Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

5 tuổi, con đã bắt đầu “làm thêm” kiếm tiền



Jimmy là người Do Thái, năm 16 tuổi cậu đã thi đỗ vào một trường đại học ở New York – Mỹ và chuẩn bị đi du học. Trước khi đi, cha của Jimmy đến bên cạnh cậu và nói: “Ba rất ủng hộ việc con ra nước ngoài du học, nhưng ba chỉ có thể cho con 100 đô tiền học phí, đây là nguyên tắc của ba. Hơn nữa, 100 đô này không được coi là cho, mà phải được tính là sau khi học xong, con phải trả 100 đô đó cho ba”. Jimmy nghe xong, nghiêm túc gật đầu.

Sau khi đến New York, Jimmy không vội đi tham quan mà tìm một công việc làm thêm, sau đó vừa học vừa làm quen với thị trường New York. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, cuối cùng Jimmy đã tìm ra rất nhiều cách kiếm tiền. Trong 4 năm học ở New York, cậu đã dựa vào khả năng của mình tự chi trả toàn bộ học phí. Sau khi tốt nghiệp, cậu trở về bên cạnh người cha. Lần này, cậu không chỉ cầm về tấm bằng tốt nghiệp, mà còn mang về trả cha 100 đô đã vay năm nào.

Cha cho Jimmy mượn tiền, vì muốn cậu hiểu rằng: Muốn thực hiện lí tưởng, phải dựa vào chính sức mình. Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ không chỉ dạy trẻ độc lập về kinh tế, mà còn để trẻ thông qua cách “làm thêm” kiếm tiền tự nuôi bản thân. Đối với người Do Thái, một người không thể sống dựa dẫm vào người khác, vì như thế thì không bao giờ họ có thể độc lập về kinh tế.

Ở Israel, hầu như cha mẹ Do Thái nào cũng dạy con rằng: Nếu muốn có tiền tiêu vặt con cần phải lao động. Cha mẹ không tùy tiện cho con cái tiền tiêu vặt, mục đích là khuyến khích trẻ làm việc, để trẻ thực sự hiểu giá trị của lao động và tiền bạc. Trong gia đình Do Thái, nếu một đứa trẻ không làm việc nhà theo lời hứa, cha mẹ sẽ không cho chúng tiền tiêu vặt, một số cha mẹ vốn nghiêm khắc trừ tiền tiêu vặt để phạt trẻ.

Một bà mẹ Do Thái đã từng nói: “Làm việc nhà là cách để nâng cao khả năng tự lập của trẻ, nếu có thể kèm thêm một chút giá trị kinh tế trong lao động, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận làm việc nhà, đồng thời trẻ cũng không gây mâu thuẫn, tị nạnh hay lẩn tránh. Vì trẻ sẽ ý thức được rằng, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không được thưởng tiền tiêu vặt. Trong gia đình chỉ có một con, bố mẹ có thể thử mời trẻ nhà hàng xóm đến làm việc nhà cho mình và thưởng cho trẻ đó tiền tiêu vặt, cách làm này sẽ kích thích hứng thú lao động của con bạn”. Có thể thấy, người Do Thái rất quan tâm đến việc bồi dưỡng ý thức tự lập về kinh tế cho trẻ, còn trẻ em Do Thái cũng rất biết phối hợp với cha mẹ, thông thường trẻ được 5 tuổi đã bắt đầu “làm thêm” kiếm tiền rồi.

❃ 5 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất để “làm thêm” kiếm tiền

Cha mẹ Do Thái đặc biệt chú ý đến khả năng lao động của trẻ. Trong gia đình Do Thái, trẻ 2 tuổi đã làm những việc vừa với sức của mình, đến 5 tuổi là có thể để trẻ “làm thêm” kiếm tiền. Thông thường, đến 5 tuổi, cha mẹ sẽ giao một số việc nhà cho trẻ làm và thưởng tiền. Chẳng hạn, lau nhà 15 xu, quét dọn phòng 20 xu, đổ rác 5 xu… Khi trẻ lớn dần lên, cha mẹ sẽ giao cho trẻ một số công việc khó hơn, đương nhiên, tiền thưởng cũng sẽ cao hơn.

❃ Không phải tất cả việc nhà đều được nhận tiền thưởng

Người Do Thái rất thông minh, không phải bất cứ công việc nhà nào mà trẻ làm đều được thưởng tiền. Vì có một số việc nhà thuộc trách nhiệm của trẻ, ví dụ như: Tự giặt những bộ quần áo nhỏ và thu dọn, sắp xếp gọn gàng sách vở… Những công việc này đều không có tiền thưởng, chỉ có một số cha mẹ thống nhất với trẻ rằng làm xong việc nhà và làm tốt mới được nhận tiền thưởng. Ngoài ra, có một số công việc nhà làm hay không làm hoàn toàn do trẻ quyết định, trẻ làm cũng không có tiền mà không làm cũng không sao. Cách phân loại công việc hợp lí như vậy sẽ nâng cao tinh thần nhiệt tình làm việc của trẻ.

❃ Đặt ra bảng phân công việc nhà hợp lí cho trẻ

Khi trẻ được hơn 10 tuổi, cha mẹ Do Thái thường liệt kê một bảng công việc hàng ngày cho trẻ, sau mỗi công việc sẽ ghi số tiền thưởng tương ứng, trẻ hoàn thành công việc xong sẽ được nhận số tiền đó. Lúc đầu, cha mẹ không nên để trẻ làm quá nhiều việc, vì như vậy có thể gây cho trẻ cảm giác mệt mỏi, từ đó khó hoàn thành đúng kế hoạch. Thông thường cha mẹ sẽ sắp xếp công việc cho trẻ theo chiều hướng tăng dần về số lượng cũng như độ khó, mục đích là nhằm giúp trẻ yêu lao động, hiểu được giá trị của lao động.

Khi làm việc nhà, trẻ không chỉ có được những đồng tiền đáng quý, mà còn học được các kĩ năng sống tự lập, từ đó thích nghi với cuộc sống hơn. Vì thế, các bậc cha mẹ cần học phương pháp của người Do Thái, để con dần ý thức về việc “làm thêm” kiếm tiền từ lúc 5 tuổi nhé.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.