Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái
Thành tín, nguyên tắc kinh doanh của con
Ở Mỹ, có một người phụ nữ Do Thái tên là Kaishalin, chị có hai cô con gái. Gia đình chị có một cửa hàng bánh mì. Cửa hàng rất nhỏ, hơn nữa cũng không bắt mắt, nhưng khi rảnh rỗi, hai cô con gái của chị đều chạy đến giúp.
Một buổi chiều nọ, Kaishalin và cô con gái lớn đang thu dọn những chiếc bánh mì quá hạn. Cô con gái út đứng bên cạnh tò mò hỏi: “Mẹ ơi, những chiếc bánh mì này tại sao lại cất đi ạ? Chúng bị hỏng ạ?”.
“Chúng chưa hỏng, nhưng sắp hết hạn rồi, vì thế chúng ta cần dọn đi không được bán nữa”. Mẹ vừa làm vừa trả lời con.
“Nếu chưa hỏng, vậy chúng ta có thể đổi ngày nướng và tiếp tục bán, như vậy không phải giống như bánh mì mới nướng sao”. Cô con gái út nói.
Mẹ nghe xong, lập tức dừng công việc, nghiêm khắc nói với con gái út:
“Linda, mẹ nghĩ mẹ nên nói với con việc này. Cách nghĩ của con như vậy là không đúng đâu, vì những chiếc bánh mì này đã sắp hết hạn, dù có đổi ngày nướng thì cũng vô ích, hơn nữa làm như vậy còn là lừa gạt người mua hàng. Mẹ nghĩ con cũng không muốn đi mua một chiếc bánh mì sắp hỏng đúng không?”.
Cô bé Linda nghe xong nghiêm túc gật đầu và nói: “Mẹ ơi, con hiểu rồi. Làm người nên thành thật, bán bánh mì cũng cần thành thật, có đúng không ạ? Con có thể giúp mẹ dọn những chiếc bánh mì này vào không?”.
“Đương nhiên là được, hoan nghênh con”. Mẹ nhìn con gái và mỉm cười nói.
Các thương nhân Do Thái đều rất thành tín, điều này có liên quan rất lớn đến tín ngưỡng tôn giáo của họ. Trong tác phẩm nổi tiếng “Talmud” có rất nhiều quy định liên quan đến quy tắc thành tín. Người Do Thái cho rằng, dù làm người bình thường hay thương nhân, nếu không giữ chữ tín, chắc chắn sẽ không thể thành công. Người mẹ trong ví dụ trên cũng giống như vậy, mặc dù cửa hàng bánh mì của chị rất nhỏ, nhưng chị luôn yêu cầu bản thân và con gái cần thành thật trong kinh doanh.
Người Do Thái không chỉ giữ chữ tín trong kinh doanh mà trong bất cứ mối quan hệ nào cũng vậy. Ngoài việc đối xử thân thiện, chung sống hòa thuận, những người Do Thái còn cố gắng dùng sự thành tín của mình đối xử với những người không phải là dân Do Thái. Sau đây, chúng ta hãy cùng xem cha mẹ Do Thái đã bồi dưỡng con cái phẩm chất thành tín như thế nào nhé.
❃ Xây dựng tấm gương thành tín cho trẻ
Muốn con cái có được phẩm chất này, bản thân cha mẹ cần là người biết giữ chữ tín. Trước khi dạy con, cha mẹ thường lấy mình làm gương để con noi theo.
Ví dụ, trong cuộc sống hàng ngày, khi cha mẹ hứa sẽ thưởng quà nếu con làm xong việc chỉ cần trẻ hoàn thành việc theo quy định, chắc chắn cha mẹ sẽ thưởng quà cho trẻ. Họ hiểu rằng nếu mình không thực hiện lời hứa, trẻ sẽ thấy cha mẹ “hứa mà không giữ lời”, từ đó sẽ học theo, ngược lại nếu cha mẹ thực hiện lời hứa, điều này sẽ ảnh hưởng ngầm đến trẻ, trẻ sẽ hiểu được rằng thành tín là phẩm chất rất quan trọng và tốt đẹp với mỗi người, từ đó luôn thành thật với mọi người.
❃ Cố gắng đáp ứng nhu cầu hợp lí của trẻ
Đối với trẻ, những hành động không thành tín đều xuất phát từ việc chưa đáp ứng nhu cầu nào đó. Khi một số yêu cầu hợp lí của trẻ không được đáp ứng, trẻ sẽ tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình, nhưng vì cha mẹ không chấp nhận nên có thể trẻ sẽ có những cách thức không thành tín để thỏa mãn nhu cầu hợp lí đó. Vì thế, khi trẻ đưa ra yêu cầu, cha mẹ không nên lập tức phản đối, cần phân biệt xem nhu cầu đó có hợp lí hay không.
Cha mẹ Do Thái thường nói chuyện cởi mở với trẻ, để hiểu được suy nghĩ chân thực của trẻ. Sau đó phân tích những nhu cầu nào là hợp lí, với những đòi hỏi bất hợp lí, cha mẹ sẽ giảng giải cho trẻ hiểu. Nếu cha mẹ không đoán được nhu cầu của trẻ có hợp lí hay không, họ sẽ nhờ thầy cô hoặc người thân giúp đỡ.
❃ Cần tin tưởng trẻ, không nên nghi ngờ trẻ
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường thấy một số bậc cha mẹ không tin tưởng vào con cái. Khi cho con tiền mua đồ, họ cho rằng trẻ sẽ cầm tiền thừa mua đồ ăn vặt hoặc tiêu vặt. Sau khi trẻ tan học, thấy con đang ngồi trong phòng làm bài nhưng họ lại băn khoăn không biết con có nghiêm túc học hành hay không.
Tuy nhiên, ở gia đình Do Thái, bạn tuyệt đối không thấy hiện tượng này.
Cha mẹ rất tin tưởng con cái, họ thường để con cái tự sắp xếp thời gian chơi và học. Vì họ biết hành vi không tin tưởng con cái sẽ khiến trẻ nói dối để chống đối. Hơn nữa, những cha mẹ luôn nghi ngờ con cái sẽ khiến trẻ dần hình thành nên hành vi không thành tín. Vì thế, cha mẹ nên tin tưởng vào con cái, không nên nghi ngờ con.
Thành tín không chỉ là nguyên tắc kinh doanh giữa các thương nhân, mà còn là nguyên tắc cơ bản của con người. Dạy trẻ phẩm chất thành tín quan trọng như bất cứ môn học nào. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng phẩm chất thành tín cho con cái, trong quá trình bồi dưỡng có thể học hỏi các phương pháp dạy con của cha mẹ Do Thái.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.