Thiên Đường Có Thật
LỜI MỞ ĐẦU
KHI KỂ CÂU CHUYỆN VỀ COLTON, chúng tôi đã có cơ hội làm việc với những con người không những chuyên nghiệp và đầy nhiệt huyết mà còn là những con người chân thật và đầy yêu thương. Dĩ nhiên, chúng tôi rất ấn tượng với kiến thức chuyên môn của họ, nhưng điều mà cả Sonja và tôi cảm thấy trân trọng hơn nhiều chính là tấm lòng và tính cách của họ.
Phil McCallum, Joel Kneedler, Lynn Vincent, và Debbie Wickwire không chỉ gác cả cuộc sống để thực hiện quyển sách này, họ còn vun đắp cho cuộc sống gia đình chúng tôi thêm phong phú. Nếu không có những nỗ lực lớn lao và tinh thần nhạy bén của họ, quyển sách Thiên đường có thật đã không thể được hoàn thành một cách mỹ mãn như vậy.
Chúng tôi cảm tạ Đức Chúa Trời mỗi ngày vì đã mang những con người tài năng đến giúp chúng tôi kể câu chuyện của Colton. Mỗi người trong số họ chính là một phước lành đối với chúng tôi.
Đối với tôi và Sonja, việc có được những người bạn như họ là một đặc ân quý giá.
LỄ QUỐC KHÁNH GỢI LẠI KỶ NIỆM về những cuộc diễu hành yêu nước, mùi thịt nướng thơm phức, bắp ngọt, và bầu trời đêm bừng sáng ánh pháo hoa. Nhưng đối với gia đình tôi, kỳ lễ Quốc Khánh năm 2003 có ý nghĩa to lớn vì những nguyên do khác.
Vợ tôi, Sonja, và tôi lên kế hoạch đưa các con đi thăm gia đình anh trai cô ấy, Steve, ở vùng Sioux Falls, South Dakota. Đó sẽ là lần đầu chúng tôi gặp cậu cháu trai Bennett vừa chào đời 2 tháng trước. Thêm vào đó, các con chúng tôi, Cassi và Colton, chưa từng biết đến các thác nước trước đây. (Đúng thật là ở Sioux Falls có khu thác nước Sioux). Nhưng ý nghĩa lớn nhất của chuyến đi này nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên chúng tôi rời khỏi quê nhà Imperial, bang Nebraska sau khi chuyến đi Greeley, bang Colorado hồi tháng 3 biến thành cơn ác mộng kinh khủng nhất trong đời vợ chồng tôi.
Nói một cách dễ hiểu hơn, trong chuyến đi chơi xa lần trước, một đứa con của vợ chồng tôi suýt mất mạng. Nghe có vẻ thái quá, nhưng lần này chúng tôi lo sợ đến mức gần như không muốn đi. Là một mục sư, tôi không tin vào những điều mê tín. Tuy nhiên, một chút gì đó huyễn hoặc, bất ổn trong lòng khiến tôi cảm thấy cả nhà chỉ an toàn khi quanh quẩn đâu đó gần nhà. Thế nhưng cuối cùng, lý trí – và sự thôi thúc được gặp bé Bennette, mà theo lời Steve là đứa bé dễ thương nhất trần đời – đã chiến thắng. Thế là cả nhà chúng tôi gói ghém đồ đạc cho chuyến đi cuối tuần trên chiếc Ford Expedition màu xanh và sẵn sàng lên đường về phía Bắc.
Cả hai vợ chồng tôi đều nhất trí rằng cách đi hay nhất là lái xe chủ yếu vào ban đêm. Bằng cách đó, cho dù cậu nhỏ Colton 4 tuổi với tính cách hiếu động bị buộc phải ngồi yên một chỗ trong xe, ít ra nó cũng sẽ ngủ trong gần suốt chuyến đi. Vậy là hơn 8 giờ tối một chút, tôi lái chiếc Expedition ra khỏi nhà, hướng qua Nhà thờ Ngã tư Wesleyan, giáo xứ chúng tôi, và chạy ra Đường cao tốc 61.
Vùng đồng bằng trải dài tít tắp dưới trời đêm trong vắt, nửa vầng trăng trắng ngà treo vắt vẻo trên nền trời đêm mượt như nhung. Imperial là một thị trấn nông nghiệp nhỏ nép gọn ở vùng biên giới phía Tây Nebraska. Với dân số vỏn vẹn 2.000 người và không có trụ đèn giao thông nào, đây là kiểu thị trấn có nhiều nhà thờ hơn ngân hàng, nơi các nông dân từ những cánh đồng chạy thẳng vào quán café của gia đình để dùng bữa trưa, chân đi ủng Wolverine, đầu đội mũ lưỡi trai John Deere, với một chiếc kềm – dụng cụ sửa hàng rào đeo trên hông. Vậy là cô bé 6 tuổi Cassie và em trai là Colton rất hứng khởi trên đường đến thành phố lớn Sioux Falls thăm đứa em họ mới sinh.
Lũ trẻ đùa giỡn huyên thuyên suốt 90 dặm đường đến thành phố North Platte, Colton chơi trò chiến đấu với mô hình các siêu anh hùng và cứu được thế giới vài lần trong suốt đoạn đường. Khoảng gần 10 giờ đêm, chúng tôi ghé vào thị trấn với dân số khoảng 24.000 người, nổi tiếng là quê hương của ông bầu sô Viễn Tây nổi tiếng, Buffalo Bill Cody. North Platte sẽ là điểm dừng có người cuối cùng – hoặc ít ra cũng là trạm dừng cuối cùng – của chúng tôi trong đêm đó vì chúng tôi sẽ đi về hướng Ðông Bắc, băng qua những dải ruộng bắp dài tít tắp, hoang vắng, không có gì ngoài nai, gà lôi, lâu lâu mới điểm xuyết vài ngôi nhà vườn lẻ loi. Chúng tôi đã tính trước sẽ dừng ở đó để đổ đầy xăng cũng như nạp đầy dạ dày của cả nhà.
Sau khi đổ đầy xăng tại một trạm ở Sinclair, chúng tôi đi theo đường Jeffers, và tôi nhận ra mình đang băng qua một ngã tư mà nếu quẹo trái, chúng tôi sẽ đến Trung tâm Y tế Địa phương Great Plains. Tại nơi đó, chúng tôi đã trải qua 15 ngày kinh hoàng hồi tháng 3, mà phần lớn thời gian, chúng tôi đã quì để cầu xin Chúa cứu sống Colton. Chúa đã đáp lời, còn vợ chồng tôi về sau thường đùa rằng sự việc này đã lấy đi mất cả mấy năm trong đời chúng tôi.
Đôi khi cười lại là cách duy nhất vượt qua những lúc gian khó, và khi băng qua giao lộ, tôi quay sang nói đùa với Colton một chút.
“Colton này, nếu quẹo ở đây, mình có thể quay lại bệnh viện,” tôi nói. “Con có muốn quay lại bệnh viện không?”
Cậu trai nhỏ đang tuổi mẫu giáo của chúng tôi khúc khích cười. “Không, ba ơi, con không đi đâu. Ba đưa chị Cassie đi đi… chị Cassie có thể đi bệnh viện!”
Cô chị ngồi kế bên cười to. “Ứ. Con cũng không muốn đến đó đâu!”
Trong ghế bên cạnh, Sonja quay lại nhìn đứa con trai bé nhỏ đang ngồi ngay sau lưng tôi. Tôi hình dung ra mái tóc húi cua vàng óng và đôi mắt xanh da trời như đang ánh lên trong bóng tối. “Con còn nhớ bệnh viện đó không, Colton?” Sonja hỏi.
“Còn chứ, mẹ, con còn nhớ,” bé trả lời. “Ở đó, có các thiên thần hát cho con nghe.”
Bên trong chiếc Expedition, thời gian bất chợt như ngưng đọng. Sonja và tôi nhìn nhau, như nói với nhau trong thinh lặng: Có phải con mình vừa nói những điều đó thật không?
Sonja nghiêng người, thì thầm vào tai tôi, “Con có bao giờ nói với anh về các thiên thần chưa?”
Tôi lắc đầu. “Nó có nói với em không?”
Cô ấy cũng lắc đầu.
Tôi nhìn thấy một tiệm Arby’s, chạy vào bãi đậu xe, và tắt máy. Ánh sáng trắng từ ngọn đèn đường hắt vào trong xe. Ngồi quay lưng lại, tôi quay xuống nhìn Colton. Vào lúc đó, tôi bỗng giật mình nhận ra sự bé bỏng, thơ ngây của đứa con trai. Cậu bé thật sự là một cậu trai nhỏ vẫn hay nói chuyện với một vẻ trong sáng đáng yêu (và đôi lúc e thẹn) theo kiểu thấy-sao-nói-vậy. Nếu bạn có con cái, bạn sẽ hiểu ý tôi: Cái độ tuổi mà một đứa trẻ chỉ tay vào một cô đang mang thai và hỏi (rất to), “Ba ơi, sao cô đó mập quá vậy ba?” Colton đang trong cái lứa tuổi bập bẹ nhìn đời, khi cậu bé chưa được học những qui tắc cư xử tinh tế hay những thủ đoạn mưu mô.
Tất cả những suy nghĩ đó lóe lên trong đầu tôi khi tôi đang tìm cách đáp lại lời nói của đứa con trai 4 tuổi rằng các thiên thần đã hát cho cậu bé nghe. Cuối cùng, tôi cũng lên tiếng: “Colton ơi, con nói là các thiên thần đã hát cho con nghe khi con nằm bệnh viện phải không?”
Bé gật đầu thành thật.
“Các thiên thần hát gì?”
Colton đưa mắt nhìn lên, rồi nhìn sang phải, tỏ vẻ như đang nhớ lại. “A, các thiên thần hát bài ‘Chúa yêu thương tôi’ và ‘Joshua đánh trận ở Jericho’” cu cậu nói với vẻ thành thật. “Con xin được nghe bài ‘Chúng tôi sẽ làm cho bạn nhảy múa’, nhưng các thiên thần không hát bài đó.”
Khi Cassie cười khẽ, tôi nhận ra rằng Colton trả lời rất thành thật và nhanh chóng, không hề ấp úng chút nào.
Sonja và tôi lại đưa mắt nhìn nhau. Chuyện gì đang xảy ra? Có phải bé đã mơ khi ở trong bệnh viện?
Và tôi lại thầm hỏi: Mình nên nói gì nữa bây giờ?
Và một thắc mắc nữa hiện lên trong đầu tôi: “Colton ơi, những thiên thần đó trông như thế nào?”
Cậu bé trả lời, như cười thầm khi nhớ về một kỷ niệm. “A, một thiên thần trông giống ông nội Dennis, nhưng không phải, vì ông nội có đeo kính.”
Và rồi cu cậu trở nên nghiêm túc. “Ba ơi, Chúa Giêsu cho các thiên thần xuống hát cho con nghe vì con quá sợ. Các thiên thần giúp con thấy dễ chịu hơn.”
Chúa Giêsu ư?
Tôi lại liếc nhìn Sonja và thấy cô ấy há hốc miệng. Tôi quay lại hỏi Colton. “Ý con là Chúa Giêsu cũng có mặt phải không?”
Con trai bé bỏng của tôi gật đầu như thể đang tường thuật lại một điều hiển nhiên hệt như khi nó nhìn thấy một chú bọ dừa ở sân nhà. “Dạ, Chúa Giêsu cũng có ở đó.”
“À, Chúa Giêsu đứng ở đâu?”
Colton nhìn thẳng vào mắt tôi. “Con ngồi trong lòng của Chúa.”
Không gian bỗng như ngưng đọng lại, như thể có ai đó vừa nhấn nút dừng cuộc nói chuyện. Ngạc nhiên đến lặng người, Sonja và tôi nhìn nhau và trao nhau một thông điệp nữa trong yên lặng: Được rồi, chúng ta thật sự cần phải nói về chuyện này.
Cả hai chúng tôi ra khỏi xe và đi vào tiệm Arby’s, rồi ít phút sau lại trở ra với túi thức ăn trên tay. Trên đường trở ra, tôi và Sonja thầm trò chuyện.
“Em có tin con thực sự đã nhìn thấy các thiên thần không?”
“Lại còn Chúa Giêsu nữa?”
“Em không biết.”
“Nằm mơ chứ gì?”
“Anh không biết – con có vẻ rất chắc chắn.”
Quay trở vào xe, Sonja phát cho các con sandwich bò nướng và bánh khoai tây, và tôi lại có một câu hỏi nữa.
“Colton ơi, con ở đâu khi nhìn thấy Chúa Giêsu?”
Cậu bé nhìn tôi với cái vẻ như thể muốn nói: Đã nói về chuyện này rồi mà?
“Ở trong bệnh viện. Ba biết mà, lúc đó bác sĩ O’Holleran đang chữa cho con.”
“Này con, bác sĩ chữa cho con cũng vài ba lần, con nhớ không?” Tôi nói. Colton phải làm phẫu thuật cắt ruột thừa rồi súc ruột ở bệnh viện, và sau đó là xóa sẹo lồi, nhưng là tại phòng khám của bác sĩ O’Holleran. “Con có chắc là ở bệnh viện không?”
Colton gật đầu. “Vâng, ở bệnh viện ạ. Khi con đang ở với Chúa Giêsu, ba đang cầu nguyện, và mẹ đang nói chuyện điện thoại.”
Cái gì?
Điều đó có nghĩa đúng là cậu đang nói về những việc xảy ra trong bệnh viện. Nhưng bằng cái cách quỉ quái nào mà thằng bé biết được chúng tôi ở đâu trong lúc ấy?
“Nhưng con đang ở trong phòng mổ, Colton,” tôi nói. “Làm sao con biết ba mẹ đang làm gì?”
“Vì con có thể thấy ba mẹ lúc đó,” Colton trả lời rất đỗi hồn nhiên. “Con bay ra khỏi thân thể mình và lúc đó con nhìn xuống, con thấy bác sĩ đang mổ cho con. Và con thấy ba mẹ. Ba đang cầu nguyện một mình trong căn phòng nhỏ; mẹ thì đang ở một phòng khác, cầu nguyện và nói chuyện điện thoại.”
Lời Colton nói làm tôi rúng động toàn thân. Sonja mở to mắt, nhưng không nói gì cả, chỉ nhìn thẳng vào tôi và lơ đãng cắn vào miếng sandwich.
Tôi không thể kham nổi thêm một thông tin nào nữa. Tôi nổ máy xe, lái chiếc Expedition quay trở lại đường cái, và thẳng hướng đến South Dakota. Khi tôi ra đến xa lộ I-80, hai bên đường đồng cỏ trải dài tít tắp, loáng thoáng đâu đó mấy ao nuôi vịt lấp lóe dưới ánh trăng. Lúc đó, đêm đã rất khuya, và tất cả vợ con tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say như dự tính.
Khi chỉ còn tiếng bánh xe chạm mặt đường rì rầm dưới chân, tôi suy nghĩ và kinh ngạc về những điều mình vừa nghe thấy. Con trai bé bỏng của chúng tôi vừa nói ra những điều khó tin – và thằng bé vừa chứng minh bằng những thông tin đáng tin, những điều mà không cách nào nó có thể biết được. Chúng tôi chưa hề kể cho Colton nghe chúng tôi đã làm gì khi nó đang được phẫu thuật, khi đang được gây mê, gần như bất tỉnh.
Tôi cứ tự hỏi đi hỏi lại, Làm sao thằng bé biết được? Nhưng ngay khi chúng tôi băng qua ranh giới bang South Dakota, tôi có một câu hỏi khác: Liệu chuyện này có thật không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.