Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

ĐỘNG CƠ THÚC ĐẨY VIỆC SAO CHÉP



Sự nguồn gốc, “in” có nghĩa khác nhau giữa người phương Tây và người phương Đông. Ở châu Âu, sự xuất hiện của ngành in đồng nghĩa với kỹ thuật sử dụng những khuôn chữ di động làm bằng kim loại.
Còn Tại Trung Hoa và các nước châu Á khác, in bằng bản khắc gỗ là một phát minh quyết định và sự xuất hiện của ngành in đồng nghĩa với kỹ thuật in bằng những bản khắc gỗ. Vì vậy chúng ta không nên lẫn lộn việc in ấn ở phương Tây với việc in ấn ở phương Đông.
Động cơ thúc đẩy việc in ấn ở Trung Hoa lúc ban đầu không phải là để phổ biến kiến thức mà là để bảo đảm những lợi ích tôn giáo hay pháp thuật nhờ việc in sao một ảnh thánh hay một bản văn thánh. Làm ra những hình ảnh giống nhau cho những bản in lụa từ một khuôn khắc trên gỗ là một nghệ thuật dân gian đã có từ lâu đời. Ít là từ thế kỷ 3 người Trung Hoa đã chế ra một loại mực in cho những hình sắc nét và bền từ những khuôn khắc gỗ. Họ thu chất khói đèn dầu hay khói củi, chấm vào một cái que rồi hòa tan trong một chất lỏng, thường gọi là mực ấn Độ, nhưng chính xác hơn phải gọi là mực tàu.
Nghệ thuật in bằng bản khắc gỗ đã bắt đầu phát triển từ thời nhà Thương (618-907). Triều đại này có thái độ khoan dung với mọi loại giáo phái và tín ngưỡng – các môn sinh của Đạo giáo và Khổng giáo, các nhà truyền giáo của Kitô giáo, các giáo sĩ Bái hỏa giáo và tất nhiên, các tu sĩ Phật giáo. Mỗi giáo phái này đều có những loại ảnh thánh và kinh thánh của mình. Vào đầu thế kỷ 7, thư viện của hoàng đế đã chứa khoảng bốn mươi ngàn cuộn thủ bản.
Các tu viện Phật giáo đặc biệt năng động trong việc thử nghiệm những phương pháp khác nhau để in sao những hình ảnh, vì theo nhà viết sử Thomas Francis Carter nhận định, cốt lõi của Phật giáo chính là “động cơ thúc đẩy việc in sao”. Cũng như bản thân các tín đồ phải trở thành những bản sao của Phật, thì tín đồ Phật giáo cũng có thể đạt “công trạng” nhờ việc nhân bản những hình ảnh của Phật và những bản văn thánh. Các tu sĩ Phật giáo tạc những ảnh tượng trên đá rồi mài nhẵn, họ làm những con ấn, thử những bản sáp trên giấy, trên lụa và trên những bức tường thạch cao.
Đúng vào thời kỳ những thuật in bằng bản khắc gỗ đang phát triển ở Trung Hoa, thì ở bên kia bờ biển, Nhật Bản đang được biến đổi dưới ảnh hưởng của Trung Hoa. Vào thế kỷ 7, những thủ lãnh hùng mạnh như Thái tử Shotoku (593-622) đã qui tụ những bộ lạc do các giáo sĩ làm thủ lãnh thành một chính phủ tập trung theo kiểu Trung Hoa. Thần đạo, một tôn giáo thờ thiên nhiên xa xưa và đa dạng, vốn là tôn giáo gốc của các bộ lạc. Các phái đoàn do chính quyền Nhật Bản gởi sang Trung Hoa sử dụng Phật giáo làm phương tiện du nhập những tập tục của Trung Hoa. Các sinh viên từ Trung Hoa trở về nước mang theo một số kiến thức về tiếng Trung Hoa cùng với nghệ thuật và văn chương Trung Hoa. Thái tử Shotoku nhại lại lời hoàng đế Trung Hoa, đã viết trong thư phúc đáp là “Hoàng đế của Mặt trời mọc gởi hoàng đế của Mặt trời lặn”. ảnh hưởng của Phật giáo đạt tới đỉnh cao khi Nhật Bản xây (710-84) một thủ đô nguy nga tráng lệ tại Nara, theo mẫu của thủ đô Trường An của Trung Hoa, với một bức tượng Phật bằng đồng nặng 550 tấn (735-49), cao 72 feet, được mạ bằng năm mươi cân vàng, ngày nay vẫn còn là bức tượng đồng lớn nhất thế giới.
Việc in ấn quy mô lớn của chính quyền là hình thức in ấn chủ yếu và hạn chế của ngành in Trung Hoa trong những thế kỷ tiếp theo. Phong Đạo, tể tướng của triều đại ở miền Trung Trung Hoa từng chiến thắng nhà Chu ở miền tây Trung Hoa, đã giải thích trong kỷ yếu chính thức của ông năm 932:
Dưới triều Hán, các hiền nhân Khổng giáo được tôn sùng và các Kinh điển được khắc trên đá… Vào thời nhà Thương, cũng có những bản khắc trên đá những bản văn Kinh điển tại trường Hoàng cung. Triều đại chúng ta có quá nhiều việc khác phải làm và không thể đảm đương việc khắc và dựng những bia đá. Tuy nhiên, chúng tôi đã thấy những người nhà Vũ và nhà Chu bán những sách được in bằng những bản khắc gỗ. Có nhiều bản văn khác nhau, nhưng trong số đó không có những bản Kinh điển chính thống nào (của Khổng giáo). Nếu các Kinh điển có thể được hiệu đính và khắc gỗ rồi phát hành, việc học hỏi văn chương có một đà tiến rất mạnh.
Việc biên tập và ấn hành những kinh điển của Khổng giáo đã phải mấy 21 năm. Năm 953, khi viện trưởng Hàn Lâm viện Quốc gia trình lên hoàng đế toàn bộ 130 cuốn sách kinh điển Khổng giáo, ông đã tự phụ rằng giờ đây họ đã thấy “giáo lý hoàn vũ trở thành bất tử”.
Mục đích việc in ấn vẫn là sự chính thống chứ không phải sự quảng bá. In trong tiếng Trung Hoa được gọi là “ấn”, là “dấu ấn”, và vì thế có nghĩa sự xác nhận chính thức. Cho tới năm 1064, mọi ấn bản tư nhân các sách của Khổng Tử hay bất kỳ điều gì khác đều là bất hợp pháp và chỉ được phát hành những tài liệu được nhà nước phê chuẩn chính thức.
Thuật in bằng bản khắc gỗ đã giúp phát triển nền văn học Trung Hoa trong thời phục hưng của nhà Tống (960-1127) và những sách của Khổng Tử được in ra đã giúp phục hưng nền văn học Khổng giáo. Trước cuối thế kỷ 10 đã xuất hiện cuốn đầu tiên trong bộ đại lịch sử các triều đại Trung Hoa, một bộ lịch sử hàng trăm cuốn và đã mất 70 năm để hoàn thành. Đồng thời vào năm 983 Phật giáo cũng đã in ra một bộ sách còn ngoạn mục hơn nhiều, bộ Kinh phật kình tam giác (Tripitaka), trọn bộ Kinh phật 5,048 cuốn với tổng cộng 130,000 trang, mỗi trang là một bản khắc gỗ riêng. Vua Triều Tiên cũng được hoàng đế Trung Hoa tặng một bộ và khi một thượng toạ Phật giáo đưa một bộ sang Nhật, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Nhật và được in dưới tựa đề suri-bon. Các giáo phái khác cũng in các sách kinh của họ. Bộ kinh của đạo giáo đã xuất bản năm 1019 với 4,000 cuốn.
Tại Trung Hoa cũng như ở phương Tây, sự xuất hiện của ngành in đã dẫn đến sự suy thoái của các nghệ thuật sử dụng trí nhớ. Một học giả Trung Hoa, Yeh Meng Te (1077-1148) đã báo cáo năm 1130 như sau:
Trước thời Thương, tất cả các sách vở đều là thủ bản, chưa có ngành in sách. Người ta coi việc sưu tầm sách là một vinh dự và không ai có nhiều sách… và vì vậy, các học sinh nhờ chăm chỉ sao chép các sách, nên cũng đã có khả năng để đọc thuộc chúng một cách chính xác hơn. Vào thời Ngũ Đại, Phong Đạo lần đầu tiên đã ghi nhớ triều đại của mình bằng viện yêu cầu thiết lập một cơ quan in sách chính thức của triều đại. Và rồi, vào những năm của triều đại chúng ta được gọi là Thiên hòa (990-94) đã có các quan được giao nhiệm vụ in các tài liệu và kỷ yếu lịch sử của triều đại thứ nhất và thứ hai nhà Hán. Từ đó trở đi, những sách in ngày càng có nhiều… và vì học sinh thấy dễ kiếm sách, nên việc học thuộc lòng đã bị lãng quên.
Tương lai của việc in ấn ở phương Đông và phương Tây và sự dễ dàng mở rộng các cộng đồng trí thức không chỉ tùy thuộc kỹ thuật và những vật liệu in ấn, mà còn tùy thuộc chính ngôn ngữ. Sự thiếu bảng chữ cái ở Trung Hoa luôn là một vấn đề. Người Trung Hoa đã thử những loại khuôn chữ di động từ lâu trước người châu Âu.
Sau khi việc in những cuốn sách kinh điển của Khổng Tử đã khiến người Trung Hoa nhận ra ưu thế của sách in vào thế kỷ 70, người ta đã thử thay thế bản khắc gỗ bằng những khuôn chữ bằng đồng.
Vào những năm đầu của triều Tống, một nhà chép sử đã ghi lại: Kể từ khi Phong Đạo bắt đầu in các sách Ngũ Kinh, tất cả các tác phẩm kinh điền đều đã được in thành sách.
Trong thời kỳ Ch’ing-li (1041-48) Phi Sheng, một người dân thường, đã sáng chế ra khuôn chữ in. Phương pháp của ông như sau: Ông lấy đất sét rồi cắt thành những chữ mỏng như mép của một đồng xu. Mỗi chữ là một khuôn riêng. Ông nung nó trong lửa cho cứng. Trước đó ông đã chuẩn bị một cái khay bằng sắt và phủ mặt khay bằng một hỗn hợp nhựa thông, sáp và tro giấy. Khi muốn in, ông lấy một khung sắt và đặt nó trên khay sắt. Trên khay này ông đặt các khuôn chữ, xếp sát lại với nhau. Khi khung sắt đã dầy, cả khay trở thành một khối các khuôn chữ cứng. Rồi ông đặt nó lên lửa và nung nóng. Khi chất dẻo (ở mặt sau) hơi chảy ra, ông lấy một miếng gỗ mịn và ép nó lên bề mặt, khiến cho khối khuôn chữ có bề mặt phẳng như một mặt đá mài.
Nếu chỉ in một vài bản thôi thì phương pháp này rất bất tiện và chậm chạp hơn. Nhưng nếu in hàng trăm hay hàng ngàn bảng, nó nhanh vô cùng.
Nhưng tiếng Trung Hoa không có mẫu tự và như thế họ phải cần đến hơn ba mươi ngàn khuôn chữ riêng biệt. Làm sao có thể xếp chúng để có thể dễ lấy ra? Một phương pháp tiện lợi là xếp các chữ theo năm dấu âm của tiếng Trung Hoa, rồi lại phân chia thành những tiết điệu theo sách Tiết điệu chính thức. Với tiêu chuẩn này, các thợ in làm ra những chiếc bàn xoay, mỗi chiếc có đường kính khoảng 7 feet, trên đó có một khung tre tròn chia thành những ngăn. Dù có những trợ giúp này, việc xếp chữ vẫn rất vất vả và việc thay những chữ ra để dùng lại cũng rất nhàm chán.
Ngược lại với hoàn cảnh bên Trung Hoa, một số tính chất đặc trưng trong lịch sử và địa lý của Triều Tiên tạo ra những nhu cầu và những cơ hội đặc biệt. Dưới thời đế quốc Mông Cổ, bán đảo Triều Tiên được quyền tự trị với một sự độc lập văn hoá khá lớn. Trong một giai đoạn ngắn, người Triều Tiên thực sự là những nhà in tiến bộ nhất trên thế giới. Nghệ thuật in bằng bản khắc gỗ giống như ở Trung Hoa đã được phát triển ở Triều Tiên từ trước thế kỷ 8. Đến đầu thế kỷ 12, các vua của triều đại Koryo đã lập một nhà in tại đại học quốc gia và họ cũng đã sưu tầm những kinh phật, không phải để dạy dỗ mà để lập một bản văn chuẩn. Một ấn bản Triều Tiên (1235-51) của Kinh phật kình tam giác đã được gởi tới triều đình Mông Cổ từ đầu thế kỷ 14.
Khi ngành in ở Triều Tiên đang phát triển thì việc thiếu gỗ để làm bản khắc trở thành một khó khăn lớn. Mặc dù Triều Tiên có nhiều rừng thông để lấy vật liệu làm mực, nhưng lại ít những loại gỗ cứng mặt mịn (cây táo, cây lê là những thứ gỗ thích hợp nhất để làm khuôn chữ và vì thế phải nhập khẩu từ Trung Hoa. Tại sao lại không dùng kim loại? Thế là họ đã thông minh thích ứng các khuôn họ vẫn dùng để đúc tiền và biến nó thành một dụng cụ để đúc khuôn chữ. Một chữ khắc trên gỗ hoàng dương được ép vào một khay chứa đất sét để tạo ra khuôn chữ. Sau đó đồng chảy được đổ qua một lỗ vào một khay được dùng để làm bằng mặt khuôn chữ. Khi đồng nguội đi, nó để lại một tờ kim loại mang khuôn chữ có kích thước và bề dày bằng một đồng xu, mà giữa thế kỷ 13 đã trở thành mẫu in chuẩn ở Triều Tiên.
Cơ hội mới có tínhquyết định để người Triều Tiên khai thác những lợi thế của khuôn chữ in của họ đến từ những cải cách trong chữ viết của họ. Trong nhiều thế kỷ người Triều Tiên vẫn chỉ viết ngôn ngữ của mình theo các chữ tượng hình của Trung Hoa. Vua Sejong (1419-1450), một vị vua vĩ đại của một triều đại mới năng nổ, đã muốn có một “chữ viết cho dân chúng” nên đã ra lệnh cho các nhà nghiên cứu chế ra một bản chữ cái. Năm 1446 những người này đã soạn ra một bộ chữ Hàn mới gồm 25 chữ cái không dựa trên một bộ chữ cái đang có nào.
Giá mà những học giả và nhà in Triều Tiên sẵn sàng nắm lấy những lợi thế của bộ chữ cái họ mới phát minh, thì tương lai của ngành in và có lẽ của cả nền khoa học và văn minh của họ đã khác hẳn. Nhưng họ đã cố chấp giữ lại lối viết Trung Hoa và cuối cùng đã biến bản mẫu tự của họ trở thành giống như của Nhật Bản. Kết quả đáng tiếc là việc in tiếng Hàn, giống như tiếng Trung Hoa, cần đến hàng ngàn chữ khác nhau.
Khuôn chữ in đã vào Nhật Bản từ thế kỷ 16 qua hai ngả hoàn toàn khác nhau. Người châu Âu đầu tiên đến Nhật Bản một cách tình cờ khoảng năm 1543, khi một chiếc tàu Bồ Đào Nha bị đắm ngoài bờ biển Kyushu. Vị thánh dũng cảm Phanxicô Xaviê (1506-1552) đã đến đây năm 1549 để truyền đạo cho người Nhật. Theo sau là nhiều nhà truyền giáo dòng Tên nữa. Năm 1582 vị bề trên kinh lược dòng tên là Alessandro Valignano thuyết phục lãnh chúa của vùng Kyushu gởi một phái đoàn tới Giáo hoàng Gregorio XIII và năm 1590 họ trở về Nhật mang theo một máy in cùng với một vài thợ in châu Âu. Nhà in Truyền giáo dòng Tên đã hoạt động trong 20 năm. Ba mươi sách in còn tồn tại đã chứng minh tài năng của các tu sĩ dòng tên trong việc vượt qua những hàng rào văn hoá. Tất nhiên, hầu hết là những sách về giáo lý công giáo, nhưng vì họ biết những giới hạn của mình về tiếng Nhật, các tu sĩ dòng tên đã không tìm cách để dịch Kinh Thánh. Họ cũng đã in một số đầu sách để hấp dẫn người Nhật – gồm tác phẩm cổ điển Heike monogatari (1592), đôi khi được gọi là Iliad Nhật Bản, những sưu tập các châm ngôn Trung Hoa, những truyện ngụ ngôn Aesop (1593), các sách văn phạm la tinh và Bồ Đào Nha, một tự điển la tinh – Bồ Đào Nha – Nhật Bản và một tự điển Trung Hoa – Nhật Bản. Thành phần độc giả chắc chắn không đông, vì gần một nửa các đầu đề được in bằng chữ Nhật theo mẫu tự la tinh, mà chỉ rất ít người biết đọc. Các tu sĩ dòng tên đã dùng những mẫu chữ đẹp nhất châu Âu thời ấy – mẫu chữ của Francois Guyot, Claud Garamond và Robert Granjon. Trong cuộc bách hại các kitô hữu năm 1611, nhà in truyền giáo được dời đi Ma Cao, nhưng lúc đó nó cũng đã bỏ khuôn chữ kim loại để trở về khuôn chữ bằng gỗ cũ.
Ngả thứ hai khuôn chữ in đưa vào Nhật Bản là kết quả của công trình đầy tham vọng của Toyotomi Hideyoshi (1536-1598), vị tướng Nhật Bản đầu tiên muốn bành trướng một đế quốc Đông á. Trong số những chiến lợi phẩm quân lính của ông mang về từ cuộc xâm lăng Triều Tiên năm 1592 có những bộ chữ in di động của Triều Tiên. Ông dâng những bộ chữ này cho hoàng đế và hoàng đế đã truyền sử dụng những bộ chữ này để in các tác phẩm cổ điển Trung Hoa. Ngoài ra, hoàng đế này cũng đã đặt làm một bộ khuôn chữ mới bằng gỗ để in một loạt các “ấn phẩm hoàng gia” những tác phẩm cổ điển Trung Hoa (1597-1603), những sách này đã trở thành những sách đẹp nhất từng được in ở Nhật Bản.
Trong nửa thế kỷ tiếp theo, với những khuôn chữ bằng gỗ và đồng, ngành in đã phát triển mạnh hơn bao giờ hết ở Nhật Bản. Đã có nhiều ấn bản chính thức các tác phẩm cổ điển Trung Hoa và những sách về chiến lược quân sự và lịch sử.
Tới giữa thế kỷ 17, việc xuất bản sách tại Nhật Bản đã có một sức sống mới. Các nhà in của chính phủ, các tu viện Phật giáo, các nghệ nhân làm việc cho bạn bè và chủ của mình và các nhà in thương mại đã tạo ra một giới độc giả rộng rãi cho các sách in với những trang chữ tuyệt vời vì dễ đọc, thanh lịch, và hấp dẫn.
Tiếp theo là một thời kỳ ngắt quãng đột ngột trong lịch sử kỹ thuật tại Nhật Bản. Một cách đột ngột khó hiểu, kỹ thuật in bằng khuôn chữ di động đã bị bỏ ở Nhật Bản cho tới giữa thế kỷ 19 mới được người châu Âu mang vào trở lại. Kinh tế có ảnh hưởng mạnh hơn thẩm mỹ. Đối với tiếng Nhật, cứ tiếp tục khắc và đúc những khuôn chữ di động sẽ rất tốn kém, nhưng phải mất một nửa thế kỷ người ta mới khám phá ra sự kiện đắt đỏ này. Việc in bằng bản khắc gỗ truyền thống vẫn rẻ hơn và dễ dàng hơn.
Người Nhật không bao giờ phát minh ra một kỹ thuật để nhân bản những khuôn chữ rời. Vì họ không có những khuôn đúc giống như Gutenberg đã sáng chế tại châu Âu, nên đối với họ, làm riêng một bản khắc cho từng trang in ấn vẫn dễ dàng hơn sử dụng các khuôn chữ rời. Trong thế kỷ tiếp theo, những sách in bằng khuôn chữ rời ở Nhật Bản rất ít. Sau khi Iyeyasu trục xuất các nhà truyền giáo Kitô giáo bằng chỉ dụ 1614, nước Nhật đã bị đóng kín trong hơn hai thế kỷ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.