Trong suốt 15 thế kỷ, những người tri thức châu Âu muốn tìm hiểu thiên nhiên đều dựa trên những sách truyện về “cây cỏ”và “loài vật” – những tác phẩm đã thống trị giống như Galen trong lãnh vực y khoa…
“Darwin đã làm chúng ta ham thích lịch sử kỹ thuật của thiên nhiên”, Karl Marx, Tư bản (1867)
Học quan sát
Trong suốt 15 thế kỷ, những người tri thức châu Âu muốn tìm hiểu thiên nhiên đều dựa trên những sách truyện về “cây cỏ”và “loài vật”, là những tác phẩm đã thống trị giống như Galen trong lãnh vực y khoa và những diễn tả thi vị của những câu chuyện đã làm mê hoặc người đọc và lôi cuốn họ xa rời thế giới thực của cây cỏ và động vật. Ngày nay, khi chúng ta đọc những sách hướng dẫn đó, chúng ta hiểu được tại sao người châu Âu thời Trung Cổ đã tỏ ra chậm chạp trong việc học quan sát như thế. Không bao giờ có gì thay thế nổi những trang sách truyện đầy thi vị về cây cỏ và loài vật để mang lại sự giải trí và niềm vui cũng như những phương thuốc chữa bệnh trong gia đình .
Khoa thực vật học thời trung cổ đều dựa trên những nguồn này, một di sản của Dioscorides, nhà phẫu thuật Hi Lạp thời cổ và là người đã từng tham gia quân đội của hoàng đế Nêro trên vùng biển Địa Trung Hải. Tác phẩm của ông nhan đề De Materia (Các dược liệu) viết khoảng năm 77 là một tài liệu quan sát thực vật nhằm mục đích bào chế dược phẩm. Các thầy thuốc đã rong ruổi khắp đó đây để tìm kiếm những loài cây cỏ theo mô tả với những gì họ thấy ở Đức, Thụy Sĩ, hay Tô Cách Lan. Giống như Galen, Dioscorides đã nghiên cứu thiên nhiên, nhưng các học trò của Dioscorides lại nghiên cứu Dioscorides. Ông đã thất bại trong niềm hi vọng của ông rằng người đọc sách của ông “sẽ không nên quan tâm nhiều đến những lời nói của ông, mà nên để ý đến sự chuyên chăm và kinh nghiệm mà ông đã đưa vào chất liệu nghiên cứu”. Các tác giả thời cổ thường xếp đặt theo thứ tự chữ cái ABC để phân biệt “những loại và hoạt động của những sự vật có tương quan mật thiết với nhau, khiến chúng trở nên khó nhớ hơn”. Ngược lại, Dioscorides chú ý đến chỗ các cây mọc lên, khi nào thu hoạch chúng và cách thức thu hoạch chúng và cả tới những loại thùng để chứa chúng nữa. Giống như các tác giả cổ điển khác, ông đã đào tạo ít môn sinh, nhưng lại nhiều người chú giải. Những người này giữ lại những lời ông nói, nhưng quên mất gương mẫu của ông. Ông đã trở thành một sách giáo khoa thay vì trở thành một bậc thầy.
Thế nhưng đối với những đầu óc thực tiễn của thời Trung cổ, Dioscorides có sức lôi cuốn lạ thường, vì ông không phân tán sự chú ý của độc giả bằng lý thuyết hay sự phân loại. Viết bằng tiếng Hi Lạp, truyện cây cỏ của Dioscorides liệt kê hơn sáu trăm cây cỏ thông dụng hàng ngày. Phải kiếm cây nào để lấy chất dầu, chất mỡ, hay hương thơm? Cây nào có thể chữa nhức đầu hay tẩy xóa những nốt tàn nhang trên da. Trái cây nào hay rau nào hay củ nào ăn được? Các gia vị địa phương gồm những cây nào? Những cây nào có chất độc và chất cây nào có thể giải độc? Những thuốc nào có thể chế ra từ cây cỏ?
Vô số thủ bản giáo khoa của “Dioscorides” còn tồn tại đã chứng minh sự phổ cập của những sách này suốt thời Trung cổ. Càng đọc các bản văn của Dioscorides, chúng ta càng hiểu rõ tại sao ông được nhiều người đọc như thế và các tên ông đặt cho cây cỏ đã tồn tại lâu như thế. Ví dụ, ông viết về cây đầu tiên trong các loại “cây hương liệu” của ông.
Cây cầu vồng (iris) được gọi như thế vì nó trông giống như cầu vồng trên trời… Rễ cây có những đầu mẩu, cứng và có vị ngọt, sau khi cắt ra phải phơi khô trong bóng mát và vì thế (sau khi cột ngang bằng một dây vải) phải để chúng dựng đứng. Nhưng loại cây tốt nhất là ở Illyria và Macedonia… Loại tốt thứ hai là ở Lybia… Nhưng tất cả đều có hiệu quả làm cho ấm, giảm ho và làm tróc đờm. Nếu pha vào nước mật ong để uống, nó gây buồn ngủ và làm chảy nước mắt và chữa những cơn đau dạ dày. Nhưng uống với giấm nó giúp chữa những người bị cắn bởi các con vật có nọc độc và chữa viêm lá lách và những chứng rối loạn gây co giật và chữa tê cóng và những chứng như nôn mửa.
Hơn một ngàn năm sử dụng các thủ bàn của Dioscorides cho chúng ta thấy hậu quả của việc “tam sao thất bản” là như thế. Dần dà với thời gian, các hình vẽ minh họa càng bị sửa đổi và càng xa dần hình ảnh thực tế thiên nhiên. Các bản sao chép của thế hệ sau đã tưởng tượng ra những lá cây có hình đối xứng cho đẹp, tô thêm các rễ cây thân cây cho to ra để có thể vừa đủ một trang giấy. Thế là dần dần các tưởng tượng của những người sao chép đã trở thành ước lệ.
Những người sao chép giàu tưởng tượng đã dựa vào các tên gọi để rút ra đủ loại tính chất của các cây, làm cho thực vật học trở thành một môn ngữ văn. Từ tên hoa thủy tiên (Narcissus), người ta tưởng tượng ra những hình đầu người nho nhỏ, nhắc lại sự tích của chàng thanh niên tên Narcissus chỗ nào cũng nhìn thấy và yêu hình ảnh của chính mình. “Cây trường sinh” được quấn quanh bởi một con rắn với đầu một phụ nữ.
Cuối thế kỷ 16, người giữ chiếc ghế trưởng khoa thực vật học ở Đại học Bologna vẫn còn được gọi là “Người đọc sách Dioscorides”. Mỗi thế hệ tiếp theo chỉ thêm thắt những chi tiết nho nhỏ, ít khi khác với bản gốc và vì thế những nhà thực vật học và nhà nghiên cứu dược liệu chỉ là những nhà giải thích. Sách cây cỏ là một danh mục các vị thuốc đơn giản, mỗi vị thuốc chỉ có một thành phần, thường là lấy từ một cây duy nhất.
Những gì sách cây cỏ làm cho thực vật học, thì sách các loài vật cũng làm cho động vật học. Những sách này cũng bắt nguồn từ một sách gốc xa xưa duy nhất, được thêu dệt thêm sau nhiều thế kỷ. Và ở thời Trung cổ, chỉ có sách Kinh Thánh là vượt lên trên nó về số người đọc. Ở thời đại sách in của chúng ta, các sách in bán chạy nhất được phổ biến rất nhanh qua các ranh giới địa lý nhưng ít khi đi xa xuống các thế hệ kế tiếp. Nhưng ở thời đại của các thủ bản xưa kia, sức mạnh của một tác giả cổ điển là bất tử. Vương quốc của người trí thức được thống trị bởi một số ít những “tác giả” có tài biến báo. Các tên tuổi cổ điển được dựng lên để phục vụ các thế hệ về sau bằng vô số những lần hiệu đính và tác giả gốc chỉ còn là một bóng ma. Bàn tay của người sao chép đã gạt bỏ tác giả chính thức.
Bản sách gốc về loài vật lấy tên từ tiếng Hi Lạp, Physiologus (Nhà Thiên nhiên học), mà chúng ta không biết rõ về tác giả. Tác phẩm của ông, có lẽ viết trước giữa thế kỷ 2, hình như được chia thành 48 phần, mỗi phần trích một đoạn văn trong Kinh Thánh. Một ít sự kiện nêu trong sách đã cung cấp cho khoa động vật học của nhiều thế hệ, nhưng chúng được thêu dệt bằng những chi tiết thần học, luân lý, truyện dân gian, thần thoại, ngụ ngôn. Tới thế kỷ 5, ngoài bản dịch La tinh, còn có những bản dịch sang tiếng Armeni, ả Rập và Ethiopi. Về sau, đây là một trong những sách được dịch sớm nhất sang các thổ ngữ châu Âu, gồm tiếng Đức cổ, Anglo-Saxon, Anh cổ, Anh trung, Pháp cổ, Provencal và tiếng Aixơlen.
Bản tiếng Hy Lạp gồm khoảng 40 con vật được liệt kê một cách thú vị. Tất nhiên đứng đầu là sư tử, vua các loài vật với ba đặc điểm nổi bật: nó dùng đuôi để quét sạch dấu vết chân của mình khiến các thợ săn không thể đuổi theo…
Bản tiếng Hi Lạp gồm khoảng 40 con vật được liệt kê một cách thú vị. Tất nhiên đứng đầu là sư tử, vua các loài vật, với ba đặc điểm nổi bật: nó dùng đuôi để quét sạch dấu vết chân của mình khiến các thợ săn không thể đuổi theo; nó mở mắt trong khi ngủ; và sư tử con mới sinh phải chờ ba ngày mới có sự sống khi sư tử bố thở hơi sự sống vào nó.
Các con vật còn lại (thằn lằn, quạ, phượng hoàng, chim đầu rìu và khoảng ba mươi con vật khác) đều mang nặng những bài học luân lý. Không con nào sinh động hơn con “kiến sư tử” là con pha giống không tự nhiên giữa một con sư tử và một con kiến, bản tính của nó là phải chết đói, vì bản tính của kiến không cho nó ăn thịt và bản tính của sư tử không cho nó ăn cỏ cây.
Trong các sách thực vật và động vật, tác giả và người minh họa không những chỉ là những người khác nhau, mà đôi khi còn xa cách nhau nhiều thế kỷ. Qua nhiều thế kỷ, cũng có những hình minh họa khác nhau cho cùng một văn bản và ngược lại.
Chỉ có ít người có thể bao gồm những tài năng của cả nhà thiên nhiên học và họa sĩ để có thể biến những vật tạp nham thành những mẫu, những vật không chỉ được diễn tả mà còn được trình bày cho thấy. Sự tương phản giữa những bản phác họa các cây cỏ và những bác vẽ cây cỏ đúng với sự thực do Leonardo da Vinci hay D(rer thực hiện khoảng năm 1500 là điều thật lạ lùng. Leonardo kể lại rằng ông đã vẽ “nhiều bông hoa từ chính thiên nhiên” và từ những hình vẽ của ông về cây mâm xôi, cây cỏ chân ngỗng, hay cây cúc vạn thọ, những nhà thực vật học thời nay có thể phân biệt chính xác từng loại một. Bức tranh thảm cỏ đồng thật linh động của D rer (một chùm cỏ gồm khoảng một chục loại cỏ khác nhau) được nhìn từ mặt cỏ đã được coi là bản nghiên cứu sinh thái đầu tiên về thực vật học.
Sự dũng cảm để quan sát và vẽ lại điều thực sự có đó đã đến rất muộn màng. Vì trong thời kỳ cuối cùng này của các truyện về cây cỏ, các sách in vẫn còn giữ lại những bản văn xa xưa. Giống như Luther đã cố gắng cải cách Kitô giáo bằng cách kêu gọi trở về với Kinh Thánh, Leonhart Fuchs (1501-1566) đã thúc đẩy các thầy thuốc rời bỏ những bài bình luận thời sau này để trở về với bản văn gốc của Galen và ông đã đưa ra ấn bản riêng của mình (Basel, 1538). Sinh trưởng tại vùng Alps thuộc xứ Swabia, hồi còn nhỏ cậu bé thường đi dạo khắp vùng quê với ông nội, nghe ông kể cho cậu tên của những loài hoa. KHi học đại học, cậu thụ giáo với nhà nhân văn học Johan Reuchlin (1455-1522) và trở thành giáo sư y khoa. Sau đó trong tác phẩm về cây cỏ của ông nhan đề De Historia Stirpium (1542), ông dựa nhiều vào tác phẩm của Dioscorides và các tác giả cổ điển khác. Nhưng ông đã mạnh bạo rời xa những khuôn mẫu quan sát cổ xưa. Để cung cấp những hình ảnh sống động, ông đã tổ chức một tập thể các họa sĩ (một người vẽ cây từ thiên nhiên, người khác vẽ lại các hình vẽ vào các bản khắc gỗ và người thứ ba khắc trên gỗ. Bìa sách có vẽ chân dung của từng họa sĩ này.
Vượt xa qui phạm của Dioscorides, những hình vẽ này gồm những bức khắc gỗ của 400 loài cây của địa phương nước Đức và một trăm cây của nước ngoài. Fuchs cắt nghĩa trong Lời tựa tác phẩm, “Mỗi loại cây được vẽ đúng theo những đặc tính và giống với cây thật… và hơn nữa, chúng tôi cũng đã cẩn thận vẽ mỗi cây với đầy đủ bộ rễ, thân, lá, hạt và trái của nó… chúng tôi cũng đã cố ý tránh làm cho hình sáng thực sự của cây bị lu mờ bởi những bóng hay những chi tiết không cần thiết khác mà những họa sĩ thường dùng để tô điểm cho tác phẩm nghệ thuật của mình”. Và ông còn đi xa trong niềm say mê của mình, vì đối với ông “không có gì trên đời thú vị và sung sướng hơn được đi dạo qua những khu rừng, những ngọn núi, những cánh đồng xinh đẹp muôn vẻ với những bông hoa và những cây cỏ đủ loại và được chạm đến và chiêm ngắm chúng”. Ông còn sắp xếp tên của các loài tên theo thứ tự ABC.
Sách cây cỏ của Fuchs, ngày nay thực sự đáng được gọi là một tác phẩm thực vật học, đã đề ra tiêu chuẩn cho việc minh họa về cây cho thời cận đại, sau này đã gợi hứng rất nhiều cho William Morris và John Ruskin. Từ những chuyến đi sang Tân thế giới, Fuchs đã thu thập được một số cây cỏ của châu Mỹ, đặc biệt là giống ngô Indies và sau khi ông qua đời, tên ông đã được dùng để gọi một loài cây nhiệt đới đẹp nhất của châu Mỹ, cây fuchsia, cây hoa vân anh.
Theo một nghĩa nào đó, Hieronymus Bock (1498-1554), ông tổ thứ ba của khoa thực vật học Đức, lại còn xuất sắc hơn nữa. Sau khi bắt đầu cố gắng xác định các tên Đức và La tinh cho các loài cây thuộc vùng ông sống ở Đức, ông tiếp tục mô tả một cách rất thoáng trong cuốn Neu Kreutterbuch (1539) tất cả những cây thuộc vùng phụ cận và cũng đã đề ra cho mình một nhiệm vụ mới là đặt tên cho các cây địa phương bằng tiếng địa phương.
Đi xa hơn những điều kì diệu quen thuộc ở miền quê nước Đức, châu Âu của nửa thế kỷ 16 cảm thấy rất thích thú với những cây cỏ và động vật xa lạ của vùng Đông và “Indies”. Các “sự kiện” của Tân Thế Giới không tự động làm giàu cho kho kiến thức mới. Vì theo lời kể của Shakespeare, các thủy thủ rất thích thú với những kinh nghiệm đầy ấn tượng của họ ( với những câu truyện về những người đầu thụt xuống dưới vai, hay không có đầu gì cả, hay những người như người Pantagonia chỉ có một chân rất to, hay những người Labradorea có đuôi. Kết quả là, như lời sử gia Richard Lewinsohn nhắc nhở chúng ta, có “Cuộc tái sinh của Thái độ Mê tín dị đoan”. Từ châu Mỹ phát sinh hàng loạt những giống người dị chân và những loài vật kì lạ. Vì nghĩ tới một loài đọng vật mới thì cũng khó chẳng kém gì khám phá ra nó, nên những sự kiện tưởng tượng ra được ghép vào với những con vật của thần thoại và truyện dân gian.
Thời Đại Khám Phá đã đem đến sự phục hưng cho các câu truyện hoang đường. Đã xuất hiện những con mãng xà biển dài hàng trăm thước xưa nay chưa từng thấy. Những người biển được kể lại với đầy đủ chi tiết ( đàn ông với những cặp mắt sâu và đàn bà với những bộ tóc dài – chỉ thèm những người da đen hay da đỏ, nhưng cũng chỉ ăn những bộ phận lồi ra ngoài của cơ thể như mắt, mũi, ngón tay, ngón chân và bộ phận sinh dục. Cùng với những giống vật tưởng tượng của thời Trung Cổ còn thêm những giống vật có thật từ những cuộc du hành qua châu Mỹ. Những ai không đọc được tiếng La tinh có thể thưởng thức những hình ảnh in trong sách rất nhiều.
Đay là những cơ hội gợi hứng cho cả một thế hệ mới các nhà bách khoa về thiên nhiên. Người xuất sắc nhất là Konrad Gesner (1516-1565)có thiên tài ghép những cái mới vào với những cái cũ. Thàng thạo rất nhiều ngôn ngữ, Gesner luôn luôn bị dằn vặt giữa những gì ông đọc những gì ông thấy. Sinh năm 1516 trong một gia đình nghèo, ông tự học trong tư cách một học giả đi khắp đó đây và mới 20 tuổi ông đã viết một cuốn từ điển La tinh-Hi Lạp. Trong ba mươi năm kế tiếp, ông đã viết 70 bộ sách về mọi đề tài có thể nghĩ ra. Bộ sách đồ sộ Bibliotheca Universalis, “Thư viện Thế Giới” (4 quyển, 1545-1555) có mục đích cung cấp một danh mục của mọi tác phẩm La tinh, Hi Lạp và Híp ri đã có từ trước tới nay. Gesner liệt kê một ngàn tám trăm tác giả và tựa đề sách của họ bằng và sách in, với tóm lược nội dung của mỗi sách. Từ đó ông được mệnh danh là Ông Tổ của Khoa Thư Tịch Học. Khoa trắc địa giúp cho các nhà thám hiểm trên bộ và trên biển thế nào, thì khoa Thư Tịch Học cũng giúp cho công việc thư viện như thế .
Tại thư viện của dòng họ Fuggers, ông đã phát hiện ra một thủ bản bách khoa bằng tiếng Hi Lạp của thế kỷ 2và sự kiện này đã gợi hứng cho ông trở thành một Pliny của thời cận đại. Sau cùng, tác phẩm Historia Animalium ( Lịch Sử Động Vật) của ông theo lôi sắp xếp của Aristote đã cung cấp mọi điều ta biết, nghĩ, tưởng tượng, hay kể lại về mọi loài vật từng được biết đến. Giống như Pliny, ông thâu thập mọi điều đã có, nhưng cũng thêm vào những điều đã tích lũy trong 15 thế kỷ sau Pliny. Tuy có óc phê bình nhiều hơn Pliny, nhưng ông cũng không loại bỏ hết được những truyện hoang đường, như khi ông kể về một con mãng xà biển dài hơn một trăm thước. Nhưng tùy hoàn cảnh, ông thêm vào những chi tiết hữu ích như khi ông kể về việc săn cá voi và là người đầu tiên đưa hình ảnh một con cá voi được lột da để lấy mỡ. Công trình của Gesner tạo được ảnh hưởng lâu dài là nhờ thể viết dân gian của ông và khả năng họa lại những sự kiện và những điều tưởng tượng với cùng một nét sinh động đầy thuyết phục.
Tác phẩm của Gesner được in đi in lại nhiều lần, được dịch sang nhiều thứ tiếng và được tóm lược, đã thống trị khoa động vật học sau Aristote cho tới khi có sự khai phá mới của các công trình khảo sát của Ray và Linnaeus, nhưng những công trình sau này không có những hình vẽ minh họa. Những ghi chép không xuất bản của ông đã được dùng làm cơ sở cho một tiểu luận đầu tiên về côn trùng trong thế kỷ tiếp theo. Để viết bộ thực vật học Opera Botanica, ông đã thu thập một ngàn hình vẽ, nhiều hình tự tay ông vẽ, những tác phẩm lớn của ông về thực vật, mối tình đầu của ông, ông không bao giờ hoàn tất .
Ông không bao giờ dứt bỏ hẳn được mối ám ảnh về ngữ văn của mình. Ông đã viết một tập sách 158 trang với nhan đề, Mithridates, hay quan sát các khác biệt nơi các ngôn ngữ đã hay đang được sử dụng tai những quốc gia khác nhau trên toàn thế giới (1555), với mục đích thực hiện cho ngôn ngữ những gì ông đã làm cho lãnh vực động vật và thực vật. “Tất cả” một trăm ba mươi thứ tiếng trên thế giới đã được ông mô tả và so sánh trong bản dịch Kinh Lạy Cha của ông. Tiện thể, ông cũng đã cung cấp lần đầu tiên từ vựng của ngôn ngữ dân Gypsy.
Gesner đã tìm ra một cách đặc trưng Thụy Sĩ hơn để khám phá thiên nhiên khi ông quảng cáo cho những cuộc mạo hiểm để thám hiểm những ngọn núi cao, mà như chúng ta thấy, từ lâu đã là những cảnh gợi ra sự kinh ngạc và khiếp sợ. Châu Âu thời Phục Hưng đã thoáng thấy một tia chớp ngắn ngủi về tinh thần mạo hiểm núi non. Pertrarch (1304-1374) đã là người mở đường gần Avignon năm 1336 bằng việc ông leo lên đỉnh núi Ventoux. Leonardo de Vinci, với cặp mắt của nhà họa sĩ kiêm thiên nhiên học, đã thám hiểm núi Bo năm 1511. Nhà cải cách và nhân văn học Thụy Sĩ Joachim Vadianus (1484-1551) đã leo lên đỉnh Gnepfstein gần Lucerne năm 1518.
Nhưng Gesner là người châu Âu đã xuất bản một tác phẩm tán dương việc leo núi. Sau khi leo lên đỉnh Pilatus gần Lucerne năm 1555, ông đã viết ra một tác phẩm cổ điển nho nhỏ của mình .
Nhưng những niềm sợ hãi lâu đời trước cảnh núi non vẫn chưa dễ khắc phục và phải đợi đến hai thế kỷ sau Gesner, ngành leo núi hiện đại mới thực sự bắt đầu. Ngọn Mont Blanc (15,771 ft.), ngọn cao nhất châu Âu ngoài dãy Caucase, chỉ được leo lên năm 1786 bởi một người muốn đoạt giải thưởng của một ông tổ địa chất học Thụy Sĩ, Horace-Bénédict de Saussure (1740-1799) được treo hai mươi lăm năm trước đó.