Thiên Đường Có Thật

CHƯƠNG 11: COLTON BURPO, NHÂN VIÊN QUYÊN GÓP



SAU KHI XUẤT VIỆN VỀ NHÀ, chúng tôi đã ngủ cả một tuần và tôi hoàn toàn kiệt sức. Giống như thể chúng tôi vừa trải qua một cú đụng xe suốt gần 17 ngày. Vết thương không thể thấy được từ bên ngoài, nhưng bên trong, sự căng thẳng và lo lắng đến xé lòng gây thương tổn to lớn.Đúngvậy,chúng tôi có nói quá, nhưng chỉ một chút thôi. Sonja

Một buổi tối khoảng một tuần sau khi về nhà, Sonja và tôi đang đứng trong bếp bàn về chuyện tiền nong. Cô ấy đứng bên chiếc bàn xếp cạnh lò vi-ba, xếp lại đống thư từ khổng lồ tích lũy trong thời gian Colton nằm viện. Mỗi lần mở một phong thư, cô ghi lại một con số trên một tờ giấy đặt trên quầy bếp. Từ chỗ tôi đứng tựa người vào các ngăn kéo ở phía đối diện, tôi có thể thấy được một cột dài các con số đó.

Cuối cùng, cô đặt bút xuống quầy bếp. “Anh biết em phải trả bao nhiêu tiền cho các hóa đơn tuần này không?”

Là người giữ sổ sách của gia đình và chuyện kinh doanh, Sonja thường hỏi tôi câu hỏi đó. Cô làm giáo viên bán thời gian, nhờ vậy mà chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định, nhưng đó là một khoản tiền khá nhỏ. Đồng lương mục sư của tôi cũng nhỏ, gộp lại từ những khoản tiền ủng hộ từ giáo đoàn nhỏ sùng đạo. Bởi vậy, một phần lớn tiền kiếm được là từ việc kinh doanh cửa ga-ra của chúng tôi, và khoản thu nhập đó tăng giảm theo mùa. Mỗi hai tuần, cô cho tôi biết các số liệu – không chỉ là các hóa đơn sử dụng trong nhà mà là các khoản phải trả cho việc kinh doanh. Giờ đây còn có thêm các hóa đơn viện phí bộn tiền.

Tôi tính nhẩm sơ trong đầu và đoán. “Chắc phải gần 23.000 đô, đúng không?”

“Đúng,” cô ấy thở dài, trả lời.

Cũng đã có thể là cả triệu đô. Với tình trạng tôi không thể làm công việc gắn cửa ga-ra vì bị gãy chân và rồi bị khối u, chúng tôi đã xài hết sạch tiền để dành. Thế rồi khi tôi hồi phục hoàn toàn, thì Colton lại bệnh, khiến tôi không thể làm việc trong gần cả một tháng nữa. Chuyện tôi có thể kiếm được 23.000 khó như trúng số vậy. Và vì chúng tôi cũng không chơi vé số, chúng tôi cũng chẳng có cơ hội nào kiếm được số tiền đó.

“Anh có giấy báo thu nào không? Có gì đến hạn anh có thể đến thu tiền được?” Sonja hỏi.

Cô ấy hỏi cũng chỉ để hỏi, chứ thực ra đã biết câu trả lời. Tôi lắc đầu.

“Chúng ta có thể khoan trả một số khoản,” cô nói, gật đầu, hướng về chồng bao thư. “Nhưng các hóa đơn ngày 10 đã đến hạn.”

Đây là bức tranh sống động cho thấy thị trấn Imperial nhỏ bé như thế nào: người dân ghi nợ hoặc nhận mở trương mục tại những nơi như trạm xăng, tiệm tạp hóa, và cửa hàng đồ gia dụng. Thế nên, nếu cần đổ xăng hay mua một ổ bánh mì, chúng tôi chỉ cần tạt qua, và ghi nợ. Rồi vào ngày mười hàng tháng, Sonja sẽ dành 15 phút dạo quanh thị trấn để thanh toán. Các “hóa đơn ngày 10” là điều tuyệt vời khi sống ở một thị trấn nhỏ. Thế nhưng, khi không thanh toán được, bạn sẽ thấy ê chề hơn nhiều.

Tôi thở dài. “Anh có thể đi giải thích tình hình, xin thêm thời gian.”

Sonja cầm một xấp giấy dày hơn những xấp khác một chút. “Hóa đơn điều trị cũng đến rồi. Một trong số này đến 34.000 đô.”

“Bảo hiểm trả cho mình được bao nhiêu?”

“Khấu trừ còn 3.200 đô.”

“Thậm chí mình cũng không trả nổi khoản đó ngay lúc này,” tôi nói.

“Anh có còn muốn em đăng ký khoản tiền ủng hộ nhà thờ?” Sonja hỏi, nói về khoản tiền ủng hộ nhà thờ hằng tuần.

“Chắc chắn rồi,” tôi nói. Chúa đã mang con trai mình trở lại, không có lý do gì mình không dâng lại gì cho Người.

Vừa ngay lúc đó, Colton từ trong phòng khách xuất hiện ở góc phòng, và làm chúng tôi kinh ngạc bằng lời tuyên bố mà đến ngày nay chúng tôi vẫn còn nghe.

Thằng bé đứng ở cuối quầy bếp, tay chống nạnh. “Ba ơi, Chúa Giêsu đã dùng bác sĩ O’Holleran để giúp chữa cho con,” cu cậu đứng nói ngay cuối quầy bếp, hai tay chống nạnh. “Con cần phải trả tiền cho ông ấy.”

Rồi thằng bé quay đi, và bước ra ngoài, quanh góc phòng, và mất hút.

Sonja và tôi nhìn nhau. Chuyện gì vậy?

Cả hai chúng tôi đều sửng sốt, vì Colton đã xem vị bác sĩ như nguồn gốc của tất cả những lần chọc, cắt, đâm chích, và đau đớn. Giờ đây, chỉ sau một tuần xuất viện, dường như thằng bé đã thay đổi suy nghĩ.

“Em nghĩ bây giờ, con có vẻ thích bác sĩ O’Holleran rồi,” Sonja nói.

Ngay cả nếu Colton có sẵn lòng tha thứ cho vị bác sĩ tốt lành, thì lời tuyên bố của thằng bé lúc đứng trong bếp cũng rất quái lạ. Có bao nhiêu trẻ chưa tròn 4 tuổi phân tích được các mối lo tài chính của gia đình và đòi phải thanh toán cho một chủ nợ? Nhất là một người mà thằng bé chưa bao giờ thích hẳn hoi?

Lại còn cách thằng bé nói nữa: “Ba ơi, Chúa Giêsu đã dùng bác sĩ O’Holleran để chữa cho con.” Cũng thật quái lạ.

Và những gì diễn ra sau đó còn quái lạ hơn. Với các hóa đơn đến hạn và phải trả ngay tổng cộng đến 23.000 đô, chúng tôi không biết mình sẽ phải làm gì. Sonja và tôi bàn chuyện mượn tiền ngân hàng, nhưng hóa ra chúng tôi không cần phải làm việc đó. Đầu tiên, cụ Ellen, tức bà ngoại tôi, sống ở Ulyses, bang Kansas, gửi cho chúng tôi một ngân phiếu để trả tiền viện phí. Sau đó, trong vòng một tuần, nhiều ngân phiếu khác được gửi đến qua đường bưu điện. Các ngân phiếu trị giá 50, 100, 200 đô, và tất cả kèm theo thiệp và thư ghi những dòng như, “Chúng tôi được biết các bạn gặp khó khăn và chúng tôi cầu nguyện cho các bạn,” hoặc “Chúa thôi thúc chúng tôi gửi cho anh chị. Tôi hy vọng nó có thể giúp được anh chị.”

Nhưng đến cuối tuần, hộp thư của chúng tôi lại đầy – nhưng không phải bởi quà, mà bởi các hóa đơn. Các thành viên giáo xứ, bạn bè thân thiết, và thậm chí những người chỉ biết chúng tôi từ xa đã đáp lại những yêu cầu của chúng tôi mà không đợi chúng tôi hỏi xin. Các ngân phiếu cộng lại lên đến hàng ngàn đô, và chúng tôi kinh ngạc khi tính được rằng, cộng với số tiền bà tôi gửi, tổng số tiền nhận được vừa bằng con số chúng tôi cần để thanh toán đợt hóa đơn đầu tiên, gần như đến từng đồng.

Không lâu sau khi Colton trở thành nhân tố gây sức hút mạnh mẽ, thằng bé gặp một chút rắc rối. Không có gì nghiêm trọng, chỉ là một sự kiện tại nhà một người bạn khi thằng bé tranh giành mấy món đồ chơi. Tối đó, tôi gọi nó xuống ngồi ở bàn bếp. Tôi ngồi trên chiếc ghế lưng đứng, và thằng bé leo lên chiếc ghế bên cạnh tôi và quì trên đó. Nó chống khuỷu tay và nhìn tôi chăm chú bằng đôi mắt xanh biếc có chút gì đó hơi bẽn lẽn.

Nếu bạn có một đứa con ở tuổi mẫu giáo, bạn biết là đôi khi rất khó có thể vượt qua được vẻ đáng yêu của chúng để nói chuyện nghiêm túc về kỷ luật. Nhưng tôi đã biểu lộ được một vẻ mặt nghiêm túc. “Colton,” tôi bắt đầu nói, “con có biết tại sao mình lại gặp rắc rối không?”

“Dạ có. Vì con không biết chia sẻ,” cu cậu nói, đưa mắt nhìn xuống bàn.

“Đúng rồi. Con không được làm như vậy, Colton à. Con phải đối xử với người khác tử tế hơn.”

Colton đưa mắt lên, nhìn tôi. “Dạ, con biết, ba. Chúa Giêsu dặn con phải ngoan.”

Lời nói của Colton khiến tôi hơi bất ngờ, cái cách mà nó nói:

Chúa Giêsu dặn…

Nhưng tôi gác chuyện đó qua một bên. Các giáo lý viên ngày Chúa nhật hẳn đã dạy dỗ rất tốt, tôi nghĩ bụng.

“Thế thì, Chúa Giêsu nói đúng, phải không nào?” tôi nói, và cuộc nói chuyện kết thúc. Tôi thậm chí không phạt Colton về chuyện không biết chia sẻ. Dẫu sao thì, tôi không là gì so với Chúa Giêsu trong bối cảnh đó.

Một vài tuần sau, tôi bắt đầu chuẩn bị chủ trì một đám tang tại nhà thờ. Người vừa qua đời không phải là một thành viên trong giáo đoàn chúng tôi, nhưng những người trong thị trấn không tham dự thánh lễ thường xuyên thường muốn tổ chức đám tang trong nhà thờ cho người thân yêu của họ. Đôi khi người quá cố là bạn hay người thân của một thành viên giáo xứ.

Colton hẳn đã nghe Sonja và tôi bàn luận về buổi lễ sắp tới vì một sáng nọ, thằng bé bước vào phòng khách và giật giật đuôi áo tôi. “Ba ơi, đám tang là gì vậy?”

Tôi đã chủ trì nhiều tang lễ tại nhà thờ từ khi Colton sinh ra, nhưng ở tuổi này, thằng bé đang bắt đầu hứng thú tìm hiểu cách thức và lý do diễn ra các sự việc.

“Thế này, nhóc à, người ta làm đám tang khi có ai đó qua đời. một người trong thị trấn vừa qua đời, và gia đình của ông ấy đến nhà thờ để nói lời từ biệt với ông ấy.”

Ngay lập tức, thái độ của Colton bỗng thay đổi. Gương mặt của nó trở nên rất nghiêm túc, và nó nhìn chằm chằm vào mắt tôi. “Người đó có Chúa Giêsu ở trong lòng không?”

Con trai tôi đang hỏi có phải người quá cố là một người theo đạo Cơ đốc công nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế không. Nhưng cảm xúc dữ dội của thằng bé khiến tôi bất ngờ. “Ba không rõ nữa, Colton à,” tôi trả lời. “Ba không biết ông ấy rõ lắm.”

Gương mặt Colton thể hiện một nỗi lo lắng ghê gớm. “Ông ấy phải có Chúa Giêsu trong lòng! Ông ấy phải biết Chúa Giêsu nếu không, ông ấy không thể lên Thiên đường!”

Một lần nữa, sự dữ dội của thằng bé làm tôi kinh ngạc, đặc biệt khi nó thậm chí không biết đến người này. Tôi cố hết sức trấn an nó. “Ba đã nói chuyện với người nhà của ông ấy, và họ nói với ba rằng ông ấy tin Chúa,” tôi nói.

Colton có vẻ không hoàn toàn được thuyết phục, nhưng gương mặt thằng bé thư giãn hơn một chút. “À… thế thì được,” cu cậu nói và đi mất.

Lần thứ hai trong vài tuần, tôi đã nghĩ, Các giáo lý viên ngày Chúa nhật quả là đang dạy dỗ rất tốt!

Chủ nhật cuối tuần đó, Sonja cho Cassie và Colton ăn mặc chỉnh chu và cả nhà đi đến nhà thờ để chuẩn bị cho tang lễ. Khi dừng xe lại, tôi thấy xe tang của nhà tang lễ Liewer đậu ở bên ngoài. Bên trong, tôi thấy chiếc quan tài bằng gỗ sồi bóng đặt ở một bên sảnh.

Hai lối vào dẫn từ sảnh vào thánh đường nơi những người trong gia đình tụ tập cho nghi thức đặt hoa. Trước khi chuyển đến Imperial, tôi đã nghe nói đến nghi thức đặt hoa, nhưng giờ thì tôi nghĩ đây thực sự là một ý hay. Cả gia đình quây quần lại trong lễ tang, và người chỉ đạo tang lễ chỉ vào từng cây, vòng hoa, hay kệ hoa, giải thích do ai gửi đến, và đọc to các thông điệp chia buồn kèm theo. (“Những bông đỗ quyên tím này được gia đình Smith gửi đến ông để tưởng niệm.”)

Mục sư phải tham gia lễ đặt hoa. Tôi nhìn vào thánh đường và bắt gặp ánh mắt của người chỉ đạo tang lễ. Ông gật đầu, ra hiệu rằng họ đã sẵn sàng bắt đầu. Khi tôi quay ra gọi Colton và Cassie lại, Colton chỉ vào chiếc quan tài, hỏi. “Cái đó là gì vậy ba?”

Tôi cố giải thích thật đơn giản. “Đó là cái quan tài. Người chết nằm trong đó.”

Đột nhiên, gương mặt Colton lại hiện rõ mối lo ngại căng thẳng như trước. Thằng bé nắm tay vỗ mạnh vào đùi, rồi chỉ ngón tay vào chiếc quan tài và nói to gần như hét lên, “Người đó có Chúa Giêsu không?!”

Sonja tròn xoe mắt, và cả hai chúng tôi liếc nhìn cánh cửa vào thánh đường, lo sợ gia đình ở trong đó có thể nghe tiếng của thằng bé.

“Ông ấy phải có! Ông ấy phải có!” Colton tiếp tục. “Ông ấy không thể lên Thiên đường nếu không có Chúa Giêsu trong lòng!”

Sonja nắm lấy vai Colton và cố bảo thằng bé im lặng. Nhưng nó không im. Giờ đây, như muốn khóc, Colton nắm vặn cánh tay cô ấy, và hét to với tôi, “Ba ơi, ông ấy phải biết Chúa Giêsu!”

Sonja dắt thằng bé ra khỏi thánh đường, đưa cu cậu ra phía cổng trước của nhà thờ, Cassie đi theo. Qua cánh cửa kính, tôi thấy Sonja khom người trò chuyện với Cassie và Colton ở bên ngoài. Rồi Cassie dắt tay đứa em trai vẫn còn đang cố giằng co và bắt đầu đi về nhà.

Tôi không biết phải nghĩ gì lúc này. Nỗi lo lắng bất ngờ về việc một người xa lạ có được cứu rỗi, việc người đó “có Chúa Giêsu ở trong lòng” hay không, theo như cách Colton nói, từ đâu mà đến với thằng bé?

Tôi chỉ biết rằng: Colton đang ở cái tuổi mà nếu có gì nảy ra trong đầu, thằng bé cứ nói ra hết. Hệt như trong lần tôi dắt cu cậu đến một nhà hàng ở Madrid, Nebraska, có một người đàn ông để tóc rất dài và duỗi thẳng bước vào, thế là Colton hỏi to rằng đó là con trai hay con gái. Vì vậy chúng tôi tránh đưa thằng bé đến các tang lễ trong một thời gian nếu không chắc người quá cố có phải là người Cơ đốc giáo không. Chúng tôi không biết thằng bé sẽ nói gì và làm gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.