Thiên Đường Có Thật

CHƯƠNG 18: NGAI CỦA CHÚA



MỘT ĐÊM GẦN GIÁNG SINH 2003, đến giờ ngủ, tôi đưa Colton vào phòng. Theo thường lệ, thằng bé chọn một truyện Thánh kinh để tôi đọc cho nghe, và truyện của tối hôm đó là Vị vua thông thái và đứa trẻ. Truyện dựa trên một tích trong Sách các vua kể về hai người phụ nữ sống cùng nhau, và mỗi bà đều mới sinh một con trai. Trong đêm, một trẻ qua đời. Quá đau buồn, người mẹ của đứa trẻ đã chết nói đứa bé còn lại là con mình. Mẹ ruột của đứa trẻ còn sống cố thuyết phục người mẹ đau khổ kia chấp nhận sự thật nhưng không thể thuyết phục chị ta trao lại đứa con còn sống. Tuyệt vọng khi không thể đòi lại con mình, người mẹ của đứa bé kêu cầu vua Solomon, vốn nổi tiếng về sự thông thái, phân giải sự việc và quyết định ai là mẹ ruột của đứa trẻ còn sống. Theo truyện trong Kinh thánh, Vua Solomon nghĩ ra một kế để biết được sự thật trong lòng mỗi người.

Vua ban lệnh “Phân đứa trẻ ra làm đôi! Và cho mỗi người một nửa.”

Bà mẹ của đứa bé đã chết đồng ý với giải pháp này, nhưng bà mẹ đích thực đã lộ rõ tình thương của mình và kêu lớn, “Đừng! Hãy để chị ta giữ đứa trẻ!” Và đó là cách vị vua thông thái tìm ra bà mẹ nào nói sự thật, và từ đó, ta có thành ngữ “một giải pháp Solomon.”

Khi tôi kể đến cuối câu chuyện, Colton và tôi tranh luận như thường lệ về việc phải đọc lại truyện lần nữa (và nhiều lần nữa). Lần này, tôi thắng. Khi tôi quì xuống sàn, cầu nguyện, tôi đặt quyển sách bên cạnh trên thảm, và để sách lật ra đến trang có một hình minh họa vẽ vua Solomon ngồi trên ngai vàng. Tôi chợt nghĩ ra trong Kinh thánh có vài chỗ đề cập đến Ngai vàng của Chúa. Ví dụ, tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái thúc giục tín hữu “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa,” 1 và nói rằng sau khi Chúa Giêsu hoàn thành sứ mệnh nơi trần gian, Người “ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” 2 Và có một chương thú vị trong sách Khải huyền mô tả ngai Chúa Trời:

Và tôi thấy Thành Thánh, là Jerusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”

Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự.”…

Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. Thành chẳng cần mặt trời hay mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. 3

“Colton này,” Tôi quỳ cạnh thằng bé và nói, “khi ở trên thiên đường, con có thấy ngai Chúa Trời không?”

Colton nhìn tôi, vẻ dò hỏi. “Ngai là gì vậy ba?”

Tôi cầm quyển truyện Kinh thánh lên và chỉ vào hình vẽ vua Solomon ngồi trong cung điện. “Ngai giống như cái ghế vua ngồi ở trong đó. Trên ghế đó, chỉ mình nhà vua được ngồi.”

“Ồ, vâng! Con thấy cái này hoài à!” Colton trả lời.

Tim tôi đập nhanh hơn một chút. Phải chăng tôi sắp được nhìn thoáng qua cung điện chốn thiên đường? “Vậy, ngai của Chúa Trời trông như thế nào?”

“Lớn lắm, ba ơi… rất, rất là lớn, vì Chúa trời là Đấng lớn nhất trên trời. Và Người rất, rất yêu chúng ta, ba à. Ba không tiiiiin nổi Chúa yêu chúng ta đến nhường nào đâu!”

Khi Colton nói điều này, tôi chợt nhận ra một sự đối lập: Colton, một cậu bé, đang nói về sự to lớn – vậy mà ngay sau đó, thằng bé lại nói về tình yêu. Sự to lớn của Chúa Trời rõ ràng không hề đáng sợ đối với nó, nhưng tôi cũng thấy thú vị là Colton hăm hở như thế nào khi kể về diện mạo Chúa thì nó cũng háo hức như vậy khi nói về tình cảm của Chúa đối với chúng ta.

“Và ba có biết Chúa Giêsu ngồi ngay bên cạnh Chúa Cha không?” Colton nói tiếp, đầy hứng khởi. “Ghế của Chúa Giêsu đặt ngay bên cạnh ghế của Cha Ngài.”

Điều này làm tôi giật mình. Một trẻ bốn tuổi không có cách nào biết được điều đó. Đó là một khoảnh khắc nữa mà tôi nghĩ, Hẳn thằng bé phải nhìn thấy như vậy.

Tôi khá chắc chắn thằng bé chưa từng nghe về sách Hê-bơ-rơ, nhưng có một cách để xác định điều đó.

“Colton này, Chúa Giêsu ngồi ở phía nào bên ngai Chúa Trời?” Tôi hỏi.

Colton leo lên giường và quì đối diện tôi. “Thế này, tưởng tượng ba đang ngồi trên ngai Chúa nha. Chúa Giêsu ngồi ngay đây nè.” Thằng bé nói, chỉ tay vào bên phải tôi.

Một đoạn trong sách Hê-bơ-rơ hiện lên trong đầu tôi: “mắt hướng về Đức Giêsu là đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” 4

Ôi. Đây là một trường hợp hiếm mà tôi thử kiểm tra ký ức của Colton dựa trên những gì Kinh thánh nói, và thằng bé vượt qua dễ như bỡn. Nhưng giờ tôi lại có một câu hỏi khác, một câu mà tôi không hề biết câu trả lời, ít nhất đáp án không nằm trong Kinh thánh.

“Thế thì, ai ngồi ở phía bên kia ngai Chúa Trời?” tôi hỏi.

“Ôi, dễ mà, ba. Chỗ đó có thiên thần Gabriel. Ngài rất tốt.”

Thiên thần Gabriel. Điều đó có lý. Tôi nhớ câu chuyện của Gioan Tẩy Giả và lúc thiên thần Gabriel đến báo tin Gioan Tẩy Giả ra đời.

Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Zechariah, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Elizabeth vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa…”

Ông Zechariah thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.”

Sứ thần đáp: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.” 5

“Tôi hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa,” Gabriel nói với Zechariah. Và lúc này, hơn 2.000 năm sau, cậu con trai bé bỏng đang kể tôi nghe điều tương tự.

Thế là tôi đã ghé mắt nhìn vào cung điện của Chúa, nhưng những mô tả của Colton khiến tôi tự hỏi: nếu Chúa Cha ngồi trên ngai cùng Chúa Giêsu bên hữu và thiên thần Gabriel bên tả, thì Colton ngồi ở đâu?

Colton đã chui vào tấm chăn ấm, mái đầu vàng hoe tựa trên chiếc gối có hình Người Nhện. “Vậy con đã ngồi ở đâu, Colton?” Tôi hỏi.

“Họ đem cho con một chiếc ghế nhỏ để ngồi,” Colton mỉm cười nói. “Con ngồi bên Chúa Thánh Thần. Ba có biết là Chúa có Ba Ngôi không ba?”

“Ừ, ba có biết điều đó,” tôi trả lời, mỉm cười.

“Con ngồi bên Chúa Thánh Thần vì con đang cầu nguyện cho ba. Ba cần Chúa Thánh Thần, thế nên con đã cầu nguyện cho ba.”

Điều này làm tôi kinh ngạc. Colton nói đã cầu nguyện cho tôi trên thiên đường, gợi tôi nhớ đến trong thư gửi Tín Hữu Do Thái, tác giả có viết: “Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh… hãy kiên trì chạy trong cuộc đua giành cho ta.” 6

“Chúa trông như thế nào?” Tôi hỏi. “Chúa Thánh Thần đó?”

Colton nhíu mày. “Ừm, hơi khó nói… Người có màu xanh.”

Khi tôi đang cố hình dung điều đó, thì Colton lại đổi đề tài. “Ba biết không, ở đó con gặp ông cố.”

“Con gặp ông cố ngồi bên cạnh Chúa Thánh Thần sao?”

Colton gật đầu lia lịa, mỉm cười có vẻ như đó là một kỷ niệm vui vẻ. “Dạ, ông cố đến với con và nói, ‘Có phải ba của con là Todd không’ Và con nói vâng. Rồi ông cố nói, ‘đây là cháu cố của tôi.’”

Biết bao lần, khi tôi chủ trì một tang lễ, những người tham dự thường nói những lời tẻ nhạt nhưng đầy thiện ý: “Thôi thì, cô ấy đã đến một nơi tốt đẹp hơn,” hoặc “Chúng ta biết ông ấy đang nhìn xuống, mỉm cười với chúng ta,” hoặc “Rồi anh sẽ gặp lại bác ấy.” Dĩ nhiên, về lý thuyết thì tôi tin điều đó, nhưng thành thực mà nói, tôi không thể hình dung được. Giờ đây, với những gì Colton đã nói về ông cố và về chị gái của thằng bé, tôi bắt đầu nghĩ về thiên đường theo một cách khác. Không chỉ là một nơi với cánh cổng nạm đá quý, những dòng sông sáng chói, và những con đường dát vàng, mà là một vương quốc của niềm vui và tình anh em, cho cả những người ở cùng chúng ta tại chốn vĩnh hằng và những ai còn ở trên trần gian này, mà ta háo hức đón chờ họ đến. Một nơi mà một ngày nào đó tôi sẽ đi bộ và trò chuyện cùng ông ngoại mình, người rất quan trọng đối với tôi, và với đứa con gái mà tôi chưa từng thấy mặt.

Trọn lòng, tôi muốn tin như vậy. Lúc đó, các chi tiết từ những cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu tràn về chồng chất trong tâm trí tôi như những xấp hình Polaroid – hình ảnh thiên đường có vẻ chính xác lạ lùng theo những mô tả chúng ta đã biết được trong Kinh thánh – tất cả chúng ta đều đọc được. Nhưng những chi tiết này khá mơ hồ đối với người lớn, kém rõ ràng hơn đối với các trẻ em ở độ tuổi của Colton. Bản chất của Chúa Ba Ngôi, vai trò của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu ngồi bên hữu Đức Chúa Cha.

Tôi tin. Nhưng làm sao tôi chắc chắn được?

Tôi vuốt cho thẳng tấm chăn đắp trên ngực Colton và nhét thằng bé vào chăn ấm theo cách nó thích – và lần đầu tiên kể từ khi nó bắt đầu nói về thiên đường, tôi mới cố tình khích nó nói. “Ba nhớ con nói con đã gặp ông cố,” tôi nói. “Vậy khi trời tối và con về nhà với ông cố, hai ông cháu đã làm gì?”

Đột nhiên tỏ ra nghiêm túc, Colton quắc mắt nhìn tôi. “Trên thiên đường trời không bao giờ tối, ba à. Ai nói với ba điều đó vậy?”

Tôi giữ thái độ. “Ý con là gì khi nói là trời không bao giờ tối?”

“Chúa Trời và Chúa Giêsu soi sáng thiên đường. Ở đó, trời không bao giờ tối. Trời luôn luôn sáng.”

Tôi hóa ra mới là nạn nhân của cái bẫy mình đặt ra. Colton không những không mắc phải cái bẫy “ở thiên đường khi trời tối”, mà còn nói cho tôi biết vì sao trời không tối trên thiên đường. “Thành chẳng cần mặt trời hay mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.” 7


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.