Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Cho dù con rất tiết kiệm nhưng tuyệt đối không keo kiệt



Henry năm nay 9 tuổi, cậu sống trong một gia đình êm ấm. Được sự giáo dục của cha mẹ, Henry rất tiết kiệm. Cậu chưa bao giờ so bì với bạn bè xem áo của ai đắt hơn, đồ chơi của ai nhiều hơn. Khi vở luyện tập đã dùng hết, cậu không vứt đi, mà làm toán vào những trang phía sau chưa viết.

Một lần, bác của Henry dẫn con trai 6 tuổi của mình là Weber đến nhà Henry chơi. Henry rất lịch sự mời Weber đến phòng, cậu còn chuẩn bị một số đồ ăn vặt rất ngon mời Weber, một lát sau, hai người đã trở nên thân thiết. Nhưng sau buổi chiều hôm đó, Weber luôn buồn rầu và ngồi thẫn thờ trên ghế sofa, mẹ của cậu bé hỏi mới biết Weber nhìn thấy Henry có một chiếc xe đồ chơi rất đẹp mà mình lại không có, vì thế cậu mới không vui.

Sau khi biết nguyên nhân, Henry chạy vào phòng cầm chiếc xe đồ chơi đưa cho Weber và nói: “Em này, em đừng buồn, anh sẽ tặng em chiếc xe tăng này, nhưng em phải giữ gìn cẩn thận nhé”.

“Thật không ạ? Em cảm ơn anh, em nhất định sẽ giữ gìn cẩn thận”. Weber vui mừng nhảy cẫng lên.

Lúc này, mẹ của Weber bước đến, tò mò hỏi: “Henry, cháu luôn rất tiết kiệm, hôm nay sao cháu đột nhiên lại tặng đồ cho Weber vậy?”.

“Ồ, thưa cô, mặc dù cháu rất tiết kiệm, nhưng cháu không keo kiệt. Nếu em có được đồ chơi đó mà cảm thấy vui, cháu đương nhiên là sẽ tặng nó cho em rồi”. Henry tỏ ra hiểu chuyện trả lời.

Nghe đến đó, cả mẹ và người bác đều giơ ngón tay cái lên khen ngợi Henry.

Tiết kiệm là một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Do Thái, đồng thời cũng là cách thức giúp họ trở nên giàu có. Chăm chỉ và tiết kiệm là hai yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên chỉ có chăm chỉ lao động thôi chưa đủ, mà còn cần biết tiết kiệm, như vậy mới dành dụm được tiền bạc và trở nên giàu có. Người Do Thái mặc dù rất chăm chỉ, tiết kiệm nhưng họ không keo kiệt. Trong tác phẩm kinh điển của người Do Thái – “Talmud” có một câu: “Một người giàu mà không có cơ hội mua đồ, anh ta sẽ cho rằng mình là một người nghèo. Nếu một người có nhiều tiền bạc, tiếc tiền không tiêu, chỉ biết nắm chặt trong tay, thì người đó thật ngu ngốc và nghèo khó”.

Mục đích căn bản của việc kiếm tiền chính là để có cuộc sống tốt hơn. Nếu chỉ biết kiếm tiền mà không tiêu thì việc kiếm tiền sẽ không có ý nghĩa và niềm vui của bản thân cũng sẽ mất đi. Vì thế, một người giàu có thực sự, chắc chắn là một người vừa biết kiếm tiền lại vừa biết tiêu tiền. Mặt khác, tinh thần chăm chỉ, tiết kiệm của người Do Thái không hề mâu thuẫn với thái độ sống hưởng thụ của họ, vì nguyên tắc tiêu tiền của họ là: Chỉ tiêu tiền ở chỗ đáng tiêu.

Người Do Thái cho rằng, cái gì nên tiêu thì không keo kiệt, tiền không nên tiêu thì một xu cũng không bỏ ra. Tóm lại, người Do Thái có quan niệm tiêu tiền một cách hợp lý, khoa học, tiết kiệm, không lãng phí, mà không keo kiệt.

Vì vậy, khi người Do Thái giáo dục con cái, họ cũng không ngừng truyền đạt cho con quan niệm này. Cha mẹ Do Thái đặc biệt chú ý bồi dưỡng thói quen tiết kiệm cho con. Họ cho rằng, thói quen cần được tích lũy trong một thời gian dài, nên cần phải bồi dưỡng thói quen chăm chỉ, tiết kiệm cho trẻ từ nhỏ. Ví dụ, ở trường mẫu giáo cần dạy trẻ biết giữ gìn đồ chơi, tranh ảnh, đồ ăn; Khi học tiểu học, trẻ biết bảo vệ của công, đồ dùng trong cuộc sống và học tập; Giai đoạn trung học trẻ hình thành thói quen không tiêu tiền lãng phí, đồng thời còn sống tiết kiệm, không so sánh với các bạn khác, cũng không đòi hỏi vật chất với bố mẹ.

Cha mẹ Do Thái dạy con rèn luyện tính cách chăm chỉ, tiết kiệm như sau:

❃ Nói cho trẻ biết chăm chỉ, tiết kiệm là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp

Cha mẹ Do Thái thường tận dụng mọi cơ hội để nói cho con biết chăm chỉ, tiết kiệm là một phẩm chất tốt đẹp. Mục đích của người Do Thái là giúp trẻ ngay từ nhỏ có được sự giáo dục và định hướng tốt. Ví dụ, khi con học lịch sử, cha mẹ sẽ liệt kê một loạt những tấm gương, những câu chuyện của các danh nhân có đức tính chăm chỉ, tiết kiệm, để giảng giải cho trẻ hiểu được rằng cuộc sống tốt đẹp không chỉ cần lao động chăm chỉ, mà còn cần lối sống tiết kiệm.

❃ Thông qua các việc nhỏ để trẻ biết ý nghĩa của chăm chỉ, tiết kiệm

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ thường làm những việc nhỏ nhất để trẻ hiểu được ý nghĩa của từ chăm chỉ, tiết kiệm. Vì không muốn trẻ hình thành thói xấu tiêu tiền bừa bãi, cha mẹ sẽ dứt khoát trong vấn đề cho trẻ tiền tiêu, tiêu tiền với mục đích chính đáng, nên cho sẽ cho, còn nếu không chính đáng thì nhất quyết không cho. Hơn nữa cho dù là tiền mừng tuổi của trẻ, cha mẹ cũng sẽ kiểm soát nghiêm ngặt, không để trẻ chi tiêu bừa bãi. Ngoài ra trẻ cần có đức tính tiết kiệm trong việc sử dụng đồ dùng học tập và đồ sinh hoạt chẳng hạn: Viết sai một chữ trong một tờ giấy, sau khi xé tờ giấy đó vẫn có thể sử dụng tiếp; Một lỗ thủng trên quần áo, sau khi vá lại vẫn có thể mặc tiếp. Cuối cùng, cha mẹ còn đặc biệt để trẻ học cách tái sử dụng những đồ dùng cũ, họ thường dạy trẻ dùng hộp lọ bỏ đi làm chậu hoa, hay sửa đôi dép cũ thành một đôi dép đẹp. Tóm lại, thông qua một số việc làm nhỏ trong cuộc sống dạy trẻ hiểu ý nghĩa đúng đắn của từ chăm chỉ, tiết kiệm.

❃ Cha mẹ làm gương cho trẻ, dùng hành động của bản thân để cảm hóa trẻ

Không khó tưởng tượng rằng, nếu bản thân cha mẹ không biết chăm chỉ, tiết kiệm, thì việc nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ có đức tính chăm chỉ, tiết kiệm sẽ thật sự khó khăn. Vì thế, cha mẹ luôn luôn phải là tấm gương sáng cho con, từ đó giúp con rèn luyện thói quen tiết kiệm. Nếu cha mẹ nào thiếu sót về phương diện này, thì cũng nên cùng con cái học tập. Như vậy, cha mẹ có thể dùng hành động của bản thân cảm hóa trẻ, điều đó sẽ có lợi cho việc bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ.

❃ Hướng dẫn trẻ tiêu tiền hợp lí

Cha mẹ Do Thái luôn muốn con cái tiêu pha hợp lí, có hiệu quả. Đầu tiên, cha mẹ sẽ giúp trẻ có kế hoạch tiêu tiền khoa học; Thứ hai, khi trẻ tiêu tiền, cha mẹ sẽ kiểm tra số tiền đó được tiêu như thế nào, nếu không phù hợp với kế hoạch đặt ra trẻ sẽ bị phê bình, thậm chí bị phạt, tạm thời không cho tiền tiêu vặt. Cuối cùng, cha mẹ sẽ dựa trên nguyên tắc tiết kiệm, không khắt khe quá đối với trẻ, để trẻ tự có kế hoạch tiêu tiền. Nếu trẻ không biết sắp xếp kế hoạch hợp lí, cha mẹ sẽ hướng dẫn trẻ tận tình, giúp trẻ tiêu tiền hợp lí, đúng đắn.

❃ Không hợp lí sẽ có sự hướng dẫn đúng đắn

Thực ra, người Do Thái luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc giáo dục cách chi tiêu cho con cái. Trẻ hiểu được trách nhiệm của mình, hiểu được làm thế nào để có tiền, từ đó sẽ học được cách tiết kiệm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.