Tiền Không Mọc Trên Cây
CHƯƠNG 3 KHI NÀO NÊN BẮT ĐẦU CHO CON TIỀN TIÊU VẶT
Các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ đã tranh luận từ thế hệ này sang thế hệ khác về ý nghĩa cũng như tác hại của việc cho trẻ nhỏ tiền tiêu vặt hằng tuần và, nếu có cho thì nên cho trẻ từ độ tuổi nào? Câu trả lời của tôi cho vấn đề nóng bỏng này là: “Có” và “Từ khi trẻ lên ba”.
Khi trẻ đã hiểu rằng Mẹ và Bố vào cửa hàng và mua các thứ bằng tiền, thì khi đó chúng đã sẵn sàng để bắt đầu tìm hiểu thêm về tiền bạc. Thông thường trẻ sẽ nhận thức được mối liên hệ giữa tiền bạc và mua sắm này từ khi còn nhỏ. Để kiểm tra, hãy hỏi nhóc nhà bạn: “Mẹ và Bố dùng tiền để làm gì trong cửa hàng nào?” Nếu trẻ đã hiểu rằng phải có tiền để được mang hàng hóa ra khỏi tiệm, thì có nghĩa rằng trẻ đã sẵn sàng bắt đầu học những kỹ năng quản lý tiền bạc tiếp theo đây.
Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn dạy con cách quản lý tiền bạc. Để làm được thế, trẻ phải có tiền thật trong tay để mà quản lý chứ. Thay vì đưa cho trẻ một đống tiền hoặc phát cho nó 20.000 đồng một lần, thì một khoản tiền tiêu vặt hằng tuần sẽ cung cấp cho cô hay cậu nhóc một nguồn thu nhập đủ để trẻ có thể học cách ra quyết định chi tiêu.
Tôi sẽ tập trung hơn vào riêng vấn đề số tiền tiêu vặt ở phần sau của chương này, nhưng nói chung, số tiền ấy cần phải đủ để các nhóc có thể thực hành tất cả các bài tập quản lý tài chính giúp trang bị cho tương lai của trẻ. (Cần nhớ rằng: nếu hồi nhỏ bạn nhận được 5.000 đồng tiêu vặt mỗi tuần thì nay số tiền đó sẽ không còn cho phép con bạn học được mấy về tài chính nữa!)
Vấn đề nóng hổi thứ hai về tiền tiêu vặt là có nên gắn số tiền định kỳ này với các công việc nhà hay không. Nên, nên, nên! Hơn nữa, khi dùng tiền tiêu vặt để dạy về quản lý tài chính thì khoản tiền hằng tuần này sẽ còn cho trẻ thấy được mối liên hệ giữa công việc (việc nhà) và tiền bạc (khoản tiền tiêu vặt), rõ ràng đây là một khái niệm quan trọng. Việc này không những cho thấy bọn trẻ rồi đến một lúc nào đó sẽ phải làm việc để kiếm tiền, mà qua việc phải tự kiếm tiền tiêu vặt cũng sẽ nhấn mạnh rằng bạn, cha mẹ chúng, cũng phải lao động vất vả để có tiền.
Trước khi đề cập đến số tiền cho con định kỳ là bao nhiêu, nên cho khi nào và ở đâu, hãy xem xét những quyết định mà bạn phải đưa ra với tư cách người làm cha mẹ trước khi bắt đầu cho con tiền tiêu vặt hằng tháng. Hoặc, trong trường hợp bạn vẫn đang cho con tiền tiêu vặt, thì bạn có thể tái cơ cấu việc này ra sao để cho phép trẻ có thể quản lý được những khía cạnh khác nhau của vấn đề tài chính.
NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CẦN CÓ CỦA PHỤ HUYNH TRƯỚC KHI CHO TRẺ TIỀN TIÊU VẶT
Dĩ nhiên có nhiều cách để dạy cho trẻ quản lý tiền bạc ngoài mô hình tiền tiêu vặt “kiếm ra – học lấy”. Chúng sẽ được đề cập đến ở phần sau của cuốn sách. Theo tôi, không gì ý nghĩa với trẻ bằng phương pháp thực hành quản lý tiền tiêu vặt.
Trước khi bắt đầu, bạn nên tự đặt cho mình những câu hỏi sau:
1. Mình có dư dả để cho con tiền tiêu vặt không? Con có thực sự cần nhiều tiền đến thế không?
2. Con mình đã đủ lớn để bắt đầu học về tiền bạc và trách nhiệm chưa?
3. Công việc vặt nào mình muốn gắn với việc chi trả tiền tiêu vặt?
CÁCH XÁC ĐỊNH SỐ TIỀN TIÊU VẶT ĐỊNH KỲ
Một khi bạn đã quyết định rằng một khoản tiền tiêu vặt định kỳ là một thứ giáo cụ đắc dụng và rằng con bạn – dù mới chỉ là một nhóc ba tuổi – đã sẵn sàng để bắt đầu “kiếm ra – học lấy”, bạn cần phải thiết lập một mức “lương” khởi điểm.
Với hai nhóc con tôi, tôi bắt đầu phát cho chúng tiền tiêu vặt khi chúng lên 3 và 6 tuổi. Tôi áp dụng một quy tắc cơ bản đơn giản sau: số tiền tiêu vặt cho các con sẽ là số đô la bằng đúng số tuổi của chúng. Tôi tiếp tục áp dụng quy tắc này khi bọn trẻ lớn lên.
Phản ứng đầu tiên của rất nhiều người: 3 đô la là quá nhiều với một nhóc tì 3 tuổi. Vậy hãy để tôi giải thích bạn và nhóc nhà bạn có thể làm những gì với số tiền này.
Có 3 nội dung căn bản của quản lý tài chính sẽ được ta bàn đến trong cuốn sách này. Tôi gọi đó là hệ thống S.O.S của mình. Nói một cách khái quát thì đó là:
1. Saving (Tiết kiệm): Một phần tiền tiêu vặt sẽ phải dành để cho cả mục đích tiết kiệm ngắn hạn (ví dụ để mua một món đồ chơi hay cho một chuyến đi chơi đặc biệt) lẫn dài hạn (để mua xe đạp hay đóng học phí đại học).
2. Offering (Ủng hộ): Đây là một phần tiền nhỏ được dành ra để quyên góp cho các tổ chức từ thiện hay cho những người kém may mắn hơn. Dù là số tiền nhỏ, song đây vẫn là một phương pháp đáng giá để cha mẹ dạy con về giá trị bản thân thông qua tiền bạc bằng việc cho trẻ thấy cách chia sẻ tài sản của mình.
3. Spending (Chi tiêu): Dựa vào dự toán bạn cùng lập với con, một phần tiền của trẻ sẽ dùng để chi cho các khoản phí cụ thể. Đó có thể với những đứa nhỏ là tiền ăn trưa hay vé xe buýt, cho đến toàn bộ tiền quần áo một năm đối với những nhóc tuổi teen sành điệu hơn. Tuy nhiên, ở mọi độ tuổi, cần phải có một khoản tiền quỹ riêng mà trẻ có thể chi tiêu tùy ý (với những giới hạn mà bạn đặt ra, ví dụ như cấm ngặt ma túy, không mua kẹo bánh, không mua vũ khí công phá tự động).
Hãy nghĩ đến những ưu tiên tài chính của chính bạn. Bao nhiêu phần trăm ngân quỹ của bạn dành cho tiết kiệm, để làm từ thiện, và để chi tiêu? Bạn muốn những ưu tiên của con sẽ tương tự hay khác biệt với của bạn? Chẳng hạn, bạn có muốn thấy trẻ để dành được nhiều hơn (tính theo tỉ lệ) khả năng của bạn? Nếu những mảng như tiết kiệm hay làm từ thiện quan trọng đối với bạn, bạn sẽ phải tăng tiền tiêu vặt định kỳ lên để nhóc có thể hoàn thành được các mục tiêu đó.
Chia sẻ với con bạn mọi biện pháp sử dụng tiền tích cực: dùng tiền cho những chi tiêu cấp bách như tiền ăn trưa; để vun đắp tương lai, như tiết kiệm tiền cho việc học đại học; và có thể chia sẻ với người khác để giúp họ trong hoàn cảnh thiếu thốn cần trợ giúp.
LÀM TỪ THIỆN
Làm từ thiện là một điều tôi luôn tâm niệm và là điều tôi thường xuyên nhắc nhở lũ trẻ nhà mình từ khi chúng còn nhỏ. Đây là một bài học có ảnh hưởng lớn tới trẻ nhỏ hoặc trẻ ở tuổi thiếu niên và đây lại là một cơ hội nữa để bạn truyền cho con các giá trị cá nhân của mình.
Đóng góp từ thiện có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức, từ việc cho một người vô gia cư ngoài phố ít tiền lẻ (đây là một bài học trực quan mạnh mẽ với trẻ, trẻ thấy được rằng rõ ràng trong xã hội còn có những người kém may mắn hơn mình), cho đến việc gửi tiền tới một tổ chức từ thiện mà bạn và con cùng chọn lựa. Có rất nhiều tổ chức từ thiện khuyến khích trẻ em quyên góp cho các trẻ em khác gặp hoàn cảnh khó khăn.
Phần quỹ “ủng hộ” này không nhất thiết phải giới hạn trong những tổ chức từ thiện truyền thống hay những cá nhân khó khăn. Biết đâu bạn và nhóc nhà bạn lại thích hướng tới những mục đích khác hơn, như bảo vệ môi trường hay hỗ trợ một tổ chức nghệ thuật địa phương chẳng hạn.
Hoặc bạn có thể quyên tiền cho những tổ chức từ thiện chung sẽ phân phát ngân quỹ tới nơi nào họ thấy cần giúp đỡ nhất; những tổ chức như thế bao gồm Hội chữ thập đỏ, Quỹ từ thiện cho bệnh nhân nghèo…
Hãy nhớ rằng làm từ thiện còn có nghĩa là cống hiến sức lực và thời gian cũng như tiền bạc của bản thân. Ví dụ, nhiều người tình nguyện bỏ thời gian làm việc ở những bếp ăn cho trẻ mồ côi hoặc cho bệnh nhân nghèo hoặc là đến đọc sách cho người mù. Nhóc nhà bạn cũng có thể tính đến chuyện quyên góp quần áo hay đồ chơi vẫn còn tốt của trẻ cho một mái ấm tình thương nào đó ở địa phương.
Đây sẽ là một chủ đề rất phù hợp để trao đổi bên bàn ăn vào buổi tối với con bạn. Hãy tìm hiểu mong muốn của trẻ. Bạn có thể sẽ phải bất ngờ với điều mà bạn khám phá được từ trẻ đấy!
MÔ HÌNH NGÂN QUỸ 4 – CHIẾC BÌNH
Đây là mô hình được tôi nghĩ ra vào thời điểm mới bắt bắt đầu làm việc với trẻ em và các gia đình; mô hình này đã nhận được sự ưa thích của các bậc phụ huynh và các nhà cố vấn tài chính trên toàn nước Mỹ. Và thực sự là nó mang lại hiệu quả! Các thói quen nếu được bắt đầu từ khi con bạn còn nhỏ thì chúng sẽ đi theo trẻ suốt cuộc đời. Bạn không cần phải giải thích với các nhóc tì nhà mình tại sao chúng phải đánh răng, và tương tự bạn cũng sẽ không phải giải thích tại sao món tiền tiêu vặt đầu tiên, cũng như mọi khoản tiêu vặt sau đó, lại được cho vào 4 chiếc bình (bạn có thể dùng phong bì, túi, hộp hay thậm chí tài khoản ngân hàng, nhưng những chiếc bình trong suốt là một sự hỗ trợ thị giác tuyệt vời, đặc biệt là lúc mới bắt đầu).
Và sau đây là cách thực hiện.
Trước hết, tiền tiêu vặt là thứ “phải làm mới có”. Bạn cần sắp xếp một loạt những công việc nhà (những việc rất đơn giản cho những đứa nhỏ, với những trẻ lớn hơn thì là những việc đòi hỏi nhiều trách nhiệm hơn).
Kế đến, tiền tiêu vặt được trao cho trẻ mỗi tuần một lần, vào một thời điểm nhất định (nghi thức là rất quan trọng). Hãy đảm bảo bạn có tiền mặt sẵn trong tay, với những tờ tiền mệnh giá thấp.
Thứ ba, tiền sẽ được chia vào bốn chiếc bình như thế này:
• Bình 1 dành cho Hoạt động từ thiện (các thành viên trong gia đình phải tự chọn hoạt động cho mình).
• Bình 2 là Tiền cơ động. Con bạn có thể tiêu món tiền này bất cứ khi nào trẻ muốn (tùy thuộc vào quy định của gia đình).
• Bình 3 là Tiền tiết kiệm trung hạn, tức là số tiền tích lũy có giá trị nhiều hơn Tiền cơ động trong một tuần.
• Bình 4 là Tiền tiết kiệm dài hạn. Với trẻ, về cơ bản đây là tiền đi học đại học.
Nào, giờ ta đi vào vài chi cụ thể tiết nhé.
Hãy xem xét đến từng bình một.
Đầu tiên là bình Từ thiện . Bình này chiếm 10% tổng số tiền tiêu vặt, vậy hãy đảm bảo cơ cấu tiền tiêu vặt ban đầu được thiết lập để có thể lấy ra 10% và sau đó chia số còn lại ra làm 3 phần. Chẳng hạn, ba đô la cho 1 đứa bé 3 tuổi ở Mỹ là thích hợp. 30 xu dành cho từ thiện, còn lại 90 xu chia đều cho mỗi bình kia.
Từ thiện là một khái niệm rất dễ giảng giải cho trẻ, chúng ý thức rất rõ rằng giúp người khác là việc tốt. Nhưng điều đó cũng không tự nhiên mà có… trẻ cần được chỉ bảo. Xin nói thêm rằng, chẳng có ý nghĩa gì khi bạn nói với trẻ, “Con không biết con may mắn thế nào đâu”, hay ôn nghèo kể khổ kiểu như “Hồi bằng tuổi con, bố phải đi bộ 10 dặm đến trường – cả đi về đều phải leo qua những quả đồi đấy.” Chẳng ai trong chúng ta hiểu được mình may mắn thế nào, nhưng khởi tạo một thói quen từ thiện là một cách để tự nhắc nhở mình. Ngoài ra, việc trò chuyện về những hình thức từ thiện khác nhau và giúp con bạn quyết định kênh mà nó muốn hỗ trợ là một cách tuyệt diệu để hiểu thêm về sở thích của trẻ.
Dĩ nhiên, với một đứa trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn, hay một nhóc tì còn lạ lẫm với mô hình bình đựng tiền, ý tưởng hợp lý cho giai đoạn đầu làm quen là quan sát cách chi tiêu, cho đến khi trẻ thực sự hiểu rằng 50 xu dành để cho vào hòm lạc quyên thì luôn nhất định phải đi vào hòm lạc quyên.
Tiền cơ động có thể chi cho bất kì thứ gì trẻ muốn… trong khuôn khổ những quy tắc của gia đình bạn. Nếu bạn không cho phép trẻ mua kẹo cao su hay sách truyện tranh thì Tiền cơ động sẽ không được tiêu vào những thứ đó. Ngoài ra, đó là tiền của con bạn.
Trẻ kiếm được khoản này nên trẻ có quyền chi tiêu.
Khi con trai tôi, Rhett, khi lên bốn tuổi, có lần nó đang đứng xếp hàng trước quầy thanh toán tại tiệm tạp hóa đợi để chi Tiền cơ động cho món bimbim yêu thích thì chứng kiến cảnh một bà cụ đứng phía trước mua một trái cam, hết 34 xu. Bà đếm tiền lẻ và nhận ra mình thiếu 5 xu. Rhett bèn tiến tới và nói nó sẽ chi giùm bà 5 xu đó.
“Con không phải làm thế đâu, con à,” bà cụ nói.
“Đây là tiền của cháu bà ạ,” nó quả quyết đáp. “Cháu lao động kiếm ra tiền, và cháu được quyền quyết định sẽ tiêu tiền vào việc gì mà.”
Hãy cùng con bạn lập một kế hoạch Tiết kiệm Trung hạn . Hãy đi ngắm các món đồ ở cửa hàng đồ chơi hay cửa hàng đồng giá hoặc trên Internet. Với một trẻ nhỏ, hãy giúp con chọn một thứ giá trị tương đương khoản Tiền tiết kiệm Trung hạn của 2 hay 3 tuần. Bạn đang dạy trẻ về phần thưởng bị trì hoãn, đồng thời bạn cũng đang dạy con mình về phần thưởng – và 3 tuần là một khoảng thời gian dài với trẻ ở tuổi lên ba. Khi trẻ lớn hơn, hãy đặt những mục tiêu nhiều tham vọng hơn. Bạn có thể cắt một tấm hình món đồ trẻ muốn mua từ tờ tạp chí, hay in ra từ trên mạng, rồi dán vào chiếc bình để tạo động lực.
Tiền tiết kiệm Dài hạn cho trẻ một ý niệm về đầu tư cho tương lai của chính nó. Bạn còn nhớ bài thực hành bạn và trẻ cùng tra trên Internet để tìm hiểu về lãi suất kép chứ? Đến khi bạn chuyển khoản Tiền tiết kiệm Dài hạn từ một chiếc bình sang một tài khoản ngân hàng rồi sau cùng là vào những khoản đầu tư, thì nó sẽ không chỉ là một bài thực hành nữa – đó chính là cuộc sống thực tế rồi đấy.
VIỆC NHÀ VÀ TIỀN TIÊU VẶT
“Làm thì được trả công” được định nghĩa là công việc vặt ngoài những việc đương nhiên mà trẻ phải làm . Con bạn cần hiểu được chúng ta là một gia đình, chúng ta đều là công dân trong ngôi nhà này, và một vài việc nhà là việc của “Công dân Gia đình”. Ta sẽ phải tham gia giải quyết những việc đó.
Không có một quy luật cứng nhắc nào quy định đâu là việc của “Công dân Gia đình” và đâu là việc “làm thì được trả công”. Giữ đồ chơi gọn gàng có thể là một việc của “Công dân Gia đình”, nhưng một số công việc chung khác cũng nên xếp vào việc được “trả lương”, chẳng hạn phụ giúp dọn bàn sau bữa ăn. Ngoài ra, tôi cho rằng những thứ “làm thì được trả công” là những việc cụ thể được giao cho trẻ hằng tuần để kiếm tiền tiêu vặt. Đó không bao hàm những công việc nảy sinh tự phát, như giúp mang đồ ra khỏi xe sau chuyến mua sắm, hay nghe giúp điện thoại trong lúc bạn đang tắm.
Có những thứ không bao giờ được phép trả tiền cho con bạn. Đừng cho một đứa trẻ tiền vì nó đánh răng, được điểm tốt, hay đi ngủ đúng giờ.
Đầu tiên cần giúp trẻ hiểu rõ khi bắt đầu cấp cho con tiền tiêu vặt: đây không phải một chương trình trợ cấp. Bạn có thể tìm những từ đơn giản hơn để giải thích, hay bạn có thể cứ dùng cụm từ đó – trẻ con rất thích học những cụm từ mới như “chương trình trợ cấp”. Bố mẹ không nợ con cái tiền chi tiêu. Khoản tiêu vặt là tiền đứa trẻ tự kiếm được bằng cách là một thành viên chăm chỉ, biết đóng góp cho gia đình.
LÀM NGƯỜI CÔNG DÂN GƯƠNG MẪU
Cũng như một quốc gia, các gia đình vận hành dựa trên khái niệm về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Chúng ta cùng chung sống trên một hành tinh, một đất nước, một cộng đồng… và trong một gia đình. Những công dân tốt luôn cố gắng làm trọn bổn phận của mình để những tổ chức ấy tốt đẹp hơn lên cho tất cả mọi người. Dưới đây là một vài ý tưởng về bổn phận công dân.
• Để đào tạo trẻ trở thành các công dân trên hành tinh này, hãy đảm bảo con bạn hiểu về những vấn đề môi trường, và mỗi người chúng ta có thể làm gì để giảm bớt lãng phí và ô nhiễm.
• Để đào tạo trẻ trở thành các công dân quốc gia, hãy nói chuyện với con bạn về những vấn đề thời sự. Giải thích cho các nhóc hiểu thế nào là bầu cử. Cho trẻ biết lập trường chính trị của bạn, nhưng cũng đồng thời cho trẻ biết về những quan điểm khác mà những người thiện ý có thể không đồng tình.
• Để đào tạo trẻ trở thành một công dân của cộng đồng, hãy đưa trẻ đi cùng bạn làm tình nguyện giúp đỡ những người khó khăn, hay cùng tham gia làm đẹp cảnh quan môi trường.
• Và để đào tạo trẻ trở thành một công dân gia đình, hãy chắc chắn con bạn hiểu được rằng tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm làm ngôi nhà của mình đầm ấm hơn, gọn gàng hơn và là nơi đáng sống hơn.
Dưới đây là một vài câu trắc nghiệm về Công dân trong Gia đình dành cho con bạn:
Việc của ai?
1. Nếu con làm đổ thứ gì đó ra phòng ngủ, ai sẽ là người lau dọn?
a. Con.
b. Mẹ.
c. Cô giúp việc.
d. Cún (Ờ, thỉnh thoảng, nếu con gặp may).
2. Sau khi ăn xong, con sẽ:
a. Tráng đĩa rồi cho vào bồn rửa.
b. Để đĩa đấy cho Mẹ.
c. Đập đĩa đi – ai cần đĩa dùng rồi chứ?
d. Để đĩa đấy cho cún. (Ờ, có thể, nhưng rồi con vẫn phải cầm đĩa lên và cho vào bồn rửa).
3. Con làm gì với áo khoác của mình mỗi khi về nhà?
a. Treo vào tủ hay treo lên giá.
b. Để đó cho Mẹ.
c. Mặc suốt buổi tối, cả lúc đi ngủ.
d. Quẳng lên sàn, biết đâu cún muốn mặc áo thì sao.
4. Sau khi xem TV xong, con sẽ:
a. Tắt TV đi.
b. Cứ để TV mở thật to – ai biết lúc nào Mẹ lại muốn xem chương trình yêu thích chứ.
c. Xoay TV vào tường.
d. Cứ để TV đó cho cún xem.
5. Nếu con bật đèn khi vào phòng:
a. Con sẽ tắt đi lúc ra khỏi phòng.
b. Cứ để đó cho Mẹ – ai mà biết, hình như mẹ sợ bóng tối thì phải.
c. Con cứ để đó vì chẳng ai chỉ con cách tắt đi cả.
d. Cún sẽ tắt sau.
LÀM THÌ ĐƯỢC TRẢ CÔNG
“Làm thì mới được trả công” là một câu được hiểu chính xác theo nghĩa đen. Nhóc nhà bạn sẽ phải làm tất cả phần việc của mình, nếu không thì khỏi lĩnh tiền tiêu vặt tuần đó. Và không có chuyện chia việc, không thương lượng, không có chuyện mặc cả “Con đã làm hết nửa phần việc rồi thì có được nửa tiền không?”. Bạn sẽ nhận thấy một khi trẻ bỏ qua công việc một tuần và không được tiền tiêu vặt, điều này sẽ ít có khả năng tái diễn – nhất là khi bạn từ chối những lời “con muốn, con muốn” của trẻ mỗi lần đi siêu thị.
Như vậy có quá nghiêm khắc không? Rất thú vị là trẻ con lại không thấy thế. Nếu đã quen với một quy tắc, chúng sẽ lấy đó làm tự hào, đó cũng là điều huấn luyện viên Joe Paterno[11]của đội tuyển bóng bầu dục Penn State đã nhận ra khi ông cấm các cầu thủ của mình đính sao vàng lên mũ sau mỗi trận chơi tốt như các đội bóng trường khác thường làm. Quan điểm của Paterno: xuất sắc là điều bắt buộc. Và rồi, sau một trận thắng quan trọng, ông nói với các cầu thủ rằng ông sẽ nới lỏng nguyên tắc và cho phép họ trang trí mũ, thì ông được đáp lại rằng, “Thầy đùa đấy hả thầy? Chúng ta là tuyển thủ Penn State mà. Chúng ta phải xuất sắc”.
Hay đó cũng là điều mà Oprah Winfrey[12] đã nhận ra, khi con trai Rhett của tôi, lúc đó lên bảy, giảng giải về phương thức này trong chương trình truyền hình của cô, “Ý cháu muốn nói là thậm chí cháu không được trả công một phần vì đã làm một phần công việc ư?” Oprah thốt lên, “Nghe có vẻ không công bằng nhỉ.”
Rhett với chiều cao 1 mét đã bật thẳng người dậy sôi nổi đáp, “Để cháu giải thích cho cô rõ, thưa cô Oprah. Cô không thể làm một phần chương trình truyền hình và nhận một phần cát-sê được. Cô biết trong thực tế cuộc sống chuyện đó sẽ như thế nào mà, cô Oprah. Không làm thì không có lương!”
ÐẶT RA MỘT PHƯƠNG THỨC LÀM VIỆC
Một lần nữa, tương tự như khi bạn thực hiện với những chi tiêu của trẻ, hãy ghi ra những việc con bạn hiện đang làm. Sau đó, suy nghĩ xem còn những nhiệm vụ nào nữa bạn cảm thấy trẻ có thể làm khi mà giờ đây nó đã “được trả công để làm việc”.
Kinh nghiệm của tôi là nếu bạn cho phép trẻ chọn một vài trong số những việc phải làm thì về lâu dài sẽ hiệu quả hơn. Với các con tôi, tôi giao 2, 3 việc bắt buộc và rồi chúng được chọn một việc nhà nữa trong một danh sách tôi đã soạn. (Danh sách bao gồm những việc như quét phòng khách, buộc báo cũ lại thành bó gọn ghẽ, dọn tất cả những thùng đựng giấy rác trong nhà). Cho trẻ góp phần vào việc đưa ra quyết định, như vậy sẽ khiến nó tham gia năng động và nhiệt tình hơn.
Nếu nhà bạn có nhiều hơn một nhóc và chúng sàn sàn tuổi nhau, bạn có thể đôi khi thử xoay vòng công việc. Chiêu xoay vòng việc này có tác dụng phòng tránh phân hóa giới tính trong công việc. Nói cho cùng, con gái cũng phải biết đi đổ rác và con trai cũng hoàn toàn đủ khả năng trộn salad cho bữa tối!
Cần phải có những sự linh hoạt đối với cả hai bên. Chẳng hạn như, việc của trẻ là quét bụi đồ đạc trong phòng khách vào các ngày thứ Bảy trước khi nhận tiền tiêu vặt; tuy nhiên, thử hình dung tuần đó bạn tổ chức một bữa tiệc vào tối thứ Sáu và cần căn nhà sạch bong. Bạn phải làm gì nào? Hy vọng rằng bạn có một “nhân công” biết hợp tác giúp bạn làm cho kịp thời hạn.
Mặt khác, có thể theo đúng quy định thì con gái bạn phải quét nhà vào sáng thứ Bảy, nhưng cô bé lại muốn đến nhà ông bà ngoại vào cuối tuần. Giờ tới lượt phụ huynh phải thông cảm với trẻ thôi.
Tuy nhiên, trách nhiệm của trẻ khi đó là phải thông báo lại với bạn trong trường hợp nó thấy không thể hoàn thành công việc đúng hạn. Nếu, với bất kì lí do nào trừ bị ốm hay có những kế hoạch đột xuất ở trường, mà trẻ không thể hoàn thành việc được giao đúng hẹn, thì nó cần phải thảo luận đưa ra một cái hạn mới với bạn.
Nếu vấn đề sai hẹn hoàn thành nhiệm vụ bắt đầu thường xuyên tái diễn, thì cha mẹ cần phải đánh giá lại tình hình. Phải chăng con đang ôm đồm nhiều trách nhiệm quá khả năng của trẻ? Con không sắp xếp nổi thời gian để hoàn thành công việc? Hãy cùng bàn với con bạn để đưa ra những điều chỉnh cần thiết. Có thể là trẻ sẽ làm ít việc đi và nhận ít tiền hơn. Song mọi sự trừng phạt đều nên đánh vào tài chính: Không làm, không lương. Đây không phải tình huống mà đứa trẻ phải bị nhốt trong phòng hay bị cấm xem TV.
Hãy trao đổi với con xem nếu việc nhà không được hoàn thành trước hạn trả lương đã định thì sẽ thế nào. Tôi giải quyết mỗi tình huống mới bằng cách tự hỏi mình: “Người chủ lao động sẽ xử lý việc này thế nào một cách công bằng với người lao động?” Cách này giúp tôi tìm ra một giải pháp mà qua đó tôi có thể giảm bớt công việc xuống để phù hợp với con mình.
Một gợi ý là làm Phiếu Việc nhà chuyên nghiệp dán lên cửa tủ lạnh. Tờ phiếu có thể như thế này:
PHIẾU VIỆC NHÀ
— Công việc:
Quét bụi đồ đạc phòng khách
Thay ổ cho mèo
Lau kính cửa sổ
— Việc được giao cho: Kyle Godfrey-Fraebel
— Hạn hoàn thành: Trưa thứ Bảy
— Hoàn thành: ____ Chưa hoàn thành: ____
— Trả lương: (ngày ………………….)
Cần nhớ rằng một ông chủ khôn ngoan sẽ biết khi nào nên nâng người làm công cho mình lên một mức độ công việc khó hơn. Một nhóc bốn tuổi có thể chỉ biết làm những việc quét tước đơn giản; trẻ chín tuổi có thể thực hiện được những việc đòi hỏi sáng tạo và phức tạp hơn như nấu nướng hay dọn cỏ cho sân vườn.
Các con tôi thỉnh thoảng cũng đổi việc cho vui, và, trong nhiều dịp chúng còn phối hợp làm cùng với nhau để nhiệm vụ được hoàn thành sớm hơn. Miễn là nhiệm vụ được hoàn thành, tôi thấy không có vấn đề gì với bất kì thương lượng sáng tạo nào giữa bọn trẻ.
CẮT NGHĨA TIỀN TIÊU VẶT VỚI TRẺ
Nào, với bốn chiếc bình đã có, giờ là lúc thích hợp để bạn giải thích dự án mới rất “người lớn” và hấp dẫn này cho con bạn rồi đó. Hãy bắt đầu bằng cách mô tả về tiền tiêu vặt, và lí do bạn nghĩ trẻ đã sẵn sàng bước vào thế giới đầy lí thú của tiền bạc.
TIỀN TIÊU VẶT: Tiền cha mẹ cho con hằng tuần như một khoản trả công vì đã là một thành viên biết lao động trong gia đình.
Bạn cũng có thể nói thêm rằng kể cả người lớn đôi khi cũng cần một khoản tiền tiêu như thế. Người lớn có thể cần tiền sắm quần áo, tiền đi mua hàng hóa thực phẩm, và thậm chí tiền tiêu xài nữa.
AI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO TỪNG KHOẢN CHI TIÊU CỤ THỂ?
Câu hỏi này sẽ xuất hiện, và không chỉ một lần, về việc ai sẽ trả tiền cho những chi phí bất thường nảy sinh liên tục trong thực tế cuộc sống. Rất tiếc là không có một quy tắc nhất quán nào cho điều này cả. Nếu, nói ví dụ, cậu con trai tôi đột nhiên cần 11 đô la cho chuyến đi đến buổi triển lãm tranh Monet cùng với cả lớp, tôi sẽ rất khó từ chối. Còn nếu như đôi giày của nó mới chỉ hơi sờn, đã lỗi mốt song vẫn còn dùng được, tôi có thể nói “không” với ít khó khăn hơn nhiều.
Giờ đây nhóc cấp 1 nhà bạn đã có tiền của riêng nó, đôi khi trẻ sẽ bộc lộ xu hướng sở hữu số tiền đó. Các bậc cha mẹ sẽ không muốn làm cụt hứng bất kì mong muốn tiết kiệm mãnh liệt nào của trẻ, nhưng hãy nhớ rằng khoản tiền tiêu vặt được lập ra để trang trải một phần những khoản chi tiêu.
Dưới đây là bảng thống kê Nguồn Thu nhập bổ sung, bảng này chỉ ra trẻ sẽ phải đạt những cấp độ tự chủ tài chính nào ở từng lứa tuổi khác nhau:
NGUỒN THU NHẬP
Từ 3 đến 9 tuổi: Tiền tiêu vặt.
Từ 10 đến 15 tuổi: Tiền tiêu vặt cộng thêm tiền làm việc ở ngoài (trông trẻ, làm vườn…)
Từ 16 tuổi trở lên: Tiền làm thêm ngoài của các cô/cậu thiếu niên sẽ dùng để chi trả cho những khoản như gặp gỡ bạn bè, tiền xăng xe. Những nhu cầu căn bản vẫn được cha mẹ cấp cho vào một tài khoản do con chịu trách nhiệm.
Thêm vào đó, cha mẹ cũng nên có những việc vặt có thể cho con làm nếu trẻ muốn kiếm thêm tiền tiêu vặt, giống như người chủ cho phép nhân viên của mình làm thêm giờ. Với những trẻ nhỏ, việc này có thể là bó báo cũ lại thành chồng để tái chế hay tổng vệ sinh nhà cửa. Những trẻ lớn hơn có thể giúp những việc thường kì có quy mô hơn như rửa xe, dọn dẹp nhà kho. Hãy lập một danh sách những việc không cấp bách bạn cần giải quyết với khoản tiền “thêm giờ” trẻ sẽ nhận được, và dán danh sách đó lên tủ lạnh. Và khi con bạn hỏi xin một đôi giày tốt hay tiền đi trượt patin với bạn bè, hãy nhắc nhở trẻ về danh sách đó.
Rất nhiều bậc phụ huynh thấy cách bổ sung thu nhập cho con như trên có lợi cho cả hai bên. Mẹ tôi đã áp dụng phương pháp này rất thành công với ba cô con gái của bà và thậm chí bà còn cho tiền trước khi chúng tôi hứa sẽ hoàn thành công việc vào một ngày cụ thể. Bạn hãy xem cách này có hợp với nhóc nhà bạn không nhé.
Nhưng cần nhớ, những việc làm bổ sung này chỉ ở mức đó thôi – chỉ là công việc bổ sung. Chúng không thay được việc nhà thường ngày và chúng sẽ không được dùng tới chừng nào những việc thường ngày và những việc của một Công dân Gia đình chưa được hoàn thành.
LỖI HỆ THỐNG
Những hệ thống hoàn hảo nhất cũng có những trục trặc. Có một vài lỗi hệ thống mà mọi người trong hội thảo của tôi đã phản ánh lại với tôi, và sau đây là những giải pháp tôi đã đưa ra để giải quyết.
* Lỗi do không đủ tiền lẻ
Đó là tối thứ Sáu – lúc tôi phải cấp tiền tiêu vặt cho tụi nhóc – nhưng tôi không có đủ số tiền lẻ để chúng cho vào 4 chiếc bình. Tôi biết việc này quan trọng, nhưng với quá nhiều công việc phải chạy đôn chạy đáo và quá nhiều thứ khác phải suy nghĩ, thỉnh thoảng tôi cũng quên.
Bạn biết rõ số tiền cần đưa cho trẻ hằng tuần… vậy hãy lên kế hoạch trước. Mỗi tháng, hãy chuẩn bị đủ số tiền giấy và tiền xu mà bạn sẽ phát cho trẻ trong vòng 1 tháng và cho vào những phong bì nhỏ để sẵn ở ngăn bàn hay trong tủ bếp. Và rồi cũng như giấy vệ sinh – khi bạn thấy chỉ còn những cuộn cuối cùng trong nhà, thì bạn biết rằng đã đến lúc phải mua thêm về dự trữ.
* Lỗi từ ông bà
Khi tôi vừa bắt đầu nghĩ mình đã khiến bọn trẻ hiểu về dự thảo ngân sách và biết cân nhắc kĩ trước khi quyết định tiêu khoản Tiền cơ động của chúng, và biết lên kế hoạch trước cho mục tiêu Tiết kiệm trung hạn, thì bố tôi xuất hiện, đưa chúng xuống khu mua sắm, và bỗng nhiên, tiền… từ trên trời rớt xuống đầu bọn nhóc thật. Chuyện xảy ra tương tự với mẹ chồng tôi. Liền sau đó, chính họ là những người lên lớp cho tôi trước về “bọn trẻ bây giờ” và bảo tôi “con của con biết thế nào là kỉ luật”.
Chà, hầu hết chúng ta không đến mức sẽ “lên lớp” lại bố mẹ mình – hay tệ hơn, bố mẹ vợ/chồng mình. Nhưng vẫn có những giải pháp bạn có thể áp dụng. Hãy mua cho bố mẹ bạn cuốn sách này và đề nghị họ đọc, bao gồm – hoặc đặc biệt là – chương này. Và nói chuyện với các bậc phụ huynh xem họ nghĩ trẻ con nên được nuôi dạy ra sao và họ muốn có những đứa cháu như thế nào. Hãy nhắc bố mẹ rằng với các cháu thì ông bà là những người tuyệt nhất thế giới, và bọn trẻ thích cùng chơi với ông bà hơn là muốn có những món đồ. Thay vì đến khu mua sắm, sao ông bà không cùng nướng bánh với bọn trẻ nhỉ? Hoặc dạy các cháu cắm hoa. Lấy một ít bánh mì cũ và cùng ra hồ cho lũ cá ăn. Hay là dạy chúng cách sử dụng các dụng cụ trong nhà kho. Một người ông mà tôi biết thường đưa đứa cháu năm tuổi đến các triển lãm tại phòng tranh thành phố. Hai ông cháu trò chuyện với nhau về những tác phẩm họ thích và những tác phẩm họ không thích, cùng thốt lên nhiều từ đầy ngạc nhiên, thích thú và cùng có một khoảng thời gian rất tuyệt vời bên nhau.
* Lỗi từ chồng/vợ
Tôi đã trao đổi về Mô hình Bình đựng tiền và các việc Làm-Thì-Được-Trả-Lương với chồng tôi, và anh ấy cũng đồng tình – anh ấy nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời. Nhưng anh ấy lại làm ngược lại. Chồng tôi biết rằng cháu 6 tuổi nhà chúng tôi có nhiệm vụ cho chó ăn mỗi sáng, nhưng đôi khi anh ấy không chịu khó chờ cho đến khi Jake làm việc đó, nên cứ tự làm lấy công việc này – và rồi tôi phải làm gì với chuyện Không làm, không lương đây? Jake nói nó đang định làm nhưng bố đã không cho nó cơ hội thực hiện nhiệm vụ, và tôi biết nếu bình thường thì thằng bé cũng sẽ làm công việc được giao thôi; tôi cảm thấy mình quả là tàn nhẫn nếu cứ chiếu theo luật mà làm, và nếu không làm như thế thì có vẻ tôi lại trở thành một người quá ngây thơ.
Đôi khi bạn cần phải điều chỉnh luật lệ cho phù hợp với gia đình mình, chứ không phải điều chỉnh gia đình mình theo luật lệ. Nếu người bố không thoải mái chừng nào chú chó chưa được cho ăn lúc 7 giờ sáng, vậy thì đừng xếp việc cho chó ăn vào nhiệm vụ của trẻ. Còn rất nhiều việc khác để giao cho con bạn cơ mà.
Điều quan trọng là bạn dạy trẻ về trách nhiệm và các giá trị. Nếu chồng bạn đồng ý và nhất trí làm theo phương pháp này, nhưng anh ấy lại hơi bị ám ảnh bởi một số việc nhà nhất định, hai người có thể cùng dàn xếp. Làm sao để trẻ có công việc vặt để làm và cần chắc chắn rằng chồng bạn không giành lấy những nhiệm vụ ấy và làm mất phần của trẻ, đồng thời cần bảo đảm anh ấy ủng hộ những quy tắc mà hai người cùng thấy thoải mái.
* Lỗi từ chồng/vợ cũ
Cái lão # ($*& &#@ing #*@%#*!!!!
Chà, thực ra có lẽ vấn đề cũng không tệ đến mức đó. Nếu bạn và “người cũ” vẫn còn liên lạc với nhau, hãy mua cho anh/cô ấy cuốn sách này, và cũng có thể bạn nên ngồi xuống nói chuyện về vấn đề này sau khi người đó đọc xong nội dung sách. Con bạn cũng là con của người ấy, nên anh/cô ấy hẳn là cũng mong muốn chúng lớn lên được khỏe mạnh và sống có trách nhiệm.
Còn nếu người đó cứ khăng khăng làm ngược lại cách bạn đang áp dụng trong việc dạy con mình, thì cách duy nhất là bạn hãy nói với bọn trẻ, “Nhà của mẹ/bố và luật của mẹ/bố. Vậy nên tại đây chúng ta sẽ thực hiện theo cách này.”
* Lỗi phát sinh ngoài dự tính
Lũ trẻ nhà tôi phải dọn bàn ăn mỗi tối như là một trong những việc làm thì mới được trả công của chúng. Nhưng nhiều lúc chúng tôi quá bận và tạt vào ăn một bữa tối nhanh ngoài tiệm giữa giờ chơi bóng, giờ tập múa ballet và giờ làm bài tập về nhà của trẻ. Không phải lỗi của tụi nhỏ khi chúng không thể dọn bàn.
Trong trường hợp đó hãy đánh một dấu “O” trong bảng việc nhà của bọn trẻ và cứ chấm công chúng vì đã làm việc. Bạn không có cớ gì để phạt các con cả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.