Đừng Kết Hôn Trước Tuổi 30

Chương 14. Đưa ra quyết định của đời mình



“Đừng bao giờ để người khác lái chiếc xe cuộc đời bạn, bạn phải ngồi vững chắc trên vị trí của người lái xe, quyết định khi nào phải dừng, phải quay đầu, phải rẽ, phải tăng tốc, phải phanh… Tuy có thể tham khảo ý kiến của người khác, nhưng tuyệt đối không được chạy theo đám đông. ’’

— Lý Khai Phục

Rất nhiều cặp tình nhân trẻ vội vã kết hôn vì những lý do sai lầm. Hôn nhân dường như là bước tiếp theo rất tự nhiên của tình yêu, cũng là bước đầu tiên để hai người chính thức bước vào hàng ngũ những người trưởng thành. Điều này hoặc khiến họ cảm thấy rất vui mừng, hoặc họ chỉ đơn giản là muốn bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mà thôi.

Trẻ tuổi là trở ngại hàng đầu của một cuộc hôn nhân hạnh phúc

Ở độ tuổi 20, nếu bạn thường xuyên cảm thấy mình vẫn chưa chín chắn, đó chính xác là vì bộ não của bạn vẫn chưa trưởng thành. Các nhà khoa học thần kinh từng cho rằng, bộ não sẽ ngừng phát triển ngay sau độ tuổi dậy thì, nhưng hiện nay họ đã nhận ra rằng, sự phát triển của não bộ phải đến 20 tuổi, thậm chí là 30 tuổi mới thực sự dừng lại.

Phát hiện mới này đến từ một dự án nghiên cứu theo dõi sự phát triển của não bộ, do Viện nghiên cứu sức khỏe tinh thần quốc gia Hoa Kỳ tài trợ. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu gần 500 đối tượng, theo dõi bắt đầu từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Họ đã phát hiện, bộ não con người cho đến trước 25 tuổi vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện. Ngay cả người chủ trì nghiên cứu này cũng phải kinh ngạc trước kết luận này.

Trên thực tế, một phần trong bộ não vẫn luôn biến đổi, đó là phần chịu trách nhiệm cho các kế hoạch dài hạn, chịu trách nhiệm trả lời câu hỏi: “Tôi là ai, tôi muốn sống như thế nào.”

Điều đó cũng có nghĩa là, bạn hơn 20 tuổi của hiện tại sẽ khác với bạn lúc hơn 30 tuổi – người đàn ông của bạn cũng vậy. Cho nên, người đàn ông bạn gặp lúc 24 tuổi, phương hướng phát triển sau này của anh ấy bất đồng với bạn cũng là một điều hết sức bình thường. Nếu thực sự là như vậy, hãy giảm bớt thời gian ở cùng anh ấy để làm quen với những người bạn mới. Cùng với sự trưởng thành không ngừng của cả hai, bạn vẫn có thể tiếp tục phán đoán hai người có thích hợp sống cùng nhau hay không.

Khi ngoài 20 tuổi, phần chịu trách nhiệm cho các kế hoạch dài hạn của bộ não vẫn đang tiến hóa, vì vậy người đàn ông bạn tìm kiếm được chỉ có thể gọi là Mr. Right Now (right now có nghĩa là “hiện tại”). Đợi đến lúc bạn lớn hơn một chút, bạn mới chuẩn bị tốt hơn cho việc tìm kiếm Mr. Right của mình.

Thiếu kinh nghiệm sống là trở ngại hàng đầu cho một cuộc hôn nhân thành công. Các cố vấn gia đình nói rằng, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa phát triển đầy đủ về nhân cách, thiếu khả năng giải quyết vấn đề. Trong tình cảm, họ vẫn chưa hoàn toàn tự hiểu biết được, cho nên khi đối mặt với những mâu thuẫn, họ vẫn chưa biết cách để thảo luận thẳng thắn (với tiền đề là cả hai hạn chế tối đa khả năng làm vấn đề thêm nghiêm trọng), mà thường né tránh hoặc bùng nổ bung bét.

Cho nên, những cặp vợ chồng kết hôn sớm đồng nghĩa với tự rước vào cuộc sống của mình những trở ngại đáng lo ngại. Trong báo cáo về những cặp vợ chồng ly hôn ở độ tuổi 20, họ đều từng có ảo tưởng mãnh liệt và thiếu thực tế đối với hôn nhân.

Nếu nhìn lại những nghiên cứu liên quan đến vấn đề kết hôn sớm, chúng ta sẽ không cảm thấy choáng váng khi nhìn thấy tỷ lệ ly hôn ở lứa tuổi 8X là 57%. Bất kể là ai, sống ở đâu, kết hôn muộn đều có những lợi ích rõ rệt – đây là nhận định của nhà xã hội học Paul Amato thuộc Đại học Pennsylvania State và các đồng nghiệp của ông, tổ chức này nổi tiếng với các nghiên cứu định lượng quy mô lớn. Trong tác phẩm mang đầy tính học thuật Cùng sống độc thân: Hôn nhân ở Mỹ đang thay đổi thế nào(Alone Together: how Mariage in America Is Changing), họ đã báo cáo kết quả nghiên cứu: “Quen biết và kết hôn khi đã lớn tuổi một chút, sẽ làm tăng xác xuất thành công của hôn nhân.’’ Những cặp vợ chồng lớn tuổi thường ổn định hơn, quan hệ cũng thân mật hơn. Bởi vì phụ nữ độc thân ngoài 30 tuổi tự tin hơn, chín chắn hơn về tình cảm, sự kết hợp của họ sẽ có tỉ lệ sống sót cao hơn so với những cặp vợ chồng trẻ. Tiến sĩ Amato nói rằng:

Chúng tôi nhận thấy kết hôn muộn là một điều tốt, nó cải thiện đáng kể chất lượng trung bình của hôn nhân. So với kết hôn sớm ở độ tuổi ngoài 20, kết hôn muộn ở độ tuổi ngoài 30 có sức gắn kết hơn, vì giữa vợ chồng sẽ có tiếng nói chung hơn; khả năng phải cân nhắc đến ly hôn và hôn nhân có rạn nứt ở các cặp vợ chồng kết hôn muộn đều khá ít.

Vì vậy – Đừng vội kết hôn. Nhà xã hội học Andrew Cheer Lin thuộc Đại học Johns Hopkins cũng đồng ý với quan điểm này. Ông đã viết trong cuốn Hiện trạng của hôn nhân: Tình trạng hôn nhân và gia đình nước Mỹ hiện đại (The Mar – riage – Go – Round: The State of Marriage And the Family in America ToDay). Ông đề nghị, để tránh rơi vào khủng hoảng về tình cảm nam nữ phổ biến trong xã hội ngày nay, để đi đến quyết định chung sống với người khác, trước hết, bạn nên trải nghiệm cuộc sống nhiều một chút, hiểu hơn về bản thân và thực sự trở thành chính mình.

Ngay lúc này, bạn có thể đối mặt với chính mình trong gương, thành thật nói với mình rằng: “Giờ đây tôi rất hạnh phúc, tôi đã là một người lớn hoàn chỉnh” hay không? Nếu câu trả lời của bạn là “Tôi không biết”, vậy thì hãy cho mình cơ hội học tập và trưởng thành đi nhé. Bằng cách kéo dài thời gian độc thân, hãy cho mình cơ hội phát triển thành một phụ nữ như bạn mong muốn.

Kết hôn muộn là một biểu hiện khôn ngoan. Công nghệ y tế ngày nay rất tiên tiến, sống đến hơn 80 thậm chí hơn 90 tuổi đều không thành vấn đề, điều đó cũng có nghĩa là, quyết định hôn nhân của bạn sẽ đi cùng bạn suốt nửa thế kỷ. Thậm chí còn dài hơn một đời người Trung Quốc vào thập niên 30 của thế kỷ 20 – thời đó mong ước về tuổi thọ của mọi người chỉ khoảng 35 tuổi!

Vì vậy, không nên kết hôn quá sớm với một đối tượng không phải dành cho bạn, điều đó sẽ khiến bạn không thể gặp được tri âm của mình. Và nếu bạn chưa chuẩn bị tốt, ngay cả khi bạn được chung sống với người đàn ông đích thực của mình, thì bạn sẽ không biết, và anh ấy cũng chẳng hay.

Đàn ông hiện đại quan tâm đến gia đình hơn thế hệ trước, điều này rất tốt. Nhưng điều có ý nghĩa hơn là, thời gian làm việc của phụ nữ trước khi sinh con càng lâu, thì thời gian làm việc nhà, chăm sóc con cái của đàn ông sẽ càng nhiều. Nếu bạn muốn nghiêm túc vun đắp cho sự nghiệp của mình, thì anh ấy cũng suy nghĩ như vậy.

Hơn nữa, bạn cũng có đủ thời gian. Trên thực tế, trừ phi bạn định sinh trên 15 đứa con, nếu không, chẳng có bất kỳ lý do chính đáng nào khiến bạn phải kết hôn trước tuổi 30 cả. Tương lai của bạn mới là thứ duy nhất bạn nên quan tâm, tôi nói như vậy hoàn toàn không cường điệu chút nào.

Kết hôn muộn sẽ sinh ra những đứa trẻ bị hội chứng Down?

Để khích lệ phụ nữ sinh con sớm, người ta luôn đề cập đến những câu chuyện khủng khiếp rằng sản phụ lớn tuổi sẽ sinh ra những đứa trẻ mắc hội chứng Down. Chúng ta thường nghe rằng, con của phụ nữ sinh ở tuổi 35 sẽ có tỷ lệ mắc hội chứng Down cao gấp năm lần so với sinh ở tuổi 20. Nghe có vẻ thực sự đáng sợ. Tuy nhiên, số liệu thống kê thường là bạn muốn nó chứng mình điều gì nó sẽ chứng minh điều ấy.

Một số liệu về hội chứng Down tương tự lại cho chúng ta thấy thế này:

Xác suất không mắc hội chứng Down của trẻ em được sinh khi phụ nữ ở tuổi 20 là 99.95%.

Xác suất không mắc hội chứng Down của trẻ em được sinh khi phụ nữ ở tuổi 35 là 99.75%.

Xác suất không mắc hội chứng Down của trẻ em được sinh khi phụ nữ ở tuổi 45 là 97.0%.

Cùng với sự tăng lên về độ tuổi, nguy cơ trẻ mắc hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác luôn rất ít, nhỏ hơn rất nhiều so với nguy cơ ly hôn hoặc những bất hạnh hôn nhân khác do kết hôn sớm gây nên.

Dù có thế nào, nếu vấn đề này khiến bạn lo lắng, bạn phải biết: “Trong thời kỳ đầu mang thai, hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác đều có thể kiểm tra được. Cũng có nghĩa là, bất kỳ phụ nữ nào muốn con mình không mắc hội chứng Down, cô ấy sẽ làm được; và điều này chẳng liên quan gì đến tuổi tác của cô ấy.

Ám ảnh về sự vô sinh là một nguyên nhân khác khiến phụ nữ thường bị thúc giục sinh con sớm. Rất nhiều báo cáo liên quan đến vấn đề này đều có thể bắt nguồn từ một bài xã luận trong tạp chí Y khoa New England, nó khuyến cáo phụ nữ nên hoãn sự nghiệp lại, sinh con sớm một chút. Bài xã luận dựa trên một nghiên cứu ở Pháp năm 1982, bằng một cách khá giàu sức tưởng tượng, nó chứng minh xác suất vô sinh của phụ nữ bước sang tuổi 30 tăng lên 40% (!).

Sau khi công bố ở Pháp, kết quả nghiên cứu này đã làm dấy lên những cuộc tranh luận rộng rãi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bao gồm cả văn phòng nghiên cứu dân số của Đại học Princeton, họ cảnh báo rằng, một nghiên cứu như vậy sẽ dẫn đến những “sự lo lắng không cần thiết” và “chi phí y tế đắt đỏ”.

Trong tạp chí Nghiên cứu kế hoạch hóa gia đình (Family Planning Perspectives), nhà nghiên cứu John Waters Bangka chỉ ra rằng, thời gian nghiên cứu sử dụng trong nghiên cứu này của Pháp đã bị sai lệch mất một năm, vì phụ nữ thường đều phải trải qua hơn một năm mới có thể mang thai thành công; bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rằng, nhằm loại trừ những ảnh hưởng từ các nhân tố như xác suất quan hệ tình dục, nên đối tượng nghiên cứu chỉ gói gọn trong nhóm thụ thai bằng phương thức thụ tinh nhân tạo, điều này tự bản thân nó đã có sai lệch rất lớn. Vì thông qua sinh hoạt tình dục bình thường, cơ hội thụ thai của phụ nữ sẽ cao hơn rất nhiều so với nhóm phụ nữ trong nghiên cứu này.

Ngay đến những nhà nghiên cứu ban đầu ở Pháp cũng tự rút lui không kèn không trống. Họ nói phát hiện của mình không áp dụng cho tất cả phụ nữ. Nhưng, dù họ rút lui hay chỉ trích các nhà khoa học khác, những điều đó đều không được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Các nhà phê bình của ngành y tế từng yêu cầu thu hồi bài xã luận này, họ la ó: “Làm sao các ông dám viết một bài xã luận như vậy, nó đã mang đến cho mọi người bao nhiêu rắc rối!” 

Tác giả của bài xã luận này, tiến sĩ Alan De Keni của Viện y học Yale đã tự biện hộ cho mình, ông ta cho rằng nghiên cứu này giả sử thực sự có sai sót, chí ít cũng tốt hơn “những cách làm nào đó’’ của các nghiên cứu sinh sản khác. Ông ta nói:

Xã luận không phải luôn dựa trên những sự thật cụ thể. Xã luận là để làm cho mọi người suy ngẫm. Tôi sẽ không vì nghiên cứu này mà thay đổi cuộc đời của mình – dữ liệu của hai khía cạnh đều quá ít. Nhưng tôi hy vọng nó có thể khiến mọi người suy nghĩ, cũng hy vọng nó có thể khiến mọi người có cái nhìn sâu hơn về vấn đề.

Nói thì đơn giản, nhưng để những lời vàng ý ngọc này mang đến nỗi sợ hãi và phiền toái cho cuộc sống của phụ nữ thì quả thực quá vô trách nhiệm.

Tôi tiếp tục tìm kiếm sự thật, nhưng tôi nhận ra, ngay cả hiện tại là hơn 30 năm sau, những thảo luận liên quan đến vấn đề vô sinh vẫn tiến hành theo những công thức đơn giản, thiếu cơ sở khoa học như bài xã luận trên tạp chí Y khoa New England này.

Nghiên cứu quy mô lớn nhất và cũng gần đây nhất là nghiên cứu của Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia Mỹ năm 2005 đối với 8000 phụ nữ đã kết hôn, trong số đó không có phụ nữ mang thai bằng phương thức thụ tinh nhân tạo. Nghiên cứu phát hiện:

Phụ nữ từ 15~29 tuổi, xác suất vô sinh trước khi sinh đứa con đầu tiên là 11%, đứa con tiếp theo là 4%;

Phụ nữ từ 30~34 tuổi, xác suất vô sinh trước khi sinh đứa con đầu tiên là 17%, đứa con tiếp theo là 6%;

Phụ nữ từ 35~39 tuổi, xác suất vô sinh trước khi sinh đứa con đầu tiên là 23%, đứa con tiếp theo là 4%;

Phụ nữ từ 40~44 tuổi, xác suất vô sinh trước khi sinh đứa con đầu tiên là 27%, đứa con tiếp theo là 4%.

Tính khoa học của nghiên cứu này được nhận định là vượt xa nghiên cứu của nước Pháp năm 1982, hơn nữa dữ liệu cũng ít đáng sợ hơn rất nhiều. Và thậm chí định nghĩa “vô sinh” sử dụng trong nghiên cứu này cũng theo đúng tiêu chuẩn y học: “Một cặp vợ chồng không tiến hành thắt ống dẫn trứng, trong 12 tháng mà chưa thể mang thai thì bị liệt vào hàng ‘vô sinh’.”

Nói cách khác, ngay cả khi nghiên cứu này báo cáo xác suất vô sinh thấp hơn rất nhiều, thì nó vẫn chưa xem xét đến thực tế là: Phụ nữ ngoài 30 tuổi sinh hoạt tình dục ít hơn phụ nữ ngoài 20 tuổi, hơn nữa rất nhiều cặp vợ chồng phải sau 12 tháng mới mang thai. Và hai nhân tố quan trọng này có ảnh hưởng đến tổng thể dữ liệu nghiên cứu, khả năng mang thai của phụ nữ rốt cuộc xảy ra chính xác khi nào, sẽ suy giảm như thế nào, có thể nói vẫn còn chưa biết.

Không có gì nghi ngờ, khả năng sinh sản của phụ nữ lúc 30-40 tuổi sẽ dần dần giảm xuống. Nhưng không ai biết ở độ tuổi nào thì quá trình này bắt đầu tăng tốc, tốc độ phát sinh ra sao, nhưng hiển nhiên nó sẽ muộn hơn rất nhiều so với loan báo của mọi người.

Vì bản thân mình, vì con của bạn trong tương lai, trước khi vội vàng bước vào một cuộc tình, hãy cân nhắc thật kỹ càng, trước khi bước vào đời sống hôn nhân hãy cân nhắc thật kỹ càng, và trước khi chuẩn bị sinh con lại càng phải cân nhắc kỹ càng hơn. Ý của tôi hoàn toàn không phải khuyên bạn chờ đợi càng lâu càng tốt, mà là trước khi đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời mình, nên suy ngẫm sâu sắc về những giáo điều vốn đã được chấp nhận rộng rãi.

Ngay như bản thân tôi, hai lần mang thai ở tuổi 39 và 41 đều hoàn toàn tốt đẹp, hai con tôi ra đời khỏe mạnh và xinh đẹp. Cho dù tôi hoàn toàn không lên kế hoạch cho cuộc sống của riêng mình, tôi vẫn rất cảm ơn rằng mình đã không kết hôn, sinh con sớm. Chính vì tôi đã cho mình một cơ hội trưởng thành tốt hơn, nên hiện tại tôi mới có thể là một phụ nữ tốt hơn, một người vợ tốt hơn và một người mẹ tốt hơn. Nói đến niềm hạnh phúc của những người lớn tuổi một chút mới làm cha mẹ, chuyên gia làm cha mẹ nổi tiếng, tiến sĩ Vicki Pana Sheehan đã thay lời tôi muốn nói một cách rõ ràng và dứt khoát:

Cuộc đời của những cha mẹ trẻ còn phải trải nghiệm rất nhiều, có thể việc sắp có con sẽ mang lại cho bản thân những hạn chế và trách nhiệm khiến họ bất bình phẫn nộ. Cha mẹ lớn tuổi một chút thường có khuynh hướng ổn định hơn, tập trung hưởng thụ niềm hạnh phúc làm cha mẹ, và không cảm thấy mình “bỏ lỡ” những trải nghiệm khác. Cuộc sống của họ thường sung túc hơn, có ý nghĩa hơn và tích cực hơn.

Cha mẹ lớn tuổi một chút thường ổn định hơn cả về kinh tế và sự nghiệp, hơn nữa họ đã hoàn thành giáo dục trung học, điều này có nghĩa là việc phân phối thời gian của họ khá ít bị xung đột, vì họ không cần phải chạy tới chạy lui giữa trường học, gia đình và công việc. Có thể họ cũng nghỉ hưu sớm, hoặc có sự linh hoạt hơn trong công việc vốn đã rất ổn định rồi, những điều này sẽ khiến họ có nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn.

Cuối cùng, cha mẹ lớn tuổi một chút thường có hôn nhân ổn định hơn, vì họ hoặc đã có thời gian bên nhau rất dài, hoặc khi gặp gỡ họ đã hiểu rất rõ mình muốn một người bạn đời như thế nào. Khả năng kết nối của họ mạnh mẽ hơn, họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của sự nhường nhịn và đồng thuận. Ở khía cạnh chăm sóc con cái, điểm này rất quan trọng. Mối quan hệ ổn định giữa cha mẹ có thể tạo cho con trẻ cảm giác an toàn lớn hơn. Ngoài ra, tình cảm phát triển trong giai đoạn đã khá chín chắn của cuộc đời sẽ giàu xúc cảm hơn… và người bạn đời giàu xúc cảm sẽ trở thành những người cha người mẹ tốt hơn.

Bố mong muốn bạn được một Sugar Daddy “nhận nuôi” 

Rất nhiều bạn đọc đã viết thư cho tôi nói rằng, cha mẹ của họ muốn quyết định chuyện hôn nhân thay họ. Câu hỏi dưới đây là của một độc giả nam:

Joy, tôi ở cùng bạn gái cũ được gần một năm. Cha mẹ tôi không đồng ý cho tôi ở bên cô ấy, vì họ chê hoàn cảnh gia đình cô ấy không tốt. Vì thế chúng tôi đã chia tay. Nhưng thật lòng, tôi rất yêu cô ấy. Khi chia tay, tôi đã khóc, cô ấy cũng khóc. Một thời gian sau, bác tôi gọi điện cho tôi, ông ấy có một người bạn gia đình rất giàu có, có đến mấy nhà máy sản xuất; trong nhà có một cô con gái, là con gái độc nhất. Bố mẹ nói với tôi rằng, tình cảm có thể bồi đắp dần dần, điều kiện nhà bên kia lại tốt như vậy, muốn tôi phải kết hôn với cô gái kia. Tôi làm sao đây?

Đoạn thư dưới đây là của một độc giả nữ:

Một người bạn của tôi một lòng muốn lấy người đàn ông mà cô ấy yêu thực sự, muốn rất lâu rồi, nhưng bố mẹ cô ấy chưa bao giờ đồng ý, cũng không cho phép cô ấy làm như vậy. Vì thế, cô ấy lấy một người đàn ông khác, không lâu sau sẽ ly hôn; ý tưởng của cô ấy là, sau khi ly hôn cô ấy sẽ “không đáng tiền” nữa, cha mẹ của cô ấy dù không muốn cũng phải chấp nhận hôn nhân mà cô ấy lựa chọn. Điều này rước lấy rất nhiều lời chỉ trích, mẹ cô ấy buồn đến mức sắp không chịu nổi nữa.

Những cảnh ngộ này khá khốc liệt. Trong xã hội của chúng ta hàng ngàn năm nay, hôn nhân được coi là vì lợi ích của một nhóm người đông hơn. Xuất phát điểm hôn nhân của người phụ nữ không phải là tình yêu hoặc tìm kiếm bạn đời, mà là vì lợi ích của gia đình. Gia đình giàu có sẽ dùng chuyện hôn nhân của con cái để bảo vệ tài sản của họ, tập trung nhiều nguồn lực hơn, xây dựng một liên minh chính trị vững chắc hơn, và đạt được một loại hiệp ước hòa bình nào đó. Mục đích của hôn nhân là để duy trì huyết thống và ổn định, phụ nữ sống chỉ là để làm hài lòng người khác.

Cha mẹ của bạn hoặc có thể, hoặc không thể xem hôn nhân của bạn là một sách lược gia đình. Nhưng, giống như hầu hết các bậc phụ huynh, họ vẫn sẽ lo lắng cho bạn. Bạn là viên ngọc trên tay họ, cho nên họ mới hy vọng bạn lấy chồng sớm một chút, và tốt nhất là lấy một người có tiền. Lý tưởng nhất là – chồng tương lai của bạn là một triệu phú, đầu bếp sành ăn, bác sĩ gia đình, có hộ chiếu đa quốc gia. Cha mẹ hy vọng bạn có một cuộc sống ổn định đầy đủ, như vậy một trăm năm sau họ vẫn có thể yên lòng. Cha hy vọng bạn được một Sugar Daddy giàu có “nhận nuôi” một cách an toàn.

Những tập quán lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm giống như những cơn bão chực chờ vây chặt lấy phụ nữ hiện đại Trung Quốc. Mà vấn đề mấu chốt của cơn bão này chính là nên do ai quyết định chúng ta có kết hôn không, khi nào kết hôn và kết hôn với ai. Và người ở tâm bão là bạn và cha mẹ của bạn.

Về vấn đề này, tôi đã phải suy nghĩ trong thời gian rất dài, nhưng dù nghĩ nhiều bao nhiêu cũng chỉ có thể đưa ra một kết luận: Làm một phụ nữ hiện đại, có nghĩa là bạn phải là người quyết định hôn nhân của chính mình.

Tôi nói như vậy hoàn toàn không phải chỉ là nói suông – đây là quyết định quan trọng nhất của cả cuộc đời bạn, và người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ quyết định này không phải là bố mẹ bạn, mà là chính bạn, và còn cả những đứa con trong tương lai của bạn nữa.

Quyết định hôn nhân là một cột mốc quan trọng trong tổng thể quá trình phát triển mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ. Trên thực tế, cùng với sự trưởng thành của bạn, mối quan hệ thay đổi chủ yếu nhất trong cuộc đời bạn chính là quan hệ giữa bạn và cha mẹ. Trong tâm trí của mình, bạn phải luôn cư xử với họ từ một góc nhìn mới. Họ cũng cần phải biến đổi từ địa vị “người nắm quyền” trong cuộc sống của bạn thành một phần trong nhóm bạn bè thân thích phía sau bạn, nhóm bạn bè thân thích này bao gồm bạn bè, đồng nghiệp và tất cả những người xung quanh bạn. Giờ đây chúng ta đều đã là người lớn, góc nhìn mới này sẽ khiến quan hệ giữa bạn và bố mẹ càng thân thiết hơn, giống như những người bạn hơn.

Không nên một mực chống đối cha mẹ. Chống đối một cách thuần túy thậm chí còn tệ hơn so với việc thuận theo mong muốn của họ. Xét cho cùng thì họ có nhiều vốn sống hơn bạn, có thể đưa ra những ý kiến đúng đắn, vậy nên hãy để họ yêu thương giúp đỡ bạn, và cũng để họ lắng nghe suy nghĩ của bạn.

Nhưng, dù cho bạn có độc lập về kinh tế hay không, hiện tại bạn vẫn phải chịu trách nhiệm 100% đối với cuộc sống của mình. Điều này cũng có nghĩa là, bạn không nên vì những thất vọng và áp lực trong cuộc sống mà than phiền họ. Họ đã hoàn thành sứ mệnh của mình, giờ đây bạn đã chính thức trở thành người lớn, bạn nên chịu trách nhiệm với chính mình.

Độc lập có nghĩa là bước ra khỏi cái bóng của cha mẹ

Vậy “độc lập” rốt cuộc có nghĩa là gì? Trên thực tế, bản thân từ “độc lập” đã ngầm chỉ sự thoát ly ra khỏi cha mẹ, và chỉ khi thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của cha mẹ mới có thể coi là độc lập. Bạn quyết định làm thế nào để thay đổi mình, khiến mình không còn sống trong cái bóng của cha mẹ nữa.

Phải học cách coi cha mẹ không chỉ là cha mẹ, mà còn phải coi họ là một người bình thường. Họ không còn là những người không gì không biết, không gì không thể như bạn từng nghĩ nữa.

Cha mẹ chỉ là những người có con, họ cũng là người, có người có năng lực, cũng có người kém cỏi. Họ cũng có những vấn đề của riêng mình, có lẽ cũng không quá khác biệt với những vấn đề mà bạn phải đối mặt. Có thể họ không phải là những ông bố bà mẹ hoàn mỹ nhất, nhưng họ đã cố gắng hết sức cho việc này rồi.

Đồng thời, cha mẹ cũng cần học cách để hiểu biết lại bạn, xem bạn là một cá thể độc lập, chứ không chỉ là con cái của họ. Hãy đối tốt với họ hơn một chút. Họ cũng cần phải thích ứng với những thay đổi, quá trình này đối với họ cũng khá khó khăn, có khi còn khó khăn hơn bạn. Họ đã chăm lo cho bạn từng ly từng tí trong suốt 20 năm qua, có thể đối với yêu cầu được độc lập, bản thân bạn cảm thấy không có gì, nhưng với họ lại vô cùng đột ngột.

Trong giây phút đầu tiên tôi được làm mẹ, nhìn thấy con yêu trước mắt, tôi đã khóc òa vì hạnh phúc, y hệt như trong phim vậy. Nhưng trong những giọt nước mắt của tôi còn chứa cả những cảm xúc mà tôi chưa từng lường trước: Sợ hãi. Tôi nghĩ: “Trời ơi, làm sao tôi có thể bảo vệ được sinh mệnh quá yếu ớt này, giữ cho nó được an toàn đây?” Lúc đó tôi nhận ra rằng, mình hoàn toàn không biết phải làm một người mẹ như thế nào.

Gần đây, ngay gần khu vực tôi sống xảy ra một câu chuyện rất đáng sợ. Một bà mẹ khi ra khỏi nhà quên không đóng cửa; cô vừa bước vào xe hơi, bắt đầu quay xe – kết quả đã vô tình cán chết đứa con gái hai tuổi đang lặng lẽ đi theo phía sau mẹ.

Thông tin này chỉ là một tin vắn tắt trên báo địa phương, không có hình ảnh. Nhưng khi đọc đến đây, trong đầu tôi lập tức hiện lên cảnh tượng câu chuyện đó, nó giống như một pha chuyển động chậm trong một bộ phim kinh dị. Mấy tuần tiếp theo, cảnh tượng đó vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Nó chạm đến nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất trong lòng tất cả các bậc cha mẹ.

Làm cha mẹ, bạn luôn muốn các con mình an toàn tuyệt đối, không lúc nào bạn thôi suy nghĩ về chúng. Để con được vui vẻ, hạnh phúc, bất cứ chuyện gì bạn cũng có thể làm.

Tôi thảo luận vấn đề này với mọi người, là vì trong quá trình phát triển mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ, học cách đồng cảm với họ là vô cùng quan trọng. Phải biết rằng, làm cha mẹ cũng có nghĩa là phải sống trong lo lắng mỗi ngày.

Làm mẹ, con đường mà tôi phải đi còn rất dài; nhưng tôi biết, cuối cùng rồi sẽ có một ngày tôi phải buông tay, để các con gái của mình bước đi khám phá thế giới. Và từ giờ cho đến ngày đó, cảm giác hy vọng và sợ hãi luôn tồn tại song hành trong tôi.

Khi ngày đó đến, tôi phải tin tưởng vào quyết định của mình, dù tôi rất hy vọng chúng có thể hỏi ý kiến của tôi trong rất nhiều chuyện. Đó là lúc tôi biết mình đang phải trải qua phần khó khăn nhất của việc làm mẹ – để các con ra đi.

Khi nghĩ về căn bệnh ung thư và thời gian sống của mình, Steve Jobs đã nói:

Thời gian có hạn, đừng lãng phí cuộc sống của mình vào cuộc sống của người khác. Đừng để các giáo điều làm cho nhầm lẫn – vâng phục mù quáng vào những giáo điều là đang sống trong ý tưởng của người khác. Đừng để ý kiến của bất kỳ ai nhấn chìm tiếng nói trong lòng bạn. Quan trọng nhất là, phải có can đảm để làm theo trái tim và trực giác của mình. Trái tim và trực giác của bạn đã thấu hiểu sâu sắc bạn thực sự muốn trở thành người như thế nào. Bất cứ việc gì khác đều chỉ là thứ yếu.

Là một phụ nữ, quá trình trưởng thành của chúng ta cũng là quá trình để tinh thần, tình cảm, tâm trí của mình tách ra khỏi những áp lực xung quanh, bây giờ đã đến lúc bạn tự đặt ra tiêu chuẩn của mình, và sống dựa theo những tiêu chuẩn đó.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.