Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

VƯƠNG QUỐC CỦA GIỚI TRÍ THỨC



Đế quốc Rôma cổ xưa đã để lại một di sản sinh động khắp châu Âu. Dấu vết của luật lệ Rôma đã định nghĩa về tài sản, những hợp đồng, những trọng tội cho châu Âu và phần lớn thế giới còn lại.
Đế quốc Rôma cổ xưa đã để lại một di sản sinh động khắp châu Âu. Dấu vết của luật lệ Rôma đã định nghĩa về tài sản, những hợp đồng và những trọng tội cho châu Âu và phần lớn thế giới còn lại. Các ký ức về sự thống nhất chính trị đã khích lệ các nhà chủ trương chế độ liên bang suốt nhiều thế kỷ. Tiếng Rôma còn tồn tại đã tạo thành nền văn học chữ viết và tạo nên một cộng đồng tri thức châu Âu. Nhưng cái di sản đã từng thống nhất nền văn hóa châu Âu thì đồng thời cũng đã chia rẽ các cộng đồng của châu Âu. Vì trên cả lục địa này, tồn tại những cộng đồng hai ngôn ngữ.
Cộng đồng trí thức của Giáo hội và các đại học, cộng đồng những người đọc sách trong thời Trung cổ, đã được thống nhất bởi tiếng Latinh. Khi tiếng Latinh là ngôn ngữ của các đại học, thì chỉ có một hệ thống đại học châu Âu duy nhất, ít là xét về phương diện ngôn ngữ. Các giáo sư và sinh viên có thể di chuyển từ Bologna đến Heidelberg, từ Heidelberg đến Praha, từ Praha đến Paris, mà vẫn cảm thấy thoải mái trong lớp học như ở quê hương mình. Vô số sinh viên bình thường – cùng với Vesallius, Galileo và Harvey – đi từ một cộng đồng tri thức này sang một cộng đồng tri thức khác. Lần đầu và cũng là lần cuối, cả lục địa châu Âu đã có một ngôn ngữ tri thức duy nhất.
Nhưng tiếng La tinh, trong khi là sợi dây nối kết các người tri thức, cũng sẽ trở nên rào cản giữa những người trí thức của mỗi quốc gia với những đồng bào còn lại của mình. Người ta nói những ngônngữ khác ở nhà, ở chợ và tại những chỗ vui chơi giải trí công cộng. Khắp nơi người dân thường không nói tiếng La tinh nhưng nói “thổ ngữ”, nghĩa là tiếng nguyên quán địa phương. Trên khắp châu Âu, ngôn ngữ của giới trí thức là một ngoại ngữ. Kho từ vựng hỗn hợp kỳ lạ của giới trí thức còn dựng lên một rào cản nữa trên con đường hiểu biết lẫn nhau. Ý thức của người dân thường mang tính địa phương và thiển cận. Họ chỉ có thể nghe những tiếng nói của người sống. Đồng thời giới trí thức mắc phải chứng viễn thị hẹp hòi. Họ suy nghĩ cách ly với tầm hiểu của người bình thường bằng một ngôn ngữ và văn chương đặc biệt của thời xa xưa.
Không có gì trong bản tính của con người đòi hỏi sự chia rẽ một cộng đồng theo kiểu này, Đây là một sự cố của lịch sử châu Âu mà suốt nhiều thế kỷ đã hình thành, hướng dẫn và giới hạn lối suy nghĩ của cả một châu lục. Cho tới tận thế kỷ 16, nhà nhân bản học Đức Johnannes Sturn (1507-1589) vẫn còn nuối tiếc lợi thế của những người trẻ tuổi thời cổ. Người Rôma có hai lợi thế hơn chúng ta: một là biết tiếng la tinh mà không cần học và hai là thường xuyên được xem những vở diễn hài và bi kịch và nghe những nhà hùng biện La tinh diễn thuyết… Tôi ao ước những con người của thời đại chúng ta, khi viết và khi nói, không chỉ theo gương những bậc thầy thời xưa mà còn sánh ngang hàng được với những người lỗi lạc nhất trong thời đại cao quý nhất của Athen và Rôma.
Biết tiếng la tinh là một điều kiện tiên quyết để vào một trường đại học thời trung cổ. Chỉ đọc được các bản văn mà thôi thì chưa đủ. Vì mọi bài học đều được giảng bằng tiếng La tinh và sinh viên buộc phải nói tiếng la tinh ngoài lớp học, nếu không sẽ bị trừng phạt. Có lẽ đây cũng là một biện pháp để tránh nói nhiều. Tại đại học Paris, khi một sinh viên muốn đệ đạt một yêu cầu nào lên viện trưởng, quy luật buộc sinh viên phải trình bày hoàn toàn bằng tiếng la tinh và không được xen một từ tiếng Pháp nào vào. Trước khi tiếng địa phương trở thành phổ cập, La tinh được dùng làm tiếng nói chung để nói chuyện giữa các sinh viên thuộc các nước khác nhau và cần thiết cho đời sống chung của sinh viên. Chúng ta không thể biết các sinh viên có thể hiểu rõ bài học hơn hay không nếu không được giảng bằng tiếng la tinh. Nhưng trở ngại của tiếng La tinh có thể đã khiến cho nhiều “sinh viên” đại học không bao giờ dự thi để lấy bằng.
Tiếng la tinh của các đại học trung cổ trở thành một ngôn ngữ phong phú hơn, linh động hơn. Giống như tiếng Do thái mới, tiếng la tinh trung cổ được thích nghi cho những nhu cầu hàng ngày. Và tiếng la tinh này đã hình thành lôi suy nghĩ của các thành phần học thức trên khắp châu lục. Các môn artes liberales (khoa học nhân văn) là những môn nền tảng được quy định cho nền giáo dục tự do – nghĩa là những môn thích hợp nhất cho những con người tự do – có thể đã được gọi là “khoa văn chương”. Về bộ ba môn (trivium), chương trình toàn diện để lấy bằng cử nhân thời trung cổ gồm môn văn phạm, tu từ và lôgích, được học trong các tác phẩm La tinh của thời cổ đại Rôma. Chỉ khi lấy bằng cao hơn, bằng thạc sĩ, sinh viên mới phải thi bộ bốn môn (quadrivium) là số học, hình học, thiên văn học và âm nhạc. Những trích đoạn tác phẩm của Aristote và những tác giả khác bằng tiếng Hi Lạp được dạy cho sinh viên qua những bản dịch La tinh. Kinh Thánh cũng được giới trí thức đọc chủ yếu qua bản dịch phổ thông (bản Vulgata) là một bản dịch La tinh (383-405) dựa trên bản dịch của thánh Jerôm. Vào thế kỷ 13, phân khoa của Đại học Paris đã hiệu đính và sửa lại bản dịch của thánh Jerôm thành một bản dịch La tinh khác để làm bản chuẩn cho việc dạy thần học.
Nền văn hóa La tinh của châu Âu thời Trung cổ đã khó có thể hưng thịnh như thế nếu không có sự hăng say, niềm đam mê và sự khôn ngoan của thánh Biển Đức (480-543). Là ông tổ của hệ thống đan tu Kitô giáo tại châu Âu, ông còn là người bảo trợ các thư viện. Việc bảo tồn các kho tàng văn học thời cổ và của Kitô giáo suốt thời Trung cổ là một thành tựu của dòng thánh Biển Đức. Thánh Biển Đức là con một gia đình tốt lành và khá giải ở Nursia, gần Perugia, vùng Umbria, được gởi đi học ở Rôma khi quyền lực của đế quốc đang suy tàn và quyền lực của giáo hoàng đang vươn lên. Buồn phiền trước sự sa đọa của thành phố, ông lui về ở ẩn tại một hang trên núi Abruzzi. Khi danh tiếng về sự thánh thiện của ông được nhiều người biết đến, ông được mời làm bề trên của một tu viện, tại đó ông đã đưa các thầy dòng vào kỷ luật. Khi một thầy dòng bất mãn tìm cách đánh thuốc độc ông, ông lui về hang của mình. Nhưng tầm nhìn của ông tiếp tục mở rộng. Ông tiếp tục lập ở vùng đó mười hai tu viện, mỗi tu viện gồm mười hai thầy dòng, tất cả đặt dưới sự hướng dẫn của ông. Sau đó ông đi xuống phía Nam và lập đan viện Monte Cassino, khoảng năm 529. Tuy bị những quân Lombard và Saracen tàn phá và bị động đất làm rung chuyển, nó vẫn còn là một trung tâm lãnh đạo tinh thần cho phong trào đan tu tại châu Âu. Cuối cùng tu viện này đã bị bom san bằng trong thế chiến II.
Nhàn rỗi là kẻ thù linh hồn, vì thế các thầy trong một số mùa phải lao động chân tay và một số giờ phải đọc những sách đạo đức thánh thiện. Giữa Lễ Phục sinh và ngày đầu tháng mười, các thầy hãy chăm chỉ đọc sách từ giờ thứ bốn tới giờ thứ sáu…
Quy luật (Regula) của thánh Biển Đức là một sự thỏa hiệp hiệu quả giữa tinh thần siêu nhiên khắc khổ và những yếu đuối của bản tính con người. Sau một năm thử thách, thầy dòng trẻ sẽ khấn vâng giữ lời Quy luật và ở suốt đời tại cùng một tu viện (luật vĩnh cư). Tại mỗi tu viện các thầy dòng sẽ bầu đan viện phụ cho tu viện đó suốt đời, ngoài ra không có cấp bậc nào khác. Thời khắc biểu cho đời sống hàng ngày của các tu sĩ đã được thánh Biển Đức tổ chức hợp lý và đã dược áp dụng trên toàn thể châu Âu, nhờ đó đã duy trì và bảo tồn nền văn học La tinh cho các thế kỷ tiếp theo. Theo chương 48 của Qui luật Biển Đức:
Nhàn rỗi là kẻ thù linh hồn, vì thế các thầy trong một số mùa phải lao động chân tay và vào một số giờ phải đọc những sách đạo đức thánh thiện. Giữa Lễ Phục sinh và ngày đầu tháng mười, các thầy hãy chăm chỉ đọc sách từ giờ thứ bốn tới giờ thứ sáu… Giữa ngày đầu tháng mười tới đầu mùa chay, các thầy hãy chăm chỉ đọc sách cho tới giờ thứ hai. Trong mùa Chay, các thầy hãy chăm chỉ đọc sách từ buổi sáng cho tới giờ thứ ba và trong những ngày này của mùa Chay, các thầy lấy trong thư viện một cuốn sách và đọc hết sách đó. Những sách này được đưa ra vào đầu mùa Chay.
Mỗi tu viện đều cần có thư viện của mình. Một thầy dòng ở Normandie viết năm 1170, “Một tu viện không có thư viện (sine armatio) cũng giống như một lâu đài không có kho khí giới (sine armentario). Thư viện của chúng ta là kho khí giới của chúng ta”.
Các thư viện của các tu viện đương nhiên giữ những sách Kinh thánh, các tác phẩm của các Giáo Phụ và các sách chú giải Kinh thánh. Các sưu tập lớn hơn, đôi khi thấy ở các thư viện của các nhà thờ lớn, gồm những sách lịch sử như Lịch sử giáo hội của Bede, các tác phẩm của thánh Augustine, Albert Cả, Aquinô và Roger Bacon. Các sách thế tục gồm Virgil, Horace và Cicero. Các sách của Plato, Aristote và Galen cũng như một số các sách khác có bản dịch tiếng La tinh. Những thư viện như thế trên khắp châu Âu không chỉ là kho vũ khí cho các nhà thập tự chinh Kitô giáo, mà còn là những kho tàng của văn hóa châu Âu.
Nếu thánh Biển Đức là vị thánh quan thầy của các sách thủ bản thời Trung cổ, thì vị quan thầy thế tục lại là Charlemagne (742-814). Thật là một may mắn lớn cho nền văn minh phương Tây vì có một nhà cai trị giỏi mà đồng thời hăng say trong việc phát huy nền văn học như thế. Charlemagne đã trở thành hoàng đế của Thánh Quốc Rôma ngày lễ giáng sinh năm 800 và trở thành vị bảo trợ của nền văn học sách vở, nhà cải cách ngôn ngữ la tinh và mẫu tự Rôma. Charlemagne đã thừa kế ngôi vua cai trị người Frank năm 768. Là con người hung bạo và đầy tham vọng, ông đã dẹp tan mọi tranh chấp của thù địch và họ hàng, chinh phục người Saxon, chinh phục Lombardy và sau cùng đã tổ chức một vương quốc bao gồm bắc nước ý, Pháp và phần lớn nước Đức và đông Âu. Là một liên minh với Giáo hoàng và một Kitô hữu nhiệt thành, Charlemagne bị dằn vặt bởi sự suy thoái của nền văn học Kitô giáo. Ông thất vọng vì tiếng la tinh thô lỗ trong các thư người ta viết cho ông, ngay cả từ các giám mục và các tu viện trưởng. Cuộc phục hưng do ông đề xướng (Phục hung Carolingian) là một cuộc phục hưng tiếng la tinh.
Khi Charlemagne gặp thầy dòng đáng kính người Anh Alcuin (732-804) tại ý năm 781, ông đã thuyết phục thầy tới Aachen (aix-la-Chapelle) để tổ chức cuộc cải cách ngôn ngữ và giáo dục. Tại vùng yorkshire xa xôi, thầy Alcuin đã đề ra những tiêu chuẩn cao giúp cho trường của thầy ở nhà thờ nổi tiếng khắp châu Âu. Charlemagne cũng nhất trí rằng muốn hiểu đúng Kinh thánh cần phải thông thạo La tinh. Trong đạo dụ nổi tiếng của ông năm 789, do Alcuin viết, Charlemagne đã ra lệnh: “Trong mọi địa phận của giám mục và mọi tu viện, phải dạy về thánh vịnh, âm nhạc, ca hát, tính toán và văn phạm và phải có những sách được sửa chữa kỹ lưỡng”.
Thư viện phong phú của Charlemagne tại hoàng cung của ông ở Aachen đã trở thành một trung tâm văn hóa thu hút những học giả tỵ nạn Kitô giáo trốn tránh người Moors tại Tây Ban Nha và từ những đảo xa xôi ở Ai len. Ông ra lệnh cho môi trường học phải có một phòng chép sách.
Các học trò của thánh Biển Đức và các học giả của thời Phục hung Carolingian đã cải cách chính hình dạng các chữ viết của chúng ta. Họ đã cải tiến chức năng cũng như nét đẹp của các chữ cái bằng cách sáng tạo ra một số hình dạng mới. Trước thời đó tiếng La tinh chỉ viết bằng chữ hoa và người Rôma chỉ dùng chữ hoa. Không có chữ thường hay chữ nhỏ trên các tấm bia cổ xưa của người Rôma. Mọi chữ đều có cùng chiều cao, giới hạn giữa hai đường kẻ nằm ngang.
Dần dần các thầy dòng và các nhà chép sách bắt đầu thử nghiệm những chữ nhỏ với các hình dạng khác nhau. Họ lấy ý tưởng từ những đường nét chữ cong của các thư từ thương mại. Tình trạng hiếm giấy chỉ thảo và giá giấy da thì cao đã khiến cho họ phải tìm cách viết chữ cho thật sát nhau để tiết kiệm giấy. Đồng thời sự suy tàn của đế quốc Rôma cũng kéo theo sự lơi lỏng về những chuẩn mực chữ viết cũng như trong mọi lĩnh vực khác. Những sách kiến kỳ lạ của những tu viện biệt lập đã bắt đầu phân rẽ nền văn học của châu Âu La tinh.
Khi Alcuin đến với Charlemagne ở aachen, đương nhiên hai ông đã coi việc cải cách và chuẩn hóa chữ viết là mối quan tâm lớn hơn. Alcuin có kiến thức và khiếu thẩm mỹ để soạn ra những chuẩn mực, còn Charlemagne có quyền bính, tài tổ chức và ý chí để bắt buộc thi hành. Tại trường tập viết của mình ở tu viện thánh Martin ở Tours, Alcuin dạy chữ viết cải cách của mình. Ông đã nghiên cứu những trụ bia cổ và những thủ bản mới hơn để tìm kiếm những hình dáng chữ viết thanh nhã nhất, dễ đọc và dễ viết nhất. Các chữ in hoa của ông theo mẫu những bi ký trang trọng của Rôma dưới thời Augustus. Sau đó, dựa vào những kinh nghiệm của các thầy dòng khác và kinh nghiệm lâu năm của chính mình ở York, ông đã tạo ra một mẫu chuẩn cho các chữ thường. Mẫu chữ thường Carolingian của Alcuin đã tỏ ra thành công vượt quá ước mơ. Rõ ràng và đẹp, dễ viết và dễ đọc, nó được sử dụng trong mọi phòng chép sách và mọi thư viện. Bảy trăm năm sau, khi các khuôn chữ in di động đến châu Âu và sau một thời gian thống trị ngắn ngủi của chữ Gothic, các mẫu chữ đã được làm theo kiểu chữ thường Carolingian. Nhiều thế kỷ sau khi tất cả những tượng đài khác của Charlemagne đã sụp đổ, những trang sách của cuốn sách bạn đang đọc vẫn còn là lời nhắc nhở sống động về sức mạnh của chữ viết được thiết kế đẹp. Cái mà ngày nay chúng ta gọi là bộ chữ cái Rôma thực ra là bộ chữ cái của Alcuin.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.