Đừng Kết Hôn Trước Tuổi 30

Chương 5. Ở 1 mình, và môn nghệ thuật thất lạc mang tên «sáng tạo»



“Mỗi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ. Vấn đề ở chỗ sau khi lớn lên chúng phải làm thế nào để tiếp tục làm một nghệ sĩ.”

— Picasso

Những ảo tưởng của xã hội này về hôn nhân có một sức tàn phá vô hình đối với chúng ta, nó khiến nỗi sợ hãi gặm nhấm tâm hồn chúng ta, khiến cho cảm giác “cô đơn”, “cô độc” và “cô lập” cùng lúc trỗi dậy. Khi những cảm xúc tồi tệ này cứ thế tích tụ dần, một ngày nào đó, bạn sẽ chỉ muốn lập tức chạy thoát ra ngoài, kiếm lấy một người đàn ông để lấp đầy cuộc sống của mình. Hãy nhanh chóng gạt những ý nghĩ này sang một bên và tự do hưởng thụ cuộc sống độc thân đi! Bởi vì chính trong thời gian chỉ thuộc về mình, tính độc lập của bạn mới được vun đắp. Nên nhớ rằng, quá trình để nhận biết được bản thân, luôn luôn là một hành trình cô độc.

Ngày càng có nhiều những nghiên cứu cho thấy, ở một mình không những không phải là vấn đề cần phải giải quyết, ngược lại, quãng thời gian này vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Sau một ngày bận rộn, thả lỏng cơ thể, hưởng thụ cảm giác mình có khả năng kiểm soát được thời gian của bản thân, điều đó đối với chúng ta thực sự là một liều thuốc bổ hữu hiệu.

Nếu chúng ta không chủ động lựa chọn việc ở một mình vì nguyên nhân sợ hãi hay bị ám ảnh xã hội, thì nó sẽ rất có ích trong việc bồi dưỡng sự đồng cảm, chứ không phải là khiến cho chúng ta bị cô lập. John Casey Aoboor, chuyên gia tâm lý học thuộc Đại học Chicago nói: “Có khi bạn cần một thời gian riêng tư để tự nạp điện cho mình. Bạn có thể liên kết với người khác, điều này ít nhiều có ý nghĩa rằng bạn có thể giúp đỡ mọi người; nhưng nếu cứ vận động liên tục mà không dừng lại để nghỉ thì chẳng ai có thể làm được.’’

Trong lịch sử văn hóa thế giới, ở một mình thường có mối liên quan nào đó với khả năng linh tính, sự sáng tạo và sức mạnh. Trong câu nói đầy chất thơ của nhà triết học Chu Quốc Bình: “Ở một mình là thời khắc tốt đẹp và là sự trải nghiệm tuyệt vời trong đời người, tuy nó cũng bao hàm chút cô đơn, nhưng trong nỗi cô đơn ấy lại là cả một cảm giác đủ đầy. Ở một mình là không gian thực sự cần thiết cho sự phát triển của tâm hồn.

Chúng ta sợ phải chờ đợi một người, nguyên nhân một phần là món đồ mang tên “ở một mình” này không có hướng dẫn sử dụng. Vậy trong khoảng thời gian riêng tư này, chúng ta nên làm những việc gì? Chu Quốc Bình nói:

Khi ở một mình, chúng ta rút mình ra khỏi công việc và các mối quan hệ xã hội, để trở về với chính mình. Lúc đó, mình ta đối mặt với thượng đế và chính mình, bắt đầu đối thoại với tâm hồn và các sức mạnh thần bí trong vũ trụ. Tất cả đời sống tâm hồn trên ý nghĩa hẹp đều được mở rộng trong thời khắc này.

Chỉ khi ở một mình, chúng ta mới có thể chạm vào đáy lòng, khai phá ra những vẻ đẹp sâu thẳm nhất của tâm tư. Điều này lý giải vì sao những nụ hoa sáng tạo luôn hé nở trong những giây phút cô đơn. Tác phẩm nhiếp ảnh đẹp nhất, bài viết giá trị nhất và tất cả những tác phẩm tốt nhất của tôi đều được sáng tác khi tôi ở một mình.

Trong thời đại “siêu liên kết” giữa người với người này, những luồng thông tin có thể dễ dàng cướp mất cơ hội ở một mình của người ta chỉ trong tích tắc, các phương tiện truyền thông xã hội không ngừng tra tấn chúng ta. Ở một mình sẽ mang đến cho chúng ta sự yên tĩnh và không gian cần thiết để suy ngẫm và sáng tạo, qua đó giúp chúng ta khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Khả năng sáng tạo là gì

Khi Steve Jobs qua đời, hàng loạt các ý kiến tiêu cực liên tục xuất hiện trong một thời gian dài: Rằng người Trung Quốc hiện đại thiếu khả năng sáng tạo, cho nên Trung Quốc mãi mãi không thể xuất hiện Steve Jobs của mình. Tôi lại có quan điểm khác về điều này. Tuy nói rằng, việc lạm dụng văn hóa thi cử và học thuộc lòng ngày nay thực sự đã làm thui chột đi khả năng sáng tạo bẩm sinh của mỗi người, nhưng tôi không cho rằng thế hệ này coi như đã hết hy vọng. Khả năng sáng tạo có thể bị đánh mất, nhưng nó vẫn có thể được tìm ra và bồi dưỡng lại; hơn nữa, khi chúng ta lớn tuổi một chút, khả năng sáng tạo vẫn có thể trở nên mạnh mẽ hơn, nguyên nhân là do khi đó, chúng ta đã có thể kiểm soát tốt hơn công cụ biểu đạt khả năng sáng tạo của mình – cho dù là trực tiếp hay chỉ mang tính tượng trưng.

Có người nhìn nhận về khả năng sáng tạo như sau: Một người sẽ có đầy đủ hoặc không có đầy đủ khả năng sáng tạo; phàm những ai có đầy đủ khả năng sáng tạo thì thường là những nhân vật “khác loài”, là họa sĩ, là nhạc sĩ hoặc giống như vị CEO mặc áo len cổ lọ màu đen vừa mới rời xa chúng ta – Jobs. Cách nói sùng bái hóa khả năng sáng tạo này theo đánh giá của tôi, nó hoàn toàn vô nghĩa. Người có khả năng sáng tạo chẳng phải là “khác loài” gì cả, một khi chúng ta bắt đầu sáng tạo, chúng ta chính là họ. Bất kể là lúc làm việc hay khi vui chơi, khả năng sáng tạo của chúng ta đều có đất để diễn, như thiết kế phần mềm, sáng lập công ty, xây dựng một chiến lược tiếp thị, v.v… Tóm lại, khi chúng ta dùng một cách thức khiến bản thân hài lòng nhất để thực hiện bất kỳ việc gì đó, đó chính là lúc chúng ta đang sáng tạo.

Sống cùng với thói trì trệ, để nó đi cùng với chúng ta – nhắm mắt lại, dựa vào những thứ chúng ta học được ở trường, men theo con đường mà người khác muốn chúng ta đi, điều này có vẻ sẽ giảm bớt được nhiều việc. Rất nhiều người trong chúng ta không thể đạt được thứ mình muốn từ cuộc sống, vì chúng ta không biết mình là ai, không biết mình muốn gì.

Mỗi người chúng ta đều có một bản ngã chôn sâu, phải khiến cho nó tìm được lối ra. Làm thế nào mới có thể nghe được tiếng nói bên trong mình? Chính là bằng cách sáng tạo ra những điều mới lạ, vì nó sẽ thúc đẩy bản thân ta tiến hành một cuộc đối thoại nội tâm, lắng nghe tiếng nói tự sâu trong lòng mình. Khi sự sáng tạo của bạn tuôn chảy từ nội tâm, bạn sẽ nghe thấy âm thanh ấy, sẽ say sưa suy ngẫm, cảm nhận, khám phá và mơ ước.

Vậy nên, mỗi lần sáng tạo là một lần chúng ta đang khám phá bản thân mình rốt cuộc là ai. Nếu bạn không có cách nào để sáng tạo, cũng có nghĩa rằng bạn không có cách nào tiếp cận và lắng nghe được tiếng nói của chính mình. Điều này lý giải vì sao, việc có được một phương pháp tiếp cận với sự sáng tạo là điều vô cùng quan trọng để hướng đến một cuộc sống tự tin, hạnh phúc và viên mãn. Thiếu đi nó, chúng ta sẽ dần bị nhấn chìm trong sự lặng lẽ, cô đơn và trầm cảm không lối thoát.

Nếu tôi chưa từng tìm mọi cách để sáng tạo, vậy thì tôi nghĩ hậu quả của giả thiết này sẽ rất bất hạnh – tôi đoán rằng mình sẽ là một phụ nữ trung niên buồn khổ, thất vọng, hoàn hoàn khác với tôi hiện tại.

Liên quan đến khả năng sáng tạo, Qike Sen Mikhail – chuyên gia tâm lý học người Hungary, một trong những nhà nghiên cứu vĩ đại nhất thế giới cho rằng:

Trong tất cả các hoạt động của loài người, sáng tạo là hoạt động mang lại cho chúng ta cảm giác thỏa mãn nhất – chúng ta đạt được thứ mình muốn từ cuộc sống, trải nghiệm một cuộc sống “hết công suất”. Sáng tạo là ngọn nguồn ý nghĩa cuộc sống. Hầu hết những thứ thú vị, quan trọng và nhân văn đều là thành quả của sáng tạo. Cái phân biệt giữa loài người và loài vượn đó là ngôn ngữ, giá trị quan, biểu đạt nghệ thuật, tri thức khoa học kỹ thuật… tất cả đều là thành quả sáng tạo của những cá nhân được công nhận, được khen thưởng, và thông qua học tập để đạt được. Khi chúng ta phát huy khả năng sáng tạo, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống đầy đủ vô cùng. Chúng ta đều mong muốn tìm được cảm giác thỏa mãn từ cuộc sống, cảm giác phấn khích của họa sĩ trên bản vẽ, của nhà khoa học trong phòng thí nghiệm khi tiến hành sáng tạo, nó rất gần với trạng thái thỏa mãn trong lý tưởng; nhưng những tình huống như thế này vô cùng hiếm.

Tôi đã tốn 30 năm để nghiên cứu về những người có khả năng sáng tạo đã sống và làm việc như thế nào, để có thể giải thích rõ ràng hơn quá trình sáng tạo bí ẩn của họ. Người có khả năng sáng tạo hầu như có thể thích ứng được với bất kỳ hoàn cảnh nào, sử dụng bất kỳ công cụ nào có thể sử dụng được để đạt đến mục đích của mình, biểu hiện của họ trên khía cạnh này là rất phi thường. Nếu phải dùng một từ để khái quát nét đặc trưng phân biệt với những người khác của họ, thì từ đó là: Phức tạp (complexity). Họ có đầy đủ cả khả năng suy nghĩ và khả năng hành động, mà hầu hết mọi người đều vô duyên với điều này; họ biết cách đi đến thái cực hoàn toàn ngược lại; so với cách gọi họ là “cá thể”, hãy gọi họ là “phức hợp thể” thì chính xác hơn.

Bản thân quá trình sáng tạo cũng tạo ra tính phức tạp. Nó là một cách tuyệt vời để mở rộng tầm nhìn của bạn, vì nó thôi thúc bạn phát triển tất cả những ý tưởng của mình, và hấp thụ chất dinh dưỡng từ tất cả những kinh nghiệm mà bạn có.

Sáng tạo là phải chấp nhận rủi ro

Trước khi được bổ nhiệm làm Phó thị trưởng thành phố Los Angeles, tôi đã luôn nỗ lực hết sức để đánh bóng khả năng tiếng Anh của mình, sau khi nhậm chức, viết bài phát biểu trở thành cách thức sáng tạo tốt nhất của tôi. Mọi bài phát biểu của tôi đều là do tôi viết. Làm một quan chức chính phủ, tôi có thể nói rất đơn giản: “Hãy ủng hộ chương trình hỗ trợ tài chính cho trường đại học của tôi”; hoặc tôi cũng có thể dùng ngôn ngữ của riêng mình để khích lệ người khác. Trong suy nghĩ của tôi, các bà mẹ trẻ ngồi trước ti vi đã bị những lời hứa suông của các chính khách trước đây làm cho mất lòng tin hoàn toàn, cho nên tôi phải dùng những từ vựng súc tích, nổi bật trong bài phát biểu của mình để mô tả sống động như thật, sử dụng đáng kể những chỗ ngắt tạm ngừng có ý nghĩa nhằm giúp họ nhìn thấy xa hơn những trở ngại trong thực tế, rằng nền giáo dục trong tương lai của con em họ có một tầm nhìn quan trọng như thế nào.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi bước vào lĩnh vực tuyển dụng nhân tài cho các công ty, hoạt động viết lách từ đó giảm sút nghiêm trọng. Khách hàng của tôi đa số là những giám đốc điều hành hoặc giám đốc nhân sự luôn luôn bận rộn, vốn không có bất kỳ cảm nhận nào đối với văn vẻ. Mỗi lần tôi đánh giá ứng viên, họ chỉ muốn biết một điều duy nhất đó là: “Tôi nên tuyển dụng người này hay không?” cho nên khả năng viết lách của tôi phải tiết chế, chỉ miễn sao đáp ứng nhu cầu của họ là đủ.

Trong những năm đó, cuộc sống giống như một con quay hồi chuyển xoay tít, một con quay kỳ diệu. Những công ty đó dựa vào tôi để đưa ra những quyết định quan trọng về nhân sự, ví dụ như tuyển ai làm CEO, tuyển ai làm kế toán trưởng, v.v… Tôi chạy như bay giữa các thành phố. Cuộc sống khi đó thật mê ly, tiền tôi kiếm được cũng nhiều hơn bao giờ hết. Sau đó tôi kết hôn, và có đứa con đầu lòng.

Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy có một điểm không ổn. Giữa lúc đang nỗ lực để phát triển sự nghiệp, hôn nhân và tổ chức gia đình của mình, tôi bỗng cảm thấy đang có chút mất cân bằng. Trong công việc và cuộc sống, tôi ra sức chạy đua hết mục tiêu này đến mục tiêu khác, mà chưa bao giờ cho mình một khoảng lặng để dừng lại, suy nghĩ điều gì đó.

Chớp mắt tôi đã là “U40’’, ở Mỹ như vậy là đã bước vào lứa tuổi “khủng hoảng tuổi trung niên”. Ở Mỹ, thói quen của cánh đàn ông trung niên độ tuổi này đó là: Ly dị người vợ đã nhiều năm chung sống (vì họ kết hôn quá sớm!) để tìm một cô gái trẻ tuổi hơn mình rất nhiều, vung tay huênh hoang khắp phố vẫn chưa đủ, còn phải mua một chiếc Porsche để đưa gái trẻ đi hóng mát khắp nơi. Nhưng đối với gu chơi thời thượng của cánh đàn ông đến tuổi trung niên này, tôi hoàn toàn chẳng có chút hứng thú nào – tôi mới lấy được Mr. Right của mình, thế nên tôi chẳng cần tìm một cậu trai nhỏ tuổi nào cả; và hơn nữa, tôi cũng đã có chiếc xe hóng gió của mình rồi.

Săn đầu người là một nghề hái ra tiền – điều đó thực sự không có gì đáng phàn nàn. Thế nhưng tôi vẫn đặc biệt rất nhớ khoảng thời gian tham gia sự nghiệp phục vụ xã hội, nhớ cái cảm giác có thể khiến thế giới tốt đẹp hơn. Tôi khát khao được giúp đỡ người khác, giúp đỡ rất nhiều rất nhiều người, đối với họ đó là những sự giúp đỡ trên các vấn đề mang tính cá nhân và vô cùng cấp thiết.

Tôi làm những việc đầy ý nghĩa này như thế nào?

Làm một chuyên gia tư vấn tuyển dụng, tôi thường thấy các công ty khách hàng của tôi tuyển dụng những thanh niên Trung Quốc đầy tham vọng để làm những công việc chủ chốt, nhưng khi có cơ hội thăng chức lại không cân nhắc đến họ. Tôi ý thức được những thanh niên này thiếu và cần sự chỉ dẫn biết bao nhiêu. Vì thế, tôi quyết định lập một blog song ngữ Trung – Anh liên quan đến việc phát triển nghề nghiệp, nội dung chủ yếu của blog là tất cả những quy tắc bạn cần phải hiểu khi muốn bước chân vào đội ngũ lãnh đạo của một công ty toàn cầu. Tôi đặt tên cho blog này là Global Rencai (nhân tài toàn cầu).

Sau khi lập blog này không lâu, một vị phụ trách mảng sách thần bí đến từ Bắc Kinh tên là Thang Man Lê tìm gặp tôi; trong giao tiếp thường ngày, cô ấy sử dụng một cái nickname rất lạ: Thang Thang. Thang Thang mong muốn tôi viết một cuốn sách cho phụ nữ Trung Quốc. Điều này nghe có vẻ rất thú vị, nhưng tôi nói với cô ấy rằng, tôi không muốn mất đi những độc giả nam của mình. Chúng tôi email qua lại với nhau mấy lần, không ai thuyết phục được ai. Cuối cùng cô ấy biến mất.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Công việc của tôi luôn luôn bận rộn, tôi có em bé thứ hai, lại là con gái; điều này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến việc các con gái của mình sau khi lớn lên sẽ phải đối mặt với một thế giới như thế nào. Ngoài ra, tôi phát hiện một hiện tượng bất thường thú vị: Blog của tôi đúng là có độc giả nam, nhưng những độc giả nhiệt tình thực sự đa số đều là nữ; họ đã kết nối blog của tôi trên toàn thế giới thông qua những diễn đàn online mà tôi chưa bao giờ nghe đến. Đúng, độc giả nam không phải là ít, nhưng độc giả nữ mới là “fan” của tôi. Dù không phải là ý định ban đầu của tôi, nhưng Global Rencai đã dần dần trở thành một blog của nữ giới.

Thang Thang xuất hiện trở lại. Cô ấy vẫn bày tỏ hy vọng tôi viết một cuốn sách cho phụ nữ Trung Quốc. Cô ấy rất có lòng tin, tin tưởng chắc chắn đó sẽ là cuốn sách tuyệt vời. Tôi rất khâm phục sự kiên trì của cô ấy. Lần này, tôi đã thấy hơi lung lay. Để thử xem hiệu quả như thế nào, tôi đã viết bài blog Đừng kết hôn trước tuổi 30 mà tất cả mọi người đều biết đến. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ sau khi bài blog này gửi đi, máy chủ của tôi luôn trong tình trạng tê liệt do có quá nhiều lượt truy cập.

Vậy là tôi quyết định tạm dừng công việc của mình, bắt đầu viết sách trở lại. Tôi viết rất nhanh, chữ nghĩa và cảm xúc dường như lúc nào cũng căng đầy và sẵn sàng tuôn trào. Màn hình máy tính dán đầy những mục ghi chú dạng như “làm cái này”, “làm cái kia”. Trong dự định của mình, tôi muốn biến cuốn sách này thành một cuốn cẩm nang hướng dẫn về cuộc sống và đàn ông.

Rất nhanh chóng, cuốn sách đã viết xong một nửa. Tôi cảm thấy việc hoàn thành trước thời hạn không thành vấn đề, chỉ thầm nghĩ: “Cuối cùng mình đã có thể dễ dàng làm được dự định này rồi!” Làm việc suốt 20 năm nay thật quá vất vả, giờ đây tôi đã thực sự được tận hưởng mùi vị khổ tận cam lai. Tôi có thể làm việc này việc kia, viết thứ này thứ nọ, có thể đánh quần vợt, đi du lịch, và còn có cả viên chocolate ngọt ngào của mình nữa.

Nhưng tôi đã vui mừng quá sớm – khi gửi bản thảo cuốn sách cho Thang Thang, cô ấy đã kéo tôi xuống mặt đất: “Trời ơi, thế này không được,” cô ấy thốt lên, “độc giả không cần biết cái gì là ‘nên làm hay không nên làm’ cả, điều họ muốn biết là câu chuyện của chị kia! Phải viết về những thời gian yếu đuối bất lực của chị ấy!’’

Khi nào tôi cảm thấy yếu đuối bất lực?

Tôi bỗng cảm thấy choáng váng. Lúc ký hợp đồng tôi đã không ngờ đến điều này. Suy cho cùng, chính giới Mỹ luôn là một quá trình chọn lọc tự nhiên, không có kẻ nào sống sót mà không tìm cho mình chiếc mặt nạ để che đi sự yếu đuối của bản thân. Tôi đã tốn hơn 20 năm để nhào nặn nên hình tượng “Superwoman’’ cho mình, thách thức hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác; và tôi hoàn toàn không có ý định từ bỏ hình tượng này.

Các độc giả nữ thực sự muốn nghe câu chuyện của tôi ư?

Thử nghiệm blog đợt hai lại bắt đầu. Tôi viết một bài blog, kể về khoảng thời gian tôi cảm thấy lạc lối và bất an khi tôi hơn 20 tuổi. Sau khi đăng lên, lượng đăng nhập vào blog tăng đột biến. Điều này chứng tỏ hai điều: thứ nhất, Thang Thang thực sự đã đúng; thứ hai, tôi phải viết lại. Đây đúng là một phong cách đậm chất Hollywood, nhà sản xuất sau khi cầm kịch bản nếu không hài lòng, chỉ cần lạnh lùng nói một từ: rewrite(viết lại)!

Vậy là bắt đầu viết lại. Quá trình viết lách lần này khác hoàn toàn với lần đầu. Lần này y như soi gương vậy, tôi đã nghiên cứu cẩn thận cách “trang điểm” bóng bẩy trong bài báo mà tôi đã đăng trước đây trên các tạp chí thời trang như Thụy Lệ hay Cát Nhân, tự mình lật tẩy những “lỗ hổng” được che đậy (ồ vâng, những chuyên gia make-up và nhiếp ảnh gia của các tạp chí thời trang này luôn là những nhà ảo thuật).

Lần này, tôi đã gác lại cái hình ảnh vinh quang của mình trên tạp chí, khai quật những kinh nghiệm và ý tưởng từ nơi sâu thẳm nhất trong lòng mình như một khảo cổ gia thực thụ. Mỗi ngày, tôi cẩn thận chọn ra các trầm tích, tách từng mảnh vụn trong tư tưởng, sau đó kiểm tra kỹ lưỡng dưới ánh sáng. Đối với tất cả những mảnh vụn có thể có giá trị, tôi nhẫn nại diễn giải chúng ra thành ngôn từ, sau đó gõ vào máy tính.

Trong phòng làm việc im ắng, thời gian lặng lẽ trôi qua. Việc viết sách này từ trò tiêu khiển ban đầu biến thành những thử thách, kích thích lòng người, nó khiến người ta khó chịu, nhưng đồng thời cũng là việc đáng làm nhất.

Điều này mạnh hơn rất nhiều so với viên chocolate! Dẫu sao thì tôi vẫn hy vọng hai con gái tôi sau này lớn lên sẽ trở thành những cô gái dũng cảm và đầy tham vọng, cho nên tốt nhất tôi phải làm gương cho chúng. Trên thực tế, thời gian chuẩn bị nghỉ hưu vẫn còn sớm, vậy thì  kệ xác nó – tôi vẫn cứ coi trọng công việc của mình!

Nếu bạn là phụ nữ, bạn phải thường xuyên viết lách

Tôi phát hiện viết lách là một cách thức sáng tạo rất đặc biệt. Viết lách có thể nhận được kết quả ngay lập tức và ngay trong tầm tay. Bạn không cần phải mua thiết bị đặc biệt, cũng không cần trải qua khóa huấn luyện nào, bạn vẫn có thể đọc, có thể viết.

Viết lách lại không giống như chụp ảnh; khi chụp ảnh, bạn có thể lựa chọn đối tượng chụp, thành phần, tốc độ phơi sáng, tốc độ màn trập, khẩu độ… và kỹ thuật phòng tối còn có rất nhiều yêu cầu nữa; nhưng những thứ này về cơ bản là để xử lý hình ảnh. Còn đối với viết lách, điều khó khăn là chúng ta phải triển khai được những ý tưởng trong đầu, chuyển đổi thành văn bản dễ hiểu và thú vị, thể hiện ra trên giấy hoặc trên màn hình máy tính. Bài viết hiệu quả đòi hỏi vốn từ rộng, phải luôn luôn động não, phải khuấy động rất cả những từ vựng sẵn có, từ đó biểu đạt một cách phù hợp nhất với những ý tưởng nảy ra trong đầu.

Đối với việc viết lách, có một điều rất lạ là, trước khi ngồi xuống để bắt đầu viết, bạn vốn không cần suy nghĩ mình phải viết những gì. Tôi đã từng nghe một chuyện thế này: Có một người hỏi giáo sư của anh ta thấy thế nào về một chủ đề nào đó. Giáo sư trả lời: “Không biết. Tôi vẫn chưa viết đến đấy.” Mãi đến trước khi viết cuốn sách này, tôi vẫn luôn cảm thấy nói như vậy rất lạ. Nhưng tôi đã nhanh chóng nhận ra, viết lách là một phương pháp phát hiện ý tưởng của mình rất hiệu quả, vì suy nghĩ là thứ được sáng tạo ra trong hoạt động viết lách.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc thể hiện mong muốn của mình, phản ứng với hoàn cảnh trước mắt, thì viết lách sẽ huấn luyện cho bạn làm thế nào để tổ chức câu từ, đạt đến mục đích của bạn. Viết lách sẽ huấn luyện cho bạn khả năng tổ chức thông tin và cho bạn không gian của riêng mình. Nếu bạn có thể tổ chức ngôn ngữ khi viết một cách hiệu quả, vậy bạn sẽ có thể chuyển hóa nó thành một bài thuyết trình hiệu quả.

Nếu không luyện tập thì cái khả năng giao tiếp rõ ràng, ngắn gọn, nho nhã sẽ bị giảm sút. Đối với những người chưa từng được học cách làm thế nào để biểu lộ cảm xúc của mình, thì viết lách trở thành một hình thức huấn luyện đặc biệt. Nó dạy bạn biết lắng nghe tiếng nói của mình, chỉ cho chúng ta phải biểu lộ bản thân như thế nào để được người khác hiểu. Vì cuộc sống nội tâm, cuộc sống xã hội và cuộc sống nghề nghiệp của bạn, hãy nghĩ ra cách khiến khả năng viết lách của mình giữ được ở mức tốt nhất nhé!

Khi mới bắt đầu viết cuốn sách này, tôi đã lên blog của một số nhà văn để học hỏi bí quyết. Tôi rất thích một câu nói rằng: “Nếu bạn là một nhà văn, bạn phải thường xuyên viết lách.” Sau đó, tôi cảm thấy mình gặt hái được rất nhiều thông qua việc viết lách, vì thế tôi muốn đổi câu đó thành: “Nếu bạn là phụ nữ, bạn phải thường xuyên viết lách.” Dù mỗi ngày chỉ mười phút thôi bạn cũng phải viết. Điều này sẽ cho bạn một chút mong đợi, một cuộc hẹn với chính mình. Đôi khi bạn chỉ viết được vài phút rồi dừng, đôi khi bạn sẽ viết được nửa tiếng, thậm chí là một tiếng.

Viết lách giống như cài đặt cho bạn một “nút tạm dừng”, để bạn có thời gian xử lý những sự việc đã phát sinh và chuẩn bị sẵn sàng để phản ứng. Bằng việc làm cho những lời nói chảy ra từ trong tim mình, chúng ta sẽ phát hiện ra những suy nghĩ bị dồn nén bấy lâu trong cuộc sống hàng ngày.

Thời gian viết lách thông thường là quãng thời gian duy nhất để chúng ta suy ngẫm về các vấn đề cuộc sống. Tại sao tôi lại đi trên con đường này? Con đường này liệu có đúng với tôi không? Viết lách là khi chúng ta thành thực đối diện với chính mình.

Với tôi, viết lách là công việc hoàn toàn do một người làm. Nó cho tôi không gian riêng tư, một “căn phòng” trong trí tưởng tượng của riêng tôi; trong căn phòng đó, tôi được phép ở một mình. Tôi đọc được một thông tin thế này: Tác giả nam bắt đầu viết từ 20 tuổi, tác giả nữ bắt đầu viết từ 40 tuổi. Tôi biết lý do vì sao. Phụ nữ chúng ta luôn bận bịu tối ngày, có thời gian ngồi xuống yên tĩnh mà suy ngẫm là một việc tuyệt diệu biết bao nhiêu.

Nói nãy giờ, có thể bạn sẽ nghĩ hình như tôi đang muốn thảo luận về việc viết nhật ký. Rất nhiều phụ nữ xem việc viết nhật ký là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng tôi phát hiện ra rằng, chỉ cần những dòng chữ viết ra có tính sáng tạo và xuất phát từ trái tim, nó sẽ cho tôi một “nút tạm dừng” cần có trong cuộc sống. Bản thân hoạt động viết lách này (chứ không phải là hình thức của nó) đang kêu gọi tôi hãy đối thoại với bản thân mình.

Mỗi lần tôi viết, mọi suy nghĩ trong lòng tôi đều trở nên rõ ràng hơn, tập trung hơn và mạnh mẽ hơn; chẳng bao lâu, khả năng viết và nói của chúng ta sẽ dung hợp với nhau. Sau khi khả năng biểu đạt của chúng ta được tăng cường, nó sẽ phát huy hiệu quả ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Như vậy, viết lách giúp chúng ta phát triển được tiếng nói tự nhiên, mạnh mẽ và tự tin nhất từ trong lòng mình.

Say mê giúp bạn phát huy tiềm năng

Có thể bạn đã từng có trải nghiệm này: Vùi mình vào một công việc nào đó, hoàn toàn quên đi sự tồn tại của thời gian. Đối với tôi, trải nghiệm này xảy ra lúc tôi rửa ảnh trong phòng tối khi tôi đang học trung học, và cả trong quá trình tôi viết cuốn sách này. Hiện tượng này gọi là “tan chảy” (flow), về khái niệm quan trọng này, một lần nữa phải nhắc tới Kesen Mikhail, người đã sáng tạo ra nó. Ông là một nhà tâm lý học, nhân loại học, triết học, và còn là một nhân sĩ “phục hưng văn nghệ” thực sự.

Kesen Mikhail và đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu hiện tượng tan chảy trên hơn 50.000 đối tượng, đối tượng nghiên cứu thuộc nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau – trong đó có cả phụ nữ dệt thảm Borneo, thiền sư châu Âu… Những người này đều nói đến trải nghiệm tương tự, chính là khi bản thân ở vào trạng thái tan chảy, mọi ý tưởng như được một dòng nước nâng đỡ, đẩy về phía trước, rất dễ dàng, rất tự nhiên.

Ông miêu tả tan chảy là một trạng thái ý thức lý tưởng nhất, người ta sẽ cảm thấy “mạnh mẽ và rõ nét, tất cả đều trong tầm kiểm soát, nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi, ở vào trạng thái đỉnh cao của năng lực.” Chính trong thời khắc này, bạn sẽ phát huy đến mức tối đa khả năng của mình, bạn cảm thấy làm tất cả mọi việc dễ dàng hơn, bạn sẽ có thể sáng tạo hoặc phát hiện ra những điều mới mẻ.

Khi bạn ở vào trạng thái tan chảy ấy, toàn bộ những lo lắng của bạn sẽ tan biến hoàn toàn, thay vào đó là cảm giác hạnh phúc tột đỉnh. Bạn đã đóng cửa ý thức, không còn ý thức đến mình nữa; bạn quên đi bản thân là một thực thể tồn tại. Bạn chỉ biết làm, hoàn toàn đắm chìm vào công việc của mình, bạn chỉ đang thuận theo logic tự nhiên của hoạt động này mà làm việc thôi.

Là con người, nếu muốn được hạnh phúc, chúng ta phải cố gắng hết sức, phát huy hết tiềm năng của mình. Phải luôn cảm thấy những việc mình làm đều đang thách thức chính mình, đang sử dụng mình một cách đầy đủ và chính xác. Những người đạt được cảm giác tan chảy chính là đang tự thách thức bản thân, đang sáng tạo nên công việc tuyệt vời nhất của họ. Nếu muốn mình vượt trội, bạn phải có được cảm giác say sưa tan chảy ở một hoạt động nào đó trong cuộc sống. Nếu cuộc sống hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động nào khiến bạn luôn luôn có được cảm giác say mê ấy, vậy chứng tỏ bạn vẫn chưa đạt đến giá trị cao nhất trong khả năng của mình.

Để đạt được cảm giác tan chảy:

 

• Bạn phải ở riêng một mình, không để bị làm phiền.

• Bạn cảm thấy khả năng đang bị thách thức, nhưng vẫn có thể chịu đựng được; nói cách khác, bạn làm được không quá khó khăn, nhưng độ khó của nó đã đủ thách thức bạn, đủ để thúc đẩy bạn học tập và trưởng thành.

• Bạn phải có một chút kinh nghiệm với công việc mình đang làm, như vậy sau khi đóng cửa ý thức của bản thân, bạn mới có thể duy trì hoạt động của mình được.

• Việc bạn làm phải khiến cho bạn cảm thấy được ngợi khen, tự trái tim bạn muốn làm nó.

• Bạn phải có quyền tự chủ đối với việc đó, có thể khiến bản thân hoàn thành nó theo cách mà bạn vừa ý nhất. Trong việc này, bạn có toàn quyền quyết định.

Bạn có thấy những điều này nghe rất quen không? Vậy thì đúng rồi. Cách để đạt được sự say mê tan chảy là để mình đắm chìm vào quá trình sáng tạo. Tôi không có nhiều hiểu biết đối với tư tưởng triết học cổ của Trung Quốc, nhưng theo cách nhìn nhận của tôi, trạng thái ở một mình mà chúng ta nói đến tương ứng với trạng thái “thanh tĩnh”, còn sự tan chảy trong sáng tạo lại giống với trạng thái “vô vi”. Nếu chúng ta sử dụng quãng thời gian khi đang ở một mình để đạt được cảm giác tan chảy vào sự sáng tạo, nó sẽ khiến cho cảm giác thư thái và điềm nhiên ngập tràn trong cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta tập trung tinh thần, ném lại sau lưng tất cả những việc được xem là cần phải ưu tiên suy nghĩ trong cuộc sống.

Đến lượt bạn

Rất nhiều người đã có một thời gian làm độc giả của tôi, ban đầu là độc giả của Global Rencai, và bây giờ là độc giả của cuốn sách này. Nhưng sáng tạo không phải là hoạt động của đám đông.

Có thể bạn nghĩ rằng, bao nhiêu năm nay bạn đã che đậy mình dưới áp lực của xã hội, đã không lắng nghe tiếng nói của lòng mình. Thế nên đây là lúc bạn cần loại bỏ tất cả những ồn nhiễu, để làm theo tiếng gọi của trái tim mình. Có thể ngay lúc đầu, tín hiệu âm thanh bên trong bạn rất yếu, rất nhỏ, rất lộn xộn, rất nhiễu loạn, nó hoàn toàn không vang dội, cũng không chắc chắn; nhưng nếu bạn tĩnh tâm lại, chú ý lắng nghe, làm theo nó, thì âm thanh này sẽ ngày càng lớn. Nếu bạn vẫn chưa tìm được cách thức sáng tạo, vậy ngay bây giờ bạn hãy cầm bút lên và viết một cái gì đó đi nhé.

Hãy sáng tạo đi, sáng tạo nên những thứ tốt đẹp hơn, hãy tích lũy nó mỗi ngày bằng cách thức mà bạn vừa ý nhất. Sáng tạo là một thói quen, và khi bạn sáng tạo nên một cái gì đó tuyệt vời, nó thực sự giống như cảm giác khi được hòa mình vào một hội hè cuồng nhiệt.

Cùng với việc không ngừng tạo nên cái mới, công việc sáng tạo sẽ khiến cho năng lượng của bạn càng tập trung và mạnh mẽ hơn. Bạn còn phát hiện ra những thứ vượt ra ngoài sáng tạo, ý tưởng của bạn cũng có thể được liên kết với nhau. Đúng rồi, người có khả năng sáng tạo cần ngủ nhiều hơn, vì thế bạn phải đảm bảo ngủ đủ mỗi ngày tám tiếng nhé!

Một trong những niềm vui của việc viết lách đó là, bạn không cần phải đợi đến lúc tất cả mọi thứ đều rõ ràng chắc chắn rồi mới bắt đầu biểu đạt. Việc biểu đạt của bạn có thể hô hào, công khai, cũng có thể tế nhị, trừu tượng, chỉ có bản thân bạn mới có thể hiểu rõ. Khi bạn cảm thấy bất lực, hoang mang, cô đơn, chán nản, thất vọng hay buồn phiền, sáng tạo là liều thuốc giải độc tốt nhất.

Mỗi lần bạn sáng tạo ra một cái gì đó, nó đều tuyên bố bạn là ai, cảm nhận của bạn ra sao, ý tưởng của bạn quan trọng như thế nào. Làm chủ khả năng sáng tạo chính là cách để bạn tuyên bố chủ quyền với cá nhân bạn.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.