Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

“NGHỆ THUẬT VIẾT CHỮ NHÂN TẠO”



Giữa những người hùng của lịch sử cận đại, ít người bị lu mờ hơn Johann Gutenberg (khoảng 1394-1468). Nhưng trong khi bản thân ông bị lu mờ, sự nghiệp của ông thì không. Công trình của ông là chóp đỉnh công trình của nhiều người khác.
“Nghệ thuật viết chữ nhân tạo”
Chúng ta nghĩ về Gutenberg như là “người phát minh ra máy in” hay ít ra là người phát minh ra “khuôn chữ di động”. Nhưng khi chúng ta đồng hóa ông một cách chung chung với cuốn sách in Kinh thánh rất đẹp là tác phẩm lớn đầu tiên của ông và vẫn còn là một báu vật trong các thư viện lớn của chúng ta, chúng ta đã làm lu mờ vai trò chủ yếu của ông. Bởi lẽ ông không chỉ là nhà tiên phong cho những cuốn sách in tuyệt vời đầu tiên trong thời đại của ông. Ông còn là một nhà tiên tri cho những thế giới mới, trong đó những máy móc sẽ làm công việc của người sao chép, máy in sẽ thay thế phòng sao chép và kiến thức sẽ được truyền bá tới vô số những cộng đồng chưa từng thấy.
Giữa những người hùng của lịch sử cận đại, ít người bị lu mờ hơn Johann Gutenberg (khoảng 1394-1468). Nhưng trong khi bản thân ông bị lu mờ, sự nghiệp của ông thì không. Công trình của ông là chóp đỉnh công trình của nhiều người khác. Ông đã tập hợp lại những gì người khác không tập hợp được và ông đã dám liều mọi sự để thử vận may của mình. Hầu hết những điều chúng ta biết về Gutenberg là do những vụ kiện tụng dai dẳng về việc đầu tư vào cơ sở in của ông và những lợi tức thu được do sáng chế của ông.
Hiển nhiên ở châu Âu đã có việc in ấn từ lâu trước Gutenberg, nếu chúng ta hiểu in như là tạo ra những hình ảnh nhờ ấn hay ép lên một cái gì. Trong tiếng Anh, “to print (in) lúc đầu mô tả việc ấn một con dấu như khi ta in những đồng xu và như thế ta dễ hiểu tại sao Gutenberg xuất thân là một người thợ rèn. Sáng chế có tính quyết định của ông thực ra không phải là nghĩ ra một cách thức mới để “in” cho bằng một cách thức mới để nhân bản các khuôn chữ riêng biệt. Trước ông đã từng có những người nghĩ tới việc khắc một hình ảnh ngược trên gỗ hay kim loại, rồi ép nó với mực vào vải, da, hay giấy. Nhưng thường họ in nguyên một trang giấy, nguyên một hình vẽ. Gutenberg đã cắt nhỏ qui trình thành những phần. Ông nhìn việc in nguyên một trang giấy cũng chính là in ghép các chữ riêng biệt lại và lặp đi lặp lại nhiều lần. Thế thì tại sao ta không làm nhiều bản của mỗi chữ, để có thể dùng đi dùng lại bao nhiêu lần tùy theo nhu cầu.
Tài năng của Gutenberg trong nghề thợ rèn và nghề đúc khuôn kim loại đã giúp ông nhìn ra được những vấn đề của người thợ in mà người thợ rèn không gặp phải khi chế tạo một món kim hoàn duy nhất. Ví dụ, để làm một cuốn sách in, mỗi khuôn chữ phải có cùng chiều cao chính xác như nhau. Việc còn lại chỉ là làm sao cho mỗi khuôn chữ “di chuyển” được. Mọi khuôn chữ mẫu phải có thể thay đổi chỗ cho nhau.
Các vấn đề khác chỉ xuất hiện khi Gutenberg lợi dụng cơ hội để cắt nhỏ trang khuôn con chữ dày đặc thành những chữ riêng biệt. Chỉ cần bề mặt một bản khuôn gỗ mịn và phẳng, sau khi chữ ngược được khắc nổi lên và quét mực vào, nó sẽ in ra một bản in đều và đọc được. Nhưng nếu đúc rời từng chữ, làm thế nào có thể ghép chúng chung lại để có một bề mặt phẳng đều? Sáng chế quyết định của Gutenberg là thiết kế đặc biệt một khuôn chỉ để đúc nhanh và với số lượng lớn những miếng theo cùng một mẫu giống hệt nhau. Đây chính là một máy dụng cụ – một dụng cụ để làm những máy (nghĩa là khuôn chữ) làm công việc in.
Bộ chữ cái La tinh, với một ít ký tự bổ sung khác nhau, rất thích hợp để làm khuôn chữ có thể hoán đổi và làm máy in trong nền văn minh phương Tây. Ngược lại, chữ viết Trung Hoa, với quá nhiều chữ tượng ý khác nhau, không thể thích hợp để làm các khuôn chữ hoán đổi. Vì dù có làm nhiều bản mẫu của một chữ tượng ý, làm sao có thể sắp xếp chúng để có thể lấy ra đúng chữ mong muốn một cách nhanh chóng.
Bây giờ dụng cụ làm khuôn chữ mà Gutenberg sáng chế tỏ ra vô cùng đơn giản. Nó là một cái hộp chữ nhật có bản lề và mở được ở hai đầu. Một đầu được đóng kín bằng cách chèn vào một khuôn cối, một thanh kim loại dẹp đã được đục lõm hình một chữ. Sau đó cái hộp được đặt đứng trên đầu đó, còn đầu bên trên người ta đổ kim loại chảy vào. Khi kim loại nguội đi, nó có hình nổi của một chữ ở đáy hộp, người ta mở hộp ra và thế là có được một “cây” khuôn chữ. Bằng cách lặp đi lặp lại qui trình, người ta có thể có những khuôn chữ giống hệt nhau nhiều bao nhiêu tùy ý. Để làm những khuôn chữ có bề rộng đúng theo mỗi con chữ khác nhau (vì “i” chỉ có bề rộng bằng 1/3 “w”) nhưng lại có chiều cao đều y như nhau, cái hộp phải có khả năng điều chỉnh được. Gutenberg giải quyết chuyện này bằng cách làm một bộ phận trượt cho phép làm cho cái hộp rộng ra hay hẹp lại để khớp với chiều rộng của những khuôn cối khác nhau ở đáy hộp. Cái hộp khuôn phải bọc gỗ để tránh cho người đúc chữ khỏi bỏng tay. Khuôn cối để đổ kim loại chảy vào phải được đục một cách chính xác và có độ sâu đồng đều ở mọi điểm. Tài khéo của người thợ rèn phải bảo đảm các miếng khuôn chữ xếp lên khay tạo nên một hình in đồng đều trên trang giấy. Gutenberg cần một hợp kim dễ chảy, mau nguội và chảy đều.
Còn hai vấn đề nữa phải giải quyết trước khi những miếng khuôn chữ hoán đổi được có thể trở thành những dụng cụ hiệu quả để in một trang giấy. Phải biết cách làm cho nhiều khuôn chữ khác nhau giữ chặt lấy nhau và ấn chúng mạnh và chắc trên bề mặt giấy in. Cả người Trung Hoa lẫn người châu Âu đều chưa sử dụng máy ép để in, ngược lại, người ta thường in bằng cách bôi mực lên khuôn in, rồi trải một tờ giấy lên khuôn và chà phía mặt sau tờ giấy để có hình in đồng đều. Trong máy in của Gutenberg, người ta dùng một máy ép bằng gỗ có ốc vặn của thợ đóng sách và thích nghi nó để dùng vào việc in. Rồi còn vấn đề mực in cần thiết để có thể dính đều trên những mặt khuôn chữ. Mực in này phải hoàn toàn khác với loại mực mà những thợ sao chép dùng cho các cây viết của họ để viết trên giấy hay trên da. Cũng phải khác với loại mực in dùng cho những bản khắc gỗ. Điều Gutenberg càn có là một loại sơn dầu. Khi chế tạo mực in của mình, ông đã dựa vào kinh nghiệm của những thợ vẽ người Flamand là nghiền chất màu của họ trong dầu lanh.
Không lạ gì Gutenberg phải mất nhiều năm để giải quyết các vấn đề nói trên và làm cho các giải pháp của mình hòa hợp với nhau. May thay, một vấn đề là cách chế tạo bề mặt để in ra sản phẩm của mình thì chủ yếu đã được giải quyết rồi. Giấy đã được Trung Hoa phát minh ra và là một đóng góp chủ yếu cho sự tiến bộ của việc in sách. Các vấn đề khác đòi hỏi nơi Gutenberg sự kiên trì, tinh xảo và các nguồn tài chính mà Gutenberg có thể tập hợp được. Động lực đời sống của Gutenberg chính là quyết tâm của ông để theo đuổi công trình của mình cho đến khi nó hoàn thiện và đồng thời giữ bí mật đối với các đối thủ cạnh tranh. Các thử nghiệm của ông rất tốn kém và ông đã bị hỏng nhiều lần.
Tiểu sử của Gutenberg là cả một chuỗi những tranh chấp và kiện tụng. Hầu hết những thông tin chắc chắn chúng ta có về ông đều đến từ những vụ kiện tụng chống lại ông. Chúng ta thậm chí không biết đích xác ngày sinh của ông, có thể giữa khoảng 1394 và 1399, tại thành phố chiến lược Mains, nơi sông Main đổ vào sông Rhin. Tên khai sinh của ông là Johann Gensfleisch, về sau ông lấy tên Gutenberg là tên một lãnh địa của gia đình khi đời sống thành phố bị xáo trộn bởi những cuộc đấu tranh giưã những gia đình quí tộc như gia đình ông và những phường hội vừa mới nổi dậy. Vì cha của Gutenberg có liên quan tới xưởng đúc tiền của địa phận, nên chàng thanh niên Johann trở nên quen thuộc với nghề đúc kim loại. Khi trưởng thành, Gutenberg sống khi thì ở Mains khi thì ở Strasbourg phía thượng nguồn sông Rhin mỗi khi phải trốn tránh những phường hội thù địch của mình.
Trong một loạt các vụ kiện tụng, chúng ta thấy cả sự kiên trì của Gutenberg lẫn ước muốn giữ bí mật sáng chế của ông. Một vụ kiện tụng đạt tột đỉnh vào năm 1439, Gutenberg là chuyên gia đúc kim loại đã kêu gọi sự góp vốn cổ phần của ba công dân Strasbourg và ông hứa sẽ dạy cho họ phương pháp mới để chế tạo những chiếc gương soi mà họ dự định sẽ bán cho những khách hành hương trên sông Rhin. Nhưng họ đã tính sai năm xảy ra cuộc hành hương và vì thế không có phiên chợ để bán những quà lưu niệm. Gutenberg lại làm một hợp đồng mới, lần này ông hứa dạy cho các cổ đông một qui trình bí mật mới không nõi rõ trước mà họ có thể đầu tư nhiều vốn vào. Theo những điều khoản của hợp đồng với giá trị 5 năm (1438-1883), nếu bên nào chết trong khi hợp đồng đang có hiệu lực, thì không người thừa kế nào được thay chỗ người ấy trong cổ phần. Thay vào đó, người thừa kế sẽ được hưởng một khoản bồi thường 100 đồng gulden. Khi một cổ đông chết năm 1439, các anh em của người này đòi được thế chỗ trong cổ phẩn và được chia sẻ những bí mật của cổ phần. Gutenberg từ chối. Những người thừa kế đưa kiện ra tòa nhưng họ thua kiện. Các cổ đông còn sống buộc phải thề giữ bí mật. Trong thời gian xử kiện, rất ít điều được tiết lộ về phát minh của Gutenberg, nhưng có thể các cổ đông đã tiếp tục đổ vốn lớn vào những thí nghiệm không được tiết lộ đó.
Phần còn lại của sự nghiệp kinh doanh của Gutenberg cho thấy ông liên tục tìm kiếm thêm những khoản vốn lớn nhưng từ chối bản sản phẩm của mình trước khi ông đã hoàn thiện được qui trình mới làm ông hài lòng. Những gì ông làm đều đòi những vật liệu rất đắt tiền. Đồng thời khi những vụ kiện tụng xảy ra, ông luôn chỉ dẫn cho các cổ đông của mình tháo dỡ các máy móc thí nghiệm của mình để không ai biết được ông đang làm gì. Tất cả những máy móc này hiện còn tồn tại ở Strasbourg.
Gutenberg đã quay trở lại Mains năm 1448 để kiếm thêm vốn. Tại đây ông đã gặp một nhà tài trợ là Johann Fust, một luật gia giàu có đã góp vốn 2 lần 800 đồng gulden cho dự án của Gutenberg. Nhưng sau 5 năm Fust vẫn không nhận lại được phần tiền lời của mình. Năm 1455 Fust kiện Gutenberg và đòi hoàn trả số tiền vốn cùng với số tiền lời gộp và quyền sở hữu tất cả tài sản của Gutenberg. Nhưng mục tiêu của Gutenberg không phải là kiếm lời. Ông đã quyết định tìm cách để giữ lại mẫu thiết kế sắc nét và màu sắc tươi sáng của những thủ bản được chiếu sáng đồng thời làm ra nhiều bản giống hệt nhau. Ông không vội đưa ra thị trường một sản phẩm chưa hoàn hảo.
Khi Fust thắng kiện, Gutenberg bị tòa buộc phải trả ông 2,026 đồng gulden và trao lại cho ông này tất cả những nguyên liệu và máy móc, gồm những trang sách và khuôn chữ của Kinh thánh mà Gutenberg đã làm trong một thời gian dài. Fust tiếp tục dự án của Gutenberg, với sự giúp đỡ của con rể là Peter Schoffer, người từng là đốc công cho Gutenberg và vì thế biết rất rõ tất cả bí mật. Schoffer đã đứng ra làm chứng chống lại Gutenberg trong vụ kiện 1455. Khi Kinh thánh “Gutenberg” xuất hiện một ít lâu trước năm 1456, nó không có phần lời ghi cuối sách. Sản phẩm của bao nhiêu năm vất vả của Gutenberg đã trở thành tài sản của công ty mới Fust và Schoffer.
Chúng ta có đủ chứng cớ để thấy rằng việc in ấn đối với Gutenberg và thế hệ của ông không chỉ đơn thuần là một kỹ thuật mà còn là một nghệ thuật. Các người yêu sách đều nhất trí rằng cuốn sách in đầu tiên ở châu Âu là một trong những cuốn sách đẹp nhất. Hiệu quả kỹ thuật trong công việc của Gutenberg, nét in sách và tính bền của sản phẩm đã không có thêm cải tiến nào quan trọng cho tới thế kỷ 19.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.