Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

SÁCH ĐẾN TAY MỌI NGƯỜI



Đến giữa thế kỷ 15, trước làn sóng tràn ngập của cuộc Phục Hưng ở ý, nghề làm sách (nghĩa là nghề chép sách) đã là một công nghệ phổ biến, tập trung tại các thành phố đại học…
Sách đến tay mọi người
Thời Trung Cổ, các đại học có ít thư viện chính thức, mà các giáo sư lại cần sách. Họ có thể có sách từ những người bán sách dạo, một nguồn không đáng tin cậy mà các giáo sư không thể kiểm soát. Việc cho thuê sách, thường có giá theo từng thếp, là một quyền ưu tiên mang lại lợi nhuận cho đại học và cũng ngăn ngừa việc phổ biến các sách cấm. Danh mục sách có sớm nhất của Đại học Paris năm 1286 liệt kê khoảng một trăm ba mươi tám tựa sách cho thuê. Tại đại học Bologna và các nơi khác, mọi giáo sư phải cung cấp cho “người đứng quầy sách” một bản giáo trình của mình để quầy sách chép ra và cho thuê hoặc bán. Các người bán sách dạo vẫn còn lưu hành những sách cấm, nhưng những người đứng quầy sách đã trở thành nguồn phân phối chính thức các sách giáo khoa và văn phòng phẩm và cũng điều hành một thư viện lưu động.
Đến giữa thế kỷ 15, trước làn sóng tràn ngập của cuộc Phục Hưng ở ý, nghề làm sách (nghĩa là nghề chép sách) đã là một công nghệ phổ biến, tập trung tại các thành phố đại học. Chủ nhà sách người Florentin là Vespasiano da Bisticci (1421-1498), trước kia từng đi thu các thủ bản cổ điển cho các ông chủ giàu có của mình, nay đã là người có trong tay một lúc bốn mươi lăm người thợ chép sách để chép hai trăm tác phẩm cho thư viện của dòng họ Medici ở Tu viện Fiesole. Các nhà xuất bản đã từng sử dụng những bản khắc gỗ cho các hình vẽ sách của họ. Một thời gian đã trôi qua trước khi các trường đại học có những thư viện riêng của mình và rồi chúng đã gia tăng rất nhanh. Vào giữa thế kỷ 14, thư viện của Sorbone đã có một thư mục gần hai ngàn cuốn sách.
Ngành in đã tăng số sách in nhiều chưa từng thấy trước kia. Những ước tính đáng tin cậy nhất cho thấy rằng, trước Gutenberg, các sách thủ bản ở châu Âu có thể tính được bằng đơn vị hàng ngàn. Dân số châu Âu thời đó có lẽ dưới một trăm triệu và hầu hết không biết đọc. Đến năm 1500, đã có khoảng mười triệu sách in được lưu hành, cộng với kho sách chép tay vẫn đang tăng lên.
Những thập kỷ đầu tiên của ngành in ở châu Âu được đánh dấu bằng việc gia tăng đều đặn số lượng bản in mỗi lần in. Trước khoảng năm 1480, một số sách chỉ có số lượng in là 100 bản; đến năm 1490, con số trung bình đã lên tới 500. Đến 1501, khi thị trường được tổ chức tốt hơn và sách đã hạ giá mạnh, số lượng bản in trung bình mỗi lần đã lên tới gần con số ngày nay. Aldus Manutius thường in mỗi lần 1.000 bản. Trong thế kỷ tiếp theo, một lần xuất bản lên tới con số 2.000 bản.
Một yếu tố quyết định mới trong ngành làm sách là nhu cầu và cơ hội để nhà xuất bản ước tính khối lượng người mua sách cho mỗi đầu sách. Sẽ còn bao nhiêu người mua nữa khi tái bản một sách của Cicero, một khảo luận về pháp luật, những sách thơ của Pettarch, một tác phẩm của Erasmus, một số sách thực vật học, một sách truyện phiêu lưu, hay một sách giáo khoa về thiên văn học. Một cuốn sách được in ra đã đủ chứng tỏ rằng có một nhà in nào đó chấp nhận rủi ro khi đầu tư tiền bạc của mình với cơ may có được hàng trăm hay hàng ngàn độc giả quan tâm tới nội dung cuốn sách.
Vào thời hoàng kim của các thư viện trung cổ, sách là một vật quá quí báu đến nỗi người ta phải xích nó vào kệ sách hay vào một thanh sắt đặt ngang trên bàn để cho người ta tham khảo. Biểu tượng của các thư viện cổ là cuốn sách bị xích. Hàng trăm cuốn sách bị xích như thế, gọi là catenati, vẫn còn thấy được trưng bày gọn ghẽ trên những kệ của thư viện Nhà Thờ Lớn Hereford. Hậu quả to lớn nhất của ngành in là sức mạnh của máy in để giải phóng sách khỏi những xiềng xích này. Khi sách có nhiều hơn, chúng không còn bị xích và đặt nằm chồng lên nhau nữa, nhưng được dựng đứng sát cạnh nhau để phô bày gáy sách, tựa sách và tác giả.
Sự gia tăng các sách về mọi đề tài là một thách đố cho các nhà triết học vẽ lại bản đồ toàn thể kiến thức nhân loại. Nhà triết học người Đức Leibniz đã kiếm sống bằng nghề thủ thư và đã giúp các công tước Brunswichk – Luneburg ở Hannover sắp xếp bộ sưu tập 3.000 cuốn sách của họ. Rồi ông cũng tổ chức 30.000 cuốn sách của thư viện Công Tước ở Wolfenbuttel, bằng việc lần đầu tiên tạo ra một danh mục đầy đủ các tác giả theo thứ tự ABC. Ông cũng đã đề nghị thiết kế một thư viện chống lửa với những hành lang và những kệ sách đặt trên những trụ xây. Nhưng Công tước đã bác bỏ dự án thiết kế này và làm một thư viện bằng gỗ, kết quả là các người nghiên cứu phải lạnh run vào mùa đông vì để lò sưởi sẽ vô cùng nguy hiểm. Leibniz coi thư viện là một cộng đồng của mọi kiến thức, người thủ thư như người phục vụ giúp cho cộng đồng cập nhật và trao đổi một cách tự do. Ông đã đi tiên phong trong việc phân loại sách, đưa ra những dụng cụ trợ giúp để tìm sách theo thứ tự ABC và làm những tóm lược sách để giúp các học giả. Thư viện là cuốn bách khoa của ông.
Hơn ba thế kỷ sau khi Gutenberg phát minh ra máy in, đã bắt đầu có một bước tiến bộ cơ bản hướng tới việc đón nhận những người khiếm thị vào thế giới sách vở. Người mù hình như bị kết án để sống mãi trong thời đại văn học bằng miệng. Nhưng rồi vào kỷ nguyên cuộc Cách Mạng Pháp, một thầy giáo dạy tập viết người Pháp tên là Valentin Hauy (1745-1822) đã nảy ra ý tưởng đơn sơ là người mù có thể đọc sách bằng ngón tay của họ. Ông đã chế ra một loại chữ italic giản lược bằng chữ nổi và ông đem dạy cho các học sinh tại Trường Hoàng Gia dành cho Trẻ Em Mù, do ông sáng lập tại Paris năm 1785. Nhưng ông vẫn đứng trong viễn cảnh của người sáng mắt và đọc chữ bằng mẫu tự La tinh. Ông nghĩ rằng chỉ cần làm bảng mẫu tự đó thành chữ nổi là được.
Để giúp người mù quen với thế giới chữ viết, phải cung cấp cho họ một hệ thống có thể sử dụng được cả để đọc và viết. Giải pháp cuối cùng chỉ có thể đạt được nhờ ai đó giàu óc tưởng tượng đủ để bỏ hẳn mẫu tự của người sáng mắt. Một người Anh, T.M. Lucas, dựa theo mẫu của những phương pháp tốc ký mới, đã chế ra một bộ những ký hiệu phát âm bằng dấu nổi mà ông đã dùng để chuyển dịch sách Tân Ước năm 1837. Sau đó James H. Frere (1779-1866) đã tiếp tục chế ra một cách rẻ tiền để làm nổi những ký hiệu phát âm. Ông cũng đã sáng chế ra kiểu “dòng liên tục” – in những dòng chữ thay phiên nhau, một dòng chạy từ trái sang phải, dòng kế tiếp chạy từ phải sang trái – như thế ngón tay người đọc có thể di chuyển nhanh và chính xác từ dòng này sang dòng khác.
Sau cùng, vấn đề đọc sách bằng ngón tay được giải quyết bởi một thanh niên mù mười sáu tuổi, Louis Braille (1809-1852), đã trở thành một học sinh ở Trường Mù của Hauy. Braille bị mù từ ba tuổi do một tai nạn khi cậu cầm dao đâm phải một mắt trong xưởng da của cha cậu. Rồi chứng viêm mắt đau lây đã làm cả hai mắt cậu bị mù. Dù vậy, cậu đã trở thành một tay chơi đàn xêlô và organ xuất sắc và khi lên 10 tuổi, cậu được một học bổng để vào học Trường Mù của Hauy. Hauy đã có một chút thành công nho nhỏ trong việc dạy trẻ em mù đọc những chữ nổi mẫu tự La tinh của ông. Khi Braille đến Trường này, mới chỉ có mười bốn sách được làm chữ nổi trong chương trình của Hauy và những sách này cũng ít được dùng. Brai thấy những chữ nổi mẫu tự La tinh rất khó đọc, nên đã quyết định chế ra một hệ thống có thể giúp người mù viết cũng như đọc.
Chàng trẻ Braille nhanh nhạy đã tìm ra chìa khóa không phải trong lớp học nhưng trong một hệ thống được đề nghị cho các quân lính ngoài mặt trận ban đêm khi họ cần liên lạc với nhau nhưng không dám đốt lửa lên và như thế họ gặp cùng những vấn đề của người mù. Đại úy Charles Barbier, một sĩ quan pháo binh Pháp, đã phát minh ra phương pháp “viết trong đêm tối”, bằng cách dùng một phên mười hai dấu chấm nổi. Barbier đã gộp những dấu chấm lại và kết hợp chúng thành nhiều kiểu để biểu thị các chữ và âm. Nhược điểm của phương pháp Barbier là “tổ” mười hai dấu chấm của ông tuy khá dễ đọc đối với người sáng mắt, nhưng lại không tiện để đọc bằng ngón tay và không thực tế để viết. Braille nhìn ra những nhược điểm này, nhưng cũng được khích lệ bởi những khả năng của phương pháp. Cậu rút “tổ” mười hai dấu chấm này xuống còn sáu chấm nổi, rồi chế ra một cây viết đơn sơ và một khung để viết. Phương pháp của cậu bé Braille 16 tuổi này đã gây ngạc nhiên cho thầy hiệu trưởng của Trường Mù vào năm 1825, về cơ bản cũng vẫn là phương pháp còn đang được người mù ngày nay sử dụng. Tập sách nhỏ 32 trang của Braille (do trường xuất bản năm 1829 bằng hệ thống cũ với chữ La tinh nổi) cho thấy hệ thống 6 chấm nổi của ông có thể được sử dụng thế nào cả cho các ký hiệu toán học và âm nhạc cũng như cho bản chữ cái. Braille cũng mô tả cây viết và cái khung để giúp người mù có thể viết bằng chữ Braille.
Phương pháp của Braille quá mới mẻ (và quá đơn giản) nên đã không được chấp nhận ngay lập tức. Nhưng sau 25 năm, nó đã được chấp nhận bởi Trường Hauy, rồi bởi một hội nghị ở Paris năm 1878 và được chuẩn hóa để sử dụng cho thế giới nói tiếng Anh vào năm 1932. Năm 1892, tại trường mù Illinois, một máy viết chữ Braille đã được sáng chế. Người ta cũng đã thử nghiệm các loại phương pháp khác. Wiliam Moon, người bị mù vào năm 1840 khi hai mươi tuổi, đã chế ra một phương pháp cho những người bị mù khi đã lớn và phương pháp của ông cũng đang được một số nơi tiếp tục sử dụng. Nhưng Braille mới chính là một Gutenberg của người mù. Những người khiếm thị trong thế giới phương Tây vẫn đang đi theo con đường dẫn tới máy in do cậu bé thông minh người Pháp này sáng chế ra. Ở thế kỷ 20, kỹ thuật ghi âm đã tạo khả năng cho những “sách biết nói” – vốn là một trong những mục tiêu của Edison khi ông sáng chế ra máy đĩa hát. Nhưng vẫn chưa có phương pháp nào thay thế được một cách thỏa mãn sáng chế của Braille. Cuối thế kỷ 20, Thư Viện Quốc Hội Mỹ thông qua Phòng Thư Viện Quốc Gia Cho Người Khiếm Thị và Khuyết Tật, đã cống hiến trên 30.000 cuốn sách dưới nhiều dạng và hằng năm vẫn chuyển dịch khoảng 2.000 cuốn mới và 1.000 tạp chí hiện có sang sách bằng chữ Braille.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.