Đừng Kết Hôn Trước Tuổi 30

Chương 4. Bạn muốn lấy một đại gia, phải không?



“Nếu dựa dẫm vào một người đàn ông, người phụ nữ đó sẽ không có tư tưởng của riêng mình. Trong xã hội, khi mà mọi cô gái đều dần trở nên như vậy, đàn ông sẽ thích mẫu phụ nữ có cá tính và có khả năng.”

— Dương Lan 

Hãy để tôi đoán nhé! Bạn muốn lấy một đại gia, phải không?

Bạn nghĩ như thế này: Đại gia cũng cần được yêu, tại sao tôi lại không thể yêu anh ta?

Được! Cứ cho là bạn yêu anh ta đi, nhưng chị em phụ nữ chúng ta hãy đóng cửa mà nói thật lòng với nhau: Nếu anh ta không có tiền, liệu bạn có yêu anh ta như vậy không?

Bạn khỏi cần trả lời – tôi hiểu. Tôi cũng từng là người như vậy. Đã có một thời gian, tôi cũng muốn lấy một người giàu có.

Năm 1991, khi tôi tốt nghiệp Đại học Duke, Trung Quốc đang tiến vào thời kỳ cải cách mở cửa. Cùng với sự nâng cao về địa vị kinh tế của Trung Quốc, địa vị xã hội của tôi tại Mỹ cũng dần được cải thiện. Phụ nữ Trung Quốc tại Mỹ bắt đầu được chào đón. Vì thế, người Mỹ không còn cho tôi là xấu xí nữa, họ bắt đầu thấy tôi xinh đẹp và lôi cuốn. Cảm giác thời buổi đổi dời thật tuyệt.

Từ đó, tôi liên tục có đối tượng hẹn hò. Trong những chàng trai tôi hẹn hò, có người có quyền có thế, cũng có người điều kiện bình thường. Đa số họ đều lớn tuổi hơn tôi, cuộc sống đã cơ bản thành hình, vì thế tôi luôn muốn tự mình thử nghiệm cuộc sống của họ. Điều này có thể nhìn thấy trên cách ăn mặc của tôi lúc đó – Trong những người này, có người thích hở hang gợi cảm, có người thích hiền thục nhã nhặn, vì vậy mà tôi chẳng khác gì một con tắc kè đổi màu, liên tục dựa vào môi trường xung quanh để biến đổi màu sắc của riêng mình. Khi 30 tuổi, trong tủ áo quần khổng lồ của tôi đã có rất nhiều những bộ quần áo căn bản “không phải là quần áo của tôi”, tôi cũng chẳng bao giờ mặc chúng nữa.

Khi nhớ lại những đối tượng tôi từng hẹn hò đó, tôi luôn thầm xuýt xoa: “Thật may mắn khi mình không lấy một người trong số đó!” Tuy nhiên, tôi không nói rằng tất cả những người đàn ông này đều không thể lấy làm chồng, tôi chỉ cảm thấy những năm tháng đó bản thân mình chưa đủ trưởng thành, về căn bản chưa thể làm một bản cam kết suốt đời với một ai đó.

Trong giai đoạn đó, có đỏ mắt tìm kiếm nhiều đến mấy cũng không thể làm tôi cảm thấy được thỏa mãn, vì thứ tôi muốn tìm kiếm từ người đàn ông chính là thứ mà tôi đang thiếu. Nhưng nếu để chiều lòng người khác mà cố gò ép bản thân, thì cuối cùng sẽ làm tổn thương người khác mà cũng tổn thương chính mình. Khi chúng ta càng độc lập, chúng ta càng tìm kiếm được nhiều cảm xúc tự nhiên hơn.

Mr. Right không muốn làm Sugar Daddy của bạn 

Một cô gái New York tự viết cho mình một thông báo tìm bạn đời như sau:

Tôi năm nay 25 tuổi, rất xinh đẹp (đẹp thực sự!). Là người giỏi ăn nói, phẩm chất cao quý. Muốn tìm một người đàn ông có mức lương hàng năm từ 500 ngàn đô trở lên. Điều này có lẽ hơi thẳng thắn một chút, nhưng đừng quên, tiêu chuẩn lương hàng năm của tầng lớp trung lưu New York là hơn 1 triệu đô. Cho nên tôi cho rằng đây không phải là một yêu cầu quá cao.

Tôi thành tâm muốn tìm bạn trăm năm. Tôi đem những suy nghĩ thành thực đặt cả vào đây, mong những kẻ có ý sỉ nhục đừng nặng lời. Gái đẹp thường nông cạn, chí ít tôi cũng chân thành thẳng thắn. Tôi không muốn tìm người không thích hợp với mình, mong rằng ở tất cả các mặt: Điều kiện ngoại hình, nền tảng văn hóa, tố chất cá nhân, khả năng chăm lo chuyện gia đình… bạn đều có thể phù hợp với tôi.

Một nhà tài chính phố Wall phản hồi như thế này:

Thông báo tìm bạn đời của cô, theo ý kiến của riêng tôi, đó chẳng qua chỉ là một vụ buôn bán không có lãi. Lý do như sau: Bỏ qua tất cả những lời thừa thãi, đề nghị của cô chính là một cuộc giao dịch: Dùng sắc đẹp của cô để đổi lấy tiền của tôi. Điều này không xấu. Nhưng trong đó có một vấn đề: Sắc đẹp của cô sẽ tan biến, còn tiền của tôi lại có thể trở thành tài sản cố định – thực tế là thu nhập của tôi rất có thể sẽ tăng thêm, còn nhan sắc của cô vĩnh viễn không thể tăng lên được!

Vì thế, từ góc độ kinh tế học, cô là tài sản mất giá còn tôi là tài sản tăng giá. Hơn nữa, cô không chỉ sẽ giảm giá mà còn khấu hao nhanh. Tôi sẽ giải thích một chút: “Năm nay cô 25 tuổi, năm năm tiếp theo có thể cô vẫn còn xinh đẹp mỹ miều; nhưng, sau đó nhan sắc của cô sẽ ngày càng sụt giảm. Cô sẽ già đi rất nhanh, đến 35 tuổi – có thể nhan sắc của cô đã hoàn toàn mất giá trị!

Cho nên, theo thuật ngữ của phố Wall, chúng tôi sẽ cho rằng cô chỉ là một tấm “cổ phiếu giao dịch” không nên “giữ lại”. Thế nhưng cái khó nằm ở chỗ – thứ cô muốn lại là hôn nhân. “Mua” thì cô không đáng giá (đây là yêu cầu của cô), cho nên tôi sẽ xem xét đến việc “thuê” cô. Có lẽ cô sẽ cảm thấy tôi nói vậy là rất tàn nhẫn, cho nên tôi giải thích một chút như thế này: Khi tiền của tôi hết, cô sẽ ra đi; khi sắc đẹp của cô hết, tôi cũng ra đi. Đạo lý này thật đơn giản. Cho nên, đối với vụ giao dịch này, phương án thích hợp nhất không phải là kết hôn, mà là hẹn hò.

Còn nữa: Khi vừa mới đi làm, tôi đã học “hiệu ứng thị trường”. Tôi nghi ngờ rằng vì sao một cô gái “Giỏi ăn nói, phẩm cấp thanh cao, xinh đẹp thực sự” mà lại không tìm được một “Sugar Daddy” cho mình? Tôi cũng thắc mắc rằng, nếu như cô thực sự hoàn hảo như bản thân cô miêu tả, thì tại sao những người đàn ông “mức lương 500 ngàn đô’’ kia lại không đi tìm cô – điều này không cần thử nghiệm.

Thêm nữa – nếu cô có thể tự dựa vào sức mình, tôi cũng chẳng cần phải nhiều lời.

Hy vọng lời nói của tôi có thể giúp ích được cho cô. Nếu cô muốn xem xét đến phương án “thuê”, xin mời liên hệ lại với tôi.

Như vậy là, cuộc giao dịch giữa sắc đẹp của phụ nữ và túi tiền của đàn ông đã lộ rõ mồn một trong phân tích của một người đàn ông sáng suốt kia.

 Tôi thực sự đã hiểu – một người đàn ông giàu có đúng là có rất nhiều điểm tốt. Anh ta có thể đưa bạn vào những khách sạn sang trọng, bay đến khắp các thành phố lớn, tặng cho bạn những bộ quần áo đắt tiền.

Nhưng người đàn ông giàu có, đặc biệt là đàn ông giàu có lớn tuổi, họ thường đã có cuộc sống riêng của mình. Nếu như bạn nhét mình vào cuộc sống của anh ta, bạn sẽ mất đi cuộc sống của mình. Làm bạn gái, thậm chí là làm vợ của ông ta, chăm sóc chồng và những đứa con trước của chồng sẽ trở thành cuộc sống của bạn. Còn chưa nói đến việc, đợi đến lúc nhan sắc của bạn không còn nữa, ngay đến cuộc sống như vậy cũng sẽ biến mất – anh ta sẽ lại đi tìm “mợ hai”, chuyện này chẳng phải hiếm hoi gì.

Không nên dựa dẫm vào đàn ông để nuôi sống bản thân, điều đó giống như bệnh nhân phụ thuộc vào máy thở để duy trì sự sống. Nếu trong lòng bạn không có niềm tin rằng – “không có người đàn ông nào tôi vẫn có thể sống tốt”, thì mãi mãi bạn cũng không thể thực sự ngang hàng với bất kỳ người đàn ông nào. Lúc Gloria Steinem – lãnh tụ của chủ nghĩa nữ quyền 77 tuổi, bà đã khuyên chị em phụ nữ hãy vạch kế hoạch cho tương lai của mình:

(Khi còn trẻ), tôi cảm thấy dù sao mình cũng phải kết hôn, cho nên tôi chưa từng vạch ra kế hoạch dài hạn nào cả; làm việc gì tôi cũng đợi nước đến chân mới nhảy. Tôi luôn nghĩ lấy chồng và sinh con đẻ cái mới là kế hoạch của tôi trong tương lai… Sau 50 tuổi tôi bắt đầu tiết kiệm tiền, điều này đã giúp tôi không còn phải lo lắng cuối đời mình sẽ trở thành một mụ già nghèo đói; và tôi cũng có niềm tin rằng, mình đã có chỗ dựa khi về già.

Điều khiến tôi xúc động nhất trong lời nói của bà, đó là bà đã yên tâm khi về cuối đời mình “sẽ không trở thành một mụ già nghèo đói”. Cũng nhờ nhận thức được điều này, mà cuộc sống của bà trở nên đảm bảo và mãn nguyện hơn.

Tôi có rất nhiều bạn trai có tiền có thế. Tôi phát hiện ở họ có chung một điểm: Một người đàn ông tự trọng (đây là mẫu người duy nhất mà bạn nên cân nhắc) sẽ không có hứng thú làm Sugar Daddy cho bất kỳ cô gái nào. Hơn nữa, họ có thể chỉ cần nhìn là biết ai là người nhắm vào túi tiền của mình. Anh ta đương nhiên cũng sẽ không để bản thân bị lợi dụng mà không lợi dụng người khác. Đúng như lời nhà tài chính phố Wall: Tôi có thể thuê, tại sao lại phải mua? Nếu cô muốn tìm được một người đàn ông xuất sắc, bản thân cô phải trở thành một người đàn bà xuất sắc trước. Mong muốn của một người đàn ông tốt, đó là có được một người bạn đời ngang bằng với mình.

Tôi và bạn giống nhau, tôi cũng muốn có một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, cũng thích những món đồ xịn, cũng muốn con cái mình muốn gì được nấy. Nhưng, con đường để giành được tiền bạc và quyền lực, cần phải dựa vào chính đôi chân mình đi tới.

Hãy tự mình kiếm tiền đi, hỡi các chị em! Bạn phải khiến cho cánh đàn ông biết rằng, cuộc sống của bạn do bạn làm chủ; chỉ cần bạn muốn, đến và đi đều là việc của riêng bạn.

Nếu hai người các bạn không thể chung sống được thì phải làm sao? Nếu anh ta biến mất không lý do thì phải làm thế nào? Cuộc sống của bạn vẫn phải tiếp tục. Chu Nhược Nghi, quản lý cao cấp của IBM chia sẻ với tôi một lời khuyên của cô đối với các con gái:

Lời nhắn nhủ quý giá và khiến mẹ nhớ lâu nhất mà bà ngoại của các con dành cho mẹ, đó là: “Điều quan trọng nhất của người phụ nữ là phải độc lập. Đối với các con, mẹ muốn thêm một điều rằng: Đến khi nào các con xác định được rằng mình hoàn toàn có thể độc lập được về kinh tế, tình cảm và sinh lý để chăm sóc con cái, lúc ấy các con hãy nên sinh con.’’ 

Nhưng nếu có người nhiều tiền sẵn sàng tài trợ cho tôi thì sao?

Có một độc giả của Global Rencai đã viết thế này: “Nhưng, nếu tôi gặp được một đại gia tự nguyện tài trợ cho tôi thì sao? Anh ta sẵn sàng xuất tiền để tôi học MBA, sau đó còn sẵn sàng xuất tiền để giúp tôi lập nghiệp, lẽ nào tôi lại không thể lấy anh ta?’’

Nhà thần học Do Thái Martin Buber trong cuốn Tôi và bạn (I and thou) xuất bản năm 1923 của mình, ông đã chia mối quan hệ giữa người với người thành hai hình thức: Hình thức thứ nhất là “Tôi – Nó”, tức xem đối phương như hàng hóa, đối phương chỉ như một công cụ làm việc trong mắt mình; hình thức thứ hai là “Tôi – Bạn” xem đối phương là chủ thể, cho nên muốn tìm hiểu nhu cầu và cảm nhận của đối phương giống như tìm hiểu chính mình.

Nếu mối quan hệ giữa bạn và một người đàn ông là “Tôi – Nó”, thì bạn chẳng hề yêu anh ta, bạn chỉ yêu chính bản thân mình mà thôi. Thái độ này cho thấy rằng, bạn hoàn toàn không thấy anh ta có gì đặc biệt, mà chỉ thấy sự hữu ích của anh ta đối với cuộc sống của mình. Nói cách khác, chỉ cần người đàn ông đó cưng chiều bạn, bạn sẽ lấy anh ta.

Rất nhiều người kết hôn vì tiền, điều này thậm chí còn khiến người ta nghĩ rằng mình thật thông minh, thật tuyệt vời. Nhưng xin đừng quên rằng, có lúc sự thông minh ấy chỉ là ngộ nhận.

Bạn không muốn bị xã hội này dồn vào nhà tù của những cuộc hôn nhân không tình yêu, nhưng làm như vậy thì chính bạn đang vô tình tự bước chân vào cái nhà tù đó. Khi bạn lấy một người đàn ông vì tiền, bạn không chỉ là món hàng của anh ta, mà còn là món hàng của chính bạn; bởi lẽ – bạn vốn là đối tượng tìm kiếm hôn nhân, nhưng bạn lại chỉ muốn kết hôn với một đại gia nào đó, vậy có khác gì bạn đang tự định giá cho mình?

Hôn nhân khiến cho tính khả năng trong cuộc sống của bạn giảm sút. Không được để cho tính khả năng vốn là vô tận trong cuộc sống của bạn biến mất chỉ vì quyết định lấy một người mà bạn không yêu thương. Bạn đáng được nhiều hơn thế.

Nếu công việc làm ăn của anh ta thất bại thì sao? Nếu có ngày anh ta cần bạn phải nuôi sống thì phải làm thế nào? Nếu có ngày bạn và anh ta đều hết sạch tiền, liệu bạn có còn yêu anh ta như vậy không? Ngày nay tình hình kinh tế thiên biến vạn hóa, một khối tài sản khổng lồ có thể hóa thành tro trong phút chốc. Một người hôm nay là tỷ phú nhưng ngày mai có thể đã không còn một xu dính túi, một kẻ hôm nay trắng tay ngày mai lại biến thành tỷ phú. Khi tôi còn hoạt động trong giới bất động sản, xung quanh có rất nhiều những doanh nhân như thế, ngày hôm qua họ vẫn còn là những đại gia tiền tỷ, hôm nay đã trở nên nghèo rớt mồng tơi.

Tôi khuyên bạn hãy kết hôn vì tình yêu, tất nhiên tôi cũng hoàn toàn không có ý nói rằng có tình yêu thì nhất định sẽ có tiền. Chúng ta nên đối xử với đàn ông và tiền bạc như thế này: Phải lấy một người đàn ông có quan điểm về tiền bạc ngang hàng với mình. Nếu bạn muốn tích lũy tiền bạc, vậy không nên lấy một người đàn ông chỉ mê chơi game online, tiêu tiền như nước; nếu bạn không mấy quan trọng về tiền bạc, chỉ muốn dành dụm đủ tiền để thỉnh thoảng đi du lịch, tăng cường hiểu biết, vậy tốt nhất bạn nên lấy một chàng trai cũng có cùng “tần số’’ với bạn.

Làm mẹ đồng nghĩa với tiến thoái lưỡng nan

Vạch ra kế hoạch cho cuộc sống đối với bất kỳ ai đều không phải là chuyện đơn giản, với phụ nữ hiện đại lại càng khó hơn. Trước khi lập gia đình hãy cân nhắc đến tất cả những lợi ích và rủi ro của nó, điều này nghe có vẻ bất hợp lý và sẽ làm tổn hại đến tình cảm của cả hai, cho nên rất nhiều người trước khi bước vào đời sống hôn nhân, họ chỉ có một mong muốn tốt đẹp mà mơ hồ rằng: “Chúng tôi đều hy vọng có thể thực hiện được công việc giá trị của bản thân mình. Chúng tôi đều muốn có con. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nghĩa vụ chăm sóc con cái. Chúng tôi tin vào bình đẳng giới.” Thế nhưng, rất ít người trước khi kết hôn, biết ngồi lại để trao đổi một cách thẳng thắn về tất cả các vấn đề hiện thực liên quan đến việc thiết lập một gia đình.

Một thế giới của hai người ban đầu đang vận hành bình thường, nhưng khi có thành viên thứ ba, thứ tư xuất hiện, nó sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Mọi người liên tục cảnh báo bạn: Sau khi có con, cuộc sống sẽ không còn giống như trước nữa. Trước kia tôi đã thấy rất nhiều bạn bè mình làm mẹ, nhưng sau khi tôi có con, những vấn đề về thời gian, sức lực và tiền bạc dành để nuôi con vẫn khiến tôi phải choáng váng.

Làm cha mẹ có rất nhiều hạnh phúc, nhưng cũng có rất nhiều thiệt thòi. Làm cha mẹ khiến chúng ta căng thẳng, kiệt sức, mất thời gian. Điểm khác biệt so với các công việc khác: Đây là công việc toàn thời gian, một ngày 24 tiếng, một năm 360 ngày (không có nghỉ phép!). Khi làm cha mẹ, ngay đến một ngày bạn cũng khó có thể quy hoạch được, đừng nói đến việc lập kế hoạch sự nghiệp của riêng mình. Và khi đã có con, phụ nữ chúng ta mới ý thức sâu sắc rằng, muốn điều phối tốt hai việc này thật khó hơn cả lên trời.

Làm phụ nữ, hầu hết chúng ta đều không muốn một mình đảm đương trách nhiệm nuôi nấng chăm sóc con cái. Chúng ta muốn hưởng thụ thời gian tuyệt vời bên con yêu, nhưng chúng ta cũng cần phải sống với những điều khác nữa.

So với đàn ông trước đây, những ông chồng ngày nay đã làm việc nhà nhiều hơn, cũng dành nhiều thời gian cho con cái hơn. Nhưng muốn có được sự bình đẳng giới thực sự, chúng ta vẫn còn một con đường rất dài phải đi. Hầu hết phụ nữ đều bỏ thời gian làm việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn đàn ông. Đối với đa số phụ nữ, làm mẹ đồng nghĩa với làm hai công việc toàn thời gian.

Còn đàn ông, khi họ xắn tay lên giúp chúng ta làm những việc này, xã hội sẽ lên tiếng khen ngợi họ – bởi vì theo định nghĩa, đó là những công việc mà phụ nữ phải làm. Có hôm vào cuối tuần, tôi thấy chồng thay đổi trạng thái của mình trên trang cá nhân rằng: “Vợ đi làm tóc, tôi đang làm bảo mẫu cho hai con!” Mỗi lần như thế tôi lại không nhịn được cười, rất muốn comment một câu rằng: ”Ông xã, dùng từ sai rồi, anh phải gọi đó là ‘làm cha’ – vì đó không phải con của người khác!”

Đàn ông còn thích làm một số hoạt động cá nhân hơn phụ nữ, ví dụ như sở thích tập thể thao, ăn uống và tham gia vào những việc không chuyên. Còn phụ nữ lúc con còn nhỏ ư, lần cuối cùng bạn nghe thấy có một bà mẹ đi đánh golf là chuyện từ thập kỷ nào rồi?

Các nhà xã hội học đã phát hiện, đối với việc kết hợp giữa công việc và gia đình, phản ứng của nam giới và nữ giới là không giống nhau. Khi xuất hiện “nhiều nhiệm vụ cần xử lý cùng lúc” – ví dụ vừa trông chừng con chơi ở sân chơi vừa tiếp điện thoại của khách hàng, đàn ông sẽ cảm thấy mình là một “ông bố tuyệt vời”, còn phụ nữ lại chỉ cảm thấy áp lực. Những phát hiện này được trích ra từ “Dự án nghiên cứu 500 gia đình’’ trong thời gian hai năm. Kết luận được đăng trên tạp chí Bình luận xã hội học Mỹ của Hiệp hội Xã hội học Mỹ vào tháng Mười hai năm 2011.

Nghiên cứu cho thấy, các ông bố khi trông con, họ có xu hướng thích làm một số hoạt động mang tính tương tác hơn, những hoạt động này có thể dỗ trẻ em chơi ngoan hơn các phương thức cũ. Còn khi các bà mẹ trông con, họ thích sắp xếp một số việc lặt vặt cho con hơn, để chúng tự chơi, hoặc giám sát chúng làm bài tập. Các ông bố sau khi đi làm về, họ cảm thấy áp lực giảm xuống, tâm trạng trở nên tốt hơn; còn các bà mẹ sau khi tan ca lại phải bắt đầu công việc của “ca hai”, cảm xúc không hề được cải thiện.

Barbara Schneider, người chỉ đạo nghiên cứu này nói rằng: “Những số liệu mới này giúp chúng tôi giải thích được một nghịch lý: Đàn ông lo chăm sóc gia đình hơn, nhưng lại hoàn hoàn không thể khiến cho cánh phụ nữ trở nên vui vẻ.’’

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi có rất nhiều bà mẹ trẻ luôn cảm thấy thất vọng, chán nản, luôn than vãn áp lực cuộc sống quá lớn. Một phụ nữ đã kết hôn và có con, cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều so với đàn ông đã kết hôn và có con, phụ nữ độc thân và đàn ông độc thân.

Phụ nữ gánh chi phí và rủi ro cho việc làm cha mẹ

Rất nhiều phụ nữ đặt sự nghiệp của chồng lên hàng đầu, trong hôn nhân hiện đại vẫn có trường hợp như vậy – cho dù họ có sự nghiệp tốt hơn, thậm chí kiếm được nhiều tiền hơn chồng. Đặt sự nghiệp của đàn ông lên ưu tiên hàng đầu, đối với cả hai vợ chồng, đó đều là một việc làm rất thiếu tính thuyết phục. Ví dụ, hiện tại là 5h30’, đúng 6h phải đón con từ nhà trẻ về. Vậy thì chắc chắn vợ phải là người gác lại công việc vẫn chưa làm xong để đi đón con. Lại ví dụ, công việc của hai vợ chồng đều rất tốt, đều phải thường xuyên đi công tác, vậy thì phải có một người không thể đi công tác liên tục được. Ngươi đó lại vẫn là vợ, họ chủ động hạ cấp sự nghiệp của mình.

Có thể bạn cảm thấy, chồng bạn đã hỗ trợ bạn đủ về kinh tế, bạn sẽ không cần phải quá chú trọng đến sự nghiệp, có thể đổi một công việc nhẹ nhàng hơn, bớt thời gian làm việc đi, thậm chí là chẳng cần làm việc trong vài năm. Bạn còn nghĩ rằng, một ngày nào đó khi bạn muốn khôi phục sự nghiệp, thế giới nghề nghiệp ngoài kia vẫn sẽ rộng mở chào đón bạn.

Thế nhưng, tất cả những ý tưởng này của bạn chứa đầy sự rủi ro. Xã hội này vẫn chưa phát triển đến mức có thể cho phép bạn tự hạ cấp hoặc thăng cấp sự nghiệp dựa theo thời gian của mình. Làm nghề săn đầu người, tôi nhìn thấy những việc này xảy ra hàng ngày. Khi bạn đặt sự nghiệp của mình vào vị trí thứ yếu, nó sẽ dẫn đến những tác động kép xâu chuỗi, ảnh hưởng dài hạn đến cuộc sống và sự nghiệp của bạn. Hầu hết những phụ nữ không chủ động với sự nghiệp của mình đều bị tụt lại phía sau. Kỹ năng của họ đã lỗi thời, mạng lưới liên hệ đã hết hạn, thay thế họ là những người khác nhiều tham vọng hơn. Rất ít phụ nữ có thể tiếp tục công việc mình đã gác lại mà vẫn giữ được trình độ như tại thời điểm họ rời bỏ.

Làm cha mẹ và gây dựng sự nghiệp hoàn toàn khác nhau ở hai khía cạnh chi phí và thu lợi. Khi đàn ông đảm bảo cho gia đình về mặt kinh tế, thành tựu của họ sẽ liên tục được thừa nhận. Thông qua sự nghiệp, họ cũng gặt hái được tình hữu nghị và mạng lưới kết nối bền chặt.

Ngược lại, vai trò của phụ nữ lại không được bù đắp trên ý nghĩa kinh tế và xã hội. Mức độ tự tin và tự khẳng định của những bà mẹ toàn thời gian thường rất thấp, cho dù là ở khía cạnh chăm sóc con cái hay khả năng xã giao. Có con nhỏ là nhân tố chủ yếu nhất tạo ra cảm giác chán nản cho các bà mẹ. Chính bản thân người mẹ khi bước vào giai đoạn tuổi già cũng là nhân tố chủ yếu dẫn đến sự nghèo đói. Hơn nữa, điều này sẽ từ từ khiến cho sự quan tâm giữa hai vợ chồng dần bị phân hóa, khiến cho hai người bắt đầu sống ở hai thế giới khác nhau.

Hãy nhìn những người phụ nữ quá cứng nhắc này: Kết hôn quá sớm, sau đó đánh mất chính mình trong vai trò làm mẹ hiền vợ đảm. Họ không còn quan tâm đến bản thân, không cho mình cơ hội trưởng thành, học tập và sáng tạo nữa.

Rất nhiều phụ nữ sống như vậy, hết ngày nọ đến ngày kia, hết năm này qua năm khác; đến hơn 40 tuổi, khi xung quanh chồng có những cô gái xinh đẹp trẻ trung, họ liền bị vứt bỏ một cách tàn nhẫn. Mỗi khi nghe người đàn ông nào đó dùng một câu vô cùng đơn giản để tổng kết toàn bộ lịch sử cuộc sống hôn nhân của mình trước đây, tôi luôn cảm thấy rùng mình ớn lạnh – “Cô ấy khiến tôi quá mệt mỏi rồi!”

Mang thai và nuôi con là những khoảnh khắc dễ tổn thương nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Những rủi ro từ hôn nhân và con cái của người phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới, vì tất cả các chi phí cần thiết – chăm sóc con cái, thời gian, tình cảm, cơ hội nghề nghiệp, an toàn về kinh tế… đều do phụ nữ gánh chịu.

Có một quy tắc bất thành văn: Người chồng phải đưa hết tiền bạc mà mình kiếm được cho vợ con. Thế nhưng, từ các nghiên cứu có thể thấy, phụ nữ kết hôn càng sớm thì xác suất ly hôn sớm càng cao. Và mặc dù nam giới bị yêu cầu có trách nhiệm tiếp tục hỗ trợ vợ và con cái sau khi ly hôn, thì sau khi ly hôn, phụ nữ vẫn thường rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế.

Ở Trung Quốc, tài sản của đàn ông sau khi ly hôn thông thường sẽ tăng lên, còn khả năng lâm vào cảnh nghèo khó của phụ nữ và trẻ em lại rất lớn. Hầu hết chị em phụ nữ đều không thể tự vực dậy về các mặt kinh tế, tình cảm và tinh thần sau khi ly hôn. Nhưng điều khiến người ta kinh ngạc hơn đó là, theo báo cáo của Ủy ban Dân chính, có từ 70% đến 80% các cuộc ly hôn ở Trung Quốc là do phụ nữ chủ động đề xuất. Điều này cũng chứng tỏ cuộc sống hôn nhân của họ đã từng rất tồi tệ.

Xã hội cho rằng, phụ nữ chúng ta đặt gia đình lên trên sự nghiệp là một loại phẩm hạnh. “Bạn đã hy sinh sự nghiệp của mình vì sự nghiệp của chồng, điều này quá vĩ đại!” Cho nên, trong khi chúng ta coi việc chăm sóc con cái là công việc có ý nghĩa tối quan trọng, thì hầu hết nam giới lại không hề biết cổ vũ khích lệ những người vợ đang phải ngày đêm tất bật vì con cái của mình.

Tôi cũng phải trải qua thời gian rất dài mới nhận thức được điều này. Trong khoảng thời gian rất dài sau tuổi thành niên, tôi đã tán thành những người bạn nữ của tôi chú tâm ở nhà với con. Tôi cảm thấy phụ nữ cần phải có một sự lựa chọn, mà có lựa chọn đồng nghĩa với việc chúng ta không nên bị xem thường vì quyết định tập trung nuôi dạy con cái. Trên ý nghĩa chính trị và triết học, tôi vẫn nhận định như vậy.

Và từ ý nghĩa thiết thực, quan điểm hiện giờ của tôi đó là, làm một bà nội trợ chăm sóc gia đình toàn thời gian, đối với bất kỳ phụ nữ nào cũng đều không phải là lựa chọn tốt nhất. Tôi nhìn thấy ở xung quanh mình, những bạn đồng lứa tập trung toàn bộ tâm trí, sức lực vào gia đình, hầu hết họ đều trở nên cô đơn, chán nản, thất vọng và cuối cùng trở nên trầm cảm. Trong số họ có nhiều người rất giàu có, cho nên tiền không phải là vấn đề. Nhưng tiền không thể khiến cho nỗi đau khổ khi bị cô lập với thế giới bên ngoài trở nên tê liệt. Những người bạn hạnh phúc nhất của tôi là những người phụ nữ có cống hiến đối với thế giới bên ngoài gia đình.

Là phụ nữ, chúng ta phải có vai trò bên ngoài gia đình. Điều này đối với quan hệ của chúng ta với bản thân và quan hệ giữa chúng ta với người khác là quan trọng như nhau. Và cách tốt nhất để bồi dưỡng cho các con tính độc lập, chính là để chúng nhìn thấy hình ảnh của một người mẹ độc lập.

Làm thế nào mới có thể khiến chị em phụ nữ thực hiện được khát vọng của mình mà vẫn có một gia đình đầm ấm? Trên con đường cao tốc của sự nghiệp ngày nay, chúng ta cần có “khu vực dừng xe” hiệu quả, giúp người chồng và người vợ có thể tạm thời rời khỏi “đường chính”, để đi chăm sóc con cái hoặc cha mẹ già yếu, sau đó vẫn có cơ hội quay trở lại con đường chính của sự nghiệp.

Trên thế giới có rất nhiều nơi đã đặt ra chính sách nam giới phải chi trả một khoản tiền để miễn nghĩa vụ quân sự hai năm hoặc bốn năm. Như vậy, tại sao lại không đặt ra một chính sách kỳ nghỉ gia đình cho cả nam lẫn nữ? Tôi tin rằng, nếu chúng ta quan tâm đến việc xây dựng một hệ thống tương tự như vậy vì phụ nữ và gia đình, thì việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Đồng thời, những công ty dùng những bà mẹ thất nghiệp làm lực lượng lao động chính thực sự rất có tầm nhìn và rất có triển vọng. Về điểm này, chúng ta chỉ cần nhìn vào những công ty lớn do những nữ doanh nhân thành lập sau khi trở thành mẹ sẽ rõ.

Ý nghĩa của việc có được mọi thứ, đó là không nhất thiết phải tự làm mọi thứ

Có một số nhân vật nổi tiếng, dường như họ làm việc gì cũng rất dễ dàng. Lấy ví dụ như Angelina Jolie. Cô ấy là một đại mỹ nhân, là nữ hoàng phòng vé, và còn kết hôn với một trong những người đàn ông quyến rũ nhất thế giới; cô là một tín đồ của chủ nghĩa nhân đạo đẳng cấp thế giới, là mẹ của sáu đứa trẻ. Cô ấy làm tất cả những điều này như thế nào?

Đương nhiên không phải bản thân cô tự làm hết. Theo như báo chí viết, chí ít cô ấy phải thuê năm bảo mẫu, đương nhiên cô chưa bao giờ để bảo mẫu xuất hiện trước ống kính. Ngoài ra, “công ty Angelina” của cô còn có rất nhiều giáo viên, nhân viên vệ sinh và trợ lý riêng.

Tôi vô cùng khâm phục Angelina Jolie. Diễn xuất của cô ấy đương nhiên không có gì phải bàn, cô ấy cũng nỗ lực duy trì hình tượng tích cực của mình hơn bất kỳ ngôi sao Hollywood nào khác. Điều này khiến cô trở thành nữ diễn viên có sức ảnh hưởng lớn nhất Hollywood. Thế nhưng, nói đi lại phải nói lại, chúng ta hoàn toàn không nên vì thấy Angelina Jolie đóng gói hình tượng của mình như một bà mẹ siêu cấp, thấy mình không làm được như cô ấy mà xấu hổ.

Cũng thường có người hỏi tôi rằng: “Làm sao chị có thể làm được hết tất cả những việc này?” thực tế thì, tôi không “làm”. Tôi có một người chồng chu đáo, còn thuê được một bảo mẫu toàn thời gian, chị ấy chăm sóc hai con gái của tôi, nấu cơm cho tôi. Vệ sinh nhà cửa cũng có người làm việc bán thời gian đến quét dọn định kỳ.

Hầu như CEO của các công ty lớn đều là nam giới. Thời gian làm việc mỗi tuần trên dưới 80 tiếng, đồng nghĩa với việc họ không thể ở nhà để chăm sóc con cái. Họ không cần phải làm như vậy, bởi vì hầu hết những người đàn ông này đều có hai loại tài sản vô cùng quan trọng: Một người vợ toàn thời gian và rất nhiều dịch vụ nội trợ trả phí.

Có một người vợ toàn thời gian là điều không thể tốt hơn: Cô ấy yêu con của bạn hơn cả bản thân; cô ấy làm việc nhà cho bạn, lúc nào cô ấy cũng ở nhà, và cô ấy còn cho bạn đời sống tình dục. Thế nhưng, chi phí để nuôi một bà vợ toàn thời gian cũng không rẻ chút nào. Website salary.com đã định giá một bà mẹ toàn thời gian là 115.000 USD/năm tương đương với mức lương của tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc của một công ty xuyên quốc gia cỡ nhỏ.

Còn các dịch vụ nội trợ cũng không hề rẻ, đặc biệt ở nước Mỹ lại càng đắt đỏ. Nói vậy có nghĩa là, bạn phải kiếm rất nhiều tiền để trả những chi phí này. Vậy mới nói rằng – chúng ta cần phải đợi sau khi bản thân ổn định về kinh tế rồi mới nên có con, như vậy sẽ tốt cho cả bạn và con của bạn.

Làm được tất cả những việc này – theo đuổi ước mơ, làm người mẹ tốt, lại giữ được vẻ ngoài luôn tươi tỉnh và nhã nhặn, bí mật nằm ở chỗ không nên tự làm tất cả mọi việc. Phương pháp như sau: Đầu tiên, lấy một người đàn ông có thể trở thành tri kỷ thực sự của bạn, có như vậy bạn mới có sự giúp sức lớn nhất; sau đó, tìm đến tất cả những sự trợ giúp mà bạn có thể tìm được xung quanh mình, từ cha mẹ, ông bà, các dịch vụ giúp việc gia đình, cho đến bất kỳ sự trợ giúp nào khác mà bạn có thể có được.

Đối với phụ nữ ngày nay, hôn nhân và làm mẹ mang đến những niềm vui to lớn, nhưng cũng mang đến không ít những chi phí và rủi ro. Một cuộc hôn nhân thành công tuyệt nhiên không yêu cầu nam và nữ phải hoàn toàn bình đẳng, nhưng nó yêu cầu bạn và chồng tương lai của bạn phải có được sự đồng thuận trong việc sắp xếp cuộc sống.

Xã hội này luôn thúc giục chúng ta kết hôn, nhưng sau hôn lễ, sự giáo điều của nó lại chẳng hề giúp ích gì cho cuộc sống của chúng ta. Cho nên, thứ mà các cô dâu lên kế hoạch chỉ là lễ cưới, chứ không phải là cuộc hôn nhân của mình.

Sớm lập kế hoạch cho cuộc sống của bạn là việc làm vô cùng quan trọng. Giống như Gloria Steinem đã nói:

Phải chăng sớm lập kế hoạch cho cuộc sống là thước đo đáng tin cậy nhất để phân chia đẳng cấp. Người giàu thường lập kế hoạch trước mấy đời, người nghèo chỉ nghĩ làm thế nào để sống qua tuần này. Như vậy có thể thấy, dù có là tiểu thư cành vàng lá ngọc đến mấy cũng chỉ được xem là đẳng cấp thấp, bởi vì họ đã giao quyền khống chế cuộc đời mình cho chồng, cho con, cho cộng đồng và cho xã hội.

Một cuộc sống có ý nghĩa, tràn ngập yêu thương, đối với bạn, đây là mơ ước cần có. Không nên vì một cuộc sống xa hoa nào đó trong tưởng tượng, hoặc cuộc sống làm mẹ được lý tưởng hóa mà vứt bỏ đi mơ ước của mình. Cuộc sống của chúng ta luôn thay đổi, nhịp sống xã hội đang ngày một gấp rút, vì vậy, chúng ta cũng phải tiến lên. Nếu bạn muốn có tất cả, bạn sẽ có thể có tất cả; nhưng ở mỗi ngã tư trên con đường hướng tới mục tiêu của mình, bạn đều phải thấy rõ được những lựa chọn trước mắt, và sớm lập ra đường đi nước bước cho riêng mình.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.