Thiên Đường Có Thật

CHƯƠNG 27: NGÀY NÀO ÐÓ, TA SẼ THẤY



TÔI NHỚ LẦN ĐẦU TIÊN chúng tôi công khai nói về những trải nghiệm của Colton. Đó là dịp thánh lễ buổi tối ngày 28 tháng  1năm 2007, ở nhà thờ Moutain View Wesleyan ở Colorado Springs. Trong thánh lễ buổi sáng, tôi thuyết giảng một thông điệp từ Tô-ma, vị tông đồ đã giận dữ vì các tông đồ khác, và cả Mary Magdalene, đã được nhìn thấy Chúa Ki-tô sống lại trong khi ông chưa được thấy. Câu chuyện được kể trong phúc âm của Gioan:

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Didymus, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

Một tuần sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”

Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” 1

Từ câu chuyện này, chúng tôi có thành ngữ quen thuộc “ông Tô-ma cứng lòng tin,” người từ chối tin một điều gì khi không có các chứng cứ thực thể hoặc trải nghiệm cá nhân trực tiếp. Nói cách khác, đó là một người thiếu lòng tin.

Trong bài giảng của tôi sáng hôm đó, tôi nói về cơn giận của bản thân và sự yếu lòng tin, về những phút giây sóng gió tôi đã trải qua trong căn phòng nhỏ trong bệnh viện, nổi giận với Chúa Trời, và về chuyện Chúa quay trở lại với tôi, qua con trai tôi, nói rằng, “ Ta đây.”

Những người tham dự thánh lễ hôm đó ra về đã kể cho bạn bè rằng một mục sư có người con trai đã lên đến thiên đường sẽ kể rõ hơn về chuyện đó trong thánh lễ buổi tối. Tối hôm đó, nhà thờ chật cứng người. Colton, lúc đó đã lên bảy, ngồi ở hàng ghế thứ hai cùng với em trai và chị gái cậu trong khi Sonja và tôi kể về trải nghiệm của cậu trong khoảng 45 phút. Chúng tôi chia sẻ về ông cố Pop, và việc Colton gặp người chị gái chưa được sinh ra; rồi chúng tôi trả lời các câu trong khoảng 45 phút sau đó.

Khoảng một tuần sau khi chúng tôi trở về Imperial, khi đang ở dưới văn phòng ngay tầng hầm tại nhà, kiểm tra email, tôi thấy một người trong gia đình mà Sonja, tôi và các con đã ngụ lại trong suốt chuyến đi đến Moutain View Wesleyan. Bạn bè của vị chủ nhà này đã đến nhà thờ vào tối hôm chúng tôi nói chuyện và đã nghe miêu tả về thiên đường từ Colton. Thông qua vị chủ nhà này, những người bạn đó đã chuyển cho chúng tôi xem email về một bài phóng sự đài CNN tiến hành mới hai tháng trước, vào tháng 12 năm 2006. Câu chuyện kể về một cô bé người Mỹ gốc Lat-vi tên Akiane Kramarik, sống ở Idaho. Email nói rằng Akiane, 12 tuổi vào thời điểm phóng sự của CNN, đã bắt đầu “nhìn thấy” thiên đường khi mới lên bốn. Các miêu tả của cô bé về thiên đường nghe rất giống với những gì Colton nói, và người bạn bè vị chủ nhà của chúng tôi nghĩ chúng tôi cũng quan tâm đến tin này.

Ngồi trên máy tính, tôi bấm vào đường dẫn đến đoạn phim dài 3 phút mở đầu bằng nhạc nền là một bản nhạc cổ điển chơi bằng đàn xê-lô. Giọng một người đàn ông cất lên: “Một họa sĩ tự học cho rằng cảm hứng của mình đến từ ‘trên cao.’ Những bức tranh tâm linh, đầy xúc cảm… và được sáng tác bởi một thần đồng 12 tuổi.” 2

Đúng là thần đồng. Khi tiếng đàn xê-lô vang lên, đoạn phim trình bày hết bức tranh này đến bức tranh khác vẽ những nhân vật trong giống như thiên thần, phong cảnh thôn dã bình dị, và hình nhìn nghiêng của một người rõ ràng là Chúa Giêsu. Rồi đến hình một bé gái tô màu cho bức tranh. Nhưng những bức tranh này không có vẻ gì là do một bé gái vẽ nên, hay thậm chí là do một người lớn đang học vẽ chân dung. Đây là những tác phẩm nghệ thuật tinh tế có thể được trưng bày ở bất kỳ phòng tranh nào.

Akiane bắt đầu vẽ từ năm lên 6, giọng thuyết minh vang lên, nhưng từ lúc 6 tuổi, cô bé “đã bắt đầu miêu tả cho mẹ về những cuộc viếng thăm của mình đến thiên đường.”

Rồi Akiane lên tiếng phát biểu: “Tất cả các sắc màu đều ở ngoài thế gian này,” cô bé nói, miêu tả thiên đường. “Có hàng trăm triệu màu sắc khác mà chúng ta chưa biết đến.”

Người kể chuyện tiếp tục kể rằng mẹ của Akiane là một người vô thần và khái niệm về Chúa trời chưa bao giờ được nhắc đến trong gia đình họ. Gia đình này không xem tivi, và Akiane không tham dự bất kì lớp học mẫu giáo nào. Thế nên khi cô bé bắt đầu kể những câu chuyện về thiên đường, rồi thể hiện những điều này đầu tiên bằng cách phác họa rồi đến vẽ tranh, mẹ cô bé biết rằng Akiane không thể nghe về nhưng điều này từ một người nào khác. Dần dần, mẹ cô bắt đầu chấp nhận rằng những gì Akiane nhìn thấy là thật, và vì thế, Chúa Trời là có thật.

“Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa biết Người đặt con cái của chúng ta vào nơi đâu, trong mỗi gia đình,” bà Kramarik nói.

Tôi nhớ những gì Chúa Giêsu nói với các môn đệ một ngày nọ khi họ đang cố ngăn mấy đứa trẻ làm phiền Ngài: “Cứ để trẻ em đến với Thầy.” 3

Tôi lưu ý trong đầu cho các bài giảng trong tương lai rằng: câu chuyện của Akiane cho thấy Chúa có thể đến với bất cứ ai, bất kỳ nơi đâu, ở bất kỳ độ tuổi nào – thậm chí một bé gái tuổi mẫu giáo trong một gia đình nơi tên Ngài chưa từng được nhắc đến.

Nhưng đó không phải là bài học Chúa cho tôi vào ngày hôm đó.

Khi tôi xem đoạn phim những tác phẩm của Akiane chạy lần lượt trên màn hình vi tính, người dẫn truyện nói, “Akiane miêu tả về Chúa sống động như khi cô bé vẽ.”

Đến lúc đó, một bức chân dung cận cảnh hình gương mặt của Chúa Ki-tô hiện lên màn hình. Cũng giống như những hình tôi vừa xem, nhưng lần này, có thể nói, là hình Chúa Giêsu nhìn thẳng vào “máy ảnh.”

“Ngài thanh khiết,” giọng Akiane vang lên. “Ngài rất nam tính, thật sự mạnh mẽ và to lớn. Và đôi mắt Ngài rất đẹp.”

Chao ôi. Gần ba năm qua từ ca mổ của Colton, và khoảng hai năm rưỡi từ lần đầu tiên thằng bé miêu tả Chúa Giêsu cho tôi vào tối hôm ở dưới tầng hầm. Tôi vô cùng kinh ngạc về sự giống nhau giữa những hồi tưởng của cậu và của Akiane: tất cả màu sắc trên thiên đường… và đặc biệt là mô tả về đôi mắt Chúa Giêsu.

“Và đôi mắt của Ngài,” Colton đã nói. “Ôi, ba ơi, đôi mắt của Ngài thật đẹp!”

Thật là một chi tiết thú vị mà hai trẻ bốn tuổi đều chú ý. Sau khi phóng sự của CNN kết thúc, tôi quay ngược đoạn phim trở lại chỗ bức chân dung thứ hai của Chúa Giêsu, một bức hình sống thực đến mức khiến ta giật mình do Akiane vẽ năm lên 8. Đôi mắt thật sự rất ấn tượng – một màu xanh dương hơi pha màu lục, trong vắt bên dưới cặp chân mày rậm, thẫm màu – với một nửa gương mặt trong bóng tối. Và tôi nhận ra tóc Người ngắn hơn so với hầu hết các họa sĩ đã vẽ. Bộ râu quai nón cũng khác, có chút rậm rạp hơn, tôi không biết nữa… xuề xòa hơn.

Trong số hàng chục bức chân dung Chúa Giêsu mà chúng tôi đã thấy từ năm 2003, Colton vẫn chưa hề thấy được bức nào mà nó cho rằng chính xác cả.

Thế thì , tôi nghĩ, cũng nên xem thằng bé nghĩ gì về công trình của Akiane.

Tôi đứng dậy ở chỗ bàn làm việc và gọi to lên cầu thang kêu Colton xuống tầng hầm.

“Con xuống đây!” Cậu đáp lại.

Colton lao xuống cầu thang và chạy vào văn phòng. “Dạ, gì vậy ba?”

“Xem cái này nhé,” tôi nói, hất hàm về hướng màn hình máy tính. “Bức hình này có gì sai nè?”

Cậu nhìn vào màn hình, và lặng yên một lúc lâu không nói gì.

“Colton?”

Nhưng cậu chỉ đứng đó, nghiền ngẫm. Tôi không hiểu được biểu hiện của cậu.

“Hình này có gì sai nào, Colton?” tôi lặp lại.

Không nói gì.

Tôi thúc vào cánh tay thằng bé. “Colton?”

Cậu bé bảy tuổi quay sang nhìn tôi và nói, “Ba, bức này đúng rồi.”

Sau khi Colton đã loại bỏ bao nhiêu bức hình, cuối cùng, Sonja và tôi cảm thấy trong bức chân dung Akiane vẽ, chúng ta đã thấy được gương mặt Chúa Giêsu. Hoặc ít nhất là một sự tương đồng đáng kinh ngạc.

Chúng tôi khá chắc chắn rằng không có một bức tranh nào có thể nắm bắt được vẻ uy nghi của Chúa Ki-tô sống lại. Nhưng sau ba năm nghiên cứu các tranh về Chúa Giêsu, chúng tôi biết là bức hình do Akiane thể hiện không chỉ khác với các bức tranh kinh điển vẽ Chúa Giêsu, mà còn là bức hình duy nhất từng khiến Colton phải sững người. Sonja và tôi nghĩ thật thú vị là khi thằng bé trả lời, “Bức hình này đúng rồi”, thằng bé không biết là bức chân dung đó, tên Hoàng tử Hòa Bình: Sự Phục Sinh, do một bé gái khác vẽ – một đứa trẻ cũng khẳng định đã đến thăm thiên đường.

Cuối cùng việc có được khái niệm về diện mạo của Chúa Giêsu không chỉ là điều thú vị duy nhất từ chuyến đi của chúng tôi đến Mountain View Wesleyan. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi nhận ra cuộc gặp gỡ của Colton với người chị gái trên thiên đường có thể ảnh hưởng đến người trần.

Sau buổi lễ tối hôm đó vào tháng 1 năm 2007, một bà mẹ trẻ đến gặp tôi, mắt rơm rớm lệ.

“Tôi mất một đứa con,” cô nói. “Cháu nó chết non. Con của ông có thể nào biết được con tôi có trên thiên đường không?”

Người phụ nữ nói với giọng run run, và người cô cũng run run. Tôi nghĩ, Ôi Chúa ơi, con là ai mà có thể trả lời câu hỏi này đây?

Colton đã nói có nhiều, rất nhiều trẻ em trên thiên đường. Nhưng chẳng nhẽ tôi đến hỏi thằng bé rằng nó có thấy đứa con của người phụ nữ nào ở đó không. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn bỏ mặc cô ấy với cơn buồn đau này.

Vừa lúc đó, một cậu bé chừng 6, 7 tuổi đến đứng bên cạnh người phụ nữ đó, níu lấy váy cô. Và một câu trả lời nảy ra trong đầu tôi.

“Thưa cô, cô có tin là Chúa yêu tôi không?” Tôi nói.

Cô chớp mắt làm ráo lệ. “À… có.”

“Vậy cô có tin Ngài yêu cô cũng giống như Ngài yêu tôi không?”

“Vâng. Vâng, tôi tin.”

Rồi tôi gật đầu với đứa con trai nhỏ bên cạnh cô. “Cô có tin rằng Chúa yêu con trai cô cũng như Ngài yêu Colton?”

Cô ngừng một chút để suy nghĩ về câu hỏi này, rồi trả lời, “Vâng, dĩ nhiên rồi.”

“Vậy thì, nếu cô tin Chúa yêu cô như Ngài yêu tôi, và cô tin rằng Ngài yêu đứa con trai cô đang có như yêu con trai của tôi, sao cô lại không tin rằng Ngài yêu đứa con chưa được sinh của cô như người yêu đứa con đồng cảnh ngộ đó của tôi?”

Đột nhiên, người phụ nữ không run rẩy nữa và mỉm cười. “Tôi chưa bao giờ nghĩ theo hướng đó.”

Tôi cầu nguyện cám ơn Chúa Thánh thần, Người rõ ràng đã “đổ quyền năng xuống”, cho tôi câu trả lời dành cho người phụ nữ đau khổ này, vì tôi có thể cho bạn biết ngay bây giờ, bản thân tôi cũng không đủ thông minh để tự suy nghĩ ra điều đó.

Đó không phải là lần cuối cùng câu chuyện của Colton đặt tôi hoặc Sonja vào vị trí phải trả lời một số câu hỏi lạ thường. Nhưng đôi khi, những người đã có cùng trải nghiệm này với chúng tôi tự bản thân họ đã trả lời được một số câu hỏi cho mình.

Như tôi có nhắc đến trước đây, trước khi chúng tôi được xuất viện ở North Platte, các y tá cứ chạy ra chạy vào phòng của Colton. Trước đó, khi các y tá đến phòng chúng tôi, họ kiểm tra thằng bé và ghi chép. Lúc này, họ đến chẳng với mục đích y khoa nào cả – chỉ trộm nhìn cậu trai nhỏ, mà chỉ mới 2 ngày trước, họ không còn khả năng chạy chữa thế mà bây giờ, đang ngồi trên giường, trò chuyện huyên thuyên và chơi đùa với chú sư tử nhồi bông mới. Trong suốt thời gian đó, một trong số các y tá kéo tôi qua một bên. “Ông Burpo, tôi có thể nói chuyện với ông một chút được không?”

“Được chứ,” tôi nói.

Cô chỉ vào một căn phòng đối diện phòng Colton. “Vào đây nhé.”

Tự hỏi không biết có chuyện gì và theo cô vào một phòng có vẻ như là phòng giải lao nhỏ. Cô khép cánh cửa sau lưng chúng tôi và quay lại đối diện tôi. Đôi mắt cô có một tia nhìn sâu thẳm, như thể một điều mới mẻ vừa nảy đến trong cô.

“Ông Burpo, tôi đã làm y tá nhiều năm,” cô nói. “Tôi không được nói với ông điều này, nhưng chúng tôi được bảo là không được nói với gia đình ông bất cứ một lời động viên nào. Họ không nghĩ là Colton có thể qua khỏi. Và khi họ nói với chúng tôi người nào không thể qua khỏi, thì người đó không thể.”

Cô có vẻ ngập ngừng một hồi rồi tiếp tục. “Nhưng nhìn thấy con trai ông như ngày hôm nay, quả là một phép lạ. Chắc hẳn phải có một Đức Chúa Trời, vì đây là một phép lạ.”

Tôi cám ơn cô vì đã chia sẻ với tôi, rồi nói, “Tôi muốn cô biết rằng chúng tôi tin đây chính là do Chúa Trời. Giáo xứ chỗ chúng tôi tập trung lại và cầu nguyện cho Colton tối hôm qua, và chúng tôi tin rằng Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của chúng tôi.”

Cô y tá nhìn xuống sàn một lúc, rồi nhìn tôi và mỉm cười. “À, tôi chỉ muốn cho ông biết vậy thôi.”

Rồi cô bỏ đi. Tôi nghĩ có thể cô không muốn nghe một mục sư giảng đạo. Nhưng sự thật là, cô không cần một bài giảng – cô đã nhìn thấy rồi đó.

Nói về trải nghiệm của Colton trên thiên đường, người ta nói với chúng tôi rằng “Gia đình anh chị thật đầy ơn phúc!”

Nói theo nghĩa chúng tôi đã nhìn xuyên qua tấm màn ngăn cách trần gian với cõi vĩnh hằng, thì họ đúng.

Nhưng tôi cũng nghĩ. Đầy ơn phúc ư? Chúng tôi đã chứng kiến con mình suýt chết.

Nói về thiên đường, về Ngai Chúa Trời và Chúa Giêsu, và ông cố và đứa con gái chúng tôi những tưởng đã mất đi nhưng một ngày nào đó sẽ được gặp lại thì vui thật. Nhưng không vui chút nào khi kể về chặng đường chúng tôi đã trải qua. Hồi tưởng lại những ngày kinh hoàng khi chứng kiến Colton đánh đu giữa sự sống – cái chết, vợ chồng tôi vẫn rơi nước mắt. Đến ngày hôm nay, câu chuyện kỳ diệu về chuyến đi của cậu bé lên thiên đường và chuyện chúng tôi suýt mất đi đứa con trai vẫn là cùng một sự kiện sống động không phai đối với chúng tôi.

Khi còn bé, tôi luôn tự hỏi vì sao thánh giá, nhục hình của chúa Giêsu, lại là một sự kiện lớn như vậy. Nếu Đức Chúa Cha biết Ngài sẽ làm cho Con Ngài trỗi dậy từ cõi chết, thì làm sao gọi đó là hy sinh? Nhưng giờ tôi hiểu vì sao Chúa không xem Phục Sinh như một nước cờ tàn, chỉ một ngôi mộ trống không. Tôi hiểu hoàn toàn. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì, bất cứ điều gì để chấm dứt sự đau đớn của Colton, ngay cả phải đổi vị trí với thằng bé.

Kinh thánh nói rằng khi Chúa Giêsu lìa trần, khi Người gục xuống, chết trên thập giá, Đức Chúa Cha quay lưng lại. Tôi chắc chắn rằng Ngài làm thế vì nếu tiếp tục nhìn, Ngài không thể vượt qua được.

Đôi khi, người ta hỏi “Vì sao lại là Colton? Anh nghĩ vì sao việc này lại xảy đến với gia đình anh?” Tôi phải trả lời không chỉ một lần, “Này, chúng tôi chỉ là những con người bình thường ở một thị trấn nghèo ở Nebraska. Chúng tôi chỉ có thể kể cho bạn nghe những gì đã xảy ra với chúng tôi và hy vọng bạn sẽ cảm thấy được khích lệ, giống như cô y tá ở North Platte, người có lẽ cần phải nhìn thấy phép lạ để tin rằng có một Đấng cao cả hơn chúng ta. Hoặc người phụ nữ ở Mountain View Weslyan, người cần một tia hy vọng để giúp cô vượt qua nỗi đau. Hoặc Sonja, người cần sự an ủi để nguôi ngoai vết thương làm mẹ của mình. Hoặc như mẹ tôi, người sau hai mươi tám năm băn khoăn, cuối cùng cũng biết được một ngày nào đó, bà sẽ gặp lại cha mình.”

Khi bạn đọc Khải huyền và các bài giảng kinh thánh khác về thiên đường, mọi chuyện như là những mảnh nhỏ. Là một mục sư, tôi luôn tỉnh táo với những gì tôi chia sẻ về thiên đường từ trên bục giảng, và giờ vẫn thế. Tôi dạy những gì có trong Thánh kinh.

Vì có nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời, tôi không dành nhiều thời gian suy nghĩ về thiên đường ở mức độ cá nhân. Nhưng giờ thì tôi làm điều đó. Sonja và tôi cùng suy nghĩ, và tôi nghe nhiều người nói rằng chuyện của Colton khiến họ suy nghĩ nhiều hơn về thiên đường. Chúng tôi vẫn chưa có tất cả đáp án – còn lâu lắm. Nhưng giờ chúng tôi có một bức tranh trong đầu, một bức tranh chúng tôi có thể ngắm nhìn và trầm trồ, “Ôi chao!”

Tôi thích lời mẹ tôi đúc kết chuyện này: “Từ khi xảy ra việc này,” bà bảo tôi, “mẹ nghĩ nhiều hơn về quang cảnh thiên đường. Trước đây mẹ đã chấp nhận khái niệm thiên đường, nhưng giờ mẹ mường tượng ra được. Trước đây, mẹ đã nghe, nhưng giờ đây mẹ biết rằng một ngày nào đó mẹ sẽ thấy.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.