Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Con là một đứa trẻ dũng cảm



Zek – cậu bé người Do Thái là một cầu thủ có 5 năm kinh nghiệm, ước mơ của cậu là trở thành một trọng tài bóng đá. Qua sự cố gắng bền bỉ, năm Zek lên 10 tuổi, qua một kỳ thi, cậu đã đạt được giấy chứng nhận tư cách trọng tài.

Cha mẹ của Zek luôn chú ý đến việc bồi dưỡng sự dũng cảm, mạnh dạn cho con. Họ thường xuyên cổ vũ cậu khi làm việc không được nhút nhát mà nên dũng cảm và mạnh dạn.

Một lần, Zek làm trọng tài, cậu rất căng thẳng, nhưng cậu không hề sợ hãi.

Khi trận đấu diễn ra được một nửa thời gian, cầu thủ tiền đạo của đội A nhanh chóng đột nhập vào khu vực cấm của đội B, nhưng trong lúc hỗn loạn đã bị ngã. Thấy vậy, Zek lập tức thổi còi, thưởng cho đội đó được quả phạt trong vòng cấm địa. Lúc này, huấn luyện viên của đội A tỏ ra rất bất mãn với quyết định của trọng tài, ông ta bất chấp sự ngăn cản của người khác xông vào sân, lên tiếng trách móc quát tháo với cậu trọng tài 10 tuổi. Khi mọi người đang cảm thấy lo thay cho Zek, thì cậu bình tĩnh rút thẻ vàng cảnh cáo vị huấn luyện viên đó và ghi vào sổ.

Sự dũng cảm và bình tĩnh của Zek không chỉ nhận được sự đồng tình và khen ngợi của bố mẹ, mà còn được tất cả khán giả vỗ tay tán thành.

Ví dụ trên cho thấy, cậu bé Zek biểu hiện tuyệt vời như vậy vì cậu tràn đầy lòng tự tin và dũng cảm. Đối với một cậu bé mới mười tuổi như Zek, những hành động này thực sự đáng biểu dương. Do trẻ còn nhỏ, rất nhiều điều chưa biết, nên đôi lúc tỏ ra nhút nhát, sợ hãi. Một chuyên gia tâm lí đã nói: “Nguyên nhân tâm lí sợ hãi ở trẻ và người lớn là như nhau, vấn đề quan trọng là người lớn biết cách đối phó với nỗi sợ còn trẻ em thì không biết phải làm thế nào với nỗi sợ”. Vì vậy, cha mẹ nên quan sát tỉ mỉ, tìm ra nguyên nhân và giúp trẻ loại bỏ tâm lí sợ hãi, đồng thời bồi dưỡng phẩm chất dũng cảm cho trẻ.

Thực ra, cha mẹ nào cũng hi vọng con mình dũng cảm, mạnh dạn, nhưng thường sự việc đi ngược lại với mong ước, không phải đứa trẻ nào cũng có tính cách mạnh dạn, dũng cảm. Chẳng hạn, có trẻ sợ bóng tối, có trẻ sợ “hồn ma bóng quỷ”, có trẻ sợ cảm giác cô đơn khi không có bố mẹ bên cạnh. Nếu cứ để tình trạng đó tiếp tục, rất có thể tính cách trẻ phát triển theo hướng không có lợi. Vì thế, cha mẹ nên tích cực tìm ra biện pháp hợp lí, khoa học, bồi dưỡng tính cách dũng cảm cho trẻ.

Chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái bồi dưỡng phẩm chất dũng cảm cho con cái họ như thế nào nhé!

❃ Xây dựng tấm gương tốt cho trẻ noi theo

Trẻ rất giỏi bắt chước, hơn nữa còn đặc biệt thích bắt chước bố mẹ. Do đó, cha mẹ Do Thái thường rất chú ý đến hình tượng của mình, luôn cố gắng tỏ ra dũng cảm trước mặt con cái, đồng thời, họ hi vọng thông qua hành động của mình kích thích ý chí dũng cảm của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái còn thản nhiên thừa nhận những thứ mà trước kia làm họ thấy sợ hãi, sau đó giảng giải cho trẻ hiểu tại sao bây giờ họ không sợ nữa. Thông qua sự ảnh hưởng ngầm này, tâm lí sợ hãi cũng dần dần được khắc phục, tâm lí của trẻ sẽ được phát triển toàn diện.

❃ Tôn trọng trẻ, dùng cách thức thích hợp giúp trẻ loại bỏ tâm lí sợ hãi

Trẻ thường sợ ma quỷ là vì từ nhỏ trẻ được ông bà, cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện hoặc trẻ xem những bộ phim có liên quan đến ma quỷ. Thế nên lúc này cha mẹ có giảng cho trẻ nghe thuyết duy vật hay thuyết vô thần e là cũng không có tác dụng. Trong tình huống này, cách làm thông thường của cha mẹ Do Thái là tìm cách hiểu trẻ, tôn trọng trẻ, dùng cách trẻ thích hoặc có thể tiếp nhận để giúp trẻ xóa bỏ tâm lí sợ hãi. Ví dụ, cha mẹ sẽ nói với trẻ: “Ma quỷ sợ những trẻ ngoan, vì thế con chỉ cần là một đứa bé ngoan là được”…

❃ Tìm căn nguyên, nói cho trẻ biết lí do không phải sợ hãi

Thông thường, trẻ sợ hãi là có nguyên nhân. Ví dụ, trẻ sợ bố mẹ không ở nhà là do trẻ sợ ở nhà một mình hay khi trẻ sợ chó, mèo, có thể là trẻ sợ bị chúng cắn. Lúc này, cách làm của cha mẹ Do Thái là quan sát tỉ mỉ những hành động, lời nói thường ngày của trẻ, tìm ra nguyên nhân khiến trẻ sợ hãi, sau đó tìm cách giải quyết. Ví dụ, khi trẻ sợ hãi chó mèo, họ sẽ kể cho trẻ nghe câu chuyện về chó con, mèo con, nói với trẻ cách thức và phương pháp để tiếp cận với chúng, tăng cảm giác an toàn cho trẻ.

❃ Tăng cường, bồi dưỡng tinh thần dũng cảm, độc lập cho trẻ

Một người có tính độc lập cao rất ít khi ỷ lại vào người khác, đồng thời khi gặp khó khăn họ luôn tỏ ra mạnh mẽ, không sợ hãi. Muốn bồi dưỡng tinh thần dũng cảm cho trẻ, cha mẹ Do Thái bồi dưỡng cho trẻ từ tính tự lập. Trong gia đình Do Thái, trẻ 2 tuổi bắt đầu phải làm việc nhà vừa sức, khi lớn dần lên, bố mẹ bắt đầu giao cho trẻ những công việc phức tạp hơn. Lao động sẽ làm tăng khả năng độc lập và bồi dưỡng tinh thần dũng cảm khắc phục khó khăn cho trẻ.

Muốn bồi dưỡng phẩm chất dũng cảm cho trẻ, các bậc cha mẹ phải là tấm gương tốt, thường xuyên nói chuyện để hiểu được suy nghĩ của trẻ, từ đó rèn luyện tính cách độc lập cho trẻ. Ngoài ra, việc dạy dỗ con cái phải cần một khoảng thời gian dài, khi có cách dạy khoa học và kiên trì, tin rằng bạn sẽ dần sẽ bồi dưỡng con mình trở thành một “dũng sĩ nhỏ tuổi”!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.