Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

NHỮNG NHÀ KHÁM PHÁ GIỮA CÁC PHẾ TÍCH



Trong ít nhất 10 thế kỷ, các thợ cắt đá hoa Rôma đã mở ra nghề khai quật các phế tích, tháo dỡ các tòa nhà cổ, đào bới các đường lát đá xưa để tìm mẫu cho nghề của họ, và lấy nguyên vật liệu cho những công trình xây dựng mới.
Những nhà khám phá giữa các phế tích
Một phó phẩm mang lại nhiều lợi nhuận nhưng ít được biết đến từ sự vĩ đại của thành phố Rôma cổ là việc buôn bán những vật liệu xây dựng thời Trung Cổ. Trong ít nhất 10 thế kỷ, các thợ cắt đá hoa Rôma đã mở ra nghề khai quật các phế tích, tháo dỡ các tòa nhà cổ và đào bới các đường lát đá xưa để tìm mẫu cho nghề của họ và lấy nguyên vật liệu cho những công trình xây dựng mới. Khoảng năm 1150, một nhóm những thợ cắt đá hoa này thuộc Trường Cosmati thậm chí đã sáng tạo ra một kiểu đồ khảm làm từ những mảnh vật liệu. Các thợ cắt đá hoa theo cách của mình còn tiếp tục làm công việc của mình ở một mức độ còn dữ dội và tai hại hơn chính cuộc tàn phá thành Rôma do những người Goth năm 410, người Vandal năm 455, người Saracen năm 846 và người Norman năm 1084. Cuộc tàn phá của các thợ cắt đá hoa diễn ra liên tục, âm thầm và hoàn toàn được phép.
Các phiến đá mỏng của các bi ký cổ dễ được ráp thành những đường riềm và những ô nhỏ hay lát vào những lối đi, điều này cắt nghĩa tại sao nền nhà của những ngôi nhà thờ ở Rôma lại phong phú đến thế và có những bia chữ chẳng liên quan gì với nhau cả. Lấy một khối đá có sẵn từ một phế tích hay đào nó lên từ dưới lòng đất ở Rôma thì dễ hơn là khai thác nó trực tiếp từ những ngọn đồi ở Carrara. Trên đất Ý, các thành phố thi đua nhau mọc lên vào thời Trung Cổ đã tạo ra nhu cầu xây dựng những nhà thờ mới không bao giờ chấm dứt. Các vòm và tháp chuông cần có những nền móng bằng những khối đá lớn, tường dày và những đường cung đồ sộ.
Khi kỹ nghệ lớn mạnh dần và khi khối lượng vật liệu do các thợ cắt đá hoa Rôma đào bới được đã vượt quá nhu cầu của thị trường địa phương, người ta dần dần vận chuyển những vật liệu này trên những chuyến tàu ra khỏi Rôma để đưa sang những nhà thờ lớn mới xây ở Pisa, Lucca, Salerno, Orvieto và Amalfi và những nơi khác. Chúng ta có thể thấy những khối đá hoa Rôma trong nhà thờ lớn Aix-la-Chapelle của Charlemangne, trong Tu viện Westminster và trong những nhà thờ ở Constantinople.
Các giáo hoàng thời Phục Hưng vốn tỏ ra say mê nền văn hóa cổ điển đã có rất ít hành động để bảo vệ những di tích cổ. Thực ra, việc tàn phá những đền thờ ngoại giáo và những ngẫu tượng được coi là một nghĩa vụ đạo đức. Giáo hoàng Nicholas V (1397-1455) từng là người bảo trợ của Valla và nhiều nhà nhân bản khác, nhưng cũng chính trong thời giáo hoàng này mà nhiều di tích kiến trúc quan trọng nhất bị phá huỷ – quanh đền Capitol, trên đồi Aventine và trong hội trường Forum và chính hí trường Coliseum. Giáo hoàng Piô II là người đã ra một đạo dụ (28 tháng 4, 1549) bảo vệ những phế tích của Rôma và thậm chí còn viết một bài ca ngợi những phế tích đó, nhưng cũng dưới thời giáo hoàng này mà một số những đền đài đẹp nhất đã bị phá huỷ đi để lấy vật liệu cho công trình xây dựng mới ở Vatican. Sau cùng, khi giáo hoàng Phaolô III (1468-1549) thấy những pho tượng cổ đào lên được khi mở những đường mới bị quẳng cả đống vào các lò nung gạch, ngài đã lấy lại án tử hình cũ của Rôma dành cho những kẻ phá hoại những đền đài như thế. Biện pháp này làm gia tăng những bộ sưu tập của cá nhân nhưng không ngăn cản được những hành động tàn phá quy mô.
Tại sao lại phải bảo tồn những tàn tích của một quá khứ đã chết? Người ta ít quan tâm đến đời sống thường ngày của người ngoại giáo và lại càng ít nghĩ rằng mọi sự có thể đã khác như thế nào. Các bức họa thời Trung Cổ vẽ lại những người lính Rôma mặc những bộ giáp của thời Trung Cổ. Chỉ dần dần về sau các họa sĩ mới bắt đầu nhận ra rằng y phục đã thây đổi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Như chúng ta đã biết, Petrarch đã từng quan tâm đến những sự thay đổi này và đã thực sự sử dụng những nét đặc trưng về trang phục của người Hi Lạp để giải thích một đoạn văn khó hiểu trong Iliad. Mantegna (1431-1506) đã có tinh thần khá mới khi thử vẽ cảnh thờ phượng nữ thần Ctbele trong bối cảnh nguyên thủy của nó. Gilio da Fabriano đã nhấn mạnh trong tác phẩm Những Sai Lầm của các Họa Sĩ (1564): “Người họa sĩ cẩn thận phải biết vẽ những gì thích hợp với từng cá nhân, thời gian và địa điểm… Không phải một sai lầm sao khi vẽ thánh Jerome với một chiếc mũ đỏ, giống như những mũ của các hồng y ngày nay? Ngài đúng là một hồng y thực đấy, nhưng thời đó không đội mũ hồng y giống như bây giờ, vì mãi 700 năm sau đó, giáo hoàng Innocent IV mới quy định các hồng y đội mũ đỏ và mặc áo đỏ… Tất cả những sai lầm như thế là do sự ngu dốt của các họa sĩ”.
ý thức lịch sử mới xuất hiện sẽ từ từ biến đổi những nguồn đá hoa Rôma thành một bảo tàng viện khổng lồ ngoài trời, từ đó những du khách bình thường có thể khám phá lại quá khứ. Ở Anh hồi thế kỷ 18, từ “classical” nguyên thủy có nghĩa là “hạng nhất” hay chát lượng cao nhất, sau đã mang ý nghĩa chuyên biệt là “cổ điển”, nghĩa là một sản phẩm của Hi Lạp hay Rôma cổ. Cột trụ Rôma trở thành biểu tượng của vẻ đẹp kiến trúc và những vật “cổ điển” của thời cổ sẽ trở thành một tiêu chuẩn của cái đẹp.
Nhà tiên tri và người hùng thiết lập khoa kiến trúc mới là Johann Joachim Winckelmann (1717-1768). Là con trai của một thợ đóng giày nghèo ở Stendal nước Phổ, cậu từ chối đi theo nghề của cha. Ngược lại, cậu đến học ở một trường gần nhà, tại đây thầy giáo đang bị mù dần dần và cậu trở thành con mắt của thầy. Winckelmann không bao giờ quên ơn thầy là người đã đánh thức lòng say mê đọc sách của cậu. Từ rất sớm, cậu đã phát triển một mối đam mê tất cả những gì là của Hi Lạp. Thời ấy, các học giả Đức biết tiếng Hi Lạp chủ yếu chỉ để đọc sách Tân Ước. Lên 17 tuổi, Winckelmann đến Berlin thụ giáo một học giả nổi tiếng về lòng say mê văn học Hi Lạp. Lúc 21 tuổi, cậu tự xoay sở đi đến Hamburg để mua những sách cổ điển tại một thư viện nổi tiếng đang chuẩn bị phân tán.
Lớn lên trong nghèo khó, Winckelmann sẽ trải qua phần lớn đời mình dưới sự bảo trợ của những gia đình giàu có và quyền thế. Trong khi cậu làm gia sư cho gia đình Lamprecht giàu có, cậu bé Lamprecht có thân hình xinh đẹp đã kích thích nơi cậu “một mối đam mê khuấy động tâm hồn tôi”. Nhưng đây mới chỉ là một trong cả chuỗi dài những mối đam mê đơn phương ấy. Lòng say mê của Winckelmann trước vẻ đẹp tự nhiên của người đàn ông Hi Lạp đã làm mạnh thêm sự ngưỡng mộ của ông đối với nền điều khắc Hi Lạp.
Winckelmann khẳng định, “Không có dân tộc nào quý chuộng cái đẹp nhiều hơn người Hi Lạp”. Ông chia sẻ sự tôn thờ vẻ đẹp thể hình của người Hi Lạp, là điều đã khiến cho điêu khắc trở nên nghệ thuật lớn của họ. Trong khi ông chê cười những bức tượng dùng để trang trí mà ông gặp thấy ở Dresden, ông lại ca ngợi bức tượng Laocoon và hai đứa con bị con mãng xà biển đè bẹp và lời ca ngợi này của ông đã trở thành bản tuyên xưng của trường phái tân cổ điển.
Với việc xuất bản cuốn Lịch Sử Nghệ Thuật Cổ của ông năm 1764, Winckelmann đã trở thành một học giả lỗi lạc và tiếng tăm của ông lan đi khắp châu Âu. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Đức trở thành một kinh điển của văn học châu Âu.
Goethe là người rất ngưỡng mộ Winckelmann đã tuyên bố, “Winckelmann giống như Colômbô, chưa khám phá ra tân thế giới nhưng đã linh cảm trước được những gì sẽ phải xảy ra. Đọc sách của ông, người ta không học được điều gì mới, nhưng người ta trở thành một con người mới !”. Di sản của Winckelmann là một phong trào phổ biến – đưa lịch sử của nghệ thuật vào đời sống nghệ thuật. Hơn bất kỳ ai khác, ông là người có công làm cho những gì thuộc cổ đại Hi Lạp và Rôma đạt tới mức độ đồng nghĩa với “cái cổ điển”.
Khi mở ra quá khứ, bản thân Winckelmann không phải là người tìm tòi cho bằng người khám phá. Ông đã thức tỉnh châu Âu trước những cái đẹp của các nền văn minh cổ, mà ông mới chỉ nhìn thấy thấy lờ mờ. Ông sẽ kích thích nhiều người khác làm công việc tìm tòi. “Đây là cả một thế giới mới và bất ngờ mà tôi đang khám phá cho khảo cổ học !”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.