Đừng Kết Hôn Trước Tuổi 30
Chương 2. Hãy tống khứ cái ảo tưởng về hôn nhân do xã hội này tạo ra xuống địa ngục
“Tôi cho rằng, nếu mỗi người trong chúng ta có một trái tim bình đẳng, tự do và có tôn nghiêm, thì cuộc sống này sẽ tốt hơn rất nhiều.”
— Quách Kiến Mai
Tôi tin vào tình yêu, tin vào hôn nhân; tôi lấy được một người đàn ông lý tưởng, chúng tôi sống rất hạnh phúc. Tôi hy vọng bạn cũng có được tình yêu, và nếu bạn hướng đến hôn nhân, tôi hy vọng bạn cũng có thể lấy được một người đàn ông lý tưởng, sống hạnh phúc với anh ấy. Vì bạn, tôi phải phá vỡ sự hão huyền giả tạo về hôn nhân của xã hội này.
Xã hội này vừa vô tình làm tổn hại đến cuộc sống của những phụ nữ độc thân, vừa mỹ miều hóa hôn nhân đến tột đỉnh. Cho dù cuộc hôn nhân của chúng ta tốt hay xấu, chồng của chúng ta có chung thủy hay không, điều chúng ta cần là phải thực sự tin tưởng, hôn nhân phải dựa trên tất cả ước mơ, khát vọng và theo đuổi của chúng ta.
Đây chính là những ảo tưởng về hôn nhân của xã hội chúng ta:
Hôn nhân là một sự trải nghiệm đầy sức cuốn hút và có tác dụng cải tạo, là mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc sống. Là một phụ nữ, bạn có thể tìm được cảm giác an toàn vĩnh cửu từ cuộc hôn nhân của mình. Trước khi kết hôn, chúng ta hy vọng bản thân là tất cả của đối phương, giờ đây chúng ta thực sự trở thành tất cả của nhau. Hôn nhân khiến cho bạn trở nên hoàn hảo. Kết hôn rồi, bạn sẽ vĩnh viễn không còn cô đơn nữa.
Quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời
Khi chưa có bạn trai, người ta sẽ hỏi bạn rằng: “Vì sao vẫn chưa có bạn trai vậy?” Đợi đến khi có bạn trai rồi, họ lại hỏi bạn: “Lúc nào hai người sẽ làm đám cưới?” Đến khi đã kết hôn rồi, họ vẫn còn hỏi: “Đến lúc nào hai người mới định sinh con?”
Cho nên vừa mới hẹn hò, dù chỉ hơi thích người đàn ông này một chút thôi, bạn vẫn sẽ cố gắng phát triển mối quan hệ ấy, bạn bắt đầu truy vấn anh ta: “Anh thấy thế nào về tương lai của chúng ta?” “Anh muốn có con không?”, bạn cùng anh ta hẹn hò vài tháng, có thể còn sống thử với anh ta, thậm chí đến lúc hai người lấy nhau rồi, trong lòng bạn đều biết rất rõ rằng: Anh ấy khác rất xa so với người đàn ông lý tưởng của bạn.
Rốt cuộc bạn muốn kết hôn là vì nguyên nhân gì? Vì bạn bè của bạn đều đã kết hôn? Hay vì bị xã hội này dồn ép đến mức thấy mình cần phải kết hôn? Hoặc vì bạn không muốn làm đối tượng soi mói cho các bạn gái và những ông chồng của họ nữa? Tất cả những lý do này hoàn toàn không liên quan gì đến người đàn ông mà bạn muốn lấy, nhưng nó lại dự báo một tương lai bất hạnh – Trong mối quan hệ của hai người, nếu không để chừa ra một khoảng không gian riêng tư, thì bạn và anh ấy sẽ vẫn mãi cô đơn.
Xã hội nói với bạn rằng: Không ai là hoàn hảo, cho nên hãy hạ thấp tiêu chuẩn, tìm được ai thì nên lấy người đó thôi! Còn nữa: Kết hôn giống như mua bảo hiểm, nhỡ đâu sau này không tìm được người tốt hơn thì làm sao? Thế nhưng, hôn nhân hoàn toàn không đơn giản chỉ là mua bảo hiểm. Nếu bạn đồng ý hạ thấp tiêu chuẩn, có nghĩa rằng bạn sẽ trở thành kẻ đuổi theo đức tin “Không tồn tại tình yêu đích thực”. Và trong cuộc đời người phụ nữ, không có một đức tin nào hiểm độc và có sức hủy hoại hơn cái thứ đức tin này. Lấy ai là quyết định quan trọng bậc nhất trong suốt cuộc đời của bạn.
Và nếu chúng ta chấp nhận kết hôn kiểu như vậy, thì khác gì với việc chúng ta đang thỏa hiệp và góp sức tạo nên một xã hội đầy rẫy những cuộc hôn nhân không tình yêu và những mối quan hệ ngoài luồng? Chúng ta cũng bắt đầu tin rằng, dù hôn nhân đa phần khiến người ta kiệt sức thì đó vẫn là cuộc sống tốt nhất mà chúng có thể đạt được, thậm chí khi chồng lên giường với người đàn bà khác, chúng ta vẫn cố giữ niềm tin đó. Và hạ thấp tiêu chuẩn của mình còn truyền cái đức tin hôn nhân không tình yêu sang đời kế tiếp.
Chúng ta tiếp nhận những ảo tưởng về hôn nhân, nhưng lại có rất nhiều người chưa bao giờ được sống trong cái ảo tưởng tốt đẹp đó. Ví dụ như ở Mỹ, do tỷ lệ kết hôn muộn và ly hôn cao, nên lần đầu tiên trong lịch sử, tỷ lệ những gia đình chính thức kết hôn giảm xuống còn ít hơn một nửa. Năm 1950, số lượng gia đình chính thức kết hôn chiếm 78% trong tổng số các gia đình, đến năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 48%. Năm 1950, trong tổng số các gia đình chỉ có 9% là người độc thân, nhưng hiện nay tỷ lệ này đã lên tới 28%.
Xu thế này sẽ tạo nên ảnh hưởng sâu sắc ở xã hội Mỹ, hiện tại chúng ta vẫn chưa thể biết được. Trong lịch sử nước Mỹ, đây là lần đầu tiên, cuộc sống của đại đa số phụ nữ không có sự tồn tại của một ông chồng.
Còn ở Trung Quốc, xu thế ly hôn càng phát triển nhanh hơn. Khi kết hôn, không ai có thể nghĩ đến tương lai sẽ có một ngày hai người quay ra oán hận nhau, và trong số những người sinh sau năm 1980 ở Trung Quốc, đây thực sự là hướng đi của đa số các cuộc hôn nhân. Theo báo cáo của Ủy ban Dân chính trung ương Trung Quốc, năm 2005, tỷ lệ ly hôn của thế hệ 8x đã lên đến 57%, cần biết rằng đến năm đó, thanh niên thế hệ 8x người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới 25 tuổi. Ngày nay ở Trung Quốc, hôn nhân chỉ tạo cho người ta ảo giác về sự an toàn, đối với rất nhiều người, hôn nhân chỉ mang lại sự hao tổn thuần túy.
Tôi đã từng thấy bạn bè mình thực sự kết hôn vì tình yêu, cũng từng thấy có những người cảm thấy mình đã đến tuổi phải kết hôn, giống như “chuông báo động” vừa kêu lên, liền vội vã kết hôn với người có quan hệ gần nhất với mình lúc đó. Vậy thì rốt cuộc hôn nhân như thế nào mới được xem là thành công? Là “dành cho nhau” trên ý nghĩa pháp luật giản đơn, cho đến khi cái chết phân tách hai người, hay là cái gì khác? Đây là một nghịch lý điển hình – chúng ta mơ mộng rằng hôn nhân rất tốt đẹp, nhưng thực tế lại không biết nên cư xử như thế nào với nó.
Hãy nghĩ xem điều này có ý nghĩa gì: Sau khi ly hôn, quá nửa số phụ nữ trở thành độc thân; trong số những phụ nữ không ly hôn, chồng họ sẽ chết trước họ. Cuộc đời một người phụ nữ hoàn toàn có thể lại độc thân một lần nữa. Như vậy phần lớn họ sẽ sống cô đơn trong suốt thời gian sau tuổi thành niên.
Điều đó khiến chúng ta có cách nhìn nhận chính xác: Độc thân là một trong những giai đoạn sống bình thường, hoặc nó chính là giai đoạn sống bình thường, hôn nhân mới là một trạng thái quá độ.
Ảo tưởng đối với hôn nhân gây nên thảm họa trong đời sống người phụ nữ. Nó lừa chúng ta bước vào những cuộc hôn nhân thiếu cân nhắc, sau đó lại muốn chúng ta phải trải qua những đau khổ dày vò sau khi ly hôn, cuối cùng sẽ khiến chúng ta lâm vào nỗi bất an toàn diện về kinh tế, tình cảm và tinh thần.
Toàn bộ đất nước Trung Quốc, toàn bộ thế hệ người trẻ tuổi đang phải trưởng thành trong những gia đình tan nát. Ly hôn thường sẽ mang đến cho người phụ nữ những tổn thương to lớn, nhưng chí ít chúng ta vẫn có thể kiểm soát và tiếp tục được cuộc sống của mình, còn những đứa trẻ thì không thể như vậy. Đằng sau những cuộc hôn nhân tan vỡ này, con cái mới là những nạn nhân thực sự. Chúng yếu đuối, bất lực, có cảm giác bị vứt bỏ và cảm giác tội lỗi mạnh mẽ nhất – chúng cho rằng cha mẹ ly hôn là lỗi do mình.
Ảnh hưởng của những tổn thương này đối với con cái có lẽ là suốt cuộc đời. Tại Mỹ những năm 1970, ly hôn trở thành hiện tượng phổ biến, cho nên thế hệ của chúng ta sẽ là thế hệ những đứa con đầu tiên trong những gia đình ly dị. Khi nhìn vào các bạn của mình, tôi thấy được những ảnh hưởng từ việc cha mẹ ly dị mang đến cho họ là rất lâu dài. Có nhiều người sau khi lớn lên không dám yêu ai, họ luôn có cảm giác sợ hãi với những gì có thể xảy ra trong cuộc sống.
Trong những gia đình có đời sống hôn nhân bất hạnh nhưng không ly dị, con cái họ cũng có thể phải gánh chịu những đau khổ như thế. Một nghiên cứu cho thấy, một nửa trong số những thanh niên có cha mẹ không ly dị cho rằng, nếu cha mẹ sớm ly dị thì có lẽ họ sẽ cảm thấy tốt hơn.
Muốn quyết định một vấn đề, trước tiên phải làm rõ ngọn nguồn của nó. Cho nên, chúng ta hãy nghiên cứu kỹ lưỡng một chút về những ảo tưởng của xã hội đối với hôn nhân. Khoảng cách giữa ảo tưởng và hiện thực về hôn nhân ngày nay đã trở nên rất lớn, tại sao sự ảo tưởng ấy vẫn có thể tồn tại? Có hai nguyên nhân: Thứ nhất là sự trì trệ về văn hóa đơn thuần. Ngày nay phụ nữ có thể không cần phụ thuộc vào hôn nhân vẫn tự nuôi sống được bản thân, nhưng rốt cuộc những cái mới ấy chỉ là tương đối; tín điều của xã hội vẫn không thể theo kịp luồng văn hóa này.
Tôi cho rằng sự lạc hậu về văn hóa hoàn toàn không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến cho sự ảo tưởng vẫn còn tiếp diễn. Nguyên nhân căn bản khiến chúng ta vẫn bám chặt lấy ảo tưởng, đó là: Chúng ta hy vọng nó có thật.
Ngày nay đối với phụ nữ, thế giới ngoài kia có vô vàn cơ hội thú vị, nhưng có lúc lựa chọn cũng khiến chúng ta bất an trong lòng. Trên thực tế, đứng trước nhiều lựa chọn có thể dẫn đến lo lắng, giống như quan điểm của nhà tâm lý học Barry Schwartz đưa ra trong cuốn Nghịch lý của lựa chọn: Tốt quá hóa dở (The Paradox of Choice: Why More is Less). Trong sách trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Columbia: Nghiên cứu viên đến một cửa hàng thực phẩm, mời khách hàng nếm thử sáu loại mứt khác nhau. Trong số khách hàng nếm thử có 30% người mua mứt; tuần thứ hai, anh ta lấy ra 24 loại mứt. Lần này càng có nhiều khách hàng nếm thử hơn, nhưng trong đó chỉ có 3% người bỏ tiền mua mứt.
Khi chúng ta đưa ra lựa chọn cho cuộc sống của mình, nguy cơ có thể còn cao hơn so với việc lựa chọn vị mứt kia. Những lựa chọn trước mắt chúng ta, hậu quả của nó sẽ theo chúng ta đến suốt nửa đời còn lại; điều tệ hại hơn là khi đưa ra lựa chọn, chúng ta hoàn toàn không thấy được tương lai của nó là như thế nào.
Lựa chọn trong cuộc sống giống như các mẫu mứt của Đại học Columbia, ít một chút sẽ khiến chúng ta cảm thấy an toàn hơn. Có khi ít lựa chọn cũng làm chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, ví như có một chàng trai yêu mình, điều này sẽ khiến người ta cảm thấy thoải mái, nhưng nếu chàng trai này lại lớn tuổi hơn chúng ta một chút thì càng tốt hơn. Tôi hiểu cảm giác này, bản thân tôi cũng từng trải qua giai đoạn đó. Chúng ta mong mỏi cuộc sống lứa đôi, khao khát tình yêu, hy vọng mình có thể thuộc về một ai đó. Chúng ta sẵn sàng tin tưởng: Trong cuộc sống sau thành niên, có một con đường tương lai có thể dự báo được, hôn nhân chính là từ đây mình sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc vui vẻ, điều này khiến chúng ta cảm thấy thích thú vô cùng.
Hôn nhân không phải là thần dược
Trước khi viết cuốn sách này, tôi luôn cho rằng kết hôn xong cuộc sống sẽ trở nên viên mãn hơn. Rốt cuộc, các phương tiện truyền thông của chúng ta luôn thổi phồng khuếch đại rằng hôn nhân luôn gắn liền với hạnh phúc; và tôi mới chỉ hiểu được bề nổi của những thông tin của nó, thậm chí đã có lần tôi còn trích dẫn chúng trên blog Global Rencai.
Sau này, tôi đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của mình, bởi vì tôi đã đọc được một bài báo cáo nghiên cứu về hôn nhân của nhà tâm lý học Bela DePaul. Trong cuốn Đơn thân, không phải như cách mà bạn nghĩ (Sing led Out: How singles are atereotyped, stigmatized), bà đã dùng hơn 300 trang sách để đi sâu mổ xẻ một cách chi tiết đối với chủ thể nghiên cứu: Quan hệ giữa hôn nhân và hạnh phúc.
Vấn đề chung tồn tại trong các nghiên cứu liên quan chính là điều mà khóa học số liệu thống kê thương mại thường thảo luận ngay từ những bài đầu tiên: Nhầm lẫn giữa quan hệ nhân quả và những quan hệ liên quan. Cũng có nghĩa là cho dù đa số (nhưng không phải toàn bộ) các nghiên cứu đều chứng tỏ giữa hôn nhân và hạnh phúc thực sự có quá ít tính tương quan, nhưng không nghiên cứu nào có thể giải thích được rốt cuộc hôn nhân có những ảnh hưởng thực tế như thế nào đối với cảm giác hạnh phúc của mỗi người. Một vấn đề khác là, tất cả các nghiên cứu chỉ hướng đến “những người đã kết hôn hiện tại”, mà những người này có lẽ thích thú với cuộc sống hôn nhân, cho nên họ ở vào trạng thái đã kết hôn; nhưng lại bỏ qua những người do hôn nhân không hạnh phúc mà đã ly hôn.
Nhưng cho dù những nghiên cứu này vẫn tồn tại sự phiến diện như vậy, thì những chứng cứ có thể chứng minh được hôn nhân làm tăng cảm giác hạnh phúc vẫn rất ít. Một nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất hiện nay cho thấy: Trong khoảng từ cấp 0 đến cấp 10 của mức độ hạnh phúc, cảm giác hạnh phúc đến từ hôn nhân chỉ có 1,1. Thực tế này làm sao có thể chứng minh được ảo tưởng của xã hội đối với hôn nhân rằng: Hôn nhân sẽ đưa người ta từ sự buồn chán cùng cực đến hạnh phúc vô song?
Tiến sĩ DePaul còn nghiên cứu về tình hình hiện tại của những người đã ly hôn, phát hiện của bà khiến người ta càng đau lòng hơn: Việc kết hôn và duy trì cuộc sống hôn nhân hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều đến cảm giác hạnh phúc của một người, nhưng sau khi ly hôn thì không đơn giản như vậy nữa. Một người sau khi ly hôn sẽ mãi mãi không còn hạnh phúc vui vẻ giống như trước khi kết hôn được nữa, không những thế, tuổi thọ của rất nhiều người sau khi ly hôn sẽ ngắn hơn so với những người sống độc thân hoặc duy trì cuộc sống hôn nhân.
Kết luận của tiến sĩ DePaul đó là: Đối với hôn nhân và tình cảm, thà ít mà tốt còn hơn. Nghiên cứu của bà không phải để khuyến khích người ta kết hôn hay không kết hôn, mà quan trọng là để “thúc đẩy những báo cáo và giải thích một cách thành thực hơn đối với vấn đề hôn nhân và cuộc sống độc thân’’. Bà cho rằng, ảo tưởng về hôn nhân của xã hội đã gây cho người ta sự hiểu nhầm tai hại, rằng hôn nhân là thần dược giúp chúng ta đạt được sức khỏe và hạnh phúc, cách tiếp cận này “quá vô trách nhiệm về mặt luân lý”, và cũng không có được sự ủng hộ của các nghiên cứu khoa học.
Tôi tin rằng hôn nhân là lời cam kết của một đời người, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải khinh khi những người sống độc thân trong xã hội. Nếu phân thế giới này thành “người đã kết hôn bình thường” và “người độc thân bình thường”, thì bản thân sự phân chia này đã sai lầm rồi. Nó gạt bỏ rất nhiều người, cũng khiến cho quá nhiều người bên ngoài vòng vây này có ảo tưởng sai lầm đối với cuộc sống trong vòng vây đó.
Xã hội sẽ biến mối quan hệ mà chúng ta thực sự quý trọng – hôn nhân thành mối quan hệ quan trọng duy nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Kết quả là, người ta cho rằng những phụ nữ đã kết hôn là bình thường, và những phụ nữ độc thân là không bình thường. Thái độ này đã hạ thấp và xem thường cuộc sống của toàn thể phụ nữ.
Và người đã kết hôn cũng chịu những tổn hại từ những ảo tưởng về hôn nhân giống như vậy. Tôi cũng thường bị giật mình khi nghe tin có ai đó trong đám bạn bè của mình vừa ly hôn: “Cái gì cơ? Không phải chứ! Sao ngay đến hai người đó mà cũng ly hôn, trái đất này chắc chẳng phải hình tròn nữa rồi! Tại sao lại xảy ra chuyện này vậy?” Sau đó tôi mới biết, trên thực tế hai người bọn họ đã cãi vã nhau nhiều năm rồi, nhưng trước mặt bạn bè họ luôn tỏ ra không có chuyện gì mà thôi. Điều này thật đáng buồn. Nếu không cảm thấy cứ phải giữ khư khư lấy ảo tưởng về cuộc hôn nhân này, không cảm thấy bị mất mặt đối với những vấn đề khi chung sống, có lẽ họ đã sớm có được sự giúp đỡ nhiều hơn từ những người quan tâm đến mình rồi.
Phụ nữ độc thân sẽ ghen tỵ với những phụ nữ đã kết hôn. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, phụ nữ đã kết hôn cũng ghen tỵ với phụ nữ độc thân. Khi tôi làm Phó thị trưởng, những bạn bè đã làm mẹ “toàn thời gian’’ thi thoảng cũng đến tòa thị chính tìm tôi. Họ đã chứng kiến tôi thay đổi thế giới như thế nào, họ ghen tỵ với cuộc sống có nhiều bạn bè và đầy ý nghĩa của tôi. Trong lúc đó, họ vẫn đang phải đấu tranh vật lộn tìm kiếm phương hướng cho mình.
Không phải “gái ế” mà là “gái ở kỳ hoa nở”
Tạp chí Phố Wall đưa tin, phụ nữ có mức lương càng cao thì niềm khao khát đối với hôn nhân của họ càng yếu. Một nghiên cứu đối với 3.000 phụ nữ độc thân cho thấy: Khi so sánh giữa nhóm phụ nữ có thu nhập cao với nhóm phụ nữ có thu nhập thấp, tỷ lệ không muốn kết hôn của nhóm phía trước cao gấp đôi nhóm phía sau. “Trong một xã hội mà phụ nữ thực sự có được đầy đủ quyền và lợi ích bình đẳng, hai vấn đề hôn nhân và nuôi dạy con cái sẽ có những thay đổi gì?’’ Charles Weiss Rostov, chuyên gia thống kê nhân khẩu học của Đại học Princeton đã đưa ra một trả lời như sau: “Phụ nữ càng độc lập về kinh tế thì sức hấp dẫn của hôn nhân đối với họ càng ít.”
Chính vì thế, tôi rất thích một đề nghị của diễn viên Lý Băng Băng – chúng ta hãy dùng “gái ở kỳ hoa nở” để thay cho “gái ế”. Ý kiến này vô cùng tuyệt vời: Dù chúng ta còn độc thân, đã kết hôn hay đã ly dị, là một phụ nữ, chúng ta đều có thể dựa vào chính sức mạnh của bản thân để khiến cho cuộc đời mình bung nở rực rỡ như hoa.
Theo một nghiên cứu đối với số liệu điều tra quốc gia của Mỹ cho thấy, chỉ số hạnh phúc của phụ nữ độc thân từ 20 đến 40 tuổi đã tăng lên 11% trong vòng 14 năm, trong khi đó chỉ số này ở phụ nữ đã kết hôn trong cùng độ tuổi trên chỉ có 6,3%. Chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng: “Nếu dùng hôn nhân để thổi phồng cảm giác hạnh phúc cá nhân của người phụ nữ, thì hiệu quả của nó rõ ràng đang suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây.” Tạp chí Ngày của phụ nữ (Women’s Day) khi tiến hành điều tra đối với 60.000 phụ nữ, đã phát hiện chỉ có một nửa trong số đó cho rằng: Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ lấy người chồng hiện tại của mình. Năm 2006, tổ chức Gallup phát hiện rằng: 68% phụ nữ đã ly hôn hoặc đang sống độc thân có ý định duy trì tình trạng không kết hôn của mình.
Những phụ nữ giữ được quan điểm vô cùng hữu ích trong hôn nhân, đó là những phụ nữ giàu kinh nghiệm, có khả năng miễn dịch đối với những ảo tưởng về hôn nhân của xã hội và những phụ nữ có đủ sự khôn ngoan cần thiết để có thể tự đưa ra lựa chọn cho mình. Những phụ nữ thần thánh này là ai? Họ là những phụ nữ ba mấy, bốn mấy, năm mấy, sáu mấy cho đến bảy mấy tuổi, ổn định về kinh tế (điều này rất quan trọng), hoặc ly hôn, hoặc độc thân, chỉ cần muốn là có thể tái hôn.
Tôi may mắn quen biết rất nhiều những phụ nữ như vậy, họ quay về với cuộc sống độc thân sau khi trải qua nhiều năm tháng hôn nhân hoặc tốt đẹp, hoặc tồi tệ. Mất một thời gian điều chỉnh ban đầu, cuộc sống độc thân một lần nữa khiến họ như được hồi sinh. Đối với hôn nhân, họ không còn bị ru ngủ bởi những ảo tưởng đẹp đẽ kia nữa, cuộc sống của họ trở nên thú vị, an ổn và thanh bình; bên cạnh họ có bạn bè vây quanh, những sở thích và hoạt động tình nguyện sẽ làm cho cuộc sống của họ vô cùng đầy đủ về mặt tinh thần. Sau bao nhiêu năm đánh mất bản thân, giờ đây họ lại được tận hưởng tự do. Và rất nhiều người trong số họ cũng có cuộc sống yêu đương tích cực.
Sake Denson, nhà văn người Đan Mạch đã nói thế này: “Phụ nữ ư, một khi họ đã hoàn toàn trưởng thành, đã hiểu rõ những việc cần làm của một người phụ nữ và có thể phóng thích sức mạnh của mình, họ nhất định sẽ là một sinh vật mạnh nhất trên thế giới.” Những phụ nữ như vậy, quan điểm phổ biến của họ đối với tình yêu và hôn nhân đó là: “Một người đàn ông phải như thế nào đó mới có thể khiến tôi cảm thấy việc vứt bỏ cuộc sống hiện tại của mình là xứng đáng!” Hãy nghe đi! Đó chính là tuyên ngôn của những người phụ nữ thực sự hạnh phúc và tự tin. Tất cả các chị em độc thân, trước khi chuẩn bị nếm thử mùi vị hôn nhân đều nên giữ vững thái độ này.
Độc thân và hôn nhân đều không phải là nước cờ để dẫn đến thế giới hạnh phúc. Nhưng ảo tưởng về hôn nhân đã ăn sâu và trở nên phổ biến, nó tồn tại trong những cuộc đối thoại hàng ngày của chúng ta, tồn tại trên các phương tiện truyền thông đại chúng xung quanh chúng ta. Những luồng thông tin phổ biến cứ thế nối tiếp chồng xếp lên nhau, ngụy trang cho những ảo tưởng của xã hội đối với hôn nhân, coi nó như một chân lý phổ quát và không cần phải kiểm chứng.
Bất kỳ ai cũng không thể làm cho bạn trở nên hoàn chỉnh. Đem áp lực này đặt lên vai bất kỳ người nào khác đều là không công bằng, đều chỉ tạo ra sự đau khổ và thất bại. Đối với phụ nữ, có kết hôn hay không, kết hôn lúc nào chỉ nên là lựa chọn của bản thân cô ấy, tại sao xã hội lại luôn quan tâm đến điều này? Hôn nhân là một chế độ xã hội, nó phải thực sự công bằng và nhân văn, không được coi lựa chọn kết hôn muộn của phụ nữ là một sự uy hiếp hoặc một điều nực cười quái lạ nào đó.
Không được chỉ dựa vào việc người khác nói là “bình thường’’ hoặc “có thể chấp nhận được’’ để sống. Không được phó mặc lựa chọn quan trọng nhất trong đời người phụ nữ này cho những giáo điều xã hội lỗi thời. Không được rơi vào cái bẫy mà người khác đặt ra cho bạn, rằng nên lấy chồng sinh con trước năm bao nhiêu tuổi.
Xã hội nói đàn ông được lựa chọn, dạy phụ nữ bị lựa chọn. Là một phụ nữ làm nghề tuyển dụng, tôi đã từng bước học được những kiến thức để lựa chọn người đàn ông mà mình thực sự cần; nhưng đó là vì trước đó tôi đã có cuộc sống riêng của mình rồi, điều đó cho tôi sự tự tin để tôi đưa ra chọn lựa.
Hôn nhân không phải là thần dược giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống, nó không phải một sự trải nghiệm đầy sức hấp dẫn và có tác dụng thay hình đổi dạng, cũng không phải là nơi lánh nạn để bạn chạy trốn mỗi khi cảm thấy mất phương hướng hay bất an. Ai cũng đều có thể kết hôn bất cứ khi nào mà mình muốn, hôn nhân chỉ là một trong rất nhiều mối quan hệ của loài người, người ta có thể dựa vào ý nguyện của mình để bước vào hay lui ra.
Con người ai ai cũng cần cảm giác an toàn, nhưng cảm giác an toàn lâu dài thực sự chỉ có thể đến từ trái tim bạn; độc lập tự chủ là tiền đề liên kết mật thiết. Không nên chỉ đợi chàng trai tốt của bạn xuất hiện, đừng quên bản thân bạn cũng là một cô gái tốt. Hôn nhân không thể khiến bạn hoàn chỉnh, điều khiến bạn hoàn chỉnh chính là bản thân bạn. Tình yêu sâu sắc vô cùng, nhưng hôn nhân không phải như vậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.