Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Trí tuệ của con bắt đầu từ khả năng chú ý



Lowry là một cậu bé thường không tập trung chú ý. Thấy những đứa trẻ khác có thể tập trung học hành, cha Lowry vô cùng hi vọng cậu có thể tập trung chú ý hơn. Vào một buổi trưa, khi Lowry chuẩn bị bỏ những mẩu gỗ xếp hình xuống để xem ti vi, cha cậu liền nói: “Lowry, con có thể chơi xếp hình nửa tiếng, sau đó xem ti vi được không?”.

“Bố ơi, chơi xếp hình chán lắm, con chơi 5 phút đã thấy chán rồi”. Lowry nói.

“Con trai, đừng như vậy, chúng ta làm bất cứ việc gì cũng cần tập trung chú ý. Bố nghĩ nếu con tập trung hơn, con sẽ thấy trò chơi xếp hình rất thú vị. Hay là bố con mình cùng chơi nhé!”.

“Được ạ”. Lowry vừa nói vừa đưa những mẩu gỗ cho bố.

Trong thời gian chơi xếp hình, ngoài việc dạy Lowry vài cách chơi mới, bố còn luôn cổ vũ cậu tập trung vào trò chơi. Được sự ủng hộ và giúp đỡ của bố, cuối cùng Lowry đã tự mình xếp được một tòa lâu đài khác hoàn toàn với hình mẫu.

Nhìn tòa lâu đài mình vừa xếp, Lowry vui mừng nhảy cẫng lên, phấn khích kéo tay bố nói: “Bố, bố xem này, tòa lâu đài của con thật cao và thật đẹp!”. Cha cậu thấy thế liền gật đầu, tán thưởng. Và như vậy, mỗi lần Lowry không tập trung chú ý, cha cậu lại nhắc nhở và cùng cậu hoàn thành trò chơi. Dần dần, Lowry đã tập trung chú ý hơn.

Ở Israel, nhiều người Do Thái giống như cha của Lowry, họ rất coi trọng bồi dưỡng khả năng chú ý cho con cái, vì họ cho rằng khi tập trung chú ý trẻ mới tiếp thu được kiến thức và trí tuệ. Labi – một người Do Thái đã từng nói: “Thiên tài bắt nguồn từ khả năng chú ý. Khả năng chú ý giống như cánh cửa dẫn tới thế giới tri thức, không có nó, tri thức sẽ không có cách nào bước vào tâm hồn trẻ”.

Trong tình huống thông thường, trẻ thường tràn đầy năng lượng và luôn muốn tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Chỉ cần có thời gian, có cơ hội là trẻ sẽ tiếp xúc, học hỏi kiến thức ở nhiều phương diện. Không thể phủ nhận rằng niềm đam mê học hỏi là ưu thế của trẻ, nó có thể giúp trẻ hiểu và tiếp thu được nguồn tri thức phong phú. Tuy nhiên, một số trẻ có niềm đam mê nhưng lại khó tập trung chú ý, những đứa trẻ này luôn cảm thấy hiếu kỳ với mọi sự vật xung quanh, mọi sự vật chỉ cần có một chút mới lạ là có thể thu hút sự chú ý của chúng. Vì vậy, đối với những đứa trẻ luôn “bận rộn” này cha mẹ nên kịp thời hướng dẫn uốn nắn và bồi dưỡng khả năng chú ý cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Muốn trẻ tập trung chú ý cao độ, cha mẹ cần hiểu rõ khái niệm và đặc điểm cơ bản của sự chú ý. Chú ý là một hiện tượng tâm lí, nó có thể được chia làm hai loại: chú ý vô thức và chú ý có ý thức. Một người muốn từ chú ý vô thức chuyển sang chú ý có ý thức, cần trải qua một quá trình phát triển, cụ thể là:

Khi mới chào đời, trẻ chỉ có thể tiếp nhận chú ý vô thức, qua thời gian rèn luyện và bồi dưỡng, trẻ dần hình thành và phát triển khả năng chú ý có ý thức.

Vì thế, người Do Thái cho rằng, tuyệt đại đa số trẻ em có khả năng chú ý bình thường, trong giai đoạn trẻ chỉ có chú ý vô thức họ sẽ không ép con làm những việc phải chú ý có ý thức. Nhưng cha mẹ Do Thái cũng không xem nhẹ, bỏ qua việc bồi dưỡng khả năng chú ý cho trẻ, họ sẽ căn cứ vào quy luật phát triển tâm lí để giúp trẻ bồi dưỡng chú ý có ý thức.

❃ Loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài

Môi trường học tập tốt giúp trẻ tập trung chú ý hơn. Do vậy, cha mẹ Do Thái thường không đặt bàn học của trẻ ở gần cửa sổ để tránh cho trẻ khỏi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, cha mẹ còn chú ý chọn rèm cửa thích hợp cho trẻ, điều này không chỉ tạo không khí học tập tốt, mà còn tránh được ánh sáng mặt trời trực tiếp kích thích vào mắt trẻ.

❃ Không để trẻ quá mệt mỏi

Làm một việc gì đó trong thời gian dài hiệu suất công việc tất sẽ bị giảm.

Việc học của trẻ cũng vậy, nếu trẻ phải học bài liên tục trong vài tiếng đồng hồ, khả năng chú ý của trẻ sẽ giảm. Vì thế, muốn đảm bảo khả năng chú ý tập trung cho trẻ, tránh để trẻ mệt mỏi, cha mẹ không nên để trẻ học bài quá lâu. Phương pháp mà các bậc cha mẹ Do Thái thường dùng là: Sau một khoảng thời gian cha mẹ lại thay đổi cách thức học cho trẻ. Ví dụ, lúc đầu cho trẻ đọc sách, sau đó, có thể căn cứ vào tình hình thực tế cho trẻ xem ti vi, chơi trò chơi… để trẻ tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn, đồng thời đảm bảo được thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho trẻ.

❃ Kịp thời làm tăng sự tự tin cho trẻ

Người Do Thái luôn thấm nhuần: Khi tự tin chúng ta sẽ làm việc tập trung hơn. Vì thế, cha mẹ Do Thái vào những lúc thích hợp thường dùng lời nói hoặc quà tặng để cổ vũ trẻ một cách thích hợp, giúp trẻ tự tin hơn. Chẳng hạn, câu mà họ thường nói với con cái là “Ba (mẹ) tin con sẽ làm được! Chỉ cần kiên trì, con sẽ làm tốt hơn trước! Cố lên nhé!”. Nghe những lời cổ vũ đó, trẻ sẽ tự tin tiếp tục học tập và làm việc chú ý hơn.

❃ Bổ sung dinh dưỡng hợp lí cho trí não

Các bộ phận hoạt động trong một thời gian dài sẽ khiến cơ thể tiêu hao rất nhiều năng lượng, đặc biệt là não. Khi trẻ đang trong độ tuổi đi học, cha mẹ Do Thái sẽ đặc biệt chú ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Ví dụ, họ sẽ cho trẻ ăn những thức ăn giàu đạm, dễ tiêu hóa, bảo đảm cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, đồng thời chú ý không cho trẻ ăn hoặc uống thực phẩm có tác dụng kích thích thần kinh.

❃ Bảo đảm thời gian chất lượng giấc ngủ đầy đủ cho trẻ

Cha mẹ Do Thái đặc biệt quan tâm đến thời gian và chất lượng ngủ của trẻ. Thông thường, nếu gia đình có con trong độ tuổi đi học, cha mẹ sẽ khuyên con ngủ trước 10 giờ tối, đảm bảo ngủ 9 tiếng một ngày. Đồng thời, trước khi đi ngủ, cha mẹ sẽ rửa hoặc ngâm chân cho trẻ bằng nước ấm để giúp trẻ ngủ sâu hơn, đảm bảo chất lượng giấc ngủ.

Nếu trẻ thiếu khả năng tập trung chú ý, thành tích học tập của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu trẻ làm bất cứ việc gì cũng đều toàn tâm toàn ý, chuyên tâm và tập trung, học thức và trí tuệ của trẻ sẽ được nâng cao. Cho nên, cha mẹ cần coi trọng bồi dưỡng khả năng chú ý cho trẻ. Trong quá trình bồi dưỡng, có thể căn cứ vào tình hình thực tế tham khảo một số phương pháp dạy con của các bậc cha mẹ Do Thái.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.