn số tiền đó lên. Cách này sẽ giúp người bán hàng chú ý vào mệnh giá tờ tiền.

Tiếp theo, hãy quan sát màn hình khi người bán hàng đưa đồ của bạn qua mắt điện tử để kiểm tra giá. Đôi khi giá thật của mặt hàng không lưu chuẩn trên máy tính. Bạn không thể nhớ được giá của mọi món hàng, nhưng bạn có thể nhận ra những chênh lệch lớn của giá cả đối với một món hàng có giá trị thấp.

* Trẻ từ 9 đến 12 tuổi

Nhiều bậc cha mẹ mở tài khoản tiết kiệm cho con mình ngay khi đứa trẻ vừa chào đời. Những tài khoản đó, gọi là tài khoản giám hộ , được đứng tên chung giữa cha mẹ và đứa trẻ. Nếu bạn chưa mở tài khoản ngân hàng khi bé nhà bạn mới sinh thì giờ là thời điểm thích hợp để bạn làm điều đó.

Hãy liên hệ với ngân hàng của bạn – hầu hết ngân hàng khuyến khích hình thức “giao dịch ngân hàng chung”, có nghĩa là mọi số dư tài khoản của một gia đình sẽ được tính vào số dư tối thiểu ngân hàng đòi hỏi. Tài khoản của con bạn, dù nhỏ đến đâu, cũng nằm trong “giao dịch chung” đó.

Hiện tại, loại hình tài khoản tiết kiệm phổ thông nhất là tiết kiệm kê khai[9], nhưng nhiều ngân hàng vẫn cung cấp tài khoản sổ tiết kiệm. Tài khoản sổ tiết kiệm sẽ thú vị hơn với con bạn bởi lẽ cuốn sổ sẽ được đóng dấu mỗi khi có tiền ký gửi. Nếu ngân hàng của bạn chỉ cho phép tài khoản tiết kiệm kê khai, hãy cho trẻ xem tờ kê khai mà ngân hàng gửi về mỗi khi bạn nhận được.

Các con tôi mở tài khoản ở tuổi nhỏ hơn nhiều, song phần lớn là vì chúng thường theo chân tôi đến ngân hàng làm việc. Với nhiều cô cậu nhóc thì độ tuổi lên 4 lên 5 không phải là quá nhỏ để tìm hiểu về tài khoản tiết kiệm.

Với những trẻ nhỏ hơn, hãy cho chúng đi cùng anh chị lớn hằng tuần để gửi tiền, xác nhận tổng số dư và cùng tận hưởng niềm phấn khởi khi thấy số tiền lớn dần lên. (Xem Chương 5 để biết thêm chi tiết về ngân hàng.)

Sau niềm phấn khích ban đầu khi mở được tài khoản tiết kiệm đầu tiên, bạn có thể khơi mào một kế hoạch tiếp theo để củng cố niềm vui tiết kiệm của con trẻ.

Hãy cùng con bạn chọn một món đồ chơi, đĩa game hay một cuốn sách có giá không quá số tiền tiêu vặt trong 2 tuần của trẻ. (Nếu con bạn dưới 9 tuổi, hãy lưu ý việc “ghé thăm” món đồ chơi đó sau một tuần để duy trì sự thích thú). Sau 2 tuần, hãy thực hiện một chuyến đi đặc biệt với trẻ để mua món đồ. Hãy tỏ ra nhiệt tình và bày tỏ niềm vui trước khả năng tiết kiệm của trẻ.

Hãy tiếp tục phát huy từ thành công nhỏ ấy. Gợi ý trẻ tăng thời gian tiết kiệm lên 4 tuần để mua một món đồ đắt tiền hơn. Đặt mục tiêu một-tháng trong một thời gian, rồi tăng dần lên mục tiêu tiết kiệm trong hai tháng, rồi tăng thời gian tiết kiệm dài hơn nữa.

Nhìn chung với trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 3 đến 7, các món đồ mà chúng muốn mua chưa đắt bằng đồ chơi dành cho đứa trẻ ở tuổi lớn hơn. Nếu bạn tiến đến kế hoạch để trẻ tiết kiệm trong một tháng, và số tiền này đủ cho hầu hết các thứ đồ chơi trẻ muốn, hãy giữ khung thời gian tiết kiệm này một thời gian để duy trì thói quen tiết kiệm và tưởng thưởng.

Khi bạn đặt những mục tiêu tiết kiệm dài hạn hơn, rất có thể sau hai tháng nhóc nhà bạn sẽ không muốn những món đồ mà nó đã tiết kiệm tiền để mua nữa. Không sao cả! Và đây còn là một bài học quan trọng trong tiêu dùng: thời gian có thể đánh giá được mức độ mong muốn thực sự của chúng ta về một thứ gì đó.

* Trẻ từ 12 tuổi trở lên

Bạn có thể tham khảo phần cách quản lý ngân sách sắm đồ của teen, hay tổng số tiền bạn dành để chi cho con mỗi năm (chi tiết xem ở Chương 8.)

LÀM GÌ KHI TRẺ KHÔNG TỰ GIÁC TIẾT KIỆM

Giả dụ bạn đã ấn định cho nhóc nhà bạn một khoản tiền tiêu vặt hằng tuần (có thể hiểu đó như một khoản lương) để con làm một số việc nhất định trong nhà, rồi cũng bạn đã giúp trẻ tìm một nơi để cất tiền kiếm được; nhưng việc cất tiền vào quỹ, hay giữ tiền trong đó, là phương án không hiệu quả. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp này?

Rõ ràng là bạn đã có trong nhà một tay tiêu tiền. Đừng vội tá hỏa lên; vẫn còn rất nhiều biện pháp điều chỉnh và khuyến khích mà các bậc làm cha mẹ có thể dùng để sửa đổi hành vi cho trẻ. Có thể việc này sẽ không dễ dàng gì, dẫu vậy một tay ham tiêu tiền vẫn có thể học được cách tiết kiệm tiền.

Trước hết, hãy tìm hiểu lí do nhóc nhà bạn liên tiếp phải xài lẹm vào tiền tiết kiệm. Phải chăng một loạt những ngày sinh nhật của thành viên trong gia đình hay những ngày lễ (như ngày của Mẹ hay ngày của Cha,… chẳng hạn) đã bòn rút quỹ tiết kiệm của trẻ? Và nếu thế thì đó chỉ là một tình huống tạm thời. Hay có thể đó là những khoản chi vượt khung – tiền mua thêm giấy vở hay ăn thêm trong bữa trưa – mà không có trong dự toán.

Nếu trẻ phải móc tiền tiết kiệm để chi cho các khoản không lường trước đó thì tức là khoản tiền tiêu dùng hằng ngày của trẻ cần được điều chỉnh lại. Bạn nên trao đổi với con để xem có thể giải quyết như thế nào các khoản chi tiêu bất thường đó. Tuy nhiên, nếu nhóc nhà bạn bắt đầu ham mê với khoản tài chính mới được tăng lên của con, thì bạn, với tư cách là bậc làm cha mẹ, sẽ phải hành động thật nhanh.

Hãy nghĩ xem người lớn thường làm gì để tự khích lệ hay ép buộc mình phải tiết kiệm tiền. Với rất nhiều người thì biện pháp hữu hiệu là “xa mặt cách lòng”. Rất có thể cái hũ tiết kiệm của bé cần phải được chuyển vào một ngăn kéo hay ngăn tủ để tránh khỏi sự cám dỗ. Hay có thể bạn sẽ phải cất cái hũ đó vào tủ hoặc ngăn kéo của chính bạn để nó được an toàn.

Với những nhóc lớn hơn, bạn sẽ đóng vai ngân hàng. Hãy dùng một cuốn sổ nhỏ để ghi lại số tiền tiết kiệm của trẻ. Sau đó, mỗi khi con bạn muốn rút tiền tiết kiệm để làm gì đó, trẻ sẽ phải đến hỏi ý kiến bạn và thảo luận trước khi có thể lấy tiền.

Nếu sau khi trao đổi, bạn cho rằng trẻ không nên tiêu tiền vào việc đó, hãy đặt hạn một tuần để trì hoãn. Bởi lẽ rất nhiều người khi tiêu tiền đã gặp rắc rối với những quyết định mua sắm vội vàng, rất có khả năng sau một tuần con bạn sẽ quên đi món đồ muốn mua. Nhưng nếu sau đó trẻ không quên mà vẫn cứ nằng nặc xin tiền, và bạn vẫn cảm thấy đó là một khoản chi không hợp lí, hãy đoán xem ai thắng nào? Chính bạn, bậc làm cha mẹ, là người đưa ra quyết định sau cùng. (Chà, ai nói cuộc đời là công bằng cơ chứ?)

Đó là những điều chỉnh đơn giản. Còn đây là hai biện pháp quyết liệt hơn:

— Phương án “khấu trừ lương”

Với những “tay” tiêu tiền còn non nớt kinh nghiệm, cha mẹ có thể tính đến việc áp dụng một “phương án khấu trừ lương”, trong đó, bạn – vừa là phụ huynh lại vừa là “chủ lao động” – sẽ giữ lại một số tiền cố định mỗi tuần trích trong tổng số tiền tiêu vặt của trẻ. Sau một tháng, hãy cho trẻ thấy nó đã tích cóp được bao nhiêu và nhấn mạnh rằng tháng sau con số này sẽ còn tăng lên gấp đôi. Thông thường, viễn cảnh về một lưng vốn dồi dào sẽ biến trẻ trở thành một người tiết kiệm tích cực.

Với những trẻ lớn hơn và các nhóc tuổi teen, hãy xem xét phương án khuyến khích tiết kiệm dưới đây:

— Phương án tiết kiệm 401 (K)[10]

Phương án này áp dụng như nhau với cả trẻ con và người lớn. Hãy giải thích cho con bạn hiểu rằng cứ mỗi 10.000 đồng (hay bất kì số tiền nào bạn muốn) trẻ tiết kiệm được, bạn sẽ tặng thêm vào đó 10.000 đồng sau một khoảng thời gian do bạn quy định.

Đây sẽ là một phương án khích lệ dài hạn, hoặc được thực hiện trên ý tưởng từng kế hoạch một, ví dụ như khi bạn giúp con mua chiếc xe đạp hay xe máy đầu tiên.

Đừng quên nhấn mạnh với trẻ rằng hình thức này được hầu hết các chủ lao động coi là một khoản phúc lợi dành cho nhân viên của họ.

LÀM THẾ NÀO KHI CON TIẾT KIỆM QUÁ MỨC

Thật khó tin khi tiết kiệm quá mức cũng lợi bất cập hại hệt như chi tiêu không kiểm soát. Tuy nhiên, vì điều đó gây ra những hậu quả không tức thì và ít nhận thấy hơn, các bậc phu huynh có thể sẽ ít quan tâm đến việc điều chỉnh một đứa trẻ khăng khăng giữ tiền.

Những người chăm chăm vào mục tiêu giữ tiền thì về lâu dài cũng sẽ gặp rắc rối không kém gì những người tiêu xài bất chi kì vị.

Người tiết kiệm quá mức sẽ có khả năng trở thành một bậc thầy trong tránh né các khoản chi hoặc khiến người khác phải chi tiền cho mình. Kẻ chăm chăm giữ tiền sẽ khó tìm được đối tác (trong công việc cũng như hôn nhân) khi lớn lên.

Số người có thiên hướng tích trữ tiền bạc không nhiều, nhưng cũng không phải là chúng ta chưa từng nghe nói tới. Tôi có biết một vài người cùng lứa tuổi tôi và một vài trẻ nhỏ thuộc kiểu người này. Tôi nhớ một người anh họ dễ mến, anh sống ở gần nhà tôi và chúng tôi rất thích chơi cùng khi còn nhỏ. Doug luôn luôn tiết kiệm tiền cho những dịp đặc biệt; đây là điều rất đáng quý, trừ những khi chúng tôi muốn đi xem phim hay đi ăn kem vì Doug luôn từ chối do anh ấy không muốn xài đến tiền tiêu vặt. Anh tỏ ra rất cương quyết trước sức ép ghê gớm từ những người bạn là hai chị em tôi. Sau rốt, chúng tôi gần như luôn luôn phải bỏ tiền ra bao anh vì chúng tôi thích có Doug đi cùng, nhưng cách xử sự của anh không đẹp chút nào.

Đối với nhiều người bo bo giữ tiền, việc dành dụm không còn là một niềm vui thích tiết kiệm mà trở thành nỗi sợ phải chi tiền. Họ tin tưởng (một cách sai lầm) rằng những người tiêu tiền là xấu và người giữ tiền là tốt. Bạn thuộc kiểu nào trong việc tiêu/giữ tiền? Nếu bạn là người giữ tiền, bạn có thể sẽ củng cố một cách vô thức mối liên hệ giữa mọi sự tiết kiệm với đức tính tốt. Nếu bạn thiên về việc tiêu pha, bạn có thể sẽ làm trẻ hoang mang khi quá hăng hái giải thích về hành vi tiết kiệm.

Hãy chú ý tới những hành vi bất thường, và nói chuyện với con bạn về cảm nghĩ của trẻ khi bạn thấy có thể trẻ đã làm thái quá. Hãy giải thích với nhóc nhà bạn rằng chìa khóa của quản lý tài chính thành công chính là tìm được một sự cân bằng hợp lí giữa tiêu pha và tiết kiệm.

Triết lí của tôi ở đây là: Tiền bạc cho ta niềm vui! Ta sẽ không tiêu hoang cạn kiệt toàn bộ tiền lương mình có, nhưng kể cả khi thắt lưng buộc bụng nhất, tôi vẫn cố gắng dành ra dù chỉ một vài đô la để xài cho những việc tưởng như vớ vẩn nhất như bỏng ngô cho lũ chim bồ câu trong công viên hay chất tạo bọt cho nước tắm ưa thích của mình.

Hãy để mắt tới các dấu hiệu của một đứa trẻ bo bo giữ tiền. Câu thành ngữ “dành dụm cho ngày mưa” sẽ không còn là một khẩu hiệu suông cũ mèm đối với nhóc tì ham tiết kiệm nhà bạn nếu như vào một chiều mưa thứ bảy khi mọi người bị kẹt trong nhà, cả gia đình quyết định góp tiền làm một chuyến đi xem phim hay đi thuê phim về xem. Giờ đây, nếu nhóc nhà bạn vẫn khó khăn khi phải “chia tay” với tiền để dành, thì lời đề nghị thiện chí góp tiền với cả nhà sẽ trở thành một mối đe dọa bị moi tiền. Trong trường hợp đó, sự tế nhị chính là chìa khóa. Hãy lưu ý đừng khiến đề nghị thành lời đe dọa, và việc góp tiền biến thành một chiêu moi tiền. Thay vào đó, hãy chịu khó kiên nhẫn nhẹ nhàng với trẻ, nói chuyện với con bạn về việc cân bằng giữa tiết kiệm và chia sẻ, giữa sự thận trọng trong việc quản lý tiền và niềm vui thích.

Thực tế là tất cả chúng ta, trẻ nhỏ hay người lớn, đều có những phút giây chi tiêu bất kiểm soát và giữ tiền khư khư. Nó giống như là bạn “lỡ trớn” trong chế độ ăn kiêng: bạn sẽ mong rằng bản thân không làm gì ảnh hưởng xấu lắm cho chế độ ăn kiêng của mình, và rồi hôm sau bạn cố gắng quay trở lại ăn kiêng. Khi đó, cân bằng là từ ý nghĩa nhất đối với các bậc phụ huynh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.