Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Con có thế mạnh, cần tiếp tục phát huy



Sau khi tan học, Picasso mặt mày ủ rũ bước về nhà. Cha đang viết thư, nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của con trai liền hỏi: “Con trai, hình như con không vui, có chuyện gì xảy ra vậy?”.

Picasso lặng lẽ bước đến trước bàn của cha, ngồi đối diện với cha, cúi đầu buồn rầu nói: “Cha ơi, hôm nay thầy giáo dạy toán phê bình con”.

Cha nhẹ nhàng hỏi: “Tại sao thầy lại phê bình con?”.

Picasso ủ rũ nói: “Vì thầy giáo hỏi 2+3 bằng mấy, con không trả lời được ạ”.

Nói xong, Picasso hỏi cha: “Cha ơi, có phải con rất ngốc không?”.

Cha Picasso chỉ vào bức tranh treo trên tường nói: “Con ngốc làm sao có thể vẽ được bức tranh đẹp thế này được. Đừng quên, hàng xóm nhà chúng ta đều khen con là thiên tài vẽ tranh đấy”.

Picasso nghe cha nói xong thì vui mừng ra mặt. Cha cầm chiếc bút trên bàn, đưa cho Picasso, xoa đầu con trai rồi nói: “Con trai, con thích vẽ tranh thì hãy kiên trì nhé, không nên để ý đến những việc khác”. Picasso nhận lấy bút của cha, vui vẻ chạy đi vẽ tranh.

Picasso cứ kiên trì vẽ tranh, cuối cùng trở thành họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Từ trải nghiệm của Picasso, chúng ta có thể thấy, cha mẹ cần hiểu và giúp con phát huy những ưu điểm, sở trường của mình. Khi trẻ biểu hiện kém ở mặt nào đó cha mẹ không nên buồn bã, mà cần biết khai thác và phát huy sở trường của trẻ, giúp trẻ tìm lại sự tự tin và trưởng thành khỏe mạnh. Trong tác phẩm kinh điển của người Do Thái “Talmud”, có một đoạn liên quan đến cách giáo dục trẻ đó là, “Giáo dục trẻ trong học tập cần kiên trì, không bỏ dở giữa chừng. Cha mẹ cần phát huy sở trường của trẻ, giảm khuyết điểm của trẻ”. Ý nghĩa của câu nói chính là cha mẹ hãy khen ngợi ưu điểm của con, bao dung với những khuyết điểm của con.

Trong mắt của người Do Thái, trình độ thiên phú và ưu điểm của trẻ em cũng khác nhau. Đối với những nhược điểm của trẻ, nếu cha mẹ không để ý, cứ luôn trách mắng trẻ, thậm chí muốn bắt ép trẻ học nhiều để bù đắp những khuyết điểm đó, có thể gây tổn thương cho trẻ. Khi trẻ bị người khác cười nhạo về những khuyết điểm của mình, cha mẹ nên an ủi và động viên trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng cần cổ vũ trẻ dũng cảm nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình, phát huy sở trường, tích cực đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.

Napoleon đã từng nói: “Trên đời không có đồ bỏ, chỉ có để nhầm chỗ mà thôi”. Mỗi đứa trẻ đều có sở trường của mình, cha mẹ cần giúp đỡ trẻ phát huy sở trường đó. Trẻ em Do Thái từ nhỏ đã được học những kiến thức sâu rộng, như thiên văn, địa lí, lịch sử, vật lí, toán học… Qua đó, cha mẹ sớm phát hiện hứng thú và sở trường của trẻ, từ đó khai thác tiềm năng của trẻ. Thậm chí, nhiều sinh viên sau khi lên đại học đều chuyển sang chuyên ngành khác, tình trạng này rất phổ biến ở xã hội Do Thái và mọi người coi đó là điều bình thường. Bởi lẽ, qua việc so sánh những nghề nghiệp khác nhau, trẻ mới phát hiện hứng thú và sở trường, từ đó tìm hướng học tập riêng cho mình, như vậy mới có thể gặt hái được thành tựu to lớn. Có thể thấy trong dân tộc Do Thái, cha mẹ luôn chú ý đến việc phát triển điểm mạnh của con cái. Dưới đây là một vài phương pháp mà cha mẹ thường dùng khi bồi dưỡng sở trường cho con.

❃ Nắm bắt hứng thú của trẻ

Hứng thú là liều thuốc kích thích trẻ học tập, nhưng hứng thú của trẻ lúc nhỏ thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, điều này cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Nếu cha mẹ biết nhưng để sở thích của trẻ phát triển tự do, sở thích đó sẽ phát triển rất nhanh, nhưng nếu cha mẹ ép buộc trẻ, trẻ sẽ nảy sinh tâm lí chống đối. Có nghĩa là, đối với sở thích của trẻ, cha mẹ phát hiện và ủng hộ kịp thời sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Cha mẹ cần kịp thời nắm bắt tâm lý, cho trẻ sự giúp đỡ thích hợp, để hứng thú của trẻ được phát triển. Do đó, cha mẹ Do

Thái luôn cố gắng tạo cho trẻ nhiều cơ hội, để trẻ được học các kiến thức khác nhau, bồi dưỡng sở trường của mình.

❃ Bồi dưỡng đức tính chăm chỉ cho trẻ

Người Do Thái thường tâm niệm rằng, học hành không được bỏ dở giữa chừng. Vì họ biết, một người không có mục đích rõ ràng hoặc thiếu kiến thức, sẽ không thể nào cạnh tranh được trong xã hội khốc liệt, và khi học bất cứ kiến thức nào cũng cần có sự chăm chỉ. Qua việc học tập chăm chỉ, họ không chỉ đạt được mục đích của mình, mà còn có thể phát huy được tiềm năng của bản thân, từ đó đạt được những thành công lớn.

Mỗi vĩ nhân đều có những niềm đam mê và phải trải qua sự học hành chăm chỉ mới có thể đạt được thành công. Vì thế, cha mẹ cần biết phát hiện sở thích, niềm đam mê của con cái, cổ vũ con kiên trì theo đuổi niềm đam mê đó. Thực ra, mỗi đứa trẻ đều có những tiềm năng chưa được khai phá, bố mẹ cần kiên nhẫn, giúp trẻ tìm ra sở trường và phát huy để thực hiện ước mơ, lí tưởng của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.