Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

SĂN LÙNG CÁC MẪU ĐỘNG VẬT VÀ THỰC VẬT



Từ thời Ovid, các thi sĩ đã quen sử dụng những ẩn dụ về giới tính nơi cây cỏ. Nhưng đa số vẫn coi những gợi ý về giới tính như thế trong văn chương là điều xấu xa, thậm chí là tục tĩu.
Linnaeus là người kế thừa sứ mạng của Ray. Hệ thống Thiên nhiên của ông tuy toàn diện hơn và có ảnh hưởng hơn bất kỳ hệ thống nào trước đó, nhưng được xây dựng từ những yếu tố do Ray để lại. Chia sẻ cùng một niềm tin vào sự thống nhất của thiên nhiên, Linnaeus sẽ giúp phát triển khoa Thần học Tự nhiên cũng như Khoa học Tự nhiên. Ông cũng lấy “species” (loài) làm chìa khóa để tìm hiểu sự khôn ngoan của Tạo hóa.
Nhưng về tính cách con người và đường lối làm việc, Ray và Linnaeus có ít điểm chung với nhau. Ray làm việc đơn độc cùng với người bạn học giả Willughby, đã viết chủ yếu dựa vào những quan sát của chính mình. Còn Linnaeus đầy xã hội tính và giao thiệp rộng, là một giáo viên xuất sắc, đã gợi hứng và tổ chức hàng hàng lớp lớp những chuyên gia đi săn lùng các mẫu vật trên khắp thế giới và gởi những khám phá về cho ông
Carolus Linnaeus (1707-1778) sinh ở miền đông nam Thụy Điển. Cha ông là một mục sư nghèo đã khơi dật nơi ông lòng say mê những cây cỏ trong khu vườn nhà của ông. Linnaeus lớn lên ở Stenbrohult, nơi ông mô tả là “nơi đẹp nhất trên khắp đất Thụy Điển, vì nó trải dài dọc theo bờ hồ lớn Mockeln… Ngôi nhà thờ trông thẳng xuống mặt nước trong veo của hồ. Xa xa phía nam là những khu rừng cây sồi, phía bắc là triền núi cao Taxas… Phía đông bắc là những khu rừng thông, phía đông nam bát ngát những cánh đồng cỏ với những lùm cây xanh um tùm”. Ông không bao giờ quên được những cảnh thơ mộng hữu tình ấy. “Khi ta ngồi đó giữa trời mùa hè và nghe tiếng chim cu và những giống chim khác hót líu lo, tiếng than vãn nỉ non của côn trùng; khi ta nhìn ngắm những bông hoa đầy màu sắc rực rỡ và tươi vui: ta cảm thấy vị choáng ngợp bởi sự giàu có khôn lường của tạo hóa”.
Nhưng ở trường Carolus không tỏ dấu ham thích môn thần học khiến cha của cậu thất vọng đã muốn cho cậu học làm thợ đóng giày. Nhưng một giáo viên tinh tế đã thuyết phục ông cho Carolus thử học ngành y tại Uppsala, cậu đã thay thế cho giáo sư để làm những chứng minh trong vườn thực vật của đại học. Rồi năm 1732 ông được Hội Khoa học Uppsala cử cầm đầu một đoàn thám hiểm đi đến miền đất huyền bí Lapland để thu thập những mẩu cây và những thông tin về các tập tục tại địa phương. Lần đầu tiên nghiêm túc chạm trán với những hệ thực vật ngoại lai và những tổ chức kỳ lạ này đã làm ông tràn ngập niềm khoái cảm mà ông chưa từng cảm thấy mãnh liệt như thế bao giờ, cả những khi ở trong các vườn thực vật được tổ chức hẳn hoi hay khi đọc những trang sách về thực vật hay động vật.
Khi trở về, ông đi sang Hà Lan, thời đó là một trung tâm đào tạo y khoa lớn, để trở thành bác sĩ và cũng để theo đuổi những tham vọng thực vật học của mình. Trong vòng ba năm, khi chưa đầy 30 tuổi, Linnaeus đã phác họa lược đồ lớn của mình. Tập sách mỏng chỉ bảy trang giấy khổ hai, nhan đề Systema Naturae, “Hệ Thiên nhiên” (Leyden, 1735), tác phẩm đầu tiên ông xuất bản ở Hà Lan, là một bản cáo bạch cho sự nghiệp của ông và toàn thể khoa sinh vật học hệ thống thời cận đại. Nhưng ngay cả trước đó, khi mới chỉ 22 tuổi, ông đã mô tả cốt tủy hệ thống của mình cho vị giáo sư mà ông đang ở chung với. Hệ thống thực vật của ông thành tựu được là vì, giống như Ray, ông chỉ quan sát thực vật mà thôi. Nhưng ông đã đi xa hơn Ray, khi ông mạnh bạo áp dụng khái niệm từ thế giới động vật cho toàn thể các loài sinh vật.
Linnaeus là một Freud của thế giới thực vật. Ở cuối thế kỷ 20, chúng ta đã quen nói về giới tính một cách tự do, khiến chúng ta quên rằng vào thời tiền – Freud, người ta luôn cảm thấy xấu hổ khi đề cập đến giới tính nơi công cộng, dù cho là giới tính của cỏ cây. Trong khoa thực vật học của Linnaeus, giống như trong khoa tâm lý học của Freud, sự kiện sơ đẳng là giới tính.
Từ thời Ovid, các thi sĩ đã quen sử dụng những ẩn dụ về giới tính nơi cây cỏ. Nhưng đa số vẫn coi những gợi ý về giới tính như thế trong văn chương là điều xấu xa, thậm chí là tục tĩu. Một ít nhà thiên nhiên học đã dám chứng minh hiện tượng giới tính nơi thiên nhiên. Nhà thực vật học Pháp Sebastian Vaillant (1669-1722) là người trông coi vườn ngự uyển của hoàng cung đã dám bạo dạn sử dụng những đặc điểm độc đáo của cây hồ trăn trong vườn ngự uyển ở Paris để chứng minh vào năm 1717 trước công nguyên về giới tính của thực vật và bài giảng đã đánh thức sự quan tâm của chàng sinh viên trẻ Linnaeus và thúc đẩy cậu truy lùng từng cây cỏ để đếm những bộ phận sinh dục của nó.
Một ít thập kỷ trước, sự kiện cơ bản đã được bộc lộ bởi một nhà thực vật học Đức, Rudolph Jacob Camerarius (1665-1721) khi ông chứng minh rằng một hạt giống phải có sự phối hợp của phấn hoa thì mới nảy mầm được. Nhưng khi Linnaeus là sinh viên ở Uppsala, giới tính của thực vật vẫn còn là một vấn đề còn để ngỏ và tế nhị. Trong tựa đề bài thi của mình, Sponsalia Planturum (1729), Linnaeus đã dùng ngôn ngữ ẩn dụ tế nhị – “một tiểu luận về sự phối hợp của các loài thực vật, cắt nghĩa sinh lý học của chúng … dẫn đến kết luận về sự tương tự hoàn hảo của chúng với các loài động vật”. Ông nói, giống như vào mùa xuân mặt trời làm cho cơ thể của mọi động vật sinh động trở lại sau thời kỳ nghỉ đông, thì thực vật cũng thế, chúng tỉnh dậy sau giấc ngủ đông. Giống như động vật, thực vật không sinh sản khi còn non, nhưng sinh sản rất mạnh vào những năm giữa đời, rồi héo tàn dần khi về già. Ông ghi nhận rằng Malpighi và Nehemiah Grew (1641-1712) mới đây đã chứng minh thảo mộc giống như động vật cũng thực sự có những bộ phận phân biệt. Cho nên hợp lý phải nói rằng chúng có những cơ quan để sinh sản.
Vaillant đã cho rằng những cơ quan sinh sản này nằm ở hoa, vì ông nói không cây nào sinh sản ra trái nếu không có hoa. Nhưng Linnaeus vấn nạn rằng những nhà thực vật tập trung vào tràng hoa hay cánh hoa cũng không đúng hẳn, vì có những cây mặc dù không có đài hoa hay cánh hoa mà vẫn có trái. Linnaeus mạnh bạo cho rằng những cơ quan sinh sản chính là cơ sở để phân loại thực vật và chúng phải là nhị hoa và nhuỵ hoa, cho dù ở trên cùng một cây hay ở những cây khác nhau trong cùng một loài. Ông cắt nghĩa, cánh hoa không trực tiếp giúp vào qui trình sinh sản. Nhưng hình dáng màu sắc, hương thơm lôi cuốn của nó đã được tạo hóa khôn khéo tạo nên để các “cô dâu” và “chú rể” trong vương quốc thực vật có thể cử hành hôn lễ trên “giường cưới” hạnh phúc của chính chúng.
Khi Linnaeus đến Hà Lan, ông đã sẵn sàng với những dữ liệu đã thu thập được để phác thảo một “hệ thống giới tính” lớn cho thực vật. Trong tập sách nhỏ Systema Naturea, ông sử dụng khái niệm của Ray về “loài” và làm cho mỗi nhóm cây tự sinh sản trở thành một đơn vị cơ sở. Nếu các loài tự sinh sản là cơ bản, hiển nhiên trong hệ thống của Linnaeus, bộ máy sinh sản hay “giới tính” của mỗi cây phải là dấu đặc trưng để phân loại.
Trong khi hệ thống “giới tính”cung cấp một khái niệm đơn giản để phân loại, thì hệ thống thuật ngữ của khoa sinh vật học vẫn còn luộm thuộm, mơ hồ và không cố định. Cộng đồng những nhà thiên nhiên học đang mở rộng trên thế giới cần phải có một ngôn ngữ chung để bảo đảm họ đang nói về cùng một điều. Linnaeus sẽ là người tiên phong trong việc tổng hợp này. Các cố gắng tạo ra những loại ngôn ngữ quốc tế khác đã không bao giờ thành công. Nhưng Linnaeus đã thành công tạo ra một ngôn ngữ quốc tế cho ngành sinh vật học. Ông đã sử dụng tiếng La tinh làm thứ ngôn ngữ chung, sau khi từ lâu nó đã hết còn là ngôn ngữ của giới trí thức châu Âu. “La tinh thực vật học” của ông không dựa trên tiếng La tinh cổ điển, mà dựa trên tiếng La tinh thời Trung cổ và Phục hưng, được ông thích nghi cho hợp với mục đích của mình.
Linnaeus đã gợi hứng cho cả một chương trình những người săn lùng các mẫu thiên nhiên trên khắp thế giới. Công trình của ông đã giúp cho nhiều thế hệ những người săn lùng các mẫu thiên nhiên có sự kích thích mới để đẩy mạnh bước tiến khoa học, nhiều khi phải liều mạng. Từ nay những khám phá của họ không còn bị xếp xó hay bị lãng quên. Từ nay mỗi cây cỏ hay động vật mới được nhận diện bởi hệ thống Linnaeus đều góp phần vào việc nghiên cứu có hệ thống về thiên nhiên trên khắp thế giới.
Cùng một niềm tin từng nuôi dưỡng công việc tìm kiếm một “hệ thống” trong thiên nhiên của Linnaeus cũng đã làm ông xác tín rằng một người đơn độc không thể nào lãnh hội được hết chương trình của Đấng tạo hóa. Ông biết rất rõ hệ thống “giới tính” của ông không tự nhiên, mà chỉ là một cách tiện lợi để phân loại các mẫu thiên nhiên. Một sự phân loại tự nhiên đúng nghĩa phải tập hợp được những cây có chung một con số lớn những thuộc tính giống nhau.
Khi các học trò của Linnaeus thu thập được thêm hàng ngàn “loài” với thêm nhiều ví dụ về sự lai giống, ông bắt đầu mạnh bạo nghĩ rằng có thể không phải mọi loài đã được dựng nên lúc khởi đầu. Có thể có những loài mới được phát sinh về sau do sự phối hợp của những loài của một giống khởi thủy với một loài của một giống khác. Điều này mở ra những khả năng thay đổi lộn xộn và khi Linnaeus thỉnh thoảng suy nghĩ về nguồn gốc của các loài, ông cảm thấy mình rơi vào bế tắc. May thay, đức tin tôn giáo và tính khí thực tiễn của ông đã giúp ông không bị tê liệt với sự suy nghĩ về nguồn gốc (là điều mà có lẽ chỉ mình Tạo hóa là biết được. Các người ngưỡng mộ ông thường nói, “Deus creavit, Linnaeus disposuit” (Thiên chúa tạo dựng vạn vật, Linnaeus phân loại vạn vật).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.