Đừng Kết Hôn Trước Tuổi 30

Chương 10. Những chàng trai tốt chạy đi đâu hết?



Tôi đã hẹn hò liên tục từ độ tuổi 20, nhưng nhìn chung đời sống tình cảm của tôi không được như mong đợi. Cậu bé 18 tuổi tôn thờ tôi, ông già 60 tuổi càng sùng bái tôi hơn; còn những chàng trai trạc tuổi tôi lại dường như chưa hoàn toàn trưởng thành – thực tế, tôi cũng vậy.

Tôi và các bạn gái của mình thường ngồi cùng nhau trong các bữa tiệc, cùng phân tích những chàng trai mà chúng tôi quen, sau đó thở dài: “Những chàng trai tốt đều tuyệt chủng rồi hay sao nhỉ?’’ Câu nói của nhân vật Elaine vừa kỳ quặc vừa đáng yêu trong bộ phim truyền hình Seinfeld khiến chúng tôi rất đồng tình: “Tôi không phải là đồng tính. Tôi ghét đàn ông, nhưng tôi không phải là đồng tính.” 

Vấn đề của nam giới ngày nay

Đàn ông Trung Quốc có lẽ thực sự may mắn, đúng vậy không – lúc nhỏ họ có mẹ chăm sóc, lớn lên lại có vợ chăm sóc; ở nhà không phải bận tâm làm việc nhà, trông con, đến công ty lại chiếm hầu hết các vị trí lãnh đạo.

Thế nhưng, những quyền lực mà đàn ông có này, có thể nói đều bắt nguồn từ “cuộc trao đổi của Faust”. Trong một huyền thoại cũ của Đức, Faust là một học giả nổi tiếng, nhưng do bất mãn với cuộc sống, ông đành phải làm một cuộc giao dịch với con quỷ Miffy Manchester, dùng linh hồn của mình để đổi lấy tri thức vô tận và tất cả các thú vui trần thế.

Sức mạnh của đàn ông được xây dựng trên cát. Căn cứ để phán xét đàn ông là: Sự nghiệp thành công, nuôi sống gia đình. Giá trị của đàn ông được đánh giá dựa trên tài sản mà anh ta có, và điều đó tuyệt đối không phải là việc mà anh ta có thể hoàn toàn kiểm soát được. Tờ The New Yorker có một bức tranh hoạt hình, trong tranh là hai người đàn ông trung niên ăn mặc bảnh bao ngồi trong quán bar, một người nói với người kia: “Tiền chính là bảng thành tích của cuộc sống.” Xã hội này không chỉ chống lại phụ nữ, nó còn chống lại cả nam giới.

Nếu bạn không cần phải thông qua cạnh tranh mới cảm nhận được giá trị của mình, hoặc cho dù thua bạn cũng không bị sụp đổ, vậy thì bản thân cạnh tranh cũng có thể hiểu được. Nhưng trong xã hội của chúng ta, một người đàn ông không có tiền đồng nghĩa với việc anh ta không có giá trị; đối với đàn ông, ai kiếm được nhiều tiền người đó là kẻ chiến thắng. Nếu một người đàn ông không phải là kẻ chiến thắng, vậy thì anh ta chỉ có thể là kẻ thất bại; và cái giá phải trả cho sự thất bại trong trận đấu này là vô cùng nặng nề – anh ta chỉ có thể bỏ cuộc.

Trong phim ảnh và video game của nam giới, đầy rẫy nhưng thông tin như: Kẻ mạnh là kẻ bạo lực, có thể đánh gục người khác bằng sức mạnh của mình, “Nam tử hán’’ thì phải giống như Arnold Schwarzenegger (trong Kẻ hủy diệt), lạnh lùng tàn nhẫn — I’ll be back (Tôi sẽ quay lại).

Làm đàn ông nghĩa là phải lạnh lùng vô tình, phải trang bị vũ trang. Một người đàn ông nếu còn độc thân, không những chẳng có gì phải lo lắng, mà ngược lại còn rất quyến rũ. Nếu một người đàn ông rất giống đàn bà, khí chất của anh ta sẽ bị đặt câu hỏi đầu tiên, cho nên mọi người luôn chế giễu đàn ông Thượng Hải yếu đuối, biết nấu cơm.

Làm nam nhi nghĩa là phải mạnh mẽ, độc lập, phải học cách cai trị trong sự cô độc hoa lệ; ngay từ nhỏ đàn ông đã được dạy là không thể dựa dẫm vào người khác, thậm chí không được bị ảnh hưởng bởi người khác – nhưng trong tất cả các mối quan hệ, con người ta tránh sao nổi việc bị ảnh hưởng từ người khác. Rất nhiều chàng trai có xu hướng tình cảm tách rời đám đông, rất khó có thể kết giao bạn bè. Tất cả những điều này, sẽ tạo thành tổn thất rất lớn đối với bản thân họ và cả những người muốn yêu thương họ.

Nhưng khả năng chịu đựng của con người đối với sự cô đơn là hữu hạn. Nhà triết học Mỹ Henry David Thoreau đã nói: “Đàn ông sống trong nỗi tuyệt vọng câm nín.” Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình – Thực ra đàn ông rất u sầu, nhà tâm lý học Terence Lille đã viết như sau:

Khác với những nhân vật anh hùng cô đơn và quá tự tin được hư cấu trong truyền thống, nam giới trong thế giới thực tế cần có mối quan hệ xã hội, hơn nữa nhu cầu của họ cũng không hề ít hơn phụ nữ. Trong cảm giác về giá trị bản thân cũng bao gồm một cảm giác chiếm hữu, phải có người quan tâm bạn, phải có người sẵn sàng gần gũi bạn. Trong một mối quan hệ tình cảm lành mạnh, thành công đến từ một mối quan hệ ổn định dựa trên tình yêu và sự cống hiến, chứ không phải từ cuộc sống hào nhoáng bề ngoài.

Đây là sự trớ trêu tàn nhẫn nhất trong cuộc sống của phái mạnh hiện đại; xã hội này huấn luyện họ, bắt họ chiến đấu cho những thành tựu, để khiến bản thân họ cảm thấy mình đáng được yêu thương vì những thành tựu ấy. Nhưng việc theo đuổi thành tựu lại khiến họ bị cô lập trong mối liên hệ với mọi người. Làm một phụ nữ hiện đại rất khó, nhưng làm một người đàn ông hiện đại cũng không dễ dàng gì.

Trong khi đó, quan niệm đẳng cấp lại trái ngược với tình yêu. Tình yêu đích thực chỉ có thể tồn tại giữa hai tâm hồn tự do; khi một người khuất phục trước một người khác, giữa hai người có thể có lòng biết ơn và sự tôn kính, nhưng sẽ không có tình yêu. Trong lịch sử Trung Quốc từ xưa đến nay, luôn lấy sự vâng phục để áp dụng cho cấu trúc tình yêu gia đình.

Với nền tảng tri thức này, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu bản chất tình yêu giữa nam và nữ. Trong trật tự xã hội cũ, tình yêu say đắm chỉ có thể giấu trong góc tối. Sự xuất hiện của nó luôn bị chà đạp và bài xích tàn nhẫn. Những nhân vật kiểu Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài chỉ có thể hóa bướm để tuẫn tình, bởi vì họ không còn lối thoát nào khác.

Ngày nay chúng ta cảm thấy tìm được một người đàn ông tốt rất khó, bởi vì phụ nữ thế hệ đầu tiên chúng ta yêu cầu có được tình yêu, nhưng dù là phụ nữ hay đàn ông, đều chẳng ai dạy cho chúng ta làm thế nào để có được thứ tình yêu đó.

Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân mà tôi hy vọng phụ nữ ngày nay có thể tìm được người đàn ông mà mình cần – chúng ta cần, và đàn ông cũng cần. Tiêu chí của nó là: Rất nhiều người đàn ông đã sải một bước, chìa cành ô liu tình yêu về phía phụ nữ, hoặc họ cũng đã bày tỏ sự bình đẳng trong cuộc sống gia đình.

Có thể chung sống với người đàn ông không làm ra nhiều tiền bằng mình không?

Một độc giả của Global Rencai đã viết cho tôi một lá thư như thế này:

Joy, tôi luôn luôn chăm chỉ làm việc, có sự nghiệp thành công, cũng kiếm được rất nhiều tiền. Tôi thích du lịch, thích lang thang cùng các chị em, thích tiêu tiền. Vấn đề của tôi là: Tôi không tìm đâu ra một người đàn ông thành công hơn tôi. Người đàn ông như vậy hoặc đã kết hôn hết rồi, hoặc là gay.

Vấn đề này đã phá vỡ khái niệm cốt lõi về giới tính trong văn hóa hiện đại. Trong lịch sử Trung Quốc, luôn luôn là: Đàn ông nếu muốn là đàn ông, anh ta phải có tiếng nói quyết định; phụ nữ nếu muốn là phụ nữ, cô ta phải tuân theo.

Nếu chúng ta muốn bình đẳng với nam giới, muốn giải phóng mình ra khỏi chế độ đẳng cấp, thoát ra khỏi địa vị phục tùng, chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ quan niệm nam quyền. Nếu muốn phá vỡ chiếc lồng quan niệm nam nữ của xã hội, chính chúng ta cũng phải vượt qua định kiến lấy giá trị tài sản làm thước đo giá trị đàn ông.

Đúng vậy, chung sống với một người đàn ông kiếm ít tiền hơn mình không phải là vấn đề gì đáng nói. Ngay cả Buffett, một trong số ít những người giàu nhất thế giới cũng đã khuyên chúng ta rằng:

“Tốt nhất hãy kết hợp với người mạnh hơn bạn. Chọn ra những người làm tốt hơn bạn, dần dần bạn sẽ bằng họ.” 

Quan niệm nam nữ của xã hội là hoàn toàn phản nhân tính, chỉ có vượt qua quan niệm lỗi thời này, chúng ta mới có được cho mình một mối quan hệ yêu thương chân thực. Bạn và anh ấy sẽ trở thành người tình và bạn đời đích thực; trở thành người bạn tri âm có thể cùng chia sẻ niềm vui và vất vả trong cuộc sống gia đình; trở thành người bạn hữu khích lệ và sẻ chia mọi thách thức và thắng lợi trong sự nghiệp của nhau.

Ngoài ra, dù điều này khiến người ta có chút khó chịu, nhưng tôi vẫn không thể không nói, ưu thế của nam giới cùng với rất nhiều nhân tố bất lợi đối với phụ nữ vẫn tồn tại cho đến ngày nay, cho nên, một khả năng rất thực tế, đó là: Dù một người đàn ông bây giờ không làm ra nhiều tiền bằng bạn, nhưng mười năm sau họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bạn.

Đối với một số cặp vợ chồng, “bình đẳng” đồng nghĩa với việc vợ và chồng đều có thể hãm bớt sự nghiệp của mình vì gia đình. Thời gian ở Heidrick, tôi đã tận mắt nhìn thấy hiệu quả của khái niệm này.

Tìm kiếm nhân tài trên phạm vi toàn cầu là một công việc đòi hỏi phải rất khắt khe. Kiếm được nhiều tiền, nhưng thường xuyên phải đi công tác bất thình lình. Nội bộ Heidrick có một câu nói đùa rất kinh điển, nó bắt nguồn từ một hiện tượng thế này: Hầu hết các nữ nhân viên cao cấp đã có con trong công ty đều có một ông chồng Househusband (làm việc nhà là chính). Trong số những ông chồng này có những người đang hưởng thụ cuộc sống về hưu, có những người đang hưởng thụ các thú tiêu khiển cao cấp.

Chúng tôi gọi họ là “những ông chồng Heidrick.” Chẳng có gì đáng nghi ngờ cả, các ông chồng trên đã chi tiền để thuê rất nhiều trợ thủ, bởi vì hầu hết những người đàn ông có tiền sẽ không tự mình làm việc nhà hoặc trông con. Và theo như tôi biết, đối với sự phân công như vậy, đa phần mọi người đều rất hài lòng.

Cho nên, những người chưa có con nhưng muốn có con chúng tôi thường đùa với CEO rằng: “Sếp à, lúc nào mới gửi cho em một ông chồng Heidrick đây?” 

Dùng phương pháp săn đầu người để… săn đàn ông

Bạn mua cuốn sách này, chứng tỏ bạn không phải là một cô gái muốn lấy chồng cho xong chuyện. Hãy thừa nhận đi, các chị em: Nếu bạn một lòng muốn lấy chồng, bạn đã sớm lấy rồi, đúng không nào? Bạn có thể lấy một chàng trai luôn yêu bạn, đó là chàng trai chỉ cần bạn ới một tiếng, anh ta sẽ xuất hiện ngay tức khắc (dù là bạn cần mua một chiếc máy tính mới, ôn thi hay cần sửa ống nước trong nhà bếp). Chỉ cần bạn cho anh ta một cơ hội, anh ta sẽ cưới bạn ngay và luôn. Thế nhưng, bạn hoàn toàn không muốn lấy anh ta. Bạn là một cô gái khác biệt, bạn muốn tìm một người đàn ông xứng đáng với mình.

Nhưng làm thế nào để tìm được anh ta?

Nếu bạn muốn mua một chiếc xe mới, rất đơn giản, bạn có thể mua ngay một chiếc mà bạn nhìn thấy đầu tiên, lái thử một năm hoặc lâu hơn, thấy không thích nữa lại đổi chiếc khác. Thế nhưng, tại sao phải dùng cách đó để chọn đàn ông? Hãy thử cách làm của một kẻ săn đầu người xem thế nào nhé.

Là một chuyên gia tìm kiếm nhân tài, nếu muốn săn tìm thành công, đầu tiên phải luôn ý thức rõ đối tượng bạn cần tìm là người như thế nào. Nếu không xác định rõ thì việc tìm kiếm của bạn sẽ rất mù mịt, và cũng rất dễ đi vào ngõ cụt. Kết quả là rất có thể bạn sẽ vướng vào một Mr. Wrong trong nhiều năm mà không thể thoát ra được. Tình huống xấu hơn là: Bạn sẽ lấy Mr. Wrong đó làm chồng.

Mỗi lần công ty của tôi có khách hàng mới, chúng tôi đều phải thảo luận trước một chút về hiện trạng và chiến lược phát triển trong tương lai của công ty khách hàng. Chúng tôi sẽ thảo luận về những thách thức mà nhân viên mới phải đối mặt, có khi là CEO, có khi là giám đốc marketing, có khi là giám đốc tài chính, hoặc những người mà khách hàng của tôi muốn tìm kiếm. Sau đó, tôi sẽ viết một bản mô tả về trình độ của các ứng viên, nó sẽ bao gồm “ba nhóm’’: 

Nhóm thứ nhất: Tri thức, kỹ năng và tư cách. Bao gồm kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng của ứng viên. Nói cách khác, là tất cả nội dung trên hồ sơ xin việc của anh ta.

Nhóm thứ hai: Khả năng lãnh đạo. Bao gồm biểu hiện thực tế trong công việc của ứng viên. Chúng tôi sẽ xác định khả năng lãnh đạo cần thiết nhất, cũng là quan trọng nhất đối với vị trí mục tiêu.

Nhóm thứ ba: Cá tính. Ứng viên này là “người” như thế nào. Quan niệm giá trị và mục tiêu của anh ta.

Sở dĩ tôi phân tách tiêu chí lựa chọn ứng viên ra như vậy, là vì theo kinh nghiệm của tôi, rất nhiều công ty nếu tự tìm người, căn cứ xét tuyển của họ thường chỉ dừng lại ở nhóm thứ nhất – xem hồ sơ xin việc; nhưng nguyên nhân khiến họ đề bạt và miễn nhiệm lại là nhóm thứ hai và thứ ba – chính là người này như thế nào, hành vi và biểu hiện của anh ta ra sao.

Nếu khách hàng có sự nhầm lẫn giữa người mình cần và người mình thực sự cần, thì họ chắc chắn sẽ phải chịu những tổn thất lớn và bỏ lỡ nhiều cơ hội khác tốt hơn; thiệt hại này không chỉ đối với công ty mà đối với cả những người mà họ đã mời nhầm. Đây chính là nguyên nhân vì sao chúng tôi nhất định phải xác định trước, người chúng tôi muốn tìm là người như thế nào.

Nếu hỏi một người đàn ông chính thống, anh mong muốn phụ nữ có những ưu điểm nào, anh ta sẽ kể ra bốn điểm: Xinh đẹp, đáng yêu, thông minh, tự tin. Nhưng nếu hỏi một phụ nữ hiện đại mong muốn đàn ông có ưu điểm gì, cô ấy sẽ liệt kê ra một danh sách gồm… 50 điểm: Có nhà đẹp, xế sang, có bằng tốt nghiệp đại học hạng nhất; nhiều tiền như Bill Gates, đẹp trai như Tom Cruise, có gu ăn mặc nhưng không quá điệu đà; đi ăn nhà hàng biết cách chọn vang đỏ, chọn vang xong rồi thì biết cách thưởng thức như thế nào… và còn 42 điểm khác nữa.

Hầu hết các điểm này đều là những thứ trong nhóm thứ nhất. Có nhà, có bằng đại học danh tiếng, biết cách nếm rượu, biết cách ăn mặc… Tất cả những điều này đều chẳng liên quan gì đến biểu hiện của anh ta như thế nào (nhóm thứ hai), hay cá tính của anh ta ra sao (nhóm thứ ba).

Lấy bản thân tôi làm ví dụ. Đàn ông tôi từng hẹn hò có thể còn nhiều hơn bạn. Tuy 38 tuổi mới kết hôn, nhưng trong quãng thời gian 20 năm trước khi lập gia đình, tôi không chỉ suốt ngày tụ tập với đám bạn gái của mình. Ở độ tuổi 20, khi tìm kiếm Mr. Right của mình, tôi đã quá quan tâm đến nhóm thứ nhất. Nhưng sau khi làm Phó thị trưởng, tình hình đã hoàn toàn ngược lại, khi có một anh chàng nào đó hẹn tôi đi chơi, tôi sẽ nghi ngờ rằng, hứng thú của anh ta không phải ở bản thân tôi mà là ở chức vị của tôi, thứ duy nhất anh ta quan tâm đó là tôi sẽ giúp được gì cho anh ta. Cảm giác này thật vô cùng khó chịu, có ai muốn mình bị lợi dụng chứ.

Thêm một điều nữa, thị trường bất động sản Trung Quốc gần đây đang trên đà suy giảm, cho nên đầu tư vào nhà đất hiện tại không thể xem là một giải pháp thông minh và an toàn. Bạn nên nhìn nhận về tiền bạc như thế này: Phải tìm một người đàn ông có cùng quan điểm về tiền bạc với bạn. Nếu bạn thích có nhiều tiền, vậy hãy tìm một người đàn ông sẵn sàng cùng bạn phấn đấu cho điều đó.

Bất kể đối với công ty hay cuộc sống của bạn, trên thực tế, nhóm thứ hai và nhóm thứ ba mới có thể thực sự dự báo mối quan hệ giữa bạn và người đàn ông bạn săn tìm có duy trì được lâu dài hay không. Từ cái danh sách dài ngoằng mà bạn kể ra, hãy xác định mấy điều bạn cho là “bắt buộc phải có”.

Trên thực tế, danh sách của bạn vẫn có thể bao gồm một số mục trong nhóm thứ nhất. Ví dụ, trong trường hợp của tôi, tôi đã có cho mình một trải nghiệm sống vô cùng phong phú, cho nên thực lòng mà nói, tôi không thể nào chung sống với một người đàn ông không nhận được nền giáo dục tốt bằng tôi, không trải qua cuộc sống phong phú bằng tôi. Thế nhưng, phải giảm thiểu “nhóm thứ nhất” xuống càng ít càng tốt, sau đó, chú ý nhiều đến các mục ở “nhóm thứ hai” và “nhóm thứ ba”. Ví dụ:

 

• Chúng tôi có chung quan niệm về giá trị, kỳ vọng đối với cuộc sống.

• Anh ấy chín chắn và tình cảm.

• Anh ấy khiến tôi tin tưởng và đánh giá cao.

• Sống cùng anh ấy, trái tim tôi luôn phơi phới hân hoan.

Sau đó hãy chuyển tất cả những điều còn lại trong danh sách 50 điều kia sang cột “có thì càng tốt”. Ở cột trọng tâm thứ hai này mới bao gồm những điều như anh ta ăn mặc ra sao, hiểu biết với rượu thế nào, danh tiếng gia đình ra sao…

Không nên ảo tưởng sẽ xuất hiện một Mr. Right toàn năng. Như đã thảo luận ở chương 3, chúng ta cần những tuýp bạn khác nhau trong cuộc sống. Không có bất kỳ ai có thể làm một người bạn toàn năng cả, cho nên, cũng không nên có kỳ vọng này đối với Mr. Right của bạn.

Đừng nên hy vọng Mr. Right là một người hoàn mỹ, vì trên đời chẳng có ai là hoàn thiện cả, bao gồm chính bản thân bạn. Cũng không nên ảo tưởng Mr. Right có thể thỏa mãn được tất cả các yêu cầu trong cột “có thì càng tốt”. Có thể anh ấy có rất nhiều đặc điểm khác với bạn, nhưng dần dần hai người sẽ bổ sung cho nhau. Có những điểm ở anh ấy khiến bạn thất vọng, đó là điều không thể tránh khỏi, cho nên, bạn phải chuẩn bị thật tốt, học cách tiếp nhận con người thực sự của anh ấy; người bạn tiếp nhận không phải là hoàng tử của bạn, không phải cha của bạn, càng không phải vị cứu tinh của bạn; người bạn đón nhận là người đàn ông của bạn, bạn đồng hành của bạn.

Tôi từng có nhiều thời gian hẹn hò với những chàng trai thuộc dạng “tự cho mình hoàn hảo”, họ yêu bản thân mình hơn bất cứ ai, nhưng lại có đầy đủ các đặc trưng trong danh sách “có thì càng tốt”, ví dụ họ đều rất quyến rũ, họ còn biết đưa tôi đến những nơi rất đặc biệt; họ mặc những bộ quần áo của các nhà thiết kế nổi tiếng… Nhưng họ lại thiếu những hạng mục mấu chốt nhất trong cột “bắt buộc phải có”, ví dụ như “đáng tin cậy” và “thực sự yêu mình”.

Sống cùng những chàng trai có sức cuốn hút như vậy, ban đầu sẽ cảm thấy rất tuyệt; nhưng nếu bạn hoàn toàn không mở lòng để thích anh ta, hoặc không có cái cảm giác thấu hiểu với anh ta giống như giữa những người bạn thân thực sự, thì dần dần tất cả những điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy nhàm chán vô vị.

Tôi từng nuôi ý định lấy một người chồng Trung Quốc. Rất lâu trước đây tiếng Anh đã trở thành tiếng mẹ đẻ của tôi, tôi tưởng tượng nếu kết hôn, có thể nói tiếng Trung ở nhà thì tốt biết mấy – tương lai sẽ cùng chồng sinh mấy đứa con Trung Quốc nữa.

Nhưng khi bước vào vòng tròn của chính giới và thượng lưu Mỹ, tôi phát hiện ra hầu như chẳng có một chàng trai gốc Hoa nào. Cuối cùng, tôi vẫn lấy một người đàn ông chỉ biết nói vài từ tiếng Trung; hai con gái tôi lại càng là một “công dân thế giới’’ chính hiệu: chúng mang một nửa huyết thống Trung Quốc, một phần tư huyết thống Hungary và một phần tư huyết thống Ý.

Dave là người đàn ông tình cảm và thú vị nhất mà tôi từng gặp. Những người từng gặp anh ấy đều có một ấn tượng giống nhau: “Ái chà, người đàn ông này thật tuyệt vời!” Điều này rất tốt cho công việc của anh ấy, vì mọi người thích anh ấy, tín nhiệm anh ấy, cho nên họ sẵn sàng làm việc với anh ấy. Sau mỗi lần ra ngoài gặp gỡ bạn bè, chúng tôi đều rất hứng thú khi được cùng nhau hồi tưởng lại mọi chuyện, ví dụ như mọi người đều nói những gì, thông qua những điều ấy có thể nhìn ra những gì.

Bản chất sắc sảo và rõ ràng của Dave làm bừng sáng cuộc sống của tôi, và hơn nữa, ngoại hình của anh ấy – còn vô cùng quyến rũ!

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.