Cô lại được ở ngoài sân sau. Địa hạt của cô, một nơi lý tưởng của cô. Theresa Croyton Bolling, mươi bảy tuổi, ngồi trên ghế xích đu bằng gỗ tếch màu xám hiệu Smith & Hawken, đọc một cuốn sách mỏng đang cầm trên tay, chậm rãi lật từng trang. Hôm nay là một ngày tuyệt vời. Không khí ngọt như trong gian bán mỹ phẩm của siêu thị Macy, những ngọn đồi vùng Napa gần đó bình lặng hơn bao giờ hết, được phủ một lớp đệm cỏ, cỏ ba lá, những cây nho và cây thông xanh mướt, những cây bách xương xẩu.
Theresa nghĩ như thơ, là vì thứ mà cô đang đọc, đang viết thật đẹp, thật cảm động, thật sâu sắc… Và là thứ thơ thẩn chán ngắt. Cô bật lên một tiếng thở dài thật to, mong rằng cô mình ở quanh đây để có thể nghe thấy. Cuốn sách bìa mềm rũ xuống trên tay cô và cô nhìn quanh sân một lần nữa.
Nơi cô đã ở đó nửa đời mình, nhà tù xanh như cách mà đôi khi cô gọi nó. Những lúc khác thì cô lại yêu nơi này. Một khung cảnh đẹp, hoàn hảo để đọc sách hay tập chơi ghi ta (Theresa muốn trở thành một bác sĩ nhi khoa, một nhà văn lang thang, hoặc tốt nhất là trở thành Sharon Isbin, một nghệ sĩ ghi ta cổ điển nổi tiếng).
Lúc này cô ở đây mà không tới trường vì một chuyến đi ngoài dự kiến sẽ đi cùng cô của mình. Ôi, Tare, chúng ta sẽ vui vẻ ở đây. Roger có việc cần làm ở Manhattan, một bài phát biểu hay nghiên cứu gì đó, cô thực sự không biết. Cô không để ý lắm. Bác ấy cứ nói và nói mãi. Cháu biết bác cháu rồi đấy.
Nhưng thật tuyệt vời phải không, được đi chơi, thật bất ngờ? Một chuyến phiêu lưu. Đó là lý do bà cô đã đưa cô từ trường về lúc mười giờ sáng ngày thứ Hai. Có mỗi một điều là họ vẫn chưa đi, quả là hơi lạ. Bà cô nói rằng có một số “khó khăn về hậu cần. Cháu hiểu ý cô chứ?”.
Theresa đứng thứ tám trong số hai trăm năm mươi bảy học sinh cùng khối của trường trung học Vallejo Springs. Cô nói: “Vâng ạ, cháu hiểu. Ý cô là hậu cần”. Nhưng điều mà cô gái không hiểu là, trong lúc họ vẫn chưa lên được cái máy bay kia đến New York thì tại sao cô lại không được ở trường cho tới khi “những khó khăn” được giải quyết? Bà cô lại nói: “Ngoài ra, giờ đang là tuần tự nghiên cứu.
Thế nên cháu học đi”. Mà điều đó thì không có nghĩa là học đi mà có nghĩa là không ti vi. Và cũng có nghĩa là không đi chơi với Sunny, Travis hay Kaitlin. Và cũng có nghĩa là không được đến buổi dạ hội gây quỹ giáo dục mà công ty của bác cô tài trợ (cô thậm chí đã mua bộ váy áo mới).
Tất nhiên mọi thứ đều là vớ vẩn. Làm gì có chuyến đi tới New York, làm gì có khó khăn, hậu cần, khó khăn hậu cần hay là hậu cần khó khăn. Đó chỉ là một lý do để giam cô trong cái nhà tù xanh. Và sao lại phải nói dối? Vì kẻ giết hại bố mẹ và anh chị cô đã trốn tù. Điều mà bà cô của cô tin rằng sẽ giữ được bí mật với Theresa.
Làm ơn đi… Cái tin này là thứ đầu tiên mà ta thấy trên trang chủ của Yahoo. Và tất cả mọi người ở California đều nhắc tới nó trên MySpace và Facebook (Bà cô bằng cách nào đó tắt bộ phát sóng wifi trong nhà nhưng Theresa đơn giản là dùng hệ thống không được bảo mật của nhà bên cạnh).
Cô gái ném cuốn sách xuống ghế và bắt đầu đung đưa, trong lúc tháo dây buộc tóc để túm lại đuôi tóc. Chắc chắn là Theresa biết ơn những gì người cô đã làm cho cô trong những năm qua và cũng đánh giá bà rất cao, thực sự là như vậy. Sau những ngày khủng khiếp đó ở Carmel tám năm trước, cô ấy đã nhận trách nhiệm nuôi cô – người mà mọi người gọi là Búp bê đang ngủ.
Theresa được nhận làm con nuôi, chuyển chỗ ở, đổi tên (Theresa Bolling, có thể còn tệ hơn ấy chứ) và được đặt lên ghế dài của hàng chục bác sĩ tâm lý trị liệu, tất cả đều thông minh và đồng cảm, những người đã vạch ra “những con đường dẫn tới sự mạnh khỏe về tâm lý nhờ khám phá quá trình đau buồn và hiểu rõ giá trị của việc chuyển đổi hình ảnh cha mẹ trong quá trình điều trị”.
Có người giúp được, có người không. Nhưng yếu tố quan trọng nhất – thời gian – đã thực hiện phép mầu nhẫn nại của nó và Theresa đã trở thành một người khác với Búp bê đang ngủ, đứa bé sống sót khỏi một thảm kịch tuổi thơ. Hiện giờ cô là một sinh viên, một người bạn, đôi khi là bạn gái, một trợ lý thú y, một vận động viên nước rút không tồi ở cự ly năm mươi và một trăm mét, một tay ghi ta có thể chơi bài The Entertainer của Scott Joplin và có thể chơi được kể cả những cung cao nhất.
Dù vậy thì lúc này là lúc thoái trào. Tên sát nhân đã trốn tù, đúng thế. Nhưng đó không phải là vấn đề thực sự. Không, vấn đề là cách bà cô xử lý mọi việc. Cứ giống như quay ngược kim đồng hồ, đưa cô về quá khứ, sáu, bảy, ôi lạy Chúa, tám năm trước. Theresa lại thấy mình như Búp bê đang ngủ một lần nữa, mọi kết quả đều bị xóa sạch.
Cháu yêu, cháu yêu, dậy đi, đừng sợ. Cô là cảnh sát. Thấy phù hiệu của cô không? Cháu đi lấy quần áo, vào nhà tắm để thay đồ đi. Bà cô của cô lúc đó hoảng loạn, căng thẳng và hoang tưởng. Nó giống như bộ phim truyền hình dài tập trên HBO mà cô đã xem khi đến nhà Bradley năm ngoái.
Nói về nhà tù. Nếu có điều gì không hay, lính gác sẽ khóa hết cửa. Theresa, Búp bê đang ngủ, đang bị nhốt. Bị kẹt ở đây trong… nhà tù xanh. Hay thật đấy, cô cay đắng nghĩ: Daniel Pell thoát tù còn mình thì kẹt trong tù. Theresa lại nhặt quyển thơ lên, nghĩ tới bài kiểm tra tiếng Anh của mình.
Cô đọc thêm hai dòng nữa. Cháaan… Sau đó Theresa nhìn thấy, qua lớp hàng rào lưới mắt cáo phía cuối khu đất, một chiếc xe chạy ngang qua, nhanh chóng phanh lại, có vẻ như người lái xe nhìn qua các bụi cây về phía cô. Một thoáng ngần ngừ sau đó chiếc xe chạy tiếp. Theresa thả chân xuống đất và ngừng đung đưa.
Chiếc xe có thể của bất cứ ai. Hàng xóm, người có trẻ con được nghỉ học… Cô không quá lo lắng. Tất nhiên sau khi bà cô cắt hết nguồn tin tức, cô không biết liệu Pell đã bị bắt lại hay được trông thấy lần cuối cùng khi đang trên đường tới Napa. Nhưng điều đó thật điên rồ.
Nhờ có bà cô mà hiện nay trên thực tế cô đang nằm trong chương trình bảo vệ nhân chứng. Làm sao mà hắn tìm được cô? Dù sao thì cô cũng phải tìm cách ngó máy tính xem điều gì đang diễn ra. Dạ dày cô hơi quặn lên. Theresa đứng dậy và đi về phía ngôi nhà. Được rồi, ta sẽ xem xét một chút.
Cô nhìn ra sau, xuyên qua những bụi cây ở phía đầu xa của khu đất. Không có xe. Chẳng có gì. Và khi quay lại ngôi nhà, Theresa khựng lại. Người đàn ông đã trèo lên lớp hàng rào cao cách đó sáu mét, chắn giữa cô và ngôi nhà. Hắn ta ngẩng lên, thờ phì phò vì quá cố gắng, từ đó hắn nhảy xuống, đầu gối chạm đất giữa hai cụm đỗ quyên dày.
Tay hắn chảy máu, bị cắt phải chỗ trên cùng của lớp hàng rào mắt cáo. Chính là hắn ta. Là Daniel Pell. Cô thở hổn hển. Hắn đã tới. Hắn sẽ hoàn thành nốt việc sát hại nhà Croyton. Một nụ cười trên mặt, hắn đứng thẳng lên và bắt đầu đi về phía cô. Theresa Croyton bắt đầu khóc.
“Không sao, không sao”, người đàn ông thầm thì trong khi tiến tới gần, tươi cười. “Tôi sẽ không làm gì cả. Suỵt… Theresa căng thẳng. Cô bảo mình phải chạy. Ngay bây giờ, chạy đi! Nhưng chân cô không nhúc nhích. Nỗi sợ làm cô tê liệt. Hơn nữa cũng không có chỗ nào mà chạy. Hắn đứng giữa cô và ngôi nhà và cô biết không thể leo qua được hàng rào mắt cáo.
Cô nghĩ mình có thể chạy ra khỏi nhà, ra sân sau, nhưng hắn có thể bắt được cô, lôi vào bụi rậm:và ở đó hắn sẽ… Không, thế thì thật quá khủng khiếp. Thở hổn hển, thực sự nếm được sự sợ hãi, Theresa chậm chạp lắc đầu. Cảm thấy sức lực của mình trôi đi. Cô tìm vũ khí.
Chẳng có gì: chỉ có một hòn gạch sắc cạnh, một cái đĩa cho chim ăn, Tuyển tập thơ Emily Dickinson. Cô nhìn lại Pell. “Mày đã giết bố mẹ tao. Mày… Đừng chạm vào tao!” Nhăn mặt. “Không, lạy Chúa tôi”, người đàn ông nói, mắt mở to. “Ồ không, tôi chỉ muốn nói chuyện với cháu. Tôi không phải là Daniel Pell đâu.
Tôi thề đấy. Nhìn này”. Ông ta ném thứ gì đó về phía cô, cách khoảng ba mét. “Nhìn nó đi. Đằng sau ấy. Lật nó lại”. Theresa liếc nhìn vào nhà. Đúng lúc cô cần tới bà cô thì lại chẳng thấy bà ta đâu. “Đây”, người đàn ông nói. Cô gái bước tới và ông ta tiếp tục lùi lại, cho cô thật nhiều chỗ.
Cô bước tới gần và nhìn xuống. Đó là một cuốn sách. Stranger in the Night, tác giả Morton Nagle. “Là tôi đây”. Theresa không nhặt nó lên. Cô dùng chân lật nó lại. Trên bìa sau là ảnh của người đàn ông trước mặt cô khi còn trẻ. Thật không nhỉ? Theresa bất ngờ nhớ lại là cô chỉ mới nhìn thấy vài bức ảnh của Daniel Pell được chụp tám năm trước.
Cô đã phải đọc trộm mấy bài báo trên mạng, cô của cô nói rằng nếu cô đọc bất cứ thứ gì về vụ giết người thì nó sẽ làm cô lùi lại vài năm về mặt tâm lý. Nhưng nhìn vào bức ảnh hồi trẻ của tác giả thì rõ ràng rằng đó không phải là người đàn ông gầy gò, đáng sợ mà cô còn nhớ.
Theresa vuốt mặt. Cơn giận bùng nổ trong cô, một quả bong bóng nổ tung. “Ông làm cái quái gì ở đây? Ông dọa tôi sợ chết khiếp!” Người đàn ông xốc lại chiếc quần thùng thình như thể ông ta muốn lại gần hơn. Nhưng rõ ràng là ông ta đã quyết định không làm như vậy. “Không còn cách nào khác để nói chuyện với cháu.
Tôi đã gặp cô của cháu ngày hôm qua khi bà ấy đi mua hàng. Tôi muốn bà ấy hỏi cháu vài chuyện”. Theresa liếc nhìn hàng rào lưới mắt cáo. Nagle nói: “Cảnh sát đang tới, tôi biết. Tôi có nhìn thấy cảnh báo trên hàng rào. Họ sẽ tới đây sau ba bốn phút nữa và họ sẽ bắt tôi. Tốt thôi.
Nhưng tôi có chuyện muốn nói với cháu. Kẻ giết bố mẹ cháu đã trốn tù”. “Tôi biết”. “Cháu biết à? Cô của cháu… “Để tôi yên”. “Có một nữ cảnh sát ở Monterey đang tìm cách bắt hắn lại nhưng cô ấy cần được giúp đỡ. Cô của cháu không nói với cháu và nếu cháu mới mười một, mười hai tuổi thì tôi sẽ không bao giờ làm việc này.
Nhưng cháu đã đủ lớn để tự quyết định. Cô ây muốn nói chuyện với cháu”. “Một nữ cảnh sát?” “Đúng, cháu chỉ cần gọi cho cô ấy thôi. Cháu có thể… Ôi Chúa ơi!” Tiếng súng nổ từ phía sau Theresa to đến mức ngạc nhiên, to hơn nhiều so với trong phim. Nó làm rung cửa sổ và làm lũ chim bay vụt lên bầu trời quang đãng.
Theresa rúm người lại khi nghe tiếng động và ngồi thụp xuống, nhìn thấy Morton Nagle ngã ngửa xuống bãi cỏ ướt, tay ông ta khua khoắng trong không khí. Mắt mở to vì kinh hãi, cô gái nhìn về phía bậc thềm sau nhà. Kỳ lạ thật, cô không biết cô mình có súng, càng không biết là bà ta biết bắn súng.
TJ Scanlon tìm kiếm rất kỹ xung quanh nơi ở của James Reynolds nhưng không tìm được bằng chứng gì có ích. “Không có xe, chẳng có gì”, anh ta gọi đến từ một con phố gần nhà viên công tố. Dance đang trong văn phòng của mình, thư giãn và hai bàn chân trần của cô nghịch nghịch một trong ba đôi giày dưới bàn.
Cô rất muốn biết nhận dạng chiếc xe mới của Pell, nếu như có biển số thì càng tốt. Reynolds chỉ biết rằng đó là một chiếc sedan sẫm màu, còn viên sĩ quan bị đập xẻng thì không hề nhớ mình có nhìn thấy gì không. Nhóm khám nghiệm hiện trường của MCSO không tìm thấy bất cứ dấu vết nào có thể là manh mối về chiếc xe mới của Pell.
Cô cảm ơn TJ và gác máy, sau đó bước vào trong phòng họp với O’Neil và Kellogg, Charles Overby chuẩn bị tới để lấy tài liệu cho cuộc họp báo và lần cập nhật thông tin hàng ngày cho Amy Grabe của FBI và giám đốc CBI ở Sacramento, cả hai người này đều cực kỳ lo lắng khi Pell vẫn còn tự do.
Không may là buổi báo cáo sáng nay của Overby chủ yếu là về kế hoạch tổ chức tang lễ cho Juan Millar. Mắt cô bắt gặp mắt Kellogg và cả hai người cùng nhìn đi chỗ khác. Cô vẫn chưa có cơ hội nào để nói chuyện với viên đặc vụ FBI về buổi tối hôm qua trong xe. Sau đó cô lại nghĩ: Có gì để mà nói không nhỉ? Rey Carraneo trẻ trung, mắt mở to, thò cái đầu tròn vo của anh ta vào phòng họp và nói hổn hển: “Đặc vụ Dance, tôi xin lỗi vì đã làm gián đoạn chị”.