Búp Bê Đang Ngủ

CHƯƠNG 63



Có thể đó là một buổi chiều thứ Bảy tươi sáng ở đâu đó trên kia vài trăm mét nhưng khu vực bệnh viện vịnh Monterey nhuộm màu xám tro vì sương mù dày đạc. Làn sương mù đem theo mùi thông, khuynh diệp và mùi hoa của cây dành dành, Kathryn Dance nghĩ thế nhưng không chắc lắm. Cô thích cây cối nhưng cũng giống như thức ăn, cô thích mua chúng còn nguyên vẹn từ người cô biết thay vì tự trồng thử nghiệm và có thể phá hỏng chúng.
Dừng bên một vườn hoa, Dance nhìn Linda Whitfield được anh trai cô ta đẩy xe lăn ra khỏi cửa trước. Roger là một người đàn ông mảnh khảnh, khắc khổ, mà tuổi khó có thể xác định được, có lẽ từ ba lăm tới năm mươi lăm. Anh ta đúng như Dance kỳ vọng, trầm lặng và bảo thủ, mặc quần jeans, một chiếc áo sơ mi ủi cứng và phẳng phiu, chiếc cà vạt kẻ sọc, được kẹp bằng chiếc kẹp cà vạt có hình thánh giá.
Anh ta chào Dance với một cái bắt tay rất chặt và không cười. “Tôi phải đi lấy xe. Làm ơn thứ lỗi”. “Chị đủ khỏe để đi xe chưa?”, Dance hỏi người phụ nữ sau khi anh ta đi khỏi. “Chúng tôi biết vài người ở Mendocino đã từng ở trong nhà thờ của chúng tôi. Roger đã gọi điện cho họ.
Chúng tôi có thể nghỉ đêm ở đó”. Mắt Linda lơ đãng, cô ta thỉnh thoảng cười rinh rích không có nguyên do; Dance suy luận rằng thuốc giảm đau mà cô ta dùng là loại tốt, rất tốt. “Tôi ủng hộ nghỉ đêm. Cứ thoải mái thôi. Bảo trọng”. “Bảo trọng”. Cô ta cười khi nghe từ này. “Rebecca thế nào? Tôi vẫn chưa hỏi đến chị ta”.
“Vẫn đang được chăm sóc đặc biệt”. Hất đầu về phía bệnh viện. “Có lẽ cũng không ở xa chỗ chị lắm đâu”. “Sẽ ổn chứ?” “Họ nghĩ thế”. “Tôi sẽ cầu nguyện cho chị ta”. Thêm một tiếng cười. Nỏ nhắc Dance nhớ tới tiếng tặc lưỡi đặc biệt của Morton Nagle. Dance quỳ xuống bên chiếc xe lăn.
“Tôi vô cùng cảm ơn vì những gì chị đã làm. Tôi biết chuyện đó rất khó khăn và tôi rất tiếc vì chị đã bị thương. Nhưng chúng tôi không thể ngăn chặn hắn mà không có chị”. “Chúa Trời làm công việc của Ngài để cuộc sống tiếp tục. Tất cả mọi thứ là vì điều thiện”. Dance không hiểu, nghe giống như một trong những câu vô nghĩa của Charles Overby.
Linda chớp mắt. “Daniel sẽ được chôn ở đâu?” “Chúng tôi đã gọi điện cho bà cô anh ta ở Bakersfield nhưng bà ta còn không nhớ được tên mình. Anh trai anh ta – Richard? Anh ta không quan tâm. Anh ta sẽ được chôn ở đây sau khi mổ tử thi. Tại hạt Monterey, tang lễ cho người nghèo, xác được thiêu và ở một nghĩa trang công”.
“Chỗ đó đã được làm lễ Thánh chưa?” “Tôi không biết. Tôi nghĩ là có”. “Nếu không thì chị có thể giúp tìm một chỗ cho anh ta không? Một nơi yên nghỉ xứng đáng. Tôi sẽ trả tiền”. Người định giết cô ta? “Tôi sẽ làm”. “Cảm ơn chị”. Đúng lúc đó, một chiếc Acura màu xanh đậm lao tới và phanh kít.
Chiếc xe chạy tới thật bất ngờ đến mức Dance vội quỳ xuống, tay lấy súng. Nhưng nữ đặc vụ thư giãn ngay tức khắc khi nhìn thấy Samantha McCoy xuất hiện từ ghế lái. Người phụ nữ tới chỗ Dance và Linda. Cô hỏi: “Chị thế nào?”. “Chị đang dùng thuốc. Chị nghĩ ngày mai sẽ rất tệ.
Ờ, mà có thể cả tháng sau nữa”. “Chị đi mà không tạm biệt?” “Ôi trời, sao em nghĩ thế? Chị chuẩn bị gọi điện”. Dance dễ dàng nhận ra lời nói dối. Có lẽ Samantha cũng vậy. “Chị trông được đấy”. Câu trả lời là tiếng tặc lưỡi. Im lặng. Im lặng tuyệt đối, sương mù đã nuốt hết những âm thanh còn lại.
Chống tay lên sườn, Samantha nhìn xuống Linda. “Mấy ngày vừa qua thật lạ lùng, phải không?” Người phụ nữ buông một tiếng cười kỳ lạ, vừa yếu ớt vừa cảnh giác. “Linda, em muốn gọi điện cho chị. Ta có thể gặp nhau”. “Vì sao? Phân tích tâm lý chị à? Để cứu chị khỏi móng vuốt của nhà thờ?” Sự cay đắng trôi ra từ những lời nói.
“Em chỉ muốn gặp chị thôi. Không có gì hơn”. Với một chút nỗ lực tinh thần, Linda nói: “Sam, tám, chín năm trước chúng ta đã là hai người khác nhau, chị và em. Giờ chúng ta còn khác nhau hơn nữa. Chúng ta không có gì chung cả”. “Không có gì chung? Không phải thế. Chúng ta đã cùng nhau trải qua địa ngục”.
”Đúng vậy. Chúa đã giúp ta vượt qua và sau đó đưa chúng ta đi theo những hướng khác nhau”. Samantha quỳ xuống và cầm lấy tay người phụ nữ, tránh không động chạm tới vết thương. Cô ta đã vào hẳn bên trong vùng cá nhân của Linda. “Nghe em này. Chị có nghe không?” “Gì vậy?” Sốt ruột.
“Đã từng có một người đàn ông”. “Một người đàn ông?” “Nghe này. Người đàn ông đó đang ở trong nhà thì có một trận lụt kinh khủng xảy ra, thực sự kinh khủng. Nước sông dâng ngập tầng một nhà anh ta và có một chiếc thuyền tới cứu, nhưng anh ta nói: ‘Không, cứ đi đi, Chúa sẽ cứu tôi’.
Anh ta chạy lên tầng hai nhưng nước cũng dâng tới đó. Một chiếc thuyền cứu sinh khác tới nhưng anh ta nói: ‘Không, cứ đi đi. Chúa sẽ cứu tôi’. Sau đó nước sông vẫn tiếp tục dâng cao, anh ta trèo lên mái nhà thì có một chiếc trực thăng đi qua nhưng anh ta vẫn nói: ‘Không, cứ đi đi, Chúa sẽ cứu tôi’.
Và chiếc trực thăng bay đi”. Nhịu giọng vì ảnh hưởng thuốc, Linda hỏi: “Em nói chuyện gì thế?”. Sam tiếp tục nói, không hề bối rối: “Sau đó nước cuốn anh ta khỏi nóc nhà và anh ta chết đuối. Khi lên tới thiên đường, anh ta nhìn thấy Chúa Trời và nói: ‘Lạy Chúa, sao người không cứu con?’.
Chúa Trời lắc đầu và nói: “Hay thật, ta không hiểu có chuyện gì không đúng. Ta đã gửi tới cho con hai chiếc thuyền và một trực thăng”. Dance chặc lưỡi. Linda chớp mắt khi nghe câu kết và nữ đặc vụ nghĩ, cô ta muốn cười nhưng cố nhịn. “Nào, Linda, chị em mình là trực thăng của nhau.
Thừa nhận đi”. Người phụ nữ im lặng. Sam nhét tấm danh thiếp vào tay người phụ nữ. “Số của em đấy”. Linda im lặng một lúc lâu, mắt nhìn tấm danh thiếp. “Sarah Starkey? Tên em đây à?” Samantha mỉm cười. “Lúc này thì em không thể đổi lại được. Nhưng em sẽ kể cho chồng em. Mọi chuyện.
Anh ấy đang đem con trai của bọn em tới đây. Bọn em sẽ ở lại đây vài ngày. Em hy vọng thế. Nhưng sau khi em kể, anh ấy có thể sã lên xe và đi về nhà”. Linda không trả lời. Cô lấy ngón cái lật tấm danh thiếp, nhét nó vào ví và nhìn ra lối đi khi một chiếc xe màu bạc méo mó tới gần.
Chiếc xe dừng lại và Roger Whitfield ra ngoài, Samantha tự giới thiệu mình với anh trai Linda, dùng tên thật của cô thay vì “Sarah”. Người đàn ông chào cô với một cái nhướng mày và một cái bắt tay trịnh trọng. Sau đó anh ta và Dance đưa Linda vào xe và nữ đặc vụ đóng cửa. Samantha bước lên bậc xe.
“Linda, nhớ nhé: máy bay trực thăng”. Người phụ nữ nói: Tạm biệt, Sam. Chị sẽ cầu nguyện cho em”. Không một lời hay cử chỉ nào khác, người phụ nữ cùng anh mình lên đường. Samantha và Pance nhìn họ đi khuất theo con đường uốn khúc khi ánh đèn hậu như hai quả cầu tỏa sáng mờ dần trong sương mù.
Sau khi họ đi khỏi, Dance hỏi: “Khi nào thì chồng cô tới đây?. “Anh ấy rời San Francisco một giờ trước, sắp đến rồi đấy, tôi đoán thế”. Sam hất đầu về phía chiếc xe. “Cô có nghĩ chị ấy sẽ gọi điện cho tôi không?” Tất cả kỹ năng điều tra của Dance, tất cả tài năng đọc ngôn ngữ cử chỉ của cô cũng không thể trả lời được câu hỏi này.
Điều tốt nhất cô có thể nghĩ ra là: “Cô ấy không vứt danh thiếp của cô đi đúng không?”. “Vẫn chưa”, Samantha nói, nở một nụ cười yếu ớt và quay ra xe….** Kathryn Dance đang ở trên Boong tàu một mình, dù Patsy và Dylan cũng đang ở gần đó, lang thang trong sân sau và tham gia vào âm mưu gì đó của loài chó.
Cô đã chuẩn bị xong bữa tiệc sinh nhật lớn ngày mai cho bố cô, giờ thì đang nhấm nháp bia Đức và nghe chương trình A Praric Home Companion một chương trình radio tạp kỹ của Garrison Keillor mà cô đã hâm mộ nhiều năm. Khi chương trình kết thúc, cỏ tắt đài và lắng nghe tiếng nhạc từ cái cân đồ chơi của Maggie và tiếng bass lờ mờ từ bộ đàn của Wes.
Nghe nhạc của cậu bé – cô nghĩ đó là nhóm Cold Play – Kathryn Dance suy nghĩ trong giây lát rồi đột nhiên móc điện thoại, tìm một số điện trong chiếc Samsung và bấm nút gọi. “À, xin chào”, Brian Cunderson trả lời. Hiển thị số cuộc gọi đã tạo ra một cơ chế trả lời điện thoại hoàn toàn mới, cô nghĩ.
Anh ta có tới ba giây để lên kế hoạch cho cuộc nói chuyện, dành riêng cho Kathryn Dance. “Chào”, cô đáp lời, “Em xin lỗi vì không gọi lại cho anh. Em biết anh có gọi điện mấy lần”. Brian cười làm cô nhớ lại những lúc họ bên nhau, ăn tối, đi dạo trên bãi biển. Anh có tiếng cười dễ thương.
Và hôn rất giỏi. “Anh biết nếu ai đó có lý do xin lỗi thì đó chính là em. Anh đã xem thời sự. Overby là ai thế?” “Sếp em”. “À, cái tay điên điên em nói chuyện với anh ấy à?” “Vâng”. Dance tự hỏi không hiểu cô đã vô ý tới mức nào. “Anh thấy có một buổi họp báo và ông ta nhắc tới em.
Ông ta nói em là trợ lý của ông ta trong vụ bắt Pell”. Cô cười. Nếu TJ biết thì chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi cô nhận được tin nhắn cho “Trợ lý Dance”. “Vậy là em bắt được hắn rồi”. “Ông ấy bắt được”. Rồi thêm vài câu xã giao. “Anh thế nào?”, cô hỏi. “Ồn. Đến San Francisco vài ngày, vòi tiền từ những người vòi tiền của người khác.
Còn anh thì vòi phí. Có tác dụng với mọi người”. Anh nói thêm anh bị xịt lốp xe trên đường 101 khi về nhà. Một ban nhạc nghiệp dư là thợ cắt tóc đi biểu diễn về đã dừng lại và thay lốp cho anh. “Họ có hát lúc họ làm thế không?” “Đáng buồn là không. Nhưng anh sẽ đi xem một buổi biểu diễn của họ ở Burlinggame”.
Có phải là lời mời không nhỉ? Cô tự hỏi. “Bọn trẻ thế nào?”, anh hỏi. “Ổn. Cứ là trẻ con thôi”. Cô ngừng lại tự hỏi liệu cô có nên chủ động mời anh đi uống gì đó không hoặc đi ăn tối nay. Cô nghĩ rằng bữa tối sẽ an toàn, nếu tính đến việc họ đã có chuyện với nhau.
Brian nói: “Dầu sao thì cũng cảm ơn em đã gọi lại”. “Không có gì”. “Mà thôi, đừng quan tâm”. Đừng quan tâm? “Lý do anh gọi điện là anh và một người bạn sẽ đến La Jolla tuần này”. Bạn. Thật là một từ rộng nghĩa. “Tuyệt vời. Anh có định đi lặn biển không? Anh có nói là anh muốn mà, em còn nhớ”.
Ở đó có một khu bảo tồn dưới nước rất lớn. Cô và Brian đã từng nói chuyện về nó. “À, đúng rồi. Bọn anh cũng có kế hoạch đó. Anh chỉ gọi để xem có lấy lại được cuốn sách anh cho em mượn, cuốn sách nói về những con đường mòn leo núi gần San Diego ấy”. “Ồ, em xin lỗi”.
“Không thành vấn đề. Anh đã mua cuốn khác rồi. Em cứ giữ nó đi. Anh chắc chắn là có lúc em sẽ tới đây”. Cô cười như kiểu tiếng cười khúc khích của Morton Nagle. “Chắc rồi”. “Những việc khác ổn cả chứ?” “Thực sự ổn, vâng”. ” Anh sẽ gọi em khi anh về”. Kathryn Dance, nhà phân tích ý nghĩa cử chỉ và một chuyên viên thẩm vấn dày dặn biết rằng người ta đôi khi nói dối với kỳ vọng, thậm chí là hy vọng là người nghe sẽ phát hiện ra sự lừa dối.
Thông thường, là trong những hoàn cảnh như thế này. “Sẽ rất tuyệt đấy, Brian”. Cô đoán cả đời họ sẽ không bao giờ nói với nhau lời nào nữa. Dance gập điện thoại lại rồi đi vào phòng ngủ. Cô gạt đám giày dép sang một bên và tìm thấy cây đàn ghi ta Martin 00-18 cũ của mình, đằng sau và cạnh bên màu đen gỗ gụ, cần đàn bằng gỗ vân sam màu nâu.
Cô đem nó ra Boong tàu, ngồi xuống và với những ngón tay vụng về vì lạnh và vì thiếu luyện tập, cô chỉnh đàn và bắt đầu chơi. Đầu tiên là căn chỉnh và vài hợp âm, sau đó là bài hát của Bob DyLan Tommorow is a long Time. Cô nghĩ lan man, từ Brian Gunderson tới ghế trước của chiếc Tatirus và Winston Kellogg.
Vị bạc hà, mùi da thơm mát… Trong khi chơi, cô nhận thấy có chuyển động trước nhà. Dance thấy con trai cô đi thẳng tới tủ lạnh và khênh bánh quy cùng một cốc sữa vào phòng nó. Cuộc càn quét này chỉ dài ba mươi giây. Cô nghĩ mình đã từng coi thái độ của Wes là sai lệch – một lỗi cần sửa.
Bố mẹ thường cảm thấy con mình có lý khi phản đối những cuộc hẹn hò với bố mẹ kế tiềm năng thậm chí cả cuộc hẹn hò bình thường. Chị không được nghĩ như vậy. Nhưng Dance không, chắc chắn lắm. Có thể chúng đôi khi đưa ra những quan ngại thực sự. Có thể ta cần lắng nghe chúng, chăm chú và cởi mở như khi phỏng vấn nhân chứng trong một vụ điều tra tội phạm.
Có thể cô đã không chú ý đến thằng bé. Tất nhiên, Wes là một đứa trẻ, không phải là đối tác nhưng nó vẫn phải có tiếng nói. Lại thế rồi, cô nghĩ, chuyên gia ý nghĩa cử chỉ lại đang hình thành các vạch mốc và tìm kiếm sự thay đổi như tín hiệu của việc có gì đó không đúng.
Với Winston Kellogg, không biết mình có rời khỏi vạch mốc riêng của mình không nhỉ? Có thể phản ứng của cậu bé chính là manh mối. Có chuyện để suy nghĩ rồi. Khi Dance chơi tới giữa chừng một bài hát của Paul Simon, ậm ừ theo giai điệu vì không thuộc lời thì cô nghe tiếng kẹt cửa dưới Boong tàu.
Đàn im tiếng khi cô liếc nhìn thấy Michael O’Neil đang đi lên cầu thang. Anh mặc chiếc áo len màu xám và nâu hạt dẻ cô mua cho anh khi cô đi trượt tuyết ở Colorado một năm trước. “Chào em”, anh nói, “Có xâm phạm không?”. “Không bao giờ”. “Anne sẽ có buổi khai trương trong một tiếng nữa.
Nhưng anh nghĩ anh sẽ qua đây trước, để gặp em”. “Em mừng là anh đã đến”. Anh lấy một lon bia trong tủ lạnh và khi cô gật đầu, anh lấy thêm một lon cho cô. Ngồi xuống bên cạnh cô. Hai lon Becks bật mở. Một ngụm lớn. Cô bắt đầu chơi một bản được chuyển thể cho đàn ghi ta, một bài dân ca Ireland của Turlough O’Carolan, một nghệ sĩ đàn hạc Ireland lang thang.
O’Neil im lặng, uống bia và gật gù theo nhạc. Cô nhận thấy anh nhìn ra biển dù không thể nhìn thấy vì biển đã bị rừng thông che khuất. Cô nhớ lại rằng từng có một lần, sau khi xem bộ phim cũ của Spencer Tracy về một ngư phủ bị ám ảnh của Hemingway, Wes đã gọi O’Neil là “Ông già của biển cả”.
Thằng bé và Dance đã cười chuvện này suốt. Khi cô chơi xong, anh nói: “Có một vấn đề với tình huống của Juan. Em nghe chưa?”. “Juan Millar? Chưa, có chuyện gì thế?” “Đã có báo cáo khám nghiệm tử thi. Bộ phận của Coroner tìm thấy những nguyên nhân thứ cấp và coi chúng đáng nghi ngờ.
Bọn anh đã lập hồ sơ tại MCSO”. “Có chuyện gì?” “Cậu ấy chết không phải vì bị nhiễm trùng hay sốc, là điều thường xảy ra khi bị bỏng nặng. Cậu ấy chết do tương tác của morphine và diphenhydramine là thuốc chống dị ứng. Tác dụng của morphine lâu hơn cần thiết và không một bác sĩ nào kê thuốc chống dị ứng.
Rất nguy hiểm khi dùng nó lẫn với morphine”. “Cố ý?” “Có vẻ như thế. Cậu ta không thể tự làm được. Bọn anh đang xem xét khả năng giết người”. Dance nghe thấy mẹ cô thì thầm lại những lời của Millar. Giết tôi đi… Cô tự hỏi không biết ai đứng sau cái chết này. Giết người nhân đạo là một trong những vụ mang tính cảm xúc khó điều tra nhất.
Dance lắc đầu. “Lại còn sau tất cả những gì gia đình cậu ấy đã phải trải qua. Nếu bọn em có thể làm được gì thì anh cứ nói nhé”. Họ ngồi im lặng một lúc, Dance ngửi thấy mùi khói của củi cháy và một thoáng mùi nước hoa sau cạo râu của O’Neil. Cô thích sự kết hợp này. Cô lại chơi đàn.
Một phiên bản của bài Freight Train của Elizabeth Cotton, một giai điệu ám ảnh nhất từng có. Nó đã từng vang lên trong đầu cô nhiều ngày. O’Neil nói: “Anh có nghe về Winston Kellogg. Không bao giờ có thể nghĩ tới chuyện đó”. Những lời nói trôi rất nhanh. “Vâng”. “TJ đã cho anh biết mọi chi tiết kinh khủng”.
Anh lắc đầu và ra hiệu cho Dylan và Patsy. Hai con chó lao về phía anh. Anh đưa cho chúng cái bánh sữa Milky Bones từ chiếc hộp bánh bích quy đặt cạnh một chai tequila mờ đục. Chúng nhận món quà rồi chạy đi. Anh nói: “Có vẻ như sẽ là một vụ khó. Washington gây áp lực để bỏ qua nó, anh cá thế”.
“Ồ, đúng thế. Tận cấp cao nhất”. “Nếu em quan tâm, ta có thể gọi vài cuộc”. “Chicago, Miami hay L.A?” “Em cũng nghiên cứu rồi à, hừm? Vụ nào là chắc nhất?” Dance trả lời: “Em sẽ theo một nghi án tự sát ở L. A. Nó nằm trong bang nên CBI có quyền và Kellogg không thể nói rằng lãnh tụ giáo phái đó chết trong lúc tấn công.
Và cả vụ cái file do Kellogg xóa. Tại sao anh ta làm thế nếu như anh ta không có tội?”. Cô quyết định rằng nếu Kellogg thoát được vụ giết Pell, mà điều đó là có thể, cô sẽ không để sự việc dừng lại ở đây. Cô sẽ theo vụ chống lại anh ta ở những nơi khác và rõ ràng là cô sẽ không định làm việc đó một mình.
“Tốt”, O’Neil nói, “Ngày mai ta sẽ gặp nhau và xem xét bằng chứng”. Cô gật đầu. Viên thám tử uống nốt lon bia và lấy lon khác. “Anh không cho là Overby sẽ đồng ý một chuyến đi tới L.A” “Tin hay không thì tùy nhưng em nghĩ là ông ấy sẽ cho”. “Thật chứ?” “Nếu ta nâng hạng”. “Và chờ”, O’Neil nói thêm.
Họ cười. “Anh có yêu cầu gì không?” Cô vỗ cây đàn Martin cũ, nó vang như trống. “Không,” Anh dựa vào ghế và duỗi đôi giày mòn vẹt ra trước mặt. “Bất cứ bài gì em thích”. Kathryn Dance thoáng nghĩ và bắt đầu chơi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.