Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

SỰ THAY HÌNH ĐỔI DẠNG CỦA SÁCH



Trong khi các dân tộc sẽ được thống nhất nhờ những thổ ngữ mới của họ, những người đọc sách riêng rẽ có thể tìm kiếm những lục địa xa xăm và du hành vào trong quá khứ xa xưa.
Các ngôn ngữ sẽ trở thành những đường đi trong không gian và thời gian. Trong khi các dân tộc sẽ được thống nhất nhờ những thổ ngữ mới của họ, những người đọc sách riêng rẽ có thể tìm kiếm những lục địa xa xăm và du hành vào trong quá khứ xa xưa. Từ Cicero đến Gutenberg, sách vốn là phương tiện chuyển tải điều diệu kỳ của ngôn ngữ, sẽ được biến đổi thật sâu xa khiến không còn nhận ra được nữa. Định nghĩa chuyên môn hiện đại về sách, được các chuyên viên thư viện và UNESCO chấp nhận vì mục đích thống kê, cho thấy “sách” đã biến đổi. Theo định nghĩa này, một cuốn sách là một “ấn phẩm không định kỳ có ít là 49 trang không kể bìa”. Nhưng trong hầu hết lịch sử, sách thậm chí không có trang gì cả. Từ “cuốn” của chúng ta (các tiếng châu Âu gọi là volume” có gốc La tinh là volvere, nghĩa là “cuộn lại”) thoạt đầu là tên gọi những thủ bản được cuộn tròn thành cuốn. Thời Ai Cập cổ đại, người ta viết trên những tờ làm bằng sợi cây cói giấy mọc ở châu thổ sông Nil. Người ta đập dẹp những cây cói giấy rồi đan những sợi ngang và dọc để làm thành những tấm giống như chiếu. Những tấm này sau khi được ngâm ướt, nện cho mịn, rồi phơi khô, sẽ rất thích hợp để viết trên đó. Rồi người ta dính những tấm này lại với nhau thành những dải dài để làm những tấm biển ngữ căng trên các đền thờ Ai Cập xưa. Khi cuộn lại, chúng trở thành một “cuộn” hay “cuốn” dễ mang, dễ cất giữ và tương đối để được lâu. Đây chính là tiền thân của sách ngày nay.
Ở những nơi khác, đương nhiên, người ta cũng đã thử nhiều loại vật liệu khác để viết. Người Babylon cổ đại viết các chữ hình nêm của họ trên những bảng làm bằng đất sét còn ướt. Rồi họ đem phơi những bảng này dưới mặt trời nóng chảy của vùng Trung Đông, để có những tấm bia lưu truyền những thông điệp của họ qua hàng ngàn năm. Người Trung Hoa trước khi sử dụng giấy đã từng dùng những thẻ tre, rồi dùng những tấm vải lụa cũ. Tại ấn Độ, người ta viết trên những vỏ cây cáng lò và lá cây cọ. Tại Tibet, xương bả vai của con dê được dùng để khắc những câu thần chú. Da thú được dùng nhiều ở Trung Đông và người Miến Điện thường viết trên những tờ mỏng bằng đồng.
Nguyên liệu người Rôma dùng để viết là giấy cói Ai Cập. Trong Lịch sử thiên nhiên, Pliny Lớn (23-79.C.N) mô tả nhiều cấp độ, từ chất lượng hạng nhất lấy trong ruột cây cói gọi là “Augustan” và hạng hai gọi là “Livian” theo tên của hoàng hậu, cho tới những hạng kém chất lượng hơn ở gần vỏ ngoài thân cây. Để viết những đoạn ngắn, người Rôma thường dùng những bảng gỗ nhỏ đôi khi phủ một lớp sáp mỏng. Ở phương Tây những nơi có sẵn cây, người ta thường thích dùng giấy cói để viết hơn.
Kế đến, theo truyền thống kể lại, giấy da đã được vua Eumenes II (197-159 C.N) phát minh vì ông muốn làm cho thành phố Pergammum ở Tiểu Á thành một trung tâm văn hóa Hi Lạp lớn. Khi địch thủ của ông là vua Ptolêmê VI của Ai Cập cắt nguồn cung cấp giấy cói, ông đã chế ra một kỹ thuật mới để rửa sạch, căng ra và làm mịn da cừu và dê để có thể viết trên cả hai mặt. Đó là giấy da, tiếng Anh là parchment (từ tên thành phố Hi Lạp Pergamum). Loại giấy da thật mịn được gọi là “vellum” làm bằng da con bê hay da con dê non (từ tiếng Pháp cổ veel).
Giấy da là một phát minh làm cơ sở cho bước tiến bộ tiếp theo và lớn nhất trong kỹ thuật làm sách trước khi có máy in. Ý tưởng này quá đơn giản khiến chúng ta không ngờ nó là một phát minh. Các trang không còn được dính liền với nhau thành một dải dài và cuộn tròn thành một cuốn nữa. Thay vì cuộn, người ta khâu các trang lại thành một bộ (codex).
Sách cuốn có nhiều bất tiện. Người đọc phải trải dần cuốn thủ bản ra khi đọc rồi khi đọc xong lại phải cuộn lại nó để sau này sử dụng lại, giống như một cuộn phim phải cuộn lại sau mỗi lần chiếu. Vào thế kỷ 2 trước C.N khi người ta còn dùng sách cuốn, một cuốn sách trung bình dài 40 feet. Một số sách của Ai Cập trước kia còn có thể dài tới 150 feet. Không lạ gì nhà ngữ pháp Callimachus (305-240 trước C.N), thư viện trưởng của thư viện Alexandria, đã nói “một cuốn sách to làm người ta ngán”. Sau thời đó, các cuốn nhỏ hơn đã trở thành tiêu chuẩn. Nhưng hồi đó mỗi cuốn chỉ chưa được khoảng 750 dòng, những cuốn dài nhất cũng chỉ chứa được chừng hai trăm chữ và bản văn của Iliad và Odysseus phải dùng tới ba mươi sáu cuốn. Sách khi đọc phải mở ra rồi cuộn lại, vì thế sau mỗi lần đọc, bản văn bị hư mòn dần.
Ngược lại với sách cuốn, sách bộ bằng những tờ giấy da khâu lại có dạng giống như sách ngày nay tiện lợi hơn nhiều. Nó dễ sử dụng, bền hơn, chứa được nhiều nội dung hơn và gọn hơn để cất giữ. Với sách đó, dần dần người ta có thể đưa thêm vào nhiều mục ghi chú và tham khảo – một trang đầu đề, một bảng mục lục nội dung, đánh số trang và một bảng mục lục phân tích. Tất cả những đặc điểm này giúp chúng ta thích tra cứu. Chúng cũng giúp chúng ta dễ tìm kiếm, khích lệ chúng ta kiểm tra sự chính xác của những lời trích và những sự kiện đáng nhớ.
Sách bộ bằng giấy da đã được phương Tây sử dụng vào khoảng đầu kỷ nguyên Kitô giáo. Dựa theo mẫu các tập sách bằng lá cây dùng để ghi chép của người Rôma, nó đã được sử dụng trước tiên làm sách ghi chép hay làm sổ. Dạng sách mới này giúp cho các nhà rao giảng của Kitô giáo vừa mới khai sinh có thể giảng giải Tin Mừng trong các sách Tân ước của họ, thay vì những cuộn sách Cựu ước hay những cuộn sách Do Thái khác. Sách bộ khi dùng cho văn chương Kitô giáo có thể chứa được nhiều hơn là một bản Tin Mừng hay một Thánh Thư. Đến thế kỷ 4, các thủ bản ngoại giáo cũng xuất hiện dưới dạng sách bộ này. Nhưng dạng sách cuộn vẫn giữ được hào quang của truyền thống và còn được sử dụng một thời gian dài cho các văn kiện trang trọng và chính thức. Người Do Thái vẫn duy trì sách luật Torah của họ dưới dạng sách cuộn.
Người Trung Hoa từng chế ra một loại giấy thô từ năm 105 C.N, khi Ts’ai Lun lần đầu tiên chế ra giấy cho hoàng đế bằng cây dâu, lưới đánh cá và giẻ rách. Những tù binh chiến tranh người Trung Hoa bị người Ả Rập bắt giữ ở Samarkand đã chỉ cho họ nghệ thuật làm giấy. Năm 800, vị giáo chủ lỗi lạc Harun al-Rashid (764-809) đã truyền cho người ta chế tạo giấy cho ông ở Baghdad. Rồi nhờ người Ả Rập, giấy được đưa sang Byzance và qua Địa Trung Hải tới Tây Ban Nha, từ đó nó đã lan ra khắp châu Âu. Ngay cả trước khi có máy in, các thủ bản viết trên giấy cũng không phải hiếm và đã có những nhà máy giấy ở Tây Ban Nha, ý, Pháp và Đức. Nhưng thời đó giấy vẫn được di chuyển dưới tên gọi cũ là giấy cói.
Trong thời trung cổ, sách đã trải qua một chặng đường phát triển lâu dài và đã cải tiến rất nhiều so với những sách thời Cicero. Thế hệ sách in đầu tiên ở châu Âu đã chứng kiến những thay đổi cơ bản khác về thiết kế làm cho sách trở nên một phương tiện gọn hơn để chuyển tải kiến thức và phát minh.
Trong thời trung cổ, sách đã trải qua một chặng đường phát triển lâu dài và đã cải tiến rất nhiều so với những sách thời Cicero. Thế hệ sách in đầu tiên ở châu Âu đã chứng kiến những thay đổi cơ bản khác về thiết kế làm cho sách trở nên một phương tiện gọn hơn để chuyển tải kiến thức và phát minh.
Người tiên phong thiết kế ra loại sách gọn nhẹ dễ mang là một thợ in và nhà nghiên cứu người Venice tên là Aldus Manutius (1450-1515). Nhà in Aldine Press do ông lập là nhà xuất bản đầu tiên thời cận đại. Nhà xuất bản này đã in những sách bằng tiếng Hi Lạp, La tinh, Ý, gồm những sách thi ca và sách tham khảo.
Trong khi Gutenberg ở thế hệ những nhà in đầu tiên đã áp dụng kỹ thuật của thợ đúc kim loại để làm cho sách in khả thi về mặt kỹ thuật, thì chỉ hai thế hệ sau đó, Aldus đã là người tìm cách phổ biến sách ra thị trường. Và ông chứng tỏ rằng một người xuất bản sách có thể trở nên giàu có nhờ in ra những sách đẹp. Ông xuất thân từ một gia đình bình thường ở gần Rôma, học tại đó và giỏi La tinh, nhưng từ sớm ông đã say mê tiếng Hi Lạp. Năm 1490, ông tới ở Venice, nơi có thư viện Marciana là thư viện chứa nhiều thủ bản Hi Lạp nhiều nhất châu Âu, do một học giả say mê tiếng Hi Lạp và Hồng y Bessarion tặng cho Cộng hòa Venice. Năm bốn mươi tuổi, ông đã quyết định tạo bước ngoặt cho cuộc đời ông bằng cách từ bỏ đời sống của một học giả phiêu bạt để mở một hiệu in ở Venice, một ngành kinh doanh mới còn đầy rủi ro lúc ban đầu. Trong khi Venice đã là một trung tâm văn hóa Hi Lạp nổi tiếng nhờ công việc thương mại đường biển phồn thịnh, nó lại không có một nhà in sách Hi Lạp nào giống như ở Florence và Milan.
Niềm say mê của Aldus Manutius đối với nền văn hóa cổ Hi Lạp đã trở thành một chứng độc tưởng. Ông biến nhà của mình thành một hàn lâm viện Hi Lạp, tại đây những học giả Venice chỉ được nói tiếng Hi Lạp. Giữa thập niên 1490, khi Aldus bắt đầu thử nghiệm các font chữ Hi Lạp. Nhờ hiểu biết rộng, Aldus đã phát triển nghề của mình. Năm 1508, Erasmus kể rằng ông đã thấy một lực lượng ba mươi người làm việc trong xưởng in của Aldus.
Không giống Gutenberg, Aldus đã giao cho những người khác đúc những khuôn chữ do ông thiết kế, nhưng ông vẫn đích thân giám sát toàn bộ hoạt động in. Dần dần ông in thêm những sách bằng tiếng La tinh và rồi phát triển thêm sang một nhánh in sách tiếng Ý, với những tác phẩm của Dante và Petrarch. Sản phẩm tham vọng nhất của ông là 4 cuốn các tác phẩm của Aristote bằng tiếng Hi Lạp (1495-97).
Trước năm 1500 khoảng 150 nhà in Venice đã ra hơn bốn ngàn lần xuất bản, khoảng gấp đôi năng suất của Paris, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nó. Venice xuất bản khoảng một phần bảy tổng số sách được in ở châu Âu cho tới thời đó, tính ra là được 20 đầu sách cho mỗi đầu người của thành phố này. Từ trước cuối thế kỷ 15, những thợ chép sách bị mất việc vì máy in đã phàn nàn rằng thành phố của họ đã bị ngập sách.
Nhưng không nhất thiết máy in là tác nhân của tiến bộ. Nếu không có những ấn bản phổ thông của Aldus và các ẩn bản khác, triết học Hi Lạp và khoa học Hi Lạp đã không thể trở thành phổ cập trong những thế kỷ tiếp theo. Thế hệ những sách in đầu tiên đã quảng bá nhiều tác phẩm khoa học thời cổ đại hơn những tác phẩm khoa học mới. Trong y khoa, uy tín của Galen và trong thực vật học, uy tín của Dioscorides, đã được tăng cường bởi những cuốn sách lớn mới in ra. Aldus đã tỏ ra là người làm sống lại tư tưởng Hi Lạp.
Erasmus, người từng ái mộ nhà xuất bản Aldine, đã viết ra bản tuyên xưng cho các nhà xuất bản của mọi thời đại:
Dù người ta có thể hết lời ca tụng những con người do hành vi dũng cảm đã bảo vệ hay làm vẻ vang cho đất nước mình, những hành vi của họ chỉ ảnh hưởng tới sự phồn vinh vật chất và trong những ranh giới hạn hẹp. Nhưng con người vực tri thức đứng dậy sau khi bị té ngã (và việc này hầu như còn khó hơn là tạo ra nó lúc ban đầu), con người ấy đang xây dựng một điều gì thánh thiêng và bất tử và phục vụ không chỉ một tỉnh mà là mọi dân tộc và mọi thế hệ. Xưa kia nhiệm vụ này là của các vua chúa và vinh quang lớn nhất đã thuộc về Ptolêmê. Nhưng thư viện của ông bị đóng kín trong những bức tường chật hẹp của nhà ông và Aldus đang xây dựng một thư viện mà ranh giới của nó là cả thế giới.
Aldus là người tiên phong của hai sự cải cách mới trong nghệ thuật in sách – kiểu chữ “italic” (chữ nghiêng) và khổ sách “octavo” (khổ tám), Nếu kiểu chữ đen của sách Kinh thánh Gutenberg đã mãi mãi là kiểu chuẩn, hẳn các sách đã không trở thành gọn gàng như ngày nay. Vì kiểu chữ ấy không thích hợp để in một lượng tối đa chữ dễ đọc trên một trang giấy. Khoảng năm 1500 Aldus giao cho Francesco Friffo ở Bologna nhiệm vụ thiết kế một font chữ thực tế hơn. Font chữ hoàn toàn mới này dựa trên kiểu chữ viết cong thời đó được dùng tại những tòa án giáo hoàng và các nhà nhân bản học thường dùng kiểu chữ này để viết cho nhau. Những chữ này hẹp và thon, không trang trọng như kiểu chữ Gothic cổ, nhưng lại hợp với các kiểu chữ hoa roman. Cuốn sách đầu tiên in bằng kiểu chữ mới này là một ấn bản bằng khổ tám của Aldus năm 1501 cho tác phẩm của Virgil. Vì sách Virgil của Aldus được đề tặng nước Italia, nên kiểu chữ này đã được gọi là “italic”. Lúc đầu kiểu chữ này gồm những chữ thường và dùng những chữ hoa roman nhỏ. Aldus lấy kiểu chữ này làm chuẩn để in các tác phẩm cổ điển của mình. Nó vừa đẹp và dễ đọc, lại vừa chứa được nhiều từ trên một trang giấy.
Một phát minh lớn khác của Aldus là loại sách khổ octavo (khổ tám), nhỏ hơn, nhẹ hơn và vì thế dễ mang theo hơn. Trước Aldus cũng đã từng có những thủ bản và sách in khổ nhỏ hơn những cuốn sách cồng kềnh của các học giả mà chúng ta thường thấy ở các bức chân dung quen thuộc của thánh Augustine và thánh Jerome. Những sách khổ nhỏ thời đó thường là những sách đạo, những sách nguyện gẫm, những sách kinh để đọc trong các nghi lễ phụng tự, là những dịp duy nhất mà người ta mang sách ra ngoài một nhà thờ, một tu viện, hay một thư viện. Còn các học giả thường nghiên cứu những bộ sách lớn khổ folio (khổ hai) đặt trên một bục sách chắc chắn.
Những viễn tưởng của Aldus về người đọc thì khác hẳn. Để in loại sách khổ nhỏ, ông đã loại bỏ những chú thích dài dòng mà trong những ấn bản trước thường làm cho bản văn trở thành tối tăm. “Octavo” tên gọi khổ nhỏ hơn này, ban đầu chỉ vẽ khổ của một cuốn sách được làm bằng cách gấp mỗi tờ giấy lớn thành tám tờ nhỏ. Trong biệt chữ của ngành in ngày nay, sách khổ tám là sách có kích thước trang giấy khoảng 6 x 9 inches. Nhiều tác phẩm mà Aldus in khổ tám này đã được ông in khổ lớn “folio” (tờ giấy gấp đôi). Ông đã giải phóng sách ra khỏi phòng nghiên cứu chật chội của những học giả và đưa đi tung gieo bốn phương.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.