Thiên Đường Có Thật

CHƯƠNG 2: ÔNG GIÓP NGƯỜI CÔNG CHÍNH



BƯỚC SANG PHÒNG KẾ BÊN, chúng tôi thấy hàng dãy các bể đứa cá thủy tinh và “hồ san hô” trong nhà. Chúng tôi rảo quanh khu trưng bày, thưởng lãm những con sao biển, các động vật nhuyễn thể, và hải quì trông giống như những bông hoa khoe sắc dưới mặt nước. Cassie và Colton ồ lên thích thú khi hai đứa nhúng tay vào các hồ san hô nhân tạo và chạm vào các sinh vật mới lạ chúng chưa từng nhìn thấy.

Sau đó, chúng tôi bước vào một khu vực giếng trời rộng lớn, chen chúc những lá rừng, những cây leo buông xuống trước mặt, những cành cây vươn lên trên cao. Tôi nhìn những cây cọ dầu và những loài hoa độc đáo trông như thể xuất xứ từ mấy quyển sách truyện của Colton. Và xung quanh chúng tôi là hàng trăm cánh bướm như những đám mây lúc thì nhẹ nhàng lướt qua, lúc lại như xoáy lượn.

Trong khi bọn trẻ hứng thú khám phá xung quanh, tôi thả dòng suy tưởng trở lại mùa hè năm ngoái, khi Sonja và tôi cùng chơi trong đội bóng mềm như mọi năm. Chúng tôi thường vào được nhóm 5 đội giỏi nhất, mặc dù nằm trong đội “lão tướng” – nghĩa là: những người tuổi băm – đấu với các đội bóng của sinh viên. Giờ đây, tôi cảm thấy oái oăm là thử thách 7 tháng qua của gia đình tôi bắt đầu từ chấn thương trong trận đấu cuối cùng của giải đấu cuối cùng, mùa giải 2002. Tôi chơi ở vị trí giữa sân, và Sonja chạy ở đường biên. Lúc đó, Sonja vừa lấy bằng thạc sĩ ngành thư viện và đối với tôi lúc đó, cô ấy còn xinh đẹp hơn cả lần đầu tôi nhìn thấy cô ấy lúc còn là sinh viên năm nhất đang đi bộ băng qua sân trường Đại học Bartleswille Wesleyan.

Mùa hè sắp kết thúc, nhưng cái nóng oi bức của ngày hè gắt gỏng vẫn không hề dịu, khao khát chờ mưa xuống. Từ Imperial chúng tôi đã đi khoảng 20 dặm đến làng Wauneta tham gia một giải đấu loại kép. Gần nửa đêm, chúng tôi đang thi đấu hết mình dưới ánh sáng màu trắng xanh của bóng đèn sân vận động.

Tôi không nhớ rõ lúc đó tỉ số là bao nhiêu, nhưng tôi nhớ lúc đó đang là những phút cuối của trận đấu, và chiến thắng đang ở trong tầm tay. Tôi đã ghi được một cú đúp và đang ở điểm đến thứ 2. Người đánh gậy của chúng tôi bước lên và phát bóng ra đến bãi cỏ giữa sân. Tôi nhận thấy cơ hội. Là hậu vệ, tôi phóng một mạch đến điểm thứ ba.

Tôi cảm thấy trái bóng bay về phía sân trong.

Huấn luyện viên ở điểm thứ ba ra hiệu dữ dội: “Chuồi lên đi! Chuồi lên đi!”

Adrenaline như dâng tràn trong huyết quản, tôi lao người xuống mặt đất và cảm thấy lớp đất đỏ kêu sột soạt bên dưới hông trái mình. Hậu vệ ở điểm thứ ba của đội bạn vươn tay ra đón bóng và…

Rắc!

Chân tôi gãy kêu một tiếng to đến nỗi tôi tưởng như trái bóng bay vút từ ngoài biên và nện vào chân. Ống quyển và mắt cá chân tôi nóng bừng như lửa nổ. Tôi ngã ra sau, co rúm người lại, co đầu gối lên gần bụng. Cơn đau điếng người, tôi thấy xung quanh bụi đất nhạt nhòa rồi vây quanh tôi là những gương mặt đầy lo lắng khi hai đồng đội tôi, và cả hai nhân viên cấp cứu, chạy đến trợ giúp.

Tôi lờ mờ thấy Sonja chạy đến bên tôi. Qua nét mặt của cô ấy, tôi cảm nhận được chân tôi bị gập lại một cách bất bình thường. Cô ấy lùi lại để nhân viên cấp cứu tác nghiệp. Hình chụp X-quang ở bệnh viện cho thấy tôi bị 2 chấn thương nghiêm trọng. Xương ống chân của tôi, theo cách bác sĩ gọi, đã bị “gãy xoắn ốc”, nghĩa là hai đầu của đoạn gãy trông giống như hình xoắn ốc trên mũi khoan. Mắt cá chân của tôi cũng gãy làm đôi. Đó có thể chính là tiếng gãy tôi nghe thấy. Sau này, tôi biết được tiếng kêu rắc đó to đến nỗi người ngồi ở những hàng đầu trên khán đài cũng có thể nghe thấy.

Âm thanh đó vang lại trong đầu tôi khi Sonja và tôi nhìn Cassie và Colton chạy vụt lên phía trước chúng tôi trong khu Nhà Lồng Bươm Bướm. Bọn trẻ dừng lại trên một cây cầu nhỏ, và nhìn xuống một ao cá, vừa chỉ trỏ, vừa trò chuyện. Từng đàn bướm dập dìu bay xung quanh chúng đôi, và tôi liếc nhìn tờ giới thiệu mua ở quầy đón khách để xem tên chúng là gì. Có loài bướm xanh Nam Mỹ với đôi cánh màu xanh biển đậm, loài bướm cánh giấy màu trắng và đen bay chầm chậm và nhẹ nhàng như những mảnh báo vụn rơi lơ lửng trong không trung, và loài bướm vàng phương nam, một giống bướm miền nhiệt đới với đôi cánh vàng như trái xoài tươi.

Lúc này, tôi chợt thấy thật hạnh phúc khi cuối cùng cũng có thể đi được mà không khập khiễng. Ngoài cơn đau như cắt của cái chân gãy, tác động nhãn tiền của tai nạn lần này chính là tình hình tài chính của gia đình tôi. Việc leo lên xuống thang trở nên rất khó khăn khi phải kéo lê cái chân bó bột nặng 4 kí và không gập đầu gối được. Tài khoản ngân hàng của chúng tôi nhanh chóng cạn kiệt. Số tiền ít ỏi chúng tôi để dành được từ mức lương của một mục sư bốc hơi nhanh chóng sau vài tuần. Trong lúc đó, thu nhập lại bị giảm đi một nửa.

Nỗi đau, mặc dù vậy, còn hơn cả vấn đề tiền bạc. Tôi vừa làm lính cứu hỏa tình nguyện, vừa làm huấn luyện viên đô vật ở trường trung học, các cam kết của tôi bị ảnh hưởng bởi cái chân què. Ngày Chúa nhật cũng trở thành một thử thách. Tôi là một trong các mục sư ưa đi qua đi lại trong suốt bài giảng. Không phải là một linh mục theo trường phái kêu gọi sám hối, nhưng cũng không phải là vị mục sư ăn nói nhẹ nhàng, mặc lễ phục, đọc sách Thánh theo nghi thức. Tôi là một người kể chuyện, và để kể chuyện, tôi cần phải đi lại xung quanh một số người. Vậy mà giờ đây, tôi phải ngồi giảng, với một chân gác trên ghế, duỗi ra như cọc buồm. Bắt tôi phải ngồi để giảng ngày Chúa nhật giống như bắt một người Ý nói chuyện mà không được vung tay. Thế nhưng dù phải vật lộn với bao khó khăn do chấn thương, tôi không hề biết rằng đây chỉ mới là con đô-mi-nô đầu tiên bị ngã.

Một buổi sáng tháng 10 năm đó, khi vừa mới làm quen với việc đi cà nhắc bằng nạng, tôi thức dậy thấy đau âm ỉ ở vùng lưng dưới. Tôi biết ngay vấn đề: sỏi thận.

Lần đầu tiên tôi bị sỏi thận, hạt sỏi to khoảng 6 milimet và tôi đã phải mổ. Lần này, sau khi xét nghiệm một vòng, bác sĩ nghĩ là các viên sỏi nhỏ nên có thể bỏ qua. Dù vậy, tôi không biết đây có phải là điều tốt hay không: tôi qua được 3 ngày. Tôi từng bị dập ngón giữa vào cửa sau xe. Chuyện đó cũng chẳng thấm vào đâu so với lần này. Thậm chí chân tôi có gãy làm tư cũng không đau đến như vậy.

Dù vậy, tôi vẫn sống sót. Đến tháng 11, tôi đã đi cà nhắc trên nạng được 3 tháng, và tôi đi khám.

“Chân anh đã lành, nhưng vẫn còn cần phải bó bột,” bác sĩ chỉnh hình nói. “Anh còn lo lắng gì khác không?”

Thực ra là có. Tôi thấy nói việc này ra cũng hơi kỳ kỳ, nhưng phía ngực trái của tôi hình thành một khối u ngay dưới bề mặt núm vú. Tôi thuận tay phải, và phải tựa lên cây nạng ở bên tay trái rất nhiều khi tôi viết, vì vậy, tôi nghĩ có thể miếng đệm dưới nách của cây nạng này đã cọ vào ngực tôi trong khoảng vài tuần, làm cho phía dưới da bị kích ứng, thành một dạng giống như cục chai vậy.

Bác sĩ ngay lập tức loại trừ khả năng đó. “Nạng không gây ra điều này,” bác sĩ nói. “Tôi cần mời bác sĩ ngoại khoa đến.”

Bác sĩ ngoại khoa Timothy O’Holleran thực hiện sinh thiết bằng kim châm. Kết quả có được vài ngày sau đó khiến tôi choáng váng: sự tăng sản, nghĩa là: tiền thân của ung thư vú.

Ung thư vú! Một người đàn ông bị gãy chân, sỏi thận và – thôi đi nào, thật không đó? – giờ là ung thư vú?

Sau đó, khi các mục sư khác trong giáo khu của tôi biết được điều này, họ bắt đầu gọi tôi là Ông Gióp Người công chính, theo tên một nhân vật trong Kinh thánh mắc một loạt các triệu chứng ngày càng kỳ lạ. Dù vậy, lúc bấy giờ, bác sĩ yêu cầu một việc tương tự như khi xét nghiệm sinh thiết của một phụ nữ cho cùng một kết quả: phẫu thuật vú.

Vốn là một phụ nữ mạnh mẽ gốc vùng Midwest, Sonja tiếp nhận tin này một cách sáng suốt. Nếu bác sĩ đề nghị phẫu thuật, đó chính là con đường chúng tôi phải đi. Gia đình chúng tôi sẽ vượt qua điều này.

Tôi cảm thấy tương tự. Nhưng cũng chính lúc này, tôi bắt đầu cảm thấy bản thân mình đáng thương. Vì một lẽ, tôi đã chán phải lê chân bằng nạng. Còn nữa, phẫu thuật vú chẳng phải là loại phẫu thuật có chút nam tính gì trên đời. Cuối cùng, trong một thời gian dài tôi đã yêu cầu hội đồng giáo khu dành phần tiền của tôi cho một người trợ lý. Chỉ đến khi tôi bị sỏi thận lần hai, hội đồng mới biểu quyết cho vị trí đó.

Thay vì cảm thấy cảm kích, tôi chìm trong sự oán trách: Vậy là tôi phải bị què quặt và sắp bị ung thư thì mới nhận được trợ giúp từ xung quanh sao?

Nỗi oán hận của tôi dâng trào vào một buổi chiều, khi tôi đang ở tầng trệt của nhà thờ, thực ra là một tầng hầm, có nhà bếp, phòng học, và một khu sinh hoạt chung rộng rãi. Tôi vừa mới hoàn tất một số công việc giấy tờ và bắt đầu chống nạng khập khiễng bước lên cầu thang. Từ ở chân cầu thang, ngay bước đầu tiên, tôi đã bắt đầu giận dữ với Chúa.

“Thật không công bằng,” tôi gầm to, trong lúc cố gắng lê lên cầu thang, từng bước một. “Con phải khổ sở và tuyệt vọng thế này thì họ mới giúp những gì con cần từ lâu.”

Tự mãn trong nỗi thống khổ của mình, khi tôi vừa lên đến bậc cuối cùng, thì một giọng nói vang lên từ trong tim: Và Con ta đã làm gì cho ngươi?

Cảm thấy bé mọn và hổ thẹn bởi sự ích kỷ của bản thân, tôi nhớ Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ.” Dĩ nhiên, tôi đã trải qua mấy tháng khó khăn, nhưng chẳng là gì so với những gì nhiều người khác trên thế giới đang phải chịu đựng ngay trong giờ phút này. Đức Chúa Trời đã ban bình an cho tôi và một nhóm nhỏ những tín đồ mà tôi có trách nhiệm chăn dắt và phục vụ, vậy mà ở đây, tôi lại kêu ca với Chúa vì những tín đồ này không phục vụ tôi.

“Lạy Chúa, xin tha tội cho con,” tôi cầu xin, và vươn người tới trước với một sức mạnh mới, như thể hai cây nạng là hai cánh đại bàng.

Sự thật là giáo hội đang phụng sự tôi – yêu thương tôi mà dành cho tôi một buổi cầu nguyện riêng. Một buổi sáng đầu tháng 12, bác sĩ O’Holleran gọi cho tôi và báo tin lạ: đó không chỉ là khối u lành tính và còn hoàn toàn bình thường. Mô vú bình thường. “Tôi không thể giải thích vì sao,” ông nói. “Xét nghiệm sinh thiết cho thấy đó là tăng sản, nên chúng tôi đinh ninh sẽ thấy tình trạng tương tự như trong mô vú bị phẫu thuật cắt bỏ. Nhưng mô này hoàn toàn bình thường. Tôi không biết nói gì bây giờ. Tôi không biết sao lại có chuyện đó.”

Tôi biết: Chúa đã yêu thương tôi bằng một phép lạ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.